Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

10 câu chuyện sức mạnh của chân thật và nguyện cầu chân lý (P.3)

Thời ấy có hai vị Bà la môn, mỗi vị đều có nhiều tiền và là bạn thân thiết, cả hai ông, sau khi đã nhận thức sự tai hại của tham dục, phân chia của cải ra để bố thí, liền từ bỏ thế tục ngay giữa tiếng than khóc của người thân, đi về Tuyết Sơn, dựng am ẩn sĩ cho mình.

Chương III: Sức mạnh chân thật của những điều kín nhiệm và nguyện cầu chân lý
 
Chuyện thứ bảy: Sức mạnh chân thật của những lời nguyện cầu từ những điều thầm kín riêng tư

(Trích từ chuyện số 444: Câu chuyện Hắc Nhân Dìpàyana (Tiền thân Kanhadìpàyana)
 
Bảy ngày tâm trí được thong dong...,

Chuyện này bậc Ðạo sư kể tại Kỳ Viên về một Tỳ kheo thối thất.

Hoàn cảnh này sẽ được giải thích trong Tiền thân Kusa (số 531). Khi bậc Ðạo sư hỏi lời đồn ấy có đúng không và vị Tỳ kheo ấy đáp là đúng, thì ngài bảo:
 
- Này Tỳ kheo, thuở xưa trước khi đức Phật xuất hiện ở đời, các bậc trí nhân, ngay cả những vị hành trì một nếp tu tập không theo Chánh pháp, trong suốt hơn năm mươi năm bước đi trong Thánh hạnh mà không thích thú nhiệt tâm, song vì bản tính thận trọng khôn ngoan, nên không bao giờ nói cho ai hay biết là các ông đã thối thất. Còn nay tại sao ông đã hành trì Giáo pháp của Ta đưa đến giải thoát và ông đang đứng trước mặt một đức Phật Thế Tôn như Ta, sao ông dám bộc lộ sự thối thất của ông trước bốn hàng đệ tử? Tại sao ông không giữ được tính thận trọng e dè?
 
Nói xong, Ngài kể một chuyện đời xưa.
 
Ngày xưa, trong quốc độ Vamsa, một vị vua trị vì tại Kosambi mệnh danh là Kosambika. Thời ấy có hai vị Bà la môn ở một thị trấn kia, mỗi vị đều có tài sản tám trăm triệu đồng và là bạn thân thiết của nhau, cả hai ông, sau khi đã nhận thức sự tai hại của tham dục và đã phân chia của cải ra để bố thí, liền từ bỏ thế tục ngay giữa tiếng than khóc của nhiều người thân, khởi hành về phía Tuyết Sơn, dựng am ẩn sĩ ở đó cho mình. Tại chốn ấy trong năm mươi năm liền, hai vị sống đời ẩn sĩ, nuôi thân bằng trái cây, củ rừng mà hai vị tình cờ kiếm được; song các vị không thể nào chứng đắc Thiền định.
 
Sau năm mươi năm ấy đã trôi qua, các vị đi du hành qua vùng quê xin muối và đồ gia vị, lại đến vương quốc Kàsi. Trong một thị trấn của quốc độ này có một gia chủ tên là Mandavya, đã từng là một thân hữu tại gia ngày trước của ẩn sĩ Dìpàyana. Hai vị liền đi đến thăm ông Mandavya này; vừa trông thấy hai vị, ông chủ nhà vô cùng thích thú, liền xây cho hai vị một am tranh, cung cấp đầy đủ mọi loại vật dụng cần thiết của cuộc sống ẩn sĩ. Hai vị ở đó ba bốn mùa, rồi từ giã ông, tiến về Ba la nại, tại đây hai vị vào ở trong nghĩa địa trồng toàn cây Atimuttaka. Khi Dipàyana đã ở đó một thời gian như ý muốn, ngài trở về nơi người bạn xưa lần nữa; còn Tôn giả Mandavya, ẩn sĩ kia, vẫn ở chỗ cũ.
 
Lúc bấy giờ, một ngày kia có tên đạo tặc gây cướp bóc trong thị trấn và trở về từ nơi ấy cùng một số của cải cướp được. Các gia chủ, lính canh, chạy ra cùng la to "kẻ trộm" và kẻ trộm bị các người này đuổi gấp, đã thoát thân qua một ống cống và trong lúc đang chạy quanh gần nghĩa địa, gã làm rơi gói đồ ở cửa nhà lá của vị ẩn sĩ ấy. Khi các chủ nhà thấy gói này, đồng kêu to:
 
- À đồ khốn kiếp! Anh là quân trộm cướp ban đêm, còn ban ngày anh đi quanh quẩn giả dạng tu hành.
 
Rồi vừa phỉ báng, vừa đấm đá, họ đem vị này vào yết kiến vua. Vua không bảo điều tra gì cả mà chỉ nói:
 
- Dẫn nó đi ra và đóng cọc vào nó.
 
Họ đem ông đến nghĩa địa, đặt ông vào cái cọc bằng gỗ cây keo. Song cây cọc không chịu đâm qua thân của vị ẩn sĩ, kế đó họ mang vào cái cọc khác, song cái này cũng không đâm thủng ông, kế đó là cái cọc sắt, cũng không thể đâm thủng thân ông được. Ông tự hỏi hành động nào trong quá khứ của mình đã gây nên sự việc này, liền quan sát quá khứ, trong tâm ông khởi lên tri kiến về các đời trước, nhờ vậy nhìn lại quá khứ, ông thấy những việc đã làm từ lâu, đó chính là việc đâm thủng một con ruồi trên một mảnh gỗ mun.
 
Chuyện kể rằng trong một đời trước, ông là con trai một người thợ mộc. Một bữa nọ, cậu đi đến chỗ người cha thường đốn cây và cậu đã dùng một mảnh gỗ mun đâm thủng một con ruồi như thể đóng cọc vào nó. Chính ông phát giác ra tội ác kia vào giờ phút nguy kịch này. Ông nhận thức rằng không thể nào thoát khỏi ác nghiệp cũ được, nên bảo đám quân hầu của vua:
 
- Nếu các ông muốn đóng cọc ta, hãy lấy cái cọc bằng gỗ mun.
 
Họ làm theo và đóng cọc vào vị ấy xong, họ để lại một tên quân canh giữ vị ấy và ra đi. Bọn lính canh từ một nơi ẩn nấp quan sát mọi việc xảy ra cho vị ấy. Lúc bấy giờ, Dìpàyana suy nghĩ: "Ta đã gặp đạo hữu của ta cách đây lâu rồi", liền muốn đi tìm bạn. Khi nghe tin bạn đã bị đóng cọc treo lên suốt ngày bên vệ đường, ông liền đi đến đứng bên bạn và hỏi bạn đã làm gì.
 
- Chẳng làm gì cả. Vị ấy đáp.
 
Vị kia lại hỏi:
 
- Thế hiền hữu, ta chẳng thấy sân hận gì những kẻ đã bắt ta, cũng chẳng hiềm hận vua; chẳng có nỗi oán hờn nào trong tâm ta cả.
 
- Nếu quả vậy, thì bóng mát của một vị đức độ như thế này cũng đủ đem lại an lạc cho đời ta rồi.
 
Cùng với những lời này, ông ngồi xuống cạnh cây cọc. Từ thân của Mandavya rơi xuống vài giọt máu trên thân người bạn. Vì chúng rơi xuống làn da vàng óng và khô đi như thể các chấm đen trên đó, khiến cho ông có tên Kanha hắc nhân Dìpàyana từ đó về sau. Và ông cứ ngồi yên tại chỗ suốt đêm.
 
Ngày hôm sau, bọn quân canh đến kể mọi chuyện với vua, ngài bảo:
 
- Ta đã hành động quá hấp tấp.
 
Rồi vua vội vã đến nơi, hỏi Dìpàyana chuyện gì đã khiến ông ngồi bên cây cọc. Ông đáp:
 
- Tâu Ðại vương, thần ngồi đây để canh bạn. Nhưng xin cho biết người này đã làm gì, hay bỏ dở việc gì chưa làm, mà Ðại vương đối xử như vậy?
 
Vua giải thích là vấn đề chưa được điều tra. Vị kia đáp:
 
- Tâu Ðại vương, một vị vua phải hành động cẩn trọng; một người thế tục phóng túng, ham mê dục lạc là điều không hay v.v...
 
Và ông còn khuyến cáo nhà vua thêm những việc tương tự như thế nữa. Khi vua thấy Mandavya vô tội, ngài ra lệnh nhổ cọc lên. Nhưng dù bọn chúng gắng hết sức, cũng không nhổ lên được. Mandavya bảo:
 
- Tâu Ðại vương, thần phải chịu mang sự ô nhục này là do một lỗi lầm đã phạm thời xa xưa, nên không thể nào nhổ cọc ra khỏi thân này được. Song nếu Ðại vương muốn cứu mạng thần, xin bảo đem đến cái cưa, xẻ cái cọc ngang sát lớp da.
 
Vua bảo làm như thế; nên phần cây cọc nằm trong thân ông vẫn còn đó. Vì chuyện kể rằng trước kia có lần ông cầm một viên kim cương nhỏ đâm thủng ống mật của một con ruồi nọ để nó khỏi chết, cho đến lúc nó tận số. Nhờ vậy ông cũng không chết luôn. Chuyện kể như thế.
 
Còn nhà vua đảnh lễ hai vị ẩn sĩ, xin thứ lỗi, rồi đem hai vị vào trú ngụ trong ngự viên và chăm sóc hai vị tại chỗ ấy. Cũng từ đó, Mandavya được gọi là "Mandavya mang-cái-cọc", cứ sống ở nơi này gần gũi nhà vua. Phần Dìpàyana, sau khi chữa lành vết thương cho bạn xong, lại trở về với bạn xưa là gia chủ Mandavya. Khi gia nhân nhận thấy vị này đi vào am thất cũ, liền đi báo với gia chủ. Ông chủ nghe tin lòng rất hoan hỷ, cùng với vợ con đem nhiều hương liệu, tràng hoa, dầu, đường đi đến am thất, đảnh lễ Dìpàyana, rửa chân và xoa dầu thơm cho vị này xong, đem mời nước uống và ngồi lắng nghe câu chuyện ẩn sĩ Mandavya mang-cây-cọc.
 
Bấy giờ con trai của gia chủ là nam tử Yannadatta, đang chơi đùa với quả cầu ở cuối mái hiên. Tại đó, có một con rắn trong một ổ kiến. Trái cầu của cậu trai bị ném xuống đất, chạy tọt vào lỗ kiến kia và rơi nhằm con rắn. Vì không biết sự này, cậu thò tay vào lỗ. Con rắn tức giận cắn tay cậu, khiến cậu ngã xuống bất tỉnh vì nọc độc của rắn quá mạnh. Sau đó cha mẹ cậu thấy con bị rắn cắn, liền nâng con dậy đem đến vị ẩn sĩ kia, đặt cậu nằm dưới chân vị này và nói:
 
- Thưa Tôn giả, các bậc tu hành thường biết các cây thảo dược và bùa chú, xin Tôn giả chữa trị cho con chúng tôi.
 
- Ta đâu biết gì về thảo dược, ta chẳng làm nghề y sĩ bao giờ.
 
- Thưa Tôn giả, ngài là bậc tu hành xin thương xót thằng bé này và thực hiện một lời Nguyện cầu Chân thật.
 
- Ðược lắm - vị ẩn sĩ đáp - ta sẽ thực hiện một lời Nguyện cầu Chân thật.
 
Rồi vừa đặt lên đầu Yannadatta, ông vừa ngâm vần kệ đầu:
 
1. Bảy ngày tâm trí thật thong dong,
Thanh tịnh sống đời ước lập công,
Từ đó năm mươi năm ẩn dật,
Chú tâm ta bộc bạch lời chân;
Nơi đây ta sống dù không muốn,
Lời thật này mong tạo phước ân,
Khiến nọc độc không còn hiệu lực,
Cậu trai này sẽ tỉnh lên dần.
 
Chẳng bao lâu khi lời Nguyện cầu Chân thật này được thực hiện, thì chất độc phóng ra từ ngực của Yannadatta và chui xuống đất. Cậu bé mở mắt nhìn cha mẹ và kêu:
 
- Mẹ ơi!
 
Rồi cậu quay người nằm im. Lúc ấy Hắc nhân Dìpàyana bảo người cha:
 
- Này, ta đã dùng hết khả năng của ta, nay đến thời bạn dùng khả năng của mình đi.
 
Người cha đáp:
 
- Vậy tôi sẽ thực hiện lời Nguyện cầu Chân thật.
 
Rồi vừa đặt tay lên ngực con trai, ông vừa ngâm vần kệ thứ hai:
 
2. Chẳng chút quan tâm vật cúng dường
Ta đem đãi mọi khách qua đường,
Song người hiền trí chưa hề biết
Ta đã tự kiềm chế bản thân;
Dù bố thí, ta lòng miễn cưỡng,
Cầu mong lời thật tạo hồng ân,
Làm cho nọc độc thành vô hiệu,
Thằng bé này đây được tỉnh dần.
 
Sau khi ông thực hiện lời Nguyện cầu Chân thật này, từ lưng cậu bé nọc độc xuất ra và chui xuống đất. Cậu ngồi dậy, nhưng chưa thể đứng lên được. Lúc ấy người cha bảo người mẹ:
 
- Này phu nhân, ta đã dùng hết khả năng của ta, bây giờ chính bà dùng năng lực của mình phát nguyện Lời Chân thật để làm cho con bà đứng lên và đi được.
 
Bà vợ đáp:
 
- Tôi cũng có một sự thật muốn nói ra, nhưng trước mặt quí vị tôi không thể nói được.
 
Ông bảo:
 
- Này phu nhân, hãy dùng hết mọi phương cách làm cho con ta bình phục.
 
Bà đáp:
 
- Thế thì tốt lắm.
 
Và lời Nguyện cầu Chân thật của bà được đưa ra trong vần kệ thứ ba:

3. Rắn nọ cắn con mới nãy giờ,
Nằm trong lỗ ấy hỡi con thơ,
Và cha con đó, này ta bảo,
Là một, trong tim mẹ hững hờ,
Mong sự thật này mang phước đức,
Nọc tan, con trẻ tỉnh hồn mơ!
 
Chẳng bao lâu lời Nguyện Cầu Chân thật này được thực hiện thì tất cả nọc độc đều tuôn ra và chui xuống đất. Yannadatta đứng dậy, toàn thân cậu đã được tẩy sạch hết chất độc, nên cậu bắt đầu chơi đùa. Khi cậu bé đã hồi tỉnh như thế xong, gia chủ Mandavya hỏi về tâm tư của Dìpàyana qua vần kệ thứ tư:
 
4. Người ta xuất thế, trí quang minh,
Thuần thục, tâm không chút bất bình,
Trừ bạn Kan-ha, sao thối chất,
Chẳng mong tiến bước đạo tu hành?
 
Ðể đáp lại lời này, vị kia ngâm vần kệ thứ năm:
 
5. Xuất thế rồi quay lại cõi trần,
Chắc người ta nghĩ: "Kẻ ngu đần!",
Chính điều này khiến ta lùi bước,
Ta vẫn hành trì đạo Thánh nhân
Tuy vậy ta không còn phát nguyện,
Ta theo Thánh đạo bởi nguyên nhân:
Ðược lời khen ngợi từ người trí,
Là cách người hiền thiện trú thân.
 
Sau khi đã giải thích lối suy nghĩ của mình như vậy xong, vị này hỏi Mandavya lần nữa qua vần kệ thứ sáu:

6. Nhà bạn đây như thể quán ăn,
Chứa đồ ẩm thực để cung dâng
La-môn, trí giả cùng du khách,
Thỏa mãn cơn khao khát, đói lòng,
Xong sợ điều gì gây tiếng xấu,
Nên lòng miễn cưỡng lại cho không.
 
Ðến lượt Mandavya giải thích ý tưởng mình qua vần kệ thứ bảy:
 
7. Giữ gìn Thánh hạnh các cha ông,
Là thí chủ ban phát rộng lòng,
Theo gót xưa, ta đầy cẩn trọng,
Sinh thời đường lối của gia tông,
Sợ mình sẽ biến thành suy thoái,
Nên miễn cưỡng lòng vẫn biếu không.
 
Sau khi nói xong, Mandavya hỏi vợ qua vần kệ thứ tám:
 
8. Khi còn thiếu nữ trí ngây thơ,
Ta cưới bà về tự nhạc gia,
Bà chẳng bảo lòng ta lãnh đạm
Làm sao bà sống cả đời bà,
Không tình gắn bó, không thương mến,
Bà đã vì đâu ở lại nhà,
Hỡi quí phu nhân đầy yểu điệu,
Sống đời lạnh lẽo thế cùng ta.
 
Bà vợ đáp qua vần kệ thứ chín:
 
9. Chẳng phải là nề nếp cổ phong,
Cho người làm vợ lại thay chồng,
Chẳng bao giờ thế, nên tôi vẫn,
Giữ thói lề kia, kẻo ngại rằng
Tôi bị người xem là thoái hóa,
Chính niềm lo sợ tiếng đồn hung,
Khiến tôi ở lại và chung sống
Chẳng có tình yêu, vẫn lạnh lùng.
 
Sau khi vừa nói điều này ra xong, một ý nghĩ chợt đến với bà: "Nay ta đã nói điều bí mật kia với chồng ta rồi, cái điều bí mật chưa hề bao giờ được nói ra cả! Chắc chàng sẽ giận ta lắm; vậy ta muốn được xin lỗi chàng ngay trước mặt vị ẩn sĩ này vốn là bạn chân tình của nhà ta!". Với mục đích trên, bà ngâm vần kệ thứ mười:
 
10. Giờ đây thiếp lỡ nói rồi,
Những điều chẳng đáng nên lời nói ra
Vì con, mong ước thứ tha,
Không gì hơn được mẹ cha nồng tình,
Yan-na, con của chúng mình
Trước đây đã chết, hồi sinh bây giờ!
 
- Thôi phu nhân hãy đứng dậy đi - Mandavya nói - tôi tha lỗi cho bà rồi. Từ nay bà đừng vô tình với tôi nữa; rồi tôi sẽ không bao giờ buồn phiền gì bà đâu.
 
Còn Bồ Tát bảo Mandavya:
 
- Trong khi thu thập được nhiều của cải bất chính, rồi bạn lại phân phát bố thí rộng rãi, song không có lòng tin rằng hành động ấy là hạt giống an lành mang lại dị thục quả, như thế là bạn sai lần đấy. Trong tương lai, bạn hãy tin tưởng vào công đức của lễ vật bố thí và bạn hãy bố thí cúng dường.

Vị gia chủ hứa làm như vậy và đến phiên mình nói với Bồ Tát:
 
- Thưa Tôn giả, chính Tôn giả cũng sai lầm khi nhận lễ vật của chúng tôi cúng dường trên bước đường Thánh hạnh mà lòng không phát nguyện tu hành. Giờ đây để cho hạnh nghiệp của Tôn giả mang lại nhiều phước quả dồi dào, xin từ nay về sau Tôn giả tiến lên trong Thánh đạo với lòng an tịnh thanh thản và tràn đầy thiên lạc.
 
Rồi hai ông bà giã từ bậc Ðại sĩ và ra về.
 
Từ đó về sau, bà vợ thương yêu chồng mình, gia chủ Mandavya giữ tâm thanh tịnh, đem của cải bố thí với đầy đủ lòng tin; còn Bồ Tát xua tan hết lòng thối thất và tu tập các Thắng trí thiền định nên được sinh lên cõi Phạm thiên.
 
Khi Pháp thoại này chấm dứt, Bậc Ðạo sư tuyên thuyết các Sự Thật. Bấy giờ vào đoạn kết thúc các Sự Thật, vị Tỳ kheo thối thất đã được an trú vào Sơ quả (Dự Lưu).
 
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
 
- Vào thời ấy Ànanda là gia chủ Mandavya; Visàkhà (Tỳ cá khư) là bà vợ, Sàriputta (Xá lợi phất) là Mandavya mang-cái-cọc và Hắc nhân Dìpàyana chính là Ta.

Nguồn tham khảo: https://www.budsas.org/uni/index.htm (còn tiếp)

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Là con của đức Phật

Phật giáo thường thức 15:20 25/04/2024

Đã xưng là Phật tử phải học theo hạnh của Phật. Phải luôn quán đến sự vô thường. Mới đó mà đã trôi qua một năm, thời gian mau chóng, thân người cũng theo đó mà biến đổi. Phải lo tu ngay từ bây giờ, thời gian không hẹn, không chờ đến già.

Biết bản thân tội chướng sâu dày, quyết chí niệm Phật cầu vãng sanh

Phật giáo thường thức 15:00 25/04/2024

Bạn hãy quan sát thật kỹ những người vãng sanh, chắc chắn họ phải là người phúc hậu, thật thà, trung hậu. Họ tự biết mình khổ, khổ là do nghiệp chướng của mình sâu dày, đời trước không có tu phước.

Cam lộ chữa lành cơn khổ bệnh

Phật giáo thường thức 10:15 25/04/2024

Chúng ta biết rằng, mỗi chúng ta đều có khả năng lắng nghe, lắng nghe để có thể hiểu được những đau khổ, những khó khăn của người khác. Trong chúng ta, có những người có khả năng lắng nghe rất sâu, trong khi lắng nghe có năng lượng của hiểu và thương.

Thuyết luân hồi

Phật giáo thường thức 09:14 25/04/2024

Người thế gian không biết nên oán trách cha mẹ không có phước nên sanh mình ra khổ. Hoặc cha mẹ không có tài nên mình bây giờ phải thua sút người ta. Mà không biết chính mình thọ nhận quả báo đời trước đã tạo nên mới sanh vào gia đình tương ưng như thế.

Xem thêm