Nhận thức về sự vô thường giúp tôi cân bằng trong cuộc sống
Cuộc trò chuyện giữa Giáo sư Toán học Ngô Bảo Châu với Thượng Tọa Thích Nhật Từ khá thú vị cho ta thấy một phần nào đời sống và suy nghĩ của Giáo sư với đạo Phật.
TT Thích Nhật Từ: Sau khi được bổ nhiệm là giám đốc khoa học của Viện nghiên cứu cao cấp về Toán và làm việc tại Việt Nam. Với cương vị này, trách nhiệm và chiến lược của GS trong việc phát triển toán học tại nước nhà ra sao?
Giáo sư Ngô Bảo Châu: Vâng thưa thầy, Viện nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) đã có những hoạt động khoa học đầu tiên. Bên cạnh việc cùng nhau tìm hiểu một số vấn đề toán học ít được nghiên cứu ở Việt Nam, chúng tôi cố gắng tạo ra một nếp làm việc cho những hoạt động khoa học khác của VIASM sau này. Tất nhiên là vạn sự khởi đầu nan, nhưng tôi rất hy vọng VIASM sẽ là một nguồn sức sống mới cho toán học Việt Nam.
- Giáo sư có phải là Phật tử? Việc tìm hiểu về đạo Phật của Giáo sư thế nào?
- Gia đình tôi theo Phật, nhưng tôi không phải là Phật tử theo nghĩa toàn vẹn nhất, mặc dù có lẽ văn hóa Phật giáo có thấm sâu vào con người tôi như nhiều người Việt Nam khác.
- Đạo Phật đã ảnh hưởng thế nào đối với cuộc sống của Giáo sư?
- Có lẽ đó là sự nhận thức sâu sắc về giá trị của cuộc sống của con người cũng như của mọi sinh linh từ đó dẫn đến sự trân trọng cuộc sống của người khác và của chính mình.
Có lẽ đó còn là một thái độ tương đối bình thản trước mọi biến cố của cuộc sống. Thường thì người ta đạt được sự bình thản này sau khi một phần lớn của đời mình đã trôi qua, văn hóa Phật giáo có thể giúp ta bình thản ngay cả khi một phần lớn của cuộc đời có lẽ còn ở phía trước.
Có lẽ sự nhận thức về tính vô thường của thế giới và của cả con người đã giúp tôi rất nhiều để có một sự cân bằng trong cuộc sống. Một bên ta không thể buông xuôi trách nhiệm với xã hội, với những người thân thiết, với bản thân mình, một bên ta vẫn hiểu rằng cái quan trọng ngày hôm nay, ngày mai có thể sẽ không còn quan trọng nữa.
- Giáo sư đã từng đọc kinh Phật? Nếu có thì đó là kinh gì? Ảnh hưởng của bài kinh đó đối với cuộc sống của Giáo sư thế nào?
- Tôi được đọc kinh Phật mỗi lần đến thăm bà ngoại tôi. Ngoại tôi tụng kinh hàng ngày. Khi còn là sinh viên tôi có đọc một số sách về lịch sử Phật giáo.
Trải nghiệm quan trọng nhất của tôi với Phật giáo là lần đi thăm di tích Ajanta bên Ấn Độ. Đó là những hang đá nơi những người tu hành đã sống từ thế kỷ thứ sáu. Những bức bích họa rất lớn trên vách hang miêu tả cuộc đời của Thích Ca Mâu Ni đã làm tôi xúc động đến ứa nước mắt.
- Là một nhà khoa học toán, giáo sư đánh giá thế nào về các điều minh triết Phật dạy về con người và vũ trụ?
- Triết lý Phật giáo cho con người một nhân sinh quan rộng rãi, giải phóng nhiều định kiến. Đấy là một tố chất cơ bản của nhà khoa học.
Có những nhà khoa học có uy tín đi tìm những điểm chung giữa triết lý tôn giáo trong đó có Phật giáo và Cơ đốc giáo và khoa học hiện đại. Cá nhân tôi thấy những cố gắng này có phần khiên cưỡng.
- Khi tự đặt cho mình biệt hiệu “Hòa thượng Thích Học Toán” hẳn giáo sư đã thể hiện phần nào thiện cảm với Phật giáo, cụ thể hơn là tu sĩ Phật giáo? Ý tưởng của việc chơi chữ này là gì?
- Công việc nghiên cứu khoa học có nhiều điểm chung với cuộc sống của những nhà tu hành. Nghiên cứu khoa học cơ bản cũng có tính thoát ly khỏi cuộc sống trần tục. Tôi chọn biệt danh “Hòa thượng Thích Học Toán” để cho trò chuyện toán học trên blog được thân thiện hơn, để câu chuyện toán học thoát ra khỏi hình thức phổ biến khoa học. Sau khi một số Phật tử có nhắn với tôi không nên đùa với chức danh Hòa thượng, tôi cũng không dùng nó nữa. Tôi cũng không có ý tạo thêm những sự bực bội không cần thiết.
- Là người sống và làm việc tại Pháp, trung tâm của văn minh châu Âu và hiện nay giảng dạy tại đại học Chicago, Hoa Kỳ, giáo sư có suy nghĩ gì về mô hình giáo dục đại học Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa?
- Có một khoảng cách khá lớn về chất lượng giữa giáo dục đại học ở Việt Nam và ở các nước phát triển. Cái cần và khó là tìm ra giải pháp. Có lẽ giải pháp tốt nhất là để cho mỗi ngôi trường, mỗi người thầy tìm ra giải pháp riêng cho mình. Nói cách khác là trường đại học và các giáo sư đại học cần được chủ động hơn trong chương trình và qui chế tuyển sinh.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần làm thêm nhiều điều tra để so sách chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa các trường để dựa vào đó mà có chính sách đầu tư hỗ trợ.
Những thông tin này cũng cần được công bố rộng rãi để học sinh, sinh viên cũng như phụ huynh có thông tin chính xác hơn cho việc chọn trường học. Việc tăng tính chủ động cho những người trực tiếp làm công việc đào tạo và nghiên cứu có thể dẫn đến bất cập ở chỗ này chỗ khác, nhưng tôi tin vào khả năng tự điều chỉnh của cuộc sống.
- Là người lập gia đình và có con ở tuổi đôi mươi, đâu là bí quyết duy trì “hạnh phúc gia đình” của Giáo sư sau gần 20 năm chung sống?
- Thưa thầy, cuộc sống gia đình nào cũng có lúc sóng gió. Để sống với nhau, mỗi người cần hiểu những người mình yêu để mà sống vui với chính con người họ. Mỗi gia đình còn có một động lực rất lớn để tồn tại đó là con cái và việc nuôi dưỡng, giáo dục con cái.
- Trong Phật giáo có mùa báo hiếu công ân sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ như hai vị Phật trong nhà, Gs có thể chia sẻ vài kỷ niệm đẹp mà hai đấng sinh thành đã dành cho Giáo sư thời trẻ?
- Cha mẹ tôi luôn dành hết cho tôi mọi sự yêu thương, ưu tiên việc nuôi dưỡng giáo tục tôi hơn tất cả. Vợ chồng tôi cũng cố gắng làm như vậy với các con, nhưng chắc chắn là không thể được như ông bà.
Khi còn nhỏ, mẹ tôi dậy tôi rằng xấu nhất là nói dối. Bây giờ tôi vẫn tin và cũng dậy các con tôi như thế.
- Với vai trò làm cha của ba đứa con hiếu thảo và thành công, xin Giáo sư chia sẻ kinh nghiệm làm cha của mình?
- Tôi không nghĩ các con tôi đặc biệt thành công hoặc là mình là một người bố kiểu mẫu để có thể tự tin chia sẻ kinh nghiệm với người khác. Công việc bận rộn không cho tôi có nhiều thời gian để gần gũi với con cái như tôi mong muốn mà thời gian là cái mà trẻ nhỏ cần nhất ở cha mẹ.
Có lẽ người lớn nên bớt thời gian xem TV, lướt web, tụ tập bạn bè để có thêm thời gian chơi với con, học với con, cùng đọc sách với con. Những cái đó có ích cho trẻ hơn là việc bỏ tiền ra cho con đi học thêm hay những khóa rèn luyện “kỹ năng sống”.
- Theo Giáo sư, hạnh phúc là gì? Và đâu là cách thức giáo sư giữ gìn và phát triển hạnh phúc có được?
- Đối với tôi, cái hạnh phúc lớn nhất là cảm giác mình đang sống. Cảm giác đó bao gồm cả vị ngọt và vị đắng. Nó xuất phát quan hệ với những người thân thiết, bạn bè, công việc và xã hội, từ miếng cơm ta ăn, từ miếng nước ta uống, từ không khí ta đang thở.
Để có hạnh phúc, có lẽ không có cách nào khác là yêu cuộc sống như chính nó. Để bất hạnh, có lẽ không có cách nào tốt hơn là đi đuổi theo những ảo ảnh.
- Theo Giáo sư, “để sống một cuộc sống có ý nghĩa,” người ta phải làm gì?
- Tôi e mình không đủ thông tuệ để trả lời câu hỏi này của thầy một cách đầy đủ. Phần nhỏ của câu trả lời mà tôi biết là để sống một cuộc sống có ý nghĩa, ta nên tránh làm những việc vô nghĩa.
Giáo sư Ngô Bảo Châu:
Để có hạnh phúc, có lẽ không có cách nào khác là yêu cuộc sống như chính nó.
Để bất hạnh, có lẽ không có cách nào tốt hơn là đi đuổi theo những ảo ảnh.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Người Thầy dị nhân: Thành tựu kép từ năng lượng yêu thương và kỷ cương
Gieo mầm thiện 21:52 18/11/2024Phật giáo có câu: "Cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp", "Cứu một mạng người, phúc đẳng hà sa". Câu chuyện về Tiến sĩ Phan Quốc Việt – người thầy được mệnh danh là "dị nhân" – chính là minh chứng sống động cho triết lý này.
Bếp ăn miễn phí dành cho học sinh nghèo
Gieo mầm thiện 14:11 14/11/2024Suốt 6 năm qua, bất kỳ học sinh nào đến bếp ăn 0 đồng tại ấp Sơn Phú 2A, xã Tân Thành, TP.Ngã Bảy (Hậu Giang), đều được tiếp đón tận tình.
Người đàn ông 60 tuổi chạy bộ 10km mỗi ngày, ăn chay trường, hiến máu 348 lần
Gieo mầm thiện 10:18 08/11/2024Người đàn ông 60 tuổi đã duy trì thói quen chạy bộ 10km vào mỗi sáng hơn 20 năm. Ông được nhiều người ngưỡng mộ vì sự chăm chỉ và nỗ lực hiến máu cứu người.
Diễn viên Việt Trinh mong muốn được hiến xác cho y học
Gieo mầm thiện 11:00 05/11/2024Trước đó, Việt Trinh hoàn thành thủ tục đăng ký hiến tạng vào tháng 4/2019 tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Xem thêm