Thứ năm, 25/04/2019, 11:30 AM

Ứng xử của Đức Phật trong quan hệ thân tộc, anh em

Một bậc xuất thế không phải là một kẻ lánh đời, cũng như trốn tránh các trách vụ liên hệ tự thân. Nhận định đó càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết khi tham chiếu về những quan tâm của Đức Phật đối với dòng tộc, anh em của mình.

>>Đức Phật 

Theo khảo sát có năm sự kiện minh chứng cho sự quan tâm của Đức Phật đối với dòng tộc, anh em.

Về thăm quê hương và hóa độ thân quyến

Kinh điển còn ghi lại rằng Đức Phật đã trở về quê hương hai lần nữa để cuối cùng, đã có một sự chuyển hóa mạnh mẽ trong toàn bộ thân tộc Thích Ca. Ảnh minh họa

Kinh điển còn ghi lại rằng Đức Phật đã trở về quê hương hai lần nữa để cuối cùng, đã có một sự chuyển hóa mạnh mẽ trong toàn bộ thân tộc Thích Ca. Ảnh minh họa

Trước hết, theo sự thỉnh cầu từ vua Suddhodana và hai bên nội ngoại, Đức Phật đã thân hành về thăm quê hương.

Kinh điển đã ghi lại lời thỉnh cầu văn vẻ của hoàng thân Kalundayin: Không quá lạnh, quá nóng/ Thế Tôn thời tiết đẹp./ Hãy để hai dân tộc/ Thích-ca, Ko-li-ya/ Nhìn Ngài mặt hướng Tây/ Vượt sông Ro-hi-ni.

Bài liên quan

Từ sự cầu thỉnh này, Đức Thế Tôn cũng nhận thấy rằng mình đi sẽ cứu độ cho nhiều người, nên đã ra đi với hai mươi ngàn vị A-la-hán, mỗi ngày đi bộ một do-tuần. Lúc đó, Đức Phật đang ở Rajagaha và phải mất gần hai tháng để vượt qua quãng đường dài gần 600km để về tới Kapilavatthu. Ở đây, khi lựa chọn phương tiện đi bộ mà không sử dụng các phương tiện nhanh hơn do hoàng gia cung cấp, chuyến hành hương về thăm quê hương của Đức Phật còn hàm nghĩa là một chuyến hóa đạo trong suốt lộ trình. Theo sử gia H.W. Schumann, trường hợp hóa độ Ưu Ba Li và sáu vị Khất sĩ thuộc dòng họ Thích Ca tại thị tứ Anupiya thuộc Cộng hòa Malla là một minh chứng cho quan điểm này.

Mặc dù có những khó khăn và bỡ ngỡ bước đầu cho những người thân trong hoàng tộc, nhưng sau đó mọi chuyện trở nên tốt đẹp khi biết đã có một đấng tối thắng xuất hiện từ dòng họ Sakya, nên các vị hoàng thân luôn bày tỏ lòng quý kính. Đơn cử cho lòng sùng kính, kinh ghi: Các Sakya ở Kapilavatthu đi đến chỗ Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Các Sakya ở Kapilavatthu đang ngồi một bên, bạch Thế Tôn: - Ở đây, bạch Thế Tôn, có một ngôi giảng đường mới, được dựng lên không bao lâu cho các Sakya ở Kapilavatthu, và chưa được một Sa-môn, Bà-la-môn, hay một người nào đến ở. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy dùng nhà giảng đường ấy trước tiên, rồi các Sakya ở Kapilavatthu sẽ dùng sau, và như vậy các vị Sakya ở Kapilavatthu sẽ hưởng hạnh phúc, an lạc lâu dài. Thế Tôn im lặng nhận lời.

Sau chuyến hành hương này, kinh điển còn ghi lại rằng Đức Phật đã trở về quê hương hai lần nữa để cuối cùng, đã có một sự chuyển hóa mạnh mẽ trong toàn bộ thân tộc Thích Ca. Theo Hajime Nakamura, sau những chuyến về thăm quê hương của Đức Phật, đã có bốn mươi mốt Tỳ-kheo, hai mươi Tỳ-kheo-ni, chín nam cư sĩ tại gia và ba nữ cư sĩ tại gia đều ở trong số các môn đồ của Đức Phật thuộc bộ tộc Thích Ca. Với một bộ tộc không lớn lắm vào thời đó, con số những người thân xả tục xuất gia không hề nhỏ từ những nỗ lực giáo hóa không mệt mỏi của Đức Phật. Từ đây có thể thấy, trọng trách hóa độ thân tộc, anh em cũng là một trong những trách vụ cần có của người xuất gia, dù ở bất cứ thời đại nào.

Hóa giải bất hòa giữa hai bên nội, ngoại

Căn cứ vào kinh Tiểu bộ, truyện Tiền thân số 536, chuyện Chúa chim Kunala (tiền thân Kunala) và Tích truyện Pháp cú, bản dịch của Viên Chiếu, phẩm Hạnh phúc, sự tranh chấp về nguồn nước của con sông Rohini cung cấp nước cho cả hai bộ tộc Sakya và Koliya đã tăng dần cấp độ khi các nhà chức trách ở mỗi bộ tộc không bên nào chịu nhường bên nào về nguồn nước của con sông.

Bài liên quan

Đỉnh điểm của tranh chấp xảy ra vào tháng Jetthamùla, theo văn kinh là khoảng tháng 5 hoặc tháng 6, là lúc lúa ngậm đồng để chín, đó là khi sự va chạm giữa nông dân đã có sự tham gia của giới chức quân sự. Sự kiện này càng đau lòng hơn nữa vì bộ tộc Koliya chính là quê ngoại của Phật và cũng là quê hương của công chúa Yasodhara và bộ tộc Sakya là quê nội của Đức Phật. Sự va chạm giữa hai bên nội ngoại bao giờ cũng để lại những niềm đau, và nỗi đau đó không dừng lại ở một thế hệ, một đời người.

Khi Đức Thế Tôn quan sát thế gian vào mỗi sáng sớm, Ngài thấy sự kiện trên và nghĩ thầm: “Nếu Ta không đến giảng hòa, họ sẽ giết hại lẫn nhau mất”, và Đức Phật đã thị hiện đúng thời điểm để giảng hòa. Tại đây Ngài đã khéo léo chỉ rõ cho cả hai bộ tộc thấy rằng sự tạm bợ của vật chất, của phương tiện sinh nhai và chỉ ra cái cao quý của sinh mạng, của phẩm vị con người, của tình đoàn kết.

Đặc biệt, với những người trong thân tộc họ hàng, thì yếu tố đoàn kết có vai trò quan trọng. Từ đây, Ngài đã mở rộng thêm: Đối với những sinh vật đoàn kết, không ai có thể tìm ra lỗ hổng để tấn công cả, nhưng khi chúng đã tranh chấp lẫn nhau, thì một kẻ đi săn nào đó cũng tàn phá chúng và tiêu diệt chúng. Quả thật không có phần thưởng gì trong cuộc tranh chấp cả.

Từ lời dạy này, ta dễ dàng thấy rõ Đức Phật đã lưu ý đừng rơi vào những kế sách như Ngư ông đắc lợi mà các mưu sĩ phương Đông hay vận dụng, khi có sự tranh chấp nội bộ xảy ra. Cũng theo truyện Tiền thân số 536, sau khi hóa giải xung đột giữa hai dòng họ xong, Đức Phật còn giảng dạy thêm kinh Chấp trượng (kinh Attadanta) được ghi lại trong kinh Tập: Không nghĩ “đây của tôi”/ Không nghĩ “đây của người”/ Người không có tự ngã/ Không sầu vì không ngã/ Không tàn bạo, không tham/ Không dục, thường đồng đẳng/ Ðược hỏi Ta nói lên/ Lợi ích bậc bất động.

Can ngăn vua Tỳ Lưu Ly tận diệt dòng họ Thích Ca

Sự kiện dòng họ Thích Ca chưa hoàn toàn tuyệt diệt sau cuộc tàn sát của vua Tỳ Lưu Ly được khẳng định, vì theo kinh Trường bộ, sau khi Đức Thế Tôn nhập Niết-bàn, đã có một số người mang họ Sakya ở Kapilavatthu đến xin một phần xá-lợi để về phụng thờ. Ảnh minh họa

Sự kiện dòng họ Thích Ca chưa hoàn toàn tuyệt diệt sau cuộc tàn sát của vua Tỳ Lưu Ly được khẳng định, vì theo kinh Trường bộ, sau khi Đức Thế Tôn nhập Niết-bàn, đã có một số người mang họ Sakya ở Kapilavatthu đến xin một phần xá-lợi để về phụng thờ. Ảnh minh họa

Xuất phát từ sự nhận thức sai lầm, có hệ thống và do nội kết quyện chặt từ nhiều đời giữa dòng họ Thích Ca và vua Tỳ Lưu Ly, vua Tỳ Lưu Ly đã nhiều lần khởi binh tiến đánh bộ tộc Thích Ca và cuối cùng đã tàn sát gần như diệt vong dòng họ Thích Ca.

Trong sự kiện kinh hoàng này, theo sự mô tả chi tiết trong kinh Tăng nhất A hàm, Đức Phật đã hơn một lần đứng ra ngăn cản vua Tỳ Lưu Ly sát hại dòng tộc Thích Ca. Theo kinh văn, khi ấy có khá đông các vị Tỳ-kheo đến báo tin vua Tỳ Lưu Ly hưng binh tiến đánh họ Thích, “Bấy giờ Thế Tôn nghe lời này xong liền dùng thần túc đến bên đường ngồi dưới một gốc cây. Vua Lưu Ly xa thấy Thế Tôn ngồi dưới gốc cây liền xuống xe đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi đứng một bên. Bấy giờ vua Lưu Ly bạch Thế Tôn:

- Lại có những cây tốt sao Ngài không đến ngồi mà hôm nay Thế Tôn cớ gì lại ngồi dưới cây khô này?

Thế Tôn đáp:

- Bóng mát của thân tộc hơn người ngoài.

Khi ấy Thế Tôn liền nói kệ: Bóng mát của thân tộc/ Từ họ Thích có Phật/ Ðều là cành lá Ta/ Nên ngồi dưới cây ấy.

Vua Lưu Ly lại nghĩ:

- Ngày nay Thế Tôn phát xuất từ dòng họ Thích. Ta không nên chinh phạt, nên cùng quay về nước”. Cũng cần nói thêm rằng, theo Tích truyện Pháp cú, khu đất phía trước đoàn binh mã của vua Tỳ Lưu Ly có nhiều cây cao bóng mát, nhưng thuộc phần đất của bộ tộc Koliya, trong khi đó, trên phần đất của bộ tộc Sakya thì chỉ có một gốc cây khô trụi lá. Đức Phật đã đến ngồi dưới cội cây này để ngăn cản đoàn binh mã của vua Tỳ Lưu Ly. Đứng trước tình hình này, ngài Mục Kiền Liên đã nhiều lần xin phép Đức Phật cho ngài thi triển thần thông để bảo hộ dòng họ Thích Ca.

Tuy nhiên, Đức Thế Tôn không chấp thuận và đã ôn tồn bảo ngài Mục Kiền Liên: Thầy trở về chỗ đi. Hôm nay họ Thích túc duyên đã chín, nay sẽ thọ báo. Từ đây có thể thấy rõ không có một sức mạnh nào vượt qua được nghiệp lực và mỗi cá nhân hoàn toàn tự chịu trách nhiệm trước mỗi việc mà mình đã gây ra. Ở đây, sau nhiều lần do dự, băn khoăn vì nể tình của Đức Phật, nhưng cuối cùng, do sự xúi giục của bề tôi xấu, do hận thù chưa nguôi, vì lúc trẻ bị dòng họ Thích Ca làm nhục, nên vua Tỳ Lưu Ly đã tàn sát gần như hoàn toàn bộ tộc Thích Ca và chỉ có một vài nhóm người trốn thoát. Sự kiện dòng họ Thích Ca chưa hoàn toàn tuyệt diệt sau cuộc tàn sát của vua Tỳ Lưu Ly được khẳng định, vì theo kinh Trường bộ, sau khi Đức Thế Tôn nhập Niết-bàn, đã có một số người mang họ Sakya ở Kapilavatthu đến xin một phần xá-lợi để về phụng thờ.

Tình thương vô hạn và ứng xử nghiêm khắc với người anh em Đề Bà Đạt Đa

Với Đức Phật, Ngài nghiêm khắc với tất cả những sai trái của những người thân. Việc Đề Bà Đạt Đa cầu thỉnh năm việc cũng như một số yêu cầu không hợp lý khác đã không được Đức Phật đáp ứng, chứng tỏ sự cứng rắn tuyệt vời của bậc Đạo sư. Đây là một bài học có ý nghĩa thời đại. Vì lẽ, người thân tuy quan trọng nhưng chân lý quan trọng hơn. Ảnh minh họa

Với Đức Phật, Ngài nghiêm khắc với tất cả những sai trái của những người thân. Việc Đề Bà Đạt Đa cầu thỉnh năm việc cũng như một số yêu cầu không hợp lý khác đã không được Đức Phật đáp ứng, chứng tỏ sự cứng rắn tuyệt vời của bậc Đạo sư. Đây là một bài học có ý nghĩa thời đại. Vì lẽ, người thân tuy quan trọng nhưng chân lý quan trọng hơn. Ảnh minh họa

Bài liên quan

Đề Bà Đạt Đa là anh em bà con với Đức Phật. Có nhiều nguồn tài liệu nói khác nhau về nhân thân của Đề Bà Đạt Đa. Theo Maha Thera Narada và sử gia H.W. Schumann, thì Đề Bà Đạt Đa là con vua Suppa - Buddha và hoàng hậu Pamita, một người cô của Đức Phật. Công chúa Yasodhara là chị của Đề Bà Đạt Đa. Như vậy, Đề Bà Đạt Đa vừa là anh em cô cậu vừa là em vợ của thái tử Shidharta. Nói rõ hơn, giữa Đức Phật và Đề Bà Đạt Đa có quan hệ thân tộc khá gần.

Đề Bà Đạt Đa xuất gia vì động cơ chân chánh. Đó là điều có thể nhận ra vì đã cùng bảy vị vương tôn như Bhaddiya, Anuruddha, Ānanda, Bhagu, Kimpila, Devadatta và người thứ bảy là thợ cạo Upāli cùng phát nguyện xuất gia với Đức Thế Tôn tại Anupiyā, một thị trấn của tiểu quốc Malla. Thời gian đầu, Đề Bà Đạt Đa đã nỗ lực tu tập nên cũng có một ít thần thông và khả năng thuyết giảng, nên cũng được ngài Sariputta ủng hộ và quan tâm. Tuy nhiên, càng về sau, Đề Bà Đạt Đa càng dễ duôi, bê trễ, và thậm chí thường xuyên bị nung nấu bởi tư dục: “Ta sẽ lãnh đạo chúng Tăng”, nên đã nhiều lần thỉnh cầu Đức Phật truyền trao cho ông ta trọng trách đó.

Đức Phật không những không chấp nhận mà còn bảo rằng: Này Devadatta, ngay cả Sāriputta (Xá Lợi Phất) và Moggallāna (Mục Kiền Liên) ta còn không thể bàn giao hội chúng Tỳ-khưu, làm sao (có thể bàn giao) cho kẻ tồi tệ đáng phỉ nhổ như ngươi được. Ở đây, cần phải thấy rằng, quan điểm xuyên suốt của Đức Phật là: Không có một vị Tỳ-kheo nào được Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác sắp đặt: “Vị này, sau khi Ta diệt độ, sẽ là chỗ nương tựa cho các ông, và các ông sẽ y chỉ vị này”. Đây là một trong những nguyên do để dẫn đến việc Đề Bà Đạt Đa nhiều lần mưu hại Đức Phật.

Theo kinh điển ghi lại, ít nhất có ba sự kiện lớn chứng tỏ Đề Bà Đạt Đa liên tục mưu hại Đức Phật. Thứ nhất là thuê sát thủ hành thích Đức Phật, thứ hai là thả voi say Nàlàgiri và thứ ba là tự minh lăn đá để sát hại Đức Phật. Trước tất cả những dã tâm nhưng với kết cuộc hoàn toàn thất bại của Đề Bà Đạt Đa, Đức Thế Tôn không hề oán hận và còn mở rộng lòng thương cảm, tha thứ cho ông ta. Trong kinh điển Bắc truyền, thái độ đó của Đức Phật đã được ca ngợi hết mực, vì trong kinh Pháp hoa, Ngài đã xác nhận rằng, Đề Bà Đạt Đa sẽ thành Phật ở tương lai.

Với Đức Phật, Ngài nghiêm khắc với tất cả những sai trái của những người thân. Việc Đề Bà Đạt Đa cầu thỉnh năm việc cũng như một số yêu cầu không hợp lý khác đã không được Đức Phật đáp ứng, chứng tỏ sự cứng rắn tuyệt vời của bậc Đạo sư. Đây là một bài học có ý nghĩa thời đại. Vì lẽ, người thân tuy quan trọng nhưng chân lý quan trọng hơn.

Phút cuối đời vẫn quan tâm về người hầu cận Xa-nặc (Channa)

Thân cận với Đức Phật từ những ngày còn trong hoàng cung và có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cho thái tử Siddharta vượt thành xuất gia, ở một chừng mực nào đó Xa-nặc đã có công lao rất lớn. Trong những chuyến về thăm hoàng cung của Đức Phật, Xa-nặc đã phát tâm xuất gia. Đó là điều được khẳng định rõ ràng vì ông có tên trong danh sách bốn mươi mốt người nam cư sĩ trong bộ tộc Thích Ca phát nguyện xuất gia.

Trong quá trình tu tập, ông đã liên tục vi phạm nhiều lỗi lầm. Trong Cullavagga đã dành nhiều đoạn đề cập về ông: Lúc bấy giờ, Đức Phật Thế Tôn ngự tại Kosambī, tu viện Ghosita. Vào lúc bấy giờ, Đại đức Channa sau khi phạm tội lại không muốn nhìn nhận tội… Vào lúc bấy giờ, Đại đức Channa sau khi phạm tội lại không muốn sửa chữa lỗi… Sau đó, các vị Tỳ-khưu đã trình sự việc ấy lên Đức Thế Tôn. Ở đây, mặc dù chưa tìm thấy sự lý giải thỏa đáng về hành động tái phạm lỗi lầm của Tỳ-kheo Channa từ kinh, luật; thế nhưng theo cảm quan người viết, phải chăng Channa có thái độ ỷ lại vì đã có chút ít công lao trong việc hỗ trợ thái tử Siddharta ở buổi đầu? Đặc biệt, tại Kusinagar, trong đêm trước khi nhập Vô dư Niết-bàn, Đức Phật đã thể hiện thái độ nghiêm khắc đối với Channa: Này Ananda, sau khi Ta diệt độ, hãy hành tội Phạm đàn (Brahmadanda) đối với Tỷ-kheo Channa.

- Bạch Thế Tôn, thế nào là Phạm đàn?

- Này Ananda, Tỷ-kheo Channa muốn nói gì thì nói. Chúng Tỷ-kheo sẽ không nói, sẽ không giảng dạy, sẽ không giáo giới Tỷ-kheo Channa.

Trong cộng nghiệp của anh em thân tộc, mỗi cá nhân hoàn toàn chịu trách nhiệm độc lập trước tư duy, lời nói, việc làm của mình. Với Phật giáo, cá nhân và dòng họ tuy có liên quan nhưng mang tính độc lập rất lớn. Ảnh minh họa

Trong cộng nghiệp của anh em thân tộc, mỗi cá nhân hoàn toàn chịu trách nhiệm độc lập trước tư duy, lời nói, việc làm của mình. Với Phật giáo, cá nhân và dòng họ tuy có liên quan nhưng mang tính độc lập rất lớn. Ảnh minh họa

Sự lưu tâm của Đức Phật đối với Tỳ-kheo Channa xuất hiện trong thời khắc đặc biệt, phải chăng là một bài học lớn đối với chúng ta trong việc ứng xử với người thân? Vì lẽ, tính khí ỷ lại, dựa dẫm vào người thân, bà con… thường là tập khí sâu dày của chúng sanh nói chung. Tập khí đó, về ý nghĩa sâu xa thì không phù hợp với con đường Thánh đạo, trong thực tiễn đời thường thì không phù hợp với nếp sống của người cư sĩ nói riêng.

Bài liên quan

Từ sự quan tâm rất mực đặc biệt này của Đức Phật, Channa đã có một sự chuyển hóa tích cực và có hậu. Kinh ghi: Vì lòng thương mến Thế Tôn, vì tự phụ, tự đắc đối với ‘Đức Phật của chúng ta, giáo pháp của chúng ta’, ngài không thể chinh phục khuyết điểm này và không làm tròn bổn phận của một người Sa-di. Khi Thế Tôn mệnh chung, theo lời dặn của Thế Tôn cần phải phạt nặng Channa, ngài xấu hổ, chế ngự được khuyết điểm này, không bao lâu chứng quả A-la-hán. Tương tự như vậy, kinh điển Bắc truyền có cùng nội dung đồng thời xác tín: Sau khi Phật nhập Niết Bàn, Tỳ-kheo Xa-nặc tâm tánh sẽ lần lần điều phục, nhu hòa, bỏ ác tánh cũ.

Từ năm điểm vừa trình bày cho thấy, quan tâm đến anh em thân tộc và định hướng hành động cho họ là những nỗ lực của Đức Thế Tôn đối với thân tộc của mình. Mặc dù vậy, xét đến cùng của đời sống, sự nương tựa, dính kết với nhau để tạo nên tình anh em thân tộc, chẳng qua chỉ là sự vận hành sinh động của dòng sóng nghiệp lực. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có ưu. Cho nên, dòng tộc, họ hàng, anh em, bà con chỉ có ý nghĩa trong tương quan luân hồi, nghiệp quả. Còn sống trong luân hồi, thì còn phải ứng xử phù hợp và thích ứng trong tương quan anh em, thân tộc.

Tuy nhiên, trong cộng nghiệp của anh em thân tộc, mỗi cá nhân hoàn toàn chịu trách nhiệm độc lập trước tư duy, lời nói, việc làm của mình. Với Phật giáo, cá nhân và dòng họ tuy có liên quan nhưng mang tính độc lập rất lớn.

Cũng chính bởi điểm này, Đức Phật còn cẩn thận cảnh báo:

Chớ hỏi về thọ sanh

Hãy hỏi về sở hành

Tùy theo mọi thứ củi

Ngọn lửa được sanh khởi

Dầu thuộc nhà hạ tiện

Bậc ẩn sĩ tinh cần

Ðược xem như thượng sanh.

Cũng có thể xem đây là quan điểm căn bản trong ứng xử với anh em, thân tộc của Phật giáo.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Năm công việc hàng ngày của Đức Phật

Đức Phật 09:47 08/12/2024

Trong suốt 45 năm hoằng pháp, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni luôn kiên trì thực hiện năm công việc quan trọng mỗi ngày. Những công việc này thể hiện sự tận tâm, trí tuệ và lòng từ bi vô lượng của Ngài đối với chúng sinh, nhằm hóa độ và hướng dẫn mọi người trên con đường giác ngộ.

Đức Phật chỉ ra con đường dẫn đến hòa bình thế giới

Đức Phật 10:20 02/12/2024

Hạnh phúc đâu cần tìm kiếm đâu xa, ngay khi bản thân chúng ta có thể tự tạo ra nó. Lời dạy này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vun đắp sự bình yên nội tâm như một nền tảng để kiến tạo một thế giới hài hòa hơn.

Đức Phật là người Thầy giáo vĩ đại

Đức Phật 12:00 20/11/2024

Bản chất của đạo Phật là một nền giáo dục trí tuệ nhân văn vĩ đại, đức Phật là người thầy giáo vĩ đại của nhân loại.

Đức Phật lịch sử

Đức Phật 08:45 20/11/2024

Đức Phật là bậc đạo sư của Phật giáo, tuy nhiên, không giống những vị giáo chủ các tôn giáo khác gắn liền phần tiểu sử của mình với những huyền ảo bí ẩn, cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có cả phần huyền sử và phần lịch sử.

Xem thêm