Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 31/10/2024, 12:00 PM

Yêu thương hơn, hạnh phúc hơn bằng phương pháp “Quán từ bi”

Thực hành phép "Quán Từ Bi", một pháp môn rất vi diệu trong Phật Pháp, được Đức Phật hết sức tán thán, ca ngợi về cả công đức thù thắng, lớn lao, cũng như ý nghĩa quan trọng trong việc tu hành viên mãn đức hạnh.

Lòng từ bi - yêu thương vô điều kiện không phải là một đặc thù chỉ có đạo Phật Mới có, đó là một đạo lý phổ quát, một lý tưởng chung cho toàn bộ sinh linh trong vũ trụ hướng đến. Bất cứ nơi đâu, bất cứ thiên hà hay hành tinh nào, là tổ chức hay cá nhân, là tôn giáo hay đất nước, ở đâu xuất hiện lòng từ bi, ở đâu có tình yêu thương vô điều kiện, thì ở nơi đó có ánh sáng, có một nguồn sức mạnh hút tất cả sự quy ngưỡng của mọi người về đó.

Tình yêu thương đã được mở rộng ra không còn biên giới, phủ sóng đến toàn thể chúng sinh trong vũ trụ. 

Nghĩa là con người yêu thương đã đành, mà có là súc sinh thì cũng yêu thương, như con thú, con chim, bò sát hay côn trùng, động vật to nhỏ lớn bé cũng đều phải từ bi với chúng.

Chưa hết, tình yêu thương còn phải phải lan đến tất cả từ các chúng sinh trong địa ngục, đến các loài ngạ quỷ, ma quái, quỷ thần, đến cả cõi Atula, lên đến hết tất cả chư Thiên trên các tầng trời mắt thường chẳng thấy.

Và tóm lại là tình yêu thương mà đạo Phật hướng đến, là tình yêu thương không có biên giới, không có phân biệt chủng loại này thì thương còn chủng loại kia thì không, tất cả chúng sinh coi như bình đẳng mà yêu thương vô điều kiện, ấy gọi là lòng từ bi của đạo Phật.

Quán từ bi để chuyển hóa khổ đau

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Và khi được hoàn thiện đến mức độ viên mãn, sẽ có đủ bốn hình thái của tình thương vô điều kiện: TỪ - BI - HỶ - XẢ.

- Từ, là vì yêu thương nên muốn đem niềm vui cho chúng sinh.

- Bi, là vì yêu thương nên muốn chúng sinh thoát khổ.

- Hỉ, là vì yêu thương nên vui mừng thấy chúng sinh an vui, thành tựu trong thiện pháp.

- Xả, là vì yêu thương nên nên sẵn lòng tha thứ, bao dung cho mọi tội lỗi của chúng sinh.

Nhưng lý thuyết là như vậy, còn thực tế tu hành, đạt được tình yêu thương như vừa kể trên, là vô cùng khó với bất cứ ai. Khó, là vì yêu thương thuộc về lựa chọn của con tim, chứ không phải việc khối óc điều khiển, ép buộc được.

Ta không thể dùng một câu lệnh nào để bắt chính mình trở nên từ bi được. Không thể! Thực tế, dù cho ta có lý luận vì thế này, vì thế kia, lập luận đanh thép thuyết phục đến đâu, lí trí cũng không vì thế mà có thể ép trái tim phát khởi ra tình yêu thương. Trái tim nó có cơ chế riêng của nó.

Chúng ta chỉ có thể, dùng các phương pháp hỗ trợ để kích thích trái tim phát khởi ra yêu thương, rồi huân tập cho lớn dần mà thôi:

- Một là chúng ta dựa vào luật nhân quả, gieo một cái nhân gì đó, chờ qua một thời gian luật nhân quả xét sự hình thành lòng từ bi.

Ví dụ như ca ngợi lòng từ bi của người khác, của các bậc Thánh nhân, của Đức Phật. Hoặc dùng các phương tiện, cách thức nào đó khiến cho mọi người, mọi chúng sinh yêu thương nhau. Hoặc phát nguyện vô lượng kiếp sau sẽ luôn từ bi, yêu thương muôn loài. Hoặc tạo công đức hồi hướng cầu cho mình thành tựu tâm từ bi như Đức Phật, như các vị Bồ Tát trong những kiếp sau.v.v…

Những nhân lành đó, theo dòng nhân quả đều sẽ tự nhiên hình thành lòng từ bi sau nhiều kiếp.

(Ví dụ như nhạc sĩ Minh Khang viết ra ca khúc "Đứa Bé", cùng với hàng chục ca sĩ cống hiến giọng hát, hàng ngàn người phát tán ca khúc đi khắp nơi, làm lay động hàng triệu con tim, khiến người ta phát khởi tình thương đến những hoàn cảnh tội nghiệp, đó là một nhân lành, mà tất cả những người tham gia, từ nhạc sĩ, ca sĩ, phân phối, khi đăng tải ca khúc… Cho đến người mở ca khúc cho xung quanh cùng nghe, khen một câu, vỗ tay cổ động một cái, qua nhiều kiếp sau đều theo nhân quả mà tự nhiên hình thành đức tính nhân ái với con người, tuy chưa phải viên mãn, xong cũng tốt hơn nhiều so với một trái tim băng lạnh).

- Hai là thực hành phép "Quán Từ Bi", một pháp môn rất vi diệu trong Phật Pháp, được Đức Phật hết sức tán thán, ca ngợi về cả công đức thù thắng, lớn lao, cũng như ý nghĩa quan trọng trong việc tu hành viên mãn đức hạnh.

Trong kinh, Đức Phật dạy về 11 điều lợi ích của người có tâm từ bi như sau:

“1. Người ấy ngủ ngon giấc.

2. Người ấy thức giấc tươi tỉnh.

3. Người ấy ngủ không thấy giấc mơ xấu.

4. Người ấy được những người khác yêu mến.

5. Người ấy được các chúng sinh khác yêu mến.

6. Chư thiên (Devā) bảo vệ người ấy.

7. Lửa, chất độc, và gươm không thể hại người ấy

8. Tâm người ấy có thể tập trung rất nhanh.

9. Sắc mặt của người ấy sáng sủa.

10. Người ấy c.h.ế.t với tâm thanh thản.

11. Nếu người ấy không đạt đến đời sống của một vị A-la-hán ngay trong kiếp sống này, người ấy sẽ tái sinh vào thế giới của các vị Phạm thiên.”

Và không chỉ như thế, Đức Phật còn ca ngợi về công năng vi diệu, công đức siêu việt của Tâm Từ Bi trong nhiều kinh điển khác, xong sẽ là rất dài, không tiện ghi hết ra đây, bạn có thể search Google để tìm hiểu rõ hơn.

Thực ra, Quán Từ Bi cũng là một chuỗi nhân quả của tâm, cụ thể, đó là khởi ra các tâm niệm, các ý nghĩ thương yêu, thuộc về ý nghiệp. Các ý nghiệp này làm nhân, trải qua thời gian lâu dài huân tập, sẽ dẫn đến quả, là đức tính từ bi thật sự xuất hiện, trở thành tính cách tự nhiên của chính mình, bền bỉ bảo lưu và phát triển từ kiếp này sang kiếp khác.

Còn hiện tại, những ai thực hành kiên trì và nỗ lực, sẽ dần dần từng bước khởi phát được tâm từ bi ngay hiện đời, sau nhiều năm tu tập.

Vậy thực hành Quán Từ Bi như thế nào? 

Phải nói trước, phương pháp Quán Từ Bi được trình bày sau đây, là tôi hướng dẫn theo kinh nghiệm bản thân, dựa trên nền tảng lời dạy Đức Phật dạy trong kinh, tuy nhiên có một số chỗ đã biến tấu khác đi cho phù hợp với tâm lý của chính mình. Tùy ý các bạn tin tưởng thì có thể áp dụng, không thì đơn giản bỏ qua là được.

Bước 1: Phân loại đối tượng Quán Từ Bi: 

Vì ta vẫn là một phàm nhân bình thường, nên trong tim sẽ luôn tồn tại người yêu, kẻ ghét, có người ta thương nhiều đến mức có thể hi sinh mạng sống vì họ, có người ta lại hận đến thấu xương thấu tủy.

Kể cả cùng là thương yêu, thì mức độ luôn không có đồng đều, người thương nhiều người thương ít khác nhau. Và việc đầu tiên bạn cần làm, là lấy một tờ giấy ra, để phân loại các đối tượng.

Hãy thành thật và lục lọi trong tâm bạn, để xem bạn hiện đang dành tình cảm cho mọi người trên đời này như thế nào. Tốt nhất là bạn nên làm việc này ở một nơi riêng tư, không để ai biết tránh ảnh hưởng tâm lý. Lần lượt ghi tên các đối tượng vào giấy theo 5 cấp độ sau:

(Lưu ý, đừng giới hạn chỉ xét tình cảm với người, mà mở rộng đến mọi chúng sinh, cả động vật - thú cưng mình nuôi, đến cả các hương vong linh người quá cố v.v… )

- Cấp độ 1: Ghi tên người ta thương yêu nhất trên đời vào giấy (tất nhiên không phải chính mình nhé). Trong tim mỗi người, thường luôn có một số người ta thương yêu nhiều hơn hết thảy, đó có thể là cha, là mẹ, là người yêu, vợ, chồng, con cái, với những người có tín ngưỡng, thì đó có thể là Đức Phật, là các vị Bồ Tát, là chúa Jesus, các thánh nhân…

Bạn có thể ghi 1 hoặc 2-3 người vào đều được, chỉ cần đảm bảo rằng, khi nghĩ về những người này, bạn dễ dàng khởi được niềm yêu thương đến họ, thậm chí là thương yêu da diết, thương yêu mãnh liệt.

- Cấp độ 2: Ở cấp độ này, bạn ghi tên những người cũng thương mến, nhưng tình cảm nhẹ hơn một chút, như anh chị em, họ hàng, bạn thân, thầy cô.v.v…

- Cấp độ 3: là những người bạn dành tình cảm nhẹ hơn một bậc nữa, là những người hơi có cảm tình, quý mến, thường là hàng xóm láng giềng (tùy người thôi), họ hàng xa, bạn cùng lớp cùng trường, những người đồng nghiệp dễ mến.v.v…

- Cấp độ 4: là những người xa lạ, hoặc chúng sinh không quen biết.

Cấp độ 4 này vô cùng rộng lớn, bao quát tất cả những con người già trẻ nam nữ, từ nông thôn đến thành thị, từ miền ngược đến miền xuôi, từ những người ta nhìn thấy hàng ngày đến những người cả đời không gặp, từ đồng bào trong nước đến toàn bộ nhân loại.

Rồi đến muôn loài súc sinh, từ thú nuôi trong nhà đến động vật hoang dã, từ chim thú đến bò sát, từ côn trùng đến cá tôm…

Rồi đến tất cả các tội hồn địa ngục đang ngày đêm chịu hình phạt, đủ loại đau đớn rên siết…

Rồi đến vô vàn ngạ quỷ, cô hồn khổ sở đói khát dài hạn, đến tất cả quỷ thần muôn hình vạn trạng, đến chư thần A Tu La hiếu chiến, đến chư thiên trên khắp các tầng trời, đến khắp tất cả sinh linh, chúng sinh trong vũ trụ bao la.

Vì xa lạ, không thù không oán, thường tình cảm dành cho họ khá là mờ nhạt, không rõ ràng.

Tuy nhiên, nếu gặp phải những người, hoặc chúng sinh xa lạ, mà họ ở trong tình cảnh đau khổ, bất hạnh, như chiến tranh, bệnh tật, nghèo đói, cực hình tra tấn, chết chóc thê thảm… thì thường tình cảm trong tim dễ được kích hoạt, mà hình thành một niềm thương xót ( bi) dành cho họ.

Hoặc gặp những người có nhân cách đáng kinh, hành xử cao thượng…  khiến tâm phát sinh tình cảm mến mộ. Mức độ nhiều hay ít còn tùy thuộc nhiều yếu tố.

Bạn có thể lợi dụng điểm này, khởi thương yêu đến những người đau khổ, bất hạnh, và những người đáng kính trọng, đáng mến mộ trước, rồi đến các đối tượng khác sau, sẽ dễ dàng hơn.

- Cấp độ 5: bạn ghi tên những người khiến bạn ghét bỏ, oán hận, thậm chí đến mức độ căm thù, hận thấu xương thấu tủy.

Tâm từ bi chính là bình yên của chúng ta

Trải qua nhiều năm Quán Từ Bi, sự hiện diện của bạn lập tức có thể khiến mọi người cảm thấy thoải mái, dễ chịu, nên thường họ sẽ sinh tâm quý mến, thương yêu với bạn dù là bạn chưa làm gì tốt cho họ.

Trải qua nhiều năm Quán Từ Bi, sự hiện diện của bạn lập tức có thể khiến mọi người cảm thấy thoải mái, dễ chịu, nên thường họ sẽ sinh tâm quý mến, thương yêu với bạn dù là bạn chưa làm gì tốt cho họ.

Bước 2: Quán Từ Bi 

• Bạn nên chọn một thời gian mà không bị vướng bận, phân tâm bởi ngoại cảnh, ngồi xếp bằng, hoặc chọn một tư thế nào đó bạn thấy thoải mái là được.

• Đặt tờ giấy Phân loại các đối tượng Quán Từ Bi trước mặt (khi nào thuộc lòng, nhớ kĩ rồi thì có thể bỏ giấy đi)

• Hướng tâm nghĩ đến đối tượng Cấp độ 1, và khởi lên một tình thương yêu hướng đến người đó, hoặc những người đó.

Hãy cố gắng điều chỉnh tâm ý, để tình thương yêu này là vô điều kiện, là cho đi không cần nhận lại gì.

Thương, nhưng vẫn tôn trọng, chứ không xem thường.

Thương, nên sẵn lòng vì người đó hi sinh lợi ích bản thân (từ), xót xa khi người đó đau khổ (bi), vui khi người đó hạnh phúc (hỉ) , và sẵn sàng bao dung những sai lầm của người đó (xả).

Khi đã quán được như vậy rồi, hãy ghi nhớ cách khởi tình thương đó.

• Hướng tâm nghĩ đến những đối tượng cấp độ 2, và khởi lên tình thương yêu hướng đến họ y như với người cấp độ 1. Nếu thấy khó, bạn có thể nhớ lại ban nãy khởi thương yêu đến người cấp độ 1 như thế nào, và sao chép lại cách thức để khởi yêu thương đến những người cấp độ 2 giống y vậy.

• Tương tự bạn lại sao chép cách thức như trước, khởi thương yêu với những người cấp độ 3, xong rồi thì rồi đến cáp độ 4.

Hoàn thành như vậy, bạn đã có thể bắt đầu bình đẳng thương yêu hầu hết mọi chúng sinh, với một loại tình thương đúng nghĩa, không vụ lợi ích kỉ, không phân biệt thân sơ, từng bước mở rộng trái tim đến vô lượng chúng sinh khắp pháp giới.

• Và cuối cùng là việc khó nhất: Quán Từ Bi đến đối tượng cấp độ 5. Bước này nếu bạn không làm được ngay, thì cũng đừng thất vọng, nản chí, vì đối tượng Quán Từ Bi cuối cùng này thực sự khó: đó là kẻ thù của bạn, là những ai đã khiến bạn đau khổ, làm bạn căm ghét, oán hận nhất.

Đầu tiên khi nghĩ đến họ, có thể bạn sẽ thấy tâm mình tự nhiên nổi lên bức tức, khó chịu, muốn loại bỏ họ khỏi tâm mình, vốn đang trong trạng thái ngập tràn từ bi & an lạc.

Vậy nên, việc cần làm lúc này là tha thứ cho họ. Bạn có thể dùng mọi lí do mà bạn nghĩ ra được để tha thứ, để tâm oán hận tiêu tan. Như là:

“Tha thứ, là cách trả thù tốt nhất”

“Căm hận, là đem sai lầm của người khác hành hạ chính mình”,

“Bao dung lỗi lầm của người khác, là vá lành những vết thương lòng của chính mình”

“Mọi sự là do nhân quả, tiền kiếp có thể mình đã hại họ, nay họ hại mình, khiến mình bực tức, oán ghét. Nhưng oan oan tương báo, thù qua ghét lại, nào có ích gì, chỉ khiến cho cả hai bên đau khổ, chẳng bằng buông xuống ở đây, tự giải thoát cho chính mình”.v.v…

• Khi đã tha thứ cho họ được rồi, không oán hận, khó chịu với họ nữa, vậy bạn có thể xem họ như những đối tượng ở cấp độ 4, bắt đầu khởi tình thương đến họ, dần dần lâu ngày sẽ có thể Quán Từ Bi đến họ như người ở cấp độ 1. Đến lúc này, thì tâm của bạn đã thành tựu một đức hạnh quý giá vô cùng, đó là sự bao dung.

Sau khi hoàn thành các bước Quán Từ Bi - khởi tình thương đến mọi người, mọi chúng sinh theo các bước trên, bạn đã đặt những bước chân đầu tiên trên con đường hướng đến sự thánh thiện hoàn mỹ như những bậc Thánh ngập tràn từ bi, đầy bao dung và độ lượng, như Đức Phật, như các vị Bồ Tát lặn lội trong sinh tử cứu độ chúng sinh không ngừng nghỉ.

Ban đầu do chưa quen, bạn có thể mất rất lâu để hoàn thành một lần Quán Từ Bi, từ đối tượng cấp độ 1 đến cấp độ 5. Không sao, bạn hãy kiên trì, những lần sau sẽ dễ dàng hơn, nhanh hơn, thuần thục hơn. Pháp môn này không có giới hạn không gian, thời gian, quán được lâu chừng nào, tốt chừng đó, 15 phút, nửa tiếng, một tiếng, 10 tiếng… mọi lúc mọi nơi, càng nhiều thì càng tốt. Bạn có thể nhận ra, mỗi lần Quán Từ Bi, là thân tâm của bạn trở nên vô cùng an lạc, thoải mái, nhẹ nhõm, dễ chịu, thậm chí bạn còn không muốn kết thúc.

Lâu hơn nữa, dần dần bạn sẽ thấy tính tình của bạn thay đổi, từ mờ nhạt đến rõ nét, đến mức mọi người xung quanh cũng đều nhận thấy.

Trải qua nhiều năm Quán Từ Bi, sự hiện diện của bạn lập tức có thể khiến mọi người cảm thấy thoải mái, dễ chịu, nên thường họ sẽ sinh tâm quý mến, thương yêu với bạn dù là bạn chưa làm gì tốt cho họ. Nếu đạt được đến trình độ đó, xin chúc mừng, tuy nhiên bạn hãy biết rằng, đó mới chỉ là những lợi ích đầu tiên của việc Quán Từ Bi thôi, tương lai nhiều kiếp sau, sẽ còn nhiều quả lành thù thắng, lớn lao, vi diệu hơn đang chờ đón.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Yêu thương hơn, hạnh phúc hơn bằng phương pháp “Quán từ bi”

Kiến thức 12:00 31/10/2024

Thực hành phép "Quán Từ Bi", một pháp môn rất vi diệu trong Phật Pháp, được Đức Phật hết sức tán thán, ca ngợi về cả công đức thù thắng, lớn lao, cũng như ý nghĩa quan trọng trong việc tu hành viên mãn đức hạnh.

Hạnh nguyện và năng lực gia trì của đức Phật Dược Sư

Kiến thức 11:10 31/10/2024

Hôm nay, nhân ngày kỷ niệm vía đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, chúng tôi xin nói về mười hai hạnh nguyện của Ngài. Đức Phật Dược Sư còn có tên là Đại Y Vương Phật, Ngài là vị giáo chủ cõi Tịnh Lưu Ly ở phương Đông.

Cảnh cùng khốn

Kiến thức 09:39 31/10/2024

Người khéo học đạo thì trước trị trong để dẹp ngoài, đừng tham ngoài để hại trong. Cho nên giáo hóa chúng sanh, cốt yếu ở tâm thanh tịnh. Muốn chánh được người, cố nhiên phải chánh mình trước.

Lục độ: Sáu pháp vượt bờ

Kiến thức 09:00 31/10/2024

Một trong những hành pháp tiêu biểu của Đại thừa là Lục độ. Tư tưởng lục độ Bồ tát ảnh hưởng vô cùng lớn đến mọi mặt của đời sống Phật giáo Việt Nam gần 2000 năm nay.

Xem thêm