Tiến trình tu tập của người Phật tử
Tất cả ngàn kinh muôn luận của nhà Phật đều cùng có một mục tiêu khuyên nhủ người đời: Không làm các điều ác. Siêng làm các điều lành. Tự thanh tịnh hoá tâm ý, chấm dứt sự chạy nhẩy liên miên của ý thức. (Chư ác mạc tác, Chúng thiện phụng hành, Tự tịnh kỳ ý).
Không làm các điều ác và siêng làm các điều lành là mục tiêu chung của hầu hết các tôn giáo và các bài học công dân giáo dục của các nước trên thế giới. Duy có điều thứ ba, tự thanh tịnh hoá tâm ý, chấm dứt sự suy nghĩ miên man của ý thức, là cốt tủy của đạo Phật, là mục tiêu tối thượng của hành giả tu Phật. Giai đoạn này thường chỉ dành riêng cho những người quyết tâm tu hành để giải thoát, chấm dứt vòng luân hồi ngay trong kiếp sống hiện tại. Đó là những vị Sư cắt ái ly gia hay có thể là bất cứ ai tự mình tới những nơi thanh vắng, xa lánh sự ồn ào náo nhiệt của thế nhân. Các vị này ẩn tu như vậy nhiều khi hàng chục năm ròng rã, rất ít tiếp xúc với người đời.
Ngoài ra, cũng có những khóa tu theo phương pháp này, nhưng chỉ kéo dài khoảng một vài tuần, để thiền giả tập cho quen dần với nếp sống xuất gia, sống trong chính niệm, tỉnh thức, không để cho tâm đuổi theo tư tưởng lưu chuyển. Đây là những khóa tu ngắn hạn, hay còn gọi là những khoá tĩnh tâm(retreat) dành cho những người bận rộn với đời sống có cơ hội thư giãn tâm trí. (xem chương 12 để biết một số trung tâm tu học)
Giáo lý nhà Phật quy ra thành năm bước đường tu tập như sau:
Thứ nhất - Nhân Thừa: là bước đầu, để chuyển hóa từ người xấu trở thành người tốt. Người tu Nhân Thừa phải thọ Tam Quy Y (là ba nơi nương tựa về tinh thần tức Phật, Pháp và Tăng), và giữ gìn Năm Giới Cấm. (1) Cấm sát sinh (2) Cấm trộm cắp (3) Cấm tà dâm (4) Cấm nói dối trá, cấm nói những lời độc ác (5) Cấm uống rượu và những chất làm cho say sưa, mất lý trí.
Thứ hai - Thiên Thừa: là bước tu tập cao hơn, phải thực hành mười điều thiện: (1) Không giết hại chúng sinh mà phóng sinh, đồng thời không ăn thịt để tránh gián tiếp làm cho chúng sinh phải chết. (2) Không trộm cắp mà còn đem của cải của mình bố thí cho người nghèo khốn. (3) Không dâm đãng, trụy lạc. (4) Không dối trá (5) Không thêu dệt, bịa chuyện, đặt điều, chỉ nói đúng những điều có thật. (6) Không nói những lời độc ác, thô tục, lăng mạ người khác. (7) Không thêu dệt để gây mâu thuẫn giữa những người khác. (8) Không tham lam mà sống trong sự tri túc (biết đủ) (9) Không giận dữ mà luôn luôn hoà nhã, bình tĩnh (10) Không si mê mà hành động hợp đạo lý.
Hai giai đoạn tu theo Nhân Thừa và Thiên Thừa kể trên có mục đích chuyển hóa dòng nghiệp lực, sẽ được hưởng thiện báo trong thế giới tương đối.
Thứ ba - Thanh Văn Thừa: là những người thấu hiểu giáo lý nhà Phật qua sự lãnh hội được ý nghĩacủa Tứ Diệu Đế, nghĩa là Bốn Chân Lý Cao Quý, do đức Phật thuyết. Hành giả thành công trong giai đoạn tu tập này chứng được cảnh giới Niết Bàn tịch tĩnh.
Thứ tư - Duyên Giác Thừa, là hành giả tự tu theo phương pháp quán chiếu Thập Nhị Nhân Duyên, là mười hai giai đoạn liên hệ với nhau mà sinh khởi trong dòng sinh mệnh mà khởi đầu là Vô Minh. Do quán chiếu sâu xa, cuối cùng hành giả bừng tỉnh, Ngộ ra rằng tất cả thế giới hiện tượng này chỉ tồn tạitương đối, do tương tác với nhau, bản chất của nó là Không, là Vô Ngã. Từ sự giác ngộ này, hành giả chấm dứt được những suy tư mê lầm về một thế giới tưởng như là có thật, buông xả được những dính mắc vào cái xưa nay vẫn cho là Tự Ngã, giải thoát khỏi tham sân và si, chứng được cảnh giới Niết Bàn tịch tĩnh.
Thứ năm - Bồ Tát Thừa, cũng là những người tu với mục đích giải thoát nhưng khác với Thanh Vănvà Duyên Giác Thừa. Hành giả Thanh Văn và Duyên Giác Thừa thì mục tiêu là đạt được cảnh giới tâm Niết Bàn tịch tĩnh. Hành giả Bồ Tát Thừa có nhận thức rằng tất cả chúng sinh và bản thân mình vốn đồng Thể Tánh, cho nên hành giả Bồ Tát Thừa lập hạnh nguyện tu hành để mình giác ngộ, nhưng không an trú trong cảnh giới Niết Bàn tịch tĩnh, mà tiếp tục vì Nguyện Lực mà trở lại thế gian để cứu độtất cả chúng sinh, vốn đồng Thể với mình, gọi là Đồng Thể Đại Bi. Bồ Tát Thừa đi trên con đường Lục Độ Ba La Mật, tiếng Phạn là paramita, nghĩa là rốt ráo, qua luôn. Tất cả những pháp môn tu như Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Thiền Định và Trí Tuệ đều được người tu theo hạnh nguyện Bồ Tát hành trì với tâm nguyện Tam Luân Thể Không, có nghĩa làm xong là buông xả ngay, không còn vướng trong tâm, thí dụ Bố Thí Ba La Mật thì người bố thí không thấy rằng có mình đang bố thí (sợ sinh tâm kiêu ngạo), không thấy có vật bố thí là nhiều hay ít (sợ sinh tâm khoe khoang) và không thấy có người nhận của bố thí (sợ sinh tâm ơn nghĩa).
Tóm lại, nhà Phật có tới bốn vạn tám ngàn pháp môn tu, để tương ưng với rất nhiều tâm thức, căn cơ khác nhau. Không phải là tất cả mọi người đều có thể vào nơi vắng vẻ tu giải thoát. Trên con đường tu tập để đến đích, có những bước gần gũi, thiết thực với đời sống hằng ngày hơn. Con đường Bồ Tát Đạo là cánh cửa để những người có tấm lòng vị tha hành đạo. Vua A Dục bên xứ Ấn hay các vị vua đời Lý, Trần của Việt Nam khi xưa trong khi vẫn đang làm vua mà vẫn hành đạo tuyệt vời. Rất nhiều công trình hộ pháp của nhà vua còn được tuyên dương cho tới ngày nay. Vua Lương Võ Đế, thái tử Lương Chiêu Minh bên Trung Hoa và vua Trần Nhân Tông Việt Nam cũng là những bậc hộ pháp tận tụy và thâm hiểu kinh điển. Nhà Phật tin rằng có rất nhiều vị Bồ Tát đã chứng đạo, nhưng vì lập hạnh nguyện Đại Bi, các vị ấy xuất hiện trong thế giới tương đối này, làm đủ mọi ngành nghề, hoặc sinh sống trong những môi trường khó khăn, để hóa độ và giúp đỡ chúng sinh.
Đức Phật cũng có những kinh dạy Phật tử trong đời sống hằng ngày, vừa sinh sống trong gia đình với cha mẹ con cái, vừa thực hành giáo pháp. Do thực hành Bát Chánh Đạo, người Phật tử làm ăn buôn bán chăm chỉ, có một đời sống lành mạnh sung túc, dành bớt tiền của ra làm những việc tốt đẹp như ấn tống kinh sách để hoằng truyền, hộ trì chánh pháp là pháp thí, cúng dường tam bảo, giúp đỡ mọi người, là tài thí.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Diệu dụng của thần chú Lăng Nghiêm
Kiến thức 10:11 23/12/2024Thần chú Lăng Nghiêm là chú cốt tủy trong Phật giáo, học, trì tụng Chú Lăng Nghiêm là nhân duyên rất lớn của người con Phật.
Thần chú hộ mệnh Angulimala là gì?
Kiến thức 06:10 23/12/2024Thần chú hộ mệnh của mỗi người chính là lòng từ bi của chính người đó. Nếu ta tu tập tâm từ thì trường năng lượng xung quanh ta chính là trường năng lượng hộ mệnh. Trường năng lượng này sẽ bảo hộ ta tránh được rất nhiều tai ương, hoạn nạn.
Chú Lăng Nghiêm: Thần chú uy lực nhất trong Phật giáo
Kiến thức 22:01 22/12/2024Chú Lăng Nghiêm là vua trong các Chú, vì dài nhất và khó nhất trong Phật Giáo. Hầu hết những người xuất gia đi tu, đều phải thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm từ lúc mới xuất gia, hoặc cũng có những người thuộc lòng trước khi xuất gia.
Cách tụng thần chú Dược Sư tại nhà Phật tử nên biết
Kiến thức 15:00 22/12/2024Thần chú là bí mật của Chư Phật. Bạn có nhân duyên với chú nào thì tụng chú ấy. Đừng nay tụng Lăng Nghiêm, mai tụng Đại Bi, mốt tụng Dược Sư…
Xem thêm