Trụ trì chùa Mục Đồng: Người cưu mang những mảnh đời khốn khó
Chùa Mục Đồng nằm ở thôn Yên Xá, xã Phan Đình Phùng (Mỹ Hào, Hưng Yên) - ngôi chùa do ĐĐ. Thích Nguyên Bình trụ trì. Điều đặc biệt được nhiều người biến đến ở ngôi chùa là vị sư thầy từ tâm cùng những mảnh đời khốn khó được thầy giúp đỡ.
Nghĩa trang thai nhi
Mở đầu câu chuyện về việc xây nhà tạm lánh cho các cô gái mang thai ngoài ý muốn và nghĩa trang thai nhi, Đại đức Thích Nguyên Bình - trụ trì chùa Mục Đồng (xã Phan Đình Phùng, Mỹ Hào, Hưng Yên) khẳng định, đây là tâm nguyện lớn nhất cuộc đời của ông.
‘Vấn đề nạo phá thai hiện nay ở nước ta đang trong tình trạng báo động, nhiều thai nhi sau khi nạo bỏ bị vứt vào thùng rác một cách tàn nhẫn.
Trước thực trạng này, tôi đã làm thí điểm tại chùa Thiên Hương (xã Dương Quang, Mỹ Hào, Hưng Yên) một nghĩa trang nhỏ cho các cháu.
Tuy nhiên, đất đai ở đây chật hẹp, số lượng thai nhi thu gom về lên tới 1000 cháu mỗi tuần, cộng thêm một số lý do khách quan nên tôi mở rộng xây dựng nghĩa trang, nhà lạnh và nhà thờ thai nhi theo hình thức của Phật giáo ở chùa Mục Đồng. May mắn, bà con và chính quyền đều ủng hộ’.
Chia sẻ về công tác thu gom thai nhi, vị trụ trì thông tin, hiện chùa có đội ngũ cộng tác viên ở các tỉnh lân cận như Hải Phòng, Hà Nội, Hưng Yên…
Đội ngũ cộng tác viên này có nhiệm vụ đến các phòng khám, bệnh viện đặt vấn đề xin xác thai nhi về chôn cất. Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng chịu hợp tác.
Các cộng tác viên đành lân la, canh chừng tại các khu vực có nhiều phòng khám tư. Khoảng 8 - 9 giờ tối, nhân viên phòng khám quẳng những bịch chất thải màu đen ra thùng rác, cộng tác viên sẽ chạy đến tìm kiếm, phát hiện có xác là mang về.
‘Những bịch rác thải y tế đó kiểu gì cũng có vài thai nhi bị vứt vào trong. Thi thoảng có những thai nhi lớn khoảng 5, 6 tháng tuổi. Cộng tác viên mang về đây, nhà chùa cho vào tủ bảo quản, vài tuần sẽ làm lễ cầu siêu, chôn cất cho các cháu’, sư thầy Nguyên Bình nói.
Ngày ngày chứng kiến những đứa trẻ chưa kịp chào đời bị chính mẹ đẻ chối bỏ, nằm lạnh lẽo trong đống rác, đội cộng tác viên của chùa Mục Đồng lên kế hoạch cứu các trường hợp bị thúc sinh sớm hoặc mở rộng kênh thông tin, truyên truyền, sẵn sàng nhận giúp đỡ, cưu mang phụ nữ mang thai ngoài ý muốn nếu hoàn cảnh, điều kiện khó khăn.
‘Các nhóm thiện nguyện của chùa thuyết phục phòng khám tư, nếu có thai 7,8 tháng bị dùng thủ thuật cho sinh non, họ gọi cho nhóm. Cộng tác viên bên chùa sẽ đến đón cháu rồi đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Tuy nhiên, những trường hợp được đưa đi như vậy đều không qua khỏi. Nhà chùa hi vọng, sau này những người mẹ mang thai ngoài ý muốn, nếu không nuôi được, đừng bỏ con tàn nhẫn như vậy, đợi đủ ngày đủ tháng, sinh con ra đời, gửi về đây, nhà chùa sẵn sàng giang tay đón nhận’, vị sư trụ trì nói.
Bên cạnh nuôi dưỡng bà bầu, trẻ em mồ côi, sư thầy Thích Nguyên Bình còn cưu mang cả người già không nơi nương tựa.
Cụ bà Tân (80 tuổi) là người lang thang ngoài đường. Hơn một năm trước, sư thầy đi qua, bắt gặp bà đang nằm ngoài đường, uống nước bẩn.
Sư thầy quyết định đón bà về chùa, cùng mọi người hướng dẫn bà, hòa nhập với cuộc sống mới.
Chị Quỳnh - mẹ đơn thân vừa sinh con trong chùa kể: ‘Lúc trước tâm trí bà không ổn định, uống nước cống cũng khen ngon. Dạo gần đây bà tỉnh táo hơn rất nhiều. Tuy nhiên, bà mới phát hiện ung thư phổi giai đoạn đầu. Thầy đang cho điều trị ở viện, uống thuốc’.
Giấu gia đình, nữ bác sĩ vào chùa sinh con
Đại đức Thích Nguyên Bình chia sẻ, mỗi cô gái đến nương nhờ cửa chùa sinh con đều có hoàn cảnh riêng. Trong đó có cả những cô gái trẻ mới 16, 17 tuổi hoặc sinh viên.
Cô gái Trần Thị Minh (SN 2002 - Quảng Ngãi) có đôi mắt to tròn, làn da trắng như trứng gà bóc, giọng nói trong trẻo. Bố mẹ Minh ly hôn, cô sống với mẹ, em trai ở cùng bố.
Mẹ cô đi bước nữa nhưng hôn nhân không hạnh phúc, kinh tế khó khăn. Hiện mẹ con cô vẫn đi ở nhờ nhà họ hàng. Thương mẹ, Minh đành từ giã tuổi học trò năm lên lớp 10, xin đi làm thuê cách nhà vài chục cây số.
Mỗi tháng tăng ca, thu nhập của Minh vỏn vẹn được 4 triệu, cô tằn tiện gửi về cho mẹ nuôi em. Thời gian này cô nảy sinh tình cảm với chàng trai địa phương. Tuổi mới lớn, thân hình mập mạp, nguyệt san vài tháng mới có một lần nên Minh mang thai mà không hay biết. Trong một lần đi khám định kỳ, cô mới biết mình đang có bầu. Nghe bác sĩ nói, Minh rụng rời chân tay.
Điều đầu tiên cô làm là gọi cho người yêu. Chẳng ngờ nghe tin, anh người yêu khuyên cô phá thai và biến mất.
Thời điểm này cô để dành được 10 triệu lo sinh nở nhưng mẹ đột ngột ốm nặng, cô dành số tiền đó chữa chạy cho bà. Mẹ ra viện cũng là lúc túi cô hết sạch tiền.
Cô gọi cho sư thầy Thích Nguyên Bình nhờ giúp đỡ rồi bắt xe ra Bắc. Đến nay Minh đã sinh con được 3 tháng.
Minh khẳng định, dù cuộc sống thế nào cô cũng không bỏ con, để con phải vấp ngã như mình. Cách đây vài tuần Minh đã đưa con gái về quê thăm mẹ. Đợi con gái cứng cáp hai mẹ con sẽ tính tiếp:
‘Ở quê mẹ con em vẫn đi ở nhờ, giờ về không có nhà, ở nhờ người ta cũng khó nên em tính đi thuê nhà, nhờ bà ngoại trông cháu, em đi làm. Giờ em là trụ cột chính, em không muốn để đứa em út thất học như em’.
Anh Vũ Văn Ninh - Phật tử giúp thầy phụ trách các mẹ bầu chia sẻ, không chỉ các cô gái trẻ, phụ nữ có gia cảnh bi đát mà một số trường hợp có nghề nghiệp, địa vị xã hội nhưng vì lý do nào đó, gia đình chưa thể đón nhận việc con gái mang thai nên họ đành cậy nhờ cửa Phật trong thời gian sinh nở.
Đó là câu chuyện về chị Trần Thị Quỳnh (SN 1986 - Hà Nội) một bác sĩ ở bệnh viện lớn. Mối tình với người đàn ông quê miền Trung đã để lại cho chị nhiều vết sẹo trong tim.
Chia tay nhưng chị vẫn giữ đứa trẻ trong bụng và lựa chọn cuộc sống đơn thân. Biết gia đình chưa dễ dàng đón nhận quyết định này của con gái, chị Quỳnh giấu bố mẹ ra ngoài sinh con. Sinh được 1 tháng, hai mẹ con chị chuyển vào chùa ở, hỗ trợ nhà chùa việc chăm sóc các bé sơ sinh.
‘Tôi sinh con được 6 tháng, dự định nghỉ thêm hai tháng nữa cho con cứng cáp mới trở lại công việc.
Thầy cưu mang các chị em ở đây, mỗi tháng bỏ ra số tiền gần 100 triệu. Nếu không có các đoàn từ thiện chắc thầy khó duy trì được. Khó khăn nhưng chưa thấy thầy kêu ca gì. Cả ngày thầy bận rộn ngoài công trường, tối đến là hỏi thăm xem các chị em mang thai ăn ở thế nào. Sức khỏe các con ra làm sao?. Tôi làm bác sĩ, ở chùa thường hỗ trợ kiểm tra, theo dõi giúp các cháu bị ốm’, chị chia sẻ.
Nguồn: Vietnamnet
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Bệnh nhân đột quỵ chết não hiến tạng cứu 4 người
Gieo mầm thiện 23:05 28/10/2024Sau 9 ngày các bác sĩ nỗ lực điều trị, bệnh nhân 36 tuổi vẫn không qua khỏi do xuất huyết não nặng, gia đình hiến tạng anh cứu 4 người.
Cảm phục với bếp cơm chay miễn phí của vợ chồng U.90
Gieo mầm thiện 16:00 27/10/2024Gần 3 năm nay, trên đường Nguyễn Văn Đậu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) xuất hiện một quán cơm chay miễn phí đặc biệt, chủ quán cơm là vợ chồng người miền Tây đã ở cái tuổi xưa nay hiếm với đôi lưng đã còng.
5 học sinh dũng cảm lao xuống dòng nước chảy xiết cứu sống 2 em nhỏ
Gieo mầm thiện 12:00 25/10/2024Trước dòng nước chảy xiết, 5 học sinh dũng cảm tại một huyện miền núi Quảng Bình đã cứu sống được 2 em nhỏ đang bị nước cuốn.
Xuyên đêm lấy tạng từ người chết não để hồi sinh cho 4 cuộc đời
Gieo mầm thiện 15:50 24/10/2024Rạng sáng 24/10, Bệnh viện đa khoa Phú Thọ phẫu thuật lấy tạng từ người hiến sau khi chết não, ghép 2 thận cho 2 bệnh nhân suy thận. Tim và gan được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để ghép cho 2 người bệnh khác, đánh dấu thành công trong việc tận dụng tạng hiến để cứu sống nhiều bệnh nhân.
Xem thêm