Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 02/08/2023, 12:30 PM

Thiền là mạch nguồn Phật pháp

Thiền tông ứng dụng tu đúng theo đường của Phật trước kia đã hành, mà không ứng dụng theo pháp của Phật dạy.

Thiền tông không tu theo pháp quán Tứ niệm xứ hay Ngũ đình tâm… của Nhị thừa, cũng không quán Nhân duyên tánh không hay Đại thừa Chỉ Quán của Đại thừa, mà ứng dụng ngay cách tu của đức Phật, từ khi thắc mắc vấn đề nhân sinh: “Tại sao con người phải sanh già bệnh chết? Có phương cách gì giải thoát sanh già bệnh chết?” Lấy đó làm mục đích hướng dẫn trọn một đời tu, đến khi vấn đề được nổ tung là giác ngộ, như đức Phật đã giác ngộ. Hoàn toàn thực thi theo đường hướng của Phật, nên nói là “kế thừa Tâm tông của Phật” (kế Phật tâm tông). Điều này chúng ta thấy rõ nơi các Thiền sư sau đây:

Thiền sư Nghĩa Huyền Lâm Tế (?-867) ở trong hội Hoàng Bá đã ba năm mà không thưa hỏi.

Trần Tôn Túc, hiện làm Thủ tọa trong chúng, khuyến khích hỏi. Sư thưa: “Hỏi câu gì?”

Tôn Túc bảo hỏi: “Thế nào là đại ý Phật pháp?” Sư mang câu hỏi này đến hỏi Hoàng Bá. Câu hỏi vừa dứt, liền được ăn ba gậy. Đến ba lượt như vậy, Nghĩa Huyền buồn khổ đến từ giã ra đi. Hoàng Bá bảo đến Thiền sư Chi ở núi Đại Ngu.

Đến nơi, Đại Ngu hỏi: “Ở chỗ nào đến?” Sư thưa: “Ở Hoàng Bá đến.” Đại Ngu hỏi: “Hoàng Bá có dạy lời gì?” Sư thưa: “Con ba phen hỏi đại ý Phật pháp, ba phen bị đánh. Chẳng biết con có lỗi hay không lỗi?” Đại Ngu bảo: “Bà già Hoàng Bá đã vì ngươi chỉ chỗ tột khổ, lại đến trong ấy hỏi có lỗi không lỗi?” Ngay lời nói này Sư đại ngộ, thưa: “Xưa nay Phật pháp của Hoàng Bá rất ít.” Đại Ngu nắm đứng bảo: “Con quỉ đái dưới sàng, vừa rồi nói có lỗi không lỗi, giờ lại nói Phật pháp Hoàng Bá rất ít. Ngươi thấy đạo lý gì, nói mau! nói mau!” Sư liền cho vào hông Đại Ngu ba thoi. Đại Ngu buông ra nói: “Thầy của ông là Hoàng Bá, chẳng can hệ gì việc của ta.” Sư từ tạ Đại Ngu trở về Hoàng Bá (Thiền sư Trung Hoa II tr. 73).

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Vấn đề đại ý Phật pháp Trần Tôn Túc đặt ra cho Nghĩa Huyền là vấn đề trọng đại. Nếu hiểu được đại ý Phật pháp là hiểu cả Tam tạng giáo điển. Hoàng Bá là bậc cao thủ, bắt Nghĩa Huyền phải chết sống với vấn đề này, nên không đáp một lời, chỉ đánh ba gậy. Lần đầu hỏi bị ăn đòn là đau khổ tận tim gan, khiến vấn đề càng quan trọng thêm. Qua mấy ngày mất ăn mất ngủ, lại hỏi một lần nữa, thêm một trận đòn thứ hai. Đến đây tâm can đã tan nát. Tại sao vấn đề này không được giải đáp? Đây là những vết hằn sâu trong tâm khảm Nghĩa Huyền. Đến lần thứ ba lên hỏi, vẫn được đáp bằng ba gậy. Đến đây đau khổ tột cùng, sống dở chết dở, đành phải từ giã ra đi. Thời gian đi đến Đại Ngu, vấn đề đại ý Phật pháp đã bủa khắp, đã trùm kín con người Nghĩa Huyền. Tại sao hỏi đại ý Phật pháp lại bị đánh? Câu hỏi này đã đánh bật mọi tâm niệm lăng xăng. Tâm não của Nghĩa Huyền đã khắn chặt câu hỏi này. Đại Ngu chỉ khơi dậy bằng một câu: “Bà già Hoàng Bá đã vì ngươi chỉ chỗ tột khổ, lại đến trong ấy hỏi có lỗi không lỗi”. Vỡ tung vấn đề một cách dễ dàng, Nghĩa Huyền thấy được đại ý Phật pháp và biết được thủ thuật của ông thầy, liền thốt câu “xưa nay Phật pháp Hoàng Bá rất ít”. Đây là giải đáp xong vấn đề thắc mắc từ ngày đến hỏi cho đến giờ phút này, nên gọi là ngộ đạo hay giác ngộ.

Thiền sư Tuyên Giám ở Đức Sơn (780-865) sau khi xuất gia học thông kinh điển, Sư tin tuyệt đối vào kinh điển, nghe lối tu thiền đơn giản chóng ngộ đạo nên bực mình nói: “Kẻ xuất gia muôn kiếp học oai nghi của Phật, vạn kiếp học tế hạnh của Phật, còn chẳng được thành Phật. Những kẻ ma ở phương Nam dám nói ‘trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật’, ta phải ruồng tận hang ổ của chúng, diệt hết những giống ấy để đền ân Phật.” Chính chỗ nhiệt tình bảo hộ chánh pháp trở thành nghi vấn: “Tại sao nhà Thiền dám nói trực chỉ nhân tâm kiến tánh thành Phật?” Khi định đi dẹp họ, chính cái nghi của Đức Sơn cũng tăng. Khi sang phương Nam, trước tiên gặp Thiền sư Sùng Tín ở Long Đàm, Sư liền nói: “Lâu nay nghe danh Long Đàm, đi đến nơi Đàm (đầm) chẳng thấy, Long (rồng) cũng không hiện.” Sùng Tín bảo: “Ông đã gần đến Long Đàm.” Ngang đây kiêu khí của Sư đã tan biến, quan niệm ruồng đuổi bọn ma không còn, từ đó phát sanh nghi vấn “thế nào kiến tánh thành Phật” nơi Sư. Sư liền xin nhập chúng để tham vấn. Vấn đề kiến tánh thành Phật khiến Sư thao thức bất an. Một hôm, Sư đứng hầu, Sùng Tín bảo: “Đêm khuya sao chẳng xuống?” Sư kính chào bước ra, lại trở vào thưa: “Bên ngoài tối đen.” Sùng Tín thắp đèn cầy đưa cho Sư. Sư vừa tiếp lấy, Sùng Tín liền thổi tắt. Ngay đó, Sư đại ngộ, liền lễ bái. Sùng Tín hỏi: “Ông thấy cái gì?” Sư thưa: “Từ nay về sau chẳng còn nghi lời nói của chư lão Hòa thượng trong thiên hạ.”

Chỗ nghi của Đức Sơn là “kiến tánh thành Phật”. Nghi vấn này nảy sanh từ khi cất gánh kinh lên vai đi về phương Nam để ruồng đuổi giống ma. Khi đã bị chiết phục, tuy hết nghi Thiền sư là ma, Sư vẫn còn nghi: “Thế nào là kiến tánh thành Phật?” Cho nên Sùng Tín bảo đi xuống, mà lòng Sư vẫn bất an, nên nói “bên ngoài tối đen”. Cái tối đen này vừa là trời tối, vừa là tâm nghi ngờ mù mịt. Sùng Tín biết chỗ thao thức của Sư, liền đốt đèn cầy đưa. Sư vừa tiếp liền thổi tắt. Hành động đột ngột này khiến Sư vỡ tan nghi ngờ, gọi là đại ngộ. Tức là thấy được chỗ kiến tánh thành Phật, không phải trông cậy vào bên ngoài. Ngang đây vấn đề kiến tánh thành Phật là sự thật đối với Sư, nên nói “từ nay về sau chẳng còn nghi lời của chư lão Hòa thượng trong thiên hạ”. Quả thật Sư đã giải đáp xong một nghi vấn trọng đại, nên gọi đại ngộ.

Thiền sư Trí Nhàn ở Hương Nghiêm (724-814) trong hội Qui Sơn Linh Hựu. Một hôm, Qui Sơn bảo: “Ta nghe ông ở chỗ Tiên sư Bá Trượng hỏi một đáp mười, hỏi mười đáp trăm, đó là ông thông minh lanh lợi, ý hiểu thức tưởng là cội gốc sanh tử. Giờ đây thử nói một câu khi cha mẹ chưa sanh?” Sư bị câu này mờ mịt không đáp được. Trở về liêu, Sư soạn hết sách vở đã học qua, tìm một câu đáp trọn không thể có. Sư than: “Bánh vẽ chẳng no bụng đói.” Đến cầu Qui Sơn nói phá, Qui Sơn bảo: “Nếu ta nói cho ông, về sau ông sẽ chửi ta, ta nói là việc của ta đâu can hệ gì đến ông!” Sư đốt hết sách vở, nói: “Đời này chẳng học Phật pháp nữa, chỉ làm Tăng thường làm việc cơm cháo, khỏi nhọc tâm thần.” Sư từ giã Qui Sơn về Nam Dương ở chỗ di tích Quốc sư Huệ Trung. Một hôm, nhân cuốc cỏ trên núi, lượm hòn gạch ném trúng cây tre vang tiếng, Sư chợt tỉnh ngộ, phá lên cười. Sư làm bài tụng:

Nhất kích vong sở tri

Cánh bất giả tu trì

Động dung dương cổ lộ

Bất đọa thiểu nhiên ki (cơ)

Xứ xứ vô tung tích

Thanh sắc ngoại oai nghi

Chư nhân đạt đạo giả

Hàm ngôn thượng thượng ki (cơ).

Một tiếng quên sở tri

Chẳng cần phải tu trì

Đổi sắc bày đường xưa

Chẳng rơi cơ lặng yên

Nơi nơi không dấu vết

Oai nghi ngoài sắc thanh

Những người bậc đạt đạo

Đều gọi thượng thượng cơ.

Trí Nhàn bị Qui Sơn bắt “nói một câu khi cha mẹ chưa sanh”. Đây là đặt nghi vấn: “Tìm cái gì trước khi cha mẹ chưa sanh?” Câu này không có sách vở nào giải đáp cho ta. Đặt câu hỏi này là Qui Sơn buộc Trí Nhàn phải thao thức trăn trở mãi vấn đề này. Ôm nghi vấn về núi, Trí Nhàn buông hết mọi việc, chỉ theo dõi vấn đề thiết yếu này thôi. Theo dõi không có nghĩa như đề thoại đầu hiện nay, mà ôm ấp trằn trọc suốt tháng năm, đến khi chín muồi, nghe tiếng “cốc” vang từ cây tre do hòn gạch ném trúng, Trí Nhàn liền ngộ đạo, tức là phá vỡ nghi vấn “cái gì trước khi cha mẹ chưa sanh”. Đây là thấy được bộ mặt thật muôn đời của mình (Bản lai diện mục), là thoát khỏi sanh tử. Qui Sơn thấy Trí Nhàn trí lanh lợi, ý thức nhạy bén, biết đó là gốc sanh tử, muốn thoát sanh tử phải gạt chúng qua một bên.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Chúng ta hiện nay tự hào với trí lanh lợi của mình, tưởng đó là sáng suốt, là thấu hiểu tột cùng, không ngờ chính nó lại là gốc sanh tử. Trí Nhàn thấy được cái sẵn có muôn đời này không hình, không tướng mà hiện tiền nên nói “nơi nơi không dấu vết, oai nghi ngoài sắc thanh”. Ngộ đạo ở đây là thấy được cái không sanh tử của chính mình, gọi là giải thoát sanh già bệnh chết ở vị lai. Quả thật đúng đường Phật đã đi từ thuở trước.

Qua ba câu chuyện trên, chúng ta thấy rõ Thiền ứng dụng đúng nguyên tắc đức Thế Tôn đã ứng dụng. Nhân ban đầu vì tìm giải quyết sanh tử, quả cuối cùng giải thoát sanh tử. Phật đã hành và đạt như vậy, Thiền sư cũng hành và đạt như thế. Ban đầu Phật đặt nghi vấn, rốt sau vỡ tung nghi vấn là giác ngộ; Thiền sư cũng thế, ôm nghi vấn đi thưa hỏi, rốt sau tự mình phá vỡ nghi vấn là ngộ đạo. Vì thế chúng tôi dám cả quyết “Thiền là mạch nguồn đạo Phật”.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Luận bàn hai chữ “Cuộc đời” trong bài kệ của Thiền sư Pháp Loa

Tư liệu 13:32 21/11/2024

“Cuộc đời của mỗi con người chỉ như một giấc chiêm bao – vô thường. Nếu không có hiểu biết, không tìm thấy cái ta chân thật, thì dù làm bao nhiêu việc cũng chỉ là làm mộng, bao nhiêu cái biết, cũng chỉ là cái biết hư vọng”.

Mối quan hệ giữa đời sống và việc tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông

Tư liệu 14:05 20/11/2024

Phật hoàng Trần Nhân Tông luôn nhấn mạnh quan niệm tiến bộ của Phật giáo Đại Việt rằng “Phật giáo là cuộc sống, không có sự cách li, phân biệt, bởi vì Phật giáo là gì nếu không phải đó là một quá trình đi tìm chân l‎ý.

Tiếc là con người chỉ có hai tay

Tư liệu 08:20 19/11/2024

Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái đến tuổi gả chồng, có hai gia đình Đông gia và Tây gia cùng đến cầu thân.

Bay qua miền hạnh phúc

Tư liệu 17:30 18/11/2024

Phật pháp chính là diệu pháp, đã chắp cho tôi đôi cánh, giúp tôi bay lên cao, ra khỏi vực thẳm tuyệt vọng, đi đến miền hạnh phúc…Tôi xin cảm tạ Chư Phật Bồ Tát, cảm tạ tất cả những thiện hữu đã nhọc nhằn tâm lực, công sức vì tôi.

Xem thêm