Vô thường trong kinh Pháp cú (II)
Tâm dẫn đầu các Pháp, tâm là tối thượng, mọi hành động đều do tâm hướng dẫn, do tâm làm chủ và do tâm tạo nên. Chính tâm điều khiển và tạo tác ra hành động bằng “Thân, Khẩu, Ý”.
> Ngẫm về “định luật vô thường” của đức Phật Thích Ca Mâu Ni
Tâm vô thường
Gắn liền với thân là “Tâm”. Thân đã vô thường, Tâm cũng vô thường. Tâm niệm con người rời đổi mau lẹ trong từng phút từng giây theo với ngoại cảnh. Đức Phật đã dạy rất đúng: “Tâm người như vượn chuyền cây, như ngựa rông nơi đồng nội”. Chính vì tâm niệm sinh diệt quá mau lẹ, nhiều khi chúng ta không nhận ra được sự biến chuyển của nó, nên chúng ta có cảm tưởng như nó không thay đổi gì cả. Cái “ta” phút trước đâu phải là “ta” phút này hay “ta” phút sau nữa.
Cái “ta” hay cái “tâm” cũng thế đều vô thường, tạm bợ, giả tạo. Vậy mà người đời cứ bám víu vào nó, nhân danh nó để làm biết bao điều bất thiện. Truyện tích kể rằng trong khi ngồi thiền một mình trong vườn, tâm của một vị Tỳ kheo bị những tư tưởng xấu chế ngự. Đó là các tư tưởng tham dục, sân hận và bạo hành xâm lấn khiến thầy không định tâm được. Ðức Phật nói rằng tâm rất dễ bị kích thích, hay thay đổi, biến chuyển rất nhanh chóng. Đức Phật khuyên:
(Pháp Cú 33)
Thường thường tâm kẻ phàm phu
Chập chờn, dao động, lu mờ, khó canh
Khó mà chế phục được nhanh,
Chỉ riêng kẻ trí tâm mình giữ yên
Giữ cho ngay thẳng lâu bền
Như tay thợ khéo uốn tên lành nghề
Tên luôn ngay ngắn mọi bề.
Nhìn các cảm xúc với con mắt vô thường
Tâm điều khiển ý muốn và hành động của con người. Cho nên canh phòng và kiểm soát tâm, hướng dẫn tâm theo chính đạo là điều cần thiết. Nhưng việc này không dễ thực hiện, vì dò biết được tâm con người còn khó hơn dò lòng đại dương.
“Lục trần” là nguyên do làm cho tâm con người động. “Lục” là sáu. “Trần” là bụi dơ. Lục trần là sáu cảnh bên ngoài như bụi bặm có thể làm nhiễm dơ thân tâm ta. Sáu cảnh đó là “sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp”. “Sắc” là những mầu sắc, những hình thể của người, của sự vật… “Thanh” hay “thinh” là những âm thanh, tiếng nhạc, lời nói ngon ngọt làm mình xiêu lòng, say đắm… “Hương” là mùi thơm tho của son phấn, của hoa lá, của món ăn thức uống… “Vị” là vị ngon ngọt của món ăn thức uống… “Xúc” là sự đụng chạm với đồ vật, quần áo, thân thể con người mà mình ưa thích… “Pháp” là những phương thế, những tư tưởng xâm nhập cái ý nghĩ của mình khiến mình sinh ra những sự phán đoán phân biệt khen chê, ưa ghét…
Khi thấy người có sắc đẹp, tâm chạy theo sắc, tức tâm động. Khi thấy châu báu ngọc ngà quý báu muốn chiếm đoạt thâu góp, tức tâm động. Khi nghe tiếng hay nên chạy theo âm thanh đó, làm theo những lời rủ rê ngọt ngào, tức tâm động v.v… Muốn an trụ tâm thì chẳng nên dính với lục trần.
Tâm là một cái gì khó nắm giữ, hay khinh động, hoảng hốt, khó hộ trì, khó nhiếp, sẵn sàng chạy theo sở thích của dục vọng, xoay vần theo ngũ dục và lòng tham con người. Điều phục tâm không dễ, vì phải dùng đến ý chí để kiềm chế sự ham muốn chạy theo dục vọng của tâm. Khi tâm chạy theo cảnh, theo người, theo lục trần một cách hăng hái, thì mình phải cương quyết dùng ý chí để kiềm nó lại.
Sự vô thường của vũ trụ bên ngoài nới có chúng sinh sống
Nhờ sự hướng dẫn của chư Sư, một thiếu phụ có tâm đạo nhiệt thành tu tập và đắc quả. Bà có thể đọc được tư tưởng của người khác. Một tăng sĩ ở nơi xa nghe tiếng về năng lực tinh thần của bà, đến viếng và lưu lại tại chùa. Bà tận lực hỗ trợ thầy. Vị tăng sĩ lo sợ mình có thể phát sinh những tư tưởng xấu và vị thí chủ này có thể đọc được tâm mình nên thầy đến bạch cùng Ðức Phật. Ðức Phật khuyên thầy nên giữ vững cái tâm khó kiềm chế của thầy:
(Pháp Cú 35)
Tâm phàm phu cứ xoay vần
Chạy theo dục vọng muôn phần đảo chao
Khó mà nắm giữ được nào,
Chỉ riêng những kẻ thanh cao tính tình
Đã điều phục được tâm mình
Mới mong hạnh phúc, an bình mãi thôi.
Như vậy, chúng ta thấy rõ, tâm dẫn đầu các Pháp, tâm là tối thượng, mọi hành động đều do tâm hướng dẫn, do tâm làm chủ và do tâm tạo nên. Chính tâm điều khiển và tạo tác ra hành động bằng “Thân, Khẩu, Ý”.
Tâm tạo tác ra thiện hoặc ác. Theo lối hành động tiêu cực thời con người thường buông thả theo bản tính. Lối này dễ thực hành hơn, có thể thoả mãn tạm thời tính ích kỷ và lòng ham muốn thụ hưởng thường tình của con người. Tiếc thay nếu chúng ta nói hay hành động với ý xấu hoặc với ác tâm thì khổ não và bất hạnh sẽ theo chúng ta như cái bánh xe lăn theo bước chân của con vật kéo xe:
(Pháp Cú 1)
Việc làm của bản thân ta
Do tâm, do ý tạo ra, dẫn đầu
Nói năng, hành động trước sau
Ý mà ô nhiễm: khổ đau theo kề
Tựa như là cái bánh xe
Theo chân con vật kéo lê trên đường.
Ngẫm về “định luật vô thường” của đức Phật Thích Ca Mâu Ni
Nhưng nếu ta theo lối hành động tích cực thời con người thường suy nghĩ chín chắn, có kiểm soát để theo lẽ phải trái, biết phân biệt thiện, ác. Nếu ta nói hay hành động với ý tốt, với thiện tâm, thời hạnh phúc và an lạc sẽ theo ta như bóng theo hình. Truyện tích kể rằng một nhà triệu phú keo kiết có một chàng con trai duy nhất. Một ngày chàng lâm trọng bệnh và sắp chết đến nơi vì ông cha triệu phú của chàng không muốn bỏ tiền ra để rước lương y điều trị. Với thiên nhãn, Ðức Phật nhận thấy cảnh trạng đau thương của chàng trai đang hấp hối và xuất hiện trước chàng. Người thanh niên lấy làm hoan hỉ được chính mắt mình chiêm ngưỡng dung nhan Ðức Phật và trút hơi trở cuối cùng với tâm trong sạch, đầy niềm tin tưởng nơi Ngài. Chàng được tái sinh vào cảnh trời. Nhân đó Đức Phật dạy:
(Pháp Cú 2)
Việc làm của bản thân ta
Do tâm, do ý tạo ra, dẫn đầu
Nói năng, hành động trước sau
Ý mà thanh tịnh: dạt dào niềm vui
Và bao hạnh phúc trên đời
Theo ta như bóng khắp nơi theo hình.
Trong hai câu Pháp Cú 1 và 2 đối nhau ở trên, Đức Phật dạy cho ta thấy rằng theo “Luật Nhân Quả” thời con người có hai cách xử sự và mỗi cách sẽ đưa đến một hậu quả khác nhau. Hậu quả đó tốt hay xấu đều tùy thuộc ở hành vi của con người đã làm trong quá khứ hay đang làm trong hiện tại. Tất cả những hậu quả tốt hoặc xấu do hành vi của con người tạo ra đối với xã hội và đối với chính mình, đếu là trách nhiệm của mình. Điều thiện điều lành sẽ tạo nghiệp thiện và đưa đến an lạc, hạnh phúc. Điều xấu điếu ác sẽ tạo nghiệp dữ và đưa đến khổ đau. Không cần phải có một đấng thiêng liêng nào để thưởng phạt con người. Chính con người tự thưởng hay tự phạt mình bằng những hành động của chính mình. Ai gieo thứ gì thì sẽ gặt hái thứ ấy!
Hoàng tử Nanda, em cùng cha khác mẹ với Đức Phật, xuất gia theo Đức Phật ngay trong ngày lễ cưới của ông. Thay vì cố gắng hành thiền, Tỳ kheo Nanda luôn luôn tưởng nhớ đến bà vợ chưa cưới. Đức Phật dùng một phương pháp hữu hiệu giúp thầy lìa bỏ những tư tưởng tham dục trước kia và thầy đắc quả A La Hán. Đức Phật ví tâm trạng tham dục như mái nhà lá lợp không kỹ và trạng thái trong sạch sau này của thầy Nanda như mái nhà khéo lợp:
(Pháp Cú 13)
Căn nhà lợp chẳng kỹ càng
Mưa tuôn thấm dột dễ dàng lắm thay
Tâm mà tu vụng có ngày
Bị nhiều tham dục lọt ngay khác gì.
(Pháp Cú 14)
Căn nhà lợp thật kỹ càng
Mưa tuôn đâu dột dễ dàng mấy khi
Tâm mà tu khéo sợ gì
Bao nhiêu tham dục dễ chi lọt vào.
> Xem thêm video "Tác hại của lời nói dối" :
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Kinh Ái sanh (tiếng Việt, dễ đọc dễ hiểu)
Kinh Phật 17:30 20/12/2024Phật nói Kinh Ái sanh, trích từ Trung Bộ Kinh tập 2, Kinh Ái sanh, số 87, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt.
Kinh phân biệt về sự thật
Kinh Phật 19:00 19/12/2024Phật nói Kinh Phân biệt về sự thật. Trích từ Kinh Trung Bộ III, Kinh Phân biệt về sự thật, số 141, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt.
Kinh Diệu pháp Liên Hoa tóm lược – Thí dụ về 6 căn bản phiền não (P.3)
Kinh Phật 10:24 19/12/2024Kinh Diệu pháp Liên Hoa sử dụng pháp môn phương tiện quyền xảo, khéo léo lấy nhiều ví dụ từ trần thế để mong giáo hoá được chúng sinh, dẫn dắt chúng sinh thoát khỏi mê lầm.
Kinh phân biệt cúng dường (tiếng Việt, dễ đọc dễ hiểu)
Kinh Phật 19:30 18/12/2024Kinh Phân biệt cúng dường (tiếng Việt, dễ đọc dễ hiểu), Phật nói Kinh Phân biệt cúng dường. Trích từ “Kinh Điển Tam Tạng - Tạng Kinh - Kinh Trung Bộ III", Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt.
Xem thêm