Thứ sáu, 15/11/2024, 09:40 AM

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần

Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần

Trải qua hơn hai trăm năm tồn tại và phát triển, vương triều nhà Lý (1009 – 1225) ngày càng rối ren, không còn đủ sức lực để ổn định triều đình, bảo vệ đất nước trước sự xâm lược của giặc Nguyên-Mông. Xã hội ngày càng rơi vào khủng hoảng khiến cho quần thần và người dân như đứng giữa ngã ba đường. Do đó, dưới sức ép của Trần Thủ Độ và quần thần trong triều, vua Lý Chiêu Hoàng đã nhường ngôi lại cho chồng là Trần Cảnh. Năm 1226, Trần Thái Tông lên ngôi hoàng đế, mở ra một triều đại phong kiến mới cho dân tộc Đại Việt. Sự chuyển giao quyền lực diễn ra một cách êm thắm hầu như không gây ra sự xáo trộn trong xã hội lúc bấy giờ. Nhà Trần ra sức ổn định chính trị, phát triển đất nước ngày càng vững mạnh, khẳng định sức mạnh của thời đại nhà Trần là một dân tộc có chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, tự lực, tự cường, tự chủ về mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hoá…

Đặc biệt, thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV. Nếu Thiền phái Thảo Đường với quan điểm thiết lập một hệ tư tưởng độc lập, tự chủ cho đời sống tinh thần của nhân dân và triều đại nhà Lý, thì Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, với sự sáng lập của Trần Nhân Tông, đã mang đến cho Phật giáo thời Trần một sức sống mới, một sắc thái mới, một diện mạo mới, thể hiện cốt cách, đặc trưng riêng biệt của Phật giáo thời Trần, thể hiện sự thống nhất chung các thiền phái của Phật giáo nói riêng, Phật giáo của dân tộc Đại Việt nói chung.

Tượng Tam tổ Trúc Lâm tại Thiền viện Trúc Lâm Chánh giác. Ảnh sưu tầm.

Tượng Tam tổ Trúc Lâm tại Thiền viện Trúc Lâm Chánh giác. Ảnh sưu tầm.

Tam Tổ Trúc Lâm Yên Tử

Khi nói đến Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, chúng ta không thể quên được sự hiện diện mang tính lịch sử của ba vị Tổ sư nổi tiếng đương thời của triều đại nhà Trần, đó là: Thiền sư Trần Nhân Tông, Thiền sư Pháp Loa và Thiền sư Huyền Quang.

Sự ra đời của thiền phái không phải mang tính chất ngẫu nhiên, mà nó luôn luôn vận động phù hợp với sự quy định của điều kiện lịch sử xã hội lúc bấy giờ, nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng với những mục tiêu được đặt ra về đạo đức và hệ tư tưởng cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt trong tình hình mới của đất nước.

Trước hết, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Thiền sư Trần Nhân Tông (1258 - 1308) là người sáng lập. Ông là một nhân vật hết sức đặc biệt của thời đại lúc bấy giờ, là một trong những nhà tư tưởng lớn ghi dấu ấn sâu sắc trong cả lĩnh vực văn hóa lẫn lĩnh vực chính trị thời kỳ Lý - Trần. Trần Nhân Tông không những là một vị vua tài đức, “hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp phục hưng làm vẻ vang đời trước” [1] , có bản lĩnh chính trị trong việc trị nước, an dân; mà còn là vị thiền sư đắc đạo, lãnh đạo Giáo hội Trúc Lâm, có tầm ảnh hưởng lớn đối với Phật giáo đương thời và Phật giáo Việt Nam trong tương lai.

Sau khi nhường ngôi lại cho con là Trần Anh Tông, Trần Nhân Tông lên làm Thái thượng hoàng vào năm 36 tuổi. Đến tháng 10 năm Kỷ Hợi (1299), ông xuất gia vào tu ở núi Yên Tử vào năm 41 tuổi, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà. Nếu xét về nguồn gốc tông môn, pháp phái thì khởi nguồn của dòng thiền Trúc Lâm bắt đầu từ Thiền sư Hiện Quang thuộc thế hệ kế thừa của Thiền phái Vô Ngôn Thông – Tổ khai sơn chùa Hoa Yên ở núi Yên Tử, sáng lập nên truyền thống Yên Tử. Tiếp nối là Thiền sư Đạo Viên (Phù Vân) hay còn gọi là Trúc Lâm quốc sư, người mà sau này vua Trần Thái Tông tôn xưng là thầy; Trúc Lâm quốc sư đã khai ngộ cho vua Trần Thái Tông về những triết lý cực kỳ sâu sắc của Phật giáo: “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong lòng. Lòng lặng lẽ mà hiểu, đó chính là chân Phật” [2], đồng thời chỉ ra triết lý trị nước, an dân cho vua Trần Thái Tông: “Phàm đã là bậc nhân quân tất phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình; lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình” [3].

Chính triết lý đó, sau này Trần Thái Tông phát triển lên thành yếu chỉ của cái tâm “tồn nhi bất tri” - sống hài hòa giữa cuộc đời, vui cái vui của đạo, hành cái hành của bổn phận thế sự, sống vượt ngoài ranh giới của tăng và tục, ấy gọi là ngộ đạo trong cuộc sống đời thường, một phương châm, một hành động dung hợp có ý nghĩa hết sức sâu sắc trong cuộc sống nhân sinh.

Mặt khác, tiếp nối thế hệ thứ ba là Thiền sư Đại Đăng và thế hệ thứ tư là Thiền sư Tiêu Diêu - thầy của Thiền sư Tuệ Trung Thượng sĩ và Thiền sư Huệ Tuệ, một nhân vật quan trọng góp phần vào nền Phật giáo thống nhất của thời Trần. Theo sách Việt Nam Phật giáo sử luận của tác giả Nguyễn Lang viết: “Tiêu Diêu là thầy của Tuệ Trung Thượng sĩ, một trong những cây đuốc sáng nhất của thiền học đời Trần” [4]. Nếu tính theo sự truyền thừa Thiền phái Yên Tử thì Thiền sư Trần Nhân Tông là thế hệ thứ sáu của Thiền phái Yên Tử. Mặc dù vậy, Trần Nhân Tông lại tôn trọng và trân quý Thiền sư Tuệ Trung Thượng sĩ là thầy của mình. Trong Thượng sĩ hành trạng, Trần Nhân Tông viết: “Ta biết môn phong của Thượng sĩ thật là siêu việt. Một ngày ta hỏi về cái gốc của tôn chỉ thiền, Thượng sĩ ứng đáp: Hãy quay lại nhìn cái gốc của mình, chứ không tìm đâu khác được. Ta bỗng bừng tỉnh con đường phải đi, bèn xốc áo thờ người làm thầy” [5].

Tuy nhiên, điều khác biệt, mang tính đột phá, ghi lại dấu ấn sâu sắc, là Trần Nhân Tông đã tự tách mình ra khỏi “đại dương mênh mông” tạo lập một “dòng chảy mới” trong thiền học; nó thể hiện tính cách mạnh, tạo nên một bước ngoặt lịch sử của Phật giáo Việt Nam thế kỷ XIII – XIV, đó là thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - một dòng thiền của người Việt, có tính chất độc lập, thống nhất mang đậm sắc thái đặc thù thiền học của Việt Nam.

Song, nó không dừng lại ở sự đột phá về thiền học, mà nó còn thể hiện sự thống nhất, quản lý giới tăng lữ, các tự viện, chùa chiền Phật giáo trong một tổ chức là Giáo hội Trúc Lâm, đó là nét đặc thù làm nên tính lịch sử của thiền phái mà ông sáng lập. Tuy nhiên, sự nghiệp lãnh đạo Giáo hội của Trần Nhân Tông không được lâu dài, khi ông viên tịch ở tuổi 51 tại am Ngọa Vân núi Yên Tử, nhằm ngày mồng Một tháng mười năm Hưng Long thứ 16 (1308), nhưng ông đã kịp thời chuyển giao sứ mệnh quan trọng của Giáo hội cho người kế nhiệm là Thiền sư Pháp Loa tiếp tục kế thừa và phát triển đường lối mà ông đã hoạch định. Tưởng nhớ đến công đức to lớn của ông, vua Trần Anh Tông đã tôn hiệu là “Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tịnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật” [6].

Thiền sư Pháp Loa (1284 - 1330) là người tiếp nối thế hệ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, được Trần Nhân Tông tuyển chọn hết sức kỹ lưỡng, đào tạo về mọi phương diện chuyên môn, thiết lập mối quan hệ thân tín với vua quan, quý tộc, nhằm tìm kiếm một sự ủng hộ tuyệt đối từ chính quyền cho Thiền sư Pháp Loa kế thừa sau này. Tuy nhiên, câu chuyện ở đây là vấn đề truyền y bát không phải theo lối truyền thống “thầy truyền cho trò” hay “tâm ấn tâm” chỉ thầy và trò điều biết; mà nó được nâng lên một cấp độ mới mang tính “pháp định”, công khai, nhằm tiến tới thành lập một tổ chức dưới sự chấp thuận, bảo hộ, giám sát của nhà vua. Do đó, Trần Nhân Tông đã tổ chức một buổi lễ hết sức long trọng, bao gồm nhiều thành phần trong xã hội như vua Trần Anh Tông, các quan đại thần, quý tộc, các tăng lữ… đến tham dự.

Theo sách Tam Tổ Thực lục, viết: “…Sau khi điểm tâm, Điều Ngự lại sai tấu nhạc, đánh trống pháp, tập họp đại chúng tại pháp đường. Lúc bấy giờ vua Anh Tông ngự giá đến chùa, vì vua là đại thí chủ của Phật pháp, nên khi phân ngôi chủ khách, vua đứng vào vị trí khách tại pháp đường, còn thượng tể thì hướng dẫn các quan đứng dưới sân. Điều Ngự lên toà thuyết pháp, giảng xong, bước xuống đỡ sư lên toà, Điều Ngự đứng đối diện chắp tay thăm hỏi. Sư đáp lễ xong, liền nhận pháp y mặc vào” [7].

Do đó, chúng ta thấy rằng, Trần Nhân Tông với tầm nhìn chiến lược lâu dài cho sự phát triển của thiền phái cũng như Giáo hội Trúc Lâm, ông đã sử dụng mọi quyền lực vốn có và mối quan hệ của mình với triều đình để giúp cho Thiền sư Pháp Loa với mục tiêu: Một là, chứng minh cho mọi người biết người kế thừa Thiền phái Trúc Lâm một cách hợp pháp; hai là, tạo tiền đề tích cực cho Pháp Loa sau này lãnh đạo Giáo hội, đặt nền móng vững chắc cho Phật giáo thống nhất. Ông luôn luôn đặt kỳ vọng của mình vào người đệ tử mà ông đã chọn lựa hết sức kỹ lưỡng để lãnh đạo tốt Giáo hội Trúc Lâm. Quả thật, Thiền sư Pháp Loa là người có tài đức, lãnh đạo Giáo hội Trúc Lâm phát triển có chiều sâu về mặt tổ chức, quản lý Tăng, Ni một cách có hệ thống, đặc biệt ông là người có công lớn trong việc in bộ Đại tạng kinh, một pháp bảo giá trị của Phật giáo Việt Nam, cùng với nhiều tác phẩm Phật giáo có giá trị khác như: Đoạn sách lục, Tham thiền chỉ yếu, Kim Cương đạo tràng Đà la ni kinh…

Song, rất tiếc, Thiền sư Pháp Loa mất sớm ở tuổi 47. Niên hiệu Khai Hựu thứ hai (1330), ngày mùng 4 tháng 3, Pháp Loa viết bài kệ để lại rồi thị tịch. Ngày 11 tháng 3, Thái Thượng hoàng Trần Minh Tông ngự bút ban hiệu là Tịnh Trí Tôn giả, đặt tên tháp là Viên Thông, để ghi nhớ công trạng của Pháp Loa. Mặc dù, Thiền sư Pháp Loa viên tịch, nhưng Thiền phái Trúc Lâm vẫn tiếp tục sứ mệnh của mình dưới sự lãnh đạo của đệ tam Tổ Huyền Quang.

Thiền sư Huyền Quang (1254 -1334) là người nối dòng pháp thế hệ thứ ba, được trao truyền y bát của Trần Nhân Tông từ tay của đệ nhị Tổ Pháp Loa và trở thành vị đệ tam Tổ, tiếp nối Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Ông vốn là một quan chức của triều đình nhà Trần, nhưng ông đã ngộ được triết lý sâu sắc của Phật giáo: “Làm quan thì lên đảo Bồng, đắc đạo đến Phổ Đà, trên cõi nhân gian là Tiên, cảnh giới Tây phương là Phật, phú quý vinh hoa nào khác lá vàng mùa thu, mây trắng ngày hạ, há nên lưu luyến mãi mãi!” [8]. Nhân đó, ông xin phép từ quan, xuất gia, lấy đạo hiệu là Huyền Quang. Mặc dù, xuất gia ở tuổi trung niên (51 tuổi), nhưng lại là người có khí chất của một bậc tu hành chân chính, một thi sĩ nổi tiếng thời Trần, một vị lãnh đạo Giáo hội tương lai.

Huyền Quang được chọn làm phụ tá bên Tổ Trần Nhân Tông và được Trần Nhân Tông ban cho tòa trầm hương để giảng cho đồ chúng và giao trọng trách quan trọng để soạn các kinh sách về Phật học như Chư phẩm kinh, Công văn tập, Thích khoa giáo… Trần Nhân Tông thường nói: “Phàm sách đã qua tay Huyền Quang biên soạn thì không thể thêm hay bớt một chữ nào”[9]. Bên cạnh đó, Thiền sư Huyền Quang được cùng với Tổ Trần Nhân Tông và Pháp Loa đi khắp nơi thuyết giảng kinh Phật. Thiền sư Huyền Quang phụng mệnh vua trụ trì chùa Vân Yên, núi Yên Tử, trụ trì chùa Tư Phúc ở núi Côn Sơn và xây dựng tòa tháp Cửu phẩm liên hoa, một tác phẩm nghệ thuật có giá trị về lịch sử và thẩm mĩ thế kỷ XIII và sáng tác các tác phẩm văn học như bài phú Nôm vịnh chùa Vân Yên và thơ chữ Hán Ngọc Tiên tập. Song, Thiền sư Huyền Quang đã viên tịch ngày 23 tháng Giêng năm Giáp Tuất (1334), tại chùa Côn Sơn, trụ thế 81 tuổi, nhưng rất tiếc không có thế hệ kế thừa để lãnh đạo thiền phái và Giáo hội Trúc Lâm về sau. Kính trọng trước tài năng, đức độ phụng sự Giáo hội của thiền sư, vua Minh Tông ban lệnh xây tháp, đồng thời ban thụy: Trúc Lâm thiền sư đệ tam đại, đặc phong tự pháp Huyền Quang tôn giả.

Mặc dù, Thiền phái Trúc Lâm đến Ngài Huyền Quang thì hầu như không chọn được người kế nhiệm tiếp theo của Thiền phái để lãnh đạo Giáo hội, nhưng những tư tưởng, đạo đức, tài năng của tam Tổ Trúc Lâm Yên Tử đã góp phần tạo nên những giá trị nhân văn, để lại dấu ấn sâu sắc đối với Phật giáo Việt Nam sau này.

Thông bạch của Giáo hội về việc tổ chức Đại lễ tưởng niệm Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông

Ảnh: Chùa Yên Tử.

Ảnh: Chùa Yên Tử.

Thiền phái mang dấu ấn của Phật giáo dân tộc Đại Việt thế kỷ XIII – XIV

Trần Nhân Tông với vai trò là một người lãnh đạo tối cao của dân tộc Đại Việt, ông có cái nhìn sâu sắc, có tầm nhìn chiến lược trong việc trị nước, an dân. Do đó, đường lối phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử còn có nguồn gốc sâu xa của yếu tố chính trị - xã hội và đời sống tinh thần của tín đồ Phật giáo nói riêng, nhân dân Đại Việt nói chung; cùng với việc khẳng định chủ quyền của dân tộc, Trần Nhân Tông còn muốn khẳng định hệ tư tưởng độc lập của dân tộc, nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của người dân Đại Việt lúc bấy giờ. Cho nên, việc hình thành và phát triển Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã thể hiện những dấu ấn hết sức sâu sắc của Phật giáo đương thời, được biểu hiện thông qua những vấn đề sau:

Thứ nhất, thống nhất các thiền phái và lập nên Giáo hội Trúc Lâm. Nếu như các thiền phái du nhập vào Việt Nam như Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Thiền phái Vô Ngôn Thông, Thiền phái Thảo Đường, còn pha trộn sắc thái của tư tưởng thiền học Phật giáo Ấn Độ, Phật giáo Trung Hoa, thì Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã thể hiện đầy đủ sắc thái, bản chất của con người Việt hết sức sâu sắc về thiền học cũng như mọi lĩnh vực khác cả đời sống tinh thần của người Việt. Song, việc thống nhất các dòng thiền phái trước đó, còn là công lao to lớn của các thế hệ thiền sư đi trước như Thiền sư Hiện Quang, Thiền sư Thường Chiếu… đã góp phần quan trọng trong việc định hình lại con đường phát triển của thiền học trên cơ sở rút kinh nghiệm về chủ trương, đường lối, cách tiếp cận về Phật giáo để mở rộng phạm vi hoạt động của tông phái trong sự phát triển ở một giai đoạn lịch sử mới.

Chẳng hạn như Thiền phái Thảo Đường nghiêng trọng về giới trí thức “không có cơ sở trong đại chúng bình dân, cũng không có truyền thống tu viện đặc thù, nhưng có ảnh hưởng sâu sắc tới mặt học thuật, tư tưởng và thi ca trên hai thiền phái đương thời” [10]. Do vậy, cần phải có sự điều chỉnh cho phù hợp để hoà nhập vào cộng đồng dân cư vùng sông nước, giới bình dân tiếp nhận Phật giáo. Do đó, Thiền sư Thường Chiếu được xem là người khởi đầu cho sự tổng hợp ba dòng thiền phái trước đó và là gạch nối quan trọng giữa Phật giáo thời Lý và Phật giáo thời Trần.

Mặt khác, đứng trước nhu cầu đòi hỏi của lịch sử xã hội và đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của người dân Đại Việt, cần có một hệ tư tưởng mới, thể hiện bản sắc văn hoá của người dân Đại Việt, Trần Nhân Tông trên cơ sở tiếp thu, kế thừa đã xây dựng nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử với mục tiêu hướng đến xây dựng một nền Phật giáo thống nhất thời Trần. Tuy nhiên, điểm đặc biệt, ghi lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử Phật giáo là Trần Nhân Tông đã thành lập Giáo hội Trúc Lâm.

Bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên đỉnh Non Thiêng.

Bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên đỉnh Non Thiêng.

Một tổ chức mang tính “pháp định” trong việc quản lý, cấp sổ tăng tịch tăng sĩ, kiểm tra các tự viện, quy định các chức vụ tăng sĩ trong Giáo hội có tính hệ thống. Mặc dù vậy, công tác quản lý Giáo hội không phải là câu chuyện dễ dàng; bởi vì trong bối cảnh tăng, ni, tự, viện lúc bấy giờ còn nhiều bất cập, có nhiều mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau, có ảnh hưởng đến quyền lợi kinh tế của các cá nhân, nhóm người, tổ chức, thì việc thống nhất trong một tổ chức Giáo hội chắc hẳn sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Trần Nhân Tông và sự ủng hộ của vua Trần Anh Tông, Giáo hội Trúc Lâm đã thành tựu viên mãn. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam tăng sĩ có hồ sơ trong Giáo hội Trung ương, đặt văn phòng Trung ương Giáo hội tại chùa Vĩnh Nghiêm ở tỉnh Bắc Giang (ngày nay).

Thứ hai, thể hiện tinh thần nhập thế tích cực trong xã hội. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thể hiện tinh thần nhập thế tích cực trong xã hội, phong trào Phật giáo nhập thế trong thời kỳ này phát triển hết sức sâu rộng, với chủ trương đưa đạo vào đời để phụng sự con người, làm lợi ích cho xã hội, nhằm xây dựng xã hội tốt đẹp trên cơ sở lấy đạo đức Phật giáo làm nền tảng, con người làm trung tâm. Chính vì vậy, cuộc đời của Trần Nhân Tông gắn liền với những hoạt động xã hội không mệt mỏi, đi khắp nơi trong nước hoằng truyền chính pháp, phá bỏ những hủ tục tôn giáo, thờ cúng dâm từ, những tượng thần loã thể, mê tín…thực hành thập thiện, phát huy giáo lý Phật giáo trong cộng đồng. Sách Tam Tổ Thực lục ghi rằng: “Năm Giáp Thìn, niên hiệu Hưng Long thứ 12 (1304), Điều Ngự đi khắp xóm làng, dạy dân chúng phá bỏ các dâm từ và thực hành thập thiện” [11].

Đối với Trần Nhân Tông thiền không chỉ giới hạn trong khuôn khổ ăn chay, niệm Phật, ngồi thiền dưới gốc cây...mà hành thiền phải gắn liền cuộc sống đời thường, đi, đứng, ngồi, nằm đều là hành động của thiền, là thiền sống: “Bụt ở trong nhà chẳng phải tìm xa, nhân khuây bản nên ta tìm Bụt”[12]. Phật theo quan niệm của Trần Nhân Tông không phải tìm kiếm đâu xa, mà Phật chính là lòng mình, tâm mình, ở ngay trong xã hội, cộng đồng nhân sinh là chỗ hiện thân của đức Phật. Mặc khác, ông luôn gắn vấn đề nhân sinh, đạo đức với vấn đề lợi ích của dân tộc, ông cho rằng con người sống phải có đạo đức, sống có lý tưởng, nhân nghĩa, yêu thương nhau, có trách nhiệm và nghĩa vụ với dân tộc, có lòng trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, rằng sống mà không giúp ích cho đời là điều đáng hổ thẹn của kẻ trượng phu. Trong bài Họa thơ Kiều Nguyên Lãng, ông viết:

“Thương yêu mọi người như nhau là ân đức của Thiên tử,

Sống mà không giúp ích gì cho đời là điều đáng thẹn của kẻ trượng phu” [13].

Tư tưởng nhập thế còn biểu hiện ở hành động vì dân, vì nước, chống giặc ngoại xâm, chăm lo đời sống của nhân dân từ vật chất đến tinh thần, dung hợp Nho – Lão – Phật với truyền thống văn hóa dân tộc một cách hài hòa. Chính tư tưởng nhập thế này làm cho Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử trở thành hệ tư tưởng có giá trị nhân văn sâu sắc trong dòng chảy của Phật giáo Việt Nam qua các thế hệ về sau.

Thứ ba, thể hiện ý chí về một hệ tư tưởng độc lập cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt. Sau hơn ngàn năm lệ thuộc, không thể làm chủ đất nước, dân tộc Đại Việt bằng sức mạnh và ý chí, tự lực, tự cường, đã vươn lên đạt đến đỉnh cao của sự tự do và làm chủ đất nước mình. Cụ thể, hai triều đại Lý - Trần đã đứng lên bằng “đôi chân” của mình để khẳng định những giá trị thiêng liêng của dân tộc, khẳng định chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, tự chủ về kinh tế, chính trị -xã hội, văn hoá…tự thoát mình ra khỏi cái “bóng” của thế lực ngoại bang. Song, điều đó chưa đủ, các vua triều đại Lý – Trần, như Lý Thánh Tông còn muốn xây dựng một hệ tư tưởng độc lập làm nền tảng tinh thần cho nhân dân Đại Việt.

Đặc biệt là vua Trần Nhân Tông, ông đã thấy được đạo Phật có những nhân tố tích cực góp phần ổn định xã hội và phát huy được tinh thần đại đoàn kết dân tộc, gắn kết được lòng dân mỗi khi đất nước bị lâm nguy và nó có mối liên hệ mật thiết với truyền thống văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, để cân bằng và điều hoà lợi ích giai cấp, lợi ích giữa các tôn giáo đương thời như Nho giáo, Lão giáo, thì các vua Trần phải dung hợp các tôn giáo trên nguyên tắc “tam giáo đồng nguyên”, như vua Trần Thái Tông đã viết: “Phương tiện dẫn dụ đám người mê muội, con đường tắt sáng tỏ lẽ sinh tử, ấy là đại giáo của đức Phật. Đặt mực thước cho hậu thế; làm khuôn mẫu cho tương lai, ấy là trách nhiệm của tiên thánh” [14].

Song, Nho giáo và Lão giáo gắn liền với yếu tố chính trị, sự ảnh hưởng của nó kìm hãm sự phát triển của đất nước và không thể đáp ứng được khát vọng đi lên của một dân tộc muốn làm chủ vận mệnh đất nước, phát triển đất nước bằng chính nguồn lực của nhân dân Đại Việt. Do đó, Phật giáo lúc này được xem là dòng chủ lưu, lấy đạo đức Phật giáo làm nền tảng cho đời sống tinh thần cho nhân dân Đại Việt.

Tóm lại, sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đánh dấu một bước ngoặt mang tính cách mạng trong tiến trình lịch sử phát triển của Phật giáo thời Trần nói riêng, Phật giáo Việt Nam nói chung. Trong đó, sự xuất hiện của tam Tổ Trúc Lâm, đặc biệt là vua Trần Nhân Tông, một nhân tố quan trọng quyết định đến sự thành tựu của Giáo hội Trúc Lâm với ý chí xây dựng một hệ tư tưởng chủ đạo, lấy đạo đức Phật giáo làm nền tảng cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt. Trên cơ sở đặc điểm, yêu cầu của thực tiễn lịch sử - xã hội Việt Nam thế kỷ XIII – XIV, Trần Nhân Tông đã học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm, lý luận về thiền của các thiền sư đi trước để vạch ra cho mình một tôn chỉ và cách thức thiền độc đáo, tổng hợp tinh túy tư tưởng về thiền định của các thế hệ trước, nhưng lại mang sắc thái mới sinh động, thiết thực hơn.

Tư tưởng nhập thế tích cực của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã mang ý nghĩa đạo đức, luân lý và ý nghĩa chính trị xã hội lớn lao, như dạy Mười điều thiện, giáo dục lòng nhân nghĩa để diệt trừ gian tà cho dân, thương yêu dân, “khoan thư sức dân”, lo cho dân cho nước, đánh giặc cứu dân cứu nước, xây dựng cuộc sống tốt đẹp cho dân. Triết lý ấy thực sự đã trở thành nền tảng tinh thần cho quân dân Đại Việt trong công cuộc chấn hưng đất nước chống giặc Nguyên - Mông thời bấy giờ. Tuy nhiên, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử tồn tại quá ngắn ngủi, trải qua ba thế hệ thì chấm dứt. Điều đó cũng đặt ra nhiều câu hỏi về đường lối phát triển của thiền phái và nhất là Tổ Huyền Quang, người giữ vai trò kế nhiệm và làm nhiệm vụ tìm kiếm nguồn nhân lực đạt tiêu chuẩn cho Giáo hội Trúc Lâm.

Phải chăng, Tổ Huyền Quang đã thấy sự bất cập trong Giáo hội Trúc Lâm, mà bản thân ông không thể giải quyết được? Hay ông không tìm thấy được “hạt nhân xứng tầm” để tiếp nối thiền phái và lãnh đạo Giáo hội Trúc Lâm? Phải chăng mô hình Giáo hội không còn phù hợp để áp dụng cho thế hệ sau? Hay những “biến cố” xảy ra trong cuộc đời của ông đã làm cho ông có nhiều suy nghĩ và muốn quên đi tất cả ở chốn núi rừng “…Chi bằng theo bạn đi về núi, cách muôn vạn tầng núi non trùng điệp”? Từ đó đặt ra cho chúng ta về sự tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển của Phật giáo cũng như Giáo hội trong thời đại ngày nay.

Phật giáo Việt Nam muốn phát triển bền vững thì yếu tố “con người chất lượng cao” là điều kỳ cực quan trọng; đồng thời phải suy nghĩ đến vấn đề chọn “nhân tài” hay chọn “người giúp việc” cho Giáo hội?

Giáo hội cần phải cải cách, đổi mới về chất lượng lẫn hình thức trong thời đại mới của đất nước.

Tài liệu tham khảo:

1.Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Thiền Uyển Tập Anh, NXB. Tp. Hồ Chí Minh, 1999.

2.Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, 3 tập, NXB. Văn học, Hà Nội, 2000.

3.PGS, TS. Doãn Chính (chủ biên), Lịch sử tư tưởng Triết học Việt Nam, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013.

4.Thích Phước Sơn (dịch và chú), Tam Tổ Thực lục, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1995.

5.Trần Thị Băng Thanh (chủ biên), Huyền Quang – cuộc đời, thơ và đạo, NXB. Tp. Hồ Chí Minh, 2001.

6.Viện Sử học, Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, NXB. Văn hoá thông tin, 2004.

7.Viện Văn học, Thơ văn Lý – Trần, tập 2, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988.

Chú thích:

[1]. Viện Sử học, (2004), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, NXB. Văn hoá Thông tin, tr. 493.

[2]. Viện Văn học, (1988), Thơ Văn Lý – Trần, tập 2, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 28.

[3]. Viện Văn học (1988), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr 29.

[4]. Nguyễn Lang, (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, 3 tập, NXB. Văn học, HN, tr. 217.

[5] Viện Văn học (1988), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr 546.

[6] Thích Phước Sơn (dịch và chú) (1995), Tam tổ Thực lục, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, tr 34.

[7] Thích Phước Sơn (dịch và chú) (1995), Tam tổ Thực lục, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, tr 40.

[8] Thích Phước Sơn (dịch và chú) (1995), Tam tổ Thực lục, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, tr 80.

[9] Thích Phước Sơn (dịch và chú) (1995), Tam tổ Thực lục, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, tr 81.

[10] Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, Tập I, II, III, NXB. Văn học, HN, tr 206.

[11] Thích Phước Sơn (1995), Tam Tổ Thực lục, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, ấn hành, tr 20.

[12] Nguyễn Huệ Chi (chủ biên) (1988), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, NXB. KHXH, HN, tr. 505,506. (https://thuvienhoasen.org/images/file/XRjnjp1G0QgQAHcF/tho-van-ly-tran-tap-2.pdf)

[13] Nguyễn Huệ Chi (chủ biên) (1988), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, NXB. KHXH, HN, tr. 477.

[14] Nguyễn Huệ Chi (chủ biên) (1988), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, NXB. KHXH, HN, tr. 27.

*Trưởng ban Ban Giáo dục Phật giáo Q.Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Phật học.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Phật giáo Việt Nam và sự dung hợp tam giáo thời Trần

Nghiên cứu 14:00 30/11/2024

Có thể thấy, Phật giáo - Nho giáo và Đạo giáo đã có sự dung hòa, bổ sung cho nhau để cùng hướng đến xây dựng đời sống tinh thần và đời sống nhân văn cho xã hội.

Ứng dụng triết lý Phật giáo Trúc Lâm trong xây dựng, phát triển đất nước

Nghiên cứu 08:45 25/11/2024

Phật giáo là cuộc sống, không có sự phân biệt bất cứ thành phần nào trong xã hội, Phật giáo chính là quá trình đi tìm chân lý. Chân lý thì không nằm trong Phật giáo mà nằm trong cuộc sống.

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần

Nghiên cứu 09:40 15/11/2024

Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.

Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường

Nghiên cứu 09:45 03/11/2024

Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...

Xem thêm