Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Tưởng vậy nhưng không phải vậy

Từ Khổng Tử, một hiền triết, cho đến Trương Sinh, một con người đa nghi, đều không tránh khỏi được “TƯỞNG là vậy mà không phải là vậy”.

Tưởng vậy không phải vậy. Ảnh minh họa

Tưởng vậy không phải vậy. Ảnh minh họa

Chúng ta thường kết luận một vấn đề dựa trên những dữ liệu thu thập được từ giác quan. Có lúc, vấn đề được kết luận tương đối chính xác, nhờ dữ liệu thu thập được có tính khách quan. Có lúc, vấn đề được kết luận quá nhiều sai lầm, vì dữ liệu thu thập được không có tính khách quan.

Thành kiến, tình cảm hay toan tính có thể làm cho người thu thập dữ liệu không khách quan được. Người ấy TƯỞNG là vậy (do chủ quan), nhưng không phải là vậy. Sự thật như thật rất khác xa sự thật do TƯỞNG như vậy.

“Người Con Gái Nam Xương”, một người con gái Việt Nam xưa tên là Vũ Thị Thiết, đã phải nhảy xuống dòng sông Hoàng Giang tự tử, vì chồng mình là Trương Sinh TƯỞNG mình không chung thuỷ, do những dữ liệu sai lệch được thu thập không khách quan từ một đứa trẻ thơ.[1]

Nhan Hồi, một học trò đầy lòng kính thầy yêu bạn, thậm chí hy sinh cho thầy và bạn, nhưng vẫn không tránh khỏi kết luận sai lầm của Khổng Tử (thầy mình) vì hành động một mình ăn đi những miếng cơm dính bụi và để dành những miếng cơm sạch ngon cho thầy và bạn mình.[2]

Từ Khổng Tử, một hiền triết, cho đến Trương Sinh, một con người đa nghi, đều không tránh khỏi được “TƯỞNG là vậy mà không phải là vậy”. Cái TƯỞNG dẫn dắt cả bình dân và hiền triết đi vào u mê. Khi Trương Sinh biết mình u mê thì vợ mình đã chết. Khi Khổng Tử nhận ra mình sai lầm và ngửa mặt lên trời than: “Chao ôi! Hoá ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Chao ôi! Suýt tí nữa là Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ!”[3], thì Nhan Hồi cũng đã bị hàm oan.

Cho nên, Đức Phật Gotama, Ngài rất thận trọng trong những kết luận chủ quan. Ngài khuyên các học trò thận trọng trong lời nói[4] và đừng quá chủ quan tin chấp ý mình.[5]

Chúng ta, những anh chị em muốn hướng thiện cùng nhau, rất cần lưu ý tâm TƯỞNG của mình. Một khi mình đưa ra một kết luận chủ quan, không đúng sự thật mà chỉ do TƯỞNG đúng sự thật, mình có thể huỷ hoại chính mình, huỷ hoại tâm lành quanh mình, nhiều lúc còn có thể huỷ hoại cả một hướng đi thiện đẹp cho nhau và cho muôn loại.

Hậu quả của TƯỞNG như vậy mà không phải như vậy là rất lớn. Cái chết của Vũ Thị Thiết, bài học của Khổng Tử và lời khuyên của Phật là những kinh nghiệm minh triết mà chúng ta không thể không học để mình lớn đẹp và muôn loài cùng lớn đẹp bên nhau.

Nhuận Đạt

-------------

[1] Chuyện "Người con gái Nam Xương" kể Vũ Thị Thiết, quê ở Nam Xương, là người có dung hạnh. Chồng là Trương Sinh, một người đa nghi, phải đi lính vì nghĩa vụ, để lại mẹ và vợ ở nhà. Một thời gian sau, Vũ Thị Thiết sinh một đứa con đặt tên là Đản.

Ở nhà, Vũ Thị Thiết chăm con và mẹ chồng rất chu đáo. Vì nhớ thương con, mẹ chồng Vũ Thị Thiết ngày càng ốm nặng rồi mất. Vũ Thị Thiết lo tang lễ, ma chay chu đáo y như với cha mẹ đẻ mình. Để đỡ nhớ chồng và sợ con thiếu tình cha, Vũ Thị Thiết hay đùa với con bằng cách chỉ cái bóng của mình lên vách và nói với con đó là cha Đản.

Sau cuộc chiến, Trương Sinh trở về. Chàng đau buồn ra thăm mộ mẹ, bế bé Đản theo, nhưng bé Đản khóc bảo Trương Sinh không phải là cha Đản, cha Đản đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả. Vì thành kiến và cảm tính, Trương Sinh đã miệt thị Vũ Thị Thiết rất tàn bạo rồi đuổi nàng đi.

Không thể thanh minh được, Vũ Thị Thiết đã nhảy xuống dòng sông Hoàng Giang tự tử, lấy cái chết để minh oan cho chính sự trong sạch của mình. Thế rồi bé Đản một buổi tối nọ chỉ tay vào bóng của Trương Sinh trên vách và bảo đó là cha Đản. Trương Sinh liền hiểu ra mình đã sai. Mình đã TƯỞNG vợ mình như vậy, nhưng vợ mình thật sự không như vậy.

[2] Một lần Khổng Tử dẫn học trò đi du thuyết từ Lỗ sang Tề. Trong đám học trò đi với Khổng Tử có Nhan Hồi và Tử Lộ là hai học trò yêu của Khổng Tử.

Trong thời Đông Chu, chiến tranh liên miên, các nước chư hầu loạn lạc, dân chúng phiêu bạt điêu linh, lầm than đói khổ… Thầy trò Khổng Tử cũng lâm vào cảnh rau cháo cầm hơi và cũng có nhiều ngày phải nhịn đói, nhịn khát. Tuy vậy, không một ai kêu than, thoái chí; tất cả đều quyết tâm theo thầy đến cùng.

May mắn thay, ngày đầu tiên đến đất Tề, có một nhà hào phú từ lâu đã nghe danh Khổng Tử, nên đem biếu thầy trò một ít gạo… Khổng Tử liền phân công Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, còn Nhan Hồi thì đảm nhận việc thổi cơm.

Tại sao Khổng Tử lại giao cho Nhan Hồi - một đệ tử đạo cao đức trọng mà Khổng Tử đã đặt nhiều kỳ vọng nhất - phần việc nấu cơm? Bởi lẽ, trong hoàn cảnh đói kém, phân công cho Nhan Hồi việc bếp núc là hợp lý nhất.

Sau khi Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, Nhan Hồi thổi cơm ở nhà bếp, Khổng Tử nằm đọc sách ở nhà trên, đối diện với nhà bếp, cách một cái sân nhỏ. Đang đọc sách bỗng nghe một tiếng “cộp” từ nhà bếp vọng lên, Khổng Tử ngừng đọc, liếc mắt nhìn xuống, thấy Nhan Hồi từ từ mở vung, lấy đũa xới cơm cho vào tay và nắm lại từng nắm nhỏ. Xong, Nhan Hồi đậy vung lại, liếc mắt nhìn chung quanh, rồi từ từ đưa cơm lên miệng ăn.

Hành động của Nhan Hồi không lọt qua đôi mắt của vị thầy tôn kính. Khổng Tử thở dài, ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Học trò nhất của ta mà lại đi ăn vụng thầy, vụng bạn, đốn mạt như thế này ư? Chao ôi! Bao nhiêu kỳ vọng ta đặt vào nó thế là tan thành mây khói!”.

Sau đó, Tử Lộ cùng các môn sinh khác mang rau về. Nhan Hồi lại luộc rau. Khổng Tử vẫn nằm im đau khổ. Một lát sau rau chín. Nhan Hồi và Tử Lộ dọn cơm lên nhà trên; tất cả các môn sinh chắp tay mời Khổng Tử dùng cơm. Khổng Tử ngồi dậy và nói rằng: “Các con ơi! Chúng ta đi từ đất Lỗ sang Tề đường xa vạn dặm, thầy rất mừng vì trong hoàn cảnh loạn lạc, dãi nắng dầm mưa, đói khổ như thế này mà các con vẫn giữ được tấm lòng trong sạch, các con vẫn yêu thương đùm bọc nhau, các con vẫn một dạ theo thầy, trải qua bao nhiêu chặng đường đói cơm, khát nước. Hôm nay, ngày đầu tiên đến đất Tề, may mắn làm sao thầy trò ta lại có được bữa cơm. Bữa cơm đầu tiên trên đất Tề làm thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương nước Lỗ. Thầy nhớ đến cha mẹ thầy, cho nên thầy muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ thầy, các con bảo có nên chăng? Trừ Nhan Hồi đứng im, còn các môn sinh đều chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nên ạ!”. Khổng Tử lại nói: “Nhưng không biết nồi cơm này có sạch hay không?”.

Tất cả học trò không rõ ý Khổng Tử muốn nói gì nên ngơ ngác nhìn nhau. Lúc bấy giờ Nhan Hồi liền chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nồi cơm này không được sạch”. Khổng Tử hỏi: “Tại sao?”. Nhan Hồi thưa: “Khi cơm chín, con mở vung ra xem thử cơm đã chín đều chưa, chẳng may một cơn gió tràn vào, bồ hóng và bụi trên nhà rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con đã nhanh tay đậy vung lại nhưng không kịp. Sau đó con liền xới lớp cơm bẩn ra, định vứt đi nhưng lại nghĩ: cơm thì ít, anh em lại đông, nếu bỏ lớp cơm bẩn này thì vô hình trung làm mất một phần ăn, anh em hẳn phải ăn ít lại. Vì thế cho nên con đã mạn phép thầy và tất cả anh em, ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng thầy và tất cả anh em. Thưa thầy, như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi. Bây giờ, con xin phép không ăn cơm nữa, con chỉ ăn phần rau. Và thưa thầy, nồi cơm đã ăn trước thì không nên cúng nữa ạ! Nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Hoá ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Chao ôi! Suýt tí nữa là Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ!”.

[3]【孔子曰:所信者目也,而目犹不可信;所恃者心也,而心犹不足恃。弟子记之,知人固不易矣。】,《孔子家语》,卷五,困厄,第二十.

[4] Một trong năm quy tắc đạo đức cơ bản của một người học trò theo Đức Phật Gotama là: Không nói lời lừa dối; không nói lời ác ý; không nói lời tạo nên chia rẻ, mâu thuẫn và không nói lời phù phiếm, vô ích.

[5] Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Chương 28, Ðức Phật dạy: “Phải thận trọng đừng chủ quan với tâm ý của ông. Tâm ý của ông không thể tin chấp được”.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Nói với Phật

Phật pháp và cuộc sống 10:37 15/11/2024

Tôi đã từng là một người chạy theo tham vọng. Mỗi ngày, tôi vùi đầu vào công việc, luôn tin rằng hạnh phúc và thành công chỉ có thể đến từ tiền bạc và địa vị. Cuộc sống cứ trôi qua như một dòng chảy hối hả, không chờ đợi ai, và càng lao về phía trước, tôi lại càng thấy mình kiệt quệ.

Đi chùa sám hối?

Phật pháp và cuộc sống 08:45 15/11/2024

Mưa, Long ngồi trên chiếc võng trước cửa nhà, mắt nhìn ra cổng. Chiều nay, Long có hẹn với bạn gái, hai người sẽ đi chùa sám hối. Đó là thói quen mà mỗi tháng hai lần Long cùng với bạn gái đến chùa Vạn Đức.

Bếp ăn miễn phí dành cho học sinh nghèo

Phật pháp và cuộc sống 14:11 14/11/2024

Suốt 6 năm qua, bất kỳ học sinh nào đến bếp ăn 0 đồng tại ấp Sơn Phú 2A, xã Tân Thành, TP.Ngã Bảy (Hậu Giang), đều được tiếp đón tận tình.

Truyện ngắn: Điều hạnh phúc nhất

Phật pháp và cuộc sống 13:50 14/11/2024

Bé Sony đã ngủ từ lâu. Nằm trên giường, môi con mím lại, chúm chím, trông đáng yêu vô cùng.

Xem thêm