Những ai được gọi là Phật tử?
Không phải cứ ngày rằm mùng 1 đi chùa lễ Phật để cầu phúc, xin tài lộc thì trở thành Phật tử, vậy Phật tử là những ai?
Nhiều người tự xưng là Phật tử mà không tìm hiểu đạo Phật, không biết giáo lý, chỉ đến chùa chiền vào các ngày lễ hoặc khi cần cầu xin tài lộc, công danh, hóa giải hoạn nạn…Họ thắp hương lễ Phật không phải để cầu cho mình có thể nỗ lực vượt qua các trở ngại trong con đường thực hành từ bi hỷ xả như Phật dạy mà để cầu buôn may bán đắt, khỏi bệnh tật tai ách, thăng quan tiến chức, thi đỗ…
Vậy thế nào là Phật tử?
Phật tử là những người đã trải qua lễ quy y Tam bảo (quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tăng), nhận Tam bảo là thầy.
“Con về nương tựa Phật, người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời. Con về nương tựa Pháp, con đường của tình thương và sự hiểu biết. Con về nương tựa Tăng, đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức”, là điều các Phật tử thề nguyện khi quy y.
Sau lễ quy y, Phật tử được đặt cho một pháp danh – biểu tượng chính thức của Phật tử, cho thấy sự chấp nhận nương tựa vào Tam bảo về mặt tinh thần. Việc tự đặt pháp danh hoặc được ông thầy nào đó cao hứng “tặng” pháp danh mà không hề quy y Tam bảo là không đúng giới luật.
Trong các Phật tử có những Phật tử tại gia, những người vẫn giữ cuộc sống đời thường nhưng thực hành tu tập cho tâm tính thiện lành hơn, cố gắng giảm bớt tham, sân, si, tập sống theo những giới hạnh đạo đức như lời khuyên dạy của Đức Phật. Những người tu tập tại gia chiếm tỷ lệ lớn nhất trong các Phật tử. Họ vẫn có thể lập gia đình, tạo dựng sự nghiệp, sản nghiệp riêng như mọi người.
Một số Phật tử khác có tâm nguyện cao hơn, chấp nhận rời bỏ cuộc sống thế tục để dành toàn tâm toàn ý cho việc tu tập theo con đường của Đức Phật để được giác ngộ và giải thoát sớm hơn. Họ xuất gia, trở thành tu sĩ, gia nhập vào Tăng đoàn (nam) hoặc Ni đoàn (nữ).
Như vậy, Phật tử đúng nghĩa là những người chấp nhận sự hướng dẫn của chư Phật, của giáo pháp và chư tăng ni để hướng đến sự giác ngộ, giải thoát, và thực hành theo sự hướng dẫn đó; chứ không phải cứ chăm chỉ lên chùa làm lễ thì được gọi là Phật tử.
Phật tử là danh từ chỉ những người con Phật, các đệ tử Phật nói chung (bốn chúng Tăng, Ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ). Thế nên có hàng Phật tử, đệ tử Phật xuất gia (Tăng, Ni) và hàng Phật tử, đệ tử Phật tại gia (nam nữ cư sĩ). Còn cư sĩ là danh từ chỉ riêng các Phật tử tại gia, khác biệt với Tăng sĩ (Tăng, Ni) là các Phật tử xuất gia.
Trong văn bản hành chính của Giáo hội hiện hành, các Phật tử tại gia tham gia Giáo hội được gọi là cư sĩ (ví dụ cư sĩ C thay vì gọi ông C hoặc bà C), còn lại gọi chung tất cả nam nữ cư sĩ là Phật tử. Chúng ta hiện dùng các từ: Phật tử (đồng bào Phật tử, nam nữ Phật tử), cư sĩ (nam nữ cư sĩ), cư sĩ Phật tử (Hiến chương GHPGVN/Bản tu chỉnh lần thứ 5). Tùy theo ngữ cảnh mà Phật tử và cư sĩ có nghĩa giống hoặc khác nhau, tùy theo văn bản hành chính hay văn nói thông thường mà sử dụng danh từ cư sĩ hay Phật tử.
Quy y có nghĩa là gì?
“Quy” có nghĩa là trở về, theo về. “Y” có nghĩa là nương tựa, nương nhờ, thuận theo. Đối với Phật tử, quy y có nghĩa là trở về nương tựa giáo pháp của Phật.
Vậy quy y Tam bảo là gì? Tam Bảo gồm Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo. Phật bảo là chư Phật trong quá khứ, hiện tại, tương lai. Pháp bảo là giáo pháp (3 tạng kinh điển gồm Kinh tạng, Luật tạng, Luận tạng). Tăng bảo là chư tăng ni tu hành thanh tịnh, đại diện cho chư hiền thánh tăng để hướng dẫn Phật tử trên con đường đến bờ giác.
Đạo Phật quan niệm, để thoát khỏi nỗi khổ luân hồi vô tận, chúng sinh phải ra khỏi mê lầm, hiểu được và trở về với bản thể chân thật của chính mình bằng cách dần rời bỏ tham, sân, si để hướng về Giới, Định, Huệ. Để giúp chúng sinh đi đến cái đích đó, Phật đặt ra các giới luật cho Phật tử vâng theo, từ đó bớt chạy theo dục vọng, tâm trở nên trong sáng hơn, vị tha hơn, tâm trí sáng suốt hơn, có định lực tiến đến giác ngộ.
Sau khi quy y Tam bảo, Phật tử cần cố gắng tuân thủ 5 giới, gồm: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không uống rượu và các chất gây say sưa, không nói dối, vu cáo, thêm bớt thêu dệt…
Trên thực tế, việc giữ trọn vẹn 5 giới trên rất khó. Bởi thế, đức Phật từ bi khuyến khích tất cả Phật tử giữ càng nhiều giới càng tốt và cho phép tùy thuộc vào từng hoàn cảnh, điều kiện mà đưa ra lời phát nguyện giữ được bao nhiêu giới. Đã là Phật tử quy y thì ít nhất cũng cần giữ được 2 trong số 5 giới này. Việc giữ giới cũng phải rèn từ từ theo thời gian mà tăng dần về số lượng, cấp độ.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thân và tâm chính là cánh cửa để người học Phật bước vào chân lý
Kiến thức 17:05 22/11/2024Người học Phật phải lấy thân này làm nơi để thực hành giới, lấy tâm này làm nơi để thực tập định và tuệ. Khi thân và tâm được thanh lọc qua quá trình thực hành, thì người học Phật cũng từng bước đi đến sự giác ngộ và giải thoát.
Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?
Kiến thức 10:00 22/11/2024Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?
Bố thí sinh phiền não
Kiến thức 09:32 22/11/2024Thuở xưa, khi mà Ngài Xá-lợi-phất đang tu Bồ-tát đạo, công phu tu tập chưa được vững. Một hôm có người Bà-la-môn đến thử Ngài. Họ nói: - Người tu hạnh Bồ-tát cần phải bố thí. Tôi nay có chút việc đến xin Ngài giúp cho.
Tâm là gì?
Kiến thức 09:16 22/11/2024Trong chữ Hán, chữ (心) được mô tả bằng bốn câu thơ như sau: “Tam điểm như tinh tượng/ Hoành câu tợ nguyệt tà/ Phi mao tùng thử đắc/ Tố Phật dã do tha”.
Xem thêm