Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Kinh Chánh tri kiến – nền tảng đạo đức Phật học

Kinh Chánh tri kiến là một bản Kinh dài và quan trọng được tôn giả Xá-lợi-phất thuyết giảng cho các chúng Tỳ-kheo, địa điểm ở thành Xá-vệ, tại Kỳ-đà – vườn của trưởng giả Cấp-cô-độc.

Đức Phật xuất hiện trên thế gian đem lại an vui cho tất cả chúng sanh. Đạo Phật là đạo của giác ngộ và giải thoát. Sự giác ngộ và giải thoát ấy chính là đạt được trí tuệ, vì chỉ có trí tuệ mới là mục đích tối thượng để đưa con người đến con đường hạnh phúc. Trí tuệ lại được thành tựu trên nền tảng của chánh kiến và sự tu tập, đó là sự hiểu biết sáng suốt, đúng đắn, chân thật. Bởi có chánh kiến mới có thể nhận thức rõ mọi phiền não, từ đó tiến đến diệt trừ và chấm dứt tất cả khổ đau sanh tử. Cho nên, trí tuệ chính là chánh kiến, có chánh kiến tức là có trí tuệ, chánh kiến là nhân, là nền tảng phát triển của tuệ giác.

Những lời dạy của Đức Thế Tôn trong hệ thống Thánh điển Pāli, chánh kiến giữ vị trí đứng đầu, đóng vai trò quan trọng và then chốt không những trên con đường giải thoát, mà còn để đạt được an lạc trong hiện tại cuộc đời. Nổi bật trong đó là Kinh Chánh tri kiến, một trong những bản Kinh tiêu biểu nhấn mạnh về vai trò của chánh kiến.

Lược giảng Kinh Pháp hoa

Trong Phật giáo, “niềm tin” có vai trò quan trọng tạo nên sức mạnh tiềm tàng và vô tận, nó thôi thúc sự nổ lực phấn đấu để vươn tới mục đích cao cả và tối thượng. Nhưng niềm tin đó phải là chánh tín, chân chánh, có chánh kiến và được đặt cơ sở của sự hiểu biết, trí tuệ.

Trong Phật giáo, “niềm tin” có vai trò quan trọng tạo nên sức mạnh tiềm tàng và vô tận, nó thôi thúc sự nổ lực phấn đấu để vươn tới mục đích cao cả và tối thượng. Nhưng niềm tin đó phải là chánh tín, chân chánh, có chánh kiến và được đặt cơ sở của sự hiểu biết, trí tuệ.

Tổng quan Kinh Chánh tri kiến (Sammāditthi Sutta)

Kinh Chánh tri kiến (Sammāditthi Sutta) là một bản Kinh dài và quan trọng được tôn giả Sāriputta (Xá-lợi-phất) thuyết giảng cho các chúng Tỳ-kheo, địa điểm ở thành Sāvatthī (Xá-vệ), tại Jetavana (Kỳ-đà) – vườn của trưởng giả Anāthapindika (Cấp-cô-độc). Kinh Chánh tri kiến đứng vị trí thứ chín trong Kinh Trung Bộ (Majjhima Nikāya), thuộc hệ thống Kinh điển Nikāya. Mặc dù do tôn giả Xá-lợi-phất thuyết, nhưng nội dung và ý nghĩa của kinh rất hợp với những điều mà Đức Phật đã giảng dạy trong nhiều bài kinh.

Đại ý và cốt lõi trong bài Kinh là sự trình bày của tôn giả Sāriputta về chánh tri kiến đối với “mười sáu pháp”, chia làm năm nhóm: Căn bản bất thiện và thiện, Bốn loại thức ăn, Tứ diệu đế, 12 chi phần duyên khởi, Lậu hoặc và con đường chấm dứt lậu hoặc. Qua đó, Tôn giả muốn khẳng định do tuệ tri đúng đắn các pháp trên mà hành giả có khả năng tự chuyển hóa, diệt trừ tận gốc rễ tất cả tham tùy miên (rāgānusaya), sân tùy miên (patighānusaya), ngã kiến mạn tùy miên (attaditthimā), đoạn tận vô minh tùy miên (avijjānusaya), khiến cho minh (vijjā) được sanh khởi và chấm dứt mọi khổ đau ngay trong hiện tại của cuộc đời. Được như vậy, vị ấy xứng đáng là vị Thánh đệ tử có “Chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin Pháp tuyệt đối và thành tựu diệu pháp này” [1].

Khái lược Chánh tri kiến (Sammāditthi)

Khái niệm về Tri kiến

Theo nghĩa của từ ngữ, Sammā dịch là “chánh, đúng đắn, hợp lý”, Ditthi dịch là “trí, kiến giải, quan điểm”, nghĩa là “hiểu đúng, thấy đúng, cái biết, cái thấy cao quý” nên Sammāditthi được gọi là “Chánh tri kiến, Tri kiến hay Chánh kiến”. Nói cách khác, chánh tri kiến là một sự nhận thức đúng đắn, hoàn chỉnh, như thật tuệ tri (pajānāti). Chính nhận thức, quan điểm đúng đắn và hợp lý đưa đến hành động và lời nói đúng đắn, hợp lý. Hành động và lời nói đúng đắn, chân thật đưa đến sự an lạc, giải thoát cho chính mình và cho mọi người trong hiện tại và tương lai. Như Đức Phật đã dạy:

Có lỗi, biết có lỗi,

Không lỗi, biết là không;

Do chấp nhận chánh kiến,

Chúng sanh đi cõi lành.

(Thích Minh Châu dịch, Kinh Pháp Cú, kệ 319)

Ngược lại, nhận thức và quan điểm sai lầm sẽ dẫn đến hành động và lời nói sai lầm, không đúng với sự thật. Hành động và lời nói sai lầm, lệch lạc đưa đến sự khổ đau cho chính mình và cho mọi người trong hiện tại và tương lai. Những nhận thức, quan điểm sai lầm, trái với sự thật đó chính là “tà kiến” (Micchāditthi):

Không lỗi, lại thấy lỗi,

Có lỗi, lại thấy không;

Do chấp nhận tà kiến,

Chúng sanh đi ác thú.

(Thích Minh Châu dịch, Kinh Pháp Cú, kệ 318)

Đọc và học Kinh Phật

Trong Kinh Chánh tri kiến, tôn giả Sāriputta đã chỉ rõ nội dung, bản chất của “Tứ Thánh đế”, một bước mang tính quy luật căn bản của sự tu tập hành trì trong đạo Phật.

Trong Kinh Chánh tri kiến, tôn giả Sāriputta đã chỉ rõ nội dung, bản chất của “Tứ Thánh đế”, một bước mang tính quy luật căn bản của sự tu tập hành trì trong đạo Phật.

Có hai loại chánh kiến đó là: “Chánh kiến hữu lậu có sanh y” và “Chánh kiến vô lậu, không có sanh y”. Chánh kiến hữu lậu: Là sự thấy đúng, hiểu đúng nhưng còn trong phạm vi thế gian (hiệp thế). Tri kiến hữu lậu là trí nhận pháp hữu vi làm cảnh, có thể dẫn đến tái sanh trong tương lai nên chưa thoát khỏi nghiệp, được hưởng phước báu lành của thiện nghiệp nên gọi là trí hữu lậu, còn tạo ra danh sắc mới nên gọi là sanh y: “Có bố thí, có cúng dường, có tế tự; có quả báo các nghiệp thiện ác; có đời này, có đời khác; có mẹ, có cha; có các loại hóa sanh; ở đời có các vị Sa môn, Bà la môn chánh hướng, chánh hạnh, sau khi với thượng trí tự mình chứng đạt đời này và đời khác lại tuyên bố lên. Như vậy, này các Tỷ kheo là chánh kiến hữu lậu, thuộc phước báo, đưa đến quả sanh y” [2].

Chánh kiến vô lậu, siêu thế: Là sự hiểu đúng, thấy đúng một cách toàn vẹn, cao thượng, không bị trói buộc bởi phiền não cấu uế (vô lậu), vượt thoát thế gian (siêu thế), là chi phần của Thánh đạo. Tuệ hòa hợp với Thánh đạo hay Thánh quả khi nhận Niết bàn làm cảnh. Loại trí này có công năng diệt nghiệp và không tạo ra danh sắc mới: “Phàm cái gì, này các Tỷ kheo, thuộc trí tuệ, tuệ căn, tuệ lực, trạch pháp giác chi, chánh kiến, đạo chi của một vị tu tập Thánh đạo, thành thục trong Thánh đạo, có vô lậu tâm, có Thánh tâm. Chánh kiến như vậy, này các Tỷ kheo, thuộc bậc Thánh, vô lậu, siêu thế, thuộc đạo chi” [3].

Tri kiến chân chánh, chánh trực

Tri kiến chân chánh hay tri kiến chánh trực là một trong “mười sức mạnh” [4] của một Tỳ-kheo Thánh đệ tử Phật. Đó là sự hiểu rõ, thấy rõ một cách đúng đắn, như thật tuệ tri về “thiện” (kusala) và “bất thiện” (akusala), cội rễ của thiện và bất thiện. Tuệ tri về “mười ác nghiệp”: Sát, đạo, dâm (thân), nói dối, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm (khẩu) và tham, sân, tà kiến (ý), là bất thiện, là cội rễ của bất thiện (tham, sân, si): “Chư Hiền, sát sanh là bất thiện, lấy của không cho là bất thiện, tà hạnh trong các dục là bất thiện, nói láo là bất thiện, nói hai lưỡi là bất thiện, ác khẩu là bất thiện, nói phù phiếm là bất thiện, tham dục là bất thiện, sân là bất thiện, tà kiến là bất thiện. Chư Hiền, như vậy gọi là các bất thiện” [5].

Ngược lại, từ bỏ mười ác nghiệp và thực hành “mười thiện nghiệp” đó chính là tuệ tri về thiện, về cội rễ của thiện (vô tham, vô sân, vô si): “Từ bỏ sát sanh là thiện, từ bỏ lấy của không cho là thiện, từ bỏ tà hạnh trong các dục là thiện, từ bỏ nói láo là thiện, từ bỏ nói hai lưỡi là thiện, từ bỏ ác khẩu là thiện, từ bỏ nói phù phiếm là thiện, không tham dục là thiện, không sân là thiện, Chánh tri kiến là thiện. Chư Hiền, như vậy gọi là các thiện” [6].

Nếu thiện và bất thiện liên hệ trực tiếp đến cuộc sống của con người cho đến tất cả chủ nghĩa học thuyết, tôn giáo tại thế gian này thì sự sinh hoạt ăn uống tiêu dùng là điều không thể thiếu. Có bốn loại thức ăn: Đoàn thực (thức ăn vật lý), xúc thực (thức ăn tiếp xúc), tư niệm thực (thức ăn tác ý), thức thực (thức ăn ý thức) [7], giúp hỗ trợ và duy trì mạng sống của con người hiện tại cũng như cho sự tái sanh ở tương lai. Sự hiểu biết đúng đắn hay tuệ tri về thức ăn (āhāra), sự tập khởi, sự diệt đoạn, con đường đưa đến sự diệt đoạn của chúng. Ái (Dục ái, hữu ái, phi hữu ái) được xem là nguồn gốc thức ăn, nơi nào có lòng đam mê, tham ái thì nơi đó có hưởng thụ và chiếm hữu. Muốn chấm dứt cần phải tu tập Bát Chánh đạo để có được sự an lạc.

Quy trình nhận thức chân chánh về bốn nguyên lý của thức ăn cũng chính là nói về “bốn chân lý cao thượng” (Cattāri Ariya saccāni) hay “bốn sự thật” (khổ, tập, diệt và đạo): “Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ, cầu không được là khổ, tóm lại năm thủ uẩn là khổ. Chư Hiền, như vậy gọi là Khổ (…) Chính là ái đưa đến tái sanh, cùng khởi hỷ dục và tham hướng đến tái sanh, cùng khởi hỷ dục và tham, tìm cầu hỷ lạc chổ này chổ kia, tức là dục ái, phi hữu ái. Chư Hiền, như vậy gọi là Tập khởi của khổ. Chư Hiền, thế nào là Đoạn diệt của khổ? Đó là sự đoạn diệt ly tham, không có dư tàn, sự quăng bỏ, sự từ bỏ, sự giải thoát, sự vô chấp khát ái ấy. Chư Hiền, thế nào là Con đường đưa đến đoạn diệt của khổ? Chính là Thánh đạo tám ngành đưa đến khổ diệt” [9].

Đạo Phật đặc biệt chú trọng đến vai trò của trí tuệ, tức thấy đúng và biết đúng chân thật rốt ráo: “Chánh pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng, một Chánh pháp thiết thực hiện tại, vượt ngoài thời gian, đến để mà thấy, luôn luôn hướng thượng, chỉ người có trí tự mình giác hiểu”.

Đạo Phật đặc biệt chú trọng đến vai trò của trí tuệ, tức thấy đúng và biết đúng chân thật rốt ráo: “Chánh pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng, một Chánh pháp thiết thực hiện tại, vượt ngoài thời gian, đến để mà thấy, luôn luôn hướng thượng, chỉ người có trí tự mình giác hiểu”.

Trong Kinh Chánh tri kiến, tôn giả Sāriputta đã chỉ rõ nội dung, bản chất của “Tứ Thánh đế”, một bước mang tính quy luật căn bản của sự tu tập hành trì trong đạo Phật. Đó là hệ quy trình ngược, từ quả rồi đến nhân, tức nói lên thực tại khổ đau, sau đó mới chỉ ra nguyên nhân khổ đau, sự diệt trừ khổ đau và con đường đưa đến sự đoạn diệt đau khổ. Sự hiểu biết đúng đắn, tuệ tri về Tứ Thánh đế cho đến tuệ tri chơn chánh, chánh trực về các chi phần nhân duyên hay còn gọi là “Duyên khởi” (Paticcasamuppāda). Công thức quy trình Duyên khởi bắt nguồn từ già chết, sự tập khởi, sự đoạn diệt và con đường đưa đến sự đoạn diệt của chúng. Mười hai chi phần Duyên khởi gồm: Già chết (jarāmarana), sanh (jāti), hữu (bhava), thủ (upādāna), ái (tanhā), thọ (vedanā), xúc (phassa), lục nhập (salāyatana), danh sắc (nāma rūpa), thức (viññāna), hành (sankhāra), vô minh (avijjā). Cuối cùng là sự tuệ tri chơn chánh về các lậu hoặc (āsava), có ba lậu hoặc gồm: Dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu, sự tập khởi, sự đoạn diệt và con đường đưa đến sự đoạn diệt các lậu hoặc.

Tri kiến tin Pháp tuyệt đối

Tri kiến có lòng tin Pháp tuyệt đối, tức “niềm tin bất động” vào lời dạy của Đức Phật là hiểu rõ, thấy rõ các pháp hữu vi là “vô thường, khổ, vô ngã, với tâm giải thoát, tâm bất động” [10] nên có niềm tin tưởng vào Chánh pháp một cách tuyệt đối. Trong Phật giáo, “niềm tin” có vai trò quan trọng tạo nên sức mạnh tiềm tàng và vô tận, nó thôi thúc sự nổ lực phấn đấu để vươn tới mục đích cao cả và tối thượng. Nhưng niềm tin đó phải là chánh tín, chân chánh, có chánh kiến và được đặt cơ sở của sự hiểu biết, trí tuệ. Nên khi Đức Phật đề cập đến niềm tin thì bao giờ Ngài cũng hướng đến sự tu tập đó là: “Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ” (Ngũ căn và Ngũ lực), một tiến trình tu tập, phát triển tâm linh từ thấp đến cao, từ cạn đến sâu trong đạo Phật. Nhưng khi niềm tin đã phát triển thành tuệ giác hay chánh kiến, thì niềm tin đó trở nên bất động, không có gì có thể làm lay chuyển được, có niềm tin tuyệt đối với Chánh pháp: “Pháp này để cho người ít dục, pháp này không phải để cho người nhiều dục; pháp này để cho người biết đủ, pháp này không phải để cho người không biết đủ; pháp này để cho người sống thanh vắng, pháp này không phải để cho người ưa hội chúng; pháp này để cho người tinh cần tinh tấn, pháp này không phải để cho người biếng nhác; pháp này để cho người trú niệm, pháp này không phải để cho người thất niệm; pháp này để cho người thiền định, pháp này không phải để cho người không thiền định; pháp này để cho người có trí tuệ, pháp này không phải để cho người ác tuệ (…). Pháp này để cho người không ưa hý luận, không thích hý luận; pháp này không phải để cho người ưa hý luận, thích hý luận” [11].

Đó là lòng tin Chánh pháp tuyệt đối của những bậc Đại nhân, bậc Thánh khi đã chứng đạt Niết-bàn (chánh kiến vô lậu, siêu thế). Còn đối hạng phàm phu có chánh kiến (chánh kiến hữu lậu, hiệp thế) thì đặt lòng tin, niềm tin vững chắc về Tam Bảo, về lời dạy của Đức Phật: “Đó là Pháp, đó là Luật, đó là lời dạy của bậc Đạo sư” [12]. Trong hai loại chánh kiến trên, Sāriputta đặc biệt nhấn mạnh đến “chánh kiến vô lậu, xuất thế gian” của bậc Thánh khi nói đến “lòng tin Pháp tuyệt đối” và “thành tựu diệu pháp” [13].

Thành tựu Diệu Pháp (Saddhamma)

Chữ Saddhamma, gồm Sam nghĩa là “tốt đẹp” và Dhamma nghĩa là “Pháp, giáo lý, chân lý”, nên Saddhamma có nghĩa là “Diệu Pháp”. Diệu pháp ở đây để khẳng định rằng, chánh tri kiến là một pháp môn mầu nhiệm, có khả năng chuyển hóa những khổ đau sanh tử, đưa đến giải thoát và Niết-bàn.

Diệu pháp là những chân lý tối thượng, vi diệu, rốt ráo, thù thắng do Đức Phật thuyết giảng, truyền dạy được kết tập thành hệ thống Kinh tạng Pāli, gồm 5 bộ Nikāya [14]. Hay nói một cách rõ ràng và cụ thể, Diệu Pháp tức chỉ cho 37 pháp (Phẩm trợ đạo) dẫn đến chứng đạt Niết-bàn đó là: Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi và Bát chánh đạo. Ngoài ra, Diệu Pháp còn chỉ cho những đức tánh cần thiết cho một vị Tỳ-kheo, hàng đệ tử xuất gia của Đức Phật: “Có bảy diệu pháp này, này các Tỷ kheo. Thế nào là bảy? Tín, xấu hổ, sợ hãi, nghe nhiều, tinh tấn, chánh niệm, có trí tuệ. Này các Tỷ kheo, có bảy diệu pháp này” [15]. Diệu Pháp còn nói đến sự thành tựu bảy sức mạnh: “Này các Tỷ kheo, có bảy sức mạnh này. Thế nào là bảy? Tín lực, tấn lực, tàm lực, quý lực, niệm lực, định lực, tuệ lực. Này các Tỷ kheo, có bảy sức mạnh này” [16].

Như vậy, thành tựu Diệu pháp được đặt trên nền tảng của chánh kiến, cơ sở của sự phát triển tuệ giác. Chính sự hiểu rõ, biết rõ, quan điểm, nhận thức đúng đắn, như thật tuệ tri, mà một vị đệ tử Phật thành tựu được “chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối, thành tựu diệu pháp”, chứng ngộ, giải thoát và tối thượng Niết-bàn.

Tín - Hạnh - Nguyện trong kinh A Di Đà

Trong hầu hết các kinh điển của hệ thống Thánh điển Pāli, Đức Phật luôn luôn nhấn mạnh vai trò của trí tuệ trong việc đoạn trừ khổ đau của con người.

Trong hầu hết các kinh điển của hệ thống Thánh điển Pāli, Đức Phật luôn luôn nhấn mạnh vai trò của trí tuệ trong việc đoạn trừ khổ đau của con người.

Chánh tri kiến đi đầu trong Bát chánh đạo

Con đường đưa đến giải thoát khỏi khổ đau sanh tử luân hồi do Đức Thế tôn tuyên thuyết khởi nguồn bằng sự nhận thức đúng đắn, chân thật về thực tại của vạn pháp. Có nhận thức đúng đắn mới có tư duy đúng đắn, lời nói đúng đắn, hành động đúng đắn, sinh sống đúng đắn, nỗ lực đúng đắn, nhớ nghĩ đúng đắn, định tâm đúng đắn, trí tuệ đúng đắn và đưa đến giải thoát, giác ngộ. Chánh tri kiến là dấu hiệu khởi đầu của “Bát Chánh đạo”, đóng vai trò quan trọng trên tiến trình tu tập Phật pháp: Ở đây, này các Tỷ kheo, Chánh kiến đi hàng đầu. Và như thế nào, này các Tỷ kheo, là Chánh kiến đi hàng đầu? Chánh tư duy, này các Tỷ kheo, do Chánh kiến được khởi lên. Chánh ngữ do Chánh tư duy được khởi lên. Chánh nghiệp do Chánh ngữ được khởi lên. Chánh mạng do Chánh nghiệp được khởi lên. Chánh tinh tấn do Chánh mạng được khởi lên. Chánh niệm do Chánh tinh tấn được khởi lên. Chánh định do Chánh niệm được khởi lên. Chánh trí do Chánh định được khởi lên [17].

Bát Chánh đạo (Ariya atthangika magga) tức con đường tám nhánh hay tám chi phần để giải thoát sanh tử khổ đau, là một trong “Ba mươi bảy phẩm trợ đạo” và là pháp môn tu tập căn bản trong Phật giáo. Bất cứ một vị đệ tử xuất gia nào cũng phải hiểu rõ giáo lý này, đó là kim chỉ nam và phương pháp tu tập để đưa đến giải thoát của bậc Thánh. Nhưng muốn thành tựu đời sống của bậc Thánh phải như thật chân chánh về bốn chân lý Thánh đế: “Với Tỷ kheo có chánh tri kiến này, này các Tỷ kheo, chờ đợi là vị ấy sẽ rõ biết: “Đây là khổ”; vị ấy sẽ rõ biết: “Đây là khổ tập khởi”; vị ấy sẽ rõ biết: “Đây là khổ diệt đoạn”; vị ấy sẽ rõ biết: “Đây là con đường đưa đến khổ đoạn diệt”. Do vậy, này các Tỷ kheo, một sự cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Đây là khổ”, một sự cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Đây là khổ tập khởi”, một sự cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Đây là khổ đoạn diệt”, một sự cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Đây là con đường đưa đến khổ đoạn diệt” [18].

Do chánh kiến đóng vai trò then chốt trong lộ trình thực hành Bát chánh đạo đưa đến sự liễu ngộ “Bốn Thánh đế”, con đường độc nhất đi vào giải thoát hết thảy lậu hoặc, đạt quả vị A-la-hán (Arahant) tối thượng và Niết-bàn [19]. Vì thế, Đức Phật đặc biệt nhấn mạnh đến chánh kiến, đề cao năng lực trí tuệ trong quá trình tu tập giải thoát của một vị hành giả đệ tử. Phải có nhận thức đúng đắn một cách như thật, toàn vẹn về vạn pháp, khổ đau sanh tử thì mới hiểu đúng, thấy rõ từ đó quyết tâm thực hành con đường chân lý giác ngộ. Bởi nếu không hiểu, thấy được bản chất của khổ đau vạn hữu thì sẽ mãi chìm trong si mê, tà kiến, không bao giờ biết được cách thực hành và nỗ lực thoát ly sanh tử.

Đạo Phật là đạo trí tuệ

Trong hầu hết các kinh điển của hệ thống Thánh điển Pāli, Đức Phật luôn luôn nhấn mạnh vai trò của trí tuệ trong việc đoạn trừ khổ đau của con người. Cũng vậy, người đệ tử Phật nếu muốn diệt trừ phiền não nhưng không học, không hiểu Phật pháp, không có trí tuệ thì không thể nào cắt đứt phiền não, phá tan vô minh và giác ngộ, giải thoát được. Đức Thế tôn là bậc đại giác ngộ, đại trí tuệ nên Ngài luôn đề cao và ca ngợi trí tuệ. Do vậy, lời giáo huấn đầu tiên trong Kinh Tất Cả Lậu Hoặc, Đức Phật đã khẳng định rằng: “Này các Tỷ kheo, Ta giảng sự diệt tận lậu hoặc cho người biết, cho người thấy, không phải cho người không biết, cho người không thấy” [20].

Sự biết và thấy ở đây, tức là chỉ cho sự hiểu biết của con người, tức có nghĩa phải biết đạo lý, biết phân biệt đúng và sai, thiện và ác. Việc làm đúng phù hợp với chân lý được Đức Phật khuyến tấn phát triển và hành trì, còn những việc sai quấy bất thiện thì ngài khuyên cần phải xa lánh, từ bỏ và diệt trừ [21]. Ví như, một người muốn thực hành đời sống phạm hạnh của hàng xuất gia phải biết và thực hành “thiểu dục tri túc”, nếu chỉ biết thụ hưởng dục lạc, vật chất lợi dưỡng thì tâm sinh tham đắm, mong cầu không còn chí hướng tu tập; ngược lại, nếu khổ hạnh, ép xác thì cơ thể ốm yếu, tật bệnh, tinh thần không sáng suốt, minh mẫn. Do đó, thực hành lối sống trong sinh hoạt và tu tập theo lời Phật dạy nói lên sự hiểu biết đúng đắn và sự hiểu biết ấy chính là trí tuệ.

Đạo Phật đặc biệt chú trọng đến vai trò của trí tuệ, tức thấy đúng và biết đúng chân thật rốt ráo: “Chánh pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng, một Chánh pháp thiết thực hiện tại, vượt ngoài thời gian, đến để mà thấy, luôn luôn hướng thượng, chỉ người có trí tự mình giác hiểu” [22]. Giáo pháp của Thế tôn luôn có mối liên hệ mật thiết với đời sống hiện tại, có lợi ích ngay trong đời sống hiện tại. Chân lý ấy không bị giới hạn bởi không gian, thời gian, dù ở điều kiện, hoàn cảnh, thời đại nào cũng đều đúng và hợp lý (Tứ đế, Duyên khởi, vô thường, vô ngã…), nên có giá trị trong hiện tại mà còn cả ở tương lai. Nhưng để đạt chân lý ấy, điều kiện tiên quyết phải được xây dựng từ nền tảng trí tuệ, có trí tuệ mới đạt tới sự giác ngộ. Đây là mục đích hướng đến của những bậc “Thượng nhân” với lý tưởng lấy trí tuệ làm sự nghiệp: “Duy tuệ thị nghiệp” (Kinh Bát Đại Nhân Giác).

Đại cương Kinh Pháp Hoa

Con đường đưa đến giải thoát khỏi khổ đau sanh tử luân hồi do Đức Thế tôn tuyên thuyết khởi nguồn bằng sự nhận thức đúng đắn, chân thật về thực tại của vạn pháp.

Con đường đưa đến giải thoát khỏi khổ đau sanh tử luân hồi do Đức Thế tôn tuyên thuyết khởi nguồn bằng sự nhận thức đúng đắn, chân thật về thực tại của vạn pháp.

Chân lý giá trị của bài kinh và sự ứng dụng vào đời sống tu học của tự thân

Thông qua Kinh Chánh tri kiến, ta học được chánh kiến trong cuộc sống hằng ngày, đặt trên nền tảng của sự hành trì tu tập để đạt được cái nhìn tuệ giác. Lời kinh sâu sắc, không những dành cho đệ tử xuất gia mà còn cho hàng Phật tử tại gia và nhân loại. Chánh kiến là nhu cầu của cuộc sống, nơi nào có chánh kiến thì nơi đó có cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc, tất cả khổ đau được chuyển hóa tận gốc rễ. Đó là lý do Đức Phật đặt chánh kiến ở vị trí đầu tiên trong Bát Chánh đạo.

Do đó, khi học bản Kinh này, chúng ta phải thực tập và ứng dụng những lời dạy trong Kinh để đạt được chánh tri kiến. Mục đích của người xuất gia chúng ta là mong cầu sự giải thoát, sự giải thoát đó phải được xây dựng trên cơ sở là giác ngộ, tức trí tuệ hay chánh kiến. Có trí tuệ mới nhận thức được chân lý Tứ đế và nguyên lý Duyên khởi, thấy được bản chất của các pháp là vô thường, vô ngã thì mới có sự giải thoát. Đây cũng là ý nghĩa của câu “đến để mà thấy”, đến để tìm hiểu, thực hành để đạt giác ngộ chứ không phải đến để tin, vì niềm tin cũng chỉ là yếu tố đầu tiên để xây dựng nền tảng chánh kiến, đạt được trí tuệ, nên không chỉ có tin và dừng lại ở đó mà phải tự mình biết rõ [23]:

“Chớ có tin vì nghe báo cáo; chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng; chớ có tin vì lý luận suy diễn; chớ có tin vì diễn giải tương tự; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì xuất phát từ nơi có uy quyền; chớ có tin vì vị Sa môn là bậc Đạo sư của mình” [24].

Tự mình biết rõ, hiểu rõ đó là chánh kiến, có chánh kiến mới hiểu được giáo lý chánh pháp và thực hành đem lại lợi lạc cho tự thân. Nên chánh kiến có khả năng hướng thượng, đưa đến sự giác ngộ và trí tuệ tối thượng: “Ví như, này các Tỷ kheo, trong các loài bàng sanh, con sư tử, vua các loài thú, được xem là tối thượng, tức là về sức mạnh, về tốc lực, về dõng mãnh. Cũng vậy, này các Tỷ kheo, trong các pháp thuộc phần giác ngộ, tuệ căn được xem là tối thượng, tức là về giác ngộ” [25].

Muốn trí tuệ được phát sanh, chúng ta phải thực hành thiền định, vì đây là cơ sở của tuệ giác, nội dung thực tập tất yếu của hành giả đệ tử Phật. Tu tập thiền định cũng chính là tu tập về tuệ căn (Ngũ căn), chánh kiến (Bát chánh đạo), tuệ (Tam vô lậu học), tuệ giác của thiền quán sẽ quét sạch mọi tham ái, sân hận, si mê, kiến mạn tùy miên, vô minh và khổ đau sanh tử.

Tóm lại, Kinh Chánh tri kiến là bản kinh quan trọng trong hệ thống kinh tạng Nikāya, có liên hệ đến các phương cách nhận thức, ứng xử và hành trì ở trong cuộc sống hằng ngày của một hành giả tu tập trên tiến trình giác ngộ và giải thoát. Phương pháp vận dụng chính yếu trong bài Kinh đó là sự thực tập hành trì để tự chuyển hóa từ phàm thành Thánh, từ khổ đau thành hạnh phúc, từ bóng tối u minh đi đến ánh sáng của trí tuệ. Chánh tri kiến chính là nền tảng căn bản cho những nhận thức về sự vật, hiện tượng và yếu tố then chốt để thành tựu được tất cả Pháp của Đạo Phật nói chung. Chính vì thế, Đức Phật đã chọn chánh tri kiến làm bước đầu tiên trên con đường tiến đến hạnh phúc, an lạc. Đó là sự hiểu đúng, biết đúng với sự thật, với chân lý “như lý tác ý” hay “như thật tuệ tri”.

Chú thích:

[1] Thích Minh Châu (dịch) (2013), Toát yếu Kinh Trung Bộ (Majjhima Nikāya), tập 1, Thích Nữ Trí Hải (tóm tắt & chú giải), Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.69-74.

[2] Thích Minh Châu (dịch) (2018), Kinh Trung Bộ, tập II, Đại Kinh Bốn Mươi, Đại Tạng Kinh Việt Nam Nam Truyền, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.402.

[3] Thích Minh Châu (dịch) (2018), Sđd, tr.402.

[4] Thích Minh Châu (dịch) (2018), Kinh Tăng Chi Bộ, tập II, Chương Mười Pháp, Phẩm Trưởng lão, Phần Những sức mạnh, Đại Tạng Kinh Việt Nam Nam Truyền, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.654-655.

[5] Thích Minh Châu (dịch) (2018), Kinh Trung Bộ, tập I, Kinh Chánh tri kiến, Đại Tạng Kinh Việt Nam Nam Truyền, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.75.

[6] Thích Minh Châu (dịch) (2018), Sđd, tr.76.

[7] Thích Minh Châu (dịch) (2018), Sđd , tr.76-77.

[8] Dục ái, hữu ái, phi hữu ái.

[9] Thích Minh Châu (dịch) (2018), Kinh Trung Bộ, tập I, Kinh Chánh tri kiến, Đại Tạng Kinh Việt Nam Nam Truyền, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.77.

[10] Thích Minh Châu (dịch) (2018), Kinh Tăng Chi Bộ, tập II, Chương Chín Pháp, Phẩm Chổ cư trú của hữu tình, Phần Trụ đá, Đại Tạng Kinh Việt Nam Nam Truyền, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.480-482.

[11] Thích Minh Châu (dịch) (2018), Kinh Tăng Chi Bộ, tập II, Chương Tám Pháp, Phẩm Gia Chủ, Phần Tôn giả Anuruddha, Đại Tạng Kinh Việt Nam Nam Truyền, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.346.

[12] Thích Minh Châu (dịch) (2018), Kinh Tăng Chi Bộ, tập II, Chương Tám Pháp, Phẩm Gotamī, Phần Pháp tóm tắt, Đại Tạng Kinh Việt Nam Nam Truyền, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.381-382.

[13] Thích Minh Châu (dịch) (2013), Toát yếu Kinh Trung Bộ (Majjhima Nikāya), tập 1, Thích Nữ Trí Hải (tóm tắt & chú giải), Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.74-75.

[14] Gồm: Kinh Trường Bộ (Dīgha Nikāya), Kinh Trung Bộ (Majjhima Nikāya), Kinh Tương Ưng Bộ (Samyutta Nikāya), Kinh Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikāya) và Kinh Tiểu Bộ (Khuddaka Nikāya). Kinh Tiểu Bộ gồm cả Tạng Luật (Vinaya Pitaka) và Tạng Luận (Abhidhamma Pitaka).

[15] Thích Minh Châu (dịch) (2018), Kinh Tăng Chi Bộ, tập II, Chương Bảy Pháp, Phẩm Các Kinh không nhiếp, Phần Diệu Pháp, Đại Tạng Kinh Việt Nam Nam Truyền, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.286-287.

[16] Thích Minh Châu (dịch) (2018), Kinh Tăng Chi Bộ, tập II, Chương Bảy Pháp, Phẩm Tài sản, Phần Các sức mạnh tóm tắt, Đại Tạng Kinh Việt Nam Nam Truyền, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.174.

[17] Thích Minh Châu (dịch) (2018), Kinh Trung Bộ, tập II, Đại Kinh Bốn Mươi, Đại Tạng Kinh Việt Nam Nam Truyền, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.405.

[18] Thích Minh Châu (dịch) (2018), Kinh Tương Ưng Bộ, tập II, Kinh Ví Dụ Mặt Trời, Đại Tạng Kinh Việt Nam Nam Truyền, Nxb. Tôn giáo, tr.801-802.

[19] Thích Chơn Thiện (2009), Phật học khái luận, Nxb. Phương Đông, Hồ Chí Minh, tr.343.

[20] Thích Minh Châu (dịch) (2018), Kinh Trung Bộ, tập I, Kinh Tất Cả Lậu Hoặc, Đại Tạng Kinh Việt Nam Nam Truyền, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.25.

[21] Thích Hạnh Bình (2007), Tìm hiểu giáo lý Phật giáo Nguyên Thủy, Nxb. Phương Đông, tr.16-17.

[22] Thích Minh Châu (dịch) (2018), Kinh Trường Bộ, Kinh Đại Điển Tôn, Đại Tạng Kinh Việt Nam Nam Truyền, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.389.

[23] Thích Minh Châu (2004), Đức Phật nhà đại giáo dục, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.191-194.

[24] Thích Minh Châu (dịch) (2018), Kinh Tăng Chi Bộ, tập I, Chương Ba Pháp, Đại phẩm, Phần Các vị ở Kesaputta, Đại Tạng Kinh Việt Nam Nam Truyền, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.219.

[25] Thích Minh Châu (dịch) (2018), Kinh Tương Ưng Bộ, tập II, Kinh Sālā, Đại Tạng Kinh Việt Nam Nam Truyền, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.633.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Kinh phân biệt chánh tà

Kinh Phật 12:00 18/03/2024

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: Nếu có người ở trong nhóm tà kiến thì có tướng trạng gì, có nhân duyên gì?

Đức Phật thuyết Kinh Diệt tận

Kinh Phật 12:21 07/03/2024

"Vào lúc đó các ác ma tỷ-khưu sẽ buôn bán nô tỳ để cày ruộng, chặt cây đốt phá núi rừng, sát hại chúng sanh không chút từ tâm. Những nam nô trở thành các tỷ-khưu và nữ tỳ thành tỷ-khưu ni không có đạo đức, dâm loạn dơ bẩn, không cách biệt nam nữ" (Trích Kinh Diệt tận).

Kinh Hiền Nhân (tiếng Việt, dễ đọc dễ hiểu)

Kinh Phật 11:50 26/02/2024

Mọi việc trên đời đều có liên hệ, không hề ngẫu nhiên, nên nhớ nhân quả, để sống thật tốt, an vui, hạnh phúc. Nghe Thế Tôn dạy kinh nghĩa sâu xa, hơn ba ức người hiểu được lý đạo, phát nguyện vâng giữ năm điều đạo đức, phát nguyện thực tập, truyền bá Kinh này.

Xem thêm