Thứ ba, 25/03/2025, 10:27 AM

Ở Sài Gòn, hỏi về chùa Nam tông Khmer, mọi người nghĩ ngay đến nơi này

Giữa lòng TP.HCM nhộn nhịp, chùa Chantarangsay là nơi mang đậm dấu ấn văn hóa Phật giáo Nam tông Khmer.

Chùa Chantarangsay không chỉ là nơi thờ cúng, mà còn là một không gian tâm linh yên bình, hấp dẫn những ai muốn tìm về sự tĩnh lặng, khám phá nét đẹp văn hóa độc đáo của cộng đồng Khmer Nam bộ.

Ở Sài Gòn, hỏi về chùa Nam tông Khmer, mọi người nghĩ ngay đến nơi này 1
Chùa Chantarangsay là nơi mang đậm dấu ấn văn hóa Phật giáo Nam tông Khmer.

Chùa Chantarangsay nằm nép mình trên đường Hoàng sa (Q.3), chùa còn có tên gọi khác là Candaransi. Đây là ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer đầu tiên được xây dựng tại vùng Sài Gòn - Gia Định khi xưa.

Không chỉ là trung tâm sinh hoạt văn hóa - tôn giáo độc đáo của đồng bào Khmer tại TP.HCM, chùa còn là điểm đến thu hút nhiều khách du lịch hay những ai muốn tìm cho mình một góc nhỏ bình yên.

Chùa Chantarangsay có tuổi đời trăm năm

Ở TP.HCM, đồng bào Khmer là cộng đồng dân tộc đông thứ 3, chỉ đứng sau người Kinh và người Hoa. Họ sống rải rác ở nhiều địa bàn quận, huyện trong thành phố nhưng chủ yếu tập trung ở khu vực dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và khu vực Q.Tân Bình, gần chùa Pothiwong.

Theo tư liệu xưa, tên Chantarangsay dịch ra tiếng Việt có nghĩa là Ánh trăng. Ngôi chùa này được Đại lão hòa thượng Lâm Em và một số phật tử người Khmer sống tại Sài Gòn - Gia Định xưa thành lập vào năm 1946.

Thời gian đầu, đây chỉ là một ngôi chùa nhỏ đơn sơ, được xây dựng trên nền của một bãi bồi lầy sát bờ kênh Nhiêu Lộc. Về sau, qua nhiều lần trùng tu, chùa mới được khang trang, hiện đại như bây giờ.

Ở Sài Gòn, hỏi về chùa Nam tông Khmer, mọi người nghĩ ngay đến nơi này 2
Một góc Chantarangsay.

Ghé chùa vào một ngày tháng 3 nắng đổ lửa, chúng tôi gặp bà Lý Thị Lý (80 tuổi), một phật tử thường xuyên đến cúng bái ở chùa Chantarangsay. Bà Lý là người Khmer, quê quán ở tỉnh Sóc Trăng, theo ba mẹ lên TP.HCM từ năm 7 tuổi.

Bà nói rằng cả cuộc đời mình dường như gắn liền với ngôi chùa Khmer này: “Tôi đi chùa Chantarangsay từ thuở bé, chứng kiến biết bao thay đổi của nơi này. Đây là ngôi chùa Phật giáo Nam tông nên các sư không ăn chay như Phật giáo Bắc tông. Nghĩa là họ tu tâm, tu tính chứ không tu thực. Tuy nghiên, các sư chỉ ăn hai bữa một ngày, bữa sáng và bữa trưa. Sau giờ Ngọ (12 giờ trưa) thì các sư chỉ được uống nước, sữa hay trà”.

Bà Lý giải thích, đời sống tinh thần của người Khmer dường như gắn liền với những ngôi chùa. Họ có quan niệm rằng, mục đích của việc tu hành không phải là để trở thành Phật mà để có một cuộc sống tốt đẹp, có phẩm chất đạo đức tốt, đúng chuẩn mực xã hội.

Phật giáo Nam tông Khmer không chỉ là một tôn giáo, đó còn là biểu tượng văn hóa, giáo dục của cộng đồng người Khmer.

Ở Sài Gòn, hỏi về chùa Nam tông Khmer, mọi người nghĩ ngay đến nơi này 3
Ngôi chùa hiện do Hòa thượng Danh Lung trụ trì, là điểm đến văn hóa, tâm linh của người Khmer

"Sống ở thành phố nhưng tôi cũng như những đồng bào Khmer sống ở đây đều cảm thấy may mắn khi có một ngôi chùa như thế này để đến cúng bái, sinh hoạt. Đến bây giờ, trong gia đình chỉ còn mình tôi nói tiếng Khmer, còn các con đều nói tiếng phổ thông. Tôi vẫn thường đưa con đến chùa vào các dịp lễ, tết để làm lễ, dạy cho con các tập tục của người Khmer hay truyền đạt các giáo lý Phật giáo", bà Lý nói.

Nét giao thoa văn hóa độc đáo

Chùa Chantarangsay không chỉ là niềm tự hào của cộng đồng người Khmer mà còn là minh chứng sống động cho sự giao thoa hài hòa giữa các nền văn hóa tại TP.HCM.

Chạy dọc theo tuyến đường Hoàng Sa (gần cầu Lê Văn Sỹ, Q.3), chúng tôi không khỏi trầm trồ bởi lối kiến trúc độc đáo của ngôi chùa.

Nằm kế bên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, chùa Chantarangsay gây ấn tượng bởi vẻ đẹp cổ kính, đậm chất văn hóa Khmer. Trước cổng chùa là 2 tượng sư tử cao chừng 2 m (linh vật thiêng liêng trong Phật giáo) đứng sừng sững, oai nghiêm.

Ở Sài Gòn, hỏi về chùa Nam tông Khmer, mọi người nghĩ ngay đến nơi này 4
Chùa Chantarangsay không chỉ là niềm tự hào của cộng đồng người Khmer mà còn là minh chứng sống động cho sự giao thoa hài hòa giữa các nền văn hóa tại TP.HCM.

Nổi bật nhất trong khuôn viên chùa Khmer này là ngôi chính điện gồm 2 tầng, được xây theo hướng Đông với phần nền cao hơn hẳn so với các công trình khác. Hoa văn được trang trí ở chính điện thể hiện rõ nét sự giao thoa văn hóa giữa Phật giáo, Bà La Môn và văn hóa dân gian trong đời sống tinh thần của đồng bào Khmer Nam bộ.

Mặt trước ngôi chính điện là bức tranh khắc nổi tích truyện Phật giáo về 5 anh em là 5 vị Phật. Chuyện kể theo Phật giáo Nam tông Khmer rằng, trong quãng thời gian hình thành và tiêu biến của trái đất, chỉ có 5 vị Phật này xuất hiện. Trong đó, 4 vị đã thành Phật, còn 1 vị nữa sẽ thành Phật trong tương lai là Phật Di Lặc.

Trong không gian linh thiêng này, chúng tôi tình cờ gặp bà Tuyết (94 tuổi). Mặc dù không phải là người gốc Khmer nhưng bà đã sống ở chùa hơn 10 năm: “Tôi nương tựa nơi cửa Phật ròng rã cũng 10 mấy năm nay. Dù không thuộc dân tộc Khmer nhưng tôi vẫn luôn được chào đón, được sống trong sự an lạc”.

Bà Tuyết tâm sự rằng, ngôi chùa không chỉ là chốn tâm linh của cộng đồng Khmer mà còn thu hút nhiều người dân thuộc các tôn giáo khác đến tham quan, chiêm bái. Nơi đây luôn rộng cửa đón chào tất cả mọi người, không phân biệt dân tộc hay tín ngưỡng.

Tại đây, chúng tôi còn gặp ông Nguyễn Tuấn (58 tuổi, quê ở Rạch Giá, Kiên Giang). Ông Tuấn là tài xế xe ô tô, chuyên đưa đón các vị sư từ Kiên Giang đến chùa Chantarangsay.

"Mỗi tháng một lần, tôi lại đưa các vị sư đến đây để tham gia các buổi họp. Các sư thầy ở đây rất gần gũi, thường trò chuyện, chia sẻ với tôi về giáo lý. Tuy chùa mang đậm bản sắc Khmer nhưng lại có sự hòa nhập với cộng đồng. Tôi thấy có rất nhiều người dân không phải là người Khmer đến đây ghé thăm”, ông Tuấn nói.

Ở Sài Gòn, hỏi về chùa Nam tông Khmer, mọi người nghĩ ngay đến nơi này 5
Chùa Chantarangsay còn là điểm gặp gỡ, giao lưu của nhiều thế hệ người Khmer tại TP.HCM

Không chỉ là nơi hành lễ, chùa Chantarangsay còn là điểm gặp gỡ, giao lưu của nhiều thế hệ người Khmer tại TP.HCM. Hằng năm, vào các dịp lễ hội truyền thống như Tết Chôl Chnăm Thmây (lễ hội mừng năm mới của người Khmer) hay lễ Ok Om Bok (lễ cúng trăng), chùa trở thành trung tâm tổ chức các hoạt động văn hóa sôi nổi.

Đây là dịp để đồng bào Khmer giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc và giới thiệu những nét đẹp văn hóa truyền thống đến với cộng đồng người Kinh, người Hoa và các dân tộc khác.

Bên cạnh các hoạt động tôn giáo, chùa còn có những chương trình giáo dục nhằm bảo tồn văn hóa Khmer. Mỗi dịp hè, chùa Chantarangsay cùng chùa Pothiwong (Q.Tân Bình, TP.HCM) tổ chức các lớp học chữ Khmer miễn phí cho thanh thiếu nhi và người dân có nhu cầu.

Những lớp học này không chỉ giúp các thế hệ trẻ người Khmer giữ gìn tiếng mẹ đẻ mà còn mở ra cơ hội giao lưu, học hỏi giữa các dân tộc khác nhau.

Ở Sài Gòn, hỏi về chùa Nam tông Khmer, mọi người nghĩ ngay đến nơi này 6
Đêm bình yên ở chùa Chantarangsay.

Dù bao thăng trầm, chùa Chantarangsay vẫn là biểu tượng đẹp của sự giao thoa văn hóa. Nơi đây không chỉ gìn giữ bản sắc Phật giáo Nam tông Khmer mà còn lan tỏa tinh thần cởi mở, gắn kết giữa các dân tộc, tôn giáo.

Giữa nhịp sống hối hả của TP.HCM, chùa trở thành một góc bình yên để mỗi người tìm đến, lắng lòng trước những giá trị truyền thống được nâng niu và tiếp nối qua từng thế hệ.

Theo Thanh Niên

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ở Sài Gòn, hỏi về chùa Nam tông Khmer, mọi người nghĩ ngay đến nơi này

Chùa Việt 10:27 25/03/2025

Giữa lòng TP.HCM nhộn nhịp, chùa Chantarangsay là nơi mang đậm dấu ấn văn hóa Phật giáo Nam tông Khmer.

Hoa Lâm Ngự tự - ngôi chùa cổ gần 800 năm

Chùa Việt 15:45 19/03/2025

Chùa Hoa Lâm, thường gọi chùa Ngự ở xã Hoa Lâm, sau là thôn Tiền Hậu, xã Văn Lâm, tổng Văn Lâm, nay là làng Văn Lâm, xã Lâm Trung Thuỷ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Chùa được xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh năm 2008 (theo Quyết định số 1796/QĐ-UBND ngày 27/6/2008 của UBND tỉnh Hà Tĩnh).

Ngôi chùa có 'báu vật' lớn bậc nhất Việt Nam

Chùa Việt 11:21 19/03/2025

Nằm cách TP Hà Nội hơn 100km, chùa Cổ Lễ (thuộc địa phận huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) là công trình kiến trúc Phật giáo độc đáo ở Việt Nam.

Thăm ngôi chùa mang phong cách Nhật Bản tại vùng Bảy Núi - An Giang

Chùa Việt 18:30 18/03/2025

Sở hữu kiến trúc lấy cảm hứng từ phong cách chùa tháp Nhật Bản, Phước Lâm Tự hay được gọi là chùa Lầu không chỉ thu hút đông đảo Phật tử đến chiêm bái mà còn là điểm check-in độc đáo của du khách khi ghé thăm vùng Bảy Núi - tỉnh An Giang.

Xem thêm

Phật Giáo
Phật Giáo

Từ điển Phật giáo

Phật Giáo
Phật Giáo
Phật Giáo