Thủ tướng Ấn Độ tham dự lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Abhidhamma (Vi Diệu Pháp)
Ngày 17/10, tại Trung tâm Hội nghị Vigyan Bhawan của Chính phủ Ấn Độ ở New Delhi, Thủ tướng Shri Narendra Modi đã tham dự sự kiện kỷ niệm Ngày Quốc tế Abhidhamma (Vi Diệu Pháp) và công nhận tiếng Pali là ngôn ngữ cổ.
Sự kiện do Liên đoàn Phật giáo Quốc tế (IBC) tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Văn hóa Ấn Độ, với sự tham gia của hơn 2.000 đại biểu từ hơn 10 quốc gia.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Modi nhấn mạnh tầm quan trọng của tiếng Pali - ngôn ngữ được Đức Phật sử dụng để truyền bá giáo pháp.
Nhân dịp kỷ niệm sự kiện lịch sử trọng đại, ông Modi khẳng định, chính phủ Ấn Độ sẽ tiếp tục các sáng kiến bảo tồn và phát triển ngôn ngữ này, nhằm giữ gìn di sản văn hóa và tinh thần của Ấn Độ.
Thủ tướng Ấn Độ cũng đề cập đến các nỗ lực của chính phủ trong việc phục hưng di sản Phật giáo, bao gồm việc đưa về nước hơn 600 hiện vật Phật giáo trong những năm gần đây.
Ông Modi khuyến khích giới trẻ Ấn Độ không nên chỉ cần phấn đấu dẫn đầu thế giới trong khoa học và công nghệ mà còn nên tự hào về nguồn cội và giá trị văn hóa.
Ngày Quốc tế Abhidhamma (Vi Diệu Pháp) đánh dấu một trong những sự kiện thiêng liêng và cảm động nhất trong cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, diễn ra vào năm thứ 7 sau khi Ngài thành đạo. Theo đó, với lòng hiếu thảo và sự biết ơn sâu sắc, Ngài đã quyết định lên cõi trời Đạo Lợi để thuyết pháp độ Thánh mẫu - Hoàng hậu Maya qua đời 7 ngày sau khi sinh ra Ngài và tái sinh ở cõi trời Đạo Lợi (Tavatimsa) - nhằm báo đáp công ơn của mẹ mình.
Tại cõi trời Đạo Lợi, trong khoảnh khắc thiêng liêng giữa không gian yên bình và thanh tịnh, Đức Phật đã thuyết giảng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) - tinh túy giáo lý, suốt ba tháng hạ. Ngài biết rằng chỉ những giáo lý thâm sâu, vi diệu nhất mới đủ để tôn vinh và đền đáp xứng đáng với công đức mà mẹ Ngài đã dành cho Ngài trong vô lượng kiếp, khi Ngài còn trôi nổi trong luân hồi, phàm những công đức cao quí phải đền đáp bằng pháp cao quí.
Sự kiện thuyết giảng Vi Diệu Pháp này không chỉ nhằm mục đích giác ngộ Phật mẫu, mà còn nhằm cứu độ chúng sanh nơi cõi trời Đạo Lợi. Nhờ đó, Thánh mẫu Maya đã đắc quả Tu-đà-huờn, một trong bốn quả thánh của Phật giáo. Bấy giờ, vô số chư Thiên cũng được thành đạo bởi giáo lý thâm sâu, vi diệu này.
Hành động của Đức Phật tại cõi trời Đạo Lợi là một biểu hiện cao cả của lòng hiếu thảo và sự tôn kính đối với công ơn sinh thành dưỡng dục. Không chỉ báo đáp mẹ, Ngài còn dùng trí tuệ siêu việt của mình để truyền đạt giáo pháp, đem lại sự giác ngộ cho vô số chúng sinh. Đây là minh chứng cho sự hoàn hảo của Đức Phật, không chỉ ở khía cạnh giác ngộ tâm linh mà còn ở tình thương và lòng biết ơn vô hạn đối với những người thân yêu.
Sự kiện báo hiếu này của Đức Từ Phụ trở thành tấm gương sáng ngời về lòng hiếu thảo và sự cứu độ, một bài học quý giá về sự đền ơn đáp nghĩa trong đạo Phật. Qua đây, Đức Phật không chỉ dạy chúng sanh biết trân quý và biết ơn những người đã hy sinh cho mình, mà còn nhắc nhở chúng sinh về tầm quan trọng của việc tìm cầu trí tuệ và tu tập để tự độ và độ tha.
Abhidhamma (Vi Diệu Pháp), có nguồn gốc từ hai từ trong tiếng Pali: "Abhi" có nghĩa là "cao siêu" hoặc "tuyệt đối" và "Dhamma" có nghĩa là "pháp" hay “giáo lý”.
Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) được coi là tinh hoa trí tuệ của Đức Phật trong Tam Tạng Kinh điển Pali, bao gồm bảy bộ sách chứa đựng những phân tích chi tiết về tâm, pháp và vạn vật, giúp người nghe thấu hiểu bản chất của thế giới và tâm thức. Abhidhamma tập trung vào sự phân loại, phân tích, và cấu trúc tinh vi của thực tại.
Tin, ảnh: IBC
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Tu viện Tsz Shan, chốn thiền tịnh giữa núi rừng
Quốc tế 10:00 25/11/2024Với không gian rộng lớn, nằm giữa núi đồi, tách biệt khỏi thế giới xô bồ và ồn ào, tu viện Tsz Shan là nơi bạn có thể cảm nhận được sự thư thái trong từng bước chân. Tsz Shan xứng đáng là một điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi tới Hong Kong.
Rải tiền công đức bằng cần cẩu ở một ngôi chùa tại Thái Lan
Quốc tế 09:45 21/11/2024Lễ cúng dường Kathin Samakkhi tại chùa Wat Derm Bang, tỉnh Suphanburi có hoạt động rải tiền công đức từ trên cần cẩu.
Khám phá ngôi chùa nổi tiếng nhất thế giới nơi Đức Phật giác ngộ
Quốc tế 08:45 16/11/2024Chùa Mahabodhi (Đại Giác Ngộ) là một bảo tháp Phật giáo ở Bodh Gaya, Ấn Độ, được biết đến là một trong những Phật tích quan trọng nhất của lịch sử Phật giáo thế giới. Theo UNESCO, ngôi đền hiện tại có công trình kiến trúc sớm nhất và hoành tráng nhất được xây dựng hoàn toàn bằng gạch vào khoảng thế kỷ thứ 7.
Nghi lễ Xaybath - Lễ cúng dường lớn nhất của người dân Lào
Quốc tế 16:00 15/11/2024Đây là cơ hội cho người dân Lào tích lũy công đức bằng cách cho đi không vị kỷ. Với việc tham gia vào nghi lễ Xaybath, người dân bày tỏ lòng thành kính đối với Phật giáo và cầu mong phước lành.
Xem thêm