Tiền thân Đức Phật hiếu thảo với cha mẹ mù
Trong thời quá khứ, Bồ Tát Suvannasàma là tiền thân của Đức Phật Thích Ca, là vị đạo sĩ phụng dưỡng cha mẹ. Cha mẹ ngài đều là hai vị đạo sĩ mù, sống trong khu rừng lớn gần bờ sông Migasammatà.
Vào thời kỳ ấy, đức vua Pìliyakkha trị vì kinh thành Bàrànasì. Đức vua có thú săn nai ăn thịt. Ông một mình ngự vào rừng núi Himavanta và nhìn thấy dấu chân nai trên con đường đi lấy nước uống, nước dùng của đạo sĩ Suvannasàma. Đức vua liền ẩn mình ở một nơi. Rồi ông nhìn thấy Bồ Tát cùng với một đàn nai đi chung quanh trên đường lấy nước trở về vào lúc buổi chiều. Vua giương cung bắn mũi tên có tẩm thuốc độc và vô tình trúng ngay Bồ Tát. Bồ Tát nằm quỵ xuống đau đớn, quằn quại, cất tiếng than vãn thống thiết, dịu dàng. Ngài chỉ nghĩ đến cha mẹ già bị đui mù, sẽ không ai hái trái cây chín, đem nước uống, nước dùng về để phụng dưỡng họ.
Lắng nghe lời than vãn, đức vua nghĩ rằng: "Vị đạo sĩ này, dù bị bắn trúng mũi tên độc đau đớn, quằn quại nhưng lại không có một lời trách móc ta, chỉ nghe lời than vãn dịu dàng, êm ái.". Đức vua liền ngự đến, nhìn thấy Bồ Tát đang đau khổ, làm cho vua cảm động, ân hận trào nước mắt.
Một thiên nữ tên là Bahusundarì, thường trú ở núi Gandhamàdana, đã từng là thân mẫu của Bồ Tát vào kiếp thứ 7 trong quá khứ, vì tình mẹ thương con nên thường nghĩ đến Bồ Tát. Ngày hôm ấy, vị thiên nữ nhìn thấy Bồ Tát đang trong cơn bất tỉnh, xem xét biết rõ mọi việc xảy ra, nghĩ rằng: “Nếu ta không đến nơi ấy để cứu giúp, thì Bồ Tát sẽ chết. Cha mẹ Bồ Tát không có vật thực, nước uống cũng sẽ chết và đức vua Pìliyakkha sẽ ân hận đến nỗi cũng phải băng hà. Nhưng nếu ta đến cứu giúp, yêu cầu đức vua gặp cha mẹ Bồ Tát, dẫn cha mẹ ngài đến cầu nguyện bằng lời chân thật và chính ta cũng cầu nguyện bằng lời chân thật. Thì nhờ những lời chân thật ấy sẽ giúp Bồ Tát thoát khỏi tử thần, đồng thời cha mẹ của Bồ Tát sẽ có đôi mắt sáng trở lại. Còn đức vua sau khi nghe Bồ Tát thuyết pháp, sẽ trở về trị vì đất nước bằng thiện pháp. Lúc băng hà, do thiện nghiệp đã làm sẽ giúp ông được tái sanh lên cõi trời Dục giới.".
Thiên nữ nghĩ vậy rồi liền hiện đến đứng trên hư không nói rằng:
– Tâu đại vương, người nên thay Bồ Tát Sàma phụng dưỡng cha mẹ của Bồ Tát. Như vậy, đại vương sau khi chết, nhờ thiện nghiệp ấy sẽ được tái sanh lên cõi thiên giới.
Nghe lời khuyên của thiên nữ, đức vua liền ngự đến tìm gặp cha mẹ Bồ Tát, kể lại mọi sự việc xảy ra. Cha mẹ Bồ Tát tâu rằng:
– Tâu đại vương, nếu như vậy, xin đại vương từ bi dẫn hai chúng tôi đến tận nơi gặp Suvannasàma.
Cha mẹ Bồ Tát đến nơi, sờ vào thân mình của Suvannasàma, nguyện bằng lời chân thật rằng:
– Sàma thường hành thiện pháp, phụng dưỡng cha mẹ, do lời chân thật này, xin cho chất độc trong thân của Sàma hãy tiêu tan.
Nguyện xong lời chân thật, thân của Bồ Tát có thể bắt đầu cử động. Tiếp theo vị thiên nữ nguyện rằng:
– Tôi trú tại núi Gandhamàdana, trải qua thời gian lâu rồi, không thương yêu ai hơn Sàma con tôi. Do lời chân thật này, xin cho chất độc trong thân của Sàma hãy tiêu tan.
Vừa dứt lời nguyện chân thật của vị thiên nữ, những điều phi thường xảy ra cùng một lúc:
Bồ Tát Suvannasàma bình phục như xưa.
Cha mẹ của Bồ Tát có đôi mắt sáng trở lại.
Mặt trời vừa rạng đông.
Cả 4 người đều có mặt trong am của đạo sĩ, do năng lực của vị thiên nữ.
Khi ấy, Bồ Tát liền thuyết pháp tế độ đức vua rằng:
Này đại vương, người nào biết lo phụng dưỡng cha mẹ bằng thiện pháp, chư thiên hộ trì người ấy.
Người nào biết lo phụng dưỡng cha mẹ bằng thiện pháp, các bậc thiện trí tán dương, ca tụng người ấy trong đời này.
Người nào biết lo phụng dưỡng cha mẹ bằng thiện pháp, người ấy sau khi từ bỏ cuộc đời này, do thiện nghiệp ấy, sẽ tái sanh lên cõi thiên giới hưởng mọi sự an lạc.
Này đại vương, nếu muốn kiếp sau tái sanh lên cõi trời hưởng mọi sự an lạc, thì nên thực hành 10 Pháp vương (Ràjadhamma) như sau:
1. Này đại vương, xin đại vương phụng dưỡng hoàng thái hậu và thái thượng hoàng bằng thiện pháp trong đời này; do thiện pháp ấy cho quả tái sanh lên cõi trời.
2. Này đại vương, xin đại vương có tâm từ bi tế độ hoàng tử, công chúa và hoàng hậu bằng thiện pháp trong đời này, do thiện pháp ấy cho quả tái sanh lên cõi trời.
3. Này đại vương, xin đại vương đối xử với các quan trong triều bằng thiện pháp trong đời này, do thiện pháp ấy cho quả tái sanh lên cõi trời.
4. Này đại vương, xin đại vương có tâm từ bi tế độ voi, ngựa, và quân lính bằng thiện pháp trong đời này, do thiện pháp ấy cho quả tái sanh lên cõi trời.
5. Này đại vương, xin đại vương đối xử với thần dân trong kinh thành và ngoài kinh thành bằng thiện pháp trong đời này, do thiện pháp ấy cho quả tái sanh lên cõi trời.
6. Này đại vương, xin đại vương đối xử với thần dân các vùng xa và biên giới bằng thiện pháp trong đời này, do thiện pháp ấy cho quả tái sanh lên cõi trời.
7. Này đại vương, xin đại vương hộ độ chư sa-môn, bà-la-môn một cách cung kính trong đời này, do thiện pháp ấy cho quả tái sanh lên cõi trời.
8. Này đại vương, xin đại vương có tâm từ, bi đối với đàn thú như: nai, chim,... bằng thiện pháp trong đời này, do thiện pháp ấy cho quả tái sanh lên cõi trời.
9. Này đại vương, xin đại vương thường thực hành thiện pháp trong đời này rồi, chính thiện pháp ấy đem lại sự an lạc trong đời này, nhờ thiện pháp ấy cho quả tái sanh lên cõi trời.
10. Này đại vương, đức vua trời Inda cùng chư thiên, chư phạm thiên hưởng mọi sự an lạc ở cõi trời đều nhờ quả thiện pháp. Vậy xin đại vương chớ nên dễ duôi trong mọi thiện pháp.
Sau đó, Bồ Tát giải thích cho đức vua nghe về 10 Pháp vương như sau:
1. Phụng dưỡng hoàng thái hậu, thái thượng hoàng là đức Vua mỗi ngày đều thức dậy sớm, tự mình đem nước rửa mặt, súc miệng dâng đến hai người, mang vật thực dâng đến hai người.
2. Tế độ hoàng tử, công chúa là đức vua phải dạy dỗ hoàng tử, công chúa tránh xa mọi việc ác, cố gắng làm mọi việc thiện, cho học hành văn võ song toàn, đến khi trưởng thành, tìm nơi xứng đáng cho kết hôn, ban cho của cải, sự nghiệp.
3. Tế độ hoàng hậu là phải tấn phong địa vị xứng đáng, không coi thường, giao cho quyền lớn trong nội cung, ban cho những đồ trang sức.
4. Đối xử với các quan trong triều bằng 4 pháp tế độ:
+ Ban thưởng người đáng ban thưởng.
+ Nói lời đáng yêu mến.
+ Nói điều đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài.
+ Sống hoà mình với các quan, vui cùng hưởng, khổ cùng chịu.
5. Từ, bi tế độ voi, ngựa, quân lính là đối với voi, ngựa già yếu cho nghỉ ngơi, cho ăn uống đầy đủ, chăm nom săn sóc chúng; và những người lính già cho về hưu trí, hưởng tiền trợ cấp hàng tháng cho đến chết.
6. Đối với thần dân trong kinh thành và ngoài kinh thành, không nên áp dụng sưu cao thuế nặng, làm cho thần dân cực khổ.
7. Đối với thần dân các vùng xa và biên giới, khi gặp cảnh hạn hán đói khổ, nên phát chẩn cứu giúp.
8. Hộ trì chư sa-môn, bà-la-môn là nên cúng dường 4 thứ thiết yếu: vật thực, y phục, chỗ ở, thuốc trị bệnh.
9. Đối với các đàn thú như đàn nai, đàn chim,... các loài thú vật có 4 chân, 2 chân... không nên sát hại, nên tôn trọng sanh mạng của muôn loài.
10. Hành thiện pháp, đó là 10 thiện nghiệp: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không nói lời chia rẽ, không nói lời thô tục, không nói lời vô ích, không tham lam, không thù hận, có chánh kiến; hành 10 phước thiện: bố thí, giữ giới, hành thiền, cung kính, phục vụ, hồi hướng công đức, tùy hỷ công đức, nghe pháp, thuyết pháp, chuyển đổi tà kiến thành chánh kiến.
Chư thiên, đức vua trời Đế Thích, chư phạm thiên, hưởng mọi sự an lạc cõi trời, đều do nhờ quả thiện pháp:
+ Dục giới thiện pháp cho quả tái sanh lên cõi trời Dục giới.
+ giới thiện pháp cho quả tái sanh lên cõi trời Sắc giới.
+ Vô sắc giới thiện pháp cho quả tái sanh lên cõi trời Vô sắc giới.
Cuối cùng Bồ Tát khuyên đức vua rằng:
- Này đại vương, vì vậy, xin đại vương chớ nên buông thả trong mọi thiện pháp.
Lắng nghe Bồ Tát thuyết pháp xong, đức vua vô cùng hoan hỷ, phát sanh đức tin trong sạch nơi Bồ Tát, xin thọ trì ngũ giới, rồi xin phép từ giã về cung. Từ đó về sau, vua giữ gìn ngũ giới, nghiêm chỉnh thực hành 10 pháp vương mà Bồ Tát đã dạy, trị vì đất nước bằng thiện pháp cho đến khi băng hà. Sau khi bằng hà, do thiện pháp cho quả tái sanh lên cõi trời hưởng mọi sự an lạc.
Bồ Tát và cha mẹ của ngài thực hành thiền định, chứng đắc các bậc thiền. Sau khi chết, do bậc thiền sở đắc của mình, ngài được quả tái sanh lên cõi Sắc giới Phạm thiên, hưởng sự an lạc và tuổi thọ lâu dài trên cõi trời Sắc giới Phạm thiên ấy.
(Trích từ "Truyện tích Vu Lan Phật Giáo" - Minh Châu, Nguyễn Minh Tiến tổng hợp từ Tam Tạng Thánh Điển Phật Giáo)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Đức Phật: Nơi quy ngưỡng của tâm thức nhân loại
Đức Phật 11:05 28/10/2024Trong muôn vàn những phát biểu trang trọng mà nhân loại trên hành tinh đã dành để bày tỏ lòng kính ngưỡng đối với Đức Phật, có hai nhận định quan trọng nói về cuộc đời giác ngộ của Ngài, có thể giúp chúng ta hiểu lý do vì sao Liên Hiệp Quốc quyết định chọn Vesak làm ngày kỷ niệm và tôn vinh Ngài.
Cuộc đời Tôn giả Mahã Kassapa qua kinh tạng Nikãya
Đức Phật 09:00 11/10/2024Từ khi chào đời cho đến lúc nhập diệt, Ngài luôn sống trong thanh tịnh, hoàn thành chí nguyện xuất gia cũng như lối sống phạm hạnh đầu đà của mình.
Những đức tánh của Phật
Đức Phật 17:40 02/10/2024Luận Nhiếp đại thừa viết: Đức tánh của Phật đà có 7 thứ mà ai niệm Phật cũng phải tưởng niệm những đức tánh ấy.
Bốn loại biện tài của Phật
Đức Phật 11:20 24/09/2024Biện tài của Phật vô ngại, đó là đạt đến cứu cánh viên mãn. Trên Kinh, Phật vì chúng ta giải thích biện tài có 4 loại: Nghĩa, Pháp, Từ vô ngại, Lạc thuyết.
Xem thêm