Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Thơ Bùi Giáng và tuổi trẻ lang thang trên hè phố Sài Gòn

HT Thích Phước An mang thêm nhiều “chuyện riêng tư của một người cô độc để nói ở đây”. Để chúng ta dễ cảm hơn với những vần thơ tưởng như gần gũi lại kỳ ảo của Bùi Giáng. Cái không khí phố thị Sài Gòn xưa cũ, Thích Phước An chỉ dẫn ra như một sự tình cờ mà quyến rũ biết bao.

Vào khoảng cuối năm 1971 hay đầu năm 1972 gì đó, Bùi Giáng dọn về ở luôn trên lầu ba, thuộc khu nội xá của Viện Đại Học Vạn Hạnh. Dù đã đến Sài Gòn trước đó nhiều năm, nhưng chỉ sau khi ở gần với Bùi Giáng thì tôi mới có dịp biết nhiều hơn về những con đường phố ở Sài Gòn.
 
Có lẽ, cũng như hầu hết người trẻ tuổi thời bấy giờ, Sài Gòn với tôi vẫn có sức quyến rũ lạ lùng. Dường như, chính từ thành phố ấy, mà tuổi trẻ của tôi mới cảm nhận được một cách mông lung rằng, có mùa xuân đầy hương sắc trên cuộc đời này mà tuổi trẻ của tôi vẫn muốn đưa tay với bắt nhưng chưa được? Hay có lẽ sẽ không bao giờ được? Ví có bao giờ ta bắt được một tia nắng đẹp mong manh của buổi chiều xuân bao giờ đâu?
 
Chạy đi em! Và bắt vội giùm cho
Ta em nhé ta chờ tay em bắt.
Giùm chút nắng chiều ngọn cây lay lắt
Nắm và cầm đưa lại giúp cho ta.

Trẻ (Mưa Nguồn)
 
Bài “Những nhành mai” của Bùi Giáng có lẽ mới là bài mà dạo đó tôi say sưa đọc, vì bài thơ đã khơi dậy được tất cả những hoài vọng nhiệt nồng của tuổi trẻ:
 
Buồn phố thị cũng xa bay như gió
Cộ xe nhiều cũng nhảy bổng như hươu
Bờ cõi dựng xuân xanh em còn đó
Bến đào nguyên anh khoác áo khinh cừu.

Nhành Mai (Mưa Nguồn)
 
Nhưng Sài Gòn mà tôi thường đi lang thang với Bùi Giáng lại không phải là Sài Gòn dưới cái nhìn của đám đông thiên hạ. Những thị dân áo quần chải chuốt tập trung ăn nhậu ở các nhà hàng, hoặc nối đuôi nhau đứng đợi mua cho được một vé xi nê, mà Sài Gòn ở đây lại là, tại các hẻm hay những góc phố vắng vẻ. Ở đó, có các quán cóc bán cà phê và các thức ăn rẻ tiền mà giới đạp xích lô hay những người lao động chân tay mới thường lui tới. Bùi Giáng rất thích đến ngồi ở những quán này, vì những người lao động này họ chẳng hề biết ông là ai, và nhất là họ cũng chẳng bận tâm về chính họ làm gì. Chẳng hạn, họ chẳng bao giờ nghĩ rằng mình là trí thức hay nghệ sĩ gì cả. Bùi Giáng rất khó chịu khi phải ngồi nói chuyện với những người mà từ lời nói đến cử chỉ lúc nào cũng đầy vẻ trịnh trọng.
Chúng ta dường như lúc nào cũng thích khoác cho mình một chiếc áo thật đẹp, hay tự sửa soạn chỗ ngồi của mình thật lộng lẫy, để rồi tự cảm thấy thỏa mãn khi ngồi vào chỗ ngồi ấy?
 
Còn thi nhân? Chẳng phải thi nhân là kẻ đã đánh phá tan tành những công ước giả tạo ấy, để chỉ cho con người thấy được vẻ đẹp mênh mông của cuộc đời đó sao?
 
Nhưng chúng ta có nên đem chuyện riêng tư của một người cô độc để nói ở đây không? 
 
Theo tôi, thì chẳng có gì là riêng tư đối với Bùi Giáng. Tất cả những gì gọi là riêng tư, thật ra chỉ là cái đãy vải trên vai, trong đó chỉ đựng xấp giấy trắng, cây bút để làm thơ trên bước đường lang bạt mà thôi.
 
Có lẽ ít có nhà thơ nào đã dám sống hết mình, sống tận cùng với cát bụi như Bùi Giáng đã dám sống một cách trọn vẹn như vậy.
 
Và chúng ta có thể nói rằng, chính từ đời sống như vậy, mà tiếng thơ Bùi Giáng đã ra đời. Qua tiếng thơ đó, Bùi Giáng đã khẳng định với chúng ta rằng, không phải cuộc đời chỉ có đau khổ, lầm than và đầy bóng tối, mà vẫn còn có bầu trời cao rộng nữa, nếu chúng ta biết ngẩng mặt lên để mà nhìn:
 
Trần gian hỡi! Tôi đã về đây để sống
Tôi đã tìm đâu ý nghĩa của lầm than
Tôi ngẩng mặt ngó ngàn mây cao rộng
Tôi cúi đầu nhìn mặt đất thấp đen

Phụng Hiến (Mưa Nguồn)
 
Và cuộc đời, với hầu hết chúng ta chắc chắn không có chủ đích nào khác hơn là săn đuổi cho được cái mà ta thường gọi là hạnh phúc? Nhưng chúng ta đi tìm hạnh phúc ở đâu? Hạnh phúc trong sự tích lũy tài sản? Hạnh phúc có nghĩa là nhiều tiện nghi vật chất cho đời sống? Hay cao hơn một mức nữa, là phải đấu tranh hay có khi phải sát phạt lẫn nhau để có một địa vị nào đó trong xã hội? Nhưng tất cả những thứ này đều không đem lại hạnh phúc lâu dài, vì chắc chắn một ngày không xa nó sẽ tuột khỏi tầm tay, và sự đau khổ lập tức sẽ đến với chúng ta ngay. Nhưng điều tác hại nguy hiểm nhất vẫn là, ví suốt đời ta cứ chạy theo những hình ma bóng quế này, thì trái tim của ta dễ bị bại liệt. Khi trái tim đã bị bại liệt rồi thì chúng ta sẽ không còn biết rung động trước mọi vẻ đẹp của đất trời nữa. Phải chăng khi con người không còn biết rung động trước cái đẹp, thì con người sẽ chỉ sống trong ích kỷ và tàn bạo?
 
Còn thi nhân thì ngược lại, mỗi giây phút sống trên đời này, đều là mỗi giây phút thiêng liêng. Vạn vật đối với họ như có linh hồn, vì đang cùng với trái tim của họ rung lên bao nỗi chờ mong:
 
Tôi đã gởi hồn tôi biết mấy bận
Cho mây xa cho tơ liễu ở gần
Tôi đã đặt trong bàn tay vạn vật
Quả tim mình nóng hổi những chờ mong.
                                                                                         
Phụng Hiến (Mưa Nguồn)
 
Và theo tôi, sở dĩ người nghệ sĩ ấy tự chọn cho mình một đời sống lao đao lận đận như vậy, chẳng có mục đích nào khác hơn là muốn chia sẻ với con người một chút đau khổ giữa cái khổ lớn lao mà con người đang phải gánh chịu, với hi vọng đốt lên được ngọn lửa của tình thương mà vốn dĩ đã quá nguội lạnh trên cuộc đời này, như thi nhân đã một lần phát đại nguyện:
 
Xin mãi yêu và yêu nhau mãi
Trần gian ơi! Cánh bướm cánh chuồn chuồn
Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại
Con vi trùng sâu bọ cũng yêu luôn.

Phụng Hiến (Mưa Nguồn)
 
Tình yêu ấy sẽ vượt thắng tất cả. Kẻ nào đã cưu mang tình yêu đó trong trái tim, thì dù mai này có chết đi, nhưng tình yêu ấy vẫn còn nguyên vẹn:
 
Còn ở lại một ngày còn yêu mãi
Còn một đêm còn thở dưới trăng sao
Thì cánh mộng còn tung lên không ngại
Níu trời xanh tay với kiễng chân cao

Phụng Hiến (Mưa Nguồn)
 
Và khi một kẻ đã sống vì sự đau khổ của con người thì đời sống của họ cũng rất giản dị. Họ sống khiêm tốn với những sự vật gần như vô danh và im lặng giữa đất trời. Những sự vật mà chúng ta đã vô tình đã đánh mất giữa đời sống hàng ngày. Chúng ta đánh mất tại vì chúng ta cứ nghĩ rằng nó chẳng giúp ích gì cho đời sống quá thực tế của chúng ta cả. Nhưng với thi nhân, thì tất cả đều là thơ, tất cả đều là mộng:
 
Đường cong có cỏ mọc ven bờ
Cây đứng trong vườn là chuối tơ
Chó sủa sớm chiều đi qua ngõ
Gà con mất mẹ chạy bâng quơ

Bờ Trần Gian (Mưa Nguồn)
 
Đời sống thì giản dị như vậy, nhưng hoài vọng của họ đối với cuộc đời thì lại mãnh liệt vô cùng:
 
Sầu một thuở đất mòn không tiếng nói
Một ngàn năm trăng giải tuyết băng buông
Anh gởi đi ngàn sóng cuộn thác nguồn
Để thấy mãi rằng thơ không đủ gọi.

Đủ Gọi (Mưa Nguồn)
 
Một buổi trưa hè nóng bức cũng tại một quán cóc trên vỉa hè Trương Minh Giảng (bây giờ Lê Văn Sĩ) của Sài Gon thời đó. Bùi Giáng đang ăn tô mì Quảng (thứ mì phát xuất từ Quảng Nam - quê hương của ông), còn tôi thì ngồi nhâm nhi cà phê nhìn thiên hạ đi lui đi tới ngoài đường phố. Đang ăn bỗng Bùi Giáng ngừng lại và nói với tôi: “Ta ăn hai ngàn tô mì Quảng nữa ta chết”.
 
Câu nói chỉ là nói đùa, nhưng đối với tôi thì không phải đùa chút nào, vì tôi biết rằng, câu nói ấy đã vô tình thể hiện tất cả nỗi ưu tư quằn quại của Bùi Giáng về cái chết của chính ông và tất cả chúng ta, những người đang sống trên mặt đất này.
 Hòa thượng Thích Phước An
Đã hơn bốn thập niên qua rồi, vậy mà từ giọng nói đến cái nhìn thật xa xôi của Bùi Giáng vào buổi trưa hè năm ấy, đến nay vẫn còn đọng lại trong hồn tôi. Những khi ngồi nhớ lại những năm tháng đã sống bên Bùi Giáng cùng với hàng ngàn bài thơ mà ông đã làm trên bước đường lang thang phiêu bạt, thì bài thơ đã ảnh hưởng sâu đậm nhất đối với tôi chắc vẫn là bài ông viết về cái chết.
 
Có lẽ, chúng ta phải tập lân la trú ngụ gần bên cái chết, thì mới thấy được sự sống là thiêng liêng chăng?
 
Rồi mai đi về xứ nào chẳng biết
Đỗ Quang ơi và có lẽ Quyên ơi
Đi lìa xa xứ sở của mặt trời
Thì chuyện cũ cũng như từng chưa biết
Tôi chẳng rõ cội nguồn tôi ly biệt
Dấu tiên sa và ngấn tích tiên nga
Bờ giạt bèo hay trôi bến lạnh trôi hoa
Ngày ngóng mộng hay đêm ngờ máu chảy
Xuân thơ dại hay đông tàn thu gãy
Chút tình xưa Đông Á mất đâu rồi.
Rồi mai đi về xứ nào chẳng biết
Những người em hãy ở lại bên đời
Nô hay đùa xin cứ mỉm hai môi.

Mai Đi (Sa Mạc Phát Tiết)
 
Và đâu phải vì cái chết mà chúng ta không còn hi vọng vào cuộc đời. Vì sao? Đây có lẽ thông điệp mà Bùi Giáng muốn gửi tới cho tất cả những người trẻ tuổi hôm nay chăng?
Em bảo rằng,
Đừng tuyệt vọng nghe không
Còn trang thơ thắm lại với trời hồng.

Phụng Hiến (Mưa Nguồn)
 
Cái đẹp sẽ cứu chuộc thế giới”, như văn hào Nga Dostoievski đã một lần phát biểu như vậy.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Giáo hội ban hành Thông bạch hướng dẫn tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568

Tin tức 20:00 28/03/2024

Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ HĐCM, Chủ tịch HĐTS GHPGVN vừa ấn ký ban hành Thông bạch số 088/TB-HĐTS gửi đến Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố hướng dẫn tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 – Dương lịch 2024.

Lễ hội Quan Thế Âm ở một ngôi chùa lịch sử

Tin tức 19:23 28/03/2024

Ngày 28/3 (19/2/Giáp Thìn), Ban Trị sự GHPGVN H.Nông Cống, chùa Vĩnh Thái, xã Hoàng Giang, H.Nông Cống (Thanh Hóa) tổ chức Lễ hội Quan Thế Âm năm 2024.

Tiền Giang: BTS kết hợp Sở NN&PTNN tỉnh phóng sanh tại khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười

Tin tức 14:58 28/03/2024

Sáng ngày 28/03/2024, nhân kỷ niệm 65 năm ngày Truyền thống ngành thủy sản Việt Nam (ngày 01/04/1959 - 01/04/2024), Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN) tỉnh Tiền Giang kết hợp với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh thả hơn 2 tấn cá giống tại khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười thuộc huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang.

Hoàn cảnh bi thương của nam sinh lớp 8 bị hành hung chấn thương sọ não

Tin tức 14:34 28/03/2024

Bố mất vì tai nạn lao động, nam sinh lớp 8 và mẹ vừa chuyển hộ khẩu về quê ngoại ở huyện Cẩm Khê được vài tháng, chưa kịp về ở hẳn nay đã phải đối diện với cửa tử vì bị đánh đến chết não, hi vọng sống mong manh.

Xem thêm