Những ân tình trong đời
Vu Lan luôn là một trong những ngày lễ có sức sống văn hóa mãnh liệt nhất, nhắc nhở về hành trình giác ngộ giải thoát, ngày vun bồi truyền thống hiếu kính của ngàn xưa.
Sau những tháng ngày vội vã, con người quay cuồng với cuộc sống mưu sinh, thoáng chốc tiết trời trở nên trầm mặc mang theo không khí se lạnh giao hai mùa hạ – thu, đó cũng là lúc Vu Lan lại về. Một thoáng đổi thay của đất trời, làm nhân thế phải chạnh lòng cô liêu trước những trọng trách còn dở dang, bỏ ngỏ. Vì vậy, trong tâm khảm mỗi người, vào những ngày này, ai ai cũng mang trong mình trái tim thổn thức với những hoài niệm, những cung bậc cảm xúc, những nỗi niềm khi nghĩ về những ân tình trong cuộc đời. Và rồi Vu Lan về, sẽ giúp người làm ấm lại trái tim vơi lạnh, xóa đi một ít phiền muộn, thêm vào lòng chút bình yên sau tháng ngày giông gió. Và Vu Lan về cũng khẽ nhắc rằng, trên con đường đời mỗi người đều được những ân tình kề bên sát cánh, đạo làm người phải khắc ghi và tưởng nhớ đến những ân tình đó mà sống cho trọn vẹn, cho tử tế, trân trọng những gì đang có trong hiện tại, bởi ở đó thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và chứa đựng những hy sinh, mất mát vĩ đại.
Vu Lan - Văn hoá tình người
Vu Lan là một trong những dịp lễ lớn của Phật giáo trong năm, diễn ra vào ngày Rằm tháng 7. Kinh Vu Lan Bồn kể rằng: Xưa kia, Ngài Mục Kiền Liên – đệ tử lớn của Đức Phật, vì muốn cứu mẹ thoát khỏi cảnh khổ, nên nhờ Đức Phật chỉ dạy. Đức Phật dạy Ngài muốn cứu độ mẹ phải thiết lễ trai Tăng nhân ngày Tự tứ, để nương nhờ công đức và hiệu lực chú nguyện của chúng Tăng mới có thể giúp mẹ Ngài thoát khổ. Từ đó về sau, cứ mỗi năm đến Rằm tháng 7, tấm gương hiếu hạnh của Ngài Mục Kiền Liên lại rực sáng và chiếu rọi, đánh thức con người nhớ nghĩ đến công ơn dưỡng dục của hai đấng sinh thành sau những ngày tháng bận rộn mà rơi vào quên lãng.
Trải qua hàng ngàn năm, Vu Lan không còn nằm trong khuôn khổ của một ngày lễ của những người con Phật mà đã để chuyển thành ngày lễ hội “Văn hóa tình người”, một trong những ngày lễ có sức sống văn hóa mãnh liệt nhất trong đời sống tinh thần mỗi người dân. Bởi nó không dừng ở việc các nghi lễ tâm linh truyền thống mà thông qua những nghi lễ này giúp thắp lên ngọn đuốc trí tuệ của tình thương yêu, nâng cao tinh thần hiếu đạo, nhắc nhở con người phải luôn nhớ về nguồn cội của mình, nhớ về những những ân tình nuôi lớn cuộc đời chúng ta. Đó là đó chính là ân cha mẹ nuôi dưỡng sinh thành, ân Sư trưởng soi đường dẫn lối, ân Tổ quốc núi sông muôn đời che chở và ân chúng sinh vạn loại trùng trùng.
Ân Mẹ Cha nuôi dưỡng sinh thành
Cha mẹ thâm ân tợ đất trời,
Nuôi con khó nhọc chẳng đầy vơi,
Mở vòng tay lớn vì con trẻ,
Dắt bước con đi giữa cuộc đời.
Con người có mặt trên cuộc đời này chính là nhờ tinh cha, huyết mẹ. Thâm ân ấy từ ngàn xưa cho đến ngày nay, có ngôn từ nào diễn tả hết tình mẫu tử. Có bia đá nào ghi hết công lao cha. Đức Thế Tôn từng dạy: “Có hai hạng người trả ơn không thể nào được. Thế nào gọi là hai ? Đó là Mẹ và Cha”. Từ lúc còn là giọt máu trong bào thai cho đến những năm tháng ấu thơ, biết bao cay đắng nhọc nhằn, bao gian lao khó nhọc, bao giọt mồ hôi rơi, bao khổ sầu uất hận, cha mẹ nhận hết về mình, để cho con áo ấm cơm no. Tình yêu thương cha mẹ đã thấm sâu vào trong máu thịt và nuôi dưỡng chúng ta lớn khôn theo tháng ngày. Rồi khi con trưởng thành, chập chững vào đời, bay cao với ước mơ cũng là lúc xa rời vòng tay cha mẹ, nhưng tận sâu đáy lòng, các bậc làm cha làm mẹ luôn còn đó những nỗi lòng, trăn trở, không có phút giây nào lại không nghĩ đến con, cho nên Kinh Báo Ân Cha Mẹ dạy: “Mẹ già hơn trăm tuổi, còn thương con tám mươi, ân ái có đoạn chăng, chỉ hơi thở cuối cùng”. Chính ân tình sâu nặng của cha mẹ như vậy mà không có gì có thể sánh được.
Hãy sống với trái tim biết ơn những ân tình
Trong hàng ngàn mối quan hệ trực tiếp lẫn gián tiếp, có những thứ ta đang thọ ơn mỗi ngày mà đôi khi vô tâm không hề hay biết. Đức Phật đã từng dạy trong Kinh Điềm lành tối thượng, người nào sống với tâm niệm biết ơn là một trong các điềm lành tối thượng để tiến bộ trên lộ trình tâm linh. Vì vậy, Vu Lan về, hãy tạm gác lại bao muộn phiền hơn thua của kiếp sống, trở về ngay trong phút giây hiện tại và sống với tâm niệm biết ơn những ân tình, lấy đó làm chất liệu và màu sắc góp cho cuộc đời thêm tươi, thêm đẹp.
Gác lại lo toan, về với cha mẹ
Không phải ngẫu nhiên mà đến dịp Rằm tháng 7, người người đều mang trong mình nỗi buồn man mác khi nghĩ về hai đấng sinh thành. Có lẽ khí trời trầm mặc thời gian này cũng nhẹ nhàng gợi nhắc mỗi người nghĩ về nỗi vất vả, cực nhọc của cha mẹ và hối thúc họ hãy mau quay về, cố gắng một phần nào đó đền đáp ân tình thiêng liêng của cha mẹ trong muôn một.
Chúng ta thường nghĩ hiếu kính cha mẹ là phải làm một điều gì đó to lớn, vĩ đại. Nhưng chợt quên rằng, cha mẹ chỉ cần những điều bình dị giản đơn như: Một lời hỏi han, một cái nắm tay thật chặt, hay sau những tháng ngày nông nổi ta quay về bên vòng tay cha mẹ và thể hiện một cái ôm bất ngờ đong đầy tình cảm… Những hành động tưởng chừng đơn giản ấy chính là liều thuốc tinh thần vượt xa những phương tiện vật chất giúp cho cha mẹ quên hết những lo toan vất vả.
Và quan trọng hơn, ta phải trợ duyên cho cha mẹ quy y Tam Bảo, biết tin sâu vào nhân quả, tạo điều kiện thuận lợi cho cha mẹ gây dựng các thiện nghiệp, bởi chính những thiện nghiệp đó sẽ giúp cho cha mẹ hiện tại được trải nghiệm hạnh phúc thư thái nơi tâm, giải thoát bớt phiền trược, xa lánh được thế gian chấp trước, tương lai quá vãng thì xa lìa ác đạo mà sanh vào cõi lành. Đây chính là nét đặc thù của tinh thần hiếu đạo Phật giáo, đồng thời cũng là phương pháp báo hiếu đầy đủ và trọn vẹn nhất.
Mỗi ngày qua đi là một ngày khoảng thời gian cha mẹ được ở bên mình đang dần ngắn lại. Vì vậy, trong những ngày tháng còn cha mẹ bên cạnh, chúng ta hãy quay trở về bên vòng tay từ ái của đấng sinh thành, để thấy mình còn may mắn, để còn thời gian gần kề, phụng dưỡng, đừng để những năm tháng sau này sống trong sự ăn năn hối tiếc.
Dấn thân góp sức làm đẹp cuộc đời
Nhà thơ Tố Hữu từng viết:
Nếu là con chim chiếc lá
Con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình.
Thật vậy, cuộc đời này thật sự có ý nghĩa khi trong trái tim mỗi người có lý tưởng phụng sự. Dù là ai, lĩnh vực nào, hãy cùng trao cho nhau hơi ấm của tình thương, biểu hiện qua sự đồng cảm, sẻ chia với đồng loại còn khổ đau, bất hạnh, kém may mắn hơn mình. Chỉ cần trái tim ta thật ấm thì sự chia sẻ dù nhỏ bé nhưng cũng được người khác trân trọng. Minh chứng sống động nhất là vào mỗi mùa hạ đến, hình ảnh thanh niên với màu áo xanh tình nguyện cùng với tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ lại có mặt khắp mọi miền Tổ quốc để thực hiện lý tưởng cống hiến cho xã hội. Đó là hành động nhân văn, xuất phát từ tấm lòng, đã trở nên gần gũi, thân thương với nhân dân đất nước.
Khi biết đặt mình xuống để đóng góp cho đời, ta dần triệt tiêu tính ích kỷ cá nhân mà biết yêu đời hơn, suy nghĩ tích cực hơn, biết cảm thông hơn với những hoàn cảnh xung quanh, điều mà nếu cứ ở yên một chỗ sẽ không bao giờ cảm nhận được. Vì vậy, cần lắm tinh thần dấn thân, những hoạt động tình nguyện góp sức của mọi người để xã hội tốt đẹp hơn mỗi ngày. Đó cũng là một nghĩa cử cao đẹp tri ân những ân tình cuộc đời dành cho bản thân mình.
Lan tỏa tình thương đến kẻ còn người mất đều được lợi lạc
Trong tâm thức của người phương Đông nói chung và người Việt nói riêng, dịp Rằm tháng 7 còn là “Ngày xá tội vong nhân”. Nên trong những ngày này, những gia đình có người thân quá vãng đều đến mộ để thăm nom và làm các mâm cơm cúng gia tiên, ông, bà, cha, mẹ, đã khuất để nhớ tưởng đến nguồn cội. Phật giáo cũng tùy duyên hòa mình vào dòng chảy dân tộc, vì vậy, vào mỗi dịp Vu Lan về, ngoài các chương trình hướng đến tri ân và báo ân hai đấng sinh thành, các chùa trên cả nước thường tổ chức các nghi lễ cầu siêu cho các hương linh hay khai mở pháp hội bình đẳng chẩn tế nhằm tuyên dương giáo pháp của Đức Phật đến các loài hữu tình, những đồng bào tử nạn trong chiến tranh, những người vong mạng bơ vơ nơi rừng núi, tù ngục, biển khơi, hay những vong linh thai nhi chưa kịp ra đời…
Thông qua các nghi lễ tâm linh này, một mặt giúp thân nhân người quá cố được nhẹ hơn ở cõi lòng, nguôi ngoai bớt phần nào nỗi sầu uất và nhắc nhở họ siêng năng tạo nghiệp lành để hồi hướng công đức cho người quá cố, trợ duyên cho họ vượt qua bể khổ trầm luân bởi những tạo tác nghiệp lực đã gieo trồng từ quá khứ. Một mặt, sự kết hợp của kinh văn giáo lý huyền diệu của Đức Phật, uy lực chú nguyện của chư Tăng và lòng ước mong cao thượng của con người sẽ tạo nên sức mạnh tâm linh có thể truyền tải giúp họ hiểu hơn, vơi bớt phần nào những oan ức, hận thù, khổ sở, đau đớn, phát tâm hướng về Tam Bảo quy y và thác sinh về cõi lành. Chính những nghi lễ tâm linh này sẽ là sợi dây kết nối giữa con cháu với tổ tiên, nguồn cội; nêu cao truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, góp phần tạo nên một nét đẹp trong đời sống tinh thần, tâm linh của người Việt.
Bên cạnh đó, mùa Vu Lan cũng trùng vào ngày lễ Tự tứ mãn hạ sau ba tháng nghiêm trì Giới-Định-Tuệ của chư Tăng, cũng còn gọi là ngày Phật hoan hỷ. Đây là cơ hội quý báu chư thiện nam tín nữ gieo trồng phước thiện trên mảnh đất thanh tịnh để tăng thêm phước đức sâu dày, tâm linh thăng tiến, duyên lành đối với Phật pháp sẽ kết chặt vững bền mãi mãi về sau. Cũng nhờ uy đức của sự thanh tịnh, hòa hợp của bản thể Tăng già, mà công đức được cúng dường đó như ngọn đèn rực sáng, chiếu soi bao hắc ám u minh; như ngọn gió thanh lương giội trừ bao nóng bức lầm than khổ lụy, giúp người quá vãng sớm được siêu sanh về cõi lành. Xưa kia, Đức Phật cũng dạy ngài Mục Kiền Liên sắm sửa tứ sự cúng dường chư Tăng nhân ngày Tự tứ, nhờ hiệu lực chú nguyện của chúng Tăng thanh tịnh sau mùa an cư mà cứu bà Thanh Đề ra khỏi chốn tội đồ đau khổ.
Tạm kết
Như thế, trải qua hàng nghìn năm, Vu Lan luôn là một trong những ngày lễ có sức sống văn hóa mãnh liệt nhất, nhắc nhở về hành trình giác ngộ giải thoát, ngày vun bồi truyền thống hiếu kính của ngàn xưa. Vì vậy, nó không còn giới hạn trong khuôn khổ của Phật giáo hay chỉ dành cho Phật tử mà trở thành lễ hội của tình thương, là đỉnh cao của chân thiện mỹ. Hãy luôn tâm niệm chúng ta sẽ không thể đứng vững giữa cuộc đời này nếu không có những ân tình. Để từ đó, mỗi mùa Vu Lan về sẽ là một lời động viên tiếp sức cho con người hãy sống xứng đáng với nỗi niềm ước mong của cha mẹ, thầy tổ, quốc gia và mọi người, để mỗi bước tiến trong cuộc hành trình luôn nở hoa mầu nhiệm, mang lại nhiều niềm vui, hạnh phúc cho bản thân và tha nhân.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Khi tâm không chấp, lòng nhẹ như mây trôi
Sống an vui 09:20 04/11/2024Khi mọi vọng tưởng tan biến, khi mọi toan tính lắng xuống, ta nhận ra mình và vũ trụ vốn chẳng khác nhau, ta thấy mình là một phần của cái bao la, vô tận.
Tập buông bỏ để có được tâm bình an
Sống an vui 08:28 04/11/2024Trong cuộc sống, Phật giáo khuyên ta hướng đến trạng thái tốt nhất – đó là buông bỏ những tham cầu vật chất để tâm hồn được thanh thản và nhẹ nhàng hơn.
Phật pháp cho tôi một cuộc sống mới
Sống an vui 21:05 03/11/2024Khi bước chân vào hành trình khám phá Phật pháp, tôi không ngờ rằng những giáo lý ấy lại có thể mang đến cho mình một cuộc sống mới, một sự chuyển biến từ sâu trong tâm hồn. Con đường tu tập không chỉ giúp tôi vượt qua những bão giông của cuộc đời mà còn mở ra những cánh cửa bình an.
Bình an không phụ thuộc vào điều kiện bên ngoài
Sống an vui 07:45 03/11/2024Bình an không phải là một mục tiêu xa xôi mà chúng ta phải đuổi theo. Nó không phải là điều kiện hoặc mục tiêu bên ngoài mà chúng ta phải đạt được. Thay vào đó, bình an là một trạng thái tinh thần mà chúng ta có thể kích thích và nuôi dưỡng từ bên trong.
Xem thêm