Thiền sư Yantra Amaro - người không nói gì mà pháp tự tuôn chảy
Cũng như bao người trong khán phòng, tôi ngồi đợi từ sớm, rồi cảm giác như có một ngọn gió nào vừa nhẹ đến lan vào trong phòng, trong những tiếng thì thào rất khẽ của những người đang ngồi quanh tôi. Ô, thì ra ông đã đến.
Ông ngồi đó, trông quắc thước và ung dung hệt như một vị tiên ông vừa rời một bàn cờ tiền nào đó xuống trần, với râu tóc và chân mày bạc trắng như cước, trông không như người ta nghĩ về hình tướng quen thuộc của một thiền sư.
Cái nhìn nheo nheo ấm áp gần gũi và thân thiện, lần đầu gặp, ngồi từ xa mà ngỡ như đó là một người ông thân thương đang đến ngồi cùng đàn cháu vậy. Ông nhìn khắp khán phòng, không gian như gợi lên một yên hòa.
Ông cứ ngồi lặng yên như thế rất lâu, ánh mắt như có thần lực khán phòng cũng lặng yên như chờ đợi. Rất tự nhiên, tôi ngồi thẳng người theo tư thế ngồi thiền, nhẹ nhàng khép mắt, hít vào thở ra, thật đều. Có vẻ như cũng khá nhiều người làm như tôi. Khán phòng hôm ấy có khá nhiều trẻ con, mà không hiểu sao kể từ khi ông vào chúng không quấy quá đùa nghịch ồn ào như thường thấy - không gian lúc ấy rất yên lặng.
Mãi chừng 15 phút sau, khi tác giả Phan Việt, nay đã là Sư cô Mae Hường lên tiếng nói đùa, rằng thấy rất nhiều cái tâm chờ đang lú nhú mọc lên kìa, thì mình mới mở mắt ra.
Buổi gặp gỡ bắt đầu như thế đấy, không theo bất cứ một kịch bản hay dẫn lối soạn sẵn nào, lại diễn ra rất ngắn gọn, chỉ trong tầm 45 phút thôi. Giống như một vị thầy đi xa về được đệ tử thương mến chào thăm, vấn an vậy.
Ông thường ngồi yên lặng, thỉnh thoảng mới trò chuyện, nhẹ nhàng, dứt khoát mà uy nghi, cùng ánh mắt như có thần lực, muốn soi thấu tận tâm can. Thiền sư nói rất ít, rất nhiều câu hỏi ông đẩy qua cho Mae Hường trả lời. Thời gian phần lớn ông dành để nhìn tất cả mọi người.
Người không nói gì mà Pháp tự tuôn chảy.
Ông là Thiền sư Yantra Amaro.
Mae Hường là tác giả cuốn sách TRÁI TIM KHÔNG (Nxb Hội Nhà Văn), viết về cuộc đời của Thiền sư Yantra Amaro, lúc ấy, chị còn là nhà văn, nhà nghiên cứu xã hội, giảng viên Phan Việt. Rồi cũng từ nhân duyên được gặp thiền sư, chị xuống tóc xuất gia. Mae Hường cũng là một trong những người đã đưa Thiền sư Yantra Amaro về Việt Nam lần này.
Chuyến đi không được truyền thông rần rộ, chỉ gói gọn vài nơi, như là thăm thân, những bạn đọc đã thông qua những trang sách Trái Tim Không mà được biết đến một người tu hành đáng kính. Mấy cuộc gặp gỡ trong những không gian vừa phải, đủ để chạm đến những xúc cảm lợi lạc mà một người tu hành đã mang lại cho người dự khán.
Tôi chỉ mới được biết thiền sư vài ngày trước đó, khi người bạn rủ đi dự buổi gặp gỡ thiền sư, và được đọc cuốn sách Trái Tim Không ngay trước giờ ông đến. (Ở Việt Nam, mọi người chủ yếu được biết thiền sư qua cuốn sách Trái Tim Không. Hiệu ứng từ cuốn sách cũng theo kiểu hữu xạ tự nhiên hương chứ không phải truyền thông rầm rộ).
Vậy đó, mà không gợi một sự nghi ngờ phán xét nào vốn hay khởi lên mỗi khi có đám đông ca tụng một người tu hành nào đó. Trong lần đầu được gặp, chỉ có sự cảm nhận an bình, tin cậy và kính nể một bậc chân tu.
Tôi nhớ những lời tâm sự của tác giả khi phát hành cuốn sách: “Mong muốn duy nhất của tôi là nhiều người cũng sẽ có cơ hội gặp thiền sư qua các trang sách. Có thể sự gặp gỡ đó cũng sẽ khiến bạn chạm tới “trái tim Không” nơi chính mình, và rồi bạn sẽ sống một cuộc đời tự do, hạnh phúc mà “vẫn tràn ngập tình thương”. Nó không khó đâu. Bởi vì bạn đã có sẵn nó rồi”.
Thiền sư Yantra Amaro là ai?
Thiền sư Yantra sinh năm 1951 tại miền Nam Thái Lan trong một gia đình Phật giáo thuần thành. Tuy thế, suốt thời thơ ấu, thiền sư không hề có ý định xuất gia. Năm 17 tuổi, thiền sư lên Bangkok học cao đẳng.
Sau khi tốt nghiệp, thiền sư đến đảo Ko Samet để tự tu hành. Bên ngoài, ông giữ hình tướng một đạo sĩ, để tóc dài, mặc áo vải thô tự may, nhưng bên trong ông tự giữ giới luật xuất gia. Lấy ngài Đại Ca Diếp và Thiền sư Hư Vân làm gương, ông hành thiền ngày đêm, chỉ ăn một bữa chay mỗi ngày.
Ông dành nhiều tháng sống trong một cái hang với 18 xác chết để thực hành quán tử thi nhằm nhổ bỏ các dính mắc ảo tưởng vào thân thể, dục, và chết. Ông miên mật thực hành quán từ bi và nhiều pháp hành khác. Sau 3 năm tu hành miên mật, các năng lực vi diệu khai mở, rõ biết sứ mệnh của mình, ông xuất gia.
Trong 12 năm sau khi xuất gia, Thiền sư Yantra đi bộ khắp nước Thái. Ngày đi, đêm ngủ trong các nghĩa địa; thiền sư lấy mọi cái thấy, nghe, nếm, ngửi, xúc chạm, suy nghĩ, cảm thọ, người đến người đi, việc đến việc đi… như đối tượng quan sát để thấy sự thật.
Mỗi năm, vào cuối mùa an cư, ông sẽ nhập định 3 ngày 3 đêm liên tục.
Sau khi đi khắp nước Thái, thiền sư dành 5 năm đi các nước châu Âu, châu Á, châu Mỹ để quan sát văn hóa, thói quen chung, nghiệp chung và khổ chung của con người ở các quốc gia khác nhau. Trở về Thái sau 5 năm, tiếng tăm về đạo hạnh của thiền sư lan rộng.
Tuy thế, giống nhiều bậc tu hành trong lịch sử mọi tôn giáo, Thiền sư Yantra cũng gặp nhiều kiếp nạn và thử thách lớn. Trong suốt đời mình, ông từng bị lăng mạ, phỉ báng, từng bị kết nhiều tội danh và buộc phải xả y, rời Thái Lan sang Mỹ, từng gặp tai nạn mất trí nhớ và phải ngồi xe lăn nhiều tháng trời.
Nói như tác giả Trái Tim Không, thì:
Cuộc đời của thiền sư, xuyên qua những năm tháng từng được phong thánh rồi bị coi là tội đồ, lúc là bậc cứu độ vạn người và khi là kẻ sát nhân bất cẩn, là sự thị hiện hiếm có về nguồn gốc khổ đau và cách nhổ bật nhân khổ đó, vĩnh viễn tự do. Không giây phút nào mà cuộc đời ấy không là tấm gương về sự hiện hữu.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Viết về Đức Phật Dược Sư - thành Quảng Nghiêm một thuở…
Đạo Phật trong trái tim tôi 16:50 31/10/2024Theo tinh thần của Phật giáo Mahayana (Phật giáo Phát Triển) và Phật giáo Vajrayana (Phật giáo Kim Cương thừa) thì Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang là một vị Phật-đà với hạnh nguyện rộng lớn, sẵn sàng xoa dịu những trái tim cằn cỗi đau thương, luôn luôn dang tay cứu độ hết thảy muôn loài trầm kha ngũ thú.
Thiền sư Yantra Amaro - người không nói gì mà pháp tự tuôn chảy
Đạo Phật trong trái tim tôi 10:23 18/10/2024Cũng như bao người trong khán phòng, tôi ngồi đợi từ sớm, rồi cảm giác như có một ngọn gió nào vừa nhẹ đến lan vào trong phòng, trong những tiếng thì thào rất khẽ của những người đang ngồi quanh tôi. Ô, thì ra ông đã đến.
Thiền sư Nhất Hạnh kể chuyện “chiếc áo ba mươi bảy kiếp khổ hạnh”
Đạo Phật trong trái tim tôi 11:09 16/10/2024Có những chiếc áo không bao giờ xấu và cũ. Tôi có một chiếc áo nâu đã sờn rách và bạc màu, nhưng tôi quý hơn tất cả những chiếc áo khác của tôi.
Cuộc đời màu nhiệm của cô gái 9x Hà thành
Đạo Phật trong trái tim tôi 12:00 05/10/2024Tôi biết tác giả Thanh Cầm qua một nhóm những người yêu văn chương và rất ấn tượng với những truyện ngắn em viết cho thiếu nhi. Ngôn từ đẹp, cách xây dựng nhân vật gần gũi và nội dung luôn mang những thông điệp giàu ý nghĩa nhân văn.
Xem thêm