Thăm chùa Hang Tổ
Chùa Hang Tổ bây giờ được xây dựng lại, vách sau lưng áp núi, thật khiêm tốn ngôi chánh điện trên nền tảng đá nhỏ. Một cây vú sữa gốc thật to, tàn lá sum suê đầy trái đu đưa che mát nơi này.
Khoảng giữa đoạn đường có mảnh đất mang tên Chu Hải và phường Kim Dinh thuộc huyện Tân Thành tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mà ở thế kỷ trước, rừng cây che khuất con đường mòn đất đỏ uốn khúc vào tận chân núi, bây giờ đã được tráng nhựa thênh thang thẳng tắp vào vùng đất thiêng nhiều ngôi chùa trùng tu sau ngày đất nước đượm màu xanh bình yên. Nghe đâu nơi đây ước chừng có đến 80 ngôi chùa, tịnh thất, am, động, cốc.
Từ huyện Long Thành qua Tân Thành, ngoài quốc lộ nhìn sang hướng trái hiện ra một dãy núi dài trùng điệp cây xanh lơ in trên nền trời mơ màng lặng lẽ nao nao cõi lòng như muốn khơi dậy trong trái tim bé nhỏ - Quê hương ta đấy!
Từ chân núi leo bậc thang về phía tay phải là đến chùa Tây Phương, ngôi chùa này thuộc tổ đình Linh Sơn tự xây dựng trên 200 năm, nằm ở sườn tây vùng núi Dinh.
Qua khỏi ngôi chùa cổ, từng bước trèo lên các tảng đá, theo con đường mòn đất, hai bên cây cỏ dại lổm chổm dưới rừng già, rồi những gốc cây cổ thụ vài trăm năm mà qua thời gian gần như không có vết chân người. Bước qua vũng nước có hai nấm mộ cạnh con đường nhỏ, không có bia đề tên, chắc hai người nằm yên nghỉ ở nơi hoang vắng này đã không may tử nạn trong một cuộc giao tranh ngày trước. Thật bùi ngùi, chẳng có một nén nhang tưởng niệm. Lại tiếp tục uốn lượn theo con đường mòn, có đoạn nhìn thấy bầu trời, có lúc dưới rừng cây thì nghe tiếng chó sủa, Hai con chó nhảy xổ ra gâu gâu như muốn nhào vào người đi hành hương. Bổng một vị tu sĩ già trong chòi bước ra cánh cửa bếp bằng tre kết đơn sơ, đôi bên cúi đầu đáp lễ, rồi người hành hương lại trèo tiếp hướng đỉnh núi.
Ánh mặt trời lấp lánh, ước chừng đã qua quãng đường dài dốc cao hơn 400 thước, hiện ra hai cây trạng nguyên sắc hoa đỏ thắm. Bước lên bậc thang đá thì thấy chùa Hang Mai. Chùa này là nơi ẩn tu của hòa thượng Pháp Ngộ. Nơi đây có suối mát, nước trong. Ngôi chùa nhỏ, mái tôn, ẩn mình bao quanh là những tảng đá to, hướng trước mặt nhìn ra quốc lộ đường về thành phố Vũng Tàu.
Nhìn bên dưới chỉ thấy bao quanh những ngọn cây cao lá xanh bát ngát, trong lòng lại nao nao, dìu dịu buồn. Thật lặng yên. Qua khỏi chùa Hang Mai rẽ về hướng phải có con đường in dấu chân người lần mò đi khám phá. Hơn nửa giờ sau lại thấy có ai đó buộc dây vải màu đỏ độ hai tấc vào một nhánh cây chỉ hướng về ngôi chùa trên cao hơn 100 thước nữa. Người hành hương nôn nao đến chùa Hang Tổ, nơi đây có một cái hang sâu ẩn náu khi gặp lúc nguy nan.
Sau lưng Hang Tổ trèo lên tận đỉnh núi, tượng Quán Thế Âm Bồ tát trang nghiêm, thanh thoát nhìn về hướng thành phố Bà Rịa, nhà cửa lô nhô chi chít, xa xa biển mênh mông như tiếp giáp với bầu trời. Dưới triền đá là thượng nguồn của Suối Tiên, nước róc rách reo vui qua khe đá, trong veo, chảy xuống thung lũng, gieo sự sống cho các chùa, am, thất, động...
Đến chùa Hang Tổ, người hành hương tưởng nhớ đến Hòa thượng Thích Thiện Phước, hiệu Đức Mẫu Trầu với tên thật là Lê Minh ý thuộc dòng Lâm Tế. Hòa thượng vào chùa lúc còn là thiếu niên (16 tuổi), từ Thất Sơn Bảy Núi rồi có duyên với vùng đất miền Đông Nam bộ này.
Có những năm, sư Mẫu Trầu ẩn tu trên núi Dài với Hòa thượng Bửu Đức - chùa Bửu Quang ở Ba Chúc. Cũng có nhiều năm, Hòa thượng Thiện Phước về Biên Hòa ở Quang Âm tu viện rồi về tu tại tổ đình Linh Sơn, xã Hội Bài, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trong những năm đất nước chìm trong khói lửa, chùa, am, tịnh, thất trơ trọi chỉ còn đống gạch vụn, sư Mẫu Trầu dựng ngôi Tam Bảo bằng cây rừng, mái tôn đơn sơ để tăng ni tu hành. Thầy trò khai rẫy từ chân núi ra đến cầu Rạch Ván để làm nguồn tự túc cho chùa. Hòa thượng mở Phật học đường Tây Phương rước chư tôn đức giảng sư về dạy học, khai trí cho thế hệ nối tiếp về sau.
Cùng thời gian ấy, một vùng núi Dinh thơ mộng với rừng cây gỗ quý mênh mông, sớm tinh sương tiếng chim hót líu lo reo vang chào mừng bình minh, tiếng chân sột soạt của bầy heo rừng, tiếng mèo rừng meo meo, tiếng khỉ chuyền cành chí chóe,... đã đau xót, trơ ra từ cành cho đến thân màu vàng lá úa của chất độc hóa học, các loài thú rừng cũng từ đó lặng im.
Ngoài quốc lộ, chuyến xe đò chạy ngang qua, nhìn vào mà lòng đau quặn thắt. Vào thời ấy, anh em Thành đoàn Sài Gòn thấy có một người như tiều phu nhưng vóc dáng tu sĩ ẩn hiện sống tu ở vùng đất linh thiêng này. Ông không xuống núi mà cùng với vài vị tăng ni, đôi ba ngày ẩn hiện, lủng lẳng trên đôi vai gầy từng lon gạo ấm tình mang lên đỉnh núi chia sẻ cho nhiều người. Ông còn giúp vài vị ni học cứu thương để cứu người. Điều hết sức kính trọng, đau xót trước cảnh tóc tang, người tử nạn nhiều, sư Mẫu Trầu thành lập cô nhi viện Phước Lộc Thọ huyện Long Thành đón nhận trên 250 trẻ mồ côi bị bỏ rơi, người già neo đơn không nơi nương tựa về chắt chiu sống ở nơi đây. Bữa cơm, bữa cháo đạm bạc vươn lên sức sống. Thật quí thay tấm lòng của hòa thượng và chư tăng ni chịu đựng gian khổ ngày ấy thấm nhuần lời Phật dạy: “Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật”.
Chùa Hang Tổ bây giờ được xây dựng lại, vách sau lưng áp núi, thật khiêm tốn ngôi chánh điện trên nền tảng đá nhỏ. Một cây vú sữa gốc thật to, tàn lá sum suê đầy trái đu đưa che mát nơi này. Sư Thanh là người thiết kế công trình cùng vài vị tăng trẻ, thầy trò ngày ngày sắp xếp từng viên gạch, đá đẽo, quyết tâm trùng tu lại ngôi chùa.
Cái Hang Tổ cạnh chánh điện là di tích văn hóa cách mạng, nơi hòa thượng Thích Thiện Phước ẩn náu trong năm tháng chiến tranh khốc liệt, ngày ngày khói hương lan tỏa. Sau lưng là những bậc thang đá xếp lên đỉnh núi với tượng Quán Thế Âm vào mùa xuân mai nở vàng rực rỡ, xa xa là biển xanh lơ mênh mông.
Người hành hương lên đến chùa Hang Tổ ngồi thở giây phút hưởng không khí trong lành bên tách trà ấm bằng những lá cây thuốc mà hồi tưởng ghi ơn những bậc tiền nhân.
Đường lên chùa Hang Tổ ngày hôm nay được khai phá có đến ba ngõ đi. Con đường lên theo ngõ chùa Hang Mai, con đường qua cầu sập, đã được xây xi măng lên Bửu Tràng Sơn Tự và con đường uốn quanh qua ngõ Lâm Sản, khác với ngày xưa đổ mồ hôi, thấm đẫm lưng áo vất vả gian nan.
Trong tâm người hành hương mãi mãi in sâu ngôi chùa Hang Tổ, ngôi chùa mà hòa thượng Thiện Phước, gọi Sư Mẫu Trầu với tấm lòng bao la, nhân hậu, suốt cả cuộc đời sống vì mọi người, vì đồng bào ruột thịt mà ông xem như núm ruột của ông.
Linh thiêng - chùa Hang Tổ, ngàn năm gió vi vu, reo vui, thanh thoát.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chùa Côn Sơn: Một trong ba trung tâm Thiền phái Trúc Lâm
Chùa Việt 14:07 01/11/2024Chùa Côn Sơn gắn với Thiền phái Trúc Lâm, cả ba vị Tổ của thiền phái đã từng tu hành và thuyết pháp ở đây. Cùng với chùa Yên Tử và chùa Quỳnh Lâm, chùa Côn Sơn là một trong ba trung tâm của Thiền phải Trúc Lâm.
Chùa Khôsa Răngsây: Nơi có tủ sách cổ hàng trăm năm tuổi
Chùa Việt 10:58 31/10/2024Tọa lạc ngay trung tâm Q.Ninh Kiều (TP.Cần Thơ), ngôi chùa Khmer mang tên Khôsa Răngsây thu hút du khách hơn 60 quốc gia đến tham quan bởi nhiều nét độc đáo, trong đó có tủ sách cổ hàng trăm năm tuổi.
Độc đáo ngôi chùa hơn 400 năm tuổi, lộng lẫy như cung điện ở Sóc Trăng
Chùa Việt 20:32 30/10/2024Tại xã Viên Bình, H.Trần Đề (Sóc Trăng) có một ngôi chùa Khmer hơn 400 năm tuổi, chính điện được xây dựng nguy nga, lộng lẫy.
Huyền tích chùa thiêng trên đỉnh núi Tà Cú tại Bình Thuận
Chùa Việt 12:30 30/10/2024Trong hệ thống chùa chiềng tại tỉnh Bình Thuận, có một ngôi chùa thiêng gắn liền với tên tuổi của một nhà sư – người được xem là bậc 'cứu thế độ đời', danh đức của Ngài được người dân Bình Thuận cũng như Phật tử gần xa biết đến và cảm niệm hàng năm…
Xem thêm