Triết lý sâu xa ẩn trong pho tượng Quan Âm Bồ Tát nghìn mắt nghìn tay chùa Bút Tháp
Không đơn thuần chỉ dùng để thờ, pho tượng Quan Âm Bồ Tát nghìn mắt nghìn tay chùa Bút Tháp còn ẩn chứa nhiều triết lý sâu xa về nhân sinh quan, vũ trụ quan và thẩm mỹ của người Việt thời Hậu Lê.
Hai dòng chữ Hán khắc trên thành bệ pho tượng Quan Âm Bồ Tát nghìn mắt nghìn tay tại chùa Bút Tháp (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đã tiết lộ niên đại cũng như danh tính của nghệ nhân tạo nên bức tượng.
Dòng chữ Hán “độc nhất vô nhị”
Theo sách Địa chí Hà Bắc (1982) thì chùa Bút Tháp có từ đời vua Trần Thánh Tông (1258 -1278). Thiền sư Huyền Quang (đỗ Trạng nguyên năm 1297) khi làm trụ trì tại đây đã cho dựng ngọn tháp đá cao 9 tầng có trang trí hình hoa sen. Ngọn tháp này nay không còn nữa.
Đến thế kỷ 17, ngôi chùa trở nên nổi tiếng với sư trụ trì của Hòa thượng Chuyết Chuyết (1590-1644). Ông là người tỉnh Phúc Kiến, Trung Hoa, sang Việt Nam năm 1633 và trụ trì ở chùa. Năm 1644, Hòa thượng viên tịch và được vua Lê sắc phong là “Minh Việt Phổ Giác Quảng Tế Đại Đức Thiền Sư".
Tiếp đó, người kế nghiệp trụ trì chùa Bút Tháp là Thiền sư Minh Hạnh, học trò xuất sắc của Hòa thượng Chuyết Chuyết. Vào thời gian này, Hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (Diệu Viên) đã rời bỏ cung thất, về đây tu hành. Thấy chùa bị hư nát nhiều, bà cùng con gái là công chúa Lê Thị Ngọc Duyên (Diệu Tuệ), xin phép Chúa Trịnh Tráng, rồi bỏ tiền của, ruộng lộc ra công đức để trùng tu lại ngôi chùa. Đến năm 1647, chùa mới được làm xong.
Chùa kiến trúc theo kiểu “Nội Công Ngoại Quốc”. Về cơ bản, quy mô và cấu trúc của chùa Bút Tháp hiện nay chính là ngôi chùa được xây dựng trong thời kỳ đó. Hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc cũng chính là người đã giao trọng trách cho một nghệ nhân tạo nên bức tượng Phật Quan Âm nghìn mắt nghìn tay độc đáo nhất Việt Nam.
Liên quan tới nguồn gốc của pho tượng, tại vùng đất Thuận Thành vẫn còn lưu truyền một câu chuyện nhóm màu liêu trai: Vào năm 1647, nghệ nhân họ Trương được Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc triệu vào cung, giao trọng trách tạo một tượng Phật Bà vừa thể hiện triết lý sâu xa nhà Phật vừa thể hiện tài trí của người phụ nữ. Tiếp nhận ý chỉ, người nghệ nhân đã xin Hoàng Thái hậu cho về nghiên cứu.
Bức tượng Phật lớn thứ 2 thế giới đột nhiên xuất hiện sau 700 năm
Sau đúng chín tháng ẩn mình nơi rừng sâu, hang đá sau, nghệ nhân họ Trương trở về trong bộ dạng râu tóc bù xù, da bọc xương nhưng đôi mắt sáng quắc và dâng lên Hoàng Thái hậu bản phác thảo Phật Bà nghìn mắt nghìn tay. Cầm bản phác thảo, Hoàng Thái hậu đã như thấy Phật hiện trước mặt, vô cùng sung sướng ban lệnh làm ngay.
Liêu tục trong 9 năm ròng lao động miệt mài, nghệ nhân họ Trương cùng với cộng sự là những thợ mộc tài hoa, thợ sơn lành nghề bậc nhất thời đó và những nhà giả thị dày kinh nghiệm đã hoàn thành tuyệt phẩm Phật Bà nghìn mắt nghìn tay.
Để xác định niên đại cũng như tác giả chính xác của bức tượng, các nhà nghiên cứu đã may mắn tìm thấy dòng chữ khắc trên bệ tượng. Dòng chữ này có nội dung: “Tuế thứ Bính Thân niên, thu nguyệt cốc nhật doanh tạo” và “Nam Đông giao, thọ nam, Trương tiên sinh phụng khắc”. Nhiều nhà nghiên cứu đây là trường hợp hiếm hoi của các bức tượng thờ ở Việt Nam có khắc ghi lại thời gian hoặc tên nghệ nhân tạc, nặn.
Theo các nhà nghiên cứu đã dịch và đoán định rằng: Nam Đông là địa chỉ, Văn Thọ là tên hiệu, Trương là họ, tiên sinh là bậc trí giả, phụng khắc là phụng mệnh trời đất dựng tượng để thờ. Bức tượng được hoàn thành vào một ngày lành, tháng mùa thu năm Bính Thân, tức năm 1656.
Tượng Phật Bà Quan Âm nghìn tay nghìn mắt biểu trưng cho điều gì?
Đại Đức Thích Thanh Sơn – Trụ trì chùa Bút Tháp cho hay, trong văn bia để lại tại ngôi chùa Mật Đa (tỉnh Thanh Hóa) có ghi lại rằng, bậc vĩ nhân họ Trương này cũng đã từng tạc một bức tượng mang hình ảnh một Đức quan âm tại đây.
Nhưng việc giải mã dòng chữ khắc ghi trên pho tượng Phật Quan Âm này vẫn còn nhiều bí ẩn mà các nhà nghiên cứu chưa giải mã được. Sau khi khảo sát khoảng 24 văn bia tại chùa Bút Tháp cũng như tra cứu gia phả họ Trương lưu giữ tại Viện Hán Nôm thì nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Nghi, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vẫn chưa thu được thông tin liên quan tới dòng chữ được khắc trên pho tượng. Ngay cả khi tìm về tận làng nghề chạm khắc truyền thống của Hải Dương cũng không tìm thấy dòng họ này trong làng.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Nghi, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã khảo sát khoảng 24 văn bia tại chùa Bút Tháp cũng như dụng công khảo cứu gia phả họ Trương lưu giữ tại Viện Hán Nôm nhưng không thu được kết quả liên quan đến dòng chữ trên. Khi tìm về làng nghề chạm khắc truyền thống ở Hải Dương cũng không thấy có dòng họ này trong làng.
Trong khi đó hai chữ “Nam Đông” cũng khiến các nhà nghiên cứu băn khoăn khi tự hỏi đây có thực chỉ là địa chỉ của vị nghệ nhân họ Trương này? Các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm hiểu được rằng đây có thực là một địa danh hành chính thuộc thời nhà Hậu Lê hay không? Có rất nhiều giả thiết được đặt ra xung quanh hai chữ “Nam Đông”.
Điển hình là giả thiết về việc “Đông Nam” liệu có phải là điêu khắc gia họ Trương làm đến tước Nam – Công, hầu, bá, tử, nam và lấy hiệu là Văn Thọ. Nhưng vì chưa tìm được đáp án chính xác nên họ tạm bằng lòng với đáp án: Điêu khắc gia họ Trương, hiệu Văn Thọ, làm đến tước Nam là tác giả của pho tượng Quan Âm Bồ Tát nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bút Tháp.
Vũ trụ thu nhỏ trong tượng Quan Âm
Tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay được tạo tác và cấu thành bởi bốn bộ phận gồm: Tượng; Đài sen; Bệ tượng và vành tay phụ phía sau. Tượng có chiều cao gồm cả phần bệ là 3,7 m, ngang 2,1m, dày 1,15 m. Cánh tay xa nhất có chiều dài là 200 cm, tượng có 11 đầu, 42 tay lớn và 958 tay nhỏ dài ngắn khác nhau. Tính từ đài sen lên, tượng cao 235 cm. Đầu rồng đội tòa sen cao 30 cm, bệ tượng cao 54 cm.
Trong các bức tượng thờ tại Việt Nam luôn đề cao việc thể hiện triết lý nhà Phật thông qua ngôn ngữ tạo hình và bức tượng Phật Quan Âm nghìn mắt nghìn tay này đã thể hiện được một cách xuất sắc điều đó. Bức tượng là sự tổng hòa của quy luật vũ trụ âm dương ngũ hành và bát quái, luôn bao hàm các cặp phạm trù đối lập nhưng thống nhất: Dương – Âm; Thiện - Ác, Đỏ - Đen, Sáng - Tối, Trời - Đất.
Tượng Quan Âm được làm theo thế tam tài giả, thể hiện mối quan hệ hài hòa giữa Thiên – Địa – Nhân. Vòng tròn phía sau bức tượng gắn gần một nghìn bàn tay, trong mỗi bàn tay được khắc một con mắt biểu tượng cho Trời. Trời là hiện thân của cái thiện, 3 ánh sáng thể hiện điều đó trong vũ trụ là: Mặt trời, mặt trăng và các vì sao.
Đến nay, trong dân gian vẫn truyền miệng nhau câu chuyện: Ngày thiền sư Minh Hành cử hành nghi lễ hô thần nhập tượng, trời thu trong xanh, xuất hiện những vì sao lấp lánh ban ngày, hương thơm ngạt ngào, trong thinh không nghe như tiếng nhạc du dương. Và từ đó, tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay đã trở thành tuyệt phẩm của muôn đời.
Từ xa xưa, người Việt cổ đã nhận thức được mặt trời là trung tâm sự sống, sức mạnh thần kỳ. Ở pho tượng này, tác giả cũng đặt mặt Quan Âm vào trung tâm của pho tượng. Mặt trời là mặt Phật Quan Âm nổi bật nhất, sáng ngời, đầy vẻ từ bi hỉ xả. Mặt trời ở đây được thể hiện là bình minh, những tia sáng chiếu tỏa lên trên chứ không tỏa ngang, ý nói: cái thiện là thế đang đi lên, có sức mạnh chiến thắng, biểu tượng cho văn minh xã hội.
Mặt trời sáng ngời còn biểu tượng cho trí tuệ đức Phật Quan Âm đi khắp muôn phương xua tan bóng tối. Những kẻ có hành vi ám muội cũng không thể che nổi mắt Phật bởi ngài có tới hàng nghìn con mắt trong lòng bàn tay. Việc không lựa chọn số chẵn là 1.000 có lẽ bởi đây con số này quá hoàn mỹ nên âm, tĩnh, không phát triển. Việc lựa chọn số lẽ của các cánh tay thể hiện thâm ý về việc ánh mắt Phật sẽ không ngừng quan sát trần gian, con người.
Hình tròn được tạo từ các cánh tay Đức Phật tượng trưng cho trời, hình vuông dưới đế hệ tượng thể hiện cho đất và nối giữa trời và đất là con người – nhân vật Quan Âm. Con rồng đen dưới tòa sen là Hắc Long dưới Biển Đông, tượng trưng cho cái Ác. Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay ngồi trên tòa sen, cả tòa sen lại đặt trên đầu con rồng đen, tượng trưng cho cái thiện bao giờ cũng ngự trị cái ác.
Hai cánh tay của con rồng chỉ đỡ hờ vào tòa sen tạo nên một bố cục chặt chẽ, nó còn nói lên một điều rằng: cái ác cũng có một sức mạnh phi thường, chỉ một cái đầu cũng đủ đội cả toàn tượng lên trên.
Trên mũ của Quan Âm có 3 tầng đầu, mỗi tầng có 3 đầu, đầu thứ 9 là Phật A Di Đà - tượng trưng cho cõi Niết bàn. Như vậy, mỗi cái đầu là biểu tượng của một tầng trời. Điều thú vị là A Di Đà cùng với con chim Thiên Đường ở phía sau được gắn với hai cái đầu. 3 cái đầu đó chụm lại gợi cho ta về cõi tam thế “quá khứ - hiện tại - tương lai”.
Trong bố cục của bức tượng, tác giả đã vô cùng tài tình khi gắn kết các hiện tượng với nhau thành một biểu tượng của nhà Phật hoàn mỹ. Điều đó được thể hiện ở vòng tròn lớn đằng sau được gắn kết với con chim Thiên Đường, tạo thành hình tượng của lá bồ đề mà tâm của Phật là cuống của lá. Đạo Phật lấy lá bồ đề làm biểu trưng. Hình tượng mặt trăng được đặt trước tâm của Phật như một cái gương soi lại lòng mình để xem xét hành động hằng ngày đúng hay sai, thiện hay ác, sáng hay tối...
Để tu hành đắc đạo, chúng sinh phải có lòng kiên nhẫn, tu hết đời này truyền sang đời khác, cây đức trồng càng lâu thì phúc càng dày. Trên có Thiên Đường là cõi Niết bàn, nơi ngự trị của Phật A Di Đà, dưới có địa ngục được biểu hiện ở 4 góc, đó là 4 nhân vật to béo đang chịu cảnh thụ hình nhằm răn đe những ai rắp tâm làm điều ác.
Hai bàn tay chắp trước ngực, đó là ý chí của con người, tâm niệm làm điều thiện. 42 cánh tay gắn ở hai bên hông tượng tỏa ra nhiều hướng hàm ý muốn thắng được cái ác phải sử dụng cả văn lẫn võ. Những cánh tay bên phải biểu tượng cho văn, những cánh tay bên trái biểu tượng cho võ. Hai cánh tay để trên đùi của Phật biểu tượng cho ý chí kiên định tạo nên thành quả.
Quá trình sáng tạo và bảo tồn pho tượng cổ
Tượng Quan âm Bút Tháp được bảo quản tốt từ khi ra đời cho đến những năm 1950, khi chiến tranh chống Pháp lan rộng ra đồng bằng Bắc bộ. Từ năm 1950 - 1953, làng Bút Tháp chịu nhiều trận công kích của Pháp, chùa Bút Tháp bị trúng nhiều đạn pháo, nhiều công trình bị đổ, chủ yếu hai dãy hành lang và tháp đá Tôn Đức bị bắn sạt một bên.
Đặc biệt trận đánh năm 1953, cả làng Bút Tháp bị thiêu trụi, trừ ngôi chùa này. Các tượng Phật cũng mất mát và hư hỏng nhiều trong khói lửa. Trong kháng chiến chống Mỹ, do chiến tranh bom đạn lan rộng, bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã đưa tượng Phật bà Quan âm đi sơ tán và trả lại sau chiến tranh.
Quá trình đó và cả sau này, tượng Quan âm bị giới nghệ thuật và lịch sử đổ thạch cao, làm phiên bản nhiều lần, thậm chí người ta ốp thẳng khuôn thạch cao lên tượng. Nên pho tượng bị bong tróc và hỏng nhiều chi tiết. Nhiều đoạn nối giữa khuỷu tay và cánh tay, nhiều ngón tay hỏng không được sửa cẩn thận mà chỉ được đắp bằng thạch cao rồi phủ sơn lên, nay thạch cao rời ra để lộ những chỗ nối. Một vài chi tiết bị gẫy mất, và bốn con quỷ đội bệ bốn góc cũng bị mất.
Theo các nhà nghiên cứu, quy trình làm một pho tượng gỗ thời Hậu Lê (thế kỷ 17, 18) thường cắt khúc gỗ ra làm nhiều phần: khối đầu, khối thân, khối chân và khối bệ, tay cũng làm rời, và lắp lại với nhau. Người ta tạc khối cơ bản đơn giản, sau đó dùng đất phù sa trộn với sơn ta đắp lên làm chi tiết bề mặt, cho nên về thực chất nhiều pho tượng là chất liệu hỗn hợp, cốt gỗ và đắp đất phủ sơn, hoặc gỗ phủ sơn. Tượng Quan âm Bút Tháp được chia thành nhiều khối khác nhau.
Một nhà nghiên cứu trực tiếp tham gia vào quá trình bảo quản tượng chùa Bút Tháp từng chia sẻ rằng, tượng Phật Quan Âm nghìn mắt nghìn tay này được làm từ các nguyên liệu: gỗ mít, sơn ta, vàng, bạc, son. Khi sửa chữa nếu dùng một chất liệu khác những chất liệu trên đều làm pho tượng hỏng nhanh hơn và cũng rời ra sau một thời gian.
Giải mã ý nghĩa của tượng đức Quan Âm nghìn tay nghìn mắt
Đợt trùng tu lớn năm 1993, trong đó có cả một số tượng được tu sửa, nhưng những tượng này hỏng nhanh hơn các tượng không được tu sửa. Đây là một kinh nghiệm, mà hiện nay khắp nơi đều xây chùa sửa tượng không quan tâm và đưa rất nhiều chất liệu mới vào trùng tu, như bạc kém chất lượng, sơn Nhật thậm chí cả sơn công nghiệp.
Tượng cổ có xu hướng rỗng lõi, nhiều nơi đã bơm các hóa chất đặc vào trong, như vậy sẽ làm pho tượng hỏng nhanh trong tương lai, chỉ có thể lấy gỗ mít cũ, nghiền ra mùn cưa trộn với sơn ta và đất phù sa nhét vào chỗ rỗng thì bền lâu. Do không có phương tiện hiện đại soi chụp.
Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn không rõ tượng Quan âm Bút Tháp có nhiều ổ rỗng hay không, nhưng chất lượng thân tượng là tương đối tốt, trừ 42 tay lớn do chịu lực giơ tự nhiên, nhất là tay vươn cao đều dễ bong gẫy. Phần đầu tượng, các chi tiết trang trí trên mũ cũng bị sứt gẫy nhiều, và có lẽ phần này bên trong lõi gỗ không còn tốt nữa, cũng bởi nơi nhiều chi tiết, người xưa sử dụng phương pháp đắp đất trộn sơn, nên khả năng hỏng cũng nhiều hơn nơi thuần là gỗ.
Hiện tại chất lượng kỹ thuật của các tượng Phật Bút Tháp không đồng đều. Những tượng gỗ vẫn còn tốt, những tượng lõi gỗ với chi tiết đắp đất phủ sơn bong tróc nhiều. Những tượng đất phủ sơn hoàn toàn xuống cấp nặng. Những pho tượng được sơn mới và trùng tu đều có xu hướng hỏng, và hỏng từ bên trong do màng sơn mới làm tượng không thở được.
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Ông già bán bài học ngàn vàng
Tư liệu 10:23 01/01/2025Ngày xưa, xưa lắm, ở vùng Tân Cương thuộc Trung Á, có một nước nằm giữa biên giớì Trung và Ấn Ðộ, gọi là Nhục Chi. Tuy là một tiểu quốc, nằm giữa hai đại cường quốc, nhưng Nhục Chi là một nước có một nền văn hóa tiến bộ và một nền kinh tế phồn thịnh.
Kiếp người, nếu không chịu tu tập sẽ không còn kịp nữa
Tư liệu 19:45 30/11/2024Tôi nghĩ mình nhờ có chút thiện căn, những kiếp trước cúng dường Tam Bảo, xuất gia tu hành tinh tấn, nỗ lực hoằng pháp độ sinh, nên đời nay phước duyên đó khiến tôi sớm được gặp Phật pháp tu hành.
Phát huy vai trò của Ni giới trong xã hội
Tư liệu 09:26 30/11/2024Phật giáo cho rằng đạo đức là nền móng vững chắc Nhất để xây dựng tôn giáo của mình. Đức phật là người đầu tiên trong lịch sử khởi xướng phong trào bình đẳng nam nữ trong xã hội. Với quan điểm Này thì đức phật là Người đặt những những hòn đá tảng đầu tiên để xây dựng nên lâu đài bình đẳng giới.
Long vương và tiếng chuông chùa tiêu trừ ác tâm
Tư liệu 13:15 28/11/2024Trên đỉnh núi Hy Mã có một cái ao lớn, trong ao có rất nhiều rồng trú ngụ, chúng thường hay làm mưa nổi gió nhổ bật cây cối, gây nguy hại cho nhân dân ở dưới núi. Bởi vậy, dân chúng ở dưới núi than khổ dậy trời, phần lo dọn dẹp, phần thì chết chóc. Một vùng hoang tàn thê lương.
Xem thêm