Kinh thực tập ái ngữ
Nếu ta buông bỏ được ý muốn trừng phạt, tâm ta chí thành muốn cho ai cũng bớt khổ thì tự khắc lời nói của ta trở nên giọt cam lộ. " Đó là thứ ngôn ngữ cao nhất của mọi ngôn ngữ".
Phẩm này có 12 bài kệ. Bài kệ thứ 12 dạy ta nên học nói năng theo kiểu nói năng của Bụt: Mỗi lời nói đều có thể đưa tới an lành, có công năng xây dựng tăng thân và môi trường tốt cho sự thực tập.‘‘Đó là thứ ngôn ngữ cao nhất của các thứ ngôn ngữ’’.
Nếu ta thực tập buông bỏ được ý muốn trừng phạt, nếu tâm ta chí thành muốn cho ai cũng bớt khổ thì tự khắc lời nói của ta trở nên lời nói cam lộ. Đó là ý chính của bài kệ thứ 11, ái ngữ đi với lắng nghe sẽ giúp ta và kẻ khác tái lập được truyền thông và đưa tới nếp sống thuận thảo an lành. Bài kệ thứ 3 là một tiếng chuông chánh niệm: Sử dụng ác ngữ thì cũng như ngậm một cái búa trong miệng mình; chiếc búa ấy sẽ chặt đứt sinh mạng của chính mình. Bài kệ thứ 5 nói lên được cách hành xử đẹp nhất trên đời: lấy oán báo oán, oán oán chập chùng, lấy đức báo oán, oán ấy tiêu tan.
Bài kệ 1
Ác ngôn mạ lị 惡 言 罵 詈
Kiêu lăng miệt nhân 憍 陵 蔑 人
Hưng khởi thị hành 興 起 是 行
Tật oán tư sanh 疾 怨 滋 生
Kiêu căng, sử dụng những lời ác độc để chửi mắng, lăng mạ và tỏ ý khinh miệt người khác, làm như thế thì sẽ gây ra nhiều thù oán.
Bài kệ 2
Tốn ngôn thuận từ 遜 言 順 辭
Tôn kính ư nhân 尊 敬 於 人
Khí kết nhẫn ác 棄 結 忍 惡
Tật oán tự diệt 疾 怨 自 滅
Sử dụng lời nói từ tốn, thuận thảo và lịch sự đối với người khác thì có thể dập tắt được những oán kết. Nhẫn nhục được trong những trường hợp bức xúc, làm như thế thì ganh ghét và hờn oán sẽ tự tiêu tan.
Bài kệ 3
Phu sĩ chi sanh 夫 士 之 生
Phủ tại khẩu trung 斧 在 口 中
Sở dĩ trảm thân 所 以 斬 身
Do kỳ ác ngôn 由 其 惡 言
Con người sinh ra trên đời nếu sử dụng ác ngữ thì cũng như có một lưỡi búa trong miệng mình. Chính lưỡi búa ấy sẽ chặt đứt thân mạng của mình.
Bài kệ 4
Tránh vi thiểu lợi 諍 為 少 利
Như yểm thất tài 如 掩 失 財
Tòng bỉ trí tránh 從 彼 致 諍
Lệnh ý hướng ác 令 意 向 惡
Cãi cọ không đem lại một chút lợi ích nào, chỉ có tác dụng bít lấp truyền thông, làm hao thất tài sản mình và đưa tới tranh chấp khiến cho tâm ý hướng về nẻo xấu.
Bài kệ 5
Dự ác ác sở dự 譽 惡 惡 所 譽
Thị nhị câu vi ác 是 二 俱 為 惡
Hảo dĩ khẩu quái đấu 好 以 口 儈 鬪
Thị hậu giai vô an 是 後 皆 無 安
Khen ngợi cái ác cũng như nói lời ghét bỏ những người được xưng tụng, cả hai đều là chuyện không nên làm. Ưa thích tranh cãi và đấu lý sẽ đem lại tình trạng không có bình an sau này.
Bài kệ 6
Vô đạo đọa ác đạo 無 道 墮 惡 道
Tự tăng địa ngục khổ 自 增 地 獄 苦
Viễn ngu tu nhẫn ý 遠 愚 修 忍 意
Niệm đế tắc vô phạm 念 諦 則 無 犯
Lời nói không phù hợp đạo lý sẽ làm cho mình sa đọa vào các con đường dữ, chỉ có công dụng làm lớn thêm cái khổ địa ngục của mình. Biết lánh xa kẻ ngu phu, biết tu hạnh nhẫn nhịn và luôn luôn nhớ tới sự hành trì trên con đường tứ đế và bát chánh đạo thì sẽ không phạm vào lầm lỗi ấy.
Bài kệ 7
Tùng thiện đắc giải thoát 從 善 得 解 脫
Vi ác bất đắc giải 為 惡 不 得 解
Thiện giải giả vi hiền 善 解 者 為 賢
Thị vi thoát ác não 是 為 脫 惡 惱
Hành xử hiền lành thì đạt tới giải thoát, hành xử dữ dằn thì không tự cởi trói cho mình được. Kẻ biết khéo léo hóa giải là bậc hiền nhân, có khả năng vượt ra ngoài mọi não phiền hung dữ.
Bài kệ 8
Giải tự bão tổn ý 解 自 抱 損 意
Bất táo ngôn đắc trung 不 躁 言 得 中
Nghĩa thuyết như pháp thuyết 義 說 如 法 說
Thị ngôn nhu nhuyễn cam 是 言 柔 軟 甘
Đừng ôm ấp ý muốn làm tổn hại và trừng phạt người khác. Không có tiết tháo thì lời nói không trung thực. Nói lời có nghĩa, có lý thì cũng giống như nói pháp, những lời như thế có vị ngọt của Cam lộ.
Bài kệ 9
Thị dĩ ngôn ngữ giả 是 以 言 語 者
Tất sử kỷ vô hoạn 必 使 己 無 患
Diệc bất khắc chúng nhân 亦 不 尅 眾 人
Thị vi năng thiện ngôn 是 為 能 善 言
Ai có khả năng sử dụng ngôn ngữ tốt lành ấy thì sẽ không tạo tai họa cho chính mình, cũng không gây xung đột với người.
Bài kệ 10
Ngôn sử đầu ý khả 言 使 投 意 可
Diệc lệnh đắc hoan hỉ 亦 令 得 歡 喜
Bất sử chí ác ý 不 使 至 惡 意
Xuất ngôn chúng tất khả 出 言 眾 悉 可
Lời nói gây ra được sự tâm đầu ý hợp có tác dụng làm cho người ta hoan hỷ, không đưa tới ác ý. Nói năng được như thế có thể giúp cho mọi người chấp nhận hài hòa.
Bài kệ 11
Chí thành cam lộ thuyết 至 誠 甘 露 說
Như pháp nhi vô quá 如 法 而 無 過
Đế như nghĩa như pháp 諦 如 義 如 法
Thị vi cận đạo lập 是 為 近 道 立
Tâm chí thành đưa tới lời nói cam lộ, đúng như giáo pháp mà không ai có thể trách cứ được. Lời nói ấy phù hợp với chân nghĩa, với chánh pháp, đi đúng vào con đường chánh đạo.
Bài kệ 12
Thuyết như Phật ngôn giả 說 如 佛 言 者
Thị cát đắc diệt độ 是 吉 得 滅 度
Vi năng tác hạo tế 為 能 作 浩 際
Thị vị ngôn trung thượng 是 謂 言 中 上
Nên sử dụng ngôn ngữ của Bụt sử dụng, nói những lời an lành có công năng đưa tới Niết Bàn và có công năng xây dựng được môi trường tu tập chánh pháp. Đó là thứ ngôn ngữ cao nhất của tất cả các ngôn ngữ.
Dịch từ kinh Pháp Cú trong Hán tạng.
Theo Làng Mai.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Kinh Lửa Cháy (Aditta-pariyaya Sutta)
Kinh Phật 14:35 06/11/2024Vài tháng sau khi giác ngộ, Ðức Phật giảng bài pháp nầy cho 1000 tu sĩ theo phái thờ thần lửa. Qua lối giảng siêu việt của Ngài, Ðức Phật đã dùng ví dụ về lửa cháy (lửa tham, sân, si) để dạy về tâm xả ly đối với các cảm thọ qua sáu căn.
Kinh Thiên sứ
Kinh Phật 06:26 31/10/2024Trong Trung Bộ Kinh (Kinh 130), Phật bảo (tóm tắt): "Này các Tỳ Kheo! Ðiều Ta đang nói, Ta không phải nghe từ một Sa Môn hay Bà La Môn nào khác. Những điều Ta đang nói chỉ được Ta biết mà thôi, chỉ được Ta thấy mà thôi, chỉ được Ta hiểu mà thôi".
Kinh Điều Ngự
Kinh Phật 23:40 28/10/2024Trung Bộ Kinh chép: Một hôm có Aggivessana dòng Bà La Môn đến hỏi Phật về phương pháp tu hành, Phật dạy:
Phật nói kinh vô thường
Kinh Phật 14:45 03/10/2024Tôi nghe như vậy. Một thời Phật tại thành Thất la phiệt nơi rừng Thệ đa, vườn Cấp cô độc. Bấy giờ Phật bảo các Tỳ kheo rằng trong các thế gian có ba pháp không thể yêu, không trong sạch, không thể muốn, không vừa ý. Ba pháp là gì?
Xem thêm