Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 03/07/2022, 16:14 PM

Tăng Ni Phật giáo Việt Nam góp phần bảo tồn di sản văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc hiện nay

Càng ra sức bảo tồn di sản văn hóa Phật giáo hay làm rạng danh văn hóa của dân tộc chính là trách nhiệm của mỗi Tăng, Ni, Phật tử và thành phần yêu nước toàn dân tộc nói chung.

 LTS: Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo trân trọng trích đăng bài viết: “Vai trò của Tăng, Ni GHPGVN với việc bảo tồn di sản văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc hiện nay” của HT. Thích Minh Thiện. Đây là bài tham luận trích từ Hội thảo “Phát huy vai trò của Tăng, Ni GHPGVN trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc” được Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Hội đồng Trị sự GHPGVN, Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ), tổ chức vào tháng 01/2022.

Chỉ cần bước chân vào ngôi chùa, nhìn lên Đức Phật là lòng người đã thấy thanh thản, an nhiên.

Chỉ cần bước chân vào ngôi chùa, nhìn lên Đức Phật là lòng người đã thấy thanh thản, an nhiên.

DẪN NHẬP

Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, thông qua sự giao thương trên con đường tơ lụa, các nhà Sư từ Ấn Độ và Trung Quốc đã đến nước ta tạo đà cho việc hình thành trung tâm Phật giáo Luy Lâu – trung tâm Phật giáo lớn nhất và cổ xưa nhất của Việt Nam. Từ đó, Phật giáo có ảnh hưởng rộng lớn đến mọi tầng lớp nhân dân nhờ sự dung hòa đối với đời sống, phong tục tập quán và tín ngưỡng dân gian. Hiện nay, khi đời sống vật chất ngày càng được nâng cao cũng đồng thời tỉ lệ thuận với nhu cầu về đời sống tinh thần càng phải được chú trọng. Đặc biệt, việc bảo tồn những di sản văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc càng phải được lưu ý gìn giữ và phát huy. Đó không chỉ là trọng trách của Tăng, Ni mà còn là trọng trách của tất cả những ai yêu mến Phật giáo.

DI SẢN VĂN HOÁ CỦA PHẬT GIÁO TRONG LÒNG DÂN TỘC 

Trong lịch sử phát triển của mình, Phật giáo để lại cho dân tộc nhiều di sản văn hóa vật chất và tinh thần có giá trị đặc sắc góp phần làm nên hồn dân tộc. Những giá trị tư tưởng đạo đức và nhiều lễ nghi Phật giáo tiêu biểu về mặt lịch sử, mỹ thuật có tác dụng giáo dục, nuôi dưỡng thiện tâm của người dân được thể hiện qua giáo lý của Phật giáo với nền tảng đạo đức 5 giới căn bản và niềm tin nhân quả. Qua cảnh quan kiến trúc mỹ thuật của các ngôi già lam tự viện, các tác phẩm điêu khắc tượng thờ, tranh thờ Phật giáo, hoành phi, câu đối, đồ thờ cúng, nhạc khí… cùng với các lễ hội của Phật giáo gắn liền với các lễ hội văn hóa dân gian từ nông thôn đến các thành thị trên phạm vi cả nước, tất cả là kho tàng văn hóa dân tộc vậy! Thi ca có câu:

“Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của Tổ tông” [1].

Hay:

“Quê tôi có gió bốn mùa,

Có trăng giữa tháng có chùa quanh năm,

Chuông hôm gió sớm trăng rằm,

Chỉ thanh đạm thế âm thầm thế thôi…”.

(Nguyễn Bính)

Dù ở đâu, hình ảnh chùa vẫn luôn gần gũi, ấm áp với mọi tầng lớp xã hội: “Nhà chùa là nhà trường và nhà Sư là thầy giáo”.

Dù ở đâu, hình ảnh chùa vẫn luôn gần gũi, ấm áp với mọi tầng lớp xã hội: “Nhà chùa là nhà trường và nhà Sư là thầy giáo”.

Chùa chiền ở tất cả các làng xã Việt Nam đều mang đậm nét kiến trúc văn hóa đặc thù Phật giáo và dân tộc với những nét riêng đặc sắc của từng vùng miền, sơn môn, tông phong, hệ phái. Nhiều ngôi chùa có những pho tượng quý hiếm, kiến trúc đẹp, cảnh quan thanh nhã đã đi vào lòng người. Cùng với đình làng, chùa đã trở thành biểu tượng văn hóa của làng quê Việt Nam, gắn bó máu thịt với tâm hồn người dân Việt. Từ xa xưa, hình ảnh ngôi chùa rất gần gũi với người dân: “Chùa là bùa của làng” hay “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”. Người dân còn quan niệm, từ khi sinh ra đến khi lớn lên thành gia lập thất và cả đến khi mất đi, ngôi chùa luôn gần gũi, gắn bó với cuộc sống mỗi người. Có thể khẳng định, di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam đã có những đóng góp xứng đáng vào kho tàng di sản văn hóa phong phú, độc đáo của dân tộc và ngày càng chiếm giữ vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần. Nói đến di tích Phật giáo, ta không thể quên: Non thiêng Yên Tử (Quảng Ninh); quần thể di tích Hương Sơn, chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc (Hà Nội); chùa Long Đọi Sơn (Hà Nam); chùa Phố, chùa Hiến, chùa Chuông (Hưng Yên); chùa Keo (Thái Bình); chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc (Hải Dương); chùa Thiên Mụ, chùa Từ Đàm, chùa Báo Quốc, chùa Từ Hiếu (Thừa Thiên – Huế); chùa Linh Ứng, chùa Quán Thế Âm (Đà Nẵng); chùa Linh Sơn, chùa Linh Phong, chùa Linh Phước (Đà Lạt); chùa Phụng Sơn, chùa Giác Ngộ, chùa Cây Mai (TP. HCM); chùa Hội Khánh (Bình Dương); chùa Vĩnh Tràng, chùa Bửu Lâm Cổ Tự (Tiền Giang); chùa Tiên Linh (Bến Tre); chùa Long Phước (Vĩnh Long); chùa Phước Hậu (Trà Vinh); chùa Long Phước (Bạc Liêu); chùa Phước Hưng, chùa Tân Hòa (Đồng Tháp); chùa Tây An (An Giang); chùa Sắc tứ Tam Bảo (Kiên Giang); chùa Quan Âm (Cà Mau)… Hiện nay, theo thống kê của GHPGVN tính đến ngày 10/6/2020, cả nước có 18.491 ngôi chùa và 54.773 Tăng Ni, trong đó tính đến năm 2020 có 465 ngôi chùa được xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa quốc gia, trong tổng số 4.000 di tích cấp quốc gia của Việt Nam.

Tại tỉnh Long An, di tích cấp quốc gia có 20, di tích văn hóa cấp tỉnh công nhận có 86 cơ sở. Trong đó, có chùa Phước Lâm (xã Tân Lân, huyện Cần Đước) được công nhận vào 2001; chùa Thới Bình (xã Phước Thới, huyện Cần Giuộc) được công nhận di tích vào ngày 22/02/1997; chùa Linh Nguyên (huyện Đức Hòa) được công nhận di tích vào ngày 01/02/2000; di tích Khảo cổ học Gò Ô Chùa (còn gọi là chùa Nổi, ở xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng) được công nhận di tích vào ngày 19/11/2004 [2], nhằm tìm hiểu về nguồn gốc và sự hình thành, phát hiện của văn hóa Óc Eo; chùa Kim Cang (xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa) được công nhận di tích vào ngày 12/7/2011, là nơi phát tích nhiều vị danh Tăng trong thời kỳ chấn hưng Phật giáo phía Nam. Tại tỉnh Long An còn có chùa Tôn Thạnh, thuộc di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia được công nhận vào ngày 27/11/1997 tại xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc – là một di tích khá nổi tiếng trong lịch sử và trong văn học. Nơi đây, cụ Đồ Chiểu từng viết lên áng Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc nổi tiếng và đi vào lòng người, khích lệ người dân lòng yêu nước và âm thầm lãnh đạo người dân kháng Pháp xâm lược [3].

Dù ở đâu, hình ảnh chùa vẫn luôn gần gũi, ấm áp với mọi tầng lớp xã hội: “Nhà chùa là nhà trường và nhà Sư là Thầy giáo”. Với tinh thần từ bi và truyền thống tu học của Phật giáo luôn xác định và thể hiện nguyện vọng mang lại hạnh phúc an lạc cho con người qua thông điệp mà chính Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đã từng khuyên hàng đệ tử: “Này các Tỳ kheo, hãy lên đường thuyết pháp vì hạnh phúc, vì an lạc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người” [4]. Giáo lý Phật giáo từ khi du nhập vào Việt Nam đã luôn gắn kết với tín ngưỡng, phong tục, tập quán văn hóa người dân địa phương, mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc với những đặc trưng khiêm cung, giản dị, đức tánh hy sinh, vì sứ mạng phụng sự chúng sanh tức cúng dường mười phương chư Phật. Phật giáo Việt Nam một lần nữa khẳng định vai trò đồng hành cùng dân tộc Việt Nam, văn hóa Phật giáo luôn hun đúc tinh thần Bi – Trí – Dũng cũng chính là phù hợp với bản sắc văn hóa hiếu hòa, hiếu kính, cần cù, sáng tạo, anh hùng, bất khuất là đặc trưng của dân tộc.

27-1 (1)

Lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng đã chứng minh những đóng góp quan trọng vào công cuộc dựng nước, giữ nước và bảo vệ tổ quốc của Phật giáo. Qua các triều đại, nhiều vị vua là Phật tử với sự hiểu biết Phật pháp nên đã vận dụng những tinh hoa trong tư tưởng, triết lý của Đạo Phật để phục vụ cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước cường thịnh, như: Lý Nam Đế, Lý Thái Tổ, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông. Các triều đại Đinh – Lê – Lý – Trần đã thể hiện tinh thần tự chủ độc lập của dân tộc. Đồng thời, khẳng định tinh thần gắn liền đạo pháp với dân tộc của Phật giáo Việt Nam, những Thiền sư như: Thiền sư Khuông Việt, Vạn Hạnh… đã hết lòng phò vua giúp nước, xây dựng xã tắc vững mạnh. Đặc biệt, vua Trần Nhân Tông đã hai lần khoác chiến bào cùng toàn dân kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông bằng tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Khi đất nước yên bình, Ngài nhường ngôi cho con là vua Trần Anh Tông và vượt qua bao trở ngại để lên núi Yên Tử tu tập, trở thành Sơ tổ Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam, đó chính là Điều Ngự Giác Hoàng hay Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Đến thời hiện đại, từ Bắc vào Nam đã có rất nhiều Tăng Ni, Phật tử dấn thân vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc như: Miền Bắc có Hòa thượng Thế Long, HT. Thanh Tứ,… miền Trung có HT. Đôn Hậu, HT. Trí Thủ…, miền Nam có HT. Thích Quảng Đức, HT. Thiện Hào, HT. Trí Tịnh, (TP. HCM), HT. Minh Nguyệt (Bà Rịa – Vũng Tàu), HT. Quảng Tường, HT. Từ Tâm, HT. Huệ Khương, HT. Quảng Đạo (Long An),…; có các Phật tử như: Bác sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám, ngọn lửa Nhất Chi Mai và các Phật tử hy sinh năm 1963 tại Huế,… là những người đệ tử Phật yêu nước. Tất cả một lần nữa khẳng định vai trò hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam. Đây cũng chính là nét đẹp khi Phật giáo gắn liền với văn hóa dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử.

Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc với những đặc trưng khiêm cung, giản dị, vừa phù hợp với không gian tâm linh, vừa gắn bó với cảnh quan chung. Từng bộ phận kiến trúc, từng pho tượng, bức tranh, đồ thờ tự… trong các ngôi già lam tự viện đều là những tác phẩm nghệ thuật. Với tinh thần từ bi và trí tuệ, Đức Phật luôn hướng con người về điều thiện lành, hướng về Chơn Thiện Mỹ. Trong kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy:

“Chư ác mạc tác

Chúng thiện phụng hành

Tự tịnh kỳ ý

Thị chư Phật giáo” [5].

Nghĩa là: “Không làm các điều ác, hãy làm các việc lành, giữ tâm ý thanh tịnh, là lời chư Phật dạy”. Thật vậy, Đạo Phật đã đi vào cuộc đời giới thiệu một nếp sống thanh cao, lành mạnh, đồng thời Phật giáo giúp cho con người hiểu hơn về ý nghĩa và giá trị cuộc sống qua giáo lý Nhân Quả, giáo lý Tứ Diệu Đế,…. Hơn thế nữa, giáo lý Phật giáo còn hướng con người trong quan hệ xã hội với con người và quan hệ với thiên nhiên một cách hài hòa và an lành, không làm tổn hại tới thiên nhiên, chúng sinh xung quanh. Tinh thần này đã được GHPGVN hưởng ứng qua các phong trào do MTTQ đưa ra khi cùng thực hiện “Sáng xanh sạch đẹp bảo vệ môi trường”. Đây là việc thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đã được Phật giáo và đại diện là các cấp chính quyền hưởng ứng trong phong trào xây dựng và đạt chuẩn nông thôn mới trên phạm vi toàn quốc, hay tại tỉnh Long An cũng vậy. Nhất là trong thiên tai lũ lụt thời gian vừa qua, với tinh thần tương thân tương ái, Tăng Ni Phật giáo tỉnh Long An đã hỗ trợ đồng bào miền Trung theo lời kêu gọi của GHPGVN và MTTQ với tổng số tiền ủng hộ trên 05 tỷ đồng.

Qua đại dịch COVID-19, toàn dân Việt Nam đã thể hiện nét đẹp tình người theo lời hiệu triệu của Thủ tướng Chính phủ. GHPGVN tích cực tham gia tuyên truyền vận động Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước phòng chống lây nhiễm, ủng hộ kinh phí, tài vật, thực phẩm, các phương tiện phòng chống an toàn. Ngoài ra, Phật giáo Long An còn đến thăm và hỗ trợ các chiến sĩ bộ đội đang phục vụ tại các trung tâm cách ly và nhiệm vụ tại các chốt biên phòng. Có thể thấy nét đẹp của di sản tình người cũng là nét đẹp của văn hóa Việt Nam, của Phật giáo Việt Nam.

Bên cạnh các lễ hội Phật giáo là những sinh hoạt văn hóa với các nghi thức tôn giáo như: Vu Lan, Đại lễ Phật Đản, Đàn tràng cầu siêu, chạy đàn cầu mưa cho tới tụng kinh niệm Phật hàng ngày… Ngoài phần nghi lễ Phật giáo, nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật độc đáo như: Hát chèo, triển lãm, dâng hoa lục cúng, thuyền đăng (phóng đăng trên sông Hương – Huế), thi nấu ăn, thi cắm hoa, kéo co, nhảy bao bố, các trò chơi dân gian,… làm cho lễ hội trở nên vô cùng hấp dẫn về giá trị văn hóa, nghệ thuật, tâm linh như: Lễ hội chùa Hương, Yên Tử, Quán Thế Âm,…

Tại tỉnh Long An có lễ hội Kỳ Yên ở xã Tân Phước Tây (huyện Tân Trụ) được tổ chức từ ngày 15-17/12 âm lịch; lễ hội Làm Chay được tổ chức từ ngày 14-16 tháng Giêng tại huyện Châu Thành được người dân Tầm Vu tổ chức từ trăm năm trước. Lễ hội bắt nguồn từ sự kiện thực dân Pháp xử bắn hai nhà yêu nước lỗi lạc là: Ông Đỗ Tường Tự và Đỗ Tường Phong vào ngày 14 tháng Giêng. Để bày tỏ lòng thương tiếc hai nhà yêu nước bị giết, người dân Tầm Vu mượn lễ hội đuổi côn trùng hàng năm của người dân miền Tây để làm lễ tế vong linh cho hai nhà yêu nước cùng nhiều chiến sĩ đã hi sinh, đồng thời cầu nguyện quốc thới dân an, mùa màng bội thu.

Lễ hội “Làm Chay” bắt đầu bằng sự kiện thỉnh rước ông Tiêu từ chùa Linh Phước về chùa Linh Võ. Sau đó là nghi thức thỉnh chư Phật, cúng tế liệt sĩ, chiêu u, tổ chức các trò chơi dân gian… Cũng trong thời gian diễn ra lễ hội thì các ngôi đền, miếu và chùa ở thị trấn Tầm Vu thu hút đông đảo người dân các nơi đến tham quan, lễ bái. Như thế, lễ hội “Làm Chay” tại Long An được công nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2014 [6].

Trên lĩnh vực văn hóa phi vật thể, Phật giáo cũng đóng góp rất quan trọng cho nền văn hóa dân tộc. Với hệ thống triết lý cao siêu, khi truyền vào Việt Nam, Phật giáo đã được dân gian hóa thành những chuẩn mực hết sức gần gũi và thân thuộc với con người Việt Nam (Bụt trong Tấm Cám chính là ông Tiên giúp người). Phật giáo trở thành một tôn giáo ăn sâu vào đời sống của mọi tầng lớp nhân dân và ngày càng phát triển, hơn nữa trong quá trình tồn tại Phật giáo đã dung hợp, thích ứng với tín ngưỡng bản địa trở thành điểm tựa đức tin của người dân. Niềm tin tôn giáo vốn là niềm hy vọng, sự an ủi cho cuộc sống còn nhiều đau khổ áp bức của người dân trong xã hội phong kiến bấy giờ. Chỉ cần bước chân vào ngôi chùa, nhìn lên Đức Phật là lòng người đã thấy thanh thản, an nhiên.

PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HOÁ PHẬT GIÁO TRONG THỜI ĐẠI NGÀY NAY 

Trên đây là những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Phật giáo, của dân tộc rất có giá trị. Thế nhưng, những di sản văn hóa ấy đã và đang có nguy cơ bị mai một, mà nguyên nhân trước hết phải nói đến các nguyên nhân chủ quan và khách quan như sau:

Nguyên nhân khách quan

Do chiến tranh, nhiều ngôi chùa là di sản văn hóa Phật giáo đã bị tàn phá, hủy hoại và bị san bằng. Tiếp đến là do thời gian, thiên tai bão lũ bào mòn,… Vì thế rất nhiều di sản văn hóa Phật giáo bị lãng quên. Đó là sự mất mát những di sản văn hóa quý báu có giá trị lịch sử to lớn mà tổ tiên đã nghìn năm vun đắp, giữ gìn và truyền lại.

Nguyên nhân chủ quan

Do chính con người gây nên.

– Thứ nhất do sự việc con người vì sự thiển cận, cực đoan mà phá hoại hoặc thiếu kiến thức, xây dựng trùng tu không đúng, làm mất đi nét cổ kính của cổ tự, mất dấu tích ngàn xưa… Đề xuất: Chính quyền và cơ quan chức năng các cấp cần có kế hoạch hỗ trợ Phật giáo về tinh thần, vật chất, quyền quản lý cơ sở hợp lý để Tăng Ni, Phật tử an tâm xin phép thực hiện, trùng tu bảo tồn sao cho phù hợp với công trình kiến trúc, di sản văn hóa.

– Có những trường hợp tương tự Sư hay giả Sư làm mất đi hình ảnh Tăng Ni, những vị tương tự Sư này không hiểu, không tu tập đúng chánh tín Phật pháp, tụ tập quần chúng trái phép, truyền bá mê tín dị đoan, lừa gạt tín đồ để trục lợi, họ xây dựng cơ sở vi phạm pháp luật và trái với Hiến chương, Nội quy Tăng sự của GHPGVN. Đề xuất: Chính quyền dùng căn cứ vào pháp luật về tôn giáo, cần xử lý cương quyết những trường hợp vi phạm, lợi dụng tôn giáo như trên, không dùng dằng, không để ảnh hưởng đến niềm tin của GHPGVN cũng như đối với sự lãnh đạo sáng suốt của các cơ quan hữu quan.

“Không làm các điều ác, hãy làm các việc lành, giữ tâm ý thanh tịnh, là lời chư Phật dạy”.

“Không làm các điều ác, hãy làm các việc lành, giữ tâm ý thanh tịnh, là lời chư Phật dạy”.

– Lại nữa, trong xu thế phát triển ngành kinh tế không khói, tham quan du lịch nước nhà, muốn giữ gìn truyền thống tín ngưỡng dân tộc, nhiều tập đoàn, công ty du lịch hoặc cá nhân người giàu, có công ty xí nghiệp, họ đã kết hợp xây dựng đền chùa, thực hiện nghi lễ Phật giáo như: Kỳ siêu, kỳ an, Vu Lan thắng hội, lễ Phật Đản sanh, Phật Thành đạo, các khóa tu dành cho các giới, các lứa tuổi Phật tử hoặc thỉnh mời Tăng, Ni thuyết giảng trong cơ sở cho tập thể công nhân của họ… Theo chúng tôi, đó cũng là điều tốt cho việc bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Phật giáo dân tộc. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có trường hợp lợi dụng hình thức Phật giáo để bày trò mê tín thu hút quần chúng trục lợi cá nhân, không đóng góp cho sự phát triển đất nước và lợi ích chính đáng của dân tộc. Do đó, chúng ta rất cần có sự phối hợp khéo léo giữa chính quyền, cơ quan chức năng và GHPGVN ngang cấp để đánh giá cho phép hoặc đình chỉ hoạt động theo từng trường hợp cụ thể. Đừng vì vội vàng gán ghép cho các trường hợp trên là “biểu hiện thương mại hóa tôn giáo”… Vì như thế, vô hình trung đã bóp chết một trong những giải pháp bảo tồn truyền thống văn hóa đạo đức, văn hóa biết ơn và đền ơn, văn hóa hiếu đạo của Phật giáo dân tộc Việt Nam trong thời kỳ hội nhập với văn hóa thế giới.

GIẢI PHÁP BẢO TỒN DI SẢN VĂN HOÁ PHẬT GIÁO VÀ VĂN HOÁ DÂN TỘC HIỆN NAY 

– Tại kỳ họp thứ 10 khóa XIV Quốc hội, tôi có nghe lời phát biểu của ngài Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lời đúc kết của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về tín ngưỡng, tôn giáo: “Trên giác độ văn hóa, trong đó chúng ta phản đối, lên án và phải đấu tranh chống mê tín dị đoan, chống lợi dụng tâm linh tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi và các vi phạm cần được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và các tổ chức tôn giáo cũng cần xử lý thật nghiêm” [7]… Chúng tôi lắng nghe Phó Thủ tướng qua giác độ văn hóa đã đánh giá và đưa ra giải pháp bài trừ mê tín dị đoan, chống lợi dụng tâm linh tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi hết sức thấu tình đạt lý để bảo đảm tôn trọng quyền “Tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng của mọi người dân”. Nhưng trên thực tế, hiện nay có hiện tượng thông tin báo chí, kẻ giả dạng người tôn giáo, đạo lạ hình thành không hợp pháp nơi này nơi kia,… họ lợi dụng phương tiện truyền thông hiện đại tuyên truyền xuyên tạc truyền thống Phật giáo đồng hành cùng dân tộc, gây chia rẽ dân tộc và chính quyền, chia rẽ tôn giáo. Kính đề nghị Nhà nước có giải pháp tích cực hơn để giáo dục và chế tài họ nghiêm minh theo pháp luật.

– Về phía GHPGVN các cấp và Tăng Ni, Phật tử Việt Nam đang giữ gìn các di sản di tích lịch sử, di tích văn hóa Phật giáo, các cơ sở Phật giáo chúng ta cần được đào tạo chuyên môn, cần được Ban Văn hóa Phật giáo thông tin phổ biến kiến thức về di tích văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể để giữ gìn có hiệu quả. Ban Tăng sự các cấp quản lý điều hành về Tăng, Ni, tự viện tương tác với Tăng, Ni trụ trì và khái niệm tổ chức trực thuộc tổ chức tôn giáo sao cho hiệu quả tốt. Đối với Tăng, Ni các hệ phái trong cả nước cần tinh tấn tu tập Giới – Định – Huệ theo truyền thống hệ phái của mình nhưng phải phù hợp chơn lý Giác Ngộ, Giải thoát của Phật đà để giảng dạy, truyền bá giáo lý chánh tín, thiết thực, hướng thượng và khuyến thiện đến mọi người. Đối với Phật tử cần học hỏi vun bồi đạo tâm của mình bằng tinh thần chánh tín, hiểu thế giới duyên sinh vô ngã, tin sâu nhân quả để phát nguyện sống theo lời Phật dạy xây dựng Tịnh độ hiện tiền như Phật giáo Lý-Trần đã làm rất tuyệt vời…

Đối với các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước, giới Phật giáo chúng tôi rất cần quý vị quan tâm định hướng chính xác, tạo điều kiện hỗ trợ đủ về tinh thần lẫn vật chất, cho chúng tôi được quyền quản lý và đồng hành trong sứ mệnh bảo tồn di sản văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc theo truyền thống và kinh nghiệm của Phật giáo phù hợp với Hiến chương và Nội quy, Quy chế ban, ngành GHPGVN phổ biến.

Thế nên, càng ra sức bảo tồn di sản văn hóa Phật giáo hay làm rạng danh văn hóa của dân tộc chính là trách nhiệm của mỗi Tăng, Ni, Phật tử và thành phần yêu nước toàn dân tộc nói chung. Đó là việc làm không thể tách rời khi so sánh sự khác biệt hay chính là một nhân tố trong khối đoàn kết toàn dân tộc trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Đó chính là nét đặc thù của văn hóa Việt Nam gắn liền với văn hóa Phật giáo từ 2.000 năm lịch sử. Với lập trường ý chí vững chãi, khuyến khích các Tăng, Ni, Phật tử hoạt động tích cực hướng tới mang đến những giá trị chân thiện mỹ cho cộng đồng; các hoạt động làm gương cho quần chúng noi theo về suy nghĩ và hành động theo đạo đức Phật giáo trong quan hệ giữa người với người, giữa con người với thiên nhiên, sống tốt đời đẹp đạo hướng thiện, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường, yêu quý và tôn vinh về nếp sống văn hóa đầy chất nhân văn do Phật giáo mang lại cho địa phương. Làm thế nào để mọi tầng lớp nhận thức rõ đến với văn hóa Phật giáo là đến với từ bi và trí tuệ, đến với những nét đẹp thuần phong mỹ tục của ông cha mà chúng ta phải chắt chiu phát huy và làm đẹp hơn, không phải là sự mê tín mà văn hóa Phật giáo chính là nền giáo dục luân lý chánh tín làm người tốt, người hướng thiện, người sống hữu ích cho cuộc đời. Đó chính là trách nhiệm của tất cả chúng ta.

Chú thích và tài liệu tham khảo:

[1] Thi sĩ Huyền Không – tức Thích Mãn Giác trong bài thơ “Nhớ Chùa”

[2] Di tích Long An – Bách Khoa Toàn thư.

[3] Cổng thông tin điện tử tỉnh Long An – Di tích lịch sử “Chùa Tôn Thạnh”.

[4] Kinh Đại Bổn, Trường Bộ Tập 1, Đại tạng kinh Việt Nam.

[5] Kinh Pháp cú 183.

[6] Ngọc Sương, 25/8/2020. Baolongan.vn; Ngọc Uyển, 09/3/2018, báo Sài Gòn giải phóng; Sơn Lâm, 18/02/2019, Tuoitre.vn.

[7] Trích lời phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Là con của đức Phật

Kiến thức 15:20 25/04/2024

Đã xưng là Phật tử phải học theo hạnh của Phật. Phải luôn quán đến sự vô thường. Mới đó mà đã trôi qua một năm, thời gian mau chóng, thân người cũng theo đó mà biến đổi. Phải lo tu ngay từ bây giờ, thời gian không hẹn, không chờ đến già.

Biết bản thân tội chướng sâu dày, quyết chí niệm Phật cầu vãng sanh

Kiến thức 15:00 25/04/2024

Bạn hãy quan sát thật kỹ những người vãng sanh, chắc chắn họ phải là người phúc hậu, thật thà, trung hậu. Họ tự biết mình khổ, khổ là do nghiệp chướng của mình sâu dày, đời trước không có tu phước.

Cam lộ chữa lành cơn khổ bệnh

Kiến thức 10:15 25/04/2024

Chúng ta biết rằng, mỗi chúng ta đều có khả năng lắng nghe, lắng nghe để có thể hiểu được những đau khổ, những khó khăn của người khác. Trong chúng ta, có những người có khả năng lắng nghe rất sâu, trong khi lắng nghe có năng lượng của hiểu và thương.

Thuyết luân hồi

Kiến thức 09:14 25/04/2024

Người thế gian không biết nên oán trách cha mẹ không có phước nên sanh mình ra khổ. Hoặc cha mẹ không có tài nên mình bây giờ phải thua sút người ta. Mà không biết chính mình thọ nhận quả báo đời trước đã tạo nên mới sanh vào gia đình tương ưng như thế.

Xem thêm