Pháp môn niệm Phật nhiếp hết mọi căn cơ
Pháp môn niệm Phật nhiếp hết các căn thượng, trung, hạ. Hết thảy chúng sinh hữu tình, nếu thật tâm thì tất cả đều được độ thoát, chỉ cần nhất tâm xưng niệm lục tự Di Ðà, không cần phải học rộng nghe nhiều.
Ðại sư Thiện Ðạo nói: “Nếu muốn học hiểu từ phàm phu địa cho đến Phật địa thì không có pháp môn nào không đáng học; còn nếu muốn học hành thì nên chọn một pháp khế lý khế cơ, nay lược đưa ra mười loại người nên tu pháp môn niệm Phật, xin hãy suy xét kỹ càng, nhanh chóng phát tâm.
Người xuất gia nên tu niệm Phật: Ðã cạo tóc làm tăng, phát tâm tu đạo, lìa bỏ làng xóm, cắt ái từ thân, được sống trong đạo tràng thanh tịnh, không còn lo nghĩ, không còn trói buộc, nên phát tâm niệm Phật cầu xuất tam giới. Lúc niệm Phật phải khẩn thiết với sinh tử, phải biết sinh tử luân hồi, theo nghiệp thọ báo không có ngày ra khỏi, hãy tinh tấn niệm Phật thì vạn niệm tự nhiên buông hết, sáu căn đều được thu nhiếp vậy! Nay đưa ra một ví dụ:
Xưa có đức vua thấy ngoại đạo cầu đạo rất khổ hạnh, còn đệ tử Phật thì an nhàn. Một ngày, vua hỏi một vị Tăng niệm Phật rằng: “Trẫm thấy những người Bà la môn cần khổ cầu đạo, còn các Tỳ kheo chỉ niệm danh hiệu Phật, hai cách tu hành khác nhau quá xa”. Tăng đáp: “Tu đạo không phải là khổ hay sướng nơi sắc thân này mà là cốt ở chỗ tâm có tha thiết với sinh tử hay không. Ðệ tử Phật chúng tôi tuy thanh nhàn niệm Phật nhưng lòng luôn khẩn thiết cầu ra khỏi sinh tử. Sáu căn cả ngày tuy đối cảnh trần nhưng không hề nắm bắt. Mắt không thấy sắc, tai không nghe thanh, cho đến ý thức cũng không duyên với pháp trần”. Vua không tin, Tỳ kheo biết ý nên tâu rằng: “Bệ hạ có thể đưa ra một việc để thử nghiệm, xin bệ hạ ngày mai chia cung nữ thành hai tốp, một tốp múa một tốp hát ở hai bên đường; ngài bắt một tử tội đầu đội chén dầu đầy, bảo rằng: “Tội ngươi đáng chết, nhưng ta sẽ ân xá cho ngươi bằng cách ngươi đội chén dầu đầy đi khắp cung thành, lúc trở về chỗ cũ không được hao hớt giọt nào, nếu đổ ra ngoài ngươi lập tức bị xử chém”. Tội nhân nghe thế, để hết tâm ý vào hai chữ sống chết trên đầu, không dám hào ly sơ suất. Ði khắp một vòng, dầu vẫn y nguyên, thế là nhà vua đại xá. Tăng bảo vua hỏi tội nhân: “Ở phía Ðông ngươi có thấy gì đẹp chăng?”. “Không”, phạm nhân đáp. Vua hỏi tiếp: “Còn phía Tây, ngươi có nghe gì hay chăng?” “Cũng không.” Vua quát lớn: “Nói dối! Các cung nữ múa hát như thế mà ngươi không thấy không nghe gì cả à?” “Tâu đại vương, thần nào dám khi dối, thần lo chú tâm vào chén dầu sinh tử trên đầu, còn tâm trạng đâu nữa mà nghe với thấy.” Vua chợt hiểu ra lời Tỳ kheo nói – nhất tâm niệm Phật, cầu thoát sinh tử, sáu căn đều nhiếp, không thấy không nghe, lời này thật không hư dối vậy! Và người niệm Phật, tâm thiết tha với sinh tử, chính là chân niệm Phật.
Nữ giới nên tu niệm Phật. Là thân gái, không thể chấp giữ công việc triều chính, chẳng như nam tử bôn tẩu tứ phương, vất vả nhọc nhằn, vì thế hãy nên phát tâm niệm Phật cầu vãng sinh Cực lạc. Lại nữa thân nữ bất tịnh, lúc sinh đẻ đau đớn không cùng, nhiều người nhàm chán nữ thân, muốn được làm thân nam tử. Và ở thế giới năm trược này mà muốn chuyển thân nam thì thật chẳng phải là chuyện dễ dàng, phải trải qua mấy kiếp tu hành. Nếu chịu chuyên tâm niệm Phật thì lúc mạng chung, nghiệp tại Ta bà, thần thăng Tịnh độ, hóa sinh hoa sen, tức khắc được tướng đại trượng phu, chỉ trong một đời mà chuyển được thân nam tử. Vả lại, ở cõi Tây phương thọ mạng vô lượng, được Quan Âm, Thế Chí cặp tay đi cùng. Nữ giới đã có pháp môn vi diệu này, có thể thỏa mãn nguyện vọng, mong mọi người hãy nhanh niệm Phật.
Người trí nên tu niệm Phật. Sinh ra làm người được thông minh là khó, và không bị thông minh quá hóa ngu lại càng khó. Thấy phần nhiều những người thông minh là những người có kiến chấp, họ chỉ muốn tìm những pháp môn cao siêu, huyền diệu, coi thường niệm Phật, cho niệm Phật là bình thường, là pháp môn dành cho kẻ hạ cơ, họ bỏ hết tâm lực để tìm cầu trí tuệ thế gian. Nào biết “lúc sống chỉ ham lo tìm kiếm, chết đi chẳng mang được thứ gì”. Nếu dùng cái thông minh ấy vào Phật pháp, xem nhiều kinh sách Tịnh độ, nghiên cứu nhiều về tông chỉ niệm Phật, hiểu rõ pháp môn trì danh hiệu Phật, vì chư Phật hộ niệm, vì Thánh hiền nối gót. Lấy một niệm mà trừ muôn niệm, niệm một hiệu mà chứng tịnh tâm, chuyên chú nhất tâm thì sự niệm mà đạt lý niệm, tự thân thấy được tự tánh Di Ðà, đắc sinh duy tâm Tịnh độ, như thế há không sung sướng sao!
Người ngu nên tu niệm Phật. Là người, không luận là trí hay ngu đều đồng một tánh Phật. Người ngu si là do đời trước không tin Phật pháp, không lo tu hành, hoặc vì nghiệp chướng sâu dày nên mới cảm báo này. Người trí thì đa đoan, công việc nhiều, trách nhiệm nặng, niệm Phật e khó nhất tâm; còn người ngu thì việc ít, thân nhàn, hãy nên cố gắng niệm Phật. Lại nữa, người ngu thật thà, ngay thẳng, ít hiểu biết nên dễ sinh tâm tín kính. Vả lại, pháp môn niệm Phật không phải tham cứu, không phải quán tưởng nên không sợ ngu dốt, chỉ cần trực tâm tức là đạo tràng, một câu Phật hiệu cứ thế niệm miết không ngừng nghỉ thì chắc chắn thành công. Xưa có thơ rằng: “Tu hành như đi thuyền ngược nước, lơi lỏng một giây nước cuốn lùi; nếu không từ đây cần nỗ lực, biết bao giờ đến được đầu nguồn”. Mấy lời này có thể hỗ trợ cho niệm Phật vậy.
Người giàu có nên tu niệm Phật. Ðời nay được giàu sang là nhờ phước báo tu hành đời trước, nên biết phước lạc ở cõi Ta bà thật không trường cửu. Người xưa dạy: “Vinh hoa như giấc mộng canh ba, phú quý nào khác sương tháng chín”. Ðời này không lo ăn mặc, thọ dụng đầy đủ, hãy nên nhân cơ hội phát tâm niệm Phật cầu sinh Tịnh độ lên ngôi bất thoái, hưởng niềm vui vô vi. Vùng biên địa của Tây phương còn sướng hơn cõi trời, hà huống phước lạc cõi đời, có gì đáng đắm! Hãy nhanh phản tỉnh, nhất tâm niệm Phật, hầu bỏ báo thân xấu kém Ta bà, chóng đắc Tịnh độ hóa sinh.
Người nghèo khó nên tu niệm Phật. Ðời này bần cùng là do đời trước không tu bố thí cúng dường, cống cao ngã mạn nên mới cảm báo này. Ðã không ruộng vườn sản nghiệp, lại không có chỗ trú thân, y phục không đủ che hình, vật thực không nuôi đủ bụng, vừa ra khỏi nhau thai đã chịu biết bao khổ nhọc, hãy nên tinh tấn niệm Phật để cầu vãng sinh Cực lạc. Nước Cực lạc lầu các trang nghiêm, trang sức bằng bảy thứ châu báu lưu ly, xa cừ, san hô… không cần phải kinh doanh mua bán, nghĩ đến là y thực tự nhiên có đủ, vĩnh viễn lìa khỏi kiếp nghèo cùng. Có pháp môn huyền diệu thế này, xin chớ bỏ qua.
Người già nên tu niệm Phật. Tuổi về già, thời gian còn là bao, như cá thiếu nước, nào có vui gì? Như tử tội đi ra pháp trường, mỗi bước là mỗi gần đến cái chết! Hãy nhanh chóng chí thành phát tâm niệm Phật cầu vãng sinh Cực lạc. Hòa thượng Thiện Ðạo có kệ rằng: “Dần dần da nhăn tóc bạc, xem kìa bộ dạng già nua; giả như vàng ngọc đầy nhà, không ai tránh khỏi già bệnh. Dù anh một đời sung sướng, cuối cùng cái chết kề bên; chỉ có con đường tu tắt, niệm danh hiệu Phật Di Ðà”. Hỡi những người già cả, xin chân thành nhắc lại ba lần. Hãy buông xuống hết bao trần lụy, không thì sẽ có một ngày, buông không xuống rồi cũng phải buông. Nên biết: “Kề cái chết hãy nhanh tranh thủ, nào ai chịu nghỉ trước mạng chung.”
Tuổi trẻ nên tu niệm Phật. Ở tuổi thanh xuân, sức khỏe dồi dào, không bị nỗi lo âu già bệnh, hãy nhanh phát tâm niệm Phật. Chớ bảo rằng bây giờ hãy còn quá sớm, chờ nước đến chân nhảy kịp nào, há chẳng nghe: “Mới xuân đây dương liễu xanh rờn, mà nay đã cúc vàng nở rộ”. Nên biết: “Thân người khó được nhưng dễ mất, cơ hội dễ qua khó đuổi tìm”. Chớ lần lửa qua ngày để thời gian trôi qua vô ích. “Ðừng toan già mới tin theo Phật, bao nấm mồ hoang rặt thiếu niên”.
Có con trai nên tu niệm Phật. Tục ngữ có câu: “Ðể dành lúa gạo phòng đói kém, sinh trai để dưỡng lúc tuổi già”. Nay đã có con trai, cũng đã khôn lớn nên người, gia nghiệp có chỗ cậy nhờ, tông đồ có người ủy thác, hãy nên buông xuống muôn duyên nhất tâm niệm Phật cầu vãng sinh Cực lạc; nhất thiết chớ ngàn kế trăm mưu vì con vì cháu. Nên biết: “Con cháu tự có sẵn phúc đức của nó, đừng vì chúng nó lo xa nhọc nhằn”. Nếu con cháu có phước thì không cần của hồi môn, tự nó hai bàn tay trắng cũng làm nên gia nghiệp. Giả sử nếu con cháu ngỗ nghịch, hoang đàng trác táng thì cho dù bạn có làm ra của bao nhiêu cũng không đủ nó hoang phí, ngược lại khiến nó tạo nghiệp, mình trở lại hại nó, thật là không phải kế hay. Hãy nhìn lại thế gian, rất nhiều gia đình giàu có đã rơi vào trường hợp này.
Không có con trai nên tu niệm Phật. Người đời sinh con trai nhiều thì phải nhọc nhằn nhiều, trách nhiệm nặng, phải nuôi dưỡng, giáo dục, và tất nhiên là không thể không cố gắng kiếm thật nhiều tiền để con được thừa kế. Còn không có con trai thì lại khỏe, nhàn hạ, đừng tự than là bạc mệnh, vợ chồng hãy cùng nhau tu trì, xưng niệm A Di Ðà Phật, cầu sinh nước Cực lạc, nhanh chóng thành tựu Bồ đề, há không sung sướng sao! Hết thảy mọi người, không ai là không thể niệm Phật, do đó pháp môn niệm Phật thông hết mọi căn cơ vậy.
Trích Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật
Biên soạn: Viên Anh Pháp Sư
Việt dịch: Thích Nguyên Anh
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Sát na là gì? Sát na được tính như thế nào?
Kiến thức 17:08 24/11/2024Trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói với chúng ta, thời gian tồn tại của tất cả hiện tượng này là “khoảng sát na”. Trên “Kinh Nhân Vương” nói với chúng ta, một khảy móng tay có 60 sát na, một sát na có 900 lần sanh diệt.
Giải thích các cõi trong lục đạo
Kiến thức 16:00 24/11/2024Ðức Phật đã bảo thế-giới của chúng ta đang ở có ngũ thú là: Ðịa-ngục, Ngạ-quỷ, Bàng-sanh, Nhơn và Thiên. Các loài hữu-tình do tạo nghiệp lành nên được sanh về thiện thú, và bởi gây nhân dữ nên bị đọa vào ác đạo. Nhân duyên ấy như thế nào?
Sự cúng dường ý nghĩa nhất là gì?
Kiến thức 15:37 24/11/2024Trong xã hội ngày nay, với nhiều biến loạn và nhiễu nhương, những người phát tâm học Phật chân chính cần phải có một nhận thức sáng suốt. Trong nhà Phật thường nói: “Muôn việc bỏ lại đời, chỉ có nghiệp theo thân”.
Tứ ân là gì?
Kiến thức 14:50 24/11/2024Tứ ân hay Tứ trọng ân là một trong những giáo lý quan trọng của Phật giáo. Người Phật tử, vâng lời Phật dạy, luôn nêu cao tinh thần tri ân và báo ân trong đời sống tu tập hàng ngày.
Xem thêm