12 ngày dịch chuyển chánh điện chùa Diệu Đế
Chánh điện chùa Diệu Đế rộng hơn 350 m2 đã được "thần đèn" Nguyễn Văn Cư và cộng sự dịch chuyển 19 m, sau 12 ngày.
Chánh điện Đại Hùng chùa Diệu Đế nằm trên đường Bạch Đằng, phường Gia Hội, TP Huế, được xây bằng gạch vồ, lợp ngói liệt, móng xây bằng đá, không có sắt. Công trình nổi tiếng bởi bức tranh Long Vân khế hội vẽ 5 con rồng ẩn hiện trong mây trên trần cùng 4 con rồng trên 4 cột trụ. Bức tranh được vẽ theo phong cách bích họa cung đình, tương tự tranh trên trần lăng vua Khải Định.
Trải qua hơn 70 năm tồn tại, tòa chánh điện xuống cấp. Để bảo vệ bức tranh Long vân khế hội, nhà chùa quyết định giữ nguyên công trình tại vị trí cũ và xây dựng chánh điện mới dịch lên phía trước vào năm 2018. Việc dịch chuyển tòa chánh điện nhằm gìn giữ lại những giá trị lịch sử.
Bốn tháng trước, "thần đèn" Nguyễn Văn Cư ra Huế bàn chuyện dịch chuyển tòa nhà kiến trúc Pháp của trụ sở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế trên đường Lê Lợi với chính quyền TP Huế. Biết ông thường dịch chuyển các công trình lớn, thượng tọa Thích Hải Đức, trụ trì chùa Diệu Đế, đã mời về bàn chuyện dịch chuyển chánh điện Đại Hùng.
"Là người con của Huế, nhà lại gần chùa Diệu Đế nên tôi hiểu giá trị lịch sử của ngôi chánh điện. Khi biết mong muốn của nhà chùa là giữ lại bức tranh Long vân khế hội trên trần nhà và hệ thống cột vẽ mây rồng, tôi nhận lời sau khi đã khảo sát kỹ kết cấu công trình", ông Cư nói.
Sau lễ Phật đản tháng 4 âm lịch, ông Cư và nhóm thợ 12 người bắt đầu kế hoạch dịch chuyển tòa chánh điện. Vì nền móng công trình có bề ngang 25 m, chiều sâu 14 m rất yếu, ông đã cho thợ đào sâu 80 cm xung quanh móng, đổ bê tông cốt thép để gia cố.
Khi móng bê tông đảm bảo vững chắc, ông Cư và nhóm thợ đưa máy móc từ TP HCM ra. Dụng cụ gồm có các thanh lăn, ván trượt, dây cáp kết hợp với 4 ben thủy lực, 2 máy vận hành.
Ngày 13/9, ông Cư và nhóm thợ bắt đầu dịch chuyển chánh điện. Bốn sợi dây cáp to hơn ngón chân cái được buộc chặt vào móng bê tông, kết nối với 4 ben thủy lực được điều khiển bởi hai máy vận hành. Khi dây cáp được kéo căng, tòa chánh điện nhích khỏi vị trí cũ, nhóm thợ lại dùng các thanh lăn bằng sắt ống dài 30 cm chêm vào đường lát bằng gỗ.
Theo ông Cư, có ngày chánh điện được kéo xa vị trí cũ 0,5 m, có ngày kéo được hơn một mét. Trong quá trình kéo, thợ phải quan sát kỹ tòa nhà, phát hiện các vết nứt phải dừng lại để trét xi măng, gia cố thêm sắt, tránh cho công trình khỏi hư hại, có thể đổ sập. Đến ngày 24/9, tòa chánh điện được dịch chuyển lùi về phía sau 19 m theo đúng yêu cầu của nhà chùa.
"Ban đầu, tôi dự định mất khoảng 7-10 ngày sẽ dịch chuyển công trình lùi khỏi vị trí cũ về sau 19 m, nhưng tiến độ đã trễ 4 ngày. Nguyên nhân chủ yếu là trong quá trình dịch chuyển, công trình có rạn nứt nên đơn vị phải tạm dừng để gia cố các điểm nứt bằng xi măng, cột sắt. Thêm nữa, hai hôm nay Huế mưa lớn nên cũng ảnh hưởng đến quá trình dịch chuyển công trình", ông Cư nói.
Những ngày tới, ông Nguyễn Văn Cư cùng nhóm thợ sẽ nâng cao tòa chánh điện lên 15 cm. Ông dự tính, móng công trình sẽ xây dựng mất một tuần, dùng ben thủy lực để kích công trình lên mất khoảng một ngày. Trong thời gian chờ đợi xây móng, tòa chánh điện được cố định bằng hệ đa kiềng kiên cố. Hệ thống các đường lăn ván, con lăn cũng được tháo khỏi móng công trình.
Thượng tọa Thích Hải Đức, trụ trì chùa Diệu Đế, cho hay tòa chánh điện đặc biệt bởi cột và trần nhà đều vẽ mây rồng ẩn hiện. Nhà chùa mời "thần đèn" Nguyễn Văn Cư dịch chuyển tòa chánh điện lùi phía sau với mục đích cố gắng giữ gìn lại những dấu tích mang tính lịch sử đồng thời tạo cảnh quan thông thoáng, phù hợp với sinh hoạt nhà chùa trước những lễ hội tôn giáo lớn.
"Chánh điện Đại Hùng được dịch chuyển đến vị trí phía sau rất phù hợp, không làm mất đi màu sắc cổ kính của công trình", thượng tọa Đức đánh giá và cho biết để lưu giữ bức tranh Long vân khế hội ở trên trần, sắp tới nhà chùa tu sửa mái ngói. Hệ thống tường gạch bị nứt toát sẽ được gia cố để đảm bảo an toàn.
Theo tài liệu lịch sử, chùa Diệu Đế có khuôn viên rộng hơn 10.000 m2, xưa kia là phủ, cũng là nơi sinh của vua Thiệu Trị. Năm 1844, nhà vua tôn tạo và sắc phong chùa làm Quốc tự, các sư trụ trì được triều Nguyễn bổ nhiệm.
Năm 1950, thấy chùa Diệu Đế xuống cấp, hoàng thái hậu Từ Cung (mẹ vua Bảo Đại) cùng với phật tử xứ Huế góp tiền đại trùng tu chùa với công trình chính là chánh điện Đại Hùng. Với kiến trúc cổ kính, chùa Diệu Đế là một trong những di tích nổi tiếng của xứ Huế. Lễ tắm Phật, rước Phật của Phật giáo Huế được tổ chức tại chùa mỗi mùa Phật đản.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Ni trưởng Thích nữ Bửu Hòa, Chứng minh Phân ban Ni giới H.Hóc Môn (TP.HCM) viên tịch
Trong nước 05:45 03/12/2024Ni trưởng Thích nữ Bửu Hòa, Chứng minh Phân ban Ni giới H.Hóc Môn, viện chủ chùa Phước Thiện (xã Nhị Bình, H.Hóc Môn, TP.HCM) vừa viên tịch.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Thông chia sẻ về Giới luật Phật giáo cho gần 800 Tăng Ni
Trong nước 14:00 02/12/2024Sáng ngày 02/12, tại trụ sở Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM (Việt Nam Quốc Tự, quận 10), Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Thông – Phó Thư ký Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Cố vấn BTS GHPGVN TP.HCM – đã chủ trì buổi thuyết giảng và thảo luận chuyên đề “Giới luật Phật giáo”.
“Hãy lấy tinh thần phụng sự làm niềm vui trên bước đường đến giác ngộ giải thoát”
Trong nước 12:15 02/12/2024Sáng ngày 02/12/2024, Thượng tọa Thích Quảng Lộc - UV HĐTS, Trưởng BTS kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang đã có buổi thuyết trình chuyên đề “Sinh hoạt Giáo hội” đến với chư hành giả khóa Kiết Đông lần thứ 2.
Tiền Giang: Thành kính tưởng niệm Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông (1308-2024)
Trong nước 13:15 01/12/2024Sáng ngày 01/12/2024 (nhằm mùng 1 tháng 11 năm Giáp Thìn), BTS Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Tiền Giang đã trang nghiêm tổ chức Lễ Tưởng niệm lần thứ 716 năm, ngày Đức vua Phật Hoàng nhập Niết Bàn 01/11 năm Mậu Thân (1308) – 01/11 năm Giáp Thìn (2024); đồng thời khai mạc khóa tu Kiết Đông lần thứ 2.
Xem thêm