Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 11/06/2022, 17:25 PM

Tình bằng hữu trong đạo Phật

Không nên rời xa bạn tốt, không được gần gũi bạn tà. Bởi tâm thức phàm phu như cuộn chỉ trắng, thường tùy duyên biến chuyển “đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu”.

53-1 (1)

DẪN NHẬP

Qua Tam tạng giáo điển, Đức Thế Tôn và lịch đại Tổ Sư đã giảng dạy nhiều điều khác nhau nhưng không ngoài vấn đề nhân sinh quan, nghiệp báo, giao tiếp giữa người với người như: Cha mẹ, vợ chồng, anh em, thầy trò, bạn bè…. Trong đó, các Ngài đã chỉ rõ việc kết bạn hết sức thiết yếu, quan trọng kể cả trong đạo cũng như ngoài đời. Kết bạn bằng nhiều hình thức, tính chất khác nhau nhưng không ngoài mục đích để sẻ chia, giúp đỡ hay nương cậy nhau về vật chất cũng như về tinh thần.

VAI TRÒ CỦA TÌNH BẠN 

Bạn hữu chiếm vị thế trọng yếu trong đời sống tâm linh cũng như sự thành đạt của mỗi chúng ta. Không có bạn, chúng ta sẽ cô đơn, thật khó vượt qua những khó khăn, cạm bẫy trong cuộc đời. Có thể nói, bản thân ta thành công hay thất bại trên đường đời một phần do bạn bè có tốt hay không. Bạn không những hiểu rõ sở thích, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của ta mà còn giúp ta vượt qua những nghịch cảnh hay cám dỗ để vươn lên, khôi phục tinh thần tự tin mà vui sống. Trong những lúc vô minh, yếu đuối có bạn nhắc nhở kịp thời khiến ta tỉnh giác, can đảm vượt qua mọi khó khăn. Còn hơn thế, bạn có thể giúp ta vượt qua bến mê bước lên bờ giác, từ thất bại đến thành công, từ thân phận thấp kém tiến lên địa vị thành đạt, vinh hiển. Vì vậy, Đức Phật đã dạy chúng ta biết cách kết bạn thế nào cho đúng đắn, hợp lý đưa đến an lạc vĩnh viễn; ngược lại kết bạn xấu ác thì mãi mãi khổ đau:

Nếu người gần gũi ác tri thức

Đời này không được tiếng tốt vang.

Cũng vì thân gần với bạn ác

Đời sau sẽ đọa địa ngục A-tỳ.

Nếu người gần gũi thiện tri thức

Vâng làm theo họ những nghiệp lành

Đời này tuy không mong thế lợi

Nhưng sau dứt được nhân khổ đau [1].

Chính vì hiểu được tầm quan trọng về lợi ích cũng như sự nguy hại của tình bạn, Ngài đã nêu lên lập trường, tư tưởng vững vàng của mình trong kinh Pháp Cú:

Nếu không tìm được bạn

Bằng mình hay hơn mình

Thà quyết sống một mình

Không bè bạn kẻ ngu.

54-1 (1)

Đây không chỉ là lời nhắc nhở cho hàng hậu học mà còn là sự khẳng định quyết tâm: Nếu không gặp được bạn ngang hàng hoặc tài đức hơn thì quyết sống một mình còn hơn bè bạn với kẻ ngu. Bởi bạn tốt giúp ta đi lên, trưởng thành bao nhiêu thì bạn xấu đưa ta đọa lạc bấy nhiêu. Điều đó chứng tỏ ảnh hưởng của bạn đối với ta rất lớn. Người xưa có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Nếu không có lựa chọn phân định chánh tà, phải trái phân minh ta dễ dàng nhầm lẫn gặp ai cũng thân. Thật nguy hiểm biết bao! Bạn bè là cả bầu trời hy vọng, là tia nắng ấm mùa xuân, là vầng nhật nguyệt phá tan tăm tối. Không bạn như bầu trời không một vì sao hy vọng, ta bơ vơ giữa biển đời mênh mông vô tận. Nhưng nếu vô phước gặp kẻ xấu ác, tà kiến thì bạn bè cũng là một vực thẳm nguy nan, là cả đám mây tối sầm khi trời giông bão. Luận đến chỗ tột cùng thì ai ai cũng chuộng vinh ghét nhục, sợ khổ cầu vui. Nhưng mấy ai thích vinh mà biết chuộng điều tốt, cầu phúc mà biết tránh tội. Như gieo hạt lép mà mong được bội thu; cưỡi ngựa què mà mong vượt đường xa, chẳng phải là mê lầm ư? Đến như các loại chim muông, cỏ cây, hoa lá,… còn biết nhờ gió, mượn sương, nương cao, cậy xa để thành tựu việc mình huống gì con người sao không nương bạn hiền để thành tựu việc lớn? Thế nên, gần gũi bạn tốt thì thân vinh đức trọng; chơi với kẻ xấu thì thân bại danh liệt.

BỐN CÁCH KẾT BẠN THEO LỜI PHẬT DẠY

Chính vì thấy được sự trọng yếu của việc kết giao mà Đức Phật đã dạy trong kinh Hiền Nhân bốn cách kết bạn. Thứ nhất đó là: “Kết bạn như hoa”. Hoa thì sớm nở tối tàn. Khi hoa mới nở thì đẹp đẽ, xinh tươi ai nấy đều trân trọng nâng niu; khi úa tàn thì vứt bỏ không tiếc. Cũng thế, khi ta giàu sang thì nhiều bạn bè lui tới, giao hảo, nồng nhiệt; khi sa cơ, thất thế, nghèo hèn thì ai nấy tránh xa đúng như câu ca dao:

Khi vui thì vỗ tay vào

Đến khi khốn nạn thì nào thấy ai

Chơi bạn như thế là không có hậu mà chỉ vì lợi dụng lẫn nhau về lợi lộc, địa vị, tiền bạc mà thôi. Khi những thứ ấy mất đi thì họ phủi áo ra đi, không ai đếm xỉa tới. Gặp cảnh ngộ như thế ai mà chẳng buồn tủi, đau lòng, oán trách đôi khi còn bị nguyền rủa nữa là khác.

Còn trường hợp thứ hai là: “Kết bạn như cân”. Người đời thường nói: “Có qua có lại mới toại lòng nhau”. Cũng như cán cân phải giữ sao cho thăng bằng, không nghiêng lệch. Đó là nguyên tắc để giữ cho tình bạn lâu dài. Nếu chênh lệch thì tình bạn sớm muộn gì cũng sẽ tan rã. Cần tôn trọng lẫn nhau thì mới được bền lâu. Thậm chí, người xưa dạy phải quý bạn bè như khách nghĩa là phải giữ lễ nghi, tôn trọng lẫn nhau, đừng ỷ thân quen mà suồng sã khinh lờn.

Kế tiếp là: “Kết bạn như đất”. Đất là thứ rắn chắc, bền vững; là nơi dung chứa tất cả muôn loài, vạn vật, dù xấu hay dở đất cũng không chối từ. Bạn lành khiến ta an ổn, vui vẻ. Bạn tốt được coi như vị thiện tri thức để cho ta gửi gắm tâm sự, niềm hy vọng. Bạn tốt luôn giúp đỡ khi hoạn nạn, khó khăn và vui mừng khi ta thành đạt. Bạn tốt ta nên giao du, qua lại, hôm sớm có nhau nhưng không có nghĩa là lợi dụng. Nếu lợi dụng thì tình bạn sẽ bị tổn thương cũng như đất kia tuy rắn chắc mà vẫn có thể bị sụp đổ vì bão tố, phong ba. Muốn giữ được lâu bền, chúng ta phải kính quý, tôn trọng, chừng mực, không làm điều gì thái quá, tổn thương danh dự và địa vị của bạn.

Bạn tốt lại có nhiều hạng, nhưng Phật đã dạy trong kinh rằng có bốn hạng:

1. Ngoài như oan gia, nhưng trong thì thân thiết.

2. Trước mặt thì thẳng thắng can ngăn, sau lưng thì nêu việc tốt.

3. Thấy bạn thua trong việc kiện tụng thì lo buồn và tìm cách giúp đỡ.

4. Thấy bạn nghèo khổ tâm không bỏ rơi, muốn giúp họ giàu có

(Kinh Thi-ca-la-việt lục hướng bái).

Lại có thêm những hạng người bạn tốt khác:

1. Gặp bạn bị ốm gầy thì đưa về chăm sóc.

2. Bạn chết thì an táng lo liệu.

3. Bạn đã mất thì lo nghĩ đến gia đình của bạn [2].

Lại nữa, Phật đã dạy trong luật Tứ phần phải đủ bảy yếu tố mới trở thành một người bạn tốt:

1. Cho thứ khó cho

2. Làm việc khó làm

3. Nhẫn điều khó nhẫn

4. Việc mật nói nhau

5. Che chở cho nhau

6. Gặp khổ không bỏ

7. Nghèo hèn không khinh [3].

Người thực hành được bảy yếu tố này là bạn tốt, nên gần gũi học tập.

Như vậy, dựa trên nền tảng của kinh luật, cuối cùng (thứ tư) Phật đã nêu lên một khuôn phép chuẩn mực nhất về tình bạn đó là “kết bạn như núi”. Núi là nơi an toàn, chứa đựng tất cả kỳ hoa, dị thảo, chim muông quý hiếm của quốc gia. Cũng vậy, núi ở đây chỉ cho người đức hạnh và trí tuệ. Người ấy mới xứng đáng cho ta nương tựa tu học. Nếu chim thú về nương náu nơi rừng xanh, núi thẳm cảm thấy an toàn, không lo sợ bị bắt thì ta sống gần người đạo đức cũng sẽ cảm thấy an lạc, giải thoát.

Vì thế, ngay từ khi mới vào đạo Phật đã dạy những điều căn bản cho một vị Sa di: “Chọn bạn hiền mà kết giao. Bạn hiền là nền tảng muôn phước, khiến ta hiện đời mát mẻ. Mai sau ra khỏi Tam đồ. Sinh lên cõi trời hay tu đắc đạo đều nhờ bạn lành.

Vì thế, ngay từ khi mới vào đạo Phật đã dạy những điều căn bản cho một vị Sa di: “Chọn bạn hiền mà kết giao. Bạn hiền là nền tảng muôn phước, khiến ta hiện đời mát mẻ. Mai sau ra khỏi Tam đồ. Sinh lên cõi trời hay tu đắc đạo đều nhờ bạn lành.

Tình bạn và tình huynh đệ

Một lời dạy của người hạnh giải kiêm ưu như kim chỉ nam dẫn đường cho ta noi theo. Vì thế, có lần Tôn giả A-nan bạch Thế Tôn rằng: Được gần vị thiện tri thức là cả nửa đời người sống phạm hạnh. Đức Phật giảng: “Không phải thế đâu A-nan! Được gần vị thiện tri thức là cả đời sống phạm hạnh. Chính Đức Như Lai kiếp xưa (tên Tối Thắng) nhân gặp thợ gốm tên Hỷ Hộ (đã chứng quả Dự Lưu) trên đường đi lễ đức Ca Diếp về. Được bạn rủ đi lễ Phật nhưng ba lần đều chối từ. Hỷ Hộ lên xe tóm lấy Thắng lôi đến chỗ Phật”. Thấy thế, Tối Thắng nghĩ: “Trước kia bạn ta vốn hiền lành nay trở nên hung bạo. Vì Phật mà tóm lấy ta, chắc hẳn không ai bằng Ngài. Cuối cùng, bị bắt buộc, họ cùng đến đảnh lễ, xin Ngài giảng diệu Pháp khiến cho Tối Thắng tin Tam bảo, liền xuất gia tu đạo, đến nay đã chứng Vô thượng Bồ đề. Cho đến các Thánh đệ tử của Đức Thế Tôn cũng có những đôi bạn lý tưởng như ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Các Ngài nhiều kiếp đã từng có một tình bạn chí cốt, phát nguyện tu hành phò trợ Đức Như Lai. Đến khi Đức Thích Ca ra đời, ngài Xá Lợi nhân nghe một bài kệ khai thị về pháp Duyên Sanh mà ngộ đạo liền xuất gia. Sau đó, liền về báo tin cho ngài Mục Kiền Liên cũng đi theo tu hành. Chẳng bao lâu hai Ngài đều chứng quả. Rồi họ trở thành hai đại đệ tử đắc lực, giúp Thế Tôn tuyên dương giáo Pháp, lãnh đạo Tăng đoàn”.

Qua bốn hạng người kết bạn nói trên, Phật khuyên chúng ta không nên kết bạn như hoa, như cân. Còn những ai là bạn như đất, như núi thì nên gần gũi. Nhờ thân cận chúng ta có nhiều lợi ích trong sự tu hành. Như ngài A-nan vốn chưa chứng quả, nhờ sự sách tấn của ngài Đại-ca-diếp mới nỗ lực tột cùng chứng A-la-hán và được dự kết tập kinh điển. Cho đến ngài An Thế Cao ở nước An Tức đã nhiều lần nhắc nhở người bạn mà vẫn không từ bỏ được tập khí sân giận. Sau này vị ấy đọa làm rắn thần ở miếu trên hồ Cung Đình. Nếu không nhờ ngài Thế Cao đắc đạo khai ngộ và cúng dường, tu phước hồi hướng công đức cho thì làm sao rắn thoát thân bàng sanh? Cho đến Tô Đông Pha (ở Trung Hoa) được ngài Phật Ấn dìu dắt, giáo hóa cũng bởi nhân lành kiếp xưa đã từng là bạn thân. Chỉ vì một niệm sai lầm, dù đã tu hành ngộ đạo mà Tô Đông Pha nay phải đọa làm thân học sĩ có đến bảy người thiếp. Nếu ông không nhờ bậc thiện tri thức khai ngộ, điểm hóa thì dù có thông kim, bác cổ cũng chỉ là hạng thế trí biện thông mà thôi. Dù có tài giỏi bao nhiêu mà không có chánh kiến cũng đi vào đọa lạc. Lại nữa, Thiền sư Tử Tâm lúc thiếu thời cùng ngài Linh Nguyên vào thành chơi, về chùa, Hòa thượng hỏi: Đi đâu? Sư đáp: Qua chùa Đại Ninh. Ngay khi ấy sư đệ nói: Sư huynh tu đạo vô vi, sao lại nói dối? Từ đó, ngài Tử Tâm xấu hổ quyết chí tu hành. Sau này, hai Ngài trở thành người tốt được thầy khen ngợi. Như vậy, người bạn trí đức cao vời không những đưa ta đi lên con đường rộng lớn thênh thang mà còn có khả năng nhiếp phục đưa ta vào đạo. Ơn nghĩa ấy thật lớn lao.

56-1 (1)

Ngoài ra, còn vô số chuyện kể về các Thiền sư đã từng có mối tương giao đàm luận Phật pháp rất tâm đắc. Thậm chí có Ngài không cần nói nhiều, chỉ cần một đôi lời mà đã thấu hiểu như đã từng gặp nhau từ vô lượng kiếp rồi. Quý Ngài không chỉ kết thân trong một đời mà còn là tri âm, tri kỉ trong nhiều kiếp. Vì thế, ngoài đời có những tình bạn như: Lưu Bình, Dương Lễ hay Bá Nha, Chung Tử Kỳ đi chăng nữa cũng chưa thể bằng tình đạo hữu trong Phật giáo. Đây là sự kết tinh của tình bạn cao quý nhất, vượt thoát mọi không gian và thời gian; là đỉnh cao của tình bạn đông tây kim cổ. Vì thế, Phật dạy không những kết bạn với người ngang hàng mà còn hơn mình nữa để tiến bộ thăng hoa. Còn nếu kết bạn kém dở hơn mình thì thật tai hại. Họ không đưa ta đi lên mà còn đưa ta xuống dốc, đọa lạc. Chẳng những không bổ ích, an lạc mà còn khiến ta thêm u tối, khổ đau. Nếu không có người bạn ngang hàng hay hơn mình thì quyết sống một mình còn hơn sống với kẻ ngu. Như thế, không bị ai dẫn dắt vào đường tà kiến, ta vẫn có thể sống một mình an ổn, lấy kinh sách làm bạn, lấy chánh pháp của Phật làm thầy dẫn đường.

GIÁ TRỊ LỜI DẠY CỦA ĐỨC PHẬT VƯỢT QUA MỌI THỜI ĐẠI 

Qua bốn cách kết bạn trong kinh Hiền Nhân, Phật đã lên án những người bạn xấu chỉ biết lợi dụng, ích kỉ chúng ta cần lánh xa đồng thời tán dương những người bạn tốt. Từ đây, ta có phương hướng, biết cách chọn bạn làm sao để thăng hoa trên con đường tâm linh. Nếu không có lời dạy của Phật Tổ chưa chắc chúng ta đã biết cách chọn bạn. Thông thường chúng ta kết bạn chỉ vì ngã ái, cảm tính, sở thích, thiên kiến riêng tư của mình. Đâu có ngờ rằng những tính cách ấy đã đánh lừa ta không ít. Nó khiến ta mụ mẫm, không biết đâu chánh đâu tà, chỉ tùy nhân duyên mà gặp. Nhất, là vì ngã ái ta kết bạn lợi ích chẳng được bao nhiêu mà tai hại thì nhiều. Vì thế, ngày nay có biết bao bậc phụ huynh phải lo lắng cho con em khi đến học đường hay ở ngoài xã hội. Bình thường thì con em mình vẫn ngoan hiền nhưng bất ngờ nghe tin con mình đánh nhau, cướp giật, lừa đảo, thậm chí dùng ma túy,… vì bị bạn xấu rủ rê, xúi giục. Cha mẹ tuy ở nhà mà cứ phập phồng, lo âu về con cái của mình rất nhiều.

Các bậc Thầy tổ đã dạy: Nên coi tất cả huynh đệ là bạn bè, không nên giúp đỡ riêng tư hay đặc biệt riêng ai. Tình huynh đệ sẽ hòa đồng, thanh tịnh, giải thoát mới đúng nghĩa Tăng già. Nhiều người kết thân chỉ vì tình cảm (ngã ái) và danh lợi chứ không có gì khác. Thực tế, ta chỉ là người bạn như hoa, như cân, ít ai là người bạn như núi, như đất. Bởi trí tuệ và đức hạnh của chúng ta chưa đủ khả năng để đạt được như thế. Chúng ta dễ đánh mất trí hướng giải thoát cao siêu, tâm Bồ đề bị sa lầy và rất dễ rơi vào tình cảm tầm thường như thế gian. Đó là điều chúng ta phải dè dặt, đề phòng cẩn thận, biết vâng lời các bậc Sư trưởng, giáo thọ. Mặt khác, trong đời sống chúng ta luôn dè dặt, cẩn trọng trong việc chơi bời, giao tiếp luôn lấy sự hòa mục làm quý.

Vì thế, ngay từ khi mới vào đạo Phật đã dạy những điều căn bản cho một vị Sa di: “Chọn bạn hiền mà kết giao. Bạn hiền là nền tảng muôn phước, khiến ta hiện đời mát mẻ. Mai sau ra khỏi Tam đồ. Sinh lên cõi trời hay tu đắc đạo đều nhờ bạn lành. Sanh ta là cha mẹ, thành ta là thầy bạn.Như qua biển lớn buồm lái giúp nhau. Thấy bạn có lỗi tận tình can ngăn. Trong nạn khổ không rời bỏ nhau. Nhưng nếu gặp bạn hư hỏng, ngọt ngào đưa ta vào đường xấu ác thì thật nguy hơn sống với cọp sói” [4].

Qua lời dạy và kinh nghiệm của Phật tổ và các bậc tiền bối, chúng ta cần nhận thức đúng đắn phân minh: Không nên rời xa bạn tốt, không được gần gũi bạn tà. Bởi tâm thức phàm phu như cuộn chỉ trắng, thường tùy duyên biến chuyển “đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu”. Chúng con nguyện đời đời kiếp kiếp lìa bỏ bạn ác, gần gũi bạn lành để thành tựu bản nguyện, xa rời nẻo ác, không còn lui sụt trên đường Bồ đề khiến cho kẻ âm người dương đồng lợi lạc.

Chú thích và tài liệu tham khảo”

[1] Nguyên tác Pháp sư Đạo Thế, Pháp Uyển Châu Lâm tập 4, Nxb. Phương Đông, 2011, tr.430.

[2] Nguyên tác Pháp sư Đạo Thế, Pháp Uyển Châu Lâm tập 4, Nxb. Phương Đông, 2011, tr.431.

[3] Việt dịch HT Thích Đỗng Minh, Luật Tứ phần tập 3, Nxb. Phương Đông, tr. 1468 và 1469.

[4] NT Hải Triều Âm biên soạn, Sadini luật nghi toát yếu, Nxb. Tôn giáo, 2008, tr.87.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Thân và tâm chính là cánh cửa để người học Phật bước vào chân lý

Kiến thức 17:05 22/11/2024

Người học Phật phải lấy thân này làm nơi để thực hành giới, lấy tâm này làm nơi để thực tập định và tuệ. Khi thân và tâm được thanh lọc qua quá trình thực hành, thì người học Phật cũng từng bước đi đến sự giác ngộ và giải thoát.

Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?

Kiến thức 10:00 22/11/2024

Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?

Bố thí sinh phiền não

Kiến thức 09:32 22/11/2024

Thuở xưa, khi mà Ngài Xá-lợi-phất đang tu Bồ-tát đạo, công phu tu tập chưa được vững. Một hôm có người Bà-la-môn đến thử Ngài. Họ nói: - Người tu hạnh Bồ-tát cần phải bố thí. Tôi nay có chút việc đến xin Ngài giúp cho.

Tâm là gì?

Kiến thức 09:16 22/11/2024

Trong chữ Hán, chữ (心) được mô tả bằng bốn câu thơ như sau: “Tam điểm như tinh tượng/ Hoành câu tợ nguyệt tà/ Phi mao tùng thử đắc/ Tố Phật dã do tha”.

Xem thêm