Tầm quan trọng của việc thọ giới Tỳ-kheo
Đại giới đàn Trí Tấn đang diễn ra tại Bình Dương, Trưởng lão HT.Giác Giới - Phó Thư ký HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái, Hòa thượng Đàn đầu của Phân đàn Truyền giới Tỳ-kheo đã có lời sách tấn, giáo giới đến giới tử Tỳ-kheo của Hệ phái Khất sĩ, hôm 31/3.
Mở đầu, Trưởng lão Hòa thượng nhấn mạnh, trở thành Tỳ-kheo không phải là điều đơn giản mà là bước khởi đầu quan trọng hướng đến sự giác ngộ và giải thoát.
Theo Hòa thượng, 2 chúng xuất gia, Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni, là người xuất gia chính thức, khác với giai đoạn tập sự Sa-di.
"Thời kỳ đầu, Đức Phật nhận đệ tử không nhiều thủ tục, nhưng sau này khi có người phạm giới mới bắt đầu chế giới".
Qua đây, Hòa thượng nêu lên ý nghĩa của từ “Tỳ-kheo”, đó là người có nguyện vọng đi đến giác ngộ.

"Như vậy, việc thọ giới Tỳ-kheo là để Giới tử, người chính thức bước vào con đường xuất gia cầu giải thoát khỏi luân hồi, bắt đầu nhận thức và tu tập theo giới luật, hướng đến đoạn trừ phiền não, cứu cánh Niết-bàn".
Trên lộ trình tu tập Giới - Định - Tuệ ấy, Đạo quả nhập lưu (Sơ quả) được Hòa thượng nhấn mạnh, là trạng thái quan trọng đầu tiên của một Tỳ-kheo, đánh dấu sự có mặt của chánh tri kiến. Điều này đồng nghĩa với việc, người đạt Sơ quả sẽ đoạn trừ được ba kiết sử: thân kiến, nghi và giới cấm thủ.
Sử dụng ví dụ về khúc gỗ trôi trên sông Hằng, Trưởng lão Hòa thượng minh họa hướng đi của người Tỳ-kheo, đó là phải hướng thẳng là Niết-bàn, tránh xa tám chướng ngại. Tám chướng ngại được ngài đề cập bao gồm:
Không đâm bờ bên này: Đồng nghĩa với việc không chấp thủ đối với sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý).
Không đâm bờ bên kia: Đồng nghĩa với việc không chấp thủ đối với sáu trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp), tức sáu đối tượng của sáu căn.
Không bị chìm giữa vòng: Tức là khi sáu căn tiếp xúc sáu trần mà không sinh hỷ và tham khi gặp điều thuận ứng và không sinh giận khi gặp điều nghịch ứng.
Không bị mắt cạn trên miếng đất nổi: Đồng nghĩa với việc không bị ngã mạn, tính kiêu ngạo làm trở ngại cho sự giác ngộ.
Không bị loài người nhặt lấy: Tức là không sống quá thật, quá thân thiện với thế gian để thỏa mãn dục và danh lợi, dẫn đến sự lệ thuộc vào người đời.
Không bị phi nhân nhặt lấy: Tức là không sống ưa thích tiện nghi sung sướng như chư Thiên cõi Trời, dễ bị hệ lụy vào đó.
Không bị mắt vào xoáy nước: Tức là không bị năm món dục lạc (sắc, thinh, hương, vị, xúc) cuốn hút.
Không bị mục nát bên trong: Tức là nội tâm không đầy ứ những tham, sân, si, ganh tỵ, đố kỵ, làm ô nhiễm tâm.
“Nếu khúc gỗ không vướng vào tám chướng ngại này thì sẽ trôi về biển và nhập vào biển. Tương tự, nếu Tỳ-kheo không vướng vào tám chướng ngại này thì sẽ hướng về Niết-bàn, xuôi theo niết bàn và thể nhập vào Niết-bàn, vì chánh tri kiến hướng dẫn về Niết-bàn. Việc có chánh tri kiến là yếu tố quan trọng để người thọ giới Tỳ-kheo đạt được giới và pháp”, Hòa thượng khẳng định.
Giảng giải về tầm quan trọng của chánh tri kiến, Hòa thượng chỉ dạy: “Để thực sự là một Tỳ-kheo, người thọ giới cần phải có chánh tri kiến, nếu không, dù có thọ giới cũng không thể đắc giới và đắc pháp. Chánh tri kiến là điều kiện tiên quyết để chứng đắc Sơ quả nhập lưu. Người có chánh tri kiến sẽ đoạn trừ được ba kiết sử: thân kiến (nhận thức sai lầm về thân uẩn), nghi (nghi ngờ Tam Bảo) và giới cấm thủ (hâm mộ nghi lễ cúng tế để cầu giải thoát)".
Trưởng lão Hòa thượng nhấn mạnh, chánh tri kiến giúp hành giả thấy được chánh pháp, biết được chánh pháp và khởi lên nguyện vọng hướng đến giải thoát, giác ngộ.
"Nó là nền tảng để hiểu và thực hành Tứ Thánh đế (khổ, tập, diệt, đạo) và Bát Chánh đạo. Đức Phật thuyết pháp là để đoạn trừ các lậu hoặc cho người có chánh tri kiến. Chánh tri kiến giúp hành giả xác định hướng đi, mục tiêu và con đường tu tập đúng đắn, tránh khỏi lầm đường lạc lối, hướng thẳng về Niết-bàn”, ngài nói.

Bên cạnh đó, Hòa thượng chỉ rõ, đối với tám chướng ngại ảnh hưởng đến Tỳ-kheo, chánh tri kiến sẽ là kim chỉ nam giúp vị Tỳ-kheo không chấp thủ sáu căn, sáu trần, không bị hỷ - tham chi phối, không ngã mạn, không lệ thuộc thế gian, không ưa thích tiện nghi vật chất quá độ, không bị năm món dục lạc cuốn hút và giữ cho nội tâm thanh tịnh.
Đồng thời, Hòa thượng cũng khẳng định: “Chánh tri kiến được ví như ‘điềm báo trước mặt trời mọc là rạng đông’ và là ‘điềm báo trước để con người đi đến sự giác ngộ’. Người có chánh tri kiến chắc chắn sẽ đạt được giải thoát, dù nhanh hay chậm. Kinh điển cũng diễn tả rằng, người có Sơ quả nhập lưu với chánh tri kiến thì quý hơn lãnh cõi đất, quý hơn được sanh cõi trời, quý hơn chủ trì vũ trụ".
Do đó, ngài khẳng định, chánh tri kiến là nền tảng vững chắc và là yếu tố quyết định cho sự thành công trên con đường tu tập giải thoát. Việc thành tựu chánh tri kiến ngay từ khi thọ giới Tỳ-kheo là vô cùng quan trọng, là đầu mối cho tất cả sự giải thoát trong tương lai.
Cuối thời giáo giới, Trưởng lão Hòa thượng khuyến khích các giới tử lắng nghe và thấu hiểu mục tiêu tu học, trong đó, con đường đi đến mục tiêu là Bát Chánh đạo và Tứ Diệu đế, để đạt được chánh tri kiến.
Ngài sách tấn: “Đệ tử của Thế Tôn phải có diệu hạnh, trực hạnh, ứng lý hạnh và chánh hạnh, tức là phải đạt được các quả vị từ nhập lưu trở lên. Người có chánh tri kiến sẽ chắc chắn đạt được giải thoát, dù chậm lắm là bảy lần tái sanh. Các vị Thánh như Mục Kiền Liên và Xá Lợi Phất chứng quả rất nhanh sau khi đạt sơ quả. Sơ quả nhập lưu có tầm quan trọng lớn lao, đoạn tận khổ lớn, khổ còn lại nhỏ như bãi cát sỏi. Mục đích xuất gia là ly tham và người có pháp nhãn (đạo quả nhập lưu, chánh tri kiến) là người thù thắng”.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn


Tầm quan trọng của việc thọ giới Tỳ-kheo
Phật giáo thường thức
Đại giới đàn Trí Tấn đang diễn ra tại Bình Dương, Trưởng lão HT.Giác Giới - Phó Thư ký HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái, Hòa thượng Đàn đầu của Phân đàn Truyền giới Tỳ-kheo đã có lời sách tấn, giáo giới đến giới tử Tỳ-kheo của Hệ phái Khất sĩ, hôm 31/3.

Phải làm sao khi gặp người vô lý gây sự?
Phật giáo thường thức
Hỏi: Thưa Hòa thượng, gặp người vô lý gây sự phải làm sao?

Hủy báng Như Lai
Phật giáo thường thức
Hủy báng Như Lai là những sự kiện từng xảy ra trong cuộc đời Đức Phật. Những người có oán thù (hoàng hậu Magandiya vợ vua Udena), ngoại đạo ghét ganh (nàng Ciñcā)… từng xúc phạm, hủy báng, mạ lỵ Ngài.

Chánh kiến
Phật giáo thường thức
Trên đời này có những người có chánh kiến, tin rằng sự bố thí cúng dường sẽ đem lại những kết quả tốt đẹp; các hành vi thiện ác đều dẫn đến quả báo; đồng thời cũng tin rằng có những người chân chánh hành trì Chánh pháp, tuyên bố những điều do tự mình thể nghiệm và chứng ngộ.
Xem thêm