Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 13/03/2024, 13:00 PM

Về Quảng Nam, vãng cảnh chùa Hà Tân nơi ngã ba sông

Chùa Hà Tân - ngôi chùa nằm ở doi đất cuối làng Hà Tân (xã Đại Lãnh, Đại Lộc), là nơi hợp lưu của hai sông Con và sông Cái - thuộc đầu nguồn Vu Gia có cảnh quang thơ mộng, mát mẻ. Khách đến vãng cảnh chùa, thưởng thức từng đợt gió mát rượi thổi lên từ sông thấy lòng hân hoan tràn ngập.

Khung cảnh yên bình. Ảnh: H.L

Khung cảnh yên bình. Ảnh: H.L

Chùa Hà Tân từng là ngôi chùa làng nhỏ, được xây dựng vào thập niên 40 của thế kỷ trước. Một phật tử tín tâm của làng Hà Tân là ông Lương Châu (Lương Tự Hối) đã xây ngôi chùa và cúng dường đất vườn, tạo điều kiện để phật tử trong làng quanh năm có nơi cúng Phật và ông cũng có công bảo dưỡng, trùng tu ngôi chùa qua năm tháng.

Tượng 18 vị La Hán tại khuôn viên chùa. Ảnh: H.L.

Tượng 18 vị La Hán tại khuôn viên chùa. Ảnh: H.L.

Song, có thời kỳ, do chiến tranh tàn phá, xóm làng tiêu điều, xác xơ, ngôi chùa cũng tiêu điều. Năm 1974, làng Hà Tân là vùng trực tiếp hứng chịu binh lửa với trận Thượng Đức chấn động lịch sử, chùa làng cũng gánh chịu đau thương.

Chùa Hà Tân là nơi thờ phụng hơn 1.000 liệt sĩ hy sinh trên chiến trường Thượng Đức. Ảnh: H.L.

Chùa Hà Tân là nơi thờ phụng hơn 1.000 liệt sĩ hy sinh trên chiến trường Thượng Đức. Ảnh: H.L.

Sau giải phóng, ngôi chùa nhỏ cũng xuống cấp trầm trọng. Chùa làng Hà Tân suốt thời gian dài không có trụ trì. Hằng năm, phật tử và bà con trong làng cũng thường đến chùa đảnh lễ Phật, cúng dường tam bảo. Chùa rồi cũng có trụ trì là Đại đức Thích Đồng Nhãn.

Chùa làng vốn nhỏ, lại tiêu điều, xác xơ qua các trận lũ dữ kinh hoàng. Hai dòng sông thơ mộng là thế song lại trở nên hung tợn, dữ dội vào mỗi đợt mưa lũ, như nuốt chửng bất cứ thứ gì nơi doi đất ba sông. Nhà nước đã hỗ trợ dân làng di dời toàn bộ ra khỏi khu vực xung yếu...

Khoá tu mùa hè nơi chùa Hà Tân. Ảnh: H.L.

Khoá tu mùa hè nơi chùa Hà Tân. Ảnh: H.L.

Nơi ngã ba sông này, hàng ngàn người lính trẻ đã hy sinh trên chiến trường Thượng Đức. Tri ân công đức của những người đã hy sinh trên đất này, được sự đồng ý của chính quyền địa phương và thân nhân các gia đình liệt sĩ, chùa Hà Tân đã rước hương linh của 1.000 liệt sĩ thuộc các đơn vị Sư đoàn 304, 324 và Trung đoàn 219 thuộc Quân đoàn 2 về thờ tự trong đền thờ liệt sĩ trang nghiêm.

Hằng năm đến mùa Vu lan, thân nhân liệt sĩ từ khắp mọi miền đã tìm về đây dâng hương, tưởng niệm vong linh liệt sĩ đã nằm xuống đất này. Nhà chùa mỗi năm đều tổ chức đại lễ cầu siêu cho liệt sĩ.

Vườn chùa với không gian xanh mát, yên bình. Ảnh: H.L

Vườn chùa với không gian xanh mát, yên bình. Ảnh: H.L

Giai đoạn 2013-2015, từ sự phát tâm ủng hộ, quyên góp của phật tử, doanh nhân, nhân dân, chùa Hà Tân có điều kiện trùng tu, tôn tạo ngôi chánh điện, khách đường, bếp ăn, vườn chùa và các cảnh quan khác...

Qua nhiều năm và nhiều đợt trùng tu, tôn tạo, ngôi bảo tự được dựng lại trên nền chùa cũ, vườn chùa được bồi đắp, mở rộng hài hòa, đẹp mắt, là điểm đến tham quan, đảnh lễ Phật của người dân và du khách xa gần, nhất là vào các ngày lễ trọng đại và dịp đầu năm mới. Sân chùa có nhiều cây to che bóng mát, có những cội nguyệt quế, sala song thụ trổ hoa, nơi có tượng 18 vị La Hán trầm mặc tĩnh tại trong vườn thiền. Phía tây nam của chùa, tượng Phật Bà Quán Thế Âm cao hàng chục mét toạ lạc khang trang, mặt hướng về ngã ba sông...

Chùa Hà Tân nằm trên doi đất nơi ngã ba sông. Ảnh: H.L.

Chùa Hà Tân nằm trên doi đất nơi ngã ba sông. Ảnh: H.L.

Để giữ được ngôi chùa ở nơi "đầu sóng ngọn gió" này, bao công sức của tăng ni, phật tử và nhân dân đã đổ xuống. Thầy Thích Đồng Nhãn - trụ trì chùa Hà Tân từng nhiều lần đứng ra vận động trai tráng trong làng lên rừng vác đá, chặt cây, đắp kè, làm rọ đá kè đất, ngăn dòng nước dữ để bảo vệ làng, bảo vệ chùa. Mỗi ngày, công sức kè sông, bảo vệ nền móng chùa thêm dày gian nan, nhờ đó, chùa Hà Tân mới được bảo vệ vững chãi.

"Để bảo vệ ngôi chùa đẹp nơi đầu nguồn Vu Gia, cũng là bảo vệ ngôi làng Hà Tân thơ mộng này, chùa đã bỏ ra bao tâm huyết kêu gọi chư tăng ni, phật tử, các nhà hảo tâm xa gần phát tâm hỗ trợ, cúng dường tam bảo, nhờ đó mà chùa Hà Tân mới được bảo tồn, gìn giữ. Song nỗi lo sạt lở vẫn còn đó..." - Đại đức Thích Đồng Nhãn cho biết.

Cổng chùa dẫn tới làng Hà Tân. Ảnh: H.L.

Cổng chùa dẫn tới làng Hà Tân. Ảnh: H.L.

Ngày xuân vãng cảnh chùa, đứng nơi doi đất cuối làng nhìn ra ngã ba sông, gió thổi mát rượi, quang cảnh đẹp đến nao lòng. Tiếng chuông chùa vang vọng giữa bốn bề mây nước chợt thấy lòng bình yên đến lạ. Mong rằng, mái chùa - "nơi che chở hồn dân tộc" nơi đầu sóng ngọn gió này mãi trường tồn cùng thời gian.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Chiêm ngưỡng những tượng Phật lớn nhất Việt Nam

Chùa Việt 11:55 25/04/2024

Việt Nam là quốc gia có bề dày văn hóa Phật giáo và cũng là nơi có nhiều tượng Phật lớn nhất. Những tượng Phật này không chỉ là điểm hành hương tâm linh mà còn là kiệt tác nghệ thuật đáng kinh ngạc.

Về Bình Thuận, viếng thăm ngôi chùa trên núi Tà Cú

Chùa Việt 14:40 23/04/2024

Nằm trên núi Tà Cú, chùa Linh Sơn Trường Thọ thu hút du khách bởi không gian thanh tịnh, khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ.

Một vài đặc điểm kiến trúc của ngôi chùa Việt

Chùa Việt 10:25 16/04/2024

Ngôi chùa được xem là bảo tàng nghệ thuật, là nơi lưu giữ nhiều di sản Phật giáo có giá trị. Bản thân kiến trúc chùa còn chuyển tải nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa và tôn giáo.

Ngôi chùa cổ nằm chênh vênh trên vách núi hơn 500 năm

Chùa Việt 08:30 15/04/2024

Tương truyền, chùa Vô Vi được khởi dựng từ thời Đinh (thế kỷ X), sau nhiều biến cố của lịch sử, chùa được dời lên vách núi như ngày nay đã hơn 500 năm.

Xem thêm