'Vườn thượng uyển của nhà Phật' ở Lâm Đồng kỷ niệm 100 năm
Tổ đình Sắc tứ Giác Nguyên nằm trên đỉnh đồi ở thị trấn D’ran, Đơn Dương, Lâm Đồng - nơi được mệnh danh là 'vườn thượng uyển của nhà Phật' giữa chốn nhân gian" - vừa làm lễ kỷ niệm 100 năm.
Theo đó, sáng 1/10 (29/8/Giáp Thìn), Môn phong tổ đình Sắc tứ Giác Nguyên trọng thể tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển của tổ đình; tưởng niệm 10 năm ngày Trưởng lão Hòa thượng Thích Pháp Chiếu, Ủy viên HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Lâm Đồng viên tịch.
Với lòng sùng mộ Phật pháp, năm 1923 một ngôi chùa được hình thành trên cao nguyên Lâm Viên do một nữ Cư sĩ thành lập.
Ngôi tổ đình Sắc tứ Giác Nguyên nằm trên đỉnh đồi ở thị trấn D’ran, Lâm Đồng, được xây dựng từ 100 năm trước, lưng dựa núi, mặt hướng về thủy điện Đa Nhim.
Cuối năm 1923, tổ đình Sắc tứ Giác Nguyên hay còn gọi là chùa Bà Xám được xây dựng trên một ngọn đồi tại thị trấn D’ran, thị trấn thuộc huyện Đơn Dương nằm giữa lưng chừng hai con đèo D'ran và Ngoạn Mục. Giác Nguyên hoàn thành năm 1924, là chùa cổ nhất ở thị trấn D'ran.
Lúc mới lập, chùa chỉ là một am nhỏ với mái lá, tường đất. Năm 1925, chùa được xây lại bằng gạch mái ngói, nơi chính điện có chín cây cột nên còn gọi là chùa Chín Cột. Chùa được sắc tứ (lệnh vua ban) vào thời Bảo Đại năm thứ 14 (năm 1939).
Đến năm 1976, Hòa thượng Thích Pháp Chiếu (người Bình Định) về làm trụ trì đã cho sửa chữa, tu bổ chùa cũ, đồng thời xây dựng thêm chùa Trung, điện Thượng và một số công trình phụ.
Tiếp nối cơ nghiệp tiền nhân, từ thập niên 70, cố Trưởng lão HT.Thích Pháp Chiếu tiếp nhận trú trì và tiếp tục trùng tu ngôi tòng lâm phạm vũ huy hoàng như ngày hôm nay.
Cổng chùa nằm ở mặt đường chính, thuận tiện cho việc di chuyển. Đường vào chùa là dốc thoải dài khoảng 500 m. Đi hết con dốc đầu tiên sẽ đến một khoảng sân rộng, bên phải là Chính điện, phía trước đặt tượng Quan Thế Âm Bồ-tát đứng trên đài sen trắng, hai bên có hạc chầu màu vàng. Phía bên trái, đối diện chính điện là cổng gỗ màu đỏ hướng ra phía thủy điện Đa Nhim, được xây dựng từ những năm 60, xung quanh là rừng phòng hộ của hồ thủy điện.
Từ khoảng sân rộng, những bậc thang dài dẫn lên Điện Thượng, nơi được điêu khắc, chạm trổ tỉ mỉ từng góc cạnh. Tầng trên cùng của mái chùa tầng uốn đao cong, mái vòm phía dưới được trang trí bằng họa tiết cách điệu từ rồng.
Ấn tượng nhất là hình ảnh thân rồng uốn lượn quanh hai cột trụ trước cửa điện, tạo vẻ uy nghi cho công trình.
Chính điện trong Điện Thượng thờ bốn mặt với nhiều tượng cổ. Mặt tiền trên cao chính điện thờ Đức Phật, Xá Lợi Phật, phía dưới thờ Tam Thánh Tây Phương và tượng Phật Đản sanh. Phía sau thờ cổ tượng Tổ bằng gỗ. Tầng trên cùng của chính điện là nơi đặt Xá Lợi Phật được hoàng gia Thái Lan tặng năm 1999.
Phía bên trái Điện Thượng là Điện thờ Chuẩn Đề, nơi đặt tượng Phật nghìn Tay cao 6,5 m với hai hạc chầu cao 3 m hai bên. Bên phải thờ tượng Địa Tạng, Tiêu Diện, Hộ Pháp làm bằng gỗ cổ.
Kiến trúc của chùa có sự pha trộn giữa phong cách Phật giáo nguyên thủy với phong cách kiến trúc của một số nơi tại Việt Nam và châu Á sau nhiều lần tu sửa. Trong chùa có hai ngọn tháp được xây dựng theo kiến trúc Thái Lan, một tháp khác thiết kế theo nghệ thuật kiến trúc San Chi của Ấn Độ. Đỉnh tháp cao nhất của Điện Thượng xây dựng theo kiến trúc Phật giáo Tây Tạng. Nhưng phía sau tháp lại chạm khắc hoa sen, hoa cúc cách điệu, là nét đặc trưng của mỹ thuật Việt Nam.
Ngoài là nơi đến lễ bái hàng năm của người dân, ngôi chùa còn là nơi nương nhờ, tu tập của nhiều trẻ em địa phương.
Chùa có không gian rộng và thoáng, lại được xây trên đồi cao nên phóng tầm mắt ra xa sẽ thấy những dãy núi, rừng cây, cánh đồng, những nếp nhà. Nhìn về hướng Đông là khung cảnh đập thủy điện Đa Nhim nằm đối diện chùa, dưới trời xanh, mây trắng, mang đến cảm giác yên bình như khung cảnh trong phim.
Nơi đây là nơi thích hợp để tìm đến vãn cảnh và tịnh tâm. Du khách đến đây nên mặc trang phục kín đáo và lịch sự, hạn chế gây tiếng ồn trong sân chùa để giữ gìn bầu không khí thanh tịnh của một ngôi chùa linh thiêng. Đứng từ sân chùa, thu hết những hình ảnh thanh bình đó vào mắt khiến tâm mình cũng muốn lắng đọng lại. Chùa Giác Nguyên giống như 'vườn thượng uyển của nhà Phật' giữa chốn nhân gian".
Trải qua những cung bậc thăng trầm của Phật giáo với nhiều thời kỳ Giáo hội khác nhau, thời kỳ nào Trưởng lão HT.Thích Pháp Chiếu cũng luôn phụng sự bằng tất cả tâm lực, đạo lực, được tín nhiệm nắm giữ nhiều trọng trách.
Để xiển dương đạo pháp, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức, cố Trưởng lão Hòa thượng đã không những phát triển cơ sở, tiếp tăng độ chúng, kiến đàn truyền thụ giới pháp, soạn thảo giáo án đào tạo Tăng tài, dấn thân hành đạo không mệt mỏi.
Vào ngày 1/10/2014, Trưởng lão Hòa thượng Thích Pháp Chiếu, một bậc tôn túc đã góp phần thiết kế, xây dựng ngôi nhà chung của Giáo hội đã xả huyễn quy chân.
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm tổ đình, tưởng niệm 10 năm viên tịch của Trưởng lão HT.Thích Pháp Chiếu, môn phong tặng Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Khuyến học, Quỹ Phòng chống thiên tai - mỗi đơn vị 25 triệu đồng.
Trước đó, ngày thứ 2 của Đại lễ, Ban tổ chức cũng đã trao cho bà con tại địa phương 100 phần quà.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Truyền thuyết ly kỳ ở ngôi chùa cổ có mái xanh nổi bật TPHCM
Chùa Việt 10:02 09/12/2024Không chỉ là một trong những ngôi chùa cổ nhất TPHCM, chùa Huê Nghiêm còn lưu truyền truyền thuyết ly kỳ về người phụ nữ giàu có, sau khi chết tái sinh thành công chúa.
Chiêm ngưỡng nhiều cảnh “độc, lạ” ở chùa Linh Sơn
Chùa Việt 09:37 07/12/2024Nằm trên gò cao bên triền núi Ba Thê, chùa Linh Sơn có kiến trúc nghệ thuật độc đáo trong quần thể di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê (thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn). Từ lâu, nơi đây được xem là địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng khắp vùng. Tham quan ngôi chùa trăm năm tuổi, chúng ta sẽ cảm nhận vẻ đẹp an yên, thanh tịnh ở đây.
Ngôi chùa có mộ cá voi hơn 10 tấn
Chùa Việt 16:08 03/12/2024Tọa lạc ven biển, thuộc P.2, TX.Vĩnh Châu (Sóc Trăng), ngôi chùa Khmer mang tên Wat Sala Phôthi Sêrey Sakô được nhiều người biết đến vì trong chùa có mộ cá voi nặng hơn 10 tấn.
Chùa Yên Phú, di sản cổ tự 2.000 năm tuổi ở Hà Nội
Chùa Việt 10:45 03/12/2024Chùa Yên Phú có tên chữ là Thanh Vân tự, sau đổi thành Khánh Hưng tự - là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam. Chùa cách trung tâm Hà Nội 18km về phía Nam, với bề dày lịch sử 2.000 năm và những câu chuyện ly kỳ xung quanh cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Xem thêm