Ý nghĩa Đại lễ Tam hợp Vesak, tưởng niệm đức Phật đản sinh, Thành đạo và Nhập Niết bàn
Ngày Đại lễ Tam Hợp Vesak mang những ý nghĩa rất sâu sắc, rộng lớn, biểu trưng cho các nguyên lý của Phật giáo, mang lại vô số lợi lạc cho chúng sinh. Cuộc đời của đức Phật và sự hình thành Phật giáo được công nhận là sự kiện quan trọng, mang lại một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại.
Ngày 15 tháng 12 năm 1999, tại Hội nghị lần thứ 54 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, sau khi thảo luận về chương trình nghị sự mục 174 của chương trình, Đại hội đã chính thức công nhận và thừa nhận lễ kỷ niệm ngày Vesak (Lễ Tam Hợp: ngày ra đời, ngày thành đạo và ngày nhập Niết bàn của đức Phật, thời gian tương đương là ngày Trăng tròn của tháng Năm Âm lịch). Ngày này được gọi là Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc nhằm chào mừng lễ hội văn hóa Phật giáo lớn nhất hàng năm.
Vesak là tên gọi tháng thứ 4 trong năm theo lịch cổ Ấn Độ. Từ xa xưa, Đại lễ Vesak được tổ chức tại các quốc gia Phật giáo theo truyền thống Nam truyền, bắt đầu từ Sri Lanka sau đó truyền sang Miến Điện, Thái Lan, Lào và Campuchia… Trong truyền thống của Phật giáo Nam truyền, Vesak được xem là tháng thiêng liêng nhất, bởi theo truyền thống này đức Phật Đản sinh, Thành đạo và Niết Bàn đều vào ngày trăng tròn tháng Vesak.
Chính vì vậy, Lễ Vesak (ngày trăng tròn tháng Vesak) trong truyền thống Phật giáo Nam truyền là ngày Đại Lễ vô cùng quan trọng và được gọi là Lễ Tam Hợp. Trong khi đó, do sử dụng hệ thống lịch riêng, một số quốc gia theo truyền thống Bắc truyền, như Trung Hoa, Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản, thường cử hành Đại lễ kỷ niệm ba ngày trọng đại trên vào ba ngày khác nhau trong năm. Tuy nhiên, từ kỳ Đại hội Phật giáo Thế giới lần thứ VI vào năm 1961, ngày Rằm tháng Tư Âm lịch được xem là ngày Đại lễ Phật đản sinh (Đại lễ Vesak) và được các quốc gia theo truyền thống Phật giáo Bắc tông chấp nhận. Bản chất ba sự kiện quan trọng trong cuộc đời đức Phật được tổ chức trong ngày Đại Lễ Tam Hợp giúp mỗi người phật tử khởi sinh và tăng trưởng niềm tin kính nơi Phật, Pháp, Tăng. Mặc dù vậy, ý nghĩa thực sự của ba sự kiện này cũng giúp nhắc nhở chúng ta về giáo pháp mà đức Phật đã truyền trao và việc thực hành ứng dụng giáo pháp trong đời sống của mình.
Trong Phật giáo, có rất nhiều các nghi thức thực hành khác nhau, ví như các nghi thức cúng dường vật phẩm bên ngoài hương, hoa, đèn, thực phẩm v.v… lên đức Phật. Các nghi thức này đều có những thứ lớp ý nghĩa ẩn phía sau tuy nhiên bản chất thực sự của sự thực hành Phật pháp là ở việc rèn giũa thân tâm. Việc thấu hiểu giáo pháp, trì giữ giới luật thanh tịnh, ứng dụng lời Phật dạy trong đời sống mới là hình thức tôn kính và tưởng niệm chân thực nhất đồng thời mang lại niềm an lạc cho người thực hành và cộng đồng xã hội.
Thực hành giáo pháp giúp Phật pháp không bị thoái thất. Nếu chỉ thực hành các đại lễ tưởng niệm cùng các nghi thức cúng dường các vật phẩm bên ngoài mà không chú trọng tới việc rèn luyện thân tâm thì việc tưởng niệm sẽ không có nhiều ý nghĩa, thậm chí có thể bị hiểu sai lệch giá trị của việc tưởng niệm.
Ý nghĩa Đại Lễ Tam Hợp qua cuộc đời đức Phật
Ba sự kiện đức Phật Đản sinh, Thành đạo và Nhập Niết bàn được tưởng niệm trong cùng một ngày. Mỗi sự kiện có những ý nghĩa độc đáo khác nhau. Sự ra đời của Ngài nhắc nhở chúng ta rằng: Là con người, chúng ta ai ai cũng bắt đầu đời sống một cách bình đẳng như nhau. Tuy nhiên đức Phật đã nỗ lực nuôi dưỡng, rèn luyện những phẩm chất đặc biệt trong đời sống của mình.
Ngài đã không ngừng nỗ lực học hỏi, rèn luyện thân tâm, và nhờ khai mở được trí tuệ, ngài đã trở thành đức Thế Tôn, tức là bậc lãnh tụ tâm linh vĩ đại nhất của thế gian, được khắp cả chư thiên và loài người tôn kính. Đức Phật chia sẻ cho nhân gian vô số những lợi lạc từ sự giác ngộ của mình. Đức Phật khuyến khích mỗi người con đường văn-tư-tu, tức là phải liên tục tư duy, thực hành và cải thiện bản thân để trở thành con người tốt lành và cao quý hơn.
Sự thành đạo của Đức Phật cũng nhắc nhở mỗi người về việc nếu có trí tuệ thấu hiểu vạn pháp cùng nỗ lực không ngừng rèn luyện thân tâm thì chắc chắn sẽ đạt được những kết quả tương ứng. Đức Phật không dừng lại ở sự thành tựu của riêng mình, mà ngài nhận ra tất thảy chúng sinh đều có thể thoát khổ đau, đạt được an lạc, nên ngài đã chia sẻ cho mọi người sự thành tựu của mình để chúng sinh có được niềm an lạc đích thực. Tâm nguyện và công hạnh này đã đưa ngài lên quả vị giác ngộ tối thượng.
Sự hiện diện của đức Phật đã cho phép giáo pháp giải thoát khởi sinh và lan tỏa khắp thế giới. Tâm từ bi và trí tuệ của đức Phật như ngọn hải đăng lan tỏa nguồn ánh sáng đến mọi ngóc ngách của thế giới. Ngài đã dạy về một đời sống thánh thiện mang lại bình an và hạnh phúc cho nhân loại và tất thảy chúng sinh. Hơn nữa, sự thành tựu giác ngộ của ngài cho chúng ta thấy rằng việc đạt được những thành tựu cao quý đòi hỏi nhiều công phu và nỗ lực rất nhiều.
Chính đức Phật đã phải nỗ lực tột cùng khi ngài miên mật hành thiền và nhẫn nại truy tầm thử nghiệm các phương pháp thực hành trong 6 năm ròng rã, một nỗ lực gần như đã lấy đi mạng sống của ngài. Sau khi đạt Đạo, để mang lại ánh sáng giải thoát cho tha nhân, ngài đã phát tâm không quản những thử thách, nguy hiểm đi khắp nơi hoằng dương giáo pháp cho chúng sinh.
Bài học cho mỗi cá nhân là muốn mang lại lợi ích cho cộng động thì trước hết, bản thân phải biết luôn giữ tâm ý, hành động với sự tận tâm, nỗ lực và kiên trì nhẫn nại cho những mục tiêu của mình. Sự kiện đức Phật nhập Niết bàn giúp cho hàng hậu thế chúng ta nhớ về cuộc đời vĩ đại của ngài trong thân tướng con người và cũng thuận thế vô thường như chân lý phổ quát khắp thế gian. Chân lý vô thường mà đức Phật thị hiện và hiển lộcho tất thảy mọi người là mãi chân thực, bất biến và khai mở trí tuệ cho toàn thể nhân loại đạt tới niềm an lạc đích thực.
Ngoài ra, khi còn tại thế đức Phật đã cho phép thiết lập Tăng đoàn để tiếp tục đại diện cho Ngài thực hành, hướng dẫn giáo pháp giải thoát cho nhân loại. Đức Phật khi ấy đã viên mãn các hạnh nguyện của mình khi giáo pháp giải thoát mang lại sự an lạc cho chúng sinh được Tăng đoàn tiếp tục sứ mệnh mà ngài truyền trao. Ngài đã nhập Niết bàn khi các tâm nguyện đã hoàn mãn như vậy.
Để chính mình và cộng đồng xã hội có thể được ân hưởng chân lý vĩnh cửu và niềm an lạc vô biên mà giáo pháp mang lại, trọng trách của tăng đoàn, cá nhân mỗi tăng, ni, mỗi người thực hành phật pháp là vô cùng quan trọng. Để hoàn toàn thấu triệt ý nghĩa về sự đản sinh, thành đạo và nhập Niết bàn của đức Phật, đòi hỏi không chỉ trên phương diện nhận thức mà phải có sự tu tập, trải nghiệm và thành tựu giáo pháp.
Thái tử Siddhartha thành Phật là bởi ngài hướng đích đời sống tới vượt trên sinh tử và không ngừng giúp đỡ hết thảy chúng sinh cũng đạt được thành tựu như mình. Bởi vì Ngài thành tựu trong thân tướng con người nên việc thuận theo quy luật sinh- trụ-dị-diệt là điều thiết yếu. Sự giác ngộ của đức Phật và những cống hiến của Ngài cho nhân loại được các thế hệ về sau trân trọng, ghi nhớ, tưởng niệm và tán thán là điều vô cùng cần thiết.
Ý nghĩa Đại lễ Tam Hợp đối với lịch sử nhân loại
Ngày Đại lễ Tam Hợp Vesak mang những ý nghĩa rất sâu sắc, rộng lớn, biểu trưng cho các nguyên lý của Phật giáo, mang lại vô số lợi lạc cho chúng sinh. Cuộc đời của đức Phật và sự hình thành Phật giáo được công nhận là sự kiện quan trọng, mang lại một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại.
Đức Phật đản sinh là sự kiện tuyên ngôn về tính độc lập của nhân loại. Kinh tạng Pali ghi lại khi đức Phật đản sinh, Ngài đã tuyên bố rằng: “Aggo hamasmi lokassa, jettho hamasmi lokassa, settho hamasmi lokassa,” có nghĩa: “Ta là bậc tối thượng trong thế gian này; Ta là bậc tối tôn trong thế gian này; Ta là bậc tối thắng trong thế gian này”(1). Lời tuyên bố của Ngài tới thế giới loài người, trong bối cảnh mà phần lớn đều bị chi phối bởi sự sùng bái thần linh.
Từ “Tối thượng” khi ấy thường được sử dụng cho Thần Sáng tạo tối cao trong Ấn Độ giáo bởi vào thời điểm đó trong xã hội, người ta tin rằng đời sống của mình và toàn bộ vận mệnh xã hội loài người là tốt hay xấu bị chi phối bởi ý chí của các vị thần linh. Sau khi đức Phật thành Đạo, Ngài đã tuyên thuyết giáo pháp giúp thay đổi triệt để niềm tin mù quáng và những tín điều lạc hậu lâu đời của loài người, giúp con người nhận ra mình là loài ưu việt có năng lực học tập, rèn luyện và hoàn thiện bản thân để trở thành những người tốt lành, cao quý hơn. Khi một người được trang bị trí tuệ chân thực, biết sống kỷ luật thân tâm và nương theo sự chính trực thì người đó sẽ trở thành người có niềm an lạc đích thực, trở thành một vị Phật được cả trời người tôn kính.
Con người có thể hoàn thành nhiệm vụ cao cả nhất trong cuộc đời là trở thành một vị Phật nên sẽ được ngợi ca là “Agga” tức là Tối thượng, “Jettha” nghĩa là Tối Tôn và “Settha” nghĩa là Tối Thắng, chứ không phải thần thánh hay thậm chí Bản thân Đấng sáng tạo theo quan niệm của các tín ngưỡng đương thời.
Đức Phật Đản sinh hay sự hình thành Phật giáo là một cuộc cải cách vĩ đại trong lịch sử nhân loại, với tư tưởng được xác quyết công khai rằng vận mệnh của mỗi người do trí tuệ thấu hiểu quy luật thế giới, do sự tu dưỡng, rèn luyện thân tâm mình quyết định, chứ không phải nơi các vị thần thánh.
Sự giác ngộ của đức Phật giúp giáo pháp giải thoát được phát lộ. Đức Phật tuyên bố ngay khi ngài ra đời rằng: sự tự do đích thực của nhân loại là chỉ có thể đạt được nhờ sự giác ngộ. Khi con người thực sự hiểu được các chân lý của thế giới và hành động theo con đường đúng đắn theo Pháp bảo, phát triển từ bi và trí tuệ, khi ấy họ cũng có thể trở thành bậc Tối Tôn quý trên thế gian như chính đức Phật.
Đạt được giác ngộ là sự thành tựu hợp nhất của trí tuệ với chân lý của pháp giới. Sau khi đức Phật đạt tới giác ngộ, Ngài đã tuyên bố như sau: “Yadā have pātubhavanti dhammā, Ātāpino jhāyato brāhmanassa; Athassa kankhā vapayanti sabbā, Yato pajānāti sahetudhammam”, có nghĩa là: “Quả vậy, khi các pháp hiện rõ đến vị Bà-la-môn tinh cần đang tham thiền thì tất cả điều nghi hoặc của vị ấy được rũ sạch, từ đó nhận biết rằng (mọi) việc là có nguyên nhân”(2).
“Quả vậy, khi các pháp hiện rõ đến vị Bà-la-môn tinh cần đang tham thiền thì tất cả điều nghi hoặc của vị ấy được rũ sạch, từ đó hiểu được sự tiêu hoại của các duyên”(3).
“Avijjā paccayā sankhārā: Do duyên vô minh, hành sinh khởi… Như vậy là sự tập khởi của khổ uẩn này. Avijjhāya tve’va asesavirāga nirodhā sankhāra nirodho: Vô minh diệt, hành cũng diệt… Như vậy là đoạn diệt của khổ uẩn này.” “Yadā have patubhavanti dhamma; Atapino jhayato brahmanassa; Vidhupayam titthati marasenm;Sūriyova obhāsayamantalikkham” có nghĩa là “Quả vậy, khi các pháp hiện rõ đến vị Bà-la-môn tinh cần đang tham thiền, trong khi đánh tan binh đội của ma vương, (vị ấy) hiển hiện tựa như ánh mặt trời đang rọi sáng không gian”(4).
Pháp bảo là chân lý tối thượng của thế giới, không chịu sự chi phối của bất kỳ các năng lực thánh thần nào. Chư thiên ở các cõi trời cũng phải tuân theo quy luật nhân quả. Khi con người đã thấu hiểu được các chân lý của thế giới, họ cần nỗ lực rèn luyện bản thân, thực hành thuận theo Pháp bảo. Thân con người thuận lợi để nuôi dưỡng trí tuệ và chứng ngộ được chân lý tối thượng mà đức Phật đã truyền trao.
Khi đạt tới được Pháp bảo, có nghĩa là con người sống thuận thiên, hòa hợp với các quy luật của thế giới. Con người không cần phải chờ đợi mệnh lệnh của các vị thần hay của các đấng Tối cao ban phúc hay giáng họa cho họ.
Sự kiện đức Phật nhập Niết bàn khích lệ cho con người về mộtđời sống chính niệm và tỉnh thức. Một phương diện quan trọng của Pháp bảo hay chân lý của thế giới là: Tất thảy mọi vật đều bất định, không bền vững và sự tồn tại đều phụ thuộc vào các nhân, duyên. Chân lý này đặc biệt nhấn mạnh đến mọi sự hiện hữu đều là giả hợp, không tồn tại mãi mãi. Đời sống của mỗi cá nhân con người có điểm khởi đầu và kết thúc.
Bởi vậy chân lý này giúp con người trong đời sống phải nỗ lực trau dồi bản thân mình, để có được những phẩm chất, năng lực và trí tuệ thấu hiểu bản chất đời sống, để có những hành động phù hợp quy luật tự nhiên, để mang lại sự an lạc, tự do, tự tại. Khi mọi sự hiện hữu đều không bền chắc nên trong đời sống con người không thể nuông chiều theo bản ngã, dục lạc trái ngược với quy luật tự nhiên mà phải biết sống tỉnh thức để không bỏ lỡ cơ hội nuôi dưỡng thân tâm mình theo đúng quy luật tự nhiên.
Theo đó, để có thể ứng dụng được giáo pháp mà đức Phật đã tuyên thuyết mang lại lợi lạc cho đời sống và xã hội của chúng ta hòa bình và tự do, chúng ta phải luôn cẩn trọng, tỉnh thức với mọi suy nghĩ, hành động của chính mình. Vì vậy đức Phật đã dạy những lời cuối cùng trước khi ngài nhập Niết bàn như sau: “Vayadhamma Sankhara appamadena sampadetha”, có nghĩa là: “Này các Tỷ-kheo, tất cả các pháp hữu vi bản chất đều biến hoại; hãy nỗ lực tinh tiến, đừng để sau này thân này mất đi, sẽ hối tiếc”(5).
Đại lễ tưởng niệm ngày Tam Hợp
Đại lễ tưởng niệm trong ngày Tam Hợp nhắc nhở chúng ta về ý nghĩa thực sự của sự kiện đức Phật đản sinh, Thành đạo và nhập Niết bàn, đồng thời khích lệ mỗi người thực hành giáo pháp một cách nghiêm cẩn để có được niềm an lạc đích thực, chỉ khi ấy sự tôn kính mới thực sự có ý nghĩa và lợi lạc cho đời sống mỗi người và cho xã hội. Đây là giá trị đích thực của Đại lễ Tam Hợp, giúp nhân loại bước vào một kỷ nguyên của tỉnh thức, tăng trưởng và an lành mà đức Phật đã chỉ ra từ hơn 2600 năm trước.
Ở trong đời sống thế gian, vào những ngày như sinh nhật hay ngày giỗ, ngày tri ân thày cô, bạn bè, mọi người thường tổ chức các lễ để tưởng nhớ, trân trọng và tri ân. Tương tự như thế, vào ngày Phật đản sinh, Thành đạo và nhập Niết bàn, toàn thể phật tử cử hành các nghi lễ bày tỏ sự trân trọng, tri ân tới bậc thày của toàn thể nhân loại. Mọi người có thể tưởng niệm theo cách chỉ đơn giản, giành thời gian tĩnh tâm theo các phương pháp mà đức Phật đã chỉ dạy, lắng nghe, nhớ lại lời dạy của Ngài.
Nếu có thể rèn luyện được năng lực định tâm và thấu hiểu các lớp lý nghĩa thâm sâu trong giáo lý thì cũng có nghĩa đã thể hiện niềm tin kính lên đức Phật. Nếu có thể thấu hiểu giáo lý và thực hành trong đời sống thì chính là điều có ý nghĩa nhất trong ngày lễ Tam Hợp tưởng nhớ ba sự kiện trong cuộc đời đức Phật.
Đức Phật đã giác ngộ tối thượng và tâm nguyện của ngài là giúp mọi chúng sinh thoát khỏi khổ đau, đạt tới niềm an lạc đích thực. Bởi vậy việc cử hành những nghi thức tưởng niệm, tán thán công hạnh của Ngài mang lại công đức to lớn cho người thực hành và cả cho cộng động xã hội. Khi chúng ta tưởng niệm, tôn kính đức Phật, tâm chúng ta hướng tới những sự tốt lành và cao quý. Chúng ta nuôi dưỡng những phẩm chất tâm linh, sự viên mãn và an lạc.
Khi chúng ta tôn kính Phật, chúng ta khắc ghi những công đức của Ngài trong tâm mình, hứa nguyện chúng ta sẽ sống một đời sống chính trực dưới ánh sáng soi đường theo trí tuệ và phẩm hạnh của đức Phật. Khi chúng ta tôn kính tưởng niệm các sự kiện trong cuộc đời đức Phật, chúng ta suy ngẫm về lời dạy của Ngài, nỗ lực ứng dụng giáo pháp vào đời sống, tinh tiến rèn luyện cho tới khi đạt tới sự hoàn hảo.
Khi chúng ta tôn kính đức Phật, đó là một hành động tượng trưng cho việc chúng ta tôn trọng những phẩm chất đạo đức cao thượng và chân lý phổ quát của thế giới. Nếu như một xã hội tôn trọng các giá trị này, đề cao chân lý thì bản thân giá trị và chân lý sẽ bảo vệ xã hội và mang lại hạnh phúc, an lạc.
Nếu những ai chưa biết khắc ghi lời dạy của đức Phật hay thậm chí chưa thể hòa cùng đại chúng cử hành các nghi thức tưởng niệm thì chúng ta chỉ cần đơn giản thành tâm lắng nghe, tụng đọc những lời tán thán các cộng hạnh cao quý của đức Phật. Nếu khi tụng đọc, lắng nghe giáo pháp mà tâm chúng ta trải nghiệm được niềm tin kính, hoan hỷ, an vui thì cũng có nghĩa chúng ta đang tưởng niệm ngày Phật đản, Phật Thành đạo và Niết bàn, và đang thực hành một cách chân chính giáo pháp của đức Thế Tôn.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
1. Trung bộ III, số 123, Kinh Hy Hữu vi tằng hữu pháp (Kinh Trường bộ I, số 14, Kinh Đại bổn cũng ghi tương tự)
2. Tạng luật, đại phẩm, chương trọng yếu, tụng phẩm thứ nhất (Vin.i.2)
3. Tạng luật, đại phẩm, chương trọng yếu, tụng phẩm thứ nhất (Vin.i.2)
4. Tạng luật, đại phẩm, chương trọng yếu, tụng phẩm thứ nhất (Vin.i.2)
5. Đại Tạng Kinh Việt Nam, Kinh Đại Bát Niết Bàn, Tụng phẩm VI, mục 7, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt – Phật Lịch 2535 – 1991.
Tác giả hiện đang giảng dạy và nghiên cứu tại Học viện Ngân hàng - phân viện Bắc Ninh. Tác giả bảo vệ luận án Tiến sĩ với đề tài: Ảnh hưởng của Phật giáo đến tư tưởng chính trị thời Lý[1]Trần.
Một số các nghiên cứu về Phật giáo đã được đăng tải như: Phật giáo và tính cách con người ( Tạp chí Nguồn nhân lực, 2012), sự phát triển của Phật giáo Việt Nam thời Lý-Trần (Tạp chí Khoa học giáo dục, 2013), Phật giáo với sự phát triển tư tưởng chính trị từ khởi nguyên tới thời Lý-Trần (TC Giáo dục lý luận, 2015), Triết lý nhân sinh của thiền Đại thừa thời Lý-Trần (Tạp chí khoa học xã hội Việt Nam).
*Tác giả hiện đang giảng dạy và nghiên cứu tại Học viện Ngân hàng - phân viện Bắc Ninh.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Phật học.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Những đóng góp của Hòa thượng Thích Minh Châu trong công tác ngoại giao Phật giáo
Nghiên cứu 09:45 19/10/2024Di sản mà Hòa thượng để lại không chỉ là nền móng vững chắc về giáo dục và ngoại giao, mà còn là kim chỉ nam cho chúng ta tiếp tục phát triển, đưa tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật lan tỏa rộng khắp, góp phần gìn giữ hòa bình.
Lợi ích của Thiền tứ vô lượng tâm trong đời sống xã hội
Nghiên cứu 09:30 06/10/2024Có thể nói rằng Từ, Bi, Hỷ, Xả là những đức hạnh tốt lành và cao đẹp để xây dựng nên một con người hoàn thiện, một gia đình hạnh phúc, một xã hội tốt đẹp.
Vài suy nghĩ về quyền động vật trong kinh, luật Phật giáo
Nghiên cứu 19:05 21/09/2024Cảnh giới trí tuệ của chư Phật đã thấy và biết như thật rằng “tất cả mọi loài chúng sanh đều có tính Phật”, do đó, họ cần phải được tôn trọng, bảo tồn và thương yêu bình đẳng. Nói cách khác, từ tuệ giác của Đức Phật, Ngài đã thừa nhận “quyền động vật” nói riêng và muôn loài chúng sanh nói chung.
Từ nhân vật Đề Bà Đạt Đa nhận diện “thiện tri thức” trong Kinh Pháp Hoa
Nghiên cứu 16:00 02/09/2024Thiện tri thức trong Kinh Pháp Hoa không còn bị bó buộc bởi hình tướng Phật, Bồ tát, chư thiên hay những vị ủng hộ đạo pháp mà đến ngay như hình tượng Đề-bà Đạt-đa, chuyên chống phá Phật cũng được nâng lên tầm cao mới trong kiến giải là “thiện tri thức”.
Xem thêm