"Thập tuế tằng giá" là thế nào?
Theo Luật quy định, nam giới xuất gia khi đủ 20 tuổi mới được thọ giới Cụ túc; ngoại trừ trường hợp đặc biệt, sẽ cho miễn một tuổi, tức 19 tuổi được thọ Cụ túc. Về phía nữ giới có 2 trường hợp: Trường hợp thứ nhất, nếu là đồng nữ (con gái chưa có chồng) thì sau khi xuất gia, đến lúc 18 tuổi, phải cho 2 năm học giới làm Thức-xoa ma-na, đợi tròn 20 tuổi, sẽ cho thọ giới Cụ túc.
Thế còn trường hợp thứ hai mà Luật nói “Thập tuế tằng giá: 10 tuổi đã lấy chồng” thì mức tuổi được thọ giới Cụ túc đích thực là bao nhiêu? Đây là vấn đề mà người viết muốn nêu lên để xin được thảo luận.
Ý kiến của Luật sư Chiêu Minh (thế kỷ 17)
Trong sách Yết-ma chỉ nam của mình, Luật sư Chiêu Minh dẫn lại một câu trong Luật: “Nếu là đồng nữ (con gái chưa chồng) 18 tuổi thì có 2 năm học giới, đợi khi tròn 20 tuổi; nếu phụ nữ đã có chồng 10 tuổi thì cho 2 năm học giới, đến khi tròn 12 tuổi sẽ cho thọ giới Cụ túc”. (Nhược đồng nữ thập bát dữ nhị tuế học giới sử niên mãn nhị thập, nhược tằng giá phụ nữ thập tuế, dữ nhị tuế học giới, sử niên mãn thập nhị thính thọ Cụ túc giới). (1)
Thế rồi, Luật sư bình luận: “Phụ nữ đã có chồng 12 tuổi là chỉ cho con số năm sau khi lấy chồng, chứ không phải chỉ cho năm sinh. Vì ngôn cú của bản luật không rõ ràng và do người dịch dùng câu văn không đầy đủ (nên mới có sự hiểu lầm)” (Tằng giá phụ thập nhị tuế giả thị chỉ giá hậu chi niên phần, phi sinh niên dã. Bản luật ngôn cú bất liễu niên giả, nãi dịch nhân dụng văn chi bất túc giả). (2)
Tiếp đến, Luật sư lý giải: “Vả lại khi đức Như Lai chế giới thì con người thọ đến 100 tuổi, ngày nay con người gặp đại hạn, tuổi thọ giảm còn 70 mà còn không có vấn đề kết hôn lúc 10 tuổi, huống chi thời đó lại có lý ấy (có việc tảo hôn) sao?” (Thả, Như Lai chế giới thời nhân thọ bách tuế, kim nhân đại hạn giảm chí thấp thập, thượng vô thập tuế phối hợp chi sự, huống ư đương thời hữu thị lý hồ?)(3)
Lại lý giải tiếp: “Phụ nữ đã có chồng không luật năm sinh lớn nhỏ, phải đợi đủ 10 năm; vì họ đã trải qua sự phối hợp, sợ dâm tâm khó đoạn trừ, nên phải đợi đủ 10 năm, rồi cho hai năm học giới để cho tâm chí kiên cố, mới cho thọ giới Cụ túc” (Tằng giá phụ nữ bất luận sinh niên đại tiểu, yếu mãn thập tuế giả, vị sơ kinh phối hợp khủng bị dâm tâm nan đoạn cố, tất linh mãn thập tuế, cánh nhị niên học giới kiên kỳ chí, phương hứa thọ Cụ). (4)
Để biết ý kiến và cách ly giải trên đây của Luật sư Chiêu Minh có chính xác hay không, ta hãy tìm hiểu các bộ Luật căn bản trình bày vấn đề này như thế nào.
Sự trình của các bộ Luật
Trước hết là sự mô tả của Ma Ha Tăng Kỳ Luật: Khi Phật ở tại thành Xá Vệ, bấy giờ các cô gái của dòng họ Thích, các cô gái của dòng họ Câu Lê, các cô gái của dòng họ Ma La và các cô gái của dòng họ Lê Xa trước đó đã được gả chồng, từng chịu nhiều gian khổ, nên đã khôn ngoan; do thế, Đại Ái Đạo Cù Đàm Di đến hỏi đức Thế Tôn: “ Bạch Thế Tôn! Những cô gái đã lấy chồng tuổi chưa đủ 20, có cho thọ giới Cụ túc được không?” (Dĩ giá nữ giảm nhị thập vũ đắc dữ thọ Cụ túc phủ?) Đức Phật đáp; “Được” (Phật ngôn: “Đắc”).
Bấy giờ, các Tỳ kheo ni cho những cô gái đã lấy chồng 8 tuổi, 9 tuổi thọ giới Cụ túc; vì họ quá bé nhỏ, yếu đuối nên không chịu nổi những việc khổ cực (Nhĩ thời Tỳ kheo ni dữ tằng giá bát tuế, cửu tuế nữ thọ Cụ túc, thái tiểu, nhuyến nhược, bất kham khổ sự).
Sự việc kể trên được trình lên đức Phật, Phật liền chế định: “Nếu Tỳ-kheo Ni cho những phụ nữ đã có chồng chưa đủ 12 tuổi thọ giới Cụ túc thì phạm tội Ba-dạ-đề”. (5)
* Tứ Phần Luật viết: Từ nay trở đi, Ta cho phép độ những người nữ 10 tuổi đã lấy chồng, rồi cho 2 năm học giới, khi đủ 12 tuổi sẽ cho họ thọ giới Cụ túc (Tự kim dĩ khứ, thính độ thập tuế tằng giá nữ nhân, dữ nhị tuế học giới, niên mãn thập nhị, dữ thọ Cụ túc giới). (6)
*Di Sa Tắc Yết Ma Bản nêu lý do vì sao cho những người nữ 12 tuổi đã có chồng được thọ giới Cụ túc: Hoặc là đồng nữ 18 tuổi vì chưa lao khổ nên chi tiết chưa thành, cần cho 2 năm học các pháp. Còn những người 12 tuổi từng lấy chồng, vì đã trải qua gian khổ, quen việc tháo vát, nên cho thọ giới Cụ túc (Hoặc thập bát đồng nữ dĩ bất lao khổ, chí tiết vị thành dữ nhị tuế pháp; thập nhị tằng giá vị kinh lao khổ, tháo hạnh dĩ thành, tức dữ thọ Cụ túc). (7)
* Căn bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Bí-sô-ni Tỳ-nại-da nêu lý do vì sao cho những người nữ 12 tuổi đã lấy chồng, sau 2 năm học các pháp, được thọ giới Cụ túc: Bấy giờ có kẻ ngu si sinh ác tâm (chỉ vua Lưu Ly) thảo phạt dòng họ Thích, khiến nhiều cô gái họ Thích không nơi nương tựa, do thế họ đến các Ni sư xin xuất gia, rồi xin thọ giới Cận viên (Cụ túc). Các Tỳ-kheo-ni bảo họ đợi đủ 20 tuổi mới được thọ giới Cận viên. Họ đáp: - Thưa Thánh giả, đợi đến lúc đủ 20 tuổi thì quá lâu.
- Nếu đủ 20 tuổi thì mới có thể phụng sự Hòa thượng và A xà lê (vị Thầy dạy dỗ).
- Lúc chúng con còn ở nhà đã từng thờ chồng và chăm sóc các việc gia đình đều chu toàn cả, nay há không thể phụng sự thân giáo sư và quỹ phạm sư được sao?
Do thế, các Tỳ-kheo-ni liền bạch lên Phật, Phật dạy: “Nếu người nữ đã có chồng 12 tuổi, hoặc là 18 tuổi thì nên cho 2 năm học các pháp chính yếu, rồi mới trao cho giới Cận viên (Nhược tằng giá nữ niên mãn thập nhị hoặc thập bát tuế giả, ưng dữ nhị niên chánh học pháp, phương thọ Cận viên). (8)
* Thập Tụng Luật trình bày lý do vì sao nữ giới xuất gia phải cho 2 năm học 6 pháp (tức thọ giới Thức xoa ma na) rồi mới cho thọ giới Tỳ-kheo ni: bấy giờ, tại thành Xá-vệ có bà vợ của cư sĩ Hòa La Ha vốn là một người giàu có, đang sống trong cảnh hạnh phúc êm ấm thì gặp sự vô thường xảy ra khiến chồng chết và gia nghiệp bị phá sản. Tuy bà đang mang thai, nhưng vì quá đau khổ bởi tai họa bất ngờ khiến bào thai teo lại. Bà tưởng bào thai đã bị hư, nên đến tinh xá Vương Viên xin xuất gia làm Tỳ-kheo ni. Thế nhưng, sau khi thọ giới Cụ túc, đời sống tại chùa yên ổn, tâm bà an lạc, do vậy bụng bà dần dần lớn lên. Các Tỳ-kheo ni bèn trục xuất bà ra khỏi tinh xá, khiển trách: - Người là kẻ phạm giới dâm, chớ có ở đây nữa.
Bà đáp: “Từ ngày xuất gia tới nay, con chưa hề phạm việc dâm dục, nhưng lúc còn ở nhà, con đã có thai”.
Các Tỳ-kheo ni bèn đem việc ấy bạch lên Đức Phật. Phật dạy rằng bà ấy không có lỗi, rồi chế định: “Từ nay, Ta chế định cho Sa di ni 2 năm học 6 pháp để biết có thai hay không có thai (rồi mới cho họ thọ giới Cụ túc)” (9)
Ý kiến của một số Luật sư khác
* Hòa thượng Luật sư Thích Trí Thủ (1909-1984), trong Yết ma yếu chỉ, sau khi dẫn chứng về ý nghĩa “Thập tuế tằng giá: mười tuổi đã lấy chồng” nơi các bộ Luật, đã nêu ra ý kiến: “ Tuy nhiên, ở nước ta từ xưa, dù có tục tảo hôn, nhưng không có số tuổi quá nhỏ như vậy. Ngày nay thì điều đó hoàn toàn không có xảy ra nữa. Vả lại, tuổi trưởng thành được quy định theo Luật pháp từ xưa là 17 tuổi. Nói tóm lại, nếu là con gái chưa chồng thì tối thiểu phải 18 tuổi mới được phép thọ hai năm học giới. Nếu đã có chồng, không hạn chế số tuổi, trừ khi tuổi quá nhỏ, và nhỏ như thế nào thì tùy theo phong tục địa phương” (10)
*Hòa thượng Luật sư Thích Đôn Hậu (1905-1992), trong bàn dịch Luật Tứ Phần Tỳ-kheo-ni Sao, ở chú thích 24, ghi: “Người 12 tuổi mà đã có chồng thì được cho thọ giới Cụ túc”, rồi nhận xét: “Điều này theo Văn Luật thì đã rõ ràng, nhưng một số Luật sư ở nước ta căn cứ theo Luật Hôn nhân cho rằng không thể có việc con gái 10 tuổi đã có chồng, nên câu văn “ thập tuế tằng giá” được hiểu là “người nữ đã có chồng, nhưng đã thôi chồng 10 năm”, sau khi đủ 10 năm mới cho thọ 2 năm học giới.
Như thế, theo ý tôi, để thích hợp với phong tục nước ta, đồng thời cũng giữ đúng theo lời Phật dạy, là phải đủ 20 tuổi trở lên mới được thọ giới Cụ túc. Do đó, một người con gái đã có chồng, bất cứ thôi chồng lúc nào, nếu muốn xuất gia thì phải trải qua một thời gian để học tập, rèn luyện oai nghi tế hạnh cho thuần thục, rồi phải 2 năm học giới – sau khi thọ 10 giới – mới được thọ giới Cụ túc.” (11)
* Luật sư Đức Thành (thế kỷ 17) trong quyển Luật Huyền Ty, giải thích: “Thập tuế tằng giá: mười tuổi đã lấy chồng” như ở Trung Hoa nuôi dâu vậy. Vì ở Ấn Độ khí hậu không giống như Trung Hoa, nên có những em gái 10 tuổi đã trưởng thành như những thiếu nữ 14, 15 tuổi. Cho nên, nếu những người nữ 10 tuổi đã có chồng mà xin xuất gia thì nên cho 2 năm học giới; khi họ tròn 12 tuổi hãy cho thọ giới Cụ túc, còn những người chưa lấy chồng thì không được”. (12)
* Ni sư Phật Oánh (1908-1970), trong Tứ Phần Tỳ-kheo Ni Giới Bổn Chú Giải, viết: “ Khí hậu tại Ấn Độ thuộc về nhiệt đới; trai gái đều trưởng thành sớm, có người mới 9 tuổi, 10 tuổi đã kết hôn; 11, 12 tuổi đã sinh con (thường thấy có những gia đình 3 đời cùng sống chung – tam đại đồng đường – tuổi còn nhỏ. Ông bà tuổi chừng 26, 27; cha mẹ tuổi chừng 12, 13 và cháu con chừng 1,2 tuổi)” (13).
* Pháp sư Thánh Nghiêm (1930-?), trong Giới Luật Học Cương Yếu, cũng có suy nghĩ tương tự như Ni sư Phật oánh: “ Nếu là thiếu phụ đã có chồng lúc 10 tuổi (vì con gái xứ Ấn Độ phát dục rất sớm, nên độ trên dưới 10 tuổi đã kết hôn, không phải là chuyện hiếm có), chỉ cần phải trải qua gai đoạn Thức xoa 2 năm, đến năm 12 tuổi có thể thọ giới Cụ túc để thành Tỳ-kheo ni. Nữ giới so với nam giới thì trưởng thành sớm hơn; tuy là thiếu phụ 12, 13 tuổi nhưng thể chất và trí năng thì có thể tương đương với những người thành niên 20 tuổi. Thế nên, trong Luật chấp nhận cho những thiếu phụ đã có chồng đủ 12 tuổi thọ giới Tỳ-kheo ni, nhưng chưa thấy chỗ nào ghi nhận nam giới tuổi dưới 20 mà thọ giới Tỳ-kheo”. (14)
Kết luận
Tóm lại, qua sự trình nhất quán của các bộ Luật trên đây thì tuổi để thọ giới Cụ túc làm Tỳ-kheo ni có các trường hợp: Nếu là đồng nữ thì sau khi xuất gia, đến 18 tuổi phải cho 2 năm học giới làm Thức xoa ma na, đợi tròn 20 tuổi mới cho thọ giới Cụ túc. Nếu là người nữ 10 tuổi đã có chồng (thập tuế tằng giá) thì cho 2 năm học giới, khi tròn 12 tuổi sẽ cho thọ giới Cụ túc (quan điểm của các bộ Luật Tăng kỳ, Tứ Phần và Di-sa-tắc); hoặc là người nữ 12 tuổi đã có chồng (thập nhị tuế tằng giá) thì cho 2 năm học giới, khi tròn 14 tuổi sẽ cho thọ giới Cụ túc (theo bộ Luật Căn bản).
Từ đó, các Luật sư Thích Trí Thủ, Thích Đôn Hậu, Thích Đức Thành, Thích Thánh Nghiêm và Ni sư Phật Oánh đều nhất trí về cách hiểu câu “thập tuế tằng giá” là “10 tuổi đã có chồng”, đúng theo tinh thần của các bộ luật. Đồng thời, còn lý giải rõ nguyên nhân: “Vì khí hậu tại Ấn Độ thuộc về nhiệt đới, trai gái đều trưởng thành sớm; có người 9, 10 tuổi đã kết hôn; 11, 12 tuổi đã sinh con” (Ni sư Phật Oánh); hoặc là: “Vì con gái Ấn Độ phát dục sớm, nên độ trên dưới 10 tuổi đã kết hôn, không phải là chuyện hiếm có… Nữ giới so với nam giới trưởng thành sớm hơn, nên thiếu phụ 12, 13 tuổi mà thể chất và trí năng có thể tương đương với những người thành niên 20 tuổi” (Pháp sư Thánh Nghiêm).
Như vậy, các Luật sư đã hiểu vấn đề chính xác và trình bày sự việc có tình, có lý, nên không có gì phải bàn cãi thêm nữa.
Thế còn lâu nay ở nước ta, vấn đề này được áp dụng như thế nào? Vì lẽ, ở nước ta không có tục lệ tảo hôn (nếu có chăng thì chỉ là trường hợp cá biệt, hiếm hoi, chứ không phải tập tục phổ biến) nên ít có những cô gái 10, 11 tuổi lấy chồng, rồi sau đó xuất gia. Do đó, khi cho họ thọ giới Cụ túc, các Luật sư không gặp những trở ngại, đồng thời vẫn giữ đúng tinh thần giới Luật như ý kiến chiết trung mà Luật sư Thích Đôn Hậu trình bày: “Nên theo tôi, để thích hợp phong tục nước ta, đồng thời cũng giữ đúng theo lời Phật dạy, là đủ 20 tuổi trở lên mới được thọ giới Cụ túc”.
Điều đáng tiếc là Luật sư Chiêu Minh do không am tường lịch sử, khí hậu và phong tục tập quán của Ấn Độ vào thời Đức Phật nên đã ức đoán, giải thích những sự kiện trong quảng Luật theo ý riêng mình. Do đó phát sinh những sự bất ổn khiến Tăng Ni trẻ hoang mang. Vì vậy, tôi đem vấn đề này ra biện chính la mong giải tỏa phần nào nỗi hoang mang của họ; đồng thời để mọi người hiểu đúng tôn ý của Phật, cũng như của các luật sư tiền bối đã có những cống hiến to lớn trong sự nghiệp xiển dương Luật học.
__________________
Chú thích:
(1) Yết ma chỉ nam, quyển 3, Luật sư Chiêu Minh soạn thuật.
(2) Yết ma chỉ nam, quyển 3, Luật sư Chiêu Minh soạn thuật.
(3) Sđd
(4) Sđd.
(5) Ma Ha tăng Kỳ Luật, quyển 39, Đ.22, tr.535c-6a
(6) Tứ Phần Luật, quyển 28, Đ. 22, tr. 759a.
(7) Di-sa-tắc Yết ma bản, Đ.22, tr.218b.
(8) Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Bí-sô-ni Tì-nại-da, quye63n18, Đ.23, tr.1004c.
(9) Thập Tụng Luật, quyển 45, Đ.23, tr. 326b.
(10) Luật Tỳ kheo, tập 1, Yết ma yếu chỉ, Hòa thượng Thích Trí Thủ soạn, Trường Cao cấp PHVN ấn hành, 1991, tr.156.
(11) Luật Tứ Phần Tỳ Kheo Ni Sao, Luật sư Thích Đạo Tuyên trước thuật, Hòa thượng Thích Đôn Hậu dịch, ấn hành 1986, tr.454.
(12) Tứ Phần Luật San Bổ Yết Ma Huyền Ty Sao, Tỳ kheo Đức Thành thuật, quyển 5.
(13) Tứ Phần Tỳ Kheo Ni Giới Bổn Chú giải, quyển hạ, tr. 1334, Y dược Học sĩ Phật Oánh Pháp sư biên.
(14) Thích Thánh Nghiêm., Giới Luật Học Cương Yếu, tr.164.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Người đem tâm đời mà làm việc đạo
Phật giáo thường thức 20:32 27/01/2025Người đem tâm Đời (danh, lợi, sân, si v.v...) mà làm việc Đạo (làm các Phật sự) thì việc Đạo biến thành việc Đời.
Phật giáo là gì?
Phật giáo thường thức 15:16 27/01/2025Phật giáo dịch từ chữ Buddhasāsana: nghĩa là: lời giáo huấn của Ðức Phật, bằng ngôn ngữ Pāḷi, có ba loại:
Thân tâm thường an lạc
Phật giáo thường thức 13:30 27/01/2025Đề tài nói chuyện hôm nay là "Thân tâm thường an lạc". Như đã giới thiệu ở phần dẫn nhập, đây là câu chúc thiện lành, chúng ta thường nghe các Phật tử chúc lẫn nhau khi Xuân về Tết đến.
Ân đức giáo hóa vô thượng chúng sanh của Đức Thế Tôn
Phật giáo thường thức 09:00 27/01/2025Hỏi: Ân đức giáo hóa vô thượng chúng sanh của Đức Thế Tôn được biết đến ra sao?
Xem thêm