Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 12/01/2013, 11:15 AM

Thượng tọa Thích Thanh Cần -nhà sư bận việc... "làm cha”

Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, quan tâm giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, Thượng tọa Thích Thanh Cần đã và đang góp phần thiết thực làm cho những giá trị nhân văn, cao đẹp của đạo Phật, nhất là tinh thần từ bi, hỷ xả thấm sâu

Ở huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) Thượng tọa Thích Thanh Cần được nhiều Tăng Ni, tín đồ Phật tử, người dân biết đến không chỉ bởi Thầy là Phó trưởng Ban Đại diện Phật giáo huyện, cùng lúc trụ trì 3 ngôi chùa trên địa bàn mà còn bởi nhiều việc làm từ thiện và những đóng góp thiết thực của Thầy trong phong trào xây dựng nông thôn mới …



Thượng tọa Thích Thanh Cần -"người cha” của những đứa trẻ bị bỏ rơi

Nhà sư bận việc... "làm cha”

Những ai đã và đang chăm sóc trẻ em đều biết đây là công việc không đơn giản, đòi hỏi nhiều kiến thức, kỹ năng, trên hết là một tấm lòng yêu trẻ. Vậy nên, đến chùa Quế Phương (xã Hải Tây, Hải Hậu) chúng tôi thật cảm động khi chứng kiến Thượng tọa Thích Thanh Cần trụ trì chùa đang cùng lúc chăm sóc đến 4 em bé. Hỏi chuyện mới biết các em đều là những đứa trẻ bị bố mẹ bỏ rơi ở cổng chùa ngay từ lúc mới sinh, được Thượng tọa nhận cưu mang nuôi dưỡng. Không biết nguồn gốc, tên tuổi nên khi nhận nuôi các em, Thượng tọa đặt tên mới cho lũ trẻ theo họ Phật, đó là Thích Thanh Thành, Thích Thanh Hưng, Thích Tâm Phúc và Thích Ngọc Minh. Năm nay, Thích Thanh Thành và Thích Thanh Hưng đã tròn 5 tuổi; Thích Tâm Phúc - bé gái duy nhất mới được 18 tháng tuổi, riêng em út Thích Ngọc Minh mới chỉ được 8 tháng tuổi.

Thượng tọa kể, bây giờ Thầy và các đệ tử đã có nhiều kinh nghiệm nuôi trẻ chứ những ngày đầu gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí, nhà chùa phải vào làng tìm những bà mẹ đang nuôi con nhỏ để hỏi kinh nghiệm, tham khảo thêm cả trên sách báo. Khi đã thạo việc, 5 năm qua, Thầy cùng 3 đệ tử thay nhau làm tất cả các công việc nuôi dưỡng, chăm sóc các em như một người mẹ. Dẫn chúng tôi vào phòng ở của các em, Thượng tọa kể, đêm đêm mấy thầy trò cùng "đàn con” trải đệm nằm ngủ dưới nền nhà. Chùa không thiếu giường nhưng vẫn phải trải đệm dưới đất bởi sợ nếu ngủ trên giường, các cháu dễ lăn xuống đất.

Mấy năm qua Thích Thanh Thành, Thích Thanh Hưng đến tuổi học mẫu giáo, Thượng tọa cùng các đệ tử lại có thêm một việc đó là ngày ngày thay nhau đưa đón các em đến trường. Để yên tâm mỗi khi vắng chùa, Thượng tọa cho lắp hệ thống camera nối với internet, nhờ vậy bằng chiếc điện thoại ở đâu ông cũng quản lý được "các con” và bao quát được mọi việc ở chùa.

Một tấm lòng với quê hương

Trò chuyện với Thượng tọa Thích Thanh Cần, chúng tôi như thấy được niệm tự hào của nhà sư về Hải Hậu quê mình, huyện duy nhất của cả nước đến nay đã 3 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng, liên tục là điển hình cả nước về phong trào văn hóa cơ sở mấy chục năm qua. Vừa qua, Hải Hậu còn được Trung ương chọn chỉ đạo thực hiện thí điểm mô hình xây dựng nông thôn mới với 35/35 xã, thị trấn trong huyện cùng tham gia thực hiện. Không chỉ tự hào, Thượng tọa cùng các chức sắc, Tăng Ni trên địa bàn đã và đang có nhiều việc làm thiết thực đóng góp xây dựng, phát triển quê hương. Cách đây chưa lâu, Thầy đã vận động quyên góp ủng hộ nhân dân xóm 12, xã Hải Hà toàn bộ vật liệu để làm một con đường bê tông dài một cây số.

Thượng tọa tâm sự "Nhìn bà con hào hứng đắp đất, đổ vật liệu làm đường, xong việc lại tổ chức liên hoan mừng có đường mới nhà chùa cảm thấy rất vui vì việc làm nhỏ bé của mình đã góp phần khơi gợi, nhân lên tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư”.

Cũng từ nỗi thương cảm với người nghèo, mới đây Thầy còn vận động quyên góp, làm được 2 nhà Đại đoàn kết tặng 2 hộ nghèo trong xã Hải Tây. Chuyện rằng, khi Hội Phụ nữ xã Hải Tây tổ chức quyên góp trong hội viên để xây nhà cho một hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng cố lắm cũng chỉ được một nửa số tiền, số còn lại chẳng biết vận động thêm ở đâu vì khả năng đóng góp của hội viên có hạn. Biết chuyện, Thượng tọa không ngần ngại ủng hộ toàn bộ số tiền còn thiếu…

Cấp ủy, chính quyền và nhân dân các xã nói trên thì luôn nhắc tới công đức của Thượng tọa cho phong trào khuyến học của địa phương. Trong đó phải kể đến việc nhiều năm qua, hàng tháng, Thượng tọa luôn duy trì, ủng hộ 30 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở 3 xã Hải Tây, Hải Đông, Hải Long - nơi Thượng tọa đang làm Phật sự, mỗi em 50 nghìn đồng/tháng để có thêm chi phí học hành. Hàng năm, vào dịp đầu năm mới, Thượng tọa đều xin phép chính quyền địa phương cho tổ chức gặp mặt con em quê hương là sinh viên đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học vừa để trao quà, vừa để khích lệ tinh thần học tập của các em.

Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, quan tâm giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, Thượng tọa Thích Thanh Cần đã và đang góp phần thiết thực làm cho những giá trị nhân văn, cao đẹp của đạo Phật, nhất là tinh thần từ bi, hỷ xả thấm sâu, lan tỏa trong đời sống hôm nay…


Trần Duy Hưng (Đại Đoàn Kết)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nước ngọt về xã đảo ở Giồng Trôm

Gieo mầm thiện 17:54 24/04/2024

Bà con xã đảo Hưng Phong (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre), ngày 23/4 đã nhận được nước ngọt và thùng nhựa từ một hoạt động từ thiện mang tên "Giọt nước nghĩa tình".

Làm điều không ai làm suốt 6 năm, cụ bà tái sinh cuộc đời cho một người dưng

Gieo mầm thiện 14:33 20/04/2024

Dù không phải là máu mủ ruột rà, hơn 6 năm qua, bà Thử vẫn tình nguyện chăm sóc nam bệnh nhân liệt tứ chi tại bệnh viện, đưa anh về nhà chăm lo như con ruột.

Chuyện tử tế: Trụ trì chùa chăm lo cho hơn 1.000 sinh viên nghèo

Gieo mầm thiện 14:25 18/04/2024

Suốt 27 năm qua, Thượng tọa Lý Hùng, trụ trì chùa Pitu Khôsa Răngsây (P.An Cư, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), đã chăm lo việc học cho hơn 1.000 sinh viên nghèo là con em đồng bào Khmer khắp miền Tây.

10 năm 'vác tù và hàng tổng' của ông chủ thư viện làng

Gieo mầm thiện 09:20 15/04/2024

Trong phòng khách nhà mình, năm 2013, Phùng Bá Hưng thành lập Thư viện Dương Liễu, ban đầu chỉ có một bộ bàn ghế và vài giá sách.

Xem thêm