Niềm tin Chánh pháp - chìa khóa vàng khai mở tự tâm
Sống trên cuộc đời này thì ai cũng mang trong mình một niềm tin. Niềm tin là một trạng thái hoạt động của tinh thần không thể thiếu trong đời sống thường nghiệm cũng như đời sống siêu nghiệm.
Một người nông dân tin vào một vụ mùa bội thu khi ngày gặt sắp đến; một người làm vườn tin rằng trong khu vườn này sẽ đơm nở những bông hoa tươi đẹp; một người thầy giáo tin rằng ngày mai những học trò trong lớp học này sẽ đem kiến thức giúp ích cho gia đình, xã hội hay làm cho một đại dương xanh, một môi trường sạch…
Niềm tin là động lực, nền tảng cho mọi hoạt động trong đời sống, đó chính là tính chất và giá trị của niềm tin.
Niềm tin là một trạng thái tâm biểu thị sự lắng lòng, tin tưởng. Tin vào lời nói hay hành động. Tin cũng là một trong năm thường của Nho giáo, đó là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Dù từ thời xa xưa hay đến bây giờ chữ tín vẫn rất quan trọng. Người ta thường nói: “Nhân vô tín bất năng lập kỹ”; người mà không có sự đáng tin thì không thể lập nghề giữ nghiệp được, buôn bán mà không có lòng tin cậy với nhau thì không thể phát triển được chứ chưa nói là sụp đổ… Đó là lòng tin bình thường nhưng rất quan trọng ở đời, niềm tin trong Phật giáo còn sâu sắc và ý nghĩa hơn nhiều nhưng không tách rời niềm tin ấy.
Niềm tin trong đạo Phật được đề cập đến rất nhiều trong kinh điển Phật giáo. Trong kinh Tăng chi, Đức Phật dạy có bốn lòng tin tối thượng, đó là:
Thứ nhất, đặt niềm tin tối thượng vào Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. “Những ai đặt lòng tin vào Đức Phật, họ đặt lòng tin vào tối thượng; với những ai đặt lòng tin vào tối thượng, họ được quả dị thục tối thượng” 1.
Thứ hai là đặt niềm tin vào Thánh đạo tám ngành bao gồm Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. “Những ai đặt lòng tin vào Thánh đạo tám ngành, họ đặt lòng tin vào tối thượng; với những ai đặt lòng tin vào tối thượng, họ được quả dị thục tối thượng” 2 .
Thứ ba là đặt lòng tin tối thượng vào ly tham, tham chính là nguyên nhân của sanh tử trầm luân, khổ đau triền phược trong kiếp sống vô tận. Ly tham tức là “Sự nhiếp phục kiêu mạn, sự nhiếp phục khát ái, sự nhổ lên tham ái, sự chặt đứt tái sanh, sự đoạn diệt tham ái, sự ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn. Những ai đặt lòng tin vào ly tham, họ đặt lòng tin vào tối thượng; với những ai đặt lòng tin vào tối thượng, họ được quả dị thục tối thượng” 3.
Cuối cùng là đặt niềm tin tối thượng vào chúng Tăng đệ tử của Như Lai. “Chúng Tăng đệ tử của Thế Tôn là những người hành trì và hoằng truyền giáo pháp của Đức Phật, sống đời sống ly tham phạm hạnh thanh tịnh, đáng được cung kính, tôn trọng, cúng dường, đáng được chắp tay và là ruộng phước vô thượng ở đời. Những ai đặt lòng tin vào chúng Tăng đệ tử của Phật, họ đặt lòng tin vào tối thượng; với những ai đặt lòng tin vào tối thượng, họ được quả dị thục tối thượng” 4.
Thêm nữa, trong kinh Hoa nghiêm nói niềm tin là cội nguồn, là mẹ của mọi công đức, nó làm sống mạnh mọi pháp lành, diệt trừ bao mê muội, mà từ đó đạo cao cả được lớn lên.
“Tín vi đạo nguyên công đức mẫu
Trưởng dưỡng nhất thiết chư thiện pháp
Đoạn trừ nghi võng xuất ái lưu
Khai thị Niết-bàn Vô thượng đạo.” 5
Đại trí độ luận nói rằng, trong biển cả Phật pháp, có niềm tin mới có thể vào được trong biển cả đó, và trí tuệ có thể giúp ta đi qua biển đó 6. Hành giả có vào biển cả đó thì mới có thể tiếp cận được với kho báu trân quý ở lòng đại dương như Duyên khởi, Tứ Thánh đế, Vô thường, Vô ngã, …
Niềm tin trong đạo Phật là tin mình có khả năng học pháp, hiểu pháp và thấy pháp. Nên Đức Phật mới nói rằng: “Ai thấy Pháp, người ấy thấy Ta. Ai thấy Ta, người ấy thấy Pháp” 7. Tin vào luật nhân quả để thấy được tường tận khổ đau đều do nơi suy nghĩ, lời nói và hành động của mình gây nên; từ đó sống một đời sống ý thức và tỉnh giác.
Tin không cũng chưa đủ, mà cần phải có “thâm tín” (深信) hay “tín căn” (信根). “Thâm tín”, “tín căn” là gốc của lòng tin ăn sâu vào lòng đất Chánh pháp như rễ cây ăn sâu vào lòng đất. Tín tâm kiên cố là lòng tin ăn sâu, rễ bền chắc thì không bị gió tà kiến nhổ bật gốc được.
Tin vào tự lực và tha lực là tin vào khả năng tự chuyển hóa phiền não, khổ đau trong bản thân mình thành an lạc giải thoát, nhờ vào sự gia trì của chư Phật, Bồ-tát để đạo tâm được kiên cố, định tĩnh. Người có lòng tin không chắc thì gọi là “tín ngoại khinh mao” (信外輕毛), là niềm tin nhẹ như lông mao dễ bị gió tà kiến thổi bay. “Vô tri bất mộ” (無知不慕) là không hiểu biết thì không mến mộ. Tin giáo lý chỉ dạy cốt để hành trì được an lạc giải thoát, đó là mục đích thuần túy trong lòng tin đạo Phật, nên gọi là “tín thọ phụng hành” (信受奉行). Hiểu và tin là hai phẩm tính quan trọng trong đạo Phật. Hiểu được Chánh pháp để lòng tin ngày càng kiên cố, bền bỉ hơn, cũng như tâm hồn được tĩnh lặng, bình an hơn.
Trong Duy thức học Phật giáo, có ba cách để nhận thức, tiếp cận một sự vật hiện tượng. Thứ nhất là hiện lượng, tức là nhận thức đối tượng một cách trực tiếp, chưa có ý thức phân biệt, so sánh. Như khi nhìn một ấm trà thì biết nó là một ấm trà, chưa có khởi lên ý nghĩ rằng ấm trà này là của ai, dùng để pha trà gì, dùng nó để pha trà có ngon không v.v… Thứ hai là tỷ lượng, nghĩa là nhận thức có sự phân biệt, đo lường, theo thói quen tư duy nhị biên, ngã sở,… Và cuối cùng là Thánh giáo lượng, nghĩa là nhận thức, đặt trọn niềm tin vào Thánh giáo, không một chút ngờ vực. Như Đức Phật dạy “năm uẩn là vô ngã” thì thật sự thân tâm này chỉ là năm đống tích tụ, không có tính chất riêng cố định; tin hiểu như vậy gọi là “tín thọ phụng hành”.
Học pháp và hành pháp là hai nhiệm vụ tu học hàng đầu của người con Phật. Trong đó, niềm tin chính là chất liệu để xây dựng nên hai phẩm tính đó. Sống không có niềm tin, hay chăng nữa niềm tin hời hợt như lông mao bên ngoài thì con người sẽ trở nên vô định lạc lối. Sống có niềm tin chắc thật vào Chánh pháp, thì đó chính là chiếc chìa khóa vàng khai mở tự tâm, giúp ta hành trì giáo pháp Đức Phật đã dạy một cách hiệu quả và lợi lạc, góp phần đem lại một đời sống an lạc hạnh phúc cho bản thân và tha nhân.
“Tin tưởng vào tối thượng
Biết được pháp tối thượng
Tin tưởng Phật tối thượng
Ðáng tôn trọng vô thượng
Tin tưởng Pháp tối thượng
Ly tham, an tịnh, lạc
Tin tưởng Tăng tối thượng
Là ruộng phước vô thượng
Bố thí bậc tối thượng
Phước tối thượng tăng trưởng
Tối thượng về thọ mạng
Dung sắc và danh văn
Tối thượng về an lạc
Tối thượng về sức mạnh
Bậc trí thí tối thượng
Pháp tối thượng chánh định
Chư Thiên hay loài người
Ðạt được hỷ tối thượng 8.
Chú thích:
1. Anguttara Nikaya, HT.Thích Minh Châu dịch Việt, chương IV.
https://www.budsas.org/uni/u-kinh-tangchibo/tangchi04-0406.htm
2. Ibid.
3. Ibid.
4. Ibid.
5.《大方廣佛華嚴經》, 卷10, T10, No. 0279_014, p. [0072a28].“信為道元功德母,長養一切諸善法,斷除疑網出愛流,開示涅槃無上道”
6. 《大智度論》卷1, T25, No. 1509, p. [0063a01]. “佛法大海,信為能入,智為能度”
7 Samyutta Nikāya, HT.Thích Minh Châu dịch Việt, tập III - thiên Uẩn.https://www.budsas.org/uni/u-kinh-tuongungbo/tu3-22e.htm
8 Anguttara Nikāya, HT.Thích Minh Châu dịch Việt, chương IV.https://www.budsas.org/uni/u-kinh-tangchibo/tangchi04-0406.htm
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
“Người đời tranh nhau những chuyện không đâu”
Kiến thức 16:50 21/11/2024Đời này chúng ta chết rồi sẽ sanh tới cõi nào? Tôi có thể sanh về đâu? Đời sau chúng ta có nắm chắc sanh tới cõi nào hay chăng? Còn tiếp tục luân hồi hay chấm dứt luân hồi?
Làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Kiến thức 16:10 21/11/2024Người sống có phúc có đức chắc chắn sẽ an vui hạnh phúc bền lâu, nhưng quan trọng là làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Từ, bi, hỷ, xả - bốn tâm vi diệu
Kiến thức 13:12 21/11/2024Bốn tâm vô lượng này tuy riêng biệt nhưng làm nền tảng cho nhau, tương tức với nhau.
Nhớ ơn Thầy Tổ
Kiến thức 08:35 21/11/2024Chúng ta muốn tỏ lòng biết ơn người đi trước, thì không gì thiết thực hơn là phải thực hành theo ba điểm sau đây...
Xem thêm