Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 04/01/2023, 12:39 PM

Tuổi 25 chọn “xuất gia” hay “xuất giá”

Ngưỡng của tuổi 25 đối với nhiều người là cột mốc quan trọng, đây là độ tuổi mang trong mình nhiều nhiệt huyết, khát khao vươn lên nhưng cũng dễ dàng rơi vào tâm trạng chông chênh, không mục đích cho tương lai. Câu hỏi thường được đưa ra là tại sao con số 25?

Câu trả lời thật đơn giản vì độ tuổi này không còn quá trẻ để sống mộng mơ về tương lai nhưng cũng chưa đủ trưởng thành để tự chủ về những quyết định của bản thân. Bởi có nhiều nhiệt huyết và khao khát trong cuộc sống nhưng họ lại chưa đủ kinh nghiệm cho bản thân nên độ tuổi này nếu gặp những điều không mong muốn họ dễ gặp các vấn đề về tâm lý như lo âu, chán chường, trầm cảm…

Ngưỡng cửa 25. Ảnh tác giả cung cấp.

Ngưỡng cửa 25. Ảnh tác giả cung cấp.

Chúng con cũng từng như vậy sau khi tốt nghiệp 2 trường: Cao đẳng kế toán và Đại học KHXH&NV TP.HCM, có một công việc văn phòng ổn định và thu nhập tốt nhưng đến năm 25 tuổi chúng con vẫn cảm thấy mất phương hướng, không biết nơi đâu là điểm đến cho công việc và tình yêu, cảm thấy chông chênh và lạc lõng trong chính cuộc sống của mình. Dù rằng trong các cuộc vui với bạn bè và gia đình chúng con luôn thể hiện mình là người có cuộc sống rất ổn định và hạnh phúc nhưng sâu bên trong chúng con hiểu rằng nó chỉ là lớp mặt nạ bên ngoài, che đậy tâm hồn bên trong đầy bất an, chông chênh, cô độc mất phương hướng trong cuộc sống.

Có lẽ chúng con có được duyên lành từ nhiều đời trước, năm 19 tuổi chúng con được học Đại học cùng với một Thầy, Thầy là sinh viên khóa VIII tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM. Từ đây chúng con được gieo duyên với Phật pháp nhiều hơn, được nhiều lần đến chùa nghe Kinh, lễ Phật, được tận mắt nhìn thấy cuộc sống đơn giản và thanh cao của quý Thầy. Trong tâm chúng con như được những cơn mưa Pháp tưới mát, tâm chúng con trở nên thanh thuần hơn nhiều, những bộn bề lo toan như biến mất hẳn sau khi bước chân vào cổng Thiền viện Vạn Hạnh. Chúng con chỉ ước mơ một ngày nào đó chính mình cũng được bước chân vào ngôi trường ấy, được sống trong môi trường thanh thuần ấy nhưng cái giấc mộng “xuất gia” lúc ấy còn rất xa vời. 

Mãi đến năm 25 tuổi, khi việc học đã hoàn tất, bước chân vào trường đời, công việc quay cuồng những áp lực cuộc sống, gia đình…chúng con lại khao khát về cuộc sống giản đơn của quý Thầy. May thay nhờ những nghiệp thiện đời trước dù 25 tuổi ở cái ngưỡng của bạn bè ai ai cũng chọn “xuất giá” thì chúng con lại lựa chọn “xuất gia” dù rằng không được gia đình đồng ý. Bởi vì chúng con thấy rõ sự khổ đau của cuộc sống: cảnh bạn bè lập gia đình, từ tình yêu màu hồng của tuổi trẻ bị cơm áo, gạo, tiền của cuộc sống làm biến chất, rồi lại ly hôn, người không có công việc ổn định đã khổ, người đầy đủ vật chất lại khổ về con cái, cha mẹ, bệnh tật…không ai có hạnh phúc trọn vẹn.

Tác giả thọ giới Tỳ kheo ni.

Tác giả thọ giới Tỳ kheo ni.

Theo nhà Phật “xuất gia” (Nekkhamma) có nghĩa là khước từ những lạc thú trần gian để chọn lấy cuộc sống của hàng Tu sĩ, đây là một nghi lễ của Phật giáo, có nghĩa xa rời cuộc sống phồn hoa đô hội và đắm chìm trong khoái lạc vật chất. Trong đó “xuất gia” mang ba ý nghĩa chính: 

1. Xuất thế tục gia: vị Tu sĩ quyết lòng dứt áo ra đi, từ bỏ những tình cảm, lòng thương yêu gia đình của mình ra đi và ra đi tìm đạo, tìm chân lý, hay để phụng sự.

2. Xuất phiền não gia: vị Tu sĩ đã điều phục được tất cả phiền não: tham, sân, si… tất cả những thói hư tật xấu qua quá trình tu tập.

3. Xuất tam giới gia: vị Tu sĩ đã chấm dứt mọi phiền não vượt ra ngoài sự chi phối, ràng buộc của ba cõi: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. 

Cho nên Tu sĩ hay người “xuất gia” là người bước đi trên con đường cao rộng, con đường sống vì tất cả mọi người, con đường bắt đầu bước vào cuộc hy sinh cho chúng sanh mà không có nhu cầu riêng cho bản thân. Đây là một con người đạo đức, mô phạm, giàu lòng vị tha, thương yêu chúng sinh vô điều kiện.

AN BÌNH

Đối với chúng con “xuất gia” ban đầu chỉ là thấy khổ đau mà sợ, nhưng khi bước chân vào chùa được sự dạy dỗ của Sư phụ, các huynh đệ, được đi học giáo lý nhà Phật…chúng con càng thấm nhuần cái khổ của cuộc sống và con đường để thoát khỏi khổ đau. Bởi vì giáo lý nhà Phật không chỉ nói đến khổ, mà Phật còn chỉ dạy cho chúng sanh cái nguyên nhân đưa đến khổ, phương pháp để đoạn tận nguyên nhân gây ra khổ đau và cao cả nhất là thành tựu giải thoát chứng ngộ Niết Bàn. Đây là cả một quá trình cần học tập và thực hành giáo lý mà Phật đã chỉ dạy cho hàng đệ tử, bằng sự nhiệt tâm, tinh tấn mới mong đạt được những lợi ích thiết thực cho đời này và đời sau.

Chúng con không có gì ngoài vài lời nhắn nhủ các bạn trẻ đang ở ngưỡng cửa tuổi 25, ai cũng có ước mơ và hoài bão nhưng cần thực hiện nó bằng cách của mình thay vì cứ mãi mộng mơ. Điều quan trọng hơn cả là phải trang bị cho bản thân mình những kiến thức, kinh nghiệm, hành trang trong cuộc sống một cách thực tiễn nhất. Hơn thế nữa xác định mục tiêu của bản thân cho phù hợp với khả năng của mình, nếu thấy không phù hợp thì nên mạnh dạn thay đổi, điều này khiến cho ngưỡng cửa 25 không còn bị chênh vênh, mất phương hướng bởi nỗi buồn nào cũng sẽ qua, đó chính là quy luật của tự nhiên. Hay đơn giản khi chúng ta cảm thấy chông chênh trong cuộc sống hãy đến với Phật pháp hay đơn giản hơn là đến Chùa gần nhất, thân cận với quý Tăng Ni để trải lòng về những khó khăn của mình, học hỏi giáo lý để áp dụng vào cuộc sống thực tiễn nhằm đối diện với các nỗi khổ niềm đau. Sống đúng với lời di huấn cuối cùng Phật dạy: “Này Ānanda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một gì khác; dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một gì khác”.

Ngày nay xã hội phát triển, rất nhiều Trung tâm “Đào tạo kỹ năng sống” hay Trung tâm “Thiền Vipassana” được xây dựng, các bạn trẻ nên tự mình trải nghiệm một lần, để có nền móng tâm linh vững chắc sẵn sàng đối diện với áp lực cuộc sống, những chông chênh của cuộc đời, hay khi gặp các biến cố trong cuộc đời sẽ dễ dàng chấp nhận và vượt qua nó. 

*Bài dự thi được gửi từ tác giả Nguyễn Thị Lệ Thu - Học viên Thạc sĩ Khóa V tại Học Viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM; địa chỉ: Chùa Viên Quang số 18C, Đường 110, Phường Lái Thiêu, TP. Thuận An, Bình Dương.

Bài tham gia cuộc thi viết “Đạo Phật trong trái tim tôi” do Ban TT - TT TW & Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam phát động. Đạo hữu, Phật tử hoan hỉ gửi bài viết dự thi về email: info@phatgiao.org.vn.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Phật về

Đạo Phật trong trái tim tôi 07:03 14/05/2024

Bồ-tát Siddhartha thị hiện trên cuộc đời cho chúng ta thấy rõ lẽ thật sống, hòa hợp thuận theo tự nhiên thì chúng ta sẽ có hạnh phúc.

Người đàn bà xa lạ và hành động "cảm thông thiên ức Phật"

Đạo Phật trong trái tim tôi 09:41 09/05/2024

Sáng nay, trên đường đi làm ngang qua ngôi chùa cổ tôi thấy một người đứng chắp tay lễ Phật trước cổng chùa đóng kín, trong không gian vắng vẻ, trong lành, rợp bóng cây xanh và hơi nước ẩm ướt của trận mưa đêm, thấy bình an đến lạ.

Thư gửi Thế Tôn: “Dù thế nào, con vẫn vững bước đi trên đường này”

Đạo Phật trong trái tim tôi 16:16 28/04/2024

Con biết là “một cánh hoa đào rơi không làm cho sự có mặt của cây hoa đào suy giảm”, “sự biểu hiện hay ẩn tàng của hình tướng con sóng không làm suy giảm sự có mặt của đại dương”.

Xem thêm