Thứ năm, 15/06/2023, 08:45 AM

3 cách bố thí tạo phước báu

Nếu bạn đang nghèo khó, không dư dả về tiền bạc nên chưa có điều kiện cúng dường Tam bảo (ba viên ngọc quý giá đó là Phật, Pháp và Tăng) thì hằng ngày hãy làm cho được “Tam thí” để tạo phước báu.

Làm người sợ nhất là hưởng hết phước báu mà không tạo ra phước mới.

Làm người sợ nhất là hưởng hết phước báu mà không tạo ra phước mới.

1. Tài thí 

Tức là nói đến việc bạn cho đi của cải vật chất tiền bạc và những hiện vật khác dưới dạng vật chất. Đây là cách bố thí phổ biến nhất trong xã hội khi ai đó muốn làm từ thiện. Với cách bố thí này đem đến rất nhiều lợi lạc cho những người có hoàn cảnh khó khăn, đau ốm, hoạn nạn, nhất là khi ở vào những tình huống cấp bách, đe dọa mạng sống thì cách này rất thiết thực và hữu hiệu.

Bạn có thể bố thí bằng tài thí trong điều kiện và khả năng có thể. Lưu ý là không vì phong trào hay tham phước mà vung tay quá trán để bản thân rơi vào hoàn cảnh nợ nần hay ngặt nghèo là không nên. Cơ bản vẫn là tâm bạn đặt vào việc bố thí đó.

Tài thí có hai loại là nội tài và ngoại tài:

- Nội tài là nói về cơ thể của bạn ví dụ như khi bạn đăng ký hiến mô tạng sau khi qua đời hay hiến máu nhân đạo.

- Ngoại tài là tài sản mà bạn đang có, là vật ngoại thân.

2. Pháp thí 

Đức Phật nói đỉnh cao của việc bố thí là pháp thí. Vì sao vậy? Vì pháp ở đây là ý nói đến cách thức, con đường để giúp người khác có đời sống tốt hơn, hướng thiện và hướng thượng hơn. Người ta thường nói, “cho con cá không bằng cho cần câu” cũng là có ý đề cao việc hướng dẫn cách thức để thoát khỏi tình trạng đó quan trọng hơn là cho đi thứ có sẵn khiến cho họ bị động, không phát huy được năng lực có sẵn.

Pháp ở đây không chỉ là Phật pháp là những lời Phật dạy, mà là những phương pháp, cách thức giúp người tốt hơn nói chung.Pháp thí là cách thức bố thí thuộc về tinh thần, tư duy. Có thể hiểu trong pháp thí được chia ra làm các loại sau:

- Khẩu giáo:

Tức là dùng ngôn ngữ, lời nói để thuyết pháp hay chia sẻ những lời hay ý đẹp, những điều đúng đắn tích cực cho cuộc đời. Với việc khẩu giáo bạn có thể giúp người thay đổi tư duy, nhận thức và cuộc đời của họ cũng dần có những chuyển biến tích cực hơn.

Các đạo sư chính là những nhà chữa lành cao cấp khi đã dùng lời nói của mình để thay chư Phật, chư Bồ tát giáo huấn chúng sinh. Những đạo sư chân chính có thể xem là những sứ giả mang đến những lời thuyết pháp để giúp con người thoát khổ đau đi từ bờ mê sang bờ giác, từ vô minh, lầm lạc đến trí tuệ viên mãn hơn.

Khẩu giáo không nên giới hạn trong các tôn giáo mà còn mở rộng ra giữa đời thường. Những ai là người có khả năng ăn nói, là người của công chúng, là các diễn giả, các nhà đào tạo... rất cần tu học Phật pháp để phát sinh trí tuệ và từ đó có thể dùng lời nói của mình giúp đời, giúp người nhiều hơn. Từ đó cũng hóa giải nghiệp chướng của bản thân đã gieo tạo từ nhiều đời, nhiều kiếp và tăng trưởng căn lành.

Chữ “giáo” ở đây có thể hiểu thêm theo nghĩa rộng là giáo dục, giáo huấn. Thế nên các giáo viên khi có hiểu biết về Phật Pháp, về nhân quả, về những lời Phật dạy làm người mà biết lồng ghép khéo léo trong việc giáo dục học sinh của mình thì cũng đang bố thí bằng khẩu giáo.

- Thân giáo:

Vì sao nhiều người xúc động rơi nước mắt khi họ được biết về cuộc đời của Đức Phật hay câu chuyện truyền thuyết về một bậc Bồ tát hay thánh nhân nào đó? Bởi vì các Ngài ấy đã để lại cho đời tấm gương cao đẹp, vĩ đại bằng chính cuộc đời của họ, bằng chính hạnh nguyện lớn lao hay những giá trị để lại cho đời.         

Thân giáo là dùng chính bản thân của mình để làm tấm gương giáo hóa chúng sinh. Ví dụ như Đức Phật sau khi thành đạo, Ngài có nhiều cơ hội để vừa truyền đạo vừa tận hưởng cuộc sống đủ đầy vật chất, nhưng tại sao Ngài vẫn lựa chọn cuộc sống của một bần tăng khổ hạnh vẫn đi khất thực khi mà vương quốc và rất nhiều người quyền thế giàu sang sẵn sàng hiến tặng cho Ngài cuộc sống tốt hơn? Là vì Ngài muốn thân giáo, dùng chính cuộc đời của mình để giáo hóa chúng sinh.

Hay ví dụ như trong số nhiều câu chuyện, truyền thuyết về Quan Thế Âm Bồ Tát có câu chuyện Ngài ấy đã cam chịu, nhẫn nhục khi mà người ta vu oan giáng họa như chuyện Công chúa Diệu Thiện hay chuyện Quan Âm Thị Kính cùng chung mô típ, là vì chính đức hi sinh, nhẫn nhục đã là tấm gương để người đời khi nhớ đến Ngài là nhớ đến hạnh từ bi và hạnh nhẫn nhục. Những câu chuyện kinh điển về các nhân vật Phật giáo được xây dựng trên niềm tôn kính của người đời dù có thêm màu sắc tín ngưỡng theo văn hóa truyền thống của mỗi nơi nhưng quan trọng là chứng minh việc giáo hóa bằng thân giáo có sức lay động lòng người.

- Trong việc bố thí bằng pháp thí còn có thể nhắc đến việc ấn tổng các kinh sách là pháp thoại, các máy niệm Phật cũng có tác dụng không nhỏ trong việc lan tỏa đạo pháp. Rất nhiều website, kênh Facebook ,YouTube hay các mạng xã hội khác đều đưa rất nhiều kiến thức về Phật pháp, đều là cách bố thí bằng pháp thí rất lợi lạc. Dù bạn đang sử dụng mạng xã hội nào bạn cũng dễ dàng đến với Phật pháp để tìm hiểu và học hỏi với việc bố thí pháp rộng rãi, phổ biến của nhiều người đã hiểu đạo, đã tin nhân quả.

Ngay như việc Diệu Tâm ngày ngày viết bài hay làm video chia sẻ cho cộng đồng trên mạng xã hội, nhiều người thắc mắc ai trả nhận bút? Thực tế là Diệu Tâm đang thực hành lời Phật dạy, là bố thí Pháp và "nhuận bút cấp cao nhất" mà Diệu Tâm nhận lại được là phát sinh trí tuệ, tiêu trừ bớt nghiệp chướng và tăng trưởng căn lành.

Nếu tài thí là giúp về đời sống vật chất thì pháp thí là giúp về tinh thần, đời sống tâm linh. Bạn cần tùy duyên, tùy cảnh, tùy người mà ứng dụng phù hợp.

3. Vô uý thí:

Vô ý nghĩa là không sợ hãi. Cuộc sống của con người có quá nhiều phiền não lo lắng sợ hãi bất an. Nếu như bạn giúp ai đó giảm những điều này có nghĩa là bạn đang thực hành vô úy thí.

Các nhà chữa lành chân chính đang làm rất nhiều việc tốt khi thực hành vô ý thí dù họ theo đạo hay không có đạo. Việc tư vấn tâm lý trị liệu hay thực hiện các phương pháp chữa lành giúp cho con người xả bỏ những khí xấu và thư giãn, bình tâm hơn nhẹ nhàng hơn, bình an hơn cũng là đang thực hiện vô úy thí. Người thực hiện vô úy thí tốt nhất là người luôn có được năng lượng bình an, tích cực. Vì có như vậy bạn mới có thể giúp người khác đối trị với những nỗi sợ hãi, lo lắng của họ.

Việc thực hiện vô úy thí có thể áp dụng mọi lúc, mọi nơi trong cuộc sống. Nhiều người có tư duy tiêu cực quá mức, luôn miệng nói những điều mà người ta hay cho là nói gỡ, nói không hay nói, điều rủi ro thì bạn có thể giúp cho họ hiểu là, lời nói cũng mang năng lượng và có thể chiêu cảm điều họ nói. Thế nên, hãy giúp họ chuyển ngôn từ tiêu cực sang tích cực cũng là giúp họ chuyển hóa nỗi sợ và cũng tránh gây tâm lý không tốt cho những người xung quanh. Ví dụ: thay vì nói "đi đường không biết có tai nạn gì không", "có trễ xe không" thì bạn có thể chuyển sang nói "đi sớm mong kịp giờ", "hy vọng đi đường an toàn bình an" thì đã mang năng lượng khác. hoặc thay vì lo lắng cho người nhà "đói" hay "thất bại" thì bạn nói điều bạn mong muốn là "mong đủ sống", "mong có kết quả tốt đẹp"...Nghĩa là, khi chuyển đổi ngôn ngữ tiêu cực sang tích cực đã chuyển hóa được thói quen tự mình tạo ra nỗi sợ vô cớ chỉ vì không biết nói theo chiều hướng mong muốn mà nói theo chiều hướng ngược lại.

Không chỉ là các nhà trị liệu tâm lý, các nhà chữa lành mà các cán bộ y tế, những người làm công tác chăm sóc sức khỏe và nhất là các giáo viên rất cần ý thức về việc vô úy thí này. Một lời nói của những người đó có thể tạo nghiệp chướng, mất phước nặng nề khi gây sợ hãi cho người mình đang ảnh hưởng đang chăm sóc hay đang dạy dỗ và ngược lại thì bạn cũng sẽ tạo công đức vô lượng.

Một bác sĩ giỏi là người biết giúp bệnh nhân thoát khỏi nỗi sợ hãi, hoang mang tột độ khi gặp tình huống hiểm nguy. Ví dụ trước ca mổ của bệnh nhân ung thư bác sĩ sẵn sàng nói dối là u lành để bệnh nhân yên tâm, có thêm niềm tin chiến đấu bệnh tật và ca mổ an toàn là điều rất trân trọng. Hay một giáo viên sẵn sàng nói dối với học sinh là con rất tuyệt vời, con có nhiều khả năng để làm điều này điều kia (điều mà em bé đó lo lắng, sợ hãi) thì chính là đang tạo Phước rất lớn khi có thể thay đổi một cuộc đời. Không phải ngẫu nhiên mà người ta thường ca tụng câu chuyện mẹ của nhà khoa học thiên tài Albert Einstein là vậy, khi nhà khoa học ấy vốn là một cậu bé bị nhà trường trả về nhưng bà mẹ ấy đã nói cậu là một thiên tài và ngày nay chúng ta đã có một nhà khoa học thiên tài thật sự.

Khi bạn luôn ý thức về việc giúp người khác có được sự bình an, tin tưởng vào chính họ thì bạn đang giúp cho chính mình cũng như vậy. Và trong những hoàn cảnh ngặt nghèo như thiên tai, hoạn nạn rất cần những người bình tĩnh, sáng suốt có từ bi và trí tuệ để nói những lời giúp những người xung quanh và đại chúng được trấn an. Những người của công chúng, người nổi tiếng cần phát huy lợi thế của mình để giúp cộng đồng có tâm lý tốt trước những biến cố có thể xảy ra trong đời sống.

Nói chung khi bạn đang làm những việc như vậy là bạn đang thực hành lời Phật dạy mà có thể chính bạn không biết, bạn đang giúp cho bản thân tích lũy thêm phước chỉ với việc bố thí đúng cách, đúng người, đúng việc, đúng liều lượng, đúng khả năng của bạn.

Chúc bạn luôn là người biết cho đi!          

Cho đi là còn mãi!           

Cảm ơn bạn đã theo dõi!

Hãy lan tỏa những điều này vì đây cũng là cho đi, là bố thí Pháp.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Cách tụng thần chú Dược Sư tại nhà Phật tử nên biết

Kiến thức 15:00 22/12/2024

Thần chú là bí mật của Chư Phật. Bạn có nhân duyên với chú nào thì tụng chú ấy. Đừng nay tụng Lăng Nghiêm, mai tụng Đại Bi, mốt tụng Dược Sư…

Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn

Kiến thức 10:57 12/12/2024

Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.

Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?

Kiến thức 09:11 11/12/2024

Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.

Vì sao ngày 17/11 âm lịch hằng năm là ngày vía Phật A Di Đà?

Kiến thức 08:00 11/12/2024

Những hành giả tông Tịnh Độ hiện nay gần như ai cũng biết và tham gia lễ kỷ niệm vía Phật A Di Đà đản sanh vào ngày 17 tháng 11 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, trong các kinh văn có đề cập đến lịch sử Phật A Di Đà thì tuyệt nhiên không thấy nói chính xác ngày Đản sanh của Ngài.

Xem thêm