Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 24/08/2022, 16:03 PM

Tiền kiếp – có hay không: Những cách giải thích cần xem xét (III)

Abby Swanson – một cô bé sống ở bang Ohio – chỉ mới bốn tuổi khi em bắt đầu kể chuyện cho mẹ mình vào một đêm nọ sau khi tắm. “Mẹ ơi, hồi mẹ còn bé tí con vẫn thường tắm cho mẹ” cô bé nói.

– “Ồ thật sao?” mẹ cô bé đáp lại.

– “Dạ, mẹ đã khóc” Abby nói

– “Thế ư?” mẹ cô bé hỏi

– “Dạ đúng” Abby kể thêm “Con là bà cố của mẹ”

– “Thế tên con là gì?” mẹ cô bé hỏi em. Chị vẫn còn nhớ tóc mình đã dựng ngược lên khi Abby ngẫm nghĩ câu hỏi và gõ gõ ngón tay vào thành miệng.

– “Lucy …. Ruthie? ….. Ruthie” cuối cùng cô bé nói. Vì đó chính là tên của bà cố Abby nên mẹ cô bé đã cố hỏi em thêm nhiều câu hỏi nhưng Abby không nói gì thêm

Bà cố của Abby đã mất vào năm 1985, chín năm sau trước khi Abby được sinh ra. Bà có 20 đứa cháu và khác với những người khác, mẹ Abby sống gần và rất thân thiết với bà trong suốt tuổi thơ của mình. Họ đã xung khắc với nhau vài lần khi mẹ Abby còn là thiếu nữ nhưng lại rất hòa hợp với nhau khi chị trưởng thành.

Mẹ Abby vẫn thỉnh thoảng nhắc đến ông bà cố trước các con mình nhưng không bao giờ gọi thẳng tên họ và chị đã không nói đến họ trong ít nhất là sáu tháng trước đêm đó. Hơn nữa, bà ngoại Abby sống ở vùng Bờ Tây và không thể là người nói cho Abby biết về bà cố của mình. Sau đó, mẹ cô bé có hỏi lại bà ngoại của Abby để biết chắc chắn có phải bà cố của Abby từng tắm cho mình hay không. Bà ngoại Abby cũng cho biết hồi bé mẹ Abby rất hay khóc mỗi lần được tắm.

Mẹ Abby tin chắc Abby chưa từng nghe đến tên bà cố của mình. Đúng thật là vài ngày sau đó khi chị hỏi cô bé tên bà cố là gì, Abby đã không trả lời được. Abby đã quên tất cả thông tin hay kí ức có trong đầu mình vào tối hôm đó.

Chúng ta không nên bác bỏ toàn bộ hiện tượng này cho đến khi chúng ta đã xem xét kỹ về nó.

Chúng ta không nên bác bỏ toàn bộ hiện tượng này cho đến khi chúng ta đã xem xét kỹ về nó.

Chúng ta nên nhìn nhận thế nào về câu chuyện này? Sau này chúng ta sẽ thấy còn nhiều trường hợp khác rõ rệt hơn nhưng chuyện của Abby là một ví dụ chúng ta có thể sử dụng để làm cơ sở đưa ra lời giải thích cho những trường hợp trẻ thuật lại kí ức về kiếp trước. Chúng tôi tiếp cận những trường hợp này với trí tò mò khoa học. Công việc của chúng tôi là tìm hiểu về hiện tượng này và cố gắng đưa ra được lời giải thích thỏa đáng nhất trong từng trường hợp. Đặc biệt, lúc nào chúng tôi cũng để ý đến câu hỏi liệu một trường hợp nào đó có phải là ví dụ điển hình cho một sự kiện siêu nhiên – một sự kiện nằm ngoài phạm vi giải thích của khoa học đương thời – hay không và về nhiều mặt thì đây chính là câu hỏi quan trọng nhất trong quá trình nghiên cứu của chúng tôi. Câu hỏi này thường không thể trả lời được. Một đứa trẻ có thể khẳng định mình nhớ được kiếp trước nhưng lại không cho biết bất cứ thông tin nào về cuộc đời đó. Trong những trường hợp như thế, chúng ta không thể nói trẻ là hiện thân kiếp này của người các em nói mình nhớ được. Nhưng cùng lúc đó, chúng ta cũng không thể khẳng định chắc chắn những câu nói của trẻ là sai, thậm chí cả khi không có bằng chứng nào hỗ trợ cho chúng.

Chúng tôi tiếp cận từng trường hợp với mong muốn tìm hiểu được nhiều nhất về chúng. Chúng tôi không tiếp cận một trường hợp với quan điểm định sẵn. Chúng tôi xét đến bất cứ khả năng nào, bao gồm cả khả năng có một mối liên hệ thần bí nào đó giữa đứa trẻ với người đã chết và khả năng mối liên hệ đó không tồn tại.

Thái độ này rất cần thiết trong các cuộc điều tra khoa học, nó khác với thái cực cuồng tín hoặc nghi ngờ. Mặc dù nhiều người trong giới khoa học có thể có những quan điểm giáo điều như một tí đồ cuồng tín nhưng những nhận định dựa trên niềm tin không thể là cơ sở cho một cuộc điều tra khoa học đúng đắn.

Chính vì thế, chúng tôi sẵn sang xem xét bất cứ khả năng nào. Như vậy có nghĩa là khi một đứa trẻ nói rằng mình nhớ được kiếp trước, có thể em đang nói sự thật. Nhưng cũng có thể em chỉ đang tưởng tượng hoặc người lớn đã diễn giải sai những câu nói của em. Chúng tôi đang cố gắng xác định xem khả năng nào dễ xảy ra hơn. Mặc dù đây là thai độ của chúng tôi, nhưng trong cuốn sách này không phải lúc nào tôi cũng dùng từ “được cho là” hay “nói là” khi nói về kí ức kiếp trước của trẻ. Điều này có thể gây phiền toái và khó chịu cho cả tác giả lẫn người đọc và không cần thiết vì tôi đã giải thích rõ phương pháp tiếp cận của chúng tôi trong các trường hợp. Tôi cũng có thể đặt cụm từ “kí ức kiếp trước” vào dấu trích dẫn mỗi lần sử dụng nó làm thế cũng sẽ dẫn đến cảm giác khó chịu.

Đôi lúc tôi sẽ phân tích xem nếu trẻ đúng là đang nhớ về kiếp trước thì có thể rút ra kết luận gì từ một trường hợp. Mặc dù điều này không có nghĩa là tôi cho rằng kí ức của trẻ là kí ức của kiếp trước, tôi không muốn chúng ta tránh bàn tới những điều làm gợi trí tò mò chỉ vì chúng ta chưa tìm được bằng chứng cho bất cứ khả năng nào.

Còn về phần các cách giải thích khả dĩ, chúng tôi thấy có hai loại cơ bản. Những trường hợp này hoặ là có những nguyên nhân tự nhiên, hoặc là được gây ra bởi một hiện tượng siêu nhiên. Danh sách dưới đây bao gồm một số cách giải thích khác nhau mà chúng ta cần xem xét.

Các cách giải thích bằng hiện tượng tự nhiên

Nói dối

Điều nay nghĩa là mẹ của Abby đã cố tình nói dối với chúng tôi về chuyện đã xảy ra. Về lý thuyết, khả năng này có thể xảy ra. Khi chúng tôi gặp cô bé hai năm sau đó, Abby không nhớ được đêm ấy và không hề có một nhân chứng nào khác để khẳng định câu chuyện mẹ cô bé kể là đúng. Một người có thể đã bịa ra một câu chuyện nếu họ có lý do, chính vì thế chúng tôi chỉ ghi lại những trường hợp trong đó chúng tôi đã đích than phỏng vấn gia đình của trẻ. Khi phỏng vấn, chúng tôi đều tìm cách nhận định xem lời nói của họ đáng tin đến mức nào.

Vấn đề với cách giải thích này là trong hầu hết các trường hợp, gia đình trẻ tuyệt nhiên không có lý do nào để bịa chuyện. Mẹ của Abby cũng vậy. Điều duy nhất chị thu được từ việc lien lạc với chúng tôi là phải đón vào nhà một nhà tâm thần học và một nhà tâm lý học đặt rất nhiều câu hỏi, vì thế, trừ khi chị muốn thu hút sự chú ý của hai người lạ, chị không có động cơ nào để nói dối chúng tôi. Chị tin vào hiện tượng đầu thai nhưng chồng chị thì không. Anh dường như không mấy vui vẻ khi thấy chúng tôi trong nhà mình, vì vậy chắc hẳn sự không hài long của anh là một lý do khác khiến chị càng ít có khả năng bịa chuyện. Tương tự như vậy, những người liên quan trong những trường hợp ở các nước khác không thu được lợi ích vật chất nào.

Hơn nữa, trường hợp của Abby khá khác thường vì chỉ có một nhân chứng duy nhất. Trong nhiều trường hợp khác, có rất đông người thân và bạn bè đã nghe trẻ kể chuyện về cuộc sống kiếp trước và sau này, một số người thuộc gia đình của người tiền kiếp cũng được nghe trẻ nói. Nếu là lừa đảo thật thì họ đã phải cùng thông đồng với nhau và mặc dù chuyện này có thể khiến các gia đình nổi tiếng trong một thời gian ngắn, việc tất cả những người tham gia vào một kế hoạch tỉ mỉ như vậy không thu được lợi ích gì càng khiến khả năng này ít xảy ra.

Một khả năng khác là chính những người điều tra đã bịa chuyện. Chúng tôi biết mình đã gặp những đứa trẻ này, nhưng các bạn thì không. Tuy vậy, các tập biên bản chất đầy trong các tủ hồ sơ trong văn phòng làm việc của chúng tôi chứng thực rằng các cuộc phỏng vấn đã thực sự diễn ra. Thêm vào đó, bất cứ ai đã đọc các bài thường thuật về các trường hợp của Tiến sĩ Stevenson, trong đó ông đã nêu bật các điểm yếu cũng như điểm mạnh của từng trường hợp, đều sẽ hiểu rằng ông không hề bịa chuyện, thậm chí cả khi ông đã nhầm về tầm quan trọng của nhiều trường hợp. Một sự thật khác giúp bác bỏ khả năng này là việc sáu người chúng tôi đều đã được đăng bài về các trường hợp như vậy, vì thế kế hoạch lừa gạt sẽ phải có sự tham gia của một số chuyên gia chưa hề cho thấy dấu hiệu không thành thực nào trong các bài viết của mình.

Tưởng tượng

Trong khả năng này, Abby đã tưởng tượng ra một câu chuyện khi cô bé nói mình nhớ đã từng tắm cho mẹ của mình. Chúng tôi cần xem xét khả năng này trong những trường hợp các câu nói của trẻ không thể thẩm định được, nghĩa là những trường hợp chưa được giải quyết. Trong nhiều trường hợp ở Mỹ, các em đã kể rất nhiều về thời gian các em số trong kiếp trước, nhưng vì các em không đưa ra bất cứ cái tên nào nên không thể kiểm tra được các câu nói của các em là đúng hay sai. Chúng ta có thể chỉ rằng việc một đứa trẻ còn nhỏ tưởng tượng như vậy thật kỳ lạ, đặc biệt là nếu bố mẹ các em không tin vào sự đầu thai và còn kỳ lạ hơn nếu đứa trẻ bị cuốn hút vào các câu chuyện của mình, nhưng trừ khi trẻ nói ra những câu có thể thẩm tra được là chính xác, chúng tôi không thể loại trừ khỉa năng tưởng tượng.

Dĩ nhiên là nhiều em trong số này, bao gồm cả Abby, đã nói ra được những điều các em không thể nào biết được thông qua những cách thông thường. Khi đó, chúng tôi xét them đến khả năng tình cờ. Trong trường hợp của Abby, điều này có nghĩa là cô bé chỉ hoàn toàn tình cờ mà nói ra được tên của bà cố của mình. Đúng là cô bé đã phải đoán hai lần mới nói được đúng tên, thế nên cơ hội nói đúng của em được tăng gấp đôi. Nhưng khi xét đến tất cả những cái tên cô bé đã có thể nói ra thì thậm chí cả cơ hội gấp đôi cũng không thể khiến xác suất đoán đúng tăng thêm được nhiều.

Những người ủng hộ giả thiết tình cờ có lẽ sẽ nói: “Đừng vội như vậy!” Họ lập luận rằng trừ khi chúng ta xem xét số lần thử cần thiết để tạo ra được một trường hợp, nếu không sẽ bị lầm lẫn về xác suất nó không xảy ra. Trong trường hợp này, giả thiết cho rằng có thể Abby đã đoán đúng được tên bà cố của mình nghe thật khó tin, nhưng lý do khiến chúng tôi biết được trường hợp này chính là vì Abby đã nói đúng tên. Việc với xác suất một trong một triệu mà vẫn có người đoán đúng chỉ đáng ngạc nhiên khi bạn không biết rằng một triệu người khác cũng đoán cùng lúc với người đoán trúng. Chẳng hạn bạn có thể thấy rất bất ngờ khi nghe tin ai đó trúng xổ số, vì xác suất trúng rất nhỏ, nhưng hàng tuần đều có người trúng là vì có rất nhiều người đang chơi. Nếu xác suất trúng là một trong 20.000.000 và có hơn 20.000.000 người chơi thì chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy ai đó trúng xổ số.

Xác suất đoán đúng tên rõ ràng là lớn hơn thế vì số các tên chỉ lên đến hàng trăm chứ không phải hàng triệu, nhưng lập luận này có một lỗ hổng lớn. Hàng trăm đứa trẻ ở Mỹ đã nói với bố mẹ mình rằng các em chính là bà cố của họ nhưng gia đình duy nhất liên lạc với chúng tôi là gia đình Abby vì những đứa trẻ khác không nói ra được đúng tên. Điều này có thể đang xảy ra ở trên khắp nước Mỹ nhưng khả năng đó nghe có vẻ thật phi lý.

Ngoài ra, còn có trường hợp của Suzanne Ghanem mà tôi đã đề cập đến trong Chương 1. Cô bé đã nói đúng tên của 25 người từ cuộc sống kiếp trước và mối quan hệ của họ với người tiền kiếp và chỉ có một lần cô bé nói sai tên. Khả năng cô bé chỉ do tình cờ mà đoán được đúng tên của từng người ấy gần như là bằng không trừ khi chúng ta nghĩ theo chiều hướng rằng có hàng triệu đứa trẻ khác cũng nói ra 25 cái tên riêng khi kể về cuộc sống kiếp trước cho bố mẹ mình và Suzanne chỉ ngẫu nhiên là người may mắn đoán đúng.

Những trường hợp với tên riêng này làm cho lập luận về sự ngẫu nhiên nghe càng không hợp lý, nhưng một số trường hợp rõ ràng là do tình cờ. Nếu một đứa trẻ nói ra những câu chung chung về một người nào đó nhưng không chỉ rõ địa điểm thì số người giống với những lời trẻ kể sẽ rất nhiều và người ta có thể sẽ tìm được một người đã chết nào đó có cuộc đời trùng hợp với những lời của trẻ do tình cờ. Thậm chí cả khi trẻ có nói ra địa điểm thì sự tình cờ vẫn có thể là một khả năng nếu trẻ chỉ cho biết một số ít các chi tiết. Nếu một đứa trẻ nói: “Con là một người đàn ông chết đi ở bang California”, thì rõ ràng là sẽ có rất nhiều người trùng hợp với lời miêu tả đó.

Như chúng ta sẽ được thấy ở phần sau, những trường hợp được nêu ra trong sách có nhiều chi tiết hơn rất nhiều.

Những thông tin biết được bằng các cách thông thường

Với cách giải thích này, trẻ đã biết được các thông tin về cuộc đời người đó bằng những cách thông thường nhưng chỉ đơn giản đã quên mất mình lấy thông tin đó từ nguồn nào. Vì thế, trong trường hợp của Abby, điều này có nghĩa là cô bé đã từng nghe tên bà cố của mình và sau đó quên mất lúc nào. Nhưng mẹ cô bé quả quyết rằng Abby chưa từng nghe tên bà cố của mình và em còn quá nhỏ để có thể đọc được nó trong bất cứ sổ sách nào của gia đình. Việc em biết tên bà cố của mình, một người đã chết từ chín năm trước khi em ra đời đúng là khó tin. Hầu hết các em bé bốn tuổi không biết tên của những người bà cố đã mất của mình và thậm chí nhiều người lớn trong chúng ta cũng không biết.

So với những trường hợp người tiền kiếp là người lạ, khả năng trẻ biết được các thông tin bằng những cách thông thường là nhỏ hơn trường hợp của Abby, bởi Abby và người tiền kiếp cùng thuộc một gia đình. Rất khó để dám chắc rằng trẻ chưa từng vô tình nghe được điều gì về người đó. Thậm chí cho dù Abby đã nghe tên bà cố mình một lúc nào đó, điều này cũng không giải thích được vì sao sau này cô bé lại nghĩ mình chính là bà cố và vì sao cô bé lại có kí ức về việc từng tắm cho mẹ mình. Chúng ta biết rằng trẻ nhỏ vẫn hay tưởng tượng nhưng đó sẽ là một trò đánh lừa không bình thường.

Quan trọng hơn, chúng tôi phải giải thích những trường hợp trong đó trẻ đã cho biết rất nhiều thông tin chi tiết về những người đã chết sống cách đó rất xa. Thường thì trong những trường hợp này, trẻ dường như không thể nào biết được các thông tin đó từ nguồn khác. Thêm vào đó, chúng tôi còn phải cố nghĩ xem điều gì đã khiến các em nghĩ rằng mình chính là những người đó trong kiếp trước.

Trong trường hợp của Abby, khả năng này tuy không lớn nhưng vẫn có cơ hội xảy ra vì cô bé có thể nghe được tên bà cố của mình trong một lần nào đó, dù mẹ cô bé tin chắc không phải như thế, nhưng trong nhiều trường hợp khác nó hầu như không thể xảy ra.

Trí nhớ sai của những người cung cấp thông tin

Có thể mẹ Abby đã nhớ không chính xác về cuộc nói chuyện với Abby vào tối hôm đó. Một lập luận bác bỏ điều này là sự thật rằng trong lúc chờ nghe Abby trả lời câu hỏi về tên của bà cố, mẹ cô bé biết rõ tính chất quan trọng của nó. Đây không phải là một sự việc diễn ra bất ngờ trong đó cô bé bị thúc giục phải trả lời, trong những tình thế như vậy có thể có điểm không chính xác. Mẹ cô bé đã chờ đợi trong hồi hộp để xem Abby có thể đưa ra một bằng chứng khẳng định cho lời cô bé vừa nói về kiếp trước hay không, điều này khiến cơ hội chị nhớ chính xác về sự kiện đó lại càng cao.

Khả năng người cung cấp thông tin nhớ sai là cách giải thích theo nguyên nhân bình thường khả dĩ nhất trong nhiều trường hợp vì thông thường chúng tôi chỉ biết về các trường hợp ở Châu Á sau khi chúng đã xảy ra. Chúng tôi đã phát hiện được nhiều trường hợp trong đó gia đình trẻ tường thuật lại như sau: Đứa trẻ cho biết một số thông tin chi tiết về cuộc đời kiếp trước, bao gồm cả tên ngôi làng người tiền kiếp đã sống. Sau đó họ đi cùng trẻ đến ngôi làng, ở đó trẻ đã nhận ra được những người trong gia đình của người tiền kiếp hoặc những đồ vật thuộc về người đó. Trong một số trường hợp, trẻ còn có thể cho biết một đặc điểm về một người hoặc nơi cất dấu một đồ vật mà chỉ có một hoặc hai người khác biết.

Những người hoài nghi cho rằng những gia đình này chắc hẳn đã nhớ không chính xác. Họ đưa lập luận như sau: Một đứa trẻ sống trong một nền văn hóa tin vào hiện tượng đầu thai tưởng tượng rằng mình có kiếp trước và nói cho gia đình mình biết về điều này. Bố mẹ trẻ, với lòng háo hức muốn khẳng định kiếp trước đó là thật, đã tìm một gia đình khác có một người đã chết và có cuộc đời trùng hợp ở một vài điểm với những lời trẻ kể. Sau đó hai gia đình gặp nhau và chia sẻ thông tin. Họ tin rằng người quá cố đó đã được tái sinh và họ kể cho người khác về điều đó. Khi một nhà nghiên cứu đến để điều tra về câu chuyện này, cả hai gia đình đều quy rằng đứa trẻ đã nói ra nhiều chi tiết về người đã mất hơn sự thật.

Khả năng này tồn tại vì những người liên quan trong làng thường không ghi lại những lời trẻ đã nói và những người điều tra chỉ biết được về một trường hợp sau khi hai gia đình đã gặp mặt. Một số trường hợp ngoại lệ đã được ghi lại; chẳng hạn như trường hợp của Bishen Chand Kapoor ở Ấn Độ. Người điều tra ban đầu đã ghi lại những gì cậu bé nói trước khi trường hợp đó được giải quyết. Những lời của cậu bé bao gồm tên của bố người tiền kiếp (mặc dù em gọi người này là chú), tầng lớp của người đó, thành phố nơi người đó đã sống (cách nhà em 50 km), người đó không kết hôn, đã từng đi học ở trường Gorvernment High Shool gần một dòng song đến năm lớp sáu, biết tiếng Urdu, tiếng Hindi và tiếng Anh. Cậu bé còn miêu tả ngôi nhà của người đó là một tòa nhà hai tầng có một điện thờ và các phòng riêng chon am và nữ. Em cũng nhắc đến việc người đó thích uống rượu, ăn cá rohu, thích các cô vũ nữ và cả tên của một người hàng xóm – Sunder Lal – một người có căn nhà có cổng màu xanh. Tất cả những câu này đều đúng nhưng cậu bé lại nói sai tuổi của người tiền kiếp ở vào thời điểm người đó mất (cậu bé nói là 20 trong khi người đó chết ở tuổi 32) và sai tên của khu phố trong thành phố nơi anh ta đã sống. Khi được đưa tới thành phố này, cậu bé đã chỉ ra được người tiền kiếp và bố của anh ta trong một bức ảnh cũ và cũng nhận ra được bảy nơi ở đó. Em thậm chí còn có thể chỉ ra được căn phòng nơi bố người tiền kiếp đã giấu một vài đồng xu vàng và người ta chỉ tìm được những đồng xu này sau khi cậu bé nói ra chỗ của chúng.

Tất cả có hơn 30 trường hợp trong đó người ta có ghi chép lại các sự kiện xảy ra trước khi xác định được danh tính người kiếp trước và chúng tôi sẽ phân tích một số trường hợp này trong những chương tiếp theo. Con số này chỉ bằng khoảng 1% của 2500 trường hợp đã thu thập được. Liệu khả năng trí nhớ có vấn đề có nghĩa là chúng ta nên bỏ qua 99% các trường hợp khác hay không?

Như tôi đã nói ở trên, chúng tôi biết trí nhớ con người cũng có lúc sai lầm nhưng điều đó không có nghĩa là nó không có giá trị gì. Ngược lại, chúng tôi đánh giá rất cao giá trị của trí nhớ trong nhiều trường hợp. Một vài đặc điểm của những trường hợp này đòi hỏi chúng tôi phải làm như vậy. Những đứa trẻ này thường không chỉ kể một lần về kiếp trước cho bố mẹ mình nghe như Abby, mà lặp lại những câu nói của mình nhiều lần. Đôi khi bố mẹ các em phải đưa con mình đến nơi của người tiền kiếp do quá mệt mỏi trước đòi hỏi được đến đó liên tục của các em.

Trong nhiều trường hợp, rất nhiều nhân chứng đã nghe trẻ nói về cuộc sống tiền kiếp trước khi hai gia đình gặp mặt vì các em rõ ràng đã thuật lại kí ức của mình trong vòng vài năm. Sẽ phải có một số người có trí nhớ sai về những lời nói của trẻ để khả năng người cung cấp thông tin nhớ nhầm này trở thành sự thật.

Chúng tôi cũng phải lưu ý rằng trong trường hợp trẻ và người tiền kiếp là hai người xa lạ, đứa trẻ phải cung cấp đủ thông tin để bố mẹ mình tìm được một gia đình có một người thân đã mất và có cuộc đời trùng khớp với những câu nói của trẻ. Những thông tin này thường phải là tên của người hoặc vật hoặc một số lượng lớn các thông tin chi tiết. Thậm chí cả khi người thân của trẻ có nhớ sai về những câu trẻ nói trước khi hai gia đình gặp mặt, những câu nói đó vẫn bao gồm một số chi tiết rất đặc biệt.

Có những trường hợp khác hầu như không thể áp dụng được giả thiết trí nhớ sai: Chẳng hạn như những trường hợp trong đó người ta đã ghi lại các câu nói của trẻ trước khi hai gia đình gặp mặt. Hay là các trường hợp có bớt và dị tật, trong đó các biên bản khám nghiệm tử thi đã khẳng định rằng trẻ được sinh ra với một vết bớt hoặc dị tật tương ứng với một vết thương người tiền kiếp đã phải chịu, rõ ràng không thể giải thích được bằng cách giải thích trí nhớ sai.

Thậm chí cho dù không có những đặc điểm trên, các trường hợp của chúng tôi còn có những yếu tố khác cần phải chú ý đến. Niềm mong mỏi mạnh mẽ được trở về với gia đình trước kia, cơn ám ảnh kéo dài liên quan đến cách người tiền kiếp chết, những sở thích khác thường đều có thể hiện diện trong những trường hợp này và chúng không phụ thuộc vào trí nhớ của những người trong gia đình trẻ về một số câu nói nhất định. Vì trường hợp của Abby không có bất cứ đặc điểm nào nói trên, khả năng những người cung cấp thông tin nói sai dễ xảy ra hơn ở đây so với nhiều trường hợp khác. Nhưng về một mặt khác, trường hợp của Abby, cùng với hàng tá các trường hợp tương tự khác ở Mỹ, cho thấy trẻ em có thể nói về cuộc sống kiếp trước cả ở trong những nền văn hóa không tin vào sự đầu thai. Điều này đi ngược lại với tiền đề của giả thiết trí nhớ sai là các nền văn hóa Châu Á đã góp phần tạo nên các hiện tượng này vì niềm tin mạnh mẽ vào tái sinh. Mặc dù cần phải xét đến khả năng niềm tin vào sự đầu thai của mẹ Abby đã ảnh hưởng đến cô bé, chúng ta vẫn còn câu hỏi điều gì làm những đứa trẻ ở Mỹ – nhiều em trong số đó có bố mẹ không tin có hiện tượng đầu thai – nghĩ rằng mình đã được tái sinh trở lại. Và chúng ta nên nhìn nhận thế nào về sự thật rằng Abby không chỉ nghĩ mình đã được đầu thai mà còn biết được những thông tin về cuộc sống kiếp trước?

Nếu cho rằng mẹ Abby đã nhớ nhầm, chúng ta sẽ phải tự đặt giả thiết các gia đình trong các trường hợp tương tự khác ở Mỹ cũng có trí nhớ sai. Gần đây tôi có trao đổi thư từ với một người mẹ, đứa con gái hai tuổi rưỡi của chị đã nói với chị vào một hôm rằng: “Mẹ là mẹ của con. Mẹ là mẹ của con, Debbie”. Người mẹ này không nhớ đã từng nhắc đến mẹ của chị, vốn đã mất từ 25 năm trước, với đứa con gái mới biết đi của mình và chắc chắn là không phải bằng tên của bà.

Trong một trường hợp khác, một em bé gái, khi chỉ mới hơn hai tuổi rưỡi, đã nói với mẹ mình: “Bà là bà của cháu đây và bà không đi được”. Gia đình cô bé kể rằng chưa từng nói cho em biết về chuyện bà của em không bước đi được do bị liệt. Trong trường hợp thứ tư, một em bé gái ba tuổi đã nói một vài lần rằng mình chính là bà cố, bào gồm cả lần cô bé nói với người bà được nhận nuôi từ năm ba tuổi của mình rằng: “Con cũng bé như mẹ bây giờ và con đã đến sống với mẹ trong nhà của mẹ”. Bà cô bé rất sửng sốt, cũng như các nhân chứng trong trường hợp khác. Liệu chúng ta có thể nghĩ rằng tất cả những người đó đều có trí nhớ sai về những câu nói rất đặc biệt này không?

Trí nhớ Gen

Cách giải thích này được đưa vào đây để phần này được trọn vẹn – là cầu nối giữa hai loại giả thiết giải thích, các giả thiết do quá trình tự nhiên và các giả thiết do hiện tượng siêu nhiên vì nó dùng một quá trình “tự nhiên” nhưng không được chấp nhận trong y học chính thống. Trí nhớ gen là quan điểm cho rằng kiến thức con người đạt được có thể truyền lại cho con cháu qua gen. Thông tin này có thể thay đổi cấu trúc gen trong tế bào của một người như thế nào thì vẫn chưa được biết và hầu hết những người trong giới y học không tin điều này có thể xảy ra. Thậm chí nếu chúng ta chấp nhận rằng sự truyền thông tin qua gen là có, thì khi áp dụng giả thiết giải thích bằng trí nhớ gen, chúng ta cũng không thể giải thích thế nào vì trong nhiều trường hợp trẻ không có quan hệ gì với người tiền kiếp. Một số người có thể nghĩ tất cả chúng ta đều liên quan đến nhau theo một cách nào đó, nhưng khi đó trẻ không những phải có quan hệ mà còn phải là con cháu trực tiếp của người tiền kiếp để tiếp nhận được bất cứ kí ức nào có trong gen của người đó. Đó không phải điều thường gặp trong nhiều trường hợp của chúng tôi, vì thế trí nhớ gen không thể là một cách giải thích hợp lí. Trong trường hợp của Abby, rõ ràng cô bé chính là con cháu trực tiếp của bà cố mình, nhưng vì kí ức về việc tắm cho mẹ cô bé của bà cố chỉ có được sau khi bà đã sinh con nên nó không thể nào có ở trong các gen mà Abby nhận được sau này.

Các cách giải thích bằng hiện tượng siêu nhiên

Vì siêu nhiên nghĩa là một thứ gì đó nằm ngoài phạm vi giải thích của khoa học nên một số độc giả có thể cho rằng tất cả những giả thiết này đều thật phi lý. Những độc giả đó có lẽ không biết về số lượng các nghiên cứu đã được thực hiện trong lĩnh vực cận tâm lý mà tôi không có điều kiện nhắc đến trong cuốn sách này. Nếu coi đầu thai là một cách giải thích khả dĩ cho những trường hợp này thì chúng ta cũng nên xét đến các giả thiết siêu nhiên khác.

Khả năng ngoại cảm (ESP)

Như chính xác tên của nó, khả năng ngoại cảm là khả năng cảm nhận bằng những phương tiện khác các giác quan của cơ thể và người ta đã chỉ ra một số loại. Với khả năng thần giao cách cảm, một người biết được những thông tin có trong đầu người khác bằng những cách siêu nhiên. Trong trường hợp của Abby, điều này nghĩa là cô bé đã đọc được tâm trí của mẹ mình nên mới biết được những thông tin có trong đầu người khác bằng những cách siêu nhiên. Trong trường hợp của Abby, điều này nghĩa là cô bé đã đọc được tâm trí của mẹ mình nên mới biết được tên của bà cố. Một loại khác là thiên nhãn, trong đó một người biết được các thông tin bằng những cách siêu nhiên mà không phải lấy chúng từ trong đầu một người khác. Chẳng hạn, một người có thể nói ra được các đặc điểm của người khác sau khi cầm những vật dụng như chìa khóa xe của họ.

Quan niệm về ngoại cảm cho rằng các cá nhân, thông qua khả năng ngoại cảm của mình, hầu như có thể biết được bất cứ điều gì. Điều này nghĩa là Abby có thể sẽ biết tên bà cố, ngay cả khi mẹ cô bé không biết, miễn là có một người ở nơi nào đó biết tên bà, dù cho lúc đó họ có đang nghĩ đến nó hay không. Hơn nữa, thậm chí cả khi không có người nào đang sống biết cái tên đó thì cô bé vẫn có thể biết được miễn là nó được viết vào đâu đó để cô bé nhìn thấy thông qua thiên nhãn của mình. Quan niệm này cho rằng khả năng ngoại cảm đủ mạnh để giải thích tất các các bằng chứng cho thấy có cuộc sống sau cái chết. Nếu một nhà ngoại cảm nào đó nói với một người rằng dì Suzy đã chết của họ có nói có một hộp đựng đầy tiền được chôn dưới một gốc cây trong vườn sau nhà và sau đó người này đào lên được một cái hộp, thì giả thiết ngoại cảm sẽ giải thích rằng nhà ngoại cảm đó đã biết được thông tin về cái hộp qua thiên nhãn của mình chứ không phải bằng cách nói chuyện với linh hồn dì Suzy.

Một vấn đề với giả thiết này là nó rộng đến mức có thể dùng nó để giải thích bất cứ điều gì. Vì khả năng ngoại cảm có thể là nguyên nhân đứng đằng sau bất cứ điều gì một người nào đó biết, chúng ta không thể bác bỏ giả thiết này thông qua một phép thí nghiệm, nghĩa là cũng không thể chứng minh được nó bằng cách thí nghiệm.

Thậm chí cả khi một người chấp nhận khả năng thần giao cách cảm, thiên nhãn hoặc ngoại cảm, giả thiết này, cũng như nhiều giả thiết về hiện tượng tự nhiên, chỉ có thể giải thích được cho một khía cạnh nào đó của một trường hợp. Nó có thể giải thích được làm cách nào mà Abby lại biết được tên bà cố, nhưng nó không thể chỉ ra được vì sao cô bé lại nghĩ mình chính là bà cố. Cảm giác gần gũi rất mạnh trong nhiều trường hợp không chỉ bắt nguồn từ những kiến thức siêu nhiên, nó là cảm giác rằng mình chính là một người khác. Những điều mà trẻ nói ra về cuộc sống kiếp trước đều xuất phát từ cách nhìn của một người – chính là người tiền kiếp.

Giả thiết ngoại cảm cũng không giải thích được những trường hợp có bớt. Khi xét đến 225 trường hợp trong cuốn Reincarnation and Biology (Đầu thai và sinh học) trong đó trẻ có một vết bớt hoặc một dị tật tương ứng với một vết thương trên cơ thể người tiền kiếp, nếu chúng ta quyết định rằng những câu trẻ nói là do khả năng ngoại cảm thì vẫn cần phải có một cách giải thích hoàn toàn khác cho những vết bớt.

Bên cạnh những vấn đề này còn một sự thật là, với rất hiếm các trường hợp ngoại lệ, những đứa trẻ này không bao giờ cho thấy năng lực siêu nhiên nào. Abby cũng vậy. Các em không phải là những nhà ngoại cảm nhỏ tuổi đang chờ để lớn lên trở thành những chuyên gia ngoại cảm, các em chỉ là những đứa trẻ phát triển một cách bình thường như các bạn cùng lứa của mình.

Trong trường hợp của Abby, cô bé bốn tuổi không có bất cứ năng lực siêu nhiên nào đã nói ra được tên bà cố của mình sau khi kể về một kí ức trong cuộc sống của bà. Cảm giác mình chính là bà cố của cô bé không bắt nguồn từ việc em biết tên của bà. Trái lại, cô bé chỉ cho biết tên sau khi đã cho thấy là mình nhớ được một phần của cuộc đời đó. Điều này làm giả thiết ngoại cảm là một cách giải thích không đủ sức thuyết phục và không trọn vẹn.

Vong nhập

Giả thiết này nghĩa là một linh hồn đã chiếm lấy cơ thể và trí óc của một người nào đó. Khi nghe từ vong nhập, nhiều người hay nghĩ ngay đến chuyện những linh hồn ma quỷ nhập vào cơ thể một người, như trong bộ phim Exorcist (Quỷ ám). Nó cũng bao gồm cả những trường hợp vô hại hơn, ví dụ như linh hồn của một người chết, vì không có thể xác của riêng mình nên mới chiếm lấy cơ thể của một người khác. Điểm khác nhau giữa hiện tượng vong nhập và đầu thai là thời điểm linh hồn nhập vào cơ thể. Nếu linh hồn của người đã chết nhập vào cơ thể mới trước lúc sinh thì sẽ không khác gì hiện tượng đầu thai trừ khi nó đẩy một linh hồn khác ra khỏi cơ thể đó. Theo chúng tôi được biết, có thể các linh hồn đang giành giật cơ thể với nhau từng ngày.

Giả thiết vong nhập rất đáng để xem xét trong những trường hợp khi một người có một sự thay đổi lớn về tính cách, có những kí ức về cuộc sống kiếp trước và mất trí nhớ về những sự kiện đã xảy ra trong cuộc sống hiện tại. Đó không phải là trường hợp của những đứa trẻ này và chắc chắn là không phải trường hợp của Abby. Cô bé dường như chỉ có kí ức mơ hồ trong một thoáng và điều này hoàn toàn khác với việc trí óc và cơ thể cô bé bị chiếm lấy bởi linh hồn bà cố của em. Trong những trường hợp trẻ thuật lại nhiều kí ức và nói ra nhiều câu hơn, người thân của trẻ không cho biết có sự thay đổi lớn nào về tính cách hay các kĩ năng khi trẻ bắt đầu kể những chuyện này. Trái lại, một số đặc điểm của các trường hợp, ví dụ như những nỗi sợ liên quan đến nguyên nhân gây ra cái chết của người tiền kiếp, thường có từ trước khi trẻ bắt đầu kể chuyện về cuộc sống lúc trước.

Sự đầu thai

Giờ chúng ta đi đến giả thiết cuối cùng: sự đầu thai, quan niệm về một người chết đi và được đầu thai lại vào một cơ thể khác. Trong giả thiết này, khi bà cố của Abby chết đi, ý thức của bà vẫn đã không ngừng tồn tại. Ngược lại, nó được tái sinh lại thành một phần ý thức của Abby, và sau này cô bé đã có một số kí ức về cuộc sống kiếp trước.

Giả thiết này phù hợp với những gì Abby nghĩ là cô bé nhớ được: mình đã từng tắm cho mẹ khi mẹ còn nhỏ và mình chính là bà cố. Chỉ có nhiều nhất là hai người có thể nhớ được cả hai việc và một trong hai người đó là Ruthie. Cách giải thích này không cho biết bà đã ở đâu trong những năm ở giữa hay làm thế nào bà lại đầu thai thành Abby, nhưng đúng là nó phù hợp với các đặc điểm của trường hợp này hơn cách giải thích bằng khả năng ngoại cảm và hiện tượng vong nhập.

Giả thiết này không giải thích được vì sao Abby lại có kí ức thoáng qua như vậy. Trong các trường hợp khác, một số đứa trẻ chỉ thỉnh thoảng mới kể về kí ức của mình trong khi một số khác dường như lúc nào cũng có kí ức đó ở trong đầu khi còn bé. Có lẽ chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy trí nhớ của mỗi người khác nhau. Một số người hầu như không nhớ gì về tuổi thơ của mình, trong khi một số khác lại nhớ rất nhiều thông tin. Đôi khi, có những sự việc xảy ra khiến chúng ta nhớ lại một việc mình đã không nghĩ tới trong vòng nhiều năm. Chúng ta cũng có những kí ức từ một thời xa xưa mà đôi khi rất khó nắm bắt. Chúng ta cảm nhận được lờ mờ về chúng và nếu tập trung, cảm giác đó sẽ trở nên mạnh hơn. Điều này cũng tương tự như lúc chúng ta nhớ lại những giấc mơ. Khi mới thức dậy chúng ta nhớ khá rõ ràng giấc mơ nhưng sau đó chúng biến mất, đôi khi gần như là ngay lập tức. Kí ức đã ở đó nhưng đột nhiên nó biến mất. Có vẻ như Abby đã gặp loại kí ức này.

Lẽ dĩ nhiên, việc một đứa trẻ có thể nhớ được một chút gì về cuộc sống kiếp trước nghe đã rất khác thường, vì thế có lẽ chúng ta không nên phàn nàn rằng kí ức đó quá ngắn ngủi. Khi nhìn vào toàn bộ các trường hợp, chúng ta sẽ thấy rằng nhiều trẻ có kí ức tương tự như vậy trong vòng ít nhất vài năm.

Một lợi thế của giả thiết đầu thai là nó giải thích được rất nhiều khía cạnh của các trường hợp. Trẻ có cảm giác gần gũi với người tiền kiếp vì các em chính là người đó trong kiếp trước. Kí ức của trẻ chỉ đơn giản là được truyền lại từ kiếp trước nhờ vào sự tồn tại không ngừng của ý thức. Các vết bớt chính là hiện thân của những vết thương nguy hiểm đến tính mạng người tiền kiếp đến nỗi chúng ảnh hưởng lên cả ý thức khi nó được tái sinh, vậy nên các vết sẹo đó mới được truyền lại cho người kiếp sau.

Một bất lợi của giả thiết này là từ “đầu thai” không cho chúng ta biết được tất cả những điều chúng ta muốn biết. Ý thức đã đi đâu trong khoảng thời gian giữa hai kiếp? Nó nhập vào cơ thể mới vào lúc nào? Vì sao những đứa trẻ này lại có kí ức về kiếp trước trong khi hầu hết mọi người khác không có? Những trường hợp này có cung cấp cho chúng ta một số manh mối để trả lời những câu hỏi này, như chúng ta sẽ được thấy trong các chương sau nhưng sẽ không có câu trả lời chắc chắn nào cả. Và câu hỏi lớn nhất trong số chúng là: Nếu những đứa trẻ này có kiếp trước thật thì điều đó có nghĩa là tất cả chúng ta đều sẽ được đầu thai hay không? Chúng ta chỉ có thể dự đoán về điều này và chúng tôi sẽ làm điều đó ở phần sau của cuốn sách.

Nếu bây giờ chúng ta chấp nhận khả năng rằng trường hợp của Abby chính là một ví dụ của hiện tượng đầu thai, chúng ta cần phải nghĩ xem sẽ rút ra được gì từ điều này. Abby, cũng như hầu hết các đứa trẻ khác, không hề kể về bất cứ trải nghiệm nào giữa hai kiếp, vì thế cô bé không nói bằng cách nào và vì sao mình lại quay lại. Khi tìm hiểu vì sao cô bé lại được đầu thai làm con của mẹ Abby, chúng ta cần nhớ rằng mẹ và bà cố cô bé đã rất gần gũi với nhau. Vì họ có một vài xung khắc trong khoảng thời gian mẹ cô bé vẫn còn niên thiếu nên có thể bà cố của em đã quay lại để hòa giải mâu thuẫn. Mẹ cô bé nói hai người đã hòa giải với nhau khi bà vẫn còn sống, vì thế một khả năng khác hợp lý hơn là bà đã chọn mẹ Abby vì những mặt tích cực trong mối quan hệ của họ.

Trường hợp của Abby hầu như không làm sáng tỏ điều gì về cách nó diễn ra, nếu nó đã xảy ra thật. Chúng ta không biết liệu bà cố của cô bé có chọn được đầu thai làm con của mẹ Abby hay có chọn được tái sinh hay không. Có thể bà không cố tình quay lại mà chỉ bị kéo về phía mẹ của Abby bởi một sợi dây tình cảm tương tự như lực hút từ trường. Chúng ta chỉ có thể suy đoán. Chúng tôi sẽ nghiên cứu những trường hợp trong đó trẻ đã thuật lại những kí ức về những sự kiện xảy ra giữa hai kiếp và chúng ta sẽ xem liệu các trường hợp đó có cung cấp manh mối nào về nguyên nhân thúc đẩy một người quay trở lại với một cặp bố mẹ nhất định nào đó hay không. Bây giờ chúng ta chỉ có thể tạm bằng lòng với nhận thức rằng những trường hợp như của Abby cho thấy những mối quan hệ chúng ta đã có trong một kiếp có thể sẽ tiếp tục đến tận kiếp sau.

Giờ chúng ta hãy nhìn lại trường hợp của Abby với toàn bộ danh sách các loại giả thiết trong đầu. Giả thiết nguyên nhân tự nhiên khả dĩ nhất có lẽ là những người cung cấp, trong trường hợp này là người mẹ, đã nhớ sai. Các cách giải thích khác dường như không hợp lý bằng. Mặc dù rất có thể mẹ của Abby đã bịa chuyện nhưng không có bằng chứng nào cho thấy có sự lừa gạt và cũng không có động cơ rõ ràng nào. Khả năng Abby đã tình cờ đoán được tên bà cố của mình là rất nhỏ. Thậm chí cả khi Abby biêt tên bà cố do đã từng nghe trước đó, điều này vẫn không giải thích được tại sao cô bé lại nghĩ mình chính là bà cố và tại sao cô bé không thể nói lại cái tên cho mẹ mình biết một vài ngày sau đó. Như thế cách giải thích bằng nguyên nhân tự nhiên khả dĩ nhất chỉ có thể là mẹ Abby đã nhớ sai về cuộc nói chuyện giữa mình và con gái, mặc cho sự thật rằng chị hoàn toàn hiểu rõ tính chất quan trọng của câu trả lời của Abby từ trước khi cô bé đưa ra nó, nghĩa là chị dã rất tập trung, thế nên cơ hội chị nhớ chính xác lại càng cao.

Một lý do vì sao chúng tôi nghiêng về giả thiết này chính là cảm giác, “Không thể như thế được, chắc chắn mẹ cô bé đã nhớ nhầm”. Nói theo cách khác, nếu mẹ cô bé đã nhớ chính xác về cuộc hội thoại đó thì chúng ta sẽ gặp rắc rối khi áp dụng các giả thiết nguyên nhân tự nhiên để giải thích hiện tượng này. Điều này nghĩa là chúng ta cần phải xét đến những hiện tượng siêu nhiên. Trong số các khả năng đã nêu, đầu thai là giả thiết khả dĩ hơn cả trong trường hợp này so với khả năng ngoại cảm hay hiện tượng vong nhập.

Có vẻ như giờ chỉ còn lại hai giả thiết là đầu thai và mẹ Abby đã thêm thắt vào câu chuyện, hoặc do cố tình lừa gạt hoặc do nhớ nhầm. Giả thiết nào được chúng tôi cho là cách giải thích tốt nhất? Câu trả lời vào thời điểm này chắc chắn phải là chúng tôi chưa có đủ thông tin. Những người hoài nghi chắc hẳn sẽ nói một cuộc nói chuyện khác thường chẳng chứng tỏ được điều gì và rõ ràng là không đủ để khiến chúng ta phải thay đổi quan điểm về thế giới này. Tuy vậy, chúng ta nên nhớ rằng vấn đề ở đây không chỉ là một cuộc hội thoại. Ngoài trường hợp của Abby, còn rất nhiều trường hợp khác ở Mỹ, trong đó nhiều bậc cha mẹ chưa hề nghĩ đến đầu thai trước khi con họ bắt đầu kể chuyện. Chúng ta cũng phải xét đến hàng trăm trường hợp của những đứa trẻ ở trong các nên văn hóa khác, trong đó một số em có bớt tương ứng với các vết thương trên cơ thể người đã chết, một số em khác biết rất rõ về những người lạ ở cách nhà mình rất xa và các em khác lại mong muốn được trở về gia đình lúc trước hoặc các hành vi khác thường trùng hợp với cuộc sống kiếp trước.

Chúng ta không nên bác bỏ toàn bộ hiện tượng này cho đến khi chúng ta đã xem xét kỹ về nó. Có thể thời điểm này thậm chí vẫn chưa phải là lúc thích hợp để đặt câu hỏi điều gì gây ra hiện tượng này nhưng nó luôn hiện hữu đằng sau mọi khía cạnh của từng trường hợp mà chúng tôi sẽ bàn đến ở phần sau. Vì thế chúng tôi sẽ quay về câu hỏi này mỗi lần tìm hiểu từng trường hợp.

(Còn tiếp)

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Làm thế nào để tiêu trừ tội nạo phá thai?

Tư liệu 15:36 02/11/2024

Trong kinh Phật Thuyết Trường Thọ Diệt Tội Hộ Chư Đồng Tử Đà La Ni có nói rằng, nạo phá thai là một tội sát sinh vô cùng lớn, quả báo cũng rất nặng. Tại sao trong cuốn Hiện Đại Nhân Quả Thực Lục do thầy viết lại không có ví dụ nào về việc này?

Thai nhi thích nghe Kinh Địa Tạng

Tư liệu 15:06 02/11/2024

Một người hàng xóm nói với tôi rằng, con gái bà ấy đang mang thai tám tháng rồi, phản ứng thai nghén rất mạnh. Trong mấy tháng gần đây, thai nhi thường xuyên đấm đá trong bụng, khiến con gái bà ấy rất đau đớn.

Lối sống mang lại hạnh phúc từ triết lý tiết độ trong kinh Trung A Hàm

Tư liệu 08:10 01/11/2024

Phật dạy phải biết tinh tấn tu tập. Để làm được như thế, con người phải biết làm chủ mình trong cuộc sống thông qua tinh thần kỷ luật, mà trong Phật học gọi là Giới. Đó là “những điều răn cấm do Đức Phật chế định cho hàng xuất gia và tại gia để ngăn ngừa tội lỗi của ba nghiệp”.

Chuyện vãng sanh của thân phụ Sư cô Huệ Tâm ở Biên Hòa

Tư liệu 13:20 29/10/2024

Tôi thấy công đức niệm Phật thậm thâm vi diệu. Cha mẹ tôi thuở sanh tiền là một thương gia ở chợ Biên Hòa, công việc rất bận rộn, ông bà chỉ dành ít thời gian để đi chùa, phần lớn là niệm Phật và bố thí. Hơn 60 năm, đêm nào trước khi đi ngủ, ông cũng niệm Phật cho đến khi ngủ quên.

Xem thêm