Rửa chén bát, cào lá khô: Trí tuệ từ các bậc tiền nhân
Tác giả Karen Maezen Miller nói về cách thực hành hàng ngày của các vị thiền sư từ xa xưa có thể giúp chúng ta tiếp xúc sâu sắc với những điều bất như ý trong đời sống, thông qua chuyện làm việc nhà.
Vào mùa thu, tán cây ngô đồng khổng lồ ở sân sau nhà tôi chuyển sang màu vàng nhạt và lá vàng rơi xuống. Đầu tiên là rơi từng chiếc từng chiếc một, và sau đó là từng đợt không đếm xuể. Suốt mùa thu, ngày nào tôi cũng có đoạn phát cáu khi nhìn cảnh lá rụng. Thế là, tôi đi nhặt một cái cào. Nói cho tôi biết, trong khi tôi quét lá miệt mài, nó có cản trở cuộc sống của tôi không? Nó có can thiệp vào cuộc đời của tôi? Nó làm tôi xa rời hẳn đời của mình? Tại thời điểm cào lá, tại thời điểm tôi làm bất cứ điều gì, thì đó là cuộc sống của tôi, là tất cả thời gian và mọi thứ của tôi.
Vào mùa xuân, khu vườn nở bừng sức sống và một lần nữa tôi biết thời khắc đó là gì. Đó là thời điểm để làm cỏ. Khi tôi nhìn vào công việc kéo dài gần như vô tận trước mắt, tôi chắc chắn muốn từ bỏ. Nhưng nếu tôi biết kiểm soát để tập trung vào những thứ trong tầm tay, tôi nhận ra đó chỉ là một loại cỏ dại. Luôn chỉ có một loại cỏ dại để làm tiếp mà thôi. Tôi cắt từ cỏ này đến cỏ khác, và cỏ dại luôn chỉ cho tôi cách làm. Không bao giờ dứt.
Do luôn tìm kiếm những ý nghĩa lớn lao trong cuộc sống, một số người nghĩ rằng việc nhà rất tầm thường. Nấu ăn và dọn dẹp không xứng với họ. Tôi biết rất rõ cảm giác đó. Đôi khi chúng dường như tầm thường thấp kém đến mức mà tôi không thể nhìn thấy. Tôi không thể nhìn thấy sự bắt đầu hoặc kết thúc. Có ý nghĩa gì khi làm công việc dường như vô nghĩa ấy? Công việc đó, không khởi đầu không kết thúc, không có giá trị, không có gì thật sự khẩn cấp? Đúng. Đó chính là trí tuệ khi làm việc nhà của các bậc tiền nhân.
Sau khi đạo Phật đến Trung Hoa, Thiền tông đã thay thế truyền thống đi khất thực bằng việc Tăng đoàn sống chung. Huấn luyện tại thiền viện bao gồm tất cả các công việc cần thiết cho cuộc sống hàng ngày như dọn dẹp, nấu ăn và làm vườn cũng như thiền định. Vì lý do đó, chúng ta có thể xem các bậc thiền sư vĩ đại của Trung Hoa như những người tiên phong trong chuyện làm việc nhà với sự chánh niệm.
Một vị Tăng hỏi Thiền sư Triệu Châu:
- Vạn pháp đều trở về một, vậy một trở về đâu?
Triệu Châu trả lời:
- Khi ở Thanh Châu, ta may một chiếc áo bông nặng bảy cân.
Hơn một ngàn năm đã trôi qua kể từ công án đó của Thiền sư Triệu Châu, bắt nguồn từ một trong nhiều công án kinh điển kể lại những lời dạy đầy khiêu khích của ngài. Ngày nay người ta vẫn đang vật lộn tìm cách thoát khỏi chiếc áo đó. Nó có nghĩa là gì?
Chúng ta không chỉ vật lộn với một chiếc áo bông trong công án zen kia. Chúng ta vật lộn với những chiếc áo nặng nề của chính chúng ta. Với quần, áo, khăn trải giường và nội y. Giặt giũ là một cơ hội thực hành lớn lao bởi vì nó khơi gợi nên một loạt kháng cự bản năng không có hồi kết. Việc đó không quan trọng với tôi. Việc đó tẻ nhạt. Tôi không thích làm!
Vị Tăng trong công án này giống tất cả chúng ta, luôn mong muốn tìm kiếm trí tuệ từ bộ óc thông minh đầy tính nhị nguyên.
Trong bài bình luận về công án này, người thầy và là dịch giả quá cố Katsuki Sekida đã giặt sạch chiếc áo của Thiền sư Triệu Châu. “Lời của Triệu Châu gợi cho chúng ta về sự nhạy cảm sâu sắc của những người sống trong thời đại mà mọi thứ đều được làm bằng tay. Bảy cân cây gai dầu được dệt thành vải, cắt và khâu thành một chiếc áo bông. Khi Thiền sư Triệu Châu khoác chiếc áo bông vào, ông có một thứ tình cảm kết nối có thể nhận biết được chiếc áo được làm từ gì”.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh chỉ dẫn cách yêu thương
Bạn thấy đó, chiếc áo là một chiếc áo. Hãy cảm nhận sợi vải, cách dệt và bảy cân cây gai dầu trong tay. Đồ cần giặt chỉ là đồ cần giặt. Lấy quần áo ra khỏi chiếc giỏ nặng đầy, phân theo màu và chất liệu, đọc hướng dẫn và cứ thế mà bắt đầu giặt. Vượt qua những chướng ngại và những thứ mà ta thích hay không, ta có một cuộc tiếp xúc thân mật với cuộc sống mỗi khi ta giặt đồ.
Chỉ với một sự thay đổi trong nhận thức, những điều tầm thường nhất mang vẻ đẹp không nói nên lời. Khi không biết thì đừng nên đánh giá. Và khi ta không đánh giá, ta nhìn mọi thứ ở một khía cạnh khác. Đó là khía cạnh nhận thức không bị ảnh hưởng bởi sự hiểu biết trí thông minh, tin đồn hoặc bình phẩm. Khi chúng ta trau dồi nhận diện đơn thuần như một pháp tu nghiêm túc, chúng ta gọi đó là thiền. Khi chúng ta gieo trồng nhận thức ấy trong đời sống gia đình, chúng ta gọi là giặt giũ, là chuyện bếp núc, chuyện vườn tược, hay tất cả mọi sự khác bằng cái nhìn chánh niệm, thì đó là thiền.
Một Tăng sĩ hỏi Thiền sư Triệu Châu:
- Con vừa mới nhập thất thiền. Xin hãy chỉ dạy.
Triệu Châu hỏi:
- Con đã ăn cháo chưa?
- Bạch thầy, con ăn rồi!
- Vậy thì đi rửa bát đi!
Công án thiền nổi tiếng này dễ được xem như một phép ẩn dụ. Làm trống tâm trí của ta và vứt bỏ những mưu cầu muốn đạt được những thành tựu tâm linh. Nhưng giả sử rằng, bạn không xem cái bát như một phép ẩn dụ chăng? Điều đó có thể thay đổi cách bạn nhìn vào đống chén bát trong bồn rửa nơi căn bếp nhà bạn.
Căn bếp không chỉ là trái tim của một ngôi nhà, nó cũng có thể là trái tim của việc thực hành chánh niệm. Trong nấu ăn và dọn dẹp, chúng ta vượt ra khỏi cái tôi để chăm sóc mọi người và mọi vật xung quanh ta với tình yêu thương.
Nếu việc nhà không có gì là xứng đáng thì nấu ăn để làm gì? Tại sao đi chợ, cắt, thái, đun, và rồi dọn dẹp mọi thứ? Đó là để dấn thân vào sự kỳ diệu của chính bản thân bạn. Để thấy sự vô giá trong thứ (tưởng như) vô giá trị. Để làm đầy những chỗ còn đang vơi. Và để ăn một thứ gì đó khác với sự ngã mạn kiêu căng đang no đầy. Khi ta làm sạch cái bát cũng như chính ta đang làm sạch tâm trí, và căn bếp bận rộn cho ta cơ hội để trống rỗng tự thân như thế nhiều lần trong ngày.
Hãy nhìn xa hơn ngôi nhà hay căn bếp của bạn, nhìn xa hơn sự ảo tưởng sức mạnh của bản thân do bị mắc kẹt bởi nhận thức sai lầm về thế giới trong và ngoài. Thì đây là chánh niệm thật sự: không phải là ranh giới nhỏ hẹp của những khái niệm, mà là cả một thế giới kỳ diệu của sự tỉnh thức. Thiền sư Triệu Châu chỉ cho chúng ta cách tỉnh thức từ khu vườn của chính mình.
Một lần nữa, dịch giả Sekida đúc kết rằng, mọi diễn giải bằng bộ óc thông minh có thể che khuất tầm nhìn sáng rõ của chúng ta. Có rất nhiều cây sồi khổng lồ nơi khu vườn trong thiền viện của Thiền sư Triệu Châu. Chúng ta cũng có thể tưởng tượng rằng thiền sư đã quen thuộc với từng cái cây, hòn đá, bông hoa, cỏ dại và một đám rêu phong thân mật như thể họ là người thân của chính ngài.
Đâu là nơi bạn biết rõ như gia đình của mình? Quả thật, đó là gần như được là chính mình. Nơi ấy bạn cảm thấy thoải mái với đủ đầy tình cảm, hạnh phúc với chiếc bồn rửa chén trống sạch, đếm thời gian cùng lá và cỏ dại: cho chính bạn biết sống chánh niệm trong ngôi nhà ấm áp mà bạn không bao giờ rời đi.
10 lời khuyên cho một ngôi nhà chánh niệm:
Karen Maezen Miller cho rằng, nếu bạn có thể làm điều đầu tiên, thì 9 điều sau tự nó vận hành.
1. Thức dậy đón ánh mặt trời
Không có ánh sáng nào tinh khiết hơn khi chúng ta mở mắt ra vào buổi sáng.
2. Ngồi
Chánh niệm mà không ngồi thiền thì chỉ là một từ ngữ sáo rỗng.
3. Giũ giường, chỉnh gối
Trạng thái của chiếc giường chính là trạng thái của tâm trí. Hãy sắp xếp một ngày trong sự nghiêm trang.
4. Làm trống giỏ đựng đồ
Giặt giũ mà không than trách hay bình phẩm và tiếp xúc sâu sắc từng sợi vải như tiếp xúc với những chất liệu của cuộc sống.
Tâm bình yên tĩnh lặng chính là sự thành công
5. Rửa chén
Rửa sạch sự kiêu ngạo và dọn dẹp mớ hỗn độn của chính bạn. Nếu không hoàn thành những việc đó, bạn sẽ để nó bị dính mắc.
6. Thiết lập thời gian
Nếu bạn bị phân tâm bởi gánh nặng của những việc chưa làm xong, hãy đặt hẹn giờ trong bếp và, giống như một nhà sư trong tu viện, hãy làm việc bằng cả trái tim trước khi chuông reo.
7. Quét lá
Quét tước, hoặc làm cỏ, cắt tỉa cây cối. Bạn sẽ không bao giờ chấm dứt những việc này, nhưng bạn sẽ học được ý nghĩa của vô nghĩa là gì.
8. Hễ đói thì ăn
Điều chỉnh cơn thèm ăn vô tận với nhu cầu ăn thực sự.
9. Đón chào bóng tối
Đặt giờ giới nghiêm khi xem internet và TV, rồi khám phá sự cân bằng tự nhiên giữa ánh sáng ban ngày và bóng tối, giữa làm việc và nghỉ ngơi.
10. Mệt thì ngủ
Không có gì tuyệt vời hơn.
Bội Trân
Chuyển ngữ và biên tập từ Lion’s Roar
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Cách ăn chay tốt cho sức khỏe tim mạch
Sống an vui 16:50 22/11/2024Chế độ ăn chay có thể tốt cho huyết áp, cải thiện mức cholesterol và duy trì cân nặng khỏe mạnh, tất cả đều giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên, nên biết cách ăn chay phù hợp để mang lại những lợi ích sức khỏe.
Những cảnh giới cao nhất
Sống an vui 13:15 22/11/2024Cảnh giới cao nhất của sự nghiệp, của kỷ luật, của tình bạn, tình yêu và cảnh giới cao nhất trong sinh mạng con người là gì, bạn có biết không?
Buông xả những nỗi lo âu
Sống an vui 11:00 22/11/2024Ta hay nhân danh sự bận rộn, bổn phận, trách nhiệm để cho phép mình rời bỏ chính mình bất cứ lúc nào. Khi thức dậy là ta đã bắt đầu phóng tâm đi lang thang bên ngoài, tìm kiếm cái này, nắm bắt cái kia.
Học chim làm tổ
Sống an vui 07:30 22/11/2024Nhìn những chú chim cần mẫn siêng năng tước từng cọng cây, ngọn lá về đan tổ, chúng ta học được rất nhiều đạo lý.
Xem thêm