Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 23/06/2014, 10:20 AM

Trăng khuya giữa đại ngàn Ngọa Vân thiêng liêng, kỳ vĩ

Trăng sáng rõ từng đường nét của “bức tranh” núi rừng về đêm. Chúng tôi biết, đã tới khu vực di tích Chùa Đổ. Trên cao, rừng sao lấp lánh thi nhau khoe dáng. “Trăng 18” rạng ngời chào đón đoàn chúng tôi...

Trước khi đi, tôi thầm phát nguyện, cầu mong trời Phật phù hộ cho tôi cùng “người bạn đồng hành” chụp được những hình ảnh “Trăng khuya” nơi đỉnh Ngọa Vân thiêng liêng, kỳ vĩ. Và, những thực tế chân thực đến ngỡ ngàng…

Ảnh chụp lúc 1h42 sáng ngày 18/05/Giáp Ngọ, nơi khoảng sân chính lối lên chùa Ngọa Vân

Trời về khuya, đỉnh trăng càng tỏ rõ. Đoàn hơn 20 người, nhân duyên có Thầy Thích Tâm Hiệp đồng hành, cùng lên đến Thông Đàn khi chưa tới 12 giờ đêm. Mới qua Rằm, trăng vẫn tròn, sáng lung linh, diệu kỳ.

“Trăng 17” khi tỏ, lúc mờ bởi màn đêm mây giăng kín chen lấn “tầm nhìn” của Trăng. Chuyến đi lần này cũng lạ, đợi qua giờ Tý mà sao lâu thế. Gió đại ngàn ù ù thổi mát rượi, có lúc màn sương phủ kín tầm mắt nơi Thông Đàn, khiến chúng tôi thoáng run lạnh.



"Trăng 17" nơi Thông Đàn, ảnh chụp lúc 23h59 ngày 17/05/Giáp Ngọ

Lúc mây tan, “bạn tôi” thỏa sức ngửa mặt lên trời, hướng phía mặt trăng mà ghi nhận. Chiếc máy ảnh Nikon D90, lần đầu tiên được tác nghiệp trong đêm nhưng không hề e dè hay lạ lẫm. Tiếng bấm máy cứ choanh choách. Có lúc ước tính, tôi đếm đến 11-12 lần tiếng máy ảnh “chộp bắt” hình ảnh “Trăng khuya”.

Sau khi Thầy Tâm Hiệp chủ lễ, cùng cả đoàn dâng hương tại Thông Đàn, chiêm bái cùng khấn nguyện trước bảo tháp Viên mãn Chân Giác Thiền sư. Cả đoàn lại tiếp tục hành trình về với Ngọa Vân Am.

0h18 ngày 18/05/Giáp Ngọ, Thông Đàn tỏ rõ qua ánh trăng khuya, trong ánh đèn pin lấp loáng

Sương mờ tan lúc nào không ai hay, tiếng suối rừng ngân nga, gió từng đợt vi vu nâng bước. Nhìn lại Thông Đàn một chút trước khi tiếp bước, khoảng không tĩnh mặc, bình yên, đẹp khó tả. Khi trăng chiếu sáng xuyên màn đêm, Thông Đàn hiện rõ trong ánh trăng cũng là lúc bước sang ngày mới. Đồng hồ chỉ 0 giờ 18 phút, tôi thầm nhủ: đã sang “Trăng 18” rồi! Trăng vẫn sáng và đẹp quá. (chuyến leo núi đêm ngày 17/05/Giáp Ngọ, chẳng mấy đã sang ngày 18).

Chặng đường còn lại kể từ khi chúng tôi rời Thông Đàn, trăng sáng soi rọi từng nấc thang lên núi. Dường như, cả một chặng dài ít khi chúng tôi phải dùng tới đèn pin hay đèn điện thoại. Có đoạn được đi cùng Thầy Tâm Hiệp, tôi theo thói quen dò dẫm bước qua ánh đèn pin điện thoại, Thầy nhắc khẽ: Không cần đèn đâu con, trăng sáng rõ vậy mà.

Sang ngày mới, trăng càng thêm tỏ rõ...

Tắt đèn pin điện thoại, tôi bước chậm lại, hít thở vài hơi thật sâu. Trước tầm mắt, đúng là quang cảnh sáng thấy khá rõ, tôi yên tâm cất bước. Tiếng nhạc niệm Nam Mô A Di Đà Phật từ chiếc điện thoại âm vang. Tôi đã quen như vậy, mỗi lần leo núi về với Ngọa Vân Am. Đi tiếp chừng dăm phút, lại có tiếng nhắc nhở: Tắt nhạc đi con. Con để nhạc vậy, sao mà nghe, mà cảm nhận được tiếng núi rừng về khuya? Giọng Thầy Tâm Hiệp lại nhẹ nhàng trong từng bước đêm…

Ánh trăng xuyên qua từng tán lá, có lúc lấp lánh mặt suối nơi chúng tôi đi qua. Số ít con suối cuối cùng trước khi thực sự ở “ngang đỉnh” núi. Còn xa không nhỉ? Sắp đến đoạn đường bằng chưa? Tiếng thành viên trong đoàn hỏi nhau. Còn chút nữa thôi, chừng 200-300 mét…

Thế mà hơn 20 phút vẫn chưa qua cái 200 mét ấy. Nhưng rồi, chẳng mấy mà không còn thấy bậc thang đá nào nữa. Lối mòn đường rừng quen thuộc tiếp đón chúng tôi. Từng bước chân cẩn trọng hơn, chậm rãi hơn vì chiều hôm trước mưa như trút nước, đường còn chỗ lầy lội, trơn trượt.

Khoảng không trước di tích chùa Đổ


Lối vào chùa Đổ sáng rõ trong ánh trăng

Đi thêm chừng 15-20 phút, một đợt gió mát lạnh bủa khắp từng không. Trăng sáng rõ từng đường nét của “bức tranh” núi rừng về đêm. Chúng tôi biết, đã tới khu vực di tích chùa Đổ. Trên cao, rừng sao lấp lánh thi nhau khoe dáng. “Trăng 18” rạng ngời chào đón đoàn chúng tôi tới Chùa Đổ. Không khí thanh mát lạ kỳ, mọi mệt mỏi tan biến nhường chỗ cho niềm hân hoan, những tiếng nói cười rôm rả. Khi đó, đồng hồ chỉ 1 giờ 29 phút sáng ngày 18/05/Giáp Ngọ.

Một góc gác mái chùa Ngọa Vân trong đêm trăng thanh tịnh

Có người giờ mới kịp hàn huyên cùng bạn đồng hành dù lần đầu cùng nhau leo núi. Có người trong lòng mừng vui khôn tả khi lại được hàn huyên cùng “Đêm Ngọa Vân” nơi di tích chùa Đổ.
 
Chừng 1 giờ 40 phút sáng, chúng tôi đã có mặt đông đủ nơi chùa Ngọa Vân, “điểm danh” không thấy thiếu ai. Ai cũng tranh thủ tận dụng nguồn nước tự nhiên mát rượi. Từng gáo nước nhỏ dội lên mặt, rồi chảy dọc cánh tay, xối dội đôi chân có phần nhức mỏi… Mát quá! Dễ chịu đến không ngờ.

Đỉnh trăng nơi Ngọa Vân Am thiêng liêng, kỳ vĩ lúc 1h53 ngày 18/05/Giáp Ngọ

Đêm! Trăng thanh vẫn “tươi cười” rạng rỡ cùng những áng mây. Gió đại ngàn vi vu như nhắn nhủ:

Về với Ngọa Vân đỉnh non thiêng
Lữ khách buông những nỗi niềm riêng
Đắm mình trăng sáng, thanh bình quá
Thoáng chốc ngỡ mình lạc cõi tiên…

Chuyến về lại Ngọa Vân Am lần này, không ít người trong chúng tôi cảm nhận như lạc vào cõi tiên. Có lẽ vậy? Mà bậc tiền nhân khi xưa, Ông tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - Vua Trần Nhân Tông cũng lặng người trong tỉnh giác rằng:

“Hữu cú vô cú
Tự xưa tự nay
Quên trăng ngắm ngón
Chết đuối trên bờ”.
(bài Hữu Cú vô Cú, Trần Nhân Tông).*

Ánh trăng huyền mặc nơi núi rừng u tịch, qua con mắt trần thế, có lẽ cũng như những đêm trăng khác mà thôi.

Thế nhưng, Trúc Lâm Đệ Nhị Pháp Loa dường như đã thể nhập cùng ánh trăng chân lí giữa bến miền an nhiên tịch tịnh vô biên:

“Một thân nhàn nhã dứt muôn duyên
Hơn bốn mươi năm những hão huyền,
Nhắc bảo các người đừng gạn hỏi
Bên kia trăng gió rộng vô biên”. **

Tất cả mọi sự chấp thủ dù là tích cực hay tiêu cực đều là mê lầm. Chính vì chấp thủ mà phải bị giam hãm mãi, giống như một con nhện tự giam mình trong màng lưới do chính mình kết nên.

Vượt khỏi mọi sự bám víu chính là trạng thái siêu thoát của nguyên lí vô thức tịch tĩnh trong thiền học...

Chúng tôi đã có một chuyến vân hành lên Am Ngọa Vân thật thú vị! 

Thường Nguyên

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Người dân một số quốc gia Đông Nam Á đi chùa, cầu an dịp Tết cổ truyền

Ảnh 19:42 15/04/2024

Không khí lễ hội đón tết cổ truyền 2024 đang diễn ra sôi nổi tại nhiều quốc gia khu vực Đông Nam Á.

Ngắm những ngôi chùa có kiến trúc độc đáo của người Khmer tại Sóc Trăng

Ảnh 13:16 05/04/2024

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nhất cả nước, vì thế cũng là nơi lưu giữ những bản sắc văn hóa độc đáo của người Khmer, đặc biệt là kiến trúc tại các ngôi chùa.

Khai mạc triển lãm tưởng niệm 10 năm ngày Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh viên tịch

Ảnh 18:30 01/04/2024

Chiều 31-3, triển lãm về cuộc đời và đạo nghiệp của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh (1917-2014), Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN đã được khai mạc tại chùa Vạn Đức (TP.Thủ Đức).

Xuất gia báo hiếu, nghi lễ quan trọng nhất đời người ở Myanmar

Ảnh 11:00 17/03/2024

Hầu hết người dân ở Myanmar đều một lần trải qua nghi lễ Shin Pyu để lên chùa tu tập, báo hiếu cha mẹ.

Xem thêm