Quán chiếu ngũ uẩn
Không liễu tri năm uẩn thì không thể đoạn tận khổ đau, vì vậy cần phải liễu tri năm uẩn.
Vì vô minh, con người chấp thân ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) làm ngã nên sinh tâm tham ái và chấp thủ. Nhưng bản chất của ngũ uẩn là duyên sinh nên vô thường, vô ngã; con người chấp ngũ uẩn là của mình, là mình, là tự ngã của mình nên khi chúng thay đổi, biến dị theo định luật vô thường thì cảm thấy thất vọng, khổ não…
Đức Phật dạy: “Không liễu tri ngũ uẩn thì không thể đoạn tận khổ đau, do vậy cần phải liễu tri ngũ uẩn. Sự đoạn tận tham, sự đoạn tận sân, sự đoạn tận si được gọi là liễu tri” (Kinh Tương ưng bộ III).
Về ngũ uẩn có: Sắc uẩn, bao gồm bốn yếu tố địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại gọi chung là tứ đại, và các hình thái vật chất do bốn yếu tố đó tạo nên. Địa đại là chất rắn, thủy đại là chất lỏng, hỏa đại là nhiệt độ và phong đại là chất khí. Tứ đại hình thành nên cơ thể sinh vật lý của con người và thế giới vật chất bên ngoài con người, trong đó có các đối tượng tiếp xúc của các giác quan.
Thọ uẩn là những cảm giác, cảm nhận phát sinh do sự tiếp xúc giữa các căn (giác quan) và các trần (đối tượng giác quan). Gồm có thọ sinh ra do mắt tiếp xúc với hình sắc, tai tiếp xúc với âm thanh, mũi tiếp xúc với các loại mùi, lưỡi tiếp xúc với các loại vị, thân tiếp xúc với vật và ý tiếp xúc với pháp trần-các đối tượng của tâm ý. Những cảm nhận về khổ, lạc, xả đều thuộc thọ uẩn, có thể tập hợp lại thành ba loại là khổ thọ (cảm giác khó chịu, buồn đau, khổ não), lạc thọ (cảm giác dễ chịu, vui, hạnh phúc) và bất khổ bất lạc thọ (cảm giác không khổ cũng không vui, trung tính).
Tưởng uẩn là những tri giác, kinh nghiệm, ấn tượng về sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp và những khả năng hồi tưởng, liên tưởng, tưởng tượng. Khi sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) tiếp xúc với sáu trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp) sẽ cho ta những kinh nghiệm để từ đó sinh ra sự phân biệt, so sánh, đối chiếu, chia chẻ hay sắp xếp, hệ thống nó lại. Kinh giải thích tưởng là “thủ tượng vi nghĩa”, có nghĩa là nhận lấy, giữ lấy (ở trong tâm) cái tướng, cái hình tượng nào đó.
Hành uẩn, là động lực quyết định, là ý chí, ý muốn. Đây là những hiện tuợng tâm lý mang tính tạo tác, có năng lực thôi thúc, dẫn dắt tâm ý theo xu hướng thiện hoặc ác. Ví dụ chúng ta quyết định thực hiện việc gì đó, hoạt động quyết định ấy chính là hành. Hành chính là tác ý (nghiệp) hay tư tâm sở. Tư tâm sở gồm có “thẩm lự tư” là xét đoán, so sánh, đắn đo suy nghĩ, cân nhắc, “quyết định tư” là quyết định, “phát động tư” là thực hiện quyết định.
Thức uẩn, là khả năng nhận biết cảnh, phản ảnh thế giới thực tại, ghi nhận sự có mặt của các pháp qua sáu căn. Khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần sẽ sinh ra sáu thức là nhãn thức (cái biết của mắt), nhĩ thức (cái biết của tai), tỉ thức (cái biết của mũi), thiệt thức (cái biết của lưỡi), thân thức (cái biết của thân) và ý thức (cái biết của ý). Thức chỉ nhận biết, phản ảnh đối tượng tiếp xúc của sáu căn như một tấm gương phản chiếu.
Theo Duy thức học, ngoài sáu thức vừa nói trên còn có hai thức nữa là Mạt-na thức và A-lại-da thức. Mạt-na thức là cơ sở của ý thức, có tác dụng chấp ngã, nhận thức sự tồn tại của bản ngã là có thật (con người và thế giới sự vật hiện tượng, nhân và pháp có ngã tính). A-lại-da thức là khả năng duy trì, lưu giữ tất cả nhận thức, hiểu biết, những kinh nghiệm, những chủng tử (hạt giống) có năng lực làm sinh khởi thế giới sự vật hiện tượng trong đó có con người. A-lại-da thức cũng như bộ nhớ của một máy vi tính, là kho chứa mọi dữ liệu, sự kiện, vì thế còn được gọi là Tàng thức.
Con người là một hợp thể gồm năm thành phần là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Tự thân năm uẩn vốn là duyên sinh, không là một thực thể nhất định, không tồn tại độc lập mà nương nhau để tồn tại, mỗi uẩn nương vào bốn uẩn kia mà có mặt. Chẳng hạn như thức uẩn, Đức Phật dạy: “Thức tồn tại nhờ sắc làm điều kiện, làm đối tượng, sắc làm nơi nương tựa… Thức phát triển hưng thịnh nhờ sắc. Thức tồn tại nhờ thọ làm điều kiện, làm đối tượng, thọ làm nơi nương tựa… Thức phát triển hưng thịnh nhờ thọ. Thức tồn tại nhờ tưởng làm điều kiện, làm đối tượng, tưởng làm nơi nương tựa… Thức phát triển hưng thịnh nhờ tưởng. Thức tồn tại nhờ hành làm điều kiện, làm đối tượng, hành làm nơi nương tựa… Thức phát triển hưng thịnh nhờ hành. Nếu có ai nói rằng, tôi sẽ chỉ ra sự đi, sự đến, sự sinh, sự diệt của thức biệt lập với sắc, thọ, tưởng, hành thì người ấy đã nói một điều không thực” (Kinh Tương ưng bộ III).
Các uẩn khác cũng tương tự như thế. Chính các uẩn nương vào nhau mà tồn tại, mỗi uẩn luôn ở trong trạng thái vô thường sinh diệt tùy thuộc vào các uẩn kia, vì thế hợp thể năm uẩn (thân và tâm, vật chất và tinh thần) càng không thể là một thực thể có tự tính và tồn tại độc lập, bất biến. Do đó chấp cái tướng năm uẩn kết hợp lại làm ngã hay chấp riêng từng uẩn làm ngã đều là vô minh.
Trong kinh Tương ưng bộ III, Đức Phật dạy các thầy Tỳ-kheo về thân ngũ uẩn là vô thường, vô ngã như sau:
- Này chư Tỳ-kheo, thân thể thường hay vô thường?
Các thầy Tỳ-kheo đáp:
- Bạch Thế Tôn, vô thường.
Ngài lại hỏi:
- Vô thường thì đưa đến khổ hay vui?
- Bạch Thế Tôn, khổ.
Bấy giờ Đức Phật dạy:
- Cái gì vô thường, đưa đến khổ, thì có hợp lý không khi cho rằng cái đó là tôi, là của tôi, là tự ngã của tôi?
Các thầy Tỳ-kheo trả lời:
- Bạch Thế Tôn, không hợp lý.
Tấm thân ngũ uẩn là vô thường, vô ngã, nó biến đổi luôn luôn. Do đó khi con người chấp thân ngũ uẩn làm ngã, cho nó là một thực thể nên sinh ra tham ái, chấp thủ thì sẽ rơi vào phiền não, khổ đau khi thân ngũ uẩn thay đổi biến hoại.
Con người vì chấp vào chỗ mắt thấy tai nghe, chấp vào chỗ có khả năng nhận thức, hiểu biết mà cho là có một cái ngã thật sự, cho là có ta, có cái của ta và tự ngã, linh hồn của ta. Nhưng thật ra thì đó chỉ là kết quả của sự phối hợp giữa các yếu tố sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Và chính các yếu tố này cũng tương tác, làm nhân làm duyên cho nhau, nương vào nhau mà tồn tại chứ hoàn toàn không có tự tính, không có thật thể, tự thân mỗi uẩn cũng do duyên sinh nên vô ngã, nó tùy thuộc vào điều kiện mà sinh khởi, hiện hành, cái tác dụng và hình thái nó khởi lên chỉ là sự giả hiện tạm thời do quan hệ với nhau mà có.
Vì sắc, thọ, tưởng, hành, thức là vô ngã nên nó vô thường, sanh diệt, biến dị trong từng sát na và ta không thể mong muốn nó như thế này hay như thế khác. Chúng ta không thể trẻ mãi không già, sống hoài không chết, khỏe mạnh không ốm đau, vui vẻ hạnh phúc mà không buồn đau khổ não v.v… Kinh Bát đại nhân giác đã nói rõ: “Thế gian vô thường, quốc độ nguy thúy, tứ đại khổ không, ngũ ấm vô ngã, sinh diệt biến dị, hư ngụy vô chủ…”.
Trong kinh Tương ưng bộ III, Đức Phật dạy: “Do hoan hỷ, đắm trước, rồi an trú sắc, hỷ đối với sắc khởi lên. Do duyên thủ đối với sắc, hữu khởi lên. Do duyên hữu, sanh khởi lên. Do duyên sanh mà già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não khởi lên. Cũng tương tự đối với thọ, tưởng, hành, thức. Do không hoan hỷ, không đắm trước sắc, hỷ đối với sắc đoạn diệt, do duyên thủ đoạn diệt, nên hữu đoạn diệt, do duyên hữu đoạn diệt nên sanh đoạn diệt, do duyên sanh đoạn diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não đoạn diệt. Cũng tương tự đối với thọ, tưởng, hành, thức”.
Cũng trong kinh Tương ưng bộ III, Tôn giả Xá Lợi Phất nhắc lại lời Đức Phật về thái độ con người đối với năm uẩn như thế nào sẽ dẫn đến khổ và như thế nào sẽ dẫn đến an vui: “Đối với năm uẩn, ai chưa viễn ly tham, dục, nhiệt tình, khát ái, thì khi sắc, thọ, tưởng, hành, thức biến hoại, đổi khác, sẽ khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não. Đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức, ai đã viễn ly tham, dục, nhiệt tình, khát ái, thì khi sắc, thọ, tưởng, hành, thức biến hoại sẽ không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não”. Những lời dạy trên cho thấy phiền não khổ đau không phải do năm uẩn mà có, cũng không phải bởi tính chất của năm uẩn là vô thường, mà là do con người tham ái, chấp thủ tạo ra.
Vì vô minh, con người chấp thân sắc uẩn, chấp cảm thọ, suy nghĩ, nhận thức, hiểu biết… là mình, là của mình, là tự ngã của mình nên sinh tâm tham ái, chấp thủ, khi chúng thay đổi, biến hoại thì cảm thấy thất vọng, khổ não. Do đó Đức Phật dạy: “Không liễu tri năm uẩn thì không thể đoạn tận khổ đau, vì vậy cần phải liễu tri năm uẩn. Sự đoạn tận tham, sự đoạn tận sân, sự đoạn tận si được gọi là liễu tri” (Kinh Tương ưng bộ III).
Và Đức Phật cũng dạy: “Này các Tỳ-kheo, hãy tu tập thiền định. Vị Tỳ-kheo tu tập thiền định thì thấy biết một cách như thật: sắc tập khởi và sắc đoạn diệt, thọ tập khởi và thọ đoạn diệt, tưởng tập khởi và tưởng đoạn diệt, hành tập khởi và hành đoạn diệt, thức tập khởi và thức đoạn diệt”. Đức Phật dạy cần phải tu thiền định để thấy như thật về năm uẩn, thấy rõ sắc, thọ, tuởng, hành, thức sinh khởi và đoạn diệt tương tục, chúng vô ngã, không có tự tính, trong cái thấy như thật đó không có tham ái và chấp thủ. Đây chính là sự quán chiếu về năm uẩn như Tâm kinh Bát-nhã đã nói: “Dùng trí tuệ Bát-nhã quán chiếu một cách sâu sắc, thấy rõ năm uẩn đều không tự tính, liền vượt qua tất cả khổ ách”.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thân và tâm chính là cánh cửa để người học Phật bước vào chân lý
Kiến thức 17:05 22/11/2024Người học Phật phải lấy thân này làm nơi để thực hành giới, lấy tâm này làm nơi để thực tập định và tuệ. Khi thân và tâm được thanh lọc qua quá trình thực hành, thì người học Phật cũng từng bước đi đến sự giác ngộ và giải thoát.
Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?
Kiến thức 10:00 22/11/2024Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?
Bố thí sinh phiền não
Kiến thức 09:32 22/11/2024Thuở xưa, khi mà Ngài Xá-lợi-phất đang tu Bồ-tát đạo, công phu tu tập chưa được vững. Một hôm có người Bà-la-môn đến thử Ngài. Họ nói: - Người tu hạnh Bồ-tát cần phải bố thí. Tôi nay có chút việc đến xin Ngài giúp cho.
Tâm là gì?
Kiến thức 09:16 22/11/2024Trong chữ Hán, chữ (心) được mô tả bằng bốn câu thơ như sau: “Tam điểm như tinh tượng/ Hoành câu tợ nguyệt tà/ Phi mao tùng thử đắc/ Tố Phật dã do tha”.
Xem thêm