Thứ tư, 14/12/2016, 22:44 PM

Tìm hiểu về Tịnh độ tông

Tịnh độ tông là pháp môn dựa trên đại nguyện ban đầu của Phật A Di Đà, dùng nguyện lực để tạo ra nghiệp lành, nghiệp lành đó là cõi Tây phương Cực lạc, cõi đó cũng là một thế giới ảo giống như thế gian nhưng thanh tịnh tốt đẹp hơn nhiều. Tiếp theo, những người tu Tịnh độ cũng phải phát đại nguyện cầu vãng sinh, thực hành các hạnh nguyện, các phương pháp tu tập và hồi hướng công đức, nguyện cho tất cả chúng sinh đều được vãng sinh. Chính nguyện lực đó tiếp tục duy trì cõi Tây phương lâu dài mãi mãi không bị tàn lụi, chúng sinh ở cõi đó có điều kiện thuận lợi để tiếp tục tu hành cho tới giác ngộ.

Thời gian qua, tôi thấy số người quan tâm đọc bài “Đức Phật A Di Đà là ai?” chiếm số lượng đông đảo nhất trong một thời gian dài, nên hôm nay tôi xin nghiên cứu thêm về chủ đề này. Nhưng trước hết hãy nghe thầy Duy Lực thuyết về Tịnh độ tông.

Video Clip: Thiền sư Thích Duy Lực giảng  Tu Tịnh độ khi lâm chung có Phật A Di Đà đến rước, có đúng không?

Tịnh độ tông là một pháp môn tu hành của Phật giáo, nhờ vào tha lực để đến bờ giác ngộ. Chúng ta có thể mượn một hình ảnh để hình tượng hóa nỗ lực tu hành của phật tử. Muốn đến bờ giác ngộ bên kia, họ phải bơi qua đại dương mênh mông, lấy hình ảnh Thái Bình Dương chẳng hạn. Người tự lực thì tự mình bơi trong biển lớn, đối diện với rất nhiều nguy cơ: sức lực và ý chí có đủ để vượt biển hay không? Có thể đuối sức bị chìm đắm. Có thể bị bão tố nhấn chìm. Có thể bị rơi vào miệng cá mập.

Còn người nhờ tha lực thì mong cầu lên được chiếc thuyền lớn do Phật A Di Đà làm thuyền trưởng. Tây phương Cực lạc chính là chiếc thuyền đó. Lên được thuyền chưa phải là giác ngộ, chưa phải là đến được bờ bên kia, nhưng tương lai là đảm bảo, không sợ đuối sức, không sợ bị giông bão nhấn chìm, không sợ bị rơi vào miệng cá mập, lâu hay mau cuối cùng rồi cũng đến mà thôi, không còn sợ bị trầm luân nữa. Nhưng không phải chỉ dựa vào tha lực, tu Tịnh độ cũng phải tự mình nỗ lực rất lớn mới mong đạt được kết quả.

Pháp môn Tịnh độ tông cũng có kinh điển riêng bao gồm những kinh luận sau:

1. Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác kinh (2 quyển).
2. Đại Phật A Di Đà kinh (2 quyển).
3. Vô Lượng Thọ kinh (2 quyển).
4. Quán Vô Lượng Thọ kinh (2 quyển).
5. Phật Thuyết A Di Đà kinh (1 quyển).
6. Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ kinh (1 quyển).
7. Cổ Âm Thanh Tán Đà La Ni kinh (1 quyển)
8. Tịnh Độ Vãng Sinh luận do Bồ tát Thế thân trước tác.

Nhưng những kinh luận chủ yếu quan trọng nhất của Tịnh độ tông là: Vô Lượng Thọ kinh, Phật Thuyết A Di Đà kinh, Quán Vô Lượng Thọ kinh và Tịnh Độ Vãng Sinh Luận.

Nguồn gốc kinh điển:

Vô Lượng Thọ kinh: quyển này ngày nay có tên là Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác kinh, do Hạ Liên Cư (1884–1965)pháp danh Từ Tế tổng hợp từ 5 bản dịch sau:

Bản dịch xưa nhất mang tên Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh do Chi Lâu Ca Sấm (Lokakṣema) người nước Đại Nhục Chi dịch từ năm 186 đời Đông Hán (23-220 CN).

Bản dịch thứ hai là Phật Thuyết Chư Phật A Di Đà Tam Da Tam Phật Tát Lâu Phật Đàn Quá Độ Nhân Đạo kinh do Chi Khiêm dịch từ thời Tam Quốc, năm 228 tại nước Ngô. Chi Khiêm cũng là người gốc Đại Nhục Chi, học trò của Chi Lượng, Chi Lượng là học trò của Chi Lâu Ca Sấm.

Bản dịch thứ ba là Vô Lượng Thọ kinh do Khang Tăng Khải người Thiên Trúc dịch năm 252 dưới thời Tào Ngụy, triều vua Tào Phương, tại chùa Bạch Mã, Lạc Dương (triều đại Tào Ngụy do Tào Tháo và con là Tào Phi dựng nên tại nước Ngụy thời Tam Quốc).

Bản dịch thứ tư là Vô Lượng Thọ Như Lai Hội do Bồ Đề Lưu Chí (Bodhiruci) người Nam Thiên Trúc, đến Trường An vào đời Đường, dịch vào năm 706 dưới đời Đường Trung Tông. Bồ Đề Lưu Chí sống rất thọ, tịch năm 727 (đời Đường Huyền Tông) hưởng thọ 166 tuổi. (Nên biết có hai Bodhiruci khác nhau, một người gốc Bắc Thiên Trúc đến Lạc Dương năm 508, người kia gốc Nam Thiên Trúc đến Trường An năm 683 lúc đó đã 123 tuổi, là người dịch kinh này, ông sống thêm tại Trung Quốc 43 năm nữa).

Bản dịch thứ năm là Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh do Pháp Hiền người gốc Tây Vực, đời Triệu Tống, dịch vào năm 980, Triệu Tống là triều đại Nhà Tống (955-1279) do Triệu Khuông Dận sáng lập. Đừng nhầm Pháp Hiền với Pháp Hiển là vị cao tăng đã du hành sang Ấn Độ chiêm bái trong 15 năm (399-414) trước Huyền Trang khoảng hơn 200 năm. (Huyền Trang du hành Ấn Độ 17 năm - 629-646).

Từ đời Đông Hán cho đến đời Tống, kinh Vô Lượng Thọ có tới 12 bản dịch khác nhau, nhưng đến lúc Hạ Liên Cư tổng hợp thì đương thời chỉ còn lưu hành 5 quyển kể trên.

Nội dung của Vô Lượng Thọ kinh là nói về cõi giới Tây phương Cực lạc có những đặc điểm gì.? Xin giới thiệu tóm tắt quyển kinh này:

Tôi nghe như vầy: một thuở nọ, đức Phật ở núi Kỳ Xà Quật nơi thành Vương Xá, cùng với đại thánh chúng Tỳ kheo một vạn hai ngàn vị đã chứng thần thông: Tôn giả Kiều Trần Như, tôn giả Xá Lợi Phất, tôn giả Đại Mục Kiền Liên, tôn giả Ca Diếp, tôn giả A Nan v.v…là những bậc thượng thủ. Lại có các ngài Phổ Hiền Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Di Lặc Bồ Tát và tất cả Bồ Tát trong hiện kiếp đến tập hội. Lại có mười sáu vị Bồ Tát tại gia đều là những bậc thiện thủ. Các vị Bồ Tát này đều tuân theo hạnh nguyện của Phổ Hiền Đại sĩ (2), thực hành vô lượng hạnh nguyện, quyền biến phương tiện, đi khắp mười phương làm các công đức, vào pháp tạng của chư Phật, rốt ráo giải thoát, nguyện chúng sinh ở vô lượng thế giới đồng chứng Phật quả. Rời cung trời Đâu Suất, giáng sinh vào cung vua, bỏ ngôi vị mà xuất gia, khổ hạnh học đạo. 

Rồi kinh trình bày cõi giới Cực lạc của Phật A Di Đà, có hai vị Bồ Tát trợ giúp là Quán Thế Âm và Đại Thế Chí, đoạn này quan trọng nên xin dẫn nguyên văn:

諸佛剎中,皆能示現。譬善幻師,現眾異相。於彼相中,實無可得。此諸菩薩,亦復如是。通諸法性。達眾生相。供養諸佛。開導群生。化現其身。猶如電光。裂魔見網,解諸纏縛。遠超聲聞辟支佛地。入空、無相、無願法門。善立方便,顯示三乘。於此中下,而現滅度。

得無生無滅諸三摩地,及得一切陀羅尼門。隨時悟入華嚴三昧。具足總持百千三昧。住深禪定。悉睹無量諸佛。於一念頃,遍游一切佛土。得佛辯才,住普賢 行。

善能分別眾生語言。開化顯示真實之際。超過世間諸所有法。心常諦住度世之道。於一切萬物,隨意自在。為諸庶類作不請之友。受持如來甚深法藏。護佛種性常使不絕。興大悲,愍有情。演慈辯,授法眼。杜惡趣,開善門。於諸眾生,視若自己。拯濟負荷,皆度彼岸。悉獲諸佛無量功德。智慧聖明,不可思議。

Dịch nghĩa:

Trong tất cả cõi Phật đều có thể thị hiện. Như nhà ảo thuật biến ra các hình tướng kỳ lạ, nhưng các hình ấy không có thật tướng khả đắc. Các Bồ Tát này cũng như vậy, đã thông hiểu bản chất của các pháp, biết rõ mọi hình tướng của chúng sinh, cúng dường chư Phật, dắt dẫn quần sinh, hóa hiện các thân, mau như ánh chớp. Phá tan lưới tà kiến, thoát dây ràng buộc, vượt xa quả vị Thanh Văn, Bích Chi, chứng nhập ba pháp: Không, vô tướng, vô nguyện. Khéo lập phương tiện hiển thị ba thừa. Đối với hàng trung hạ căn thị hiện có diệt độ.

Chứng đắc vô sinh, vô diệt, các pháp Tam ma địa (Samādhi- Chánh định), được tất cả Đà la ni (dhāraṇī- chân ngôn, thần chú). Tùy thời ngộ nhập Hoa Nghiêm tam muội (Samādhi- chánh định), có đủ trăm ngàn tổng trì (dhāraṇī) tam muội (chân ngôn chánh định), thấy hết vô lượng đức Phật. Trong khoảnh khắc một niệm đi khắp các cõi Phật (1), có biện tài như Phật. Nắm vững hạnh nguyện Phổ Hiền.(2)

Thông hiểu mọi ngôn ngữ của chúng sinh (3), khai hóa hiển thị mối quan hệ chân thật của các pháp (4). Vượt khỏi các pháp chấp có của thế gian. Tâm luôn giữ vững con đường giải thoát chúng sinh. Đối với tất cả vạn vật, tùy ý tự tại (5). Vì chúng sinh mà làm bạn không mời. Tiếp nhận và giữ gìn (thọ trì) kho pháp sâu thẳm của Như Lai (6), bảo vệ hạt giống Phật khiến mãi mãi không dứt. Đề cao đại bi, thương xót hữu tình, diễn giải lòng từ, truyền thụ pháp nhãn, từ bỏ thú vui không lành mạnh, mở cửa lành. Đối với chúng sinh xem như chính mình, đảm đương cứu giúp, đưa qua bờ bên kia (giác ngộ). Thu được hết vô lượng công đức của chư Phật, trí huệ thánh minh không thể nghĩ bàn. 

Trong đoạn chánh văn trên, có những ý rất sâu cần giải thích thêm:

(1) Trong khoảnh khắc một niệm đi khắp các cõi Phật (於一念頃,遍游一切佛土Vu nhất niệm khoảnh, biến du nhất thiết Phật độ). Làm thế nào trong khoảnh khắc một niệm, đi khắp các cõi Phật? Vì tam giới duy tâm, tất cả các cõi giới cũng chỉ là tâm. Đó là Như Lai, đi hay không đi cũng như nhau. Hay nói cách khác, đi bằng tốc độ của ý niệm, chỉ khởi niệm là đến. Hiện tượng rối, vướng víu lượng tử mà Nicolas Gisin và đồng sự tại Đại học Geneva, Thụy Sĩ, thực hiện thí nghiệm năm 2008 cho thấy rõ ràng hạt photon có tính chất giống như thế, gọi là bất định xứ (nonlocal). Hạt photon có thể đồng thời xuất hiện ở vô số vị trí khác nhau, giống như Bồ Tát Quán Thế Âm, có thể đồng thời xuất hiện khắp nơi trong Tam giới để cứu độ chúng sinh.

(2) Hạnh nguyện Phổ Hiền: Trong Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh.

Lúc bấy giờ ngài Phổ Hiền đại Bồ Tát khen ngợi công đức thù thắng của đức Như Lai rồi, bèn bảo các vị Bồ Tát và Thiện Tài rằng:

– Này thiện nam tử! Công đức của Như Lai, giả sử cho tất cả các đức Phật ở mười phương, trải qua số kiếp nhiều như cực vi trần trong vô số cõi Phật, diễn nói không ngừng, cũng không thể trọn hết được. Nếu ai muốn trọn nên công đức của Phật, thời phải tu mười điều hạnh nguyện rộng lớn. Mười điều đó là gì?

"Một là lễ kính các đức Phật; Hai là khen ngợi các đức Như Lai; Ba là rộng sắm đồ cúng dường, bố thí; Bốn là sám hối các nghiệp chướng; Năm là tùy hỷ các công đức; Sáu là thỉnh đức Phật thuyết pháp; Bảy là thỉnh đức Phật ở lại đời; Tám là thường học hỏi theo Phật; Chín là luôn tạo cơ duyên thuận lợi cho chúng sinh biết Phật pháp để tu hành giải thoát; Mười là hồi hướng công đức cho khắp tất cả chúng sinh."

Vậy hạnh nguyện Phổ Hiền là tin tưởng, tinh tấn tu tập, lập nhiều công đức cho mình và hồi hướng cho tất cả chúng sinh đi đến giải thoát.

Để diễn tả khái niệm vô lượng tức không có số lượng, kinh nói nhiều như cực vi trần trong vô số cõi Phật, diễn nói không ngừng, cũng không thể trọn hết được. Còn hiểu theo khoa học, số lượng là ảo nên trong thí nghiệm của Nicolas Gisin năm 2008 tại Geneva, Thụy Sĩ, hạt photon có thể xuất hiện ở hai vị trí khác nhau, cách nhau 18km theo thiết lập của thí nghiệm. Còn trong thí nghiệm của Maria Chekhova và các đồng sự tại Viện Khoa học Ánh sáng Max Planck và Đại học Moscow năm 2012, hạt photon xuất hiện ở 100.000 vị trí khác nhau. Như vậy số lượng vốn là không có thật, tùy ý ta muốn bao nhiêu cũng được.

(3) Thông hiểu mọi ngôn ngữ của chúng sinh. Đó là tha tâm thông, trực tiếp hiểu mọi chúng sinh nghĩ gì, muốn gì bằng chính tâm niệm của họ, không cần thông qua ký hiệu của ngôn ngữ. Phép thần thông này đã được Trương Bảo Thắng biểu diễn hết sức thuyết phục. Anh chưa từng tiếp xúc với máy vi tính, nhưng chỉ cần có một chuyên viên vi tính ngồi bên cạnh, hoàn toàn không có nói năng chỉ dẫn gì cả, anh có thể làm mọi thao tác trên máy thông thạo như chính chuyên viên đó, vì nắm bắt được tâm niệm của anh ta.

(4) Khai hóa hiển thị mối quan hệ chân thật của các pháp (開化顯示真實之際 Khai hóa hiển thị chân thực chi tế). Tôi ngạc nhiên và khâm phục nhà phiên dịch Phạn - Hán nào đã dịch câu này thật hay, rất chuẩn xác. Thế nào là chân thật chi tế (真實之際 mối quan hệ chân thật)? Thuyết Thập nhị nhân duyên của Phật giáo nói rằng các pháp chỉ là mối quan hệ trùng trùng duyên khởi chứ không có thực chất. Tế tức là trường (field). Mối quan hệ chân thật là gì? Cái mà chúng ta cảm thấy là vật chất, vật thể, chỉ là trường, là mối quan hệ giữa các hạt ảo từ cấp độ nhỏ nhất là hạt quark đến hạt proton, neutron, rồi hạt electron. Cái mà chúng ta cảm thấy là nguyên tử, ví dụ Hidrogen và hai đồng vị của nó là Deuterium và Tritium, thực chất chỉ là trường, là mối quan hệ giữa các hạt ảo gọi là các hạt hạ nguyên tử (subatomic particles) và tưởng tượng của người quan sát. Thực chất là không có gì là thật cả, đó chỉ là tánh không của ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Nhưng trong tâm thức của người quan sát, rõ ràng có ba nguyên tử khác nhau:
Hydrogen Deuterium Tritium
Các nhà khoa học lượng tử ngày nay đã nhận ra điều đó, nên họ đã phát triển môn khoa học gọi là Cơ học lượng tử tương quan RQM (Relational Quantum Mechanics) nghiên cứu cái mà kinh Phật gọi là chân thật chi tế đó, và họ kết luận rằng:

Thực tế khách quan không phải là một thực tế tuyệt đối cũng không phải là một thực tế độc lập mà chỉ là một thực tế tương quan.

Thực tế tương quan chính là chân thật chi tế trong kinh điển xưa.

(5) Đối với tất cả vạn vật, tùy ý tự tại (於一切萬物,隨意自在 Vu nhất thiết vạn vật, tùy ý tự tại). Tại sao Bồ Tát có thể tùy ý tự tại? Khi Bồ Tát đã phá hết các tập khí mê lầm thì không còn bị trói buộc bởi nghiệp nữa nên tự do tự tại, có đủ mọi thần thông. Thật ra, vũ trụ vạn vật là ảo, nên tâm niệm có khả năng tạo ra mọi cảnh giới trong nháy mắt vì chúng là ảo, giống như chúng ta có thể xử lý dữ liệu của thế giới tin học bằng một siêu máy tính vô cùng mạnh, mạnh gấp hàng tỷ tỷ lần siêu máy tính mạnh nhất thế giới hiện nay là Thiên hà 2 (Tianhe-2 có thể làm 33,86 triệu tỷ phép tính trong một giây đồng hồ).

Về mặt cơ sở khoa học, có thể nói, chính tập quán cố chấp vô cùng kiên cố của chúng ta đã khiến cho 3 hạt quark bị dính chặt với nhau trong cơ cấu của hạt proton và hạt neutron tạo ra hiện tượng giam hãm (confinement), khiến cho nguyên tử vật chất trở nên kiên cố khó bị phá vỡ. Nhưng đối với Bồ Tát, không còn sự cố chấp đó, nên 3 hạt quark không còn dính chặt mà biến đổi dễ dàng theo tâm niệm của Bồ Tát. Đây chính là cơ sở khoa học để nguyện lực của Phật A Di Đà tạo ra một thế giới Tây phương Cực lạc vô cùng rộng lớn, đủ chỗ cho tất cả chúng sinh của cả Tam giới đến đó cư trú, nếu họ phát nguyện muốn vãng sinh đến đó. Biểu diễn của Trương Bảo Thắng dùng tâm niệm lấy trái táo ra khỏi thùng sắt bị hàn kín, và của Hầu Hi Quý dùng tâm niệm lấy một triệu tiền giấy nhân dân tệ ra khỏi kho bạc ngân hàng có ba lớp cửa sắt khóa chặt, là minh chứng rõ ràng cho triết lý Tam giới duy tâm.

(6) Vì chúng sinh mà làm bạn không mời, tiếp nhận và giữ gìn (thọ trì) kho pháp sâu thẳm của Như Lai 為諸庶類作不請之友。受持如來甚深法藏 Vị chư thứ loại tác bất thỉnh chi hữu, thọ trì Như Lai thậm thâm pháp tạng). Chư thứ loại 諸庶類 là chúng sinh, pháp tạng 法藏 là tâm, hay gọi theo Duy Thức học là A-lại-da thức. Đây chính là nguồn gốc của vũ trụ vạn vật. Phật pháp đã xác định từ lâu rằng vũ trụ vạn vật là ảo, là chiêm bao giữa ban ngày. Vũ trụ là sự phóng hiện của tâm. Nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới hiện nay cũng nêu lên mối hoài nghi rằng vạn vật chỉ là ảo ảnh 3 chiều của kho dữ liệu vô cùng lớn được chứa trong một cái kho vô hình, nó cuốn lại nên không thấy, còn khi trải ra thì thành không gian vũ trụ bốn chiều (3 chiều dài, rộng, sâu và 1 chiều thời gian) ngoài ra còn 6 hay 7 chiều nữa cuốn lại nên không thấy.

Stephen Hawking và Neil Turok nói: “The quantum world is one of virtual particles continually fluctuating in and out of existence, even in a vacuum, of superstrings vibrating and twisting in ten or eleven dimensions, most of which are ‘rolled up’ and invisible, of a reality in which gravitation, spacetime and matter are or were merged in one ‘instanton” (Thế giới lượng tử là thế giới của các hạt ảo không ngừng dao động qua lại giữa hiện hữu và cả hư không, của siêu dây rung động và biến dạng trong 10 hoặc 11 chiều kích, mà phần lớn những chiều kích ấy bị cuốn lên và vô hình_của một thực tại trong đó lực hấp dẫn, thời không, và vật chất, được hoặc đã được kết hợp lại trong ‘sát na hiện tiền’). 6 hay 7 chiều kích bị cuốn lại nên vô hình, đó là những vũ trụ song song, những cõi giới khác, hiện hữu đồng thời, trùng lấn với vũ trụ chúng ta đang sống, nhưng vì không thấy, không cảm nhận được nên tưởng là không có. Có một số nhà ngoại cảm như Phan Thị Bích Hằng tiếp xúc được với vong linh người đã chết, quả thật xác nhận là có những thế giới như vậy.

Cõi trời, cõi địa ngục, cõi tiên, Sắc giới, Vô sắc giới chính là những vũ trụ không nhìn thấy đó. Tây phương Cực lạc cũng là một trong các cõi giới đó. Các Bồ Tát làm công việc cứu vớt chúng sinh chính là người bạn không mời mà đến, chủ động đến để cứu độ các chúng sinh đang sống trong mê muội. Các Bồ Tát nắm giữ và diệu dụng kho pháp của Như Lai, tức là làm chủ A-lại-da thức, tùy cơ ứng biến để cứu độ chúng sinh.

Phật Thuyết A Di Đà kinh

Quyển kinh này vốn nằm trong bản dịch thứ hai Phật Thuyết Chư Phật A Di Đà Tam Da Tam Phật Tát Lâu Phật Đàn Quá Độ Nhân Đạo Kinh của Chi Khiêm. Bản dịch này có hai quyển là Vô Lượng Thọ Kinh và A Di Đà Kinh. Như vậy Phật Thuyết A Di Đà Kinh là bộ kinh được tách riêng ra từ một bản kinh có sẵn.

Nội dung kinh nói: Nơi tịnh xá Kỳ Viên thuộc nước Xá Vệ, đức Thế Tôn tuyên thuyết kinh A Di Đà. Ngài tóm lược giới thiệu về chánh báo trang nghiêm của vị giáo chủ là đức Phật A Di Đà, đồng thời giới thiệu y báo thù thắng của thế giới Cực Lạc. Tất cả những cảnh vật trong thế giới đó như chim, suối, rừng, cây… đều do nguyện lực của Phật A Di Đà biến hiện, chứ không phải do nghiệp báo của chúng sinh tạo ra. Chúng đều có tác dụng khuyến khích hành giả sinh lòng niệm Phật, cầu vãng sinh.

Phương thức tu tập để được vãng sinh Tịnh độ, là chúng sinh cần phải sinh tâm tha thiết chí thành, chuyên tâm niệm danh hiệu của Phật A Di Đà, từ một ngày cho đến bảy ngày, đạt được nhất tâm bất loạn, lúc lâm chung Phật A Di Đà cùng Thánh chúng hiện thân đến tiếp dẫn.

Quán Vô Lượng Thọ kinh

Quán Vô Lượng Thọ kinh (觀無量壽經, sa. Amitāyurdhyāna Sūtra), nội dung trình bày nguồn cội và phương pháp hành trì của pháp môn. Tương truyền rằng, hoàng hậu Vi Đề Hi, mẹ của vua A Xà Thế, bị con mình bắt hạ ngục cùng với chồng là vua Tần Bà Sa La (sa., pi. bimbisāra). Bà nhất tâm cầu nguyện Phật và khi Phật hiện đến, bà xin tái sinh nơi một cõi yên lành hạnh phúc. Phật dùng thần lực cho bà thấy nhiều thế giới trong lành yên tĩnh, cuối cùng bà chọn cõi Cực lạc của A Di Đà. Phật dạy cho bà phép thiền định để được tái sinh nơi cõi đó. Phép thiền định này gồm 16 phép quán tưởng, và tùy theo nghiệp lực của chúng sinh, các phép này có thể giúp tái sinh vào một trong chín cấp bậc của Tịnh độ.

Mười sáu phép quán tưởng đó là:

Một: quán mặt trời lặn日沒想 (nhật một tưởng)
Hai: quán nước 水想 (thủy tưởng)
Ba: quán đất 地想 (địa tưởng)
Bốn: quán cây cối 樹想 (thọ tưởng)
Năm: quán nước tám công đức 八功德水想 (bát công đức thủy tưởng)
Sáu: quán cái nhìn chung về thế giới cực lạc: cây báu, đất báu, ao báu 總觀想 寶樹、寶地、寶池 (tổng quán tưởng: bảo thọ, bảo địa, bảo trì)
Bảy: quán tòa sen 華座想 (hoa tòa tưởng)
Tám: quán tượng 像想 (tượng tưởng)
Chín: quán khắp tất cả sắc thân tướng 遍觀一切色身相 (biến quán nhất thiết sắc thân tướng)
Mười: quán Quán Thế Âm Bồ Tát chân thực sắc thân tướng 觀觀世音菩薩真實色身相
Mười Một: quán Đại Thế Chí sắc thân tướng 觀大勢至色身相
Mười Hai: quán tổng quát rộng khắp 普觀想 (phổ quán tưởng)
Mười Ba: quán nhiều thứ linh tinh khác 雜想 (tạp tưởng)
Mười Bốn: quán ba hạng hóa sinh của bậc thượng căn上品輩生想 (thượng phẩm bối sinh tưởng)
Mười Lăm: quán ba hạng hóa sinh của bậc trung căn中品輩生想 (trung phẩm bối sinh tưởng)
Mười Sáu: quán ba hạng hóa sinh của bậc hạ căn下品輩生想 (hạ phẩm bối sinh tưởng)

Ở đây, tôi không đi sâu vào từng phép quán, mà chỉ chọn một phép quán để làm ví dụ, đó là phép quán thứ nhất, quán mặt trời lặn. Xin trích nguyên văn:

佛告韋提希:『汝及眾生,應當專心繫念一處,想於西方。云何作想?凡作想者,一切眾生,自非生盲,有目之徒,皆見日沒,當起想念。』

Phật nói với Vi Đề Hy: “Bà và chúng sinh, nên chuyên tâm nghĩ tưởng về một chỗ, quán tưởng về tây phương, quán thế nào? phàm làm người quán tưởng, tất cả chúng sinh, nếu không phải là người mù bẩm sinh, là người có mắt, đều thấy mặt trời lặn, lúc đó khởi quán tưởng.”

『正坐西向,諦觀於日欲沒之處,令心堅住,專想不移,見日欲沒,狀如懸鼓。』

“Ngồi thẳng hướng về phía Tây, nhìn chăm chú vào chỗ mặt trời sắp lặn, khiến tâm bám chắc vào đó, chuyên chú quán tưởng không dời đổi, thấy mặt trời sắp lặn, giống như chiếc trống treo.”

『既見日已,閉目開目,皆令明了。』

“Đã thấy mặt trời lặn rồi, nhắm mắt mở mắt, đều thấy sáng hết”

『是為日想,名曰初觀。』

“Đó là quán mặt trời, đặt tên là phép quán thứ nhất”

Các phép quán này giúp hành giả có thể thấy được A Di Đà và hai vị Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí ngay trong đời này và đó là dấu hiệu chắc chắn hành giả sẽ được tái sinh về Tịnh độ.

Các phép quán dựa trên nguyên lý: Tất cả vật cảnh thật ra đều là tâm cảnh. Tất cả vật cảnh, tâm cảnh thật ra là tập khí, là thói quen, là nghiệp. Do đó các phép quán với lòng tin tưởng cao độ là tạo ra một thói quen tâm linh, thói quen đó là nghiệp dẫn tới Tây phương Cực lạc. Luyện tập thói quen tâm linh thuần thục thì sẽ có khả năng như Trương Bảo Thắng và Hầu Hi Quý, có thể dùng tâm niệm điều khiển thân, điều khiển vật. Chẳng hạn Hầu Hi Quý đang đứng dưới đường, trong chớp mắt đã ở trên balcon lầu ba. Không phải nhảy từ dưới đường lên lầu ba, mà biến mất ở nơi này, xuất hiện ở nơi kia, không ai, không một máy móc nào có thể thấy được quá trình di chuyển đó, nó không mất thời gian, giống như photon trong hiện tượng rối lượng tử (quantum entanglement).

Trương Bảo Thắng có thể dùng tâm niệm lấy quả táo khỏi thùng sắt bị hàn kín. Trương Bảo Thắng không dùng thần chú (đà la ni – dhāraṇī) vì khả năng của anh là bẩm sinh, không có thầy dạy, từ nhỏ đến lớn không có học với ai. Còn Hầu Hi Quý có dùng thần chú vì ông có học với thầy là Nga Mi lão nhân. Thần chú chẳng qua là một động lệnh tâm lý. Trong lãnh vực tin học, chúng ta có thể hiểu rõ điều này. Thiết bị tối tân dùng sóng não để điều khiển, chỉ cần khởi ý niệm, máy sẽ thi hành. Còn đối với thiết bị thông thường, phải cần một lệnh cụ thể để điều khiển.

Chẳng hạn, muốn xóa một bài hát trên điện thoại di động, ta có thể dùng lệnh xóa (delete) trực tiếp trên điện thoại, còn muốn có vẻ thần kỳ hơn, ta cho điện thoại kết nối với computer qua wifi, trên computer ta có thể lật các thư mục để tìm đúng bài hát trên điện thoại rồi dùng lệnh delete để xóa đi. Như vậy ta chẳng hề đụng chạm tới điện thoại nhưng vẫn xóa được một bài hát trên đó. Ta cũng có thể mở và xem một video trên điện thoại bằng computer qua wifi. Tương tự chúng ta có thể dùng laptop để điều khiển, vận dụng dữ liệu trên mạng, chúng có thể ở cách xa chúng ta rất xa xôi diệu vợi hàng vạn km.

Tóm lại, lệnh trong tin học tương đương với thần chú trong thần thông hay đặc dị công năng. Thần chú, đó là một động lệnh cụ thể để điều khiển vật bằng tâm niệm. Thế giới đời thường hay thế giới tin học đều là thế giới ảo và có thể điều khiển bằng thần chú hay bằng lệnh. Nhiều người lúc gặp nguy cấp niệm danh hiệu Quán Thế Âm và thấy Ngài đến cứu. Đó là tự tánh Quán Thế Âm có thể đồng thời xuất hiện ở vô lượng vô biên cảnh giới khác nhau, điều này hoàn toàn tương đồng với hiện tượng một hạt photon có thể xuất hiện ở 100.000 vị trí khác nhau trong thí nghiệm của Maria Chekhova và các đồng sự tại Viện Khoa học Ánh sáng Max Planck và Đại học Moscow năm 2012. Thật ra hạt photon có thể xuất hiện ở vô lượng vô biên vị trí khác nhau.

Tịnh Độ Vãng Sinh Luận

Bộ luận này do Thế Thân (Vasubandhu 316-396 CN) luận giải kinh Vô Lượng Thọ và đề xướng ngũ niệm môn để cầu vãng sinh Tịnh độ. Ngũ niệm môn bao gồm:

Lễ bái môn: dùng cách lạy Phật A Di Đà như là một phương pháp tu tập. Lạy tức là tu. Lúc lạy chuyên tâm nghĩ đến Phật A Di Đà.

Tán thán môn: dùng cách khen ngợi, quảng bá Phật A Di Đà và cõi Tây phương Cực lạc như là một phương pháp tu tập, tán thán ca ngợi cũng tức là chuyên tâm nghĩ nhớ đến Phật A Di Đà.

Phát nguyện môn: Phát nguyện cầu vãng Cực lạc như là một cách tu tập, luôn luôn nghĩ nhớ đến cõi Tịnh độ, tiểu phát nguyện là cầu cho mình được vãng sinh, đại phát nguyện là cầu cho tất cả chúng sinh đều được vãng sinh. Đây là một đại nguyện tương ứng với đại nguyện của Phật A Di Dà, nhờ đó mà được vãng sinh. Giống như radio phải bắt đúng tần số của làn sóng điện thì xảy ra hiện tượng cộng hưởng, khuếch đại âm thanh từ đó mới nghe được âm thanh của đài phát thanh.

Quán sát môn: quán chánh báo và y báo trang nghiêm của cõi Cực lạc. Tâm luôn nghĩ nhớ đến những điều thanh tịnh và trang nghiêm tốt đẹp của cõi đó. Chánh báo là các nghiệp lành về nhân thân của hành giả, gồm 13 trạng huống (nên nhớ chánh báo và y báo cũng chỉ là huyễn cảnh chứ chưa phải giác ngộ thực tướng):

1. An lạc vô bệnh.
2. Thọ mạng lâu dài.
3. Thân tướng đẹp đẽ.
4. Không có sự bất bình đẳng về giàu nghèo, sang hèn.
5. Tâm tánh nhu hòa, đạo đức cao thượng.
6. Ðạo tâm kiên cố.
7. Mọi người đều do hóa sinh mà xuất hiện, không phải do thai sinh từ tinh cha trứng mẹ.
8. Không có sự sai khác về nhỏ lớn, già trẻ, mạnh yếu.
9. Luôn thanh tịnh không có ô uế.
10. Tâm trí phóng khoáng, thông đạt.
11. Hết luân hồi trong lục đạo.
12. Ðủ sáu món thần thông.
13. Ðầy đủ huệ nhãn, chánh kiến.

Y báo là 19 cảnh tượng bên ngoài trang nghiêm thanh tịnh của cõi Cực lạc:

1. Cõi đất bằng phẳng, không có hầm hố nguy hiểm
2. Mặt đất do bảy báu tạo thành.
3. Khí hậu ôn hòa, không bao giờ có thiên tai, bão lụt.
4. Lưới báu bủa giăng.
5. Sáu thời mưa hoa.
6. Sen báu đầy dẫy.
7. Hóa Phật thuyết pháp.
8. Cây đạo tràng của Phật.
9. Cây báu phát âm thanh.
10. Muôn vật nghiêm lệ.
11. Không có ba đường dữ.
12. Cung điện trang nghiêm.
13. Quốc độ thanh tịnh, không bao giờ có loạn lạc
14. Hồ tắm trong thơm.
15. Nước hồ lên xuống tùy nguyện.
16. Hương xông ngào ngạt.
17. Thức ăn tinh khiết.
18. Y phục tùy niệm.
19. Chim biết thuyết pháp.

Các chánh báo và y báo kể trên được chắt lọc từ kinh Vô Lượng Thọ. Kinh kể rằng Phật A Di Đà khi còn là Tỳ kheo Pháp Tạng đã phát nguyện kiến lập một thế giới thật trang nghiêm, thanh tịnh nên đã xin với đức Phật Thế Tự Tại thị hiện cho thấy cảnh giới của 210 ức quốc độ của chư Phật để làm mẫu và được đáp ứng. Sau khi đã được thấy, nghe tường tận các cảnh giới ấy, Pháp Tạng đã trải qua 5 kiếp tu hành quán tưởng mới tạo lập được cõi Tây phương Cực lạc như kể trên. 

Hồi hướng môn: tất cả mọi công đức đều xin hồi hướng cho tất cả chúng sinh, cầu cho tất cả đều được vãng sinh.

Kết luận: Tịnh độ tông là pháp môn dựa trên đại nguyện ban đầu của Phật A Di Đà, dùng nguyện lực để tạo ra nghiệp lành, nghiệp lành đó là cõi Tây phương Cực lạc, cõi đó cũng là một thế giới ảo giống như thế gian nhưng thanh tịnh tốt đẹp hơn nhiều. Tiếp theo, những người tu Tịnh độ cũng phải phát đại nguyện cầu vãng sinh, thực hành các hạnh nguyện, các phương pháp tu tập và hồi hướng công đức, nguyện cho tất cả chúng sinh đều được vãng sinh. Chính nguyện lực đó tiếp tục duy trì cõi Tây phương lâu dài mãi mãi không bị tàn lụi, chúng sinh ở cõi đó có điều kiện thuận lợi để tiếp tục tu hành cho tới giác ngộ.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Phật giáo Việt Nam và sự dung hợp tam giáo thời Trần

Nghiên cứu 14:00 30/11/2024

Có thể thấy, Phật giáo - Nho giáo và Đạo giáo đã có sự dung hòa, bổ sung cho nhau để cùng hướng đến xây dựng đời sống tinh thần và đời sống nhân văn cho xã hội.

Ứng dụng triết lý Phật giáo Trúc Lâm trong xây dựng, phát triển đất nước

Nghiên cứu 08:45 25/11/2024

Phật giáo là cuộc sống, không có sự phân biệt bất cứ thành phần nào trong xã hội, Phật giáo chính là quá trình đi tìm chân lý. Chân lý thì không nằm trong Phật giáo mà nằm trong cuộc sống.

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần

Nghiên cứu 09:40 15/11/2024

Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.

Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường

Nghiên cứu 09:45 03/11/2024

Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...

Xem thêm