Trúc Lâm Ðại đầu đà: Một tấm gương sáng ngời cho hậu thế
Một trong những tên tuổi ấy chính là vua Trần Nhân Tông. Ngài có thể được xem là một anh hùng dân tộc, một nhà tư tưởng lớn, một nhà ngoại giao, một nhà chính trị, hoặc một nhà văn hóa.
Phật giáo thời Trần được xem là đã đạt đến đỉnh cao trong lịch sử Phật giáo trung đại Việt Nam, được đóng góp bởi nhiều tên tuổi xuất thân từ hoàng gia. Một trong những tên tuổi ấy chính là vua Trần Nhân Tông. Ngài có thể được xem là một anh hùng dân tộc, một nhà tư tưởng lớn, một nhà ngoại giao, một nhà chính trị, hoặc một nhà văn hóa. Nhưng vượt lên trên tất cả, Ngài là một người tu Phật chân chính. Bài viết này khắc họa lại một vài nét nổi bật ở Ngài, một người tu Phật, để từ đó làm toát lên tấm lòng từ bi của Ngài dành cho con người. Qua đó, người tu Phật ngày nay có thể noi theo trên bước đường tu học của mình.
VỊ VUA ANH HÙNG
Theo tác phẩm Tam Tổ Trúc Lâm [1], vua Trần Nhân Tông tên thật là Trần Khâm. Ngay từ nhỏ, Ngài đã hâm mộ Đạo Phật. Năm 16 tuổi, Ngài được lập làm thái tử nhưng lại cố khước từ để nhường lại cho em, vì tâm nguyện của Ngài là xuất gia tu hành. Vua cha là Trần Thánh Tông cưới vợ cho Ngài. Tuy sống trong cảnh hạnh phúc, nhưng tâm Ngài vẫn thích đi tu. Một hôm vào lúc giữa đêm, Ngài trèo thành trốn đi, định vào núi Yên Tử. Vua cha hay tin, sai các quan đi tìm thấy và bắt Ngài quay trở về. Năm 21 tuổi (năm 1279), Ngài lên ngôi Hoàng đế.
Tuy ở địa vị cửu trùng nhưng Ngài vẫn giữ mình thanh tịnh để tu tập. Ngài thường ăn chay lạt nên thân thể gầy ốm. Vua cha Thánh Tông thấy thế lấy làm lạ, nên hỏi nguyên do. Ngài trình thật với cha. Vua cha khóc bảo: “Nay ta đã già, chỉ trông cậy một mình con, con lại làm như thế, làm sao gánh vác được sự nghiệp của tổ tiên?”. Ngài nghe dạy cũng rơi nước mắt. Con người Ngài rất thông minh hiếu học, đọc hết các sách vở, thông suốt cả nội điển và ngoại điển. Những khi nhàn rỗi, Ngài thường mời các Thiền khách bàn giải về thiền, tham học thiền với Tuệ Trung Thượng Sĩ, thâm đắc đến chỗ thiền tủy. Khi giặc Nguyên sang xâm lược Đại Việt, Ngài đã hai lần lãnh đạo quân dân đánh đuổi được, giữ gìn trọn vẹn đất nước. Năm 1293, Ngài nhường ngôi lại cho con là Trần Anh Tông và lên làm Thái thượng hoàng để chỉ dạy cho con cách điều hành đất nước. Đến năm 1299, Ngài xuất gia vào tu ở núi Yên Tử. Ngài cũng chính là người đã khai sáng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử trên cơ sở dung hội ba dòng Thiền đã có mặt trên đất nước Đại Việt: Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường.
VỊ PHẬT TỬ THUẦN THÀNH
Trong suốt thời gian ở trên ngôi hoàng đế, Ngài có những dấu ấn làm nên tên tuổi một Trần Nhân Tông không thể lầm lẫn với ai khác. Việc lãnh đạo quân dân hai lần đánh tan quân Nguyên hùng mạnh thời đó là một thành tích không nhỏ, nhưng chiến thắng chính bản thân là một kỳ tích. Vậy Ngài chiến thắng bản thân bằng cách nào? Đó chính là tu tập để giác ngộ bản tâm ngay giữa cuộc sống thế tục đầy dục lạc. Có lần Ngài thưa hỏi thầy của mình là Tuệ Trung Thượng Sĩ về “Bổn phận tông chỉ”, Thượng Sĩ đáp: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc”; ngay đó Ngài đã thông suốt được đường vào [2]. Việc ngộ bản tâm của Ngài cũng đã được Tuệ Trung Thượng Sĩ ấn chứng trước thời điểm diễn ra cuộc chiến chống quân Nguyên lần thứ ba [3].
Một vị vua là Phật tử thuần thành như thế, nên có những việc làm rất nhân văn. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, khi quân Nguyên xâm lược, một số quan lại vương hầu đến doanh trại giặc dâng biểu xin hàng. Khi giặc thua, triều đình bắt được cả một hòm biểu và vua Trần Nhân Tông sai đốt hết để yên lòng những kẻ phản trắc [4]. Cũng theo bộ sử trên, “Vua từng ngự chơi bên ngoài, giữa đường, hể gặp gia đồng của vương hầu thì tất gọi chúng mà hỏi: ‘Chủ mày đâu?’, rồi răn các vệ sĩ không được thét đuổi. Đến khi về cung, bảo tả hữu rằng: ‘Ngày thường thì có thị vệ tả hữu, khi quốc gia lắm hoạn nạn thì chỉ có bọn chúng có mặt’” [5]. Có thể có ý kiến cho rằng vua làm như thế để lấy lòng thiên hạ. Nhưng không, đó chính là việc làm lưu xuất từ bản tâm thanh tịnh. Tâm ấy không có yêu ghét, oán thù và phân biệt sang hèn.
Phật hoàng Trần Nhân Tông: Một nhà vua sáng hết lòng vì nước
Bài Cư trần lạc đạo phú [6] được vua sáng tác khi chưa xuất gia, là một tác phẩm đã thể hiện đầy đủ sự giác ngộ và tấm lòng từ bi bao la của Ngài. Có thể xem tác phẩm là bài học cho hậu thế trên bước đường tu học Phật và sau đây chỉ là một vài điểm cơ bản được khái quát.
Mình ngồi thành thị,
Nết dụng sơn lâm.
Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tánh,
Nửa ngày rồi tự tại thân tâm.
Tham ái nguồn dừng, chẳng còn nhớ châu yêu ngọc quý;
Thị phi tiếng lặng, được dầu nghe yến thốt oanh ngâm”.
Đoạn lục căn nên trừ lục tặc.
Hỏi phép chân không, hề chi lánh ngại thanh chấp sắc.
Biết chân như, tin Bát nhã, chớ còn tìm Phật, Tổ Tây Đông;
Với Ngài, giữa cuộc sống thường nhật của một vị quân vương bộn bề công việc triều chính, vẫn có thể tu được, chỉ cần buông bỏ dục lạc thế gian, không để các căn dính mắc các trần là sống được với bản tâm. Người tu Phật phải luôn hằng sống với tính biết của mình, đó là Phật tính. Phật ngay tại tâm, soi lại tâm mình để tìm Phật, chớ không phải tìm từ nơi bên ngoài.
Bụt ở trong nhà;
Chẳng phải tìm xa.
Pháp hành của vua đâu khác những gì Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã thuyết trong kinh điển nguyên thủy. Nếu khảo sát Kinh Trung bộ, cũng có thể nhận thấy Ngài đã rất nhiều lần dạy các đệ tử của mình phải phòng hộ các căn (xem Kinh Không Nhiễm Uế [số 5], Ðại Kinh Ðoạn Tận Ái [số 38], Kinh Hữu Học [số 53],…). Đặc biệt, trong Kinh Hy Hữu Vị Tằng Hữu Pháp, Ngài đã đề cập đến tính biết: “Ở đây, này Ananda, các cảm thọ khởi lên nơi Thế Tôn được biết đến; được biết đến, chúng an trú; được biết đến, chúng đi đến biến hoại; các tưởng được biết đến; các tầm khởi lên được biết đến; được biết đến, chúng an trú; được biết đến, chúng đi đến biến hoại”. [7] Có lẽ vua Trần Nhân Tông đã kế thừa tư tưởng Thiền Đốn Ngộ ở Tuệ Trung Thượng Sĩ và cả tư tưởng tiệm tu ở vua Trần Thái Tông, nên với Ngài, người tu Phật ngoài việc giữ giới cũng phải cần gần gũi bậc thiện tri thức, tham thiền, học tập kinh điển.
Xem Tam Tạng giáo, ắt học đòi Thiền uyển thanh quy.
Đốt ngũ phần hương, chẳng tốn đến chiên đàn chiêm bặc.
Tích nhân nghì, tu đạo đức, ai hay này chẳng Thích Ca.
Cầm giới hạnh, đoạn ghen tham, chỉn thực ấy là Di Lặc.
Tham thiền kén bạn, nát thân mình mới khá hồi ân;
Học đạo thờ thầy, dọt xương óc chưa thông của báo.
Người tu Phật cũng cần phải phước huệ song tu.
Dựng cầu đò, giồi chiền tháp, ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu;
Cương hỷ xả, nhuyễn từ bi, nội tự tại kinh lòng hằng đọc.
Người tu Phật phải biết sống tri túc.
Áo miễn chăn đầm ấm qua mùa, hoặc chằm hoặc xể;
Cơm cùng cháo đói no đòi bữa, dầu bạc dầu thoa.
Một khi người tu Phật đạt đạo, cần phải phát hạnh nguyện độ chúng sinh. “Sạch giới lòng, chùi giới tướng, nội ngoại nên Bồ tát trang nghiêm.”
Đại Việt sử ký toàn thư cũng đã ghi chép lại câu chuyện vua tiếp ngài Đạo Tái trước khi xuất gia trong một bữa tiệc với những món ăn không phải là thức ăn chay. Vua vẫn ngồi chung bàn với Đạo Tái, nhưng không ăn và lại có mấy vần thơ như sau:
Quy cước bóc đỏ ướt,
Mã yên nướng vàng thơm,
Sơn tăng giữ trai giới,
Cùng ngồi chẳng cùng ăn.
Chưa xuất gia mà vua đã xem mình như một “Sơn Tăng”, giữ giới rất nghiêm cẩn. Người xưa tu Phật là như thế. Năm 1299, Ngài xuất gia tu hành ở núi Yên Tử. Đây là một việc làm đi ngược lại với quan niệm thế gian. Trong mắt thiên hạ, Ngài là một anh hùng, lẽ ra phải được thụ hưởng sau khi đất nước thanh bình. Nhưng dưới cái nhìn của một người đã giác ngộ như Ngài, những thứ vinh hoa phú quý đều là hư huyễn. Vì vậy, Giáo sư Minh Chi, một trong những nhà nghiên cứu Phật học hàng đầu Việt Nam, mới nhận định vua Trần Nhân Tông là siêu việt, vượt trên thế tục [8].
Ngoài việc thành lập nên một thiền phái mang bản sắc Việt, việc xuất gia của vua còn là bài học quý báu cho người tu Phật. Những gì Ngài đã nêu ra trong Cư trần lạc đạo phú đều tương ứng với những việc làm của Ngài dưới lớp áo tu sĩ. Ngài tu hạnh Đầu Đà nên có hiệu là Hương Vân Đại Đầu đà. Năm Giáp Thìn (1304), Ngài đi khắp trong dân để dạy họ tu thập thiện và phá bỏ những dâm từ không chính đáng; cũng trong năm này, Ngài về kinh đô theo lời thỉnh cầu của vua Anh Tông để truyền giới Bồ tát cho vua và quan lại trong triều [9]. Trước đó vào năm 1303, tại phủ Thiên Trường, Ngài cũng đã tổ chức chẩn cấp cho dân nghèo trong nước cùng với việc giảng kinh và truyền giới [10]. Thương chúng sinh là thương tận cùng như thế. Đó là tình thương của một người đã sáng được bản tâm. Ngoài ra, Ngài cũng tiếp chúng độ Tăng không ngừng nghỉ và Thiền Tông Bản Hạnh [11] đã có ghi lại công hạnh này như sau:
Lại thốt sự Tổ nhân duyên,
Đầu đà vãng lai giáo kinh quyền bốn phương.
Thì vừa khai tuyển Phật trường,
Linh Sơn cảnh giới thiền đường mọi nơi.
Quả thật, Sơ tổ Trúc Lâm đã làm trọn vẹn hạnh nguyện của một người tu Phật: Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh.
KẾT LUẬN
Tóm lại, cuộc đời của Sơ tổ Trúc Lâm là một bài học vô cùng giá trị cho Phật tử kể hàng xuất gia và tại gia. Những việc làm của Ngài dù khi còn sống tại gia hay xuất gia cũng đều là những việc làm xuất phát từ lòng từ bao la. Thế thì, người tu Phật thời nay cũng cần phải lấy đó làm gương để trên cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh như bậc tiền nhân đã làm.
Chú thích:
[1] Thích Thanh Từ. 2015. Tam Tổ Trúc Lâm giảng giải. Hà Nội: Nxb. Hồng Đức.
[2] Thích Thanh Từ. 2016. Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục. TP. Hồ Chí Minh: Nxb. Văn hóa – Văn nghệ, tr.61.
[3] Lê Mạnh Thát. 2006. Toàn tập Trần Nhân Tông. TP. Hồ Chí Minh: Nxb. Tổng hợp, tr.173.
[4] Viện Khoa học xã hội Việt Nam. 1993. Đại Việt sử ký toàn thư. Hà Nội: Nxb. Khoa học xã hội, tr.200.
[5] Sđd, tr.202
[6] Thích Thanh Từ. 2015. Tam Tổ Trúc Lâm giảng giải. Hà Nội: Nxb. Hồng Đức, tr.182-194.
[7] Thích Minh Châu. 2012. Kinh Trung Bộ 2. Hà Nội: Nxb. Tôn giáo, tr.454.
[8] Minh Chi. 2005. “Phật giáo Việt Nam hiện nay học tập và tiếp thu được gì ở Phật giáo đời Trần”. Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, 1: tr.31-35.
[9] Thích Thanh Từ. 2015. Tam Tổ Trúc Lâm giảng giải. Hà Nội: Nxb. Hồng Đức, tr.12.
[10] Viện Khoa học xã hội Việt Nam. 1993. Đại Việt sử ký toàn thư. Hà Nội: Nxb. Khoa học xã hội, tr.216.
[11] Thích Thanh Từ. 2018. Thiền Tông Bản Hạnh. Hà Nội: Nxb. Hồng Đức, tr.65.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Đức Phật: Nơi quy ngưỡng của tâm thức nhân loại
Đức Phật 11:05 28/10/2024Trong muôn vàn những phát biểu trang trọng mà nhân loại trên hành tinh đã dành để bày tỏ lòng kính ngưỡng đối với Đức Phật, có hai nhận định quan trọng nói về cuộc đời giác ngộ của Ngài, có thể giúp chúng ta hiểu lý do vì sao Liên Hiệp Quốc quyết định chọn Vesak làm ngày kỷ niệm và tôn vinh Ngài.
Cuộc đời Tôn giả Mahã Kassapa qua kinh tạng Nikãya
Đức Phật 09:00 11/10/2024Từ khi chào đời cho đến lúc nhập diệt, Ngài luôn sống trong thanh tịnh, hoàn thành chí nguyện xuất gia cũng như lối sống phạm hạnh đầu đà của mình.
Những đức tánh của Phật
Đức Phật 17:40 02/10/2024Luận Nhiếp đại thừa viết: Đức tánh của Phật đà có 7 thứ mà ai niệm Phật cũng phải tưởng niệm những đức tánh ấy.
Bốn loại biện tài của Phật
Đức Phật 11:20 24/09/2024Biện tài của Phật vô ngại, đó là đạt đến cứu cánh viên mãn. Trên Kinh, Phật vì chúng ta giải thích biện tài có 4 loại: Nghĩa, Pháp, Từ vô ngại, Lạc thuyết.
Xem thêm