Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 10/03/2022, 06:34 AM

Phật giáo Ðồng Nai đồng hành cùng dân tộc

Trải qua bao thăng trầm, biến cố lịch sử của đất nước Việt Nam, Phật giáo luôn gắn liền và đồng hành cùng dân tộc Việt. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ gói gọn tinh thần Phật giáo Đồng Nai đồng hành cùng dân tộc trong tỉnh nhà.

Dẫn nhập

Chư vị Tổ đức ngày xưa, các Ngài rất am tường thiên văn địa lý, đa phần quý Ngài cũng là một vị lương y, một thầy thuốc rất giỏi. Do vậy, quý Ngài dùng nhiều phương tiện hướng dẫn Phật tử tìm hiểu được đạo lý một cách rất nhẹ nhàng, cuộc sống rất thân thiện, gần gũi với người dân miền thôn dã. Nên việc truyền đạo từ thành thị đến thôn quê đều được mọi người quý kính, tôn trọng. Vì đạo Phật là đạo từ bi, bởi có câu “Từ năng dữ lạc, bi năng bạt khổ” tức là lấy từ bi cứu khổ ban vui, nơi nào có chúng sanh cần là nơi đó có hình bóng tu sĩ xuất hiện. Truyền thống tốt đẹp đó, đến hôm nay các chùa trong và ngoài nước vẫn còn duy trì và phát triển, như vừa qua bão lụt miền Trung, chư Tăng Ni và Phật tử trong và ngoài nước nhiệt tình ủng hộ và ủng hộ rất đông. Đây là ưu thế của tôn giáo, nhất là Phật giáo. Vì vậy, không những ở Việt Nam mà cả các nước Phật giáo Nam truyền như: Thái Lan, Sri Lanka, Myanmar, Campuchia…và Phật giáo Bắc truyền như: Nhật Bản, Trung Hoa, Đài Loan, Việt Nam … Nơi nào có chùa chiền Phật giáo là nơi đó cảm thấy ấm cúng, gần gũi, thân thiện với người dân, nên Hòa thượng Mãn Giác nói:

“Mái chùa che chở hồn dân tộc,

Nếp sống muôn đời của tổ tông”

Trải qua bao thăng trầm, biến cố lịch sử của đất nước Việt Nam, Phật giáo luôn gắn liền và đồng hành cùng dân tộc Việt. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ gói gọn tinh thần Phật giáo Đồng Nai đồng hành cùng dân tộc trong tỉnh nhà.

BỐI CẢNH LỊCH SỬ VĂN HOÁ VÀ DÂN TỘC TỈNH ĐỒNG NAI 

Xuyên qua lịch sử, ông cha ta lấy Đồng Nai làm khu vực hành chánh của người Kinh, “từ năm 1698, khi Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược xứ Đàng Trong, lấy đất Đồng Nai lập phủ Gia Định gồm hai huyện Phước Long với dinh Trấn Biên và huyện Tân Bình với dinh Phiên Trấn làm mốc” [1]. Đây là đơn vị hành chánh đầu tiên của khu vực Đông Nam bộ. Từ đó dân cư miền ngoài, vượt qua các cửa biển hoặc lên rừng ngàn dặm, lần lượt vào khai phá đất đai để lập nghiệp. Bà Rịa – Đồng Nai có thể được xem là vùng đất đầu tiên, làm chỗ đứng cho những bước kế tiếp của công cuộc khai hoang về phương Nam đến mũi Cà Mau, tận cùng của Tổ quốc.

Riêng người Hoa là từ năm 1679, Chúa Hiền – Nguyễn Phúc (Phước) Tần cho phép Tổng binh Trần Thượng Xuyên, Phó tướng Trần An Bình và họ dắt theo một nhóm tướng sĩ nhà Minh gồm 3.000 người và đi trên 50 chiếc thuyền [2] vào định cư ở địa Bàn Lăng đã “chiêu tập người buôn nước Tàu đến kiến thiết phố xá, mái ngói tường vôi, lầu cao quán rộng, dọc theo bờ sông liên lạc tới 5 dặm. Kẻ buôn tụ tập, ghe thuyền ở biển và sông đến neo đậu, có những sà lan liên tiếp nhau. Đây là một chỗ đại đô hội, những nhà buôn bán to lớn duy trì ở đây là nhiều hơn” [3]. Đây là chính sách của Trần Thượng Xuyên, phát huy tiềm lực tại Bến Gỗ, Bà Rịa – Vũng Tàu, về số lượng nông sản, lâm sản, thổ sản của người Mạ, người Châu Ro, người S’tiêng… rất phong phú, nên họ thu mua và bán cho nước ngoài và ngược lại, họ nhập hàng tiêu dùng, như sắt, đồng, diêm, tiêu để cung ứng cho nhu cầu của cư dân khai hoang, từ đó bến Cù Lao Phố trở thành một cảng lớn xứ đô thị này.

Trên đây, chỉ nhắc sơ lược về sự hình thành khu đất hành chính Đồng Nai. Trước đây vùng đất Đồng Nai đã có dân cư người Kinh và dân tộc anh em đã đến đây rồi. Ở đây chỉ nhấn mạnh vài điểm về sự hình thành ban đầu của vùng đất “hào khí miền Đông”, để hồi tưởng lại ông cha ta đã trải qua biết bao cảnh thăng trầm chiến loạn, binh đao khói lửa, biết bao sự hy sinh xương máu của các Ngài đã nằm xuống, để đổi lấy cuộc sống thanh bình, ấm no, hạnh phúc cho chúng ta ngày hôm nay.

Nói đến Đồng Nai là nói đến vùng đất miền Đông Nam bộ, là cửa ngõ xuống TP. Hồ Chí Minh và miền Tây Nam bộ. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ, ruộng lúa phì nhiêu. Hiện nay, Đồng Nai có 11 cơ sở hành chánh trực thuộc tỉnh, gồm: 02 thành phố (Biên Hòa, Long Khánh) và 09 huyện (Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Định Quán, Tân Phú, Long Thành, Nhơn Trạch và Xuân Lộc). Dân số trên 3,2 triệu nhân khẩu, 15 tổ chức tôn giáo được công nhận, có 34 dân tộc, gồm có: dân tộc Kinh, dân tộc Hoa và dân tộc bản địa, như dân tộc Châu Ro, Stiêng, Châu Mạ… Hiện Đồng Nai có các khu du lịch nhưng không phát triển, các ngành khác cũng không phát triển mạnh, chỉ có công nghiệp là phát triển mạnh nhất. Số khu công nghiệp cả tỉnh là 32 khu, nhất là dự án cảng hàng không sân bay quốc tế Long Thành và tương lai huyện Long Thành sẽ trở thành TP. Long Thành.

6-1

SỰ HÌNH THÀNH PHẬT GIÁO TỈNH ĐỒNG NAI 

Phật giáo Đồng Nai hình thành từ rất sớm. Dân gian thường hay nói: “Dân đi trước nhà nước đi sau”. Do đó, trước khi Chúa Hiền – Nguyễn Phúc Tần lệnh cho Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào xứ Đồng Nai, đã có dân cư khai hoang trước vài chục năm và có đời sống ổn định, thường có dân thì có các nhà sư Phật giáo, nên hiện nay ở TP. Biên Hòa tỉnh Đồng Nai có những ngôi chùa cổ, như Tổ đình Long Thiền, Tổ đình Bửu Phong (hay còn gọi chùa núi Bửu Phong), Đại Giác Cổ tự. Đây là những ngôi Cổ tự xưa nhất, mà các nhà viết sử Đồng Nai thường nhắc đến, còn có trước Tổ Nguyên Thiều hay không, đó là điều còn đang nghiên cứu. Lúc bấy giờ, những ngôi chùa này là những am tranh nhỏ bé, để có chỗ những người di dân có nơi sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo.

Phật giáo truyền vào Đàng Trong rất nhiều, nhưng nói đến Phật giáo Đồng Nai, ai ai cũng nghe uy danh và hành trạng của tổ Nguyên Thiều – Siêu Bạch – Hoán Bích hay gọi là Thọ Tông. Ngài là họ Tạ, quê quán ở Trình Hương, Triều Châu, Quảng Đông, 19 tuổi xuất gia ở chùa Báo Ân tu học và thọ giáo với Hòa thượng Bổn Khao – Khoán Viên và tiếp nối dòng thiền Lâm Tế, đời thứ 33. Vào năm Ất Tỵ (1665), vào thời Dũng Quận Công Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), Ngài sang An Nam ở Phủ Quy Ninh (Bình Định) lập chùa Thập Tháp – Di Đà, mở trường truyền dạy, sau ra Thuận Hóa lập chùa Hà Trung (huyện Phú Lộc) rồi lên Xuân Kinh (Huế) lập chùa Quốc ân, xây Tháp Phổ Đồng…

Sau đó, phụng mệnh Anh Tôn – Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691) về Trung Hoa, Ngài đến Quảng Đông mời được Hòa thượng Thạch Liêm và những danh Tăng khác, cùng thỉnh được nhiều kinh, tượng mang về An Nam. Chúa Nguyễn liền sắc ban cho Ngài, mở đại giới đàn rất trang nghiêm và long trọng tại chùa Thiên Mụ. Về sau chúa Nguyễn ban cho Ngài chức vụ trụ trì chùa Hà Trung. Sau cuộc biến loạn năm (1694-1695), Tổ sư Nguyên Thiều cùng một số đệ tử phải bỏ chùa vào tu ẩn tu ở vùng rừng núi sâu thẳm thuộc Đàng Trong. Vào tận vùng đất mới, lập chùa Quốc ân Kim Cang (nay là huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) cho đến cuối đời. Hiện nay Tháp của Tổ sư Nguyên Thiều còn được tôn thờ trong khuôn viên Tổ đình Quốc ân Kim Cang (tuy nhiên Tháp vọng hay có nhục thân, sử chưa xác định cụ thể) và trong khuôn viên này có phần mộ của Công chúa Ngọc Vạn [4]. Hậu duệ Tổ Nguyên Thiều còn có một thế hệ, có thể gọi là Pháp tử, có những Thiền sư: Minh Vật – Nhất Tri, Minh Giác – Kỳ Phương, Minh Trí – Nguyệt Hạnh, Thành Chí – Minh Dung – Pháp Thông, Thành Đẳng – Minh Lượng – Nguyệt Ân, Thành Nhạc- Ẩn Sơn… được Tổ Nguyên Thiền nâng đỡ, đặt vào công tác hành đạo từ Thuận Hóa đến tận Đồng Nai, Gia Định.

Hiện nay, tại đất Đồng Nai có ba ngôi chùa cổ, do ba vị đệ tử Tổ Nguyên Thiều làm trụ trì, như Tổ đình Long Thiền là ngài Thành Nhạc – Ẩn Sơn làm trụ trì, Tổ đình Bửu Phong (hay còn gọi chùa núi Bửu Phong) do ngài Thành Chí – Pháp Thông – Minh Dung làm trụ trì và Đại Giác Cổ tự do ngài Thành Đẳng – Nguyệt Ân – Minh Lượng (Minh Yêu) làm trụ trì. Cả ba ngôi Cổ tự đều phát triển song song với nhau. Điểm ấn tượng nhất là đến thế kỷ XX, cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Huệ Thành – Hồng Tin – Ngộ Tín – nguyên Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Đồng Nai (1982) làm trụ trì cả ba ngôi Cổ tự này và nhiều ngôi chùa khác như chùa Thanh Long, Hiển Lâm sơn tự, Hoàng Ân Cổ tự…, từ những năm trước giải phóng (1975) cho đến ngày viên tịch (2001). Riêng Tổ đình Quốc ân Kim Cang đã suy tàn, chỉ còn Tháp Tổ sư Nguyên Thiều. Vì trước 1975, đây là vùng giải phóng, sau 1975 chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền, nhiều lần xin phục hưng ngôi chùa Quốc ân Kim Cang nhưng không được, chỉ trùng tu được ngôi Tháp Tổ sư Nguyên Thiều. Đến 25/8/2004, theo Công văn số 661/TGCP/V2, ngày 22/9/2004 của Ban Tôn giáo Chính phủ và Công văn số 322/CV/HÐTS của Hội đồng Trị sự chấp thuận cho Ban Trị sự THPG Ðồng Nai tái thiết trùng tu ngôi Tổ đình. Ngày 12/6/2007, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ðồng Nai có Công văn số 4352/UBND-VX chấp thuận cho Ban Trị sự Tỉnh hội trùng tu Tổ đình Quốc ân Kim Cang. Ðồng thời sau khi được suy cử đảm nhiệm chức vụ Trưởng Ban Trị sự THPG Ðồng Nai, HT. Thích Minh Chánh trực tiếp làm chủ đầu tư công trình tái thiết trùng tu ngôi Tổ đình, hằng năm tổ chức cúng húy kỵ tưởng niệm Tổ sư. Năm 2011, nhân lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập GHPGVN (07/11/1981-07/11/2011), nhằm để tưởng niệm ân đức cao dày của Tổ sư, Ban Trị sự THPG Ðồng Nai tổ chức lễ kỷ niệm tại Tổ đình Quốc Âm Kim Cang vào các ngày 01,02/11/2011, có khoảng 5.000 Tăng Ni, Phật tử tham dự tại khuôn viên ngôi Cổ tự, là một điểm son lịch sử Phật giáo Biên Hòa, Ðồng Nai được ghi lại trong lòng dân tộc.

Tại đất Đồng Nai, Tổ sư Nguyên Thiều có ba người đệ tử, đó là:

a. Tổ sư Thành Chí – Pháp Thông – Minh Dung (1691-1749), người đã tự xưng là “Khất sĩ”, đứng danh chứng minh bộ khắc bản kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Ngài đã cùng với đệ tử Thiệt Huệ – Khánh Tài, Thiệt Sát – Bảo Hương và 59 nam nữ Phật tử, trong suốt 28 năm (1706-1734) thực hiện 118 mộc bản bằng gỗ thị huyết. Năm 2006 được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam xác lập là Bộ kinh khắc gỗ đầy đủ và xưa nhất Việt Nam hiện được bảo lưu tại Tổ đình Phật Quang Cổ tự (TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận). Ngài có công truyền đạo từ miền Đông ra miền Trung, như chùa Núi Bửu Phong – Đồng Nai, chùa Thập Tháp – Bình Định, chùa Quốc ân – Huế, chùa Sắc tứ Hoàng Long (sau này hiệu Sắc tứ Hoàng Long không còn nữa mà đổi lại là Sắc tứ Liên Tôn) – Quảng Ngãi, chùa Thiên Hưng – Phú Yên, chùa Cổ Lâm – Phú Yên, chùa Phước Sơn – Phú Yên, chùa Phổ Phước huyện Bình Sơn, chùa Thiên Khánh… [5].

b. Tổ sư Thành Nhạc Ẩn Sơn, trụ trì Tổ đình Long Thiền – Đồng Nai và khai sơn chùa Châu Thới – Bình Dương, có đệ tử Phật Chiếu – Linh Nhạc khai sơn chùa Phước Tường – Thủ Đức (Gia Định) …

c. Tổ sư Thành Đẳng – Nguyệt Ân – Minh Lượng (1686 -1769), trụ trì Đại Giác Cổ tự – Đồng Nai và Ngài đã khai sơn chùa Vạn Đức ở Hội An (Quảng Ngãi) và chùa Bảo Phong ở Khánh Hòa. Các đệ tử, như ngài Phật Ý – Linh Nhạc khai sơn chùa Từ Ân và chùa Khải Tường (sau này gọi là Sắc tứ Từ Ân tự và Quốc ân Khải Tường. Riêng chùa Quốc ân Khải Tường đã dời bảng hiệu chùa về huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai). Ngoài ra, còn rất nhiều hành trạng của chư Tổ sư đã dày công xây dựng Phật giáo Đồng Nai và nhiều ngôi chùa ra đời, mỗi chùa đều có quá trình hình thành riêng biệt, nhưng có điểm chung là nhằm giáo hóa dân gian “bỏ điều ác, làm điều thiện”

Chúa Nguyễn xuống chỉ quở trách và Vân hối lỗi, chuyên chú làm việc công, làm dân an cư lạc nghiệp, sau đó xây dựng ngôi chùa Hộ Quốc Quan để tu tâm dưỡng tánh. Ngôi chùa này vẫn còn tại phường Tân Vạn, TP. Biên Hòa. Như sự tích sông Nhà Bè [6], đằng sau câu chuyện là nói về nhân quả của Phật giáo, như việc lạm dụng chức quan thu thuế của ông Thủ Huồng hiếp đáp dân lành, đến một ngày nọ ông xuống âm phủ, thấy một cái cối và một đống lúa không có ai xay, ông hỏi quỷ sứ: “Chỗ nào cũng có người bị hành hạ, sao chỗ này không thấy?” Quỷ sứ đáp: “Chờ ông Thủ Huồng, vì trên nhân gian ông thường lấy của dân…”. Sau đó ông về nhân gian, mang hết lúa, xay thành gạo và thả trên bè, đưa xuống sông bố thí, bè trôi đến đâu, thì dân cứ nhận lấy, nên có câu: “Nhà Bè nước chảy chia hai – Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”. Năm sau, ông đi xuống âm phủ lần nữa, thì nơi đó không thấy gì, ông hỏi quỷ sứ: “Sao không thấy cái cối và đống lúa đâu?” Quỷ sứ đáp: “Ông Thủ Huồng đã đem tài sản bố thí hết rồi, nên không cần nữa…”. Từ đó, ông trở lại nhân gian lập chùa Chúc Thọ, nhân gian thường gọi chùa Thủ Huồng. Tuy đây là câu truyện hoang đường, nhưng cũng nói lên mặt tốt, mặt xấu của xã hội. Vì đạo Phật là đạo từ bi, cứu khổ ban vui, quý Ngài vận dụng trí huệ của mình, tìm mọi phương tiện để chuyển hóa người xấu trở thành người tốt. Ngoài những ngôi chùa, còn có miếu Quan Thánh, đình, đền…rất nhiều, để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.

NHỮNG ĐẶC ĐIỂM HOẠT ĐỘNG PHẬT GIÁO TỈNH ĐỒNG NAI 

Chư Tôn đức ở trong nước hay ở nước ngoài, phát nguyện hoằng Pháp nơi đâu cũng không có phân biệt hệ phái hay tổ chức tôn giáo. Trước kia Đồng Nai cũng không ngoại lệ, nhưng vào khoảng đầu thế kỷ XX, Phật giáo thời bây giờ bị phân tán, hoạt động rời rạc, đơn lẻ không có tổ chức. Cho nên, việc đầu tiên chư Tôn đức thấy được sự yếu kém, không đoàn kết trong nội bộ Phật giáo nên đã tìm cách kết nối lại. Bằng cách thành lập Hội kỵ, Hội này tổ chức công khai, từ cúng giỗ Tổ của các chùa. Rồi lần lần đến tổ chức Hội Lục hòa Liên xã, được thành lập tại trường hạ Tổ đình Giác Lâm vào năm 1922, do Đại lão HT. Thích Từ Văn lãnh đạo [7]… Và sau ngày 2/9/1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình, thì ngày 23/9/1945, thực dân Pháp tái đánh chiếm Việt Nam và chiếm lĩnh chính sự. Nhân dân ta chỉ hưởng 21 ngày độc lập – tự do và sau đó tiếp tục đi vào con đường kháng chiến, chống thực dân Pháp. Lúc bấy giờ, các tổ chức Phật giáo cứu quốc Nam bộ lần lượt ra đời…

Đến năm 1952, Giáo hội Lục hòa Tăng và Lục hòa Phật tử ra đời. Đến cuối năm 1953, cố Trưởng lão HT. Thích Huệ Thành trên cương vị là Trưởng ban Hoằng pháp Giáo Hội Lục Hòa Tăng Việt Nam, Ngài đã đi khắp nơi, với nhiệm vụ Hoằng pháp, nhất là ở tại miền Đông Nam bộ. Ngài khéo léo, vận dụng việc hoằng pháp của mình đi vào lòng quần chúng nhân dân. Đây cũng là thời điểm củng cố mở rộng Giáo hội Lục hòa Tăng đến từ những miền thôn quê, dân dã, những vùng sâu, vùng xa, kết nối đến các tỉnh. Thời điểm này, Ngài quy tụ rất nhiều vị Tăng Ni và Phật tử ngưỡng mộ và theo ủng hộ kháng chiến. Đó là những việc làm vô cùng quan trọng cho thời kháng chiến. Và mãi đến ngày 09/11/1968, hai Giáo hội là Hội Lục hòa Tăng và Lục hòa Phật tử, kết hợp tổ chức thành lập một Giáo hội là Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, nhưng mãi đến ngày 29/3/1972 mới có Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, có 12 chương, 20 điều. Dù mang hình thức Giáo hội nào, cũng làm cho những con người biết yêu quê hương và yêu Tổ quốc là trên hết.

“Riêng Đồng Nai lúc bây giờ gọi là tỉnh Biên Hòa, vào ngày 6/9/1945, được sự giúp đỡ của Mặt trận Việt Minh tỉnh Biên Hòa, cử Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Biên Hòa. Tăng Ni và Phật tử bầu Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Thành làm Hội trưởng kiêm Ủy viên Mặt trận Việt Minh tại tỉnh Biên Hòa. Trụ sở Hội Phật giáo Cứu quốc đặt tại chùa Long Thiền – Biên Hòa và chùa Long Thiền bây giờ là nơi nhận truyền đơn của Mặt trận Tổ quốc (sắp thành lập) gởi đi khắp các chùa trong tỉnh” [8].

Chính điện Văn Miếu Trấn Biên ở thành phố Biên Hòa (Ảnh: sưu tầm)

Chính điện Văn Miếu Trấn Biên ở thành phố Biên Hòa (Ảnh: sưu tầm)

Dưới đây là danh sách, Ban Chấp hành Phật giáo Cứu quốc tỉnh Biên Hòa năm 1945 tại Tổ đình Long Thiền, gồm: “1. Hội trưởng: Đại lão HT. Thích Huệ Thành, Trụ trì Tổ đình Long Thiền, bí danh Hồng Tín kiêm Ủy viên Mặt trận Việt Minh tỉnh Biên Hòa; 2. Phó Hội trưởng: Thầy Yết ma Thiện Ân, Trụ trì Chùa Đại Giác; 3. Tổng Thư ký: TT. Thích Thiện Thuận, bí danh Hoàng Anh, Thư ký Chùa Đại Giác; 4. Tài chánh: Thầy Yết ma Thích Thiện Niệm, Trụ trì Chùa Hiển Lâm (chùa Hóc Óng Che); 5. Kiểm soát: HT. Thích Trí Tấn, Trụ trì chùa Hưng Long (huyện Tân Uyên) tỉnh Biên Hòa cũ; 6. Ủy viên: HT. Thích Thiện Khải, Trụ trì chùa Thanh Lương; 7. Ủy viên: Thầy Yết ma Trụ trì chùa Tân Sơn; 8. Ủy viên: Thầy Giáo thọ Thích Tịnh Quang, Trụ trì chùa Thanh Long; và 9. Ủy viên Liên lạc: Thầy Giáo thọ Thích Quảng An, Trụ trì chùa Thiên Long. Đây là 9 thành viên của Hội Phật giáo Cứu quốc đầu tiên tại tỉnh Biên Hòa” [9].

Đến năm 1947 (Đinh Hợi), Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Thành và các tổ chức Hội Phật giáo cứu quốc ở các tỉnh Nam bộ, được mời về chùa Thiên Kim (tức chùa Ô Môi) ở xã Mỹ Quý, tỉnh Đồng Tháp Hội nghị từ ngày 15-17/4/1947 và ra nghị quyết bầu Ban Chấp hành Phật giáo Cứu quốc Nam bộ, gồm quý vị như sau: Chánh Hội trưởng: Đại lão HT. Thích Minh Nguyệt (bí danh Tam Không); Đệ nhất Phó Hội trưởng kiêm Ủy viên Mặt trận Liên Việt, Nam bộ: Đại lão HT. Thích Huệ Thành (bí danh Hồng Tín), Hội trưởng Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Biên Hòa và 11 thành viên, sau đó Ban chấp hành phân công những đoàn phụ trách: Bộ phận Thường trực, miền Tây Nam bộ, Sài Gòn – Gia Định, đặc biệt miền Đông Nam bộ là HT. Thích Huệ Thành, Thầy Huệ Phương (bí danh Bạch Vân) chịu trách nhiệm. Đại lão Hòa thượng Hội trưởng kêu gọi thành lập các chi hội trong toàn tỉnh, từ đó lần lượt ra đời chi hội các quận và đến các xã…tham gia các hoạt động kháng chiến và tham gia bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và vận động Tăng, Ni, Phật tử tham gia phong trào: ‘Tuần lễ vàng’, ‘Tuần lễ kim khí’, các chùa đã hưởng ứng hiến lư đồng, đại hồng chung, chân đèn…. gửi vào chiến khu để đúc vũ khí. Lúc bây giờ, Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Thành cùng một số Tăng Ni thoát ly đi kháng chiến. Trong thời gian này, HT. Thích Thiện Khải với vai trò vừa thầy cúng, vừa viết liễn (chữ Hán) để bí mật hoạt động nội thành. Trong lúc này, nhiều Tăng Ni bị giam cầm hoặc bị sát hại, như tại chùa Hiển Lâm (chùa Hóc Óng che) có ông Hườn là một chiến sĩ kháng Pháp bị giặc Pháp bắn chết tại cổng chùa Hiển Lâm. Cho nên, khi nói đến đặc điểm Phật giáo Đồng Nai là phải nhớ đến hành trạng chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, như cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Huệ Thành, cố Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Khải, cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tấn… và những Tôn đức trong Hội Phật giáo Cứu quốc Nam bộ tỉnh Biên Hòa năm 1945. Quý Ngài đã nhập thế hy sinh thân mạng của mình, để hoạt động trong lòng địch. Đây là những hình ảnh, mà cả đời hàng hậu bối chúng tôi ghi nhớ. Điều đáng kính phục nhất là năm 1963, HT. Thích Quảng Đức tự thiêu, phong trào đấu tranh chống chế độ độc tài của Ngô Đình Diệm rất quyết liệt. Lúc đó, Đại lão HT. Thích Tịnh Khiết vào Nam, trú tại chùa Xá Lợi và viết thư thỉnh Đại lão HT. Thích Huệ Thành xuống chùa Xá Lợi để bàn bạc Phật sự. Trong bức thư tán dương công đức của Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Thành là “Đơn tâm vị Pháp”. Cả đời của Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Thành luôn hy sinh cho đất nước và dân tộc Việt Nam. Ngài xứng đáng là tấm gương sáng, là điểm tựa vững chắc để hàng hậu bối chúng ta noi theo.

GIAI ĐOẠN CỦNG CỐ VÀ XÂY DỰNG CON NGƯỜI CHO GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM 

Sau ngày giải phóng 1975, Đại lão HT. Thích Huệ Thành vận động Tăng Ni trong tỉnh, tham gia các công tác như tham gia khóa học đào tạo cán bộ Phật giáo yêu nước (60 vị, tại Viện Tăng thống GHPGCTVN), tham dự Hội nghị Hiệp thương chánh trị, thành lập Ban Phật giáo yêu nước, Đến ngày 07/11/1981, Đại hội thống nhất Phật giáo toàn quốc tại chùa Quán Sứ, Thủ đô – Hà Nội, Đại lão HT. Thích Huệ Thành được Tăng Ni và Phật tử cả nước tin tưởng suy cử là Phó Pháp chủ Thường trực Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đại lão Hòa Thượng còn được Trung ương Giáo hội đặc trách, lãnh đạo Tăng Ni và Phật tử khu Đông Nam bộ, làm nhiệm vụ xây dựng thành công Chủ nghĩa Xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam. Đến năm 1982, Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Thành vận động tổ chức Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Đồng Nai, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai.

Tăng Ni và Phật tử toàn tỉnh cung thỉnh Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Thành làm Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đầu tiên và lãnh đạo tất cả là 25 thành viên, đến nay chỉ còn lại ba vị đang làm việc tại BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai, đó là: 1. Ni trưởng Thích Nữ Huệ Hương, Trụ trì chùa núi Bửu Phong (nơi Tổ sư Thành Chí – Pháp Thông – Minh Dung trụ trì) là từ chức vị Ủy viên Ban Văn hóa BTS tỉnh đến Ủy viên Ban Từ thiện Trung ương, Ủy viên HĐTS kiêm Ủy viên Ban Tăng sự Trung ương, Phó phân Ban Ni giới Trung ương, Phó ban BTS kiêm Phó Ban Tăng sự tỉnh, Trưởng phân Ban Ni giới thuộc Ban Tăng sự tỉnh Đồng Nai và Ni trưởng Huệ Hương làm Chánh Đại diện Phật giáo thành phố Biên Hòa 10 năm (1983-1993); 2. Cư sĩ Hồ Dũng Minh Tuấn, pháp danh Phước Tú, lúc bây giờ là Ủy viên BTS, đến năm 1990 xuất gia lại với Đại lão HT. Thích Huệ Thành và hiện nay là HT. Thích Phước Tú, trụ trì chùa Từ Tôn đang giữ chức vụ là Phó BTS kiêm Trưởng Ban Nghi lễ tỉnh và 3. HT. Thích Huệ Tâm, trụ trì chùa Bảo Sơn (Long Khánh), lúc bây giờ là Ủy viên BTS, hiện nay là Phó BTS kiêm Trưởng Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh Đồng Nai. Trụ sở đầu tiên của BTS, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đặt tại Tổ đình Long Thiền, lúc bây giờ, tỉnh Đồng Nai gồm cả ba tỉnh là Biên Hòa cũ, Long Khánh và Bà Rịa – Vũng Tàu.

GIAI ĐOẠN ỔN ĐỊNH TRONG TỈNH 

Đến khóa II, III, IV, V do Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Khải, trụ trì chùa Thanh Lương là thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương làm Trưởng Ban trị sự kiêm Ủy viên Ban Tăng sự Phật giáo tỉnh liên tục bốn khóa, nhưng các thành viên khác cũng có thay đổi. Trụ sở vẫn đặt tại Tổ đình Long Thiền nhưng vào khóa V, văn phòng chuyển qua chùa Thanh Long.

Trường Trung cấp Phật học Đồng Nai, được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam khen tặng là trường điểm của 33 trường Trung cấp Phật học toàn quốc. (Ảnh: sưu tầm)

Trường Trung cấp Phật học Đồng Nai, được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam khen tặng là trường điểm của 33 trường Trung cấp Phật học toàn quốc. (Ảnh: sưu tầm)

Trong những nhiệm kỳ này đã vừa cơ cấu kiện toàn các Ban đại diện các huyện, thị, thành phố hoàn chỉnh; vừa là ổn định Tăng Ni và Phật tử toàn tỉnh, để ủng hộ xây dựng Chủ nghĩa xã hội, như kêu gọi Tăng Ni, Phật tử đóng góp xây dựng hồ thủy điện Trị An, mua Công trái phiếu giúp đỡ đất nước, từ thiện xã hội… Đặc biệt những khóa này, là bắt đầu đào tạo thế hệ kế thừa, ký giấy giới thiệu cho Tăng Ni sinh, học Cao cấp Phật học, học Trường Cơ bản Phật học TP. Hồ Chí Minh và năm 1990, Ban Trị sự đã mở Trường Cơ bản Phật học tỉnh Đồng Nai, Trụ sở trường đặt tại Đại Tòng Lâm – Bà Rịa – Vũng Tàu, sau này chia tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu, Ban Giám Hiệu và Tăng Ni sinh chia ra, một số Tăng Ni sinh học tại Đại Tòng Lâm, còn một số về chùa Pháp Hoa, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Nhờ vào sự lãnh đạo sáng suốt, khéo léo của chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội, có cách nhìn xa, hiểu rộng mà hôm đã có trên 1.500 Tăng, Ni có trình độ từ Trung cấp Phật học, Cử nhân, Tiến sĩ Phật học đang phục vụ cho các Trường và Giáo hội trong tỉnh và cả nước. Đội ngũ trí thức này, còn ra giảng dạy Phật Pháp ở nước ngoài. Đây là giai đoạn thành công của Ban trị sự Phật giáo tỉnh Đồng Nai.

PHÁT TRIỂN VỀ MẶT CON NGƯỜI VÀ XÂY DỰNG CƠ SỞ VẬT CHẤT 

Đến khóa VI và VII, do Hòa thượng Thích Minh Chánh là Thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương, Trưởng Ban Trị sự 2 khóa. Đây là giai đoạn phát triển Phật giáo tại tỉnh nhà, nhất là xây dựng cơ sở. Hòa thượng tiếp tục sự nghiệp của chư tôn đức lãnh đạo để lại và phát triển các hoạt động của Giáo hội. Đặc biệt, thứ nhất là Hòa thượng đặt hết tâm huyết vào việc trùng tu Tổ đình Quốc ân Kim Cang, huyện Vĩnh Cửu, nơi Tổ Nguyên Thiều gián trạch, cũng là nơi Hòa thượng Thích Minh Chánh đã chọn cuộc đời còn lại của Ngài an dưỡng tại nơi này; Thứ hai, Hòa thượng xây dựng chùa Tỉnh Hội, nhằm dời Trụ sở Ban Trị sự Phật giáo tỉnh. Hòa thượng đã hoàn thành hai nhiệm vụ này, trước khi Ngài giao nhiệm vụ cho Hòa thượng Thích Nhật Quang, Trưởng Ban Trị sự khóa VIII.

Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Đồng Nai khóa VIII (2017-2022) suy cử Hòa thượng Thích Nhật Quang lên làm Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai, sau đó Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc, cung thỉnh Hòa thượng Thích Nhật Quang, là Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Từ ngày nhận nhiệm vụ Trưởng Ban Trị sự đến nay, đều hướng dẫn Tăng Ni và Phật tử đoàn kết một lòng lo phát triển Giáo hội tỉnh nhà, ngoại giao với các tỉnh bạn và Tôn giáo bạn. Đồng thời tiếp tục xây dựng, sửa chữa chỉnh chu lại chùa Tỉnh hội (trụ sở Phật giáo tỉnh) ngày càng được khang trang hơn. Đặc biệt, Ngài rất chú trọng tổ chức nghiêm trang Đại giới đàn. Cho nên khóa VIII đã tổ chức được hai Đại giới đàn và dự kiến năm 2022 sẽ tổ chức thêm một Đại giới đàn nữa trong một nhiệm kỳ (2017-2022). Ngài luôn tâm huyết về giáo dục Phật giáo, đào tạo chư Tăng Ni vừa có đức, vừa có tài để tương lai có người truyền bá đúng Chánh pháp. Dưới đây là thống kê kết quả thành công của những nhiệm kỳ qua, từ 1982 – 2020 [10]:

Số tự viện và Tăng, Ni tăng năm 1982, tổng cơ sở tự viện cả tỉnh Đồng Nai (có cả tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) là 247 cơ sở tự viện (Bắc tông có 215 cơ sở, Nam tông Kinh có 12 cơ sở, Nam tông Khmer có 1 cơ sở, Khất sĩ có 19 cơ sở). Tổng Tăng Ni trong tỉnh lúc bấy giờ là 465 vị. Trải qua 8 khóa đến nay (2020), tổng cả tỉnh Đồng Nai có 489 tự cơ sở tự viện (Bắc tông có 419 cơ sở, Nam tông Khmer có 01 cơ sở, Nam tông Kinh có 20 cơ sở, Khất sĩ có 49 cơ sở). Tổng số Tăng Ni cả tỉnh có 6077 vị. Số giới tử thọ giới tại Đại giới đàn năm 1982 (không tìm được dữ liệu), năm 1984 có 132 giới tử, năm 1990 có 309 giới tử, năm 1992, có 421 giới tử, 1995 có 641 giới tử, năm 1998 có 798 giới tử, năm 2002 có 824 giới tử, năm 2004 có 1.056 giới tử, năm 2006 có 1.235 giới tử, 2009 có 1.300 giới tử, năm 2011 có 1.904 giới tử, năm 2013 có 2.692 giới tử, năm 2015 có 2.167 giới tử, năm 2017 có 2.300 giới tử, năm 2019 có 2.871 giới tử.

Đặc biệt, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh thành công trong việc đào tạo trường Trung cấp Phật học tỉnh Đồng Nai, từ khóa I đến khóa VIII (1990-2020) 30 năm đào tạo 1.529 Tăng Ni sinh tốt nghiệp ra trường, hiện tại có những vị đã nhận bằng Tiến sĩ, Thạc sĩ, Cử nhân, Cao đẳng Phật học và đang phục vụ cho Giáo hội từ trung ương đến các tỉnh và địa phương. Trường Trung cấp Phật học Đồng Nai, được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam khen tặng là trường điểm của 33 trường Trung cấp Phật học toàn quốc.

Theo đà phát triển xã hội, trường Trung cấp Phật học tỉnh mở khóa IX (2020- 2023) gồm có 257 Tăng Ni sinh, chia làm 4 điểm:

– Chùa Phật Hiện, phường Tam Phước, TP. Biên Hòa, có 61 vị Tăng nội trú;

– Chùa Huệ Giác, xã Long Phước, huyện Long Thành, có 81 Ni sinh nội trú;

– Thiền viện Thường Chiếu, xã Phước Thái, huyện Long Thành, có 72 Tăng sinh nội trú chuyên học về Thiền Trúc Lâm;

– Tịnh xá Ngọc Uyển, phường Bửu Hòa, TP. Biên Hòa, có 41 Ni sinh hệ phái Khất sĩ, nội trú học theo chương trình Trường Trung cấp Phật học và học thêm chương trình của hệ phái. Vừa rồi đã thi học học kỳ I năm thứ nhất và đang học kỳ II năm thứ nhất. Bốn cơ sở trên đều là nội trú 100% nên đời sống sinh hoạt của Tăng Ni sinh rất ổn định.

Tóm lại, theo thống kê các cơ sở tự viện, các giới tử mỗi khóa mỗi tăng lên, nhất là kế hoạch đào tạo Tăng Ni sinh của ngành Giáo dục Phật giáo, ngày càng tăng số lượng và chất lượng. Đây là điều đáng vui mừng cho Giáo hội Phật Việt Nam tỉnh Đồng Nai, đã bao năm qua làm tròn trách nhiệm người đứng đầu lãnh đạo Giáo hội tỉnh.

Kết luận

Trên đây, chúng tôi chỉ khái quát về con đường hoằng pháp của Chư tôn Thiền đức, từ thuở xa xưa cho đến bây giờ. Quý Ngài đã trải qua biết bao khó khăn, biến cố lịch sử của đất nước, của tỉnh nhà. Mỗi thời kỳ, mỗi hoàn cảnh, mỗi địa điểm đều khác nhau nhưng quý Ngài luôn vận dụng trí huệ đưa nó vào một điểm chung, đó là “Đạo pháp – Dân tộc”. Cũng như năm 1945, Hồ Chủ Tịch đến chùa Quán Sứ thăm quý Hòa thượng và Bác phát biểu: “Nhà nước chúng tôi luôn luôn tôn trọng tự do tín ngưỡng. Phật giáo Việt Nam với dân tộc như bóng với hình, tuy hai mà một. Tôi mong các Hòa thượng, Tăng Ni và Phật tử, hãy tích cực thực hiện tinh thần Từ bi, Vô ngã, Vị tha trong sự nghiệp cứu nước, giữ nước và giữ Đạo, để cùng toàn dân sống trong Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc.” [11] Đây là điều không thay đổi, dù xưa kia hoặc hôm nay hay mai sau cũng là như vậy, cho nên được Nhà nước Việt Nam khen tặng Phật giáo 8 chữ vàng: “Phật giáo Việt Nam Hộ quốc – An dân”. Đó cũng là sự kết tinh của Phật giáo đồng hành cùng dân tộc, trên 2.000 năm qua.

Đạo Phật là một thành viên đáng tin cậy của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cho nên chúng ta là người con mang dòng máu Việt Nam, sống trong thời kỳ lịch sử vàng son của Phật giáo Việt Nam. Vậy hôm nay, dù trong hoàn cảnh nào, điều kiện nào, nghĩ gì, làm gì phải sống xứng đáng với sự hy sinh lớn lao của ông cha, của Tổ, thầy và những người tiền bối tiền nhiệm của chúng ta. Đó mới thực sự là người đệ tử Phật, thực sự là con dân nước Việt.

Chú thích và tài liệu tham khảo:

[1] Ban chỉ đạo lễ kỷ niệm 300 năm vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai, Biên Hòa – Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển, Nxb. Đồng Nai, 1998, tr.5.

[2] Nguyễn Hiền Đức, Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, Nxb. thành phố Hồ Chí Minh, 1995, tr.19.

[3]. Trích lại của Trần Văn Giàu, Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến trước Cách mạng tháng tám, Tập I, Nxb. Khoa học Xã hội. Hà Nội, 1973, tr.35.

[4] Nguyễn Hiền Đức, Sđd, 1995, tr.19-129

[5] Vinh Bổn, Từ mộc bản Kinh Pháp hoa chùa Phật Quang – Phan Thiết, đi tìm hành trạng “khất sĩ” Minh Dung – Thành Chí – Pháp Thông, tr.4 (đây là bản thảo chưa in).

[6] Huỳnh Ngọc Trảng, Địa chí Đồng Nai, tập I, Nxb. Xí nghiệp in Đồng Nai và Nhà Thông tin tấn xã Việt Nam, 2001, tr.11.

[7] Thích Huệ Thông, Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Nxb.: Văn hóa – Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 2019, tr.97.

[8] Huỳnh Ngọc Trảng, Sđd, 2001. tr.306.

[9] Đại lão HT. Thích Huệ Thành, Báo cáo khái quát quá trình hình thành và chuyển biến của Phật giáo Cứu quốc Nam bộ (1945-1985), Lưu hành nội bộ, tr.6.

[10] Bản báo cáo của GHPGVN tỉnh Đồng Nai.

[11] Thích Đức Nghiệp, Đạo Phật Việt Nam, Nxb. Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh, 1992. tr.321-322.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Tịnh độ trong trái tim ta

Kiến thức 07:50 24/04/2024

Là người học Phật thông minh, thiết nghĩ, thay vì mỏi mòn trông ngóng đến ngày “nhắm mắt xuôi tay” vãng sanh về Tịnh độ, ta nên vãng sanh vào thế giới Cực lạc ấy ngay bây giờ, ở đây, khi hơi thở còn ra vào, trái tim còn gõ nhịp.

Về con chim hai đầu ở chùa Bút Tháp

Kiến thức 15:05 23/04/2024

Đây là con chim ở cõi Tây Phương Cực Lạc, có tên là Cộng Mệnh điểu (Chim đôi cùng mạng sống), được kinh điển Phật giáo ghi chép.

Một thiền giả rối trí đến gặp Đức Phật

Kiến thức 14:07 23/04/2024

Có một vị trưởng lão đáng kính vào thời Phật. Ông là người tu thiền nghiêm túc. Ông muốn tìm ra nguồn gốc mọi vấn đề nên đã đi đến nơi ẩn dật để thiền định.

Tâm nguyện của Đức Phật

Kiến thức 13:35 23/04/2024

Có tối và có sáng; có nóng và có lạnh; có sinh và có tử, và chắc hẳn phải có một trạng thái vượt trên cả sự sinh tử đó. Đức Phật, trước khi giác ngộ, đã suy xét và lý giải theo cách suy luận như vậy.

Xem thêm