Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

30 ngày thiền thất bên trong Vạn Phật Thánh Thành (P.1)

Tôi đã từng nghe về một Vạn Phật Thánh Thành cách đây vài mươi năm về trước, khi từ thời ngài Tuyên Hóa còn sống trước năm 1995 nhưng quả thật tôi chưa đủ duyên để diện kiến ngài và tu học dưới mái chùa ngài. Nay ngài đã mất thì cũng là lúc tôi có đủ cơ duyên để đến, đến để thấy và cảm nhận được một đời sống tu hành chân thật, đúng nghĩa, một đời sống xả ly tất cả để cầu giải thoát, cứu độ chúng sanh.

Đạo vốn không ở xa, nhưng với người không có đủ duyên để hiểu và để thấy thì sẽ phải loanh quanh tìm đạo. Khi chưa xuất gia tu hành là đã đi quanh tìm đạo, khi xuất gia rồi đạo ấy vẫn tiếp tục cầu tìm, sáng tối tối sáng tháng năm tìm cầu vẫn chưa ra.

Phải chăng đời xuất gia phải là đời của người đi tìm đạo, bên ngoài tha phương cầu học, tham vấn các bậc Thiện tri thức, bên trong hằng luôn khao khát kiến tánh, giác ngộ bổn tâm. Khi tâm chưa sáng, trí tuệ chưa tỏ, tham sân si còn dày đặc thì người xuất gia không thể tự mãn, tự an với đời sống tu hành thường nhật, với chùa to Phật lớn, với tín chúng đông đảo hoặc với lịch phật sự dày đặc bận rộn suốt năm. 


Cho đến khi tâm khai mở, lại cũng phải trải qua thời gian dài dụng công, tu hành miên mật thì mới có thể tự tại trong tử sanh. Người xưa thì tu đạo, hành đạo như vậy nên Phật pháp được truyền lưu hưng thịnh, nhiều người chứng đắc. Còn ngày nay tiếc thay thời mạt pháp, thời thế, nhân tâm con người bị đảo ngược, nên dù đạo vẫn là vậy, rất gần và thanh tịnh nhưng lòng người lại tham lam, đắm nhiễm nên lại thấy rất xa, dù đạo rất dễ nhưng tâm trí con người lại tán loạn, bất tín nên rất khó, bởi vậy chúng ta dù suốt đời vào đạo, học và hành đạo mà vẫn chưa thấy một ánh sáng thể nhập. 

Được anh tôi là đệ tử của ngài Tuyên Hóa giới thiệu, tôi quyết định ngay cho việc đăng ký tham dự khóa tu Phật thất và Thiền Thất tại Vạn Phật Thánh Thành vào tháng 12 vừa qua, mỗi năm chỉ tổ chức một lần. Sau vài ngày nghỉ ngơi tại nhà người anh (tại San Jose, bang Cali, Mỹ quốc) cho quen thời gian thay đổi từ Âu sang Mỹ, tôi được đưa đến Vạn Phật Thành vào ngày 19/12/2014, và sau khi đăng ký ghi danh xong, tôi được vị Tăng tri khách đưa vào khu vực Tăng phòng nơi chư Tăng thường trú. Đó là một căn phòng nhỏ, khoảng 8m2 trong một dãy hành lang trên 30 phòng mờ tối. 

Vạn Phật Thánh Thành nguyên là một bệnh viện vĩ đại với hơn 70 tòa nhà rộng lớn khác nhau trên khu đất 500 mẫu Tây (4000m2/1 acre). Bệnh viện này có lẽ được xây dựng trên cả trăm năm nay, từng là nơi làm việc của trên 6000 người nhân viên và bệnh nhân. Nhưng trong thập niên 70 do hạn hán nhiều năm tại Cali nên bệnh viện này không còn nước và cuối cùng chính phủ phải bán bệnh viện này, qua tay một thương gia và cuối cùng đến tay Hòa thượng Tuyên Hóa mua được với một giá tượng trưng. Có chứng kiến tận mắt tôi mới thấy được sự vĩ đại của cơ sở này, vậy mà sự mầu nhiệm và thần kỳ nào như sắp đặt, để ngài cuối cùng sở hữu được cơ sở này. Sau khi mua xong ngài đến chỉ điểm nơi đào giếng và lập tức có nước phun lên, dùng mãi cho đến ngài nay. 

Căn phòng nơi chư Tăng ở có vẻ hơi giống khu vực cách ly giành cho bệnh nhân tâm thần thì phải, vì bởi phòng ốc nhỏ như nhà tù, với các bức tường bê-tông dày cả feet, kiên cố lạnh lùng âm chứa tất cả hơi lạnh của khí trời mùa đông vào trong, nên vừa bước vào nghỉ lại trong phòng, tôi đã cảm thấy run lên bần bật, dù rằng tôi cũng là người quen chịu lạnh vì đã nhiều năm sống ở nước Bắc âu. Buổi tối mặc dù đã mặc 4 cái áo và đắp 3 cái chăn bên ngoài, cũng như đội chiếc mũ len trùm cả hai tai, tôi vẫn thấy lạnh run cả người. 

Bên ngoài cửa là một chiếc ngăn đựng thư và giấy tờ. Ở đây chư Tăng với nhau rất ít nói chuyện và làm phiền nhau vì nội quy Tòng lâm là như vậy; cần việc gì họ viết vào giấy, bỏ vào ngăn thư ấy và người kia cũng viết giấy trả lời, bỏ lại vào đó hoặc đưa thẳng cho người ấy. Như vậy đời sống tu hành hàng ngày của mỗi người gần như sống tách biệt và tịnh khẩu. Từ nơi phòng tôi ở nếu phải đi vệ sinh thì phải đi xuyên qua những dãy hàng lang vắng vẻ, âm u đến rợn người, tôi tự nhủ thầm, phải chấp nhận, bởi vì bao nhiêu người ở được thì mình ở được. Câu thần chú đó làm tôi mạnh mẽ hẳn lên, an nhiên chịu đựng suốt thời gian dài khổ nhọc của khóa tu.
 
Vạn Phật Thánh Thành quả thật không hổ danh là một Đại Tòng Lâm, một nơi đào tạo Tăng tài đúng nghĩa với thanh quy nghiêm ngặt, đời sống tu hành tối đơn giản, thanh tịnh. Nơi đây chư Tăng vào sống ở đây không được giữ tiền, những người mới xuất gia chưa thọ Tỳ kheo thì không được dùng điện thoại và máy tính trừ chư Tăng sống 5 năm trở lên.

Đời sống tu hành như vậy quả thật thanh tịnh trang nghiêm và giới phẩm trong sạch mà tôi chưa từng thấy nơi nào trên thế giới có được. Thế nên sau mấy tuần ở đây tôi phải buộc miệng khen rằng, chư tăng tu hành nơi này thật là giới hạnh trong sạch như băng tuyết. 

Trong bản nội quy mà khách Tăng/Ni phải tuân theo khi đến viếng Vạn Phật Thánh Thánh gồm có 10 điều tóm tắt như sau:

1) Phải được phép của giới sư khi đến ở lại VPTT.
2) Phải có giấy giới thiệu của ngôi chùa mình ở.
3) Luôn mặc áo giới khi ra ngoài.
4) Một ngày ăn một bữa.
5) Tuân theo lịch trình tu tập hàng ngày cùng đại chúng. Không vắng mặt nếu không có lý do hợp lý.
6) Không đi lang thang ra ngoài khuôn viên của VPTT.
7) Không nên tụ họp hoặc đi đến phòng người khác để tham gia nói chuyện không cần thiết.
8) Tuân theo 6 đại tông chỉ của VPTT. Không nên lợi dụng, đặc biệt là không tìm cách để nhận cúng dường từ quý phật tử tại gia.
9) Tôn trọng các quy củ. Xin lưu ý rằng các cá nhân không tuân theo các nội quy của VPTT có thể được yêu cầu rời khỏi.
10) Bất kỳ khách Tăng/Ni nào muốn đến thăm VPTT nên điền đơn xin phép trước khi đến. Trong đơn ghi rõ tu viện xuất xứ và chỉ có thể đến VPTT sau khi đơn được chấp thuận. Lưu ý rằng sau khi đến VPTT, chùa sẽ quan sát quý vị trong 3 ngày.

Vạn Phật Thánh Thành có nhiều còn đường nhựa dọc ngang nối nhau như là một khu phố nhỏ, và các con đường trong Đại tòng lâm này đều mang các tên trong Phật giáo như: Đường Trí tuệ, đường Từ bi, đường Tinh tấn, đường nhẫn nhục, đường bố thí.v.v…

Trên các bãi cỏ tôi cũng thấy một vài đàn nai thong dong qua lại, hoặc rất nhiều bầy chim Công với bộ lông cánh tuyệt đẹp ung dung gặm mổ thức ăn mà chẳng sợ con người. Không hiểu có phải do từ trường thanh tịnh tu hành của chư tăng mà chiêu cảm ngay cả các loài vật hoang dã đến đây cùng sống, cùng khoe sắc khoe thân trước mọi người. Thật là cảnh giới an bình, thần tiên như một cõi tịnh độ.

Thời gian khóa tu Phật thất và Thiền thất đều bắt đầu từ 3.25 sáng đánh bảng gọi báo thức cho đến khoảng 10.20 đêm. Trong khoảng thời gian này, lịch trình các khóa niệm Phật, và Thiền định gần như san sát, chỉ nghỉ ngơi khoảng 20 phút rồi lại tiếp tục. 

Khóa Phật thất buổi sáng thì sau khi tụng công phu khuya Lăng Nghiêm xong đến 5.00 sáng thì nghỉ ngơi đến 6.30 và bắt đầu khóa Tịnh độ với thời kinh A Di Đà trước, sau đó tán Phật, niệm Phật, và đi kinh hành 2 vòng lớn quanh chánh điện, tiếp đến ngồi xuống niệm Phật khoảng nửa tiếng, cuối cùng niệm Phật trong tâm khoảng nữa tiếng trước khi kết thúc và chuẩn bị buổi ăn trưa lúc 10.45. Khóa niệm Phật chiều từ 1.00 đến 5.00 chiều, và khóa buổi tối từ 6.10 đến 9.30 tối.

Ngoài thời gian hành trì niệm Phật miên mật gần như suốt ngày, khóa buổi tối có 1.giờ 30 phút nghe pháp và khai thị về pháp tu. Không thể ghi lại tất cả việc tu học trong khóa tu, tôi chỉ thuật lại một số nét đại cương:

KHÓA TU PHẬT THẤT

Ngày thứ 1:  Buổi sáng tinh mơ, đúng 3.25am tiếng bảng (bằng tay) đã đứng thức chúng Tăng dậy. Sau đó 3 phút, tiếng bảng bằng máy tiếp tục đánh lên, và cứ thế sau 10 phút lại đánh lên nữa. Tiếng bảng chát chúa vang lên trong đêm khuya, không ai có thể ngủ mê thêm nữa dù lười đến đâu! Nước rửa mặt lạnh như nước đá sẽ làm mọi người tỉnh táo.

3.50 phút sáng, chư Tăng đi trong hàng dài và niệm Phật theo tiếng mõ, hướng chánh điện (cách đó khoảng 600m) trong bầu trời tĩnh mịch của đêm đen. Gần đến chánh điện, tiếng trống liên hồi như thúc dục, như nghênh đón chư Tăng vào chánh điện. Phía bên Ni thì cũng vào chánh điện theo một cửa khác. Buổi lễ Sái tịnh đàn tràng đã được thực hiện từ tối hôm trước nên khóa tu chính thức thực hiện hôm nay. Toàn thể đại chúng trong chánh điện có khoảng hơn 300 người. 

Hòa thượng khai thị: 

“Trong thất này quý vị cần phải “nhất môn thâm nhập” –chuyên tâm vào một pháp môn- chỉ dựa vào lòng chân thật, lòng thành khẩn, cung kính mà tu pháp niệm Phật, chớ để uổng phí thời gian dù chỉ là một phút thôi. Quý vị nên biết, một chút thời gian là một chút sinh mạng. Nếu không dụng công, mình sẽ tăng gia tội nghiệp. Chân thật dụng công thì tăng trưởng thiện căn.” 

Khi niệm Phật một tiếng, trong hư không sẽ có một ánh hào quang xuất hiện. Nếu quý vị chí thành, chân thật, khẩn thiết niệm Phật thì ánh hào quang ấy sẽ chiếu khắp tam thiên đại thiên thế giới, và có thể hóa giải mọi thứ ô nhiễm, tàn ác hung bạo và tai họa.

Niệm niệm chân thành niệm niệm thông, 
Mặc mặc cảm ứng, mặc mặc trung. 
Trực chỉ sơn cùng thủy tận xứ, 
Tiêu dao Pháp-giới nhậm Tây Ðông. 
Nghĩa là: 
Niệm niệm chân thành, niệm thấu suốt, 
Lặng lặng cảm ứng, lặng trung dung. 
Ðến khi núi mòn sông cạn hết, 
Tiêu diêu Pháp-giới khắp Ðông Tây. 

Không biết quý-vị có liễu ngộ được chân nghĩa của bài kệ vừa rồi hay chăng? "Niệm niệm chân thành, niệm thấu suốt," chữ niệm đầu tiên nói lên ý niệm do tâm phát ra. Chữ niệm thứ hai là chỉ ý niệm do miệng thốt ra. Nếu chỉ có ý niệm thứ nhì, tức là ý "niệm" phát ra từ nơi miệng thì không còn là ý niệm chân thành. Cho nên tâm khẩu cần phải chân thành khi niệm danh hiệu Phật Bồ-tát. Chúng ta cần niệm đến chỗ tâm và miệng hợp nhất, một mà không hai. 

Chúng ta không thể tùy tiện mà niệm, cũng không thể niệm một cách tán loạn, và càng không nên niệm một cách tạp nhạp với nhiều vọng tưởng của mình. Nếu mình làm được như vậy thì mới gọi là chân thành được.  Có được ý niệm chân thành thì nhất định sẽ được cảm ứng. Cảm ứng đó là gì? Là sự tương thông giữa tâm phàm phu của mình với tâm sáng lạng của chư Phật Bồ-tát. Ðó gọi là: 

Quang quang tương chiếu; Khổng khổng tương thông. 
Nghĩa là: Ánh sáng này chiếu ánh sáng kia; Lỗ lông này thông lỗ lông kia. 

Tại sao có được cảm ứng như vậy? Giống như khi gọi điện thoại, bên này có quay số, bên kia mới trả lời. Niệm danh hiệu Bồ-tát cũng vậy, sẽ có lúc Bồ-tát hỏi mình rằng: "Thiện nam tử, thiện nữ nhân, các vị cần điều chi?" Lúc đó mình cầu gì sẽ được nấy. Nếu thiếu thành tâm thì cũng như điện thoại có năm số, mà mình chỉ quay có ba số rồi ngừng tay, làm sao đường dây có thể thông được. Niệm danh hiệu Bồ-tát cũng vậy, nếu mình niệm một chốc rồi ngừng lại, đó là thiếu thành tâm. Nhất định không có chuyện cảm thông được. Chỉ ai có cảm ứng mới nhận biết sự "quang quang tương chiếu" này. Cũng như khi gọi điện thoại, phải nhấc ống nghe lên mới nghe rõ người bên kia đầu dây. Vì phàm phu không sao thấy được luồng sóng qua lại của điện thoại. 

Thêm vào đó, cổ nhân lại có câu: 
"Quân tử cầu chư kỷ, 
Tiểu nhân cầu chư nhân." 

Nghĩa rằng: Người quân tử thì tìm đáp án nơi chính mình, dựa vào năng lực của mình, còn kẻ tiểu nhân thì nương tựa, cầu cạnh kẻ khác. 

Chúng ta không thể có tâm ỷ lại, phải biết rằng sự cảm ứng là tự mình chiêu cảm lấy, không do nơi khác. Có người nói: "Niệm Phật để được sinh Tịnh-độ; như vậy nhờ Phật mới được tiếp dẫn." Câu nầy có thể đúng nhưng cũng có thể không đúng. Tại sao vậy? Bởi vì thuyết tiếp dẫn do đối căn cơ mà lập. Ðối với chúng sinh còn đầy lòng tham, luôn hy vọng chỉ dùng ít sức mà hoạch kết quả lớn; hay thích cho vay ít lấy lãi nhiều, thánh nhân do đó phải tùy cơ ứng biến, nói rằng Phật lực tiếp dẫn với mục đích là muốn chúng sinh nổ lực niệm Phật. Kỳ thật kẻ niệm danh hiệu Phật, Bồ-tát mà được vãng sinh Tịnh-độ đều hoàn toàn do dựa vào sức lực của chính họ. 

Mình học Phật cũng vậy, phải hiểu rằng mọi sự vô thường, không ai thoát được cái chết. Tại sao mình không lo chuyện hạ thủ công phu để giải quyết cái chết? Cho nên: 

Nhược yếu nhân bất tử, 
Tiên hạ tử công phu. 
Nghĩa là: 
Mình nếu muốn không chết, 
Thì phải tu hết mình. "Tử công phu" (tu hết mình), 

Mình cần phải niệm Ðức A Di Ðà Phật tới độ là coi Ngài như sư phụ của mình, xem Ngài Quán Thế Âm Bồ-tát như là người bạn của mình. Nếu như được làm đệ tử của Phật, làm bạn của Bồ tát, trải qua nhiều năm tháng, tự nhiên mình cũng sẽ trở thành bạn thân của các vị đó. Như vậy thì chư Phật Bồ-tát sẽ tiếp dẫn mình về thế giới Cực-lạc vào phút cuối cùng. Quý-vị đừng nên hồ nghi, bởi vì: 

Tu Ðạo chi nhân tâm mạc nghi, 
Nghi tâm nhất khởi tiền đồ mê. 
Nghĩa là: 
Lòng người tu Ðạo chớ ngờ nghi, 
Nghi ngờ nổi dậy liền mờ mê. 

Nghĩa là người tu Ðạo chớ có tâm nghi ngờ, khi lòng nghi nổi dậy thì đi vào sự mê mờ. Chúng ta nên nghe lời của thiện-tri-thức, không nên có lòng nghi ngờ. Thí dụ như thiện-tri-thức nói tu hành cần phải có khổ công, thì mình phải tin như vậy. Nếu mình có lòng tin một cách triệt để nhất định sẽ được minh tâm kiến tánh, phản bổn hoàn nguyên. Do đó mình phải thường nghe lời chỉ dạy của bậc thiện-tri-thức. Nếu vị đó dạy mình "niệm Phật" thì mình nhất định phải theo lời mà niệm Phật; nếu vị ấy dạy mình "đừng buông lung" thì mình không được buông lung, đó là yếu quyết của việc tu Ðạo vậy. 

Như đã nói trên: "Bịnh rồi mới biết thân này khổ." Bởi vì con người mà không trải qua một cơn bịnh khổ thì không chịu phát tâm tu hành đâu. Do vậy, kẻ chưa bịnh thì không hiểu sự thống khổ. Lại có câu rằng: "Phú quý tu đạo nan." Nghĩa rằng người giàu tu đạo rất khó, bởi vì việc gì cũng được như ý cả thì làm sao họ nghĩ đến chuyện tu. Do đó nghèo với bịnh là thứ trợ duyên cho việc tu Ðạo. Bịnh đến thì mình đừng âu lo, nghèo khốn cũng chớ ưu sầu. Có bài kệ như sau: 

Ngã kiến tha nhân tử, 
Tử tâm nhiệt như hỏa, 
Bất thị nhiệt tha nhân, 
Tiệm tiệm luân đáo ngã. 
Nghĩa là: 
Ta thấy người ấy chết, 
Lòng ta nóng như lửa, 
Chẳng phải nóng cho người, 
Mà từ từ lửa tới ta. 

Nghèo khốn hay bịnh hoạn hẳn nhiên giúp mình trưởng dưỡng tâm tu Ðạo. Cũng như khi thấy người khác nghèo khốn, bịnh khổ, già chết, mình cũng phải phát tâm như thế. Ðời người giống như: "

Trường giang, hậu lãng thôi tiền lãng. Nghĩa là "Sông Trường giang, sóng sau đẩy sóng trước." 

Nếu mình kịp thời phát nguyện vãng sinh, lúc gần chết, mình sẽ có sự chuẩn bị. Không vậy, lúc ấy mình hoảng sợ không biết cách đối phó. Giống như đất nước nếu không trải qua một cơn biến loạn thì nhân dân chỉ thích sống trong cảnh sung sướng an lạc, không màng đến chuyện bảo vệ đất nước. 

Hiện tại Phật-giáo cũng như vậy, người ta không nghĩ cách để phục hưng Phật-giáo, nên Phật-giáo đi vào tình trạng ủy mị.  Vì vậy mình phải đề xướng Phật-giáo; trách nhiệm không phải chỉ ở các vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, mà ở tại mỗi tín đồ Phật-giáo. Nếu như mỗi người chúng ta đều tự nhận trách nhiệm, thì lo gì Phật-giáo không phát triển! 

Ngày thứ 2:  Trong suốt khóa tu ngày hôm qua, mọi người gần như tịnh khẩu, chỉ có nhất tâm tu niệm và không một ai nói chuyện với nhau cả dù rằng khoảng giữa có 15 phút giải lao. Sao lạ vậy! Hình như hiện tượng này, tôi chưa từng thấy qua trong các khóa tu ở các chùa Việt Nam mình. Hay là quy củ ở VPTT này là như vậy! Mọi người không được làm quen, tiếp xúc và nói chuyện với nhau, không phải giữa giới xuất gia và Phật tử tại gia mà ngay cả những người Phật tử với nhau cũng vậy. Ai cũng hiểu điều này nên ai cũng giữ sự im lặng và thanh tịnh, mặc niệm hoặc giữ sự trang nghiêm cho đạo tràng.

Hòa thượng Tuyên Hóa khai thị.

Ngài khuyến đại chúng khi tu nên giữ gìn tâm ý trang nghiêm và thanh tịnh. Lòng chí thành ấy sẽ cảm ứng chư Phật và cảm động đất trời.

Tâm chân thật, ý chân thật, thật trong thật,
Hành chân thật, tu chân thật, thật trên thật,
Làm chân thật, thành chân thật, thật thêm thật,
Tất cả, tất cả, thật, thật, thật. 

Cổ nhân nói: "Thiện ác hai con đường, ai tu thì tu, ai tạo (nghiệp) thì tạo." Kẻ tu thiện thì sẽ thoát khỏi Tam Giới, kẻ tạo ác thì sẽ đọa Tam Ác Ðạo. Thiện, ác chỉ ở trong một ý niệm cách biệt. Có trí huệ tức là thiện niệm, có ngu si tức là ác niệm. Mọi sự trên đời đều nói pháp (hiển bày chân lý). Có thứ nói pháp lành, có thứ nói pháp ác. Có thứ nói pháp bàng môn tả đạo, quan điểm sai lầm. Có thứ nói pháp Trung Ðạo Liễu Nghĩa, quan niệm đúng đắn. 

Nói cách khác, nói pháp lành tức là dạy người ta nhìn thông suốt mọi hiện tượng, buông bỏ mọi chấp trước, đạt được tự tại; còn nói pháp ác tức là dạy người ta đừng nhìn thủng, đừng buông bỏ chấp trước, chẳng đắc được tự tại. Vì sao con người điên đảo? Bởi vì chấp trước, không chịu buông bỏ. Câu thơ xưa nói rằng: 
Cổ lai đa thiểu anh hùng hán, 
Nam Bắc sơn đầu ngọa thổ nê. 
Nghĩa là: 
Xưa nay bao kẻ anh hùng hảo hán, 
Nằm dưới đất bùn khắp núi đầy non. 

Quý vị hãy nghĩ xem: bao nhiêu người ở trần gian, ai có thể nhảy thoát qua cửa sinh tử? Lúc sống, mưu đồ hư danh, chết rồi, danh nào còn? Ham chức quan lớn, chết rồi, quan cũng hết luôn! Mọi thứ đều hóa thành không. Trung Quốc có Tần Thủy Hoàng vì muốn bảo vệ con cháu, khiến muôn đời sau sẽ mãi làm hoàng đế, nên cho xây Vạn Lý Trường Thành. Nào ngờ chỉ truyền tới đời thứ hai, con là Hồ Hải (Tần Nhị Thế) nối ngôi chưa được ba năm thì bị Thừa-tướng Triệu Cao giết chết. Thế chẳng phải là đã hao phí tâm cơ sao? 

Xưa nay, từ trong đến ngoài nước, những kẻ cực kỳ giàu sang, kẻ làm quan to chức lớn, đều sống một đời mê muội tranh danh đoạt lợi, tạo ra biết bao nghiệp chướng tội lỗi; tới lúc chết thì với hai tay không đi gặp Diêm Vương. Xem đấy, khi tham Thiền chúng ta phải quyết chí dụng công, không thể giải đãi, không thể buông lung, chớ để lỡ cơ hội rồi sau này hối hận không kịp. Rằng: 

"Một chút thời gian, một chút mạng sống." 

Có người nói: "Chờ tôi thành danh rồi, tôi sẽ buông bỏ mọi thứ, chuyên tâm tu Ðạo." Song, thời gian không chờ đợi ai, chờ tới lúc đó thì đã quá muộn rồi. 

Tham Thiền hay niệm Phật đều tốt cả. Chỉ cần chân thật tu hành thì có thể thoát khỏi vòng sinh tử, tới lúc lâm chung tất sẽ:
"Thân không bịnh khổ, 
Tâm chẳng tham luyến, 
Như nhập Thiền-định, 
Vui cười vãng sinh." 

Ðó mới là nắm chắc được việc sinh tử trong tay mình vậy! 

Ngày thứ 3:  Mỗi ngày trước khóa lễ niệm Phật đều trì kinh Lăng nghiêm buổi khuya lúc 4.00am. Theo thông lệ thì một ngày tụng kinh bằng tiếng Hoa và một ngày tụng kinh bằng tiếng Anh. Tất cả kinh, chú, các bài sám đều như các chùa ở Việt Nam, chỉ khác là họ tiếng tiếng Hoa mà thôi. Cho nên nếu chúng ta học tiếng Hoa thì sẽ rất nhanh vì có rất nhiều âm điệu tương tợ.

Vị thầy dẫn lễ mỗi ngày thường thay phiên nhau, có khi Tăng lại cũng có khi là vị Ni. Vị Phương trượng trụ trì thì chỉ dâng hương cúng Phật và sau đó đứng chấp tay, đứng tấn tại đạo tràng giữa 2 chúng Tăng Ni trong thế thiền định. Nếu khóa lễ 4 tiếng vào buổi chiều là ngài cũng đứng, lúc đi kinh hành thì ngài đi sau chót. Lúc nào ngài cũng là vị dẫn đầu, nêu cao tấm gương tu hành, tinh tấn, kham nhẫn và hạ mình thấp nhất trước đại chúng. Thấy cảnh khổ hạnh này, tôi thầm nghĩ, làm thầy Phương trượng VPPT thật không dễ chút nào, khổ cực hơn cả chúng tăng rất nhiều lần. Chẳng bù truyền thống Việt Nam mình, thì thầy Phương trượng trong một đại Tòng lâm như vầy sẽ được cung kính, tôn sùng và trọng vọng đệ nhất trong chùa. 

Mỗi buổi sáng, khi đại chúng đi thành hàng vào chánh điện xong, trước khi bắt đầu tụng chú Lăng nghiêm, đều phải đọc Tông chỉ Vạn Phật Thánh thành như sau:

Rét chết không phan duyên
Đói chết không hóa duyên
Nghèo chết không cầu duyên
Rùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên
Chúng ta giữ vững ba đại tông chỉ
Xả mạng vì Phật sự, tạo mạng vì bổn sự, chánh mạng vì Tăng sự
Tức sự minh lý, minh lý tức sự
Truyền thừa mạch huyết Tổ sư
Tự hỏi: Mình có tranh không?
Tự hỏi: Mình có tham không?
Tự hỏi: Mình có cầu không?
Tự hỏi: Mình có ích kỷ không?
Tự hỏi: Mình có tự lợi không?
Tự hỏi: Mình có vọng ngữ không?
Tự hỏi: Mình có ăn ngày một bữa không?
Tự hỏi: Mình có luôn đắp y giới không?
Đây là gia phong của Vạn Phật Thánh Thành và không ai được sửa đổi!

Phần cuối buổi lễ sau phần đảnh lễ Tam tự quy xong, đại chúng còn phải đảnh lễ 15 lễ đối với 5 vị Tổ sư cận đại, biểu lộ lòng thành kính, ghi ân sự truyền thừa mạng mạch từ các ngài.

Lời Hòa thượng dạy: Chúng ta lúc nào cũng ở trong mộng. Rằng: 
Nhân sinh nhất trường mộng, 
Nhân tử mộng nhất trường. 
Mộng lý thân vinh quý, 
Mộng tỉnh tại cùng hương, 
Triều triều thị tác mộng, 
Bất giác mộng hoàng lương, 
Mộng trung nhược bất giác, 
Uổng tác mộng nhất trường. 
Nghĩa là: 
Người sống: một tràng mộng, 
Người chết: mộng một tràng. 
Trong mộng thân vinh quý, 
Tỉnh mộng vẫn nghèo xơ, 
Ngày ngày cứ nằm mộng, 
Chẳng biết mộng "kê vàng," 
Nằm mộng mà chẳng biết, 
Uổng thay mộng một tràng. 

Lúc mộng, chúng ta thấy rõ ràng có Lục-thú (sáu nẻo: trời, người, A-tu-la, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục); đến lúc giác ngộ mới thấy tam thiên đại thiên thế giới đều chẳng có. Vì sao? Vì không còn chấp trước. Chẳng còn chấp trước thì đem vạn vật "phản bổn hoàn nguyên"; như thế làm sao còn ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng đặng? Mọi thứ đều chẳng còn! Có người nghe rằng bốn tướng đều hết thì chẳng dám tu hành, vì ngộ nhận rằng: "Tu đến cực điểm thì người ta chẳng hiện hữu nữa, chúng sinh cũng hết sạch, thọ giả cũng không còn, vậy thì sao đây? Lúc ấy công việc làm cũng hết luôn, e rằng tôi sẽ thất nghiệp mất!" 

Quý vị nhất định cần có việc làm sao? Vậy thì cứ tiếp tục điên đảo! Khi tu hành đến chỗ không còn bốn tướng, thì quý vị sẽ "quét sạch tất cả pháp, xa rời tất cả tướng," chứng đắc Thực-tướng của mọi sự. Rằng: Nhất pháp bất lập, vạn pháp giai không. (Một pháp chẳng lập, mọi sự đều không.) Chẳng thể nói suông là mình hiểu đạo lý này, mà chúng ta bắt buộc phải chân chính chứng đắc cảnh giới "một pháp chẳng lập, mọi sự đều không." Lúc ấy sẽ chẳng còn gì là khổ, chỉ hưởng thọ sự an lạc. 

Người ta ở đời, nếu không chấp trước danh vọng thì cũng ôm chặt lợi lộc, không chấp trước tiền tài, thì lại mê đắm sắc đẹp, do đó không thể nhìn thủng (hiện tượng), chẳng thể buông bỏ (mọi chấp trước). Muốn nhìn thủng, muốn buông bỏ, song lại chẳng đặng. Vì sao chẳng kham? Bởi vì trong tâm có "con quỷ" tinh tế và "con sâu" linh lợi tác quái, do đó rất nhiều việc mình để lỡ cơ hội, đối diện với Ðức Quán Âm mà chẳng nhận ra Ngài. Ðức Quán Âm Bồ-tát ở ngay trước mặt, thế mà cứ đi tìm kiếm khắp nơi. Ðó chính là bị điên đảo vọng tưởng chi phối vậy. 

Chữ "tham" trong tham Thiền có nghĩa là quán chiếu, quan sát. Quán chiếu cái gì? Quán chiếu Bát-nhã. Nghĩa là trong mọi ý niệm, mọi thời điểm, quý vị phải quan sát chính mình ở đây (tự tại), đừng quan sát kẻ khác ( tha tại ). Hãy quán sát xem mình có ở tại đây hay chăng -nếu mình ở đây thì có thể tham Thiền, dụng công tu hành; nếu mình chẳng ở đây, tức là mình khởi vọng tưởng lăng xăng, nghĩ ngợi vớ vẩn. Thân tuy ở trong Thiền-đường, nhưng tâm lại dong ruổi tận Nữu Ước hay Ý Ðại Lợi. Tới đâu cũng phan duyên, thành ra không tự tại nữa. 

Ngày thứ 4: Buổi trưa khi mọi người niệm Phật xong, đại chúng xếp thành hàng qua một Chánh điện khác thực hiện nghi thức cúng Ngọ trước khi xếp thành hàng đi ra Trai đường, còn gọi là Ngũ quán đường lúc 10.45. Buổi thọ trai kéo dài 1 tiếng đồng hồ, bắt đầu bằng việc 1 vị Tăng đọc lên bài kinh cúng dường: “Cúng dường thanh tịnh pháp thân Tỳ lô Giá na Phật…, sau đó đọc Tam đề Ngũ quán và đại chúng bắt đầu dùng cơm.

Thức ăn chư Tăng được để sẵn trong những chậu lớn đầu dãy bàn, và sau khi vị Tăng ngồi đầu lấy món ăn nào xong thì chuyền qua vị thứ hai và cứ thế chuyến đến vị cuối trong từng món một. Do dùng một bữa ăn trong ngày nên phần chuẩn bị bữa ăn có thể nói là rất chu đáo, đầy đủ chất dinh dưỡng với khoảng 7 đến 10 món, trong đó ngoài phần cơm và các món ăn xào, kho, canh, mì còn có cả bánh mì, bơ, mứt, bơ đậu phụng. Các thức ăn tráng miệng gồm có 3 loại trái cây, các hạt đậu hoặc bánh quy. Ngoái nhìn sang các ông Sa Di (hơn 50 tuổi) bên cảnh, tôi phát hoảng khi thấy ông ta múc một bình bát đầy thức ăn, một dĩa đầy và các bánh mì, trái cây bênh cạnh. Xem chừng phải gấp 3 lần phần ăn của tôi, vậy mà ông chú Tiểu “đại” đó ăn cũng hết. Tuyệt thật!!! 

Sau khi ăn xong, mọi người tự đi lấy 1 chiếc khăn (để trong chậu nước nóng) gần đó quay lại chỗ mình và chùi sạch sẽ khu vực bàn ăn trước mặt mình, xong để khăn lại trong chậu và cầm bình bát và dĩa của mình đi rửa ở một khu nhà bếp gần đó, rửa xong quay trở lại chỗ cũ để trên bàn như trước và chờ đến 11.50 đi thành hàng ra Chánh điện hồi hướng. 

Tôi nghĩ thầm, một ngày ăn một bữa như vậy cũng thật là xứng đáng. Đầy đủ tất cả, mãn nguyện tất cả vì ban ẩm thực lo rất chu đáo, nhưng chỉ ngày một bữa. Vậy cũng rất là hay vì như vậy khỏi mất rất nhiều thời gian cho việc ăn uống. Trong các khóa tu ở chùa Việt Nam mình, về phần ăn uống này thôi tôi cũng thấy rất mệt và phiền cho tất cả mọi người. Bởi vì đại chúng ăn sáng vừa xong và đi khỏi, là ban trai soạn lại tiếp tục chuẩn bị cắt, gọt rau quả để chuẩn bị cho buổi ăn trưa, ăn trưa vừa xong lại cắt, gọt chuẩn bị cho buổi ăn chiều. Ôi! Sao vì cái ăn thôi mà mọi người phải khổ và mệt đến như vậy. Không lẽ một năm 365 ngày không tu, ngày ăn 3 bữa lâu rồi, nay đến thời gian tu hành, bỏ bớt ăn uống 2 bữa, chỉ dùng một bữa để tu lại không làm được hay sao? 

Chẳng những ở đây họ ăn một bữa, mà tất cả mọi người đều tự rửa bát chén của mình, lau chùi nơi bàn của mình, nên cuối cùng ban trai soạn, nhà bếp cũng khỏe ru!!!  Ngay cả phần bỏ rác có lẽ chúng ta cũng cần phải học hỏi, vì họ có 3 thùng rác. Một thùng bỏ các loại vỏ trái cây, 1 thùng bỏ các loại giấy chùi miệng (dùng để tái chế), và 1 thùng dùng để bỏ thức ăn thừa.

Lời Hòa thượng khai thị:  Tu hành bí quyết số 1 là ăn ít để bớt dục niệm, do đây đỡ phiền não, Bồ-đề sanh. Thứ 2 là tập nhẫn nại. Những việc mình không thích nhưng chúng đã sai thì cứ nhẫn nại mà làm. Cố gắng làm cho đàng hoàng, chu đáo, với tất cả lương tâm. Lâu dần quen đi thành vui vẻ. Nếu cứ trốn tránh hoặc lười biếng phóng túng, qua loa cho xong chuyện. Như vậy lây lất tháng ngày, người này làm sao có tương lai? 

Người tu cả thân lẫn tâm nên lấy chữ Nhẫn làm phương châm. Gặp thử thách, nghiến chặt răng chịu đựng, gió êm sóng lặng, qua cửa ải, tự nhiên bình an. 

Chính Tuyên Hóa tôi đã dùng chữ Nhẫn làm pháp bảo để khắc phục mọi khó khăn: lạnh nóng, nắng mưa, đói khát, tôi chịu đựng hết. Quyết không kéo cờ trắng đầu hàng. Bị mắng coi như nghe nhạc. Bị đánh, bình tĩnh ôn hòa. Trời rét đến đâu, công phu khuya sớm không bao giờ trễ nải, bao giờ cũng lên chánh điện trước khóa lễ 5 phút.

Ngày thứ 5: Thông thường khóa tu niệm Phật bắt đầu bằng khóa lễ tụng kinh A Di Đà. Đây là bản kinh rất quen thuộc trong truyền thống Phật giáo Trung Hoa và truyền thống Phật giáo Việt Nam mình. Sau bài kinh này là đến phần tán Phật: A Di Đà Phật thân kim sắc, Tướng hảo quang minh vô đẳng luân…. Âm điệu và nhạc lễ tiếng Hoa nghe thật du dương và thánh thoát. Sau đó đến phần niệm Phật là phần đi kinh hành, chậm rãi, khoan thai theo tiếng niệm. 

Lúc này tôi mới thấy công dụng của các bục gỗ mà trong các chùa Trung Hoa họ thường hay xếp để mọi người quỳ lạy lên trên. Theo các bục gỗ này mà mọi người đi kinh hành vòng qua, uốn lại một cách đều đặn và nhịp nhàng. Chánh điện không lớn, chỉ chưa hơn 300 người và hơn 300 người chật cứng chánh điện nhưng chư Tăng, Ni và đại chúng vẫn kinh hành nhịp nhàng có thứ lớp, trật tự. Phía sau cùng chánh điện, tôi thoáng thấy 1 ban khoảng 3 người mặc đồng phục điều hành, sắp xếp việc di chuyển kinh hành cho những phật tử mới ở đoạn cuối.

Đầu tiên là chư Tăng đi trước, kế đó là các vị Sa di và các vị phật tử Ưu bà tắc, khi gặp nơi giao tiếp, chúng Ưu bà tắc dùng lại để chúng Ni, Sư bà và các quý Ni sư, Sư cô đi tiếp theo sau chúng Sa Di. Khi chúng Sa Di Ni đi rồi thì mới tiếp đến lượt phật tử Ưu bà tắc và cuối cùng là chúng phật tử Ưu bà di, trong đó phật tử đắp y thọ Bồ tát giới đi trước và người chưa thọ giới đi sau. 

Về phép niệm Phật trong khóa tu gồm có 4 phép, đó là Đứng niệm Phật, kinh hành Niệm Phật, ngồi niệm Phật ra tiếng, và ngồi niệm Phật trong tâm. Về âm điệu niệm Phật thì có 4 cách: 1) Niệm Phật 6 chữ: Nam Mô A Di Đà Phật. 2) Niệm Phật 4 chữ chậm (thường): A Di Đà Phật. 3) Niệm Phật 4 chữ nhanh (4 âm: cao nhất, cao, trung bình, thấp). 4) Mặc niệm 4 chữ: A Di Đà Phật. Khóa niệm Phật buổi chiều 4 tiếng liên tục từ 13.00 đến 17.00 và trong thời gian này, ai có nhu cầu thì có thể ra ngoài và trở vào lại sau đó. Trong khóa này thì đã có 2 lần niệm ngồi ra tiếng và 2 lần mặc niệm thì thời gian cũng đã chiếm 2 tiếng rồi. 

Hòa thượng Tuyên Hóa khai thị:  Bớt Nói Chuyện, Dụng Công Cho Nhiều. 

Phàm là tham gia Phật Thất, hoặc Thiền-thất, hoặc Quán Âm Thất, hoặc Ðịa Tạng Thất đều tốt; các bạn chớ tuyên truyền với người ngoài Vạn Phật Thánh Thành là tốt như vậy như kia. Ðiều tốt của Vạn Phật Thánh Thành, chúng ta không hy vọng người ngoài biết. Vì sao vậy? Nếu bị kẻ khác biết thì bốn phương tám hướng người ta sẽ kéo đến Vạn Phật Thánh Thành, lúc đó Vạn Phật Thánh Thành không cách gì ứng tiếp được. 

Vạn Phật Thánh Thành luôn im lặng làm việc, mọi người ai cũng chịu cực chịu khổ, chân thật tu hành. Do đó đối với bên ngoài, không nên chú trọng vào việc tuyên truyền quảng cáo. Nếu ở đây là nơi tu hành tốt, các bạn có thể thường xuyên lui tới. Nếu các bạn cảm thấy không tốt thì không nên đi theo con đường này nữa, đó là tông chỉ nhất quán của Vạn Phật Thánh Thành. 

Vạn Phật Thánh Thành có sáu đại tông chỉ để hướng dẫn việc tu, tức là: “Không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, và không vọng ngữ.” Nếu bạn hiểu rõ sáu tông chỉ này một cách chân thật thì bạn sẽ không uổng đã tới Vạn Phật Thánh Thành. Có một số người rất háo danh, nhưng Vạn Phật Thánh Thành không cần những kẻ đó. Vì sao? Bởi Vạn Phật Thánh Thành muốn dứt trừ ngũ dục: “Tài, sắc, danh, thực, thùy.” 

Ngũ dục này là gốc của địa ngục, nhưng đa số người đời ưa thích những thứ đó, nhưng Vạn Phật Thánh Thành lại muốn thoát ly những mối dây ràng buộc ấy. Vì vậy Vạn Phật Thánh Thành không muốn nổi danh, cũng không cầu cạnh lợi lộc gì, chỉ dựa vào công phu chân thật để hoằng dương Phật Pháp, tiếp nối Phật huệ mạng. Ðó là tình huống đại khái của Vạn Phật Thánh Thành.

Ngày thứ 6: Buổi chiều sau phần niệm Phật, cũng có phần cúng Thí thực cô hồn và sau đó đại chúng di chuyển qua phòng thờ Linh. Phòng thờ này khá rộng lớn (khoảng 400m2) và thờ hàng ngàn bài vị. Buổi tụng kinh A Di Đà và cầu siêu diễn ra rất long trọng và trang nghiêm, làm cho cõi âm được muôn phần lợi lạc.

Quả thật thời gian đầu chưa quen, tôi cũng cảm thấy mệt lả người khi tham dự những khóa tu suốt nhiều giờ đồng hồ, từ sáng đến tối như vậy. Có những lúc chân mỏi khủng khiếp như muốn ngã quỵ, lại cũng có những lúc chân ngồi xếp bằng nhiều giờ đớn đau dễ sợ, nhưng rồi do lực của đại chúng và lời dạy, khuyến tu của Hòa thượng mà cơn đau qua đi, những khổ nhọc tưởng chừng như không thể chịu đựng nổi, cuối cùng rồi cũng xong. Tu hành phải là như vậy, ép và phạt thân này phải chịu mọi sự đớn đau và khổ nhọc thì nghiệp chướng mới tiêu trừ, phước đức, công đức mới tăng trưởng như hai câu kệ ngài thường nói:

“Hưởng phước thì hết phước,
Chịu khổ thì hết khổ.”

Thế rồi 7 ngày Phật thất cũng trôi qua mau, những ngày đầu khóa tu và cuối khóa tu, phật tử đến tham dự đông nghẹt, kín cả trai đường, tôi nghĩ chắc khoảng 800 người có đến, nhưng khi tham dự buổi niệm Phật thì không đủ chỗ, nên đành chịu.
 
Buổi tối sau khi lễ hoàn tất, tôi phụ các chư Tăng khác dịch chuyển tất cả những bục gỗ lạy Phật vào một chánh điện bên cạnh, dọn chỗ cho buổi Thiền thất được tổ chức ngày mai trong chánh điện, dành cho bên Ni. Riêng bên Tăng thì chuyển về Thiền đường, thuộc tòa nhà của Tăng chúng.
Lão H.T Tuyên Hóa dạy như sau: 

Tâm lắng, nước hiện trăng. 
Ý định, trời không mây. 
Dừng tâm, dứt niệm, giàu sang thật! 
Đoạn tận tư dục, chân phước điền! 

Vọng tưởng thể chất là si, tướng là tham sân. Vì tự thấy còn thiếu thốn mới khởi tâm tham. Tham bị trái ý phát sân, đưa đến tạo nghiệp và phiền não không cùng. Một khi ta nắm được ý này rồi thì loạn tưởng, tạp niệm bớt hẳn và dừng lại. Khi ấy ta mới thật có công đức, phước báu giàu sang của tự tánh, của an vui. 

Ngài dạy tiếp: 

“Một niệm không sanh, Phật tánh hiển hiện. 
Sáu thức vừa động, tâm bị che mờ.” 

Diệu minh bản hữu thông thiên triệt địa, viên mãn khắp mười phương vẫn là thể chất của chúng ta, vẫn là nòng cốt sự sống của chúng ta. Nhưng khi mê, chúng ta đang theo nghiệp báo, nhận thân máu mủ tanh hôi làm thể sắc. Cả ngày tôi khổ tôi vui, nhận thọ ấm làm mình. Tôi yêu tôi ghét, nhận tưởng ấm làm mình. Tôi thiện tôi ác, nhận hành ấm làm mình. Tôi thấy tôi nghe, nhận thức ấm làm mình. Bị giam chặt trong ngục 5 ấm như thế, chỉ một lời nói một việc làm sơ hở, liền thành trâu, ngựa, vịt, gà v.v…

Ngày thứ 7: Đả Phật thất, cũng có nghĩa là “khắc kỳ thủ chứng”, lấy thời hạn 7 ngày niệm Phật để chứng nhập “Vô niệm tự niệm” hoặc “niệm Phật tam muội”. Đường lối tu hành này do chư tổ hành trì và chứng nhập pháp môn tu, đã đưa những hành giả tu về Tịnh độ lên một tầng cao mới của sự chứng nhập Pháp tu Tịnh độ. Suốt trong thời gian này, nếu người nào thành tâm, thành ý, chuyên cần dụng công thì lực tu tập, thể nhập, chứng đạt rất dễ trông thấy.

Tôi cũng có dịp trải nghiệm một vài thời khóa Phật thất với người phật tử Việt Nam, nhưng thật khó đưa chúng phật tử vào quy củ, có lẽ chư Tăng cũng chưa thể nhập vào pháp tu, chưa dụng công đúng mức và tuân giữ quy củ nên cũng rất khó hướng người phật tử đi vào quy củ. Khó nhất đối với các phật tử Việt Nam là việc Tịnh khẩu, bởi vì người Việt Nam có tính hay “nói nhiều” thì phải; gặp mặt là nói, đối với người lạ thì làm quen để nói, mà đối với người quen thì lại càng nói nhiều hơn; chuyện gì cũng nói, đủ thứ chuyện thị phi trên trời, dưới đất cũng đem bàn tán ra nói. Dường như người ta không nói không chịu được hay sao ấy! hay là họ không ý thức được rằng, mình đang trong thời gian tu tập miên mật, Phật thất, tịnh khẩu. Bởi vậy tôi nghĩ rằng, nếu những khóa tu như vầy tổ chức cho người Phật tử Việt Nam tu tập, có lẽ phải lập ra 1 ban vài người, chuyên đi nhắc nhở phật tử giữ sự im lặng, nhất tâm niệm Phật, thì mới đúng cách cho người phật tử Việt Nam.

Một khi tu tập, tham dự các khóa tu Phật thất miên mật, tịnh khẩu mà không ý thức được việc này, để cho tâm buông lung, tán loạn, chẳng khởi được tâm thành ý, chuyên nhất, tha thiết hướng về việc hành trì trong đi, đứng, ngồi, nằm thì có tham dự 10 khóa tu, 100 khóa tu như vậy thì cũng như là gãi ngứa phiền não, vọng tưởng chẳng tan, không có lợi lạc gì nhiều. Cho nên tu tập, dù là thiền hay Tịnh độ thì điều quan yếu hơn hết, vẫn là đưa tâm thức lao xao này về định, một niệm không khởi, ngoài câu: “Nam Mô A Di Đà Phật.” Được vậy thì dù là một khóa tu Phật thất, ta vẫn nắm lấy được yếu chỉ của đức Phật A di Đà.

H.T Tuyên Hóa khai thị.

Chúng ta làm gì trong Thiền-đường? Chính là rèn luyện "thân kim-cang bất hoại." Một khi đã là "thân kim-cang bất hoại," thân ta ắt hẳn chẳng còn biết khổ sở, chẳng còn biết đau đớn. Do đó nếu chúng ta cứ sợ khổ, sợ đau thì không làm sao thành tựu được "thân kim-cang bất hoại." Thân bất hoại này là do rèn luyện mà thành. Và công việc chúng ta đang làm đây chính là rèn luyện "thân kim-cang bất hoại"-rèn luyện thân này cho được kiên cố, vĩnh viễn không hư hoại.
 
Nghe vậy, có vị nghĩ rằng: "Tôi tu hành không phải vì cái 'túi da thối' này. Rèn luyện nó thành bất hoại để làm gì chứ?" Không sai! Lý luận của quý vị đúng lắm; song, "thân kim-cang bất hoại" mà tôi nói đây không phải là "túi da thối" này. Vậy thì là gì? Là "thân kim cang bất hoại" của tự-tánh, cũng là Pháp-thân và huệ-mạng, mà cũng chính là "thân kim cang bất hoại" của tự-tánh nguyên thủy thanh tịnh. 

Quý vị nên nhớ: Tu Ðạo không phải là chuyện dễ. Hễ quý vị muốn tu Ðạo thì có ma tới phá. Ma này không phải chỉ từ một nơi, mà từ bốn phương tám hướng kéo tới. Có thứ là ma bịnh, có thứ là ma phiền não; lại có thiên ma, nhân ma, quỷ ma và cả yêu ma nữa. Chúng ma kéo tới từ chỗ quý vị chẳng ngờ chẳng biết, làm cho Ðạo-tâm của quý vị lung lay, khiến quý vị thối lui trên đường tu tập. Chúng dùng đủ cách để dụ dỗ, uy hiếp, đe dọa, khiến quý vị phải thối chuyển, mất Ðịnh-lực, rồi bỏ tu luôn. 

Quý vị ngồi Thiền tới một trình độ kha khá thì sẽ có ma tới thử thách xem Ðạo-lực của quý vị ra sao. Có khi chúng hóa hiện làm kẻ nam hay người nữ với dáng mạo đẹp đẽ để dụ dỗ, - nếu không động tâm thì quý vị vượt qua được thử thách, nếu động tâm thì quý vị sẽ đọa lạc. Ðây là điều vô cùng quan trọng, quý vị hãy nhớ cho kỹ! Hễ sẩy chân lỡ bước là ôm hận ngàn đời! 

Khi cảnh giới hiện ra để thử thách kẻ tu hành, thì chúng ta cần phải xét xem cảnh giới ấy là giả hay thật. Dùng phương cách gì? Rất đơn giản: niệm "A Di Ðà Phật," chuyên nhất không loạn, chẳng khởi vọng tưởng. Nếu cảnh giới ấy là giả thì nó sẽ từ từ biến mất. Nếu là cảnh giới thật thì càng niệm, cảnh ấy càng hiện ra rõ ràng. Ai ngồi Thiền không hiểu phương pháp này sẽ bị "Tẩu hỏa nhập ma" và Ðạo-nghiệp sẽ tiêu tan. Lại có kẻ tự cho rằng mình đã nhập ma-cảnh, do đó sẽ bỏ lỡ cơ hội khai ngộ. 

Lúc còn trẻ tôi có nghe nói rằng: "Tu Ðạo thì có ma." Tôi không tin, lại còn kiêu ngạo nói: "Ma gì tôi cũng không sợ! Tôi chẳng sợ bất kỳ thứ yêu ma quỷ quái nào!" Tôi cho rằng nói như thế cũng không sao, chẳng có gì đáng e ngại. Nào ngờ chẳng bao lâu quả có ma lại phá tôi. Ma gì? Ma bịnh! Lần ấy tôi bịnh nặng, hôn mê suốt bảy, tám ngày, chẳng hay biết gì cả. Bấy giờ mới biết là công phu tu hành chưa đủ nên không vượt qua được thử thách. 

Yêu ma quỷ quái, thiên ma ngoại đạo, tôi đều không sợ; chỉ sợ ma bịnh -không hàng phục được nó, mà cũng không chịu đựng nổi nó. Do đó, người tu Ðạo chớ có khoe khoang, tự đắc, nói rằng mình chẳng sợ gì cả. Nếu quý vị tự mãn tự đắc thì rắc rối sẽ kéo tới ngay! Người tu Ðạo cần phải thế nào? Cần phải khiêm nhường, cẩn thận giống như đang đi trên bờ vực sâu, hay bước trên mặt băng mỏng vậy. Lúc nào cũng phải hết sức thận trọng, đề cao cảnh giác, thì mới tu Ðạo được. Nói tóm lại, hãy "nói ít, ngồi thiền nhiều"; đó là căn bản của việc tu hành. 

Người tu hành thành tựu được Ðạo-nghiệp là nhờ ai trợ giúp? Chính là ma đấy! Cũng như muốn cho lưỡi dao được bén thì phải mài, người tu hành phát huy được ánh sáng trí huệ cũng là nhờ ma lại giúp. Do đó, quý vị hãy xem ma như là hộ pháp vậy. Cho nên có câu: 

Kiến sự tỉnh sự xuất thế gian 
Kiến sự mê sự đọa trầm luân. 
(Thấy việc, hiểu rõ: xuất thế gian, 
Thấy việc, si mê: chịu đọa lạc.) 

Nếu quý vị có khả năng giác ngộ, gặp cảnh liền hiểu thấu suốt, thì quý vị sẽ siêu xuất thế giới. Nếu quý vị không thể giác ngộ, gặp chuyện gì thì mê mờ chuyện ấy, ắt sẽ đọa địa ngục. Cho nên, người tu Ðạo không sợ gặp ma, chỉ sợ chẳng có Ðịnh-lực. Ma tới là giúp quý vị, thử thách quý vị, xem quý vị có công phu, có Ðịnh-lực hay không. Nếu quý vị có công phu, có Ðịnh-lực, thì bất luận là thứ ma gì đi nữa, chúng cũng không làm quý vị dao động tinh thần được. 

Người tu hành lúc nào cũng phải treo mấy chữ "vấn đề sống chết" ngang mày, lúc nào cũng nghĩ cách để liễu sinh thoát tử. Quý vị nên biết rằng không có việc gì trọng yếu hơn "sinh tử sự đại”. Nếu chuyện sinh tử chưa giải quyết, quý vị sẽ không biết vì sao mình sinh ra và chết rồi thì đi về đâu. Do đó, chưa chân chính thông suốt "vấn đề sống chết" thì cần phải nỗ lực dụng công; bằng không thì sẽ vĩnh viễn bị vòng sinh tử luân hồi ràng buộc, không sao giải thoát được. 

Trên đường Ðạo, quý vị hãy nghĩ tới "vấn đề sống chết" này, xem chúng ma như là kẻ hộ pháp giúp mình tu hành. Ai chửi quý vị, đánh quý vị, chính là giúp đỡ quý vị tu hành. Ai nói thị phi về quý vị, gây khó khăn cho quý vị, cũng chính là để giúp quý vị tu hành. Nói tóm lại, khi nghịch cảnh kéo tới, quý vị cứ thuận theo nó mà nhẫn chịu. Hãy coi chúng như là những bạn bè tới để trợ giúp cho quý vị thì phiền não sẽ hết. Hễ hết phiền não thì trí huệ phát sinh. Có trí huệ chân chính thì tất cả ma quái không còn cách gì làm cho tâm quý vị dao động nữa. 

Vì sao chúng ta bị cảnh giới của yêu ma làm cho dao động? Bởi vì trí huệ của chúng ta chưa viên mãn. Vì trí huệ không viên mãn nên gặp việc gì cũng sinh mê muội, không nhận thức được rõ ràng -ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng đều nẩy sinh, và phiền não cũng theo đó mà trỗi dậy. Nếu quả có trí huệ, thì không có những vấn đề ấy đâu!  

Còn nữa...
Tỳ kheo Thích Hạnh Nguyện

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

“Người đời tranh nhau những chuyện không đâu”

Phật giáo thường thức 16:50 21/11/2024

Đời này chúng ta chết rồi sẽ sanh tới cõi nào? Tôi có thể sanh về đâu? Đời sau chúng ta có nắm chắc sanh tới cõi nào hay chăng? Còn tiếp tục luân hồi hay chấm dứt luân hồi?

Làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?

Phật giáo thường thức 16:10 21/11/2024

Người sống có phúc có đức chắc chắn sẽ an vui hạnh phúc bền lâu, nhưng quan trọng là làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?

Từ, bi, hỷ, xả - bốn tâm vi diệu

Phật giáo thường thức 13:12 21/11/2024

Bốn tâm vô lượng này tuy riêng biệt nhưng làm nền tảng cho nhau, tương tức với nhau.

Nhớ ơn Thầy Tổ

Phật giáo thường thức 08:35 21/11/2024

Chúng ta muốn tỏ lòng biết ơn người đi trước, thì không gì thiết thực hơn là phải thực hành theo ba điểm sau đây...

Xem thêm