Thứ năm, 13/02/2025, 21:44 PM

Cội tùng Phật giáo Việt Nam: Trăn trở của Đức Đệ tam Pháp chủ (Kỳ 4)

Lời Ban biên tập

Loạt bài này do Cư sĩ, nhà báo Lưu Đình Long tổ chức thực hiện, với sự đóng góp bài vở của các cây bút, nhà báo nhiều năm gắn với Phật giáo, viết về Phật giáo...

Cư sĩ Lưu Đình Long nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông - báo chí Phật giáo, một tác giả của nhiều chuyên mục "ăn khách" trên VnExpress, Dân Trí, Tuổi Trẻ như Góc nhìn, Tâm điểm, Thời sự & suy nghĩ... Trong công tác tòa soạn, nhà báo Lưu Đình Long nguyên Phó Thư ký Tòa soạn báo Giác Ngộ, phụ trách Giác Ngộ online.

Kỳ 4: Trăn trở của Đức Đệ tam Pháp chủ

Tiếp tục cuộc trò chuyện thú vị giữa Thượng toạ Thích Tiến Đạt - Phó Viện trưởng Phân viện nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội và nhà báo Chu Minh Khôi. Trong đó, đặc biệt, Ngài có nhiều trăn trở với Phật giáo Việt Nam. Xin được trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Cội tùng Phật giáo Việt Nam: Trăn trở của Đức Đệ tam Pháp chủ (Kỳ 4) 1
Đức Đệ Tam pháp chủ - Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, cùng Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Bích - Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh (hàng đầu); đứng phía sau từ trái qua là Thượng tọa Thích Tiến Đạt, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Thượng tọa Thích Thanh Chính.

Được biết, Hoà thượng Phổ Tuệ dịch nhiều kinh sách, để lại nhiều trước tác. Xin Thượng toạ cho biết Hoà thượng viết sách, dịch kinh vào thời gian nào và những tác phẩm tiêu biểu của Ngài?

- Xưa kia, Hoà thượng Phổ Tuệ ẩn tu, nên hầu như không ai biết được sở học của Ngài. Bộ sách đầu tiên mà Ngài viết là Bộ “Bát-nhã dư âm”. Bà Thanh Linh, biên tập ở Tạp chí Nghiên cứu Phật học sau khi đọc bản thảo này, bảo để biên tập giúp cho Ngài rồi in dần trên Tạp chí Phật học.

Còn nhớ, khi chư tôn đức Trung ương Giáo hội Việt Nam xuống tổ đình Viên Minh mời Ngài lên làm việc Giáo hội, Ngài nhiều lần từ chối. Sau đó, Giáo hội mở trường đào tạo Tăng Ni ở chùa Quán Sứ (tiền thân của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội sau này), mời Hoà thượng ra tham gia giảng dạy. Ngài bảo: Việc hành chính không tham gia từ xưa đến nay, nhưng việc nghiên cứu Phật pháp và giảng dạy thì xin được chấp tác. Bấy giờ Ngài mới lên giảng dạy ở chùa Quán Sứ.

Sau đó, Hoà thượng Kim Cương Tử mời Ngài tham gia Hội đồng biên dịch Kinh Phật và tham gia Phân viện Nghiên cứu Phật học, thì Ngài bắt đầu phiên dịch kinh Phật. Tuy nhiên, hoạt động phiên dịch Kinh Phật của Hoà thượng chủ yếu vẫn ở chùa Giáng. Phần lớn thời gian dịch kinh, viết sách vào lúc nửa đêm về sáng. Ngài có thói quen chập tối ăn xong rồi đi nghỉ, đến 12 giờ dậy và thức đến sáng. Đó là khoảng thời gian yên tĩnh để viết sách và dịch kinh. Ngày đó, xung quanh đã bắt đầu có điện, nhưng cột điện của Nhà nước chỉ đến đầu làng, nhà nào muốn có điện thì phải mua dây để kéo điện về. Từ trong làng ra đến chùa hàng cây số, chùa Giáng không có tiền kéo dây điện về, nên Thầy trò vẫn dùng đèn dầu.

Các tác phẩm “Bát-nhã dư âm”, “Pháp hoa đề cương”, “Phật học là Tuệ học” là ba bộ trước tác tiêu biểu của Ngài, thể hiện sở học sở tu rất sâu sắc. Ngài làm Tổng biên tập của Tạp chí Nghiên cứu Phật học, tham gia Hội đồng biên dịch Đại tạng Kinh, Luật tạng. Nhưng tiếc rằng bản thảo về bộ Đại Luật trước kia các Ngài đã dịch hết, nhưng mới xuất bản được 15 cuốn đầu, còn 45 cuốn nữa, không biết bây giờ di cảo đó đang ở đâu.

Sinh thời, Đại lão Hòa thượng Phổ Tuệ nói rằng kinh sách xưa có 10 phần nay chỉ còn được 2 phần. Xin Thượng toạ cho biết Hoà thượng Phổ Tuệ nói câu đó trong hoàn cảnh nào?

- Từ năm 1993, Hoà thượng Phổ Tuệ làm Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Hà Tây kiêm Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học tỉnh Hà Tây, tôi được Thầy gọi ra làm Chánh Thư ký Phật giáo Hà Tây. Thời ấy, giáo trình không có, Hoà thượng có bộ sách nào thì mang ra dạy, rồi tập trung vào soạn các bộ kinh để làm tài liệu giảng dạy cho các Tăng Ni sinh. Nhiều bộ kinh, Hoà thượng muốn dạy nhưng không còn sách, nên Ngài than thở: Xưa kia, chốn tổ Đa Bảo Viên Minh là nơi khắc ván in kinh, nên rất nhiều kinh sách. Chiến tranh, loạn lạc, cải cách… khiến ngày xưa kinh sách có 10 phần, đến hiện giờ chỉ còn chưa đến hai phần. 

Hoà thượng kể rằng những năm 1946-1947, Pháp tái chiếm nước ta, bắn pháo và ném bom làm sập chùa Giáng, ván in kinh bị vùi xuống đất. Sau ngày hòa bình lập lại, Hoà thượng về đào bới lên, miếng cháy miếng còn. Hoà thượng còn kể về năm vỡ đê, nước tràn qua đê gây lụt ngập chùa, không chạy kịp, sách ướt hết, ván in kinh thì bị mối xông. Rồi sau đó đến những năm người ta bài bác phong kiến, cho rằng kinh sách chữ Nho là sản phẩm của chế độ cũ, bắt phải tiêu huỷ.

Sau năm 1979, do chiến tranh với Trung Quốc, chính quyền địa phương cũng bảo đây là chữ Tàu, không cho dùng. Tôi nhớ những năm tôi theo Hoà thượng mở trường hạ, đem sách ra dạy học, có người sang bên mặt trận xã, báo: Chùa Giáng “phản động” theo Trung Quốc, toàn dùng sách chữ Tàu. Thế là chính quyền sang thu hết kinh sách. Hoà thượng Phổ Tuệ quý kinh hơn quý mạng sống của mình. Còn một số ít ván kinh và sách chữ Nho trong chùa, Hoà thượng bảo tôi nếu để ở đây, nguy cơ sẽ bị xã biết và thu rồi tiêu huỷ. Ban đêm, Thầy và tôi đem số kinh sách còn lại cho vào bao, lén đem ra khỏi làng để đi gửi ở chùa nơi khác. Hai Thầy trò đi tắt qua cánh đồng, gặp trộm cướp chặn đường, chúng tưởng trong bao có tiền bạc, bèn dỡ tung ra. Khi thấy không có tiền, chỉ có những tấm ván in đen nhẻm cũ nát và mấy quyển sách chữ Nho, thì chúng chửi mắng: “Những thứ này mang đi để làm cái gì!”.

Cội tùng Phật giáo Việt Nam: Trăn trở của Đức Đệ tam Pháp chủ (Kỳ 4) 2
Đức Đệ tam Pháp chủ và các học trò. Tỳ-kheo Thanh Tuyên và Tỳ-kheo Giác Đạt (đứng, phía sau) và Cư sĩ Từ Vân - Phạm Nhật Vũ (ngồi).

Xin Thượng toạ chia sẻ về việc tu thiền của Hoà thượng Phổ Tuệ?

- Sinh thời, Ngài vẫn thiền tịnh song tu, thường tĩnh toạ ở trong gian buồng của Ngài. Mỗi khi có khách đến, phải lúc Ngài đang toạ thiền, tôi không báo cho Ngài biết, vì để cho Ngài yên tĩnh toạ thiền. Lúc nào nghe thấy Ngài hắng giọng, mới biết Ngài đã xả thiền, thì lúc đó chúng tôi mới vào phòng bạch báo.

Những năm cuối đời, sức khoẻ đã yếu, Ngài không viết lách như trước nữa. Thời gian từ nửa đêm về sáng, Ngài thường ngồi thiền. Đối với Ngài, thiền không chỉ là ngồi tĩnh tọa mà trong mọi hoạt động, từ đi, đứng, nằm, ngồi, trong công phu, chấp tác hàng ngày…

“Điều Ngài lưu tâm đến chính là phát huy truyền thống Sơn môn Pháp phái, giáo dục tại tự viện. Ngày xưa chưa có Giáo hội, suốt hai nghìn năm nay, Phật giáo Việt Nam đều là Phật giáo Sơn môn. Quản lý Tăng Ni ở trong Sơn môn cũng giống như dòng họ ngoài thế gian, duy trì được giềng mối và có trật tự. Ngày nay, Giáo hội hành chính cũng có ưu điểm, nhưng nhiều khi đối với Sơn môn Pháp phái trở thành lỏng lẻo, quản lý Tăng Ni đầu vào yếu, nên dẫn đến tình trạng suy thoái. Không ít Tăng Ni đang chạy theo các pháp thế tục ở bên ngoài, danh vọng lợi dưỡng dẫn đến chuyện người ta cơ hiềm, làm cho suy thoái niềm tin, làm cho ảnh hưởng đến cái gốc của Phật pháp.

Thích Tiến Đạt
Cội tùng Phật giáo Việt Nam: Trăn trở của Đức Đệ tam Pháp chủ (Kỳ 4) 3
Thượng tọa Thích Tiến Đạt theo thị giả Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ trong một buổi lễ.

Sinh thời, Hoà thượng Phổ Tuệ trăn trở điều gì về Phật giáo Việt nam, thưa Thượng toạ?

- Về cuối đời, sức khoẻ có giảm sút, nhưng trí tuệ của Ngài vẫn rất minh mẫn, lúc nào cũng đau đáu nhớ đến lời Phật dạy. Khi Hoà thượng ốm bệnh, điều trị ở bệnh viện, có các sư ông chăm sóc. Tôi bận việc, không thường xuyên đến bên Thầy được. Lâu lâu không xuống, các vị gọi điện thoại nói: “Hoà thượng đang nhắc Thầy, Hoà thượng nhớ Thấy đấy!”, thế là tôi lại vào bệnh viện thăm Thầy. Trên giường bệnh viện, khi tôi hỏi đến sức khoẻ, bệnh tình, có đau đớn gì không, thì Hoà thượng lảng đi không nói, chỉ nói về Phật pháp.

Ngài sống qua nhiều thời đại, đã từng trải, nên mọi việc hay dở đã thấy. Ngài đau đáu nhất là tư cách của người tu hành. Ngài nói người xuất gia có hai hai vấn đề quan trọng nhất, đó là Pháp học và Pháp hành, học gắn với tu, tu gắn với học. Ngài nói nếu hai cái đó không sâu sát được, thì ông sư cũng chỉ là ông vải trong chùa thôi. Ngài nhận xét rằng cho đến bây giờ Phật giáo vẫn chưa thống nhất được về đường lối giáo dục Tăng Ni. Rất nhiều Tăng Ni tu có thời gian tu học dài, nhưng vẫn chưa biết hạ thủ công phu tu trì. Rốt cuộc tu để thành gì? Nhiều Tăng Ni khi giảng giải kinh điển, cứ chống trái nhau, ông nói Đông, bà nói Tây, người này phê phán người kia. Xảy ra tình trạng này, chính là vì Pháp học chưa chuẩn mực, chưa quản lý hệ thống giáo lý Phật pháp cho đến nơi đến chốn.

Hai là đầu vào giáo dục Tăng Ni, chưa có được như truyền thống xưa kia. Bây giờ giáo dục theo lối phổ thông trường học, chứ ngày xưa giáo dục theo sơn môn. Điều Ngài lưu tâm đến chính là phát huy truyền thống Sơn môn Pháp phái, giáo dục tại tự viện. Ngày xưa chưa có Giáo hội, suốt hai nghìn năm nay, Phật giáo Việt Nam đều là Phật giáo Sơn môn. Quản lý Tăng Ni ở trong Sơn môn cũng giống như dòng họ ngoài thế gian, duy trì được giềng mối và có trật tự.

Ngày nay, Giáo hội hành chính cũng có ưu điểm, nhưng nhiều khi đối với Sơn môn Pháp phái trở thành lỏng lẻo, quản lý Tăng Ni đầu vào yếu, nên dẫn đến tình trạng suy thoái. Không ít Tăng Ni đang chạy theo các pháp thế tục ở bên ngoài, danh vọng lợi dưỡng dẫn đến chuyện người ta cơ hiềm, làm cho suy thoái niềm tin, làm cho ảnh hưởng đến cái gốc của Phật pháp.

“Trong lịch sử tổ đình, cụ Tổ dành một đoạn ghi nhận công đức cư sĩ Từ Vân”

Trong chuyến công tác Phật sự - thực hiện loạt bài Cội tùng Phật giáo Việt Nam, nhóm tác giả còn được có duyên trò chuyện với Thượng tọa Thích Thanh Vịnh, một trong những đại đệ tử của Đức Đệ tam Pháp chủ (sẽ đăng trong kỳ 5). Sau đây là một nội dung mà thầy Thanh Vịnh chia sẻ liên quan đến in ấn các tác phẩm của Đức Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ:

BTV: Chúng con được biết, trong Phật sự biên dịch in ấn sách của Đức Pháp chủ còn có cái sự yểm trợ cúng dường của nhiều Phật tử, trong đó có cư sĩ Từ Vân - Phạm Nhật Vũ. Xin Thượng tọa nói thêm về những việc làm mang lại lạc này của hàng cư sĩ?

- Chú Từ Vân cũng là một Phật tử, đệ tử tại gia của cụ Tổ (Đại lão HT.Thích Phổ Tuệ - BTV). Chú cũng đã có công lao rất lớn và được cụ Tổ hết sức trân trọng và quý mến trước đức cúng dường, hộ trì Tam bảo của chú. Không những trong công tác in ấn, chú còn sẵn lòng đóng góp ở nhiều mặt khác để hỗ trợ, mang lại lợi ích cho đạo pháp. Ngoài ra, chú Từ Vân còn là người trợ duyên rất nhiều đối với tổ đình Viên Minh. Cụ Tổ trước nay vốn là người không bao giờ kêu gọi đóng góp cho việc tu bổ xây dựng chùa, nhưng lúc đó chú Từ Vân đã xin cụ Tổ được phát tâm cúng dường. Được Ngài chấp thuận, chú cứ thế âm thầm, miệt mài làm theo đúng ý nguyện của cụ Tổ.

Như vậy, đó là một trong những người đệ tử tại gia hộ trì Phật pháp với tâm lượng lớn nhất bấy giờ, nhất tâm cúng dường, nhất tâm trợ duyên. Nhờ đó mà tất cả những vấn đề về kinh phí hay các thứ, cụ Tổ hoàn toàn không phải suy tư, lo lắng gì về quá trình tu bổ của tổ đình Viên Minh. Về sau, khi cụ Tổ có lại một chút kinh phí từ sự cúng dường của thập phương, Ngài cũng sai dặn chúng tôi giao hết lại cho chú Từ Vân. Tuy khoảng kinh phí này chỉ là một phần vô cùng nhỏ nhoi so với những gì chú đã phát tâm cúng dường nơi tổ đình Viên Minh, nhưng cũng phần nào thể hiện được sự tin tưởng và tinh thần tri ân báo ân của cụ Tổ đối với chú, người đã dành toàn bộ tâm lực hộ trì Tam bảo.

Tấm lòng của chú Từ Vân còn vững vàng cho đến hôm nay, dẫu cụ Tổ đã theo hầu Phật. Trước đó, chú từng bạch với Đức Pháp chủ rằng, dẫu sau này đời trụ trì nào tiếp nối ngôi tổ đình, chú vẫn sẽ tiếp tục hộ trì chốn Tổ Viên Minh. Chính vì thế cho nên trong lịch sử của chùa, cụ Tổ có dành cả một đoạn ghi nhận công lao hộ trì Tam bảo của chú Từ Vân. Ngay bản thân chúng tôi, đặc biệt là tôi, người trực tiếp sinh hoạt tu tập nơi tổ đình và hầu cận cụ Tổ, cũng rất trân trọng, kính quý trước gương hạnh của chú Từ Vân. Chú như một vị Cấp-cô-độc thời Đức Phật vậy.

- Xung quanh ý kiến của Thượng toạ Thích Thanh Vịnh cho biết Cư sĩ Từ Vân - Phạm Nhật Vũ “có công lao rất lớn và được cụ Tổ hết sức trân trọng và quý mến trước đức cúng dường, hộ trì Tam bảo”, thông tin tới nhóm tác giả, ông Phạm Nhật Vũ cho biết: “Tôi cũng đã bên cạnh giúp Ngài ấn tống kinh sách, giúp một phần tài lực trong quá trình Tổ đình Viên Minh hoạt động và xiển dương giáo lý Đức Phật. Tuy nhiên,sự đóng góp của tôi cũng chỉ là rất bé nhỏ, không so được với tâm và tài của rất đông đảo bà con Đạo hữu đâu ạ...”.

Đình Long ghi

> Cội tùng Phật giáo Việt Nam: Bậc long tượng xuất thế (Kỳ 1)

> Cội tùng Phật giáo Việt Nam: Đèn thiền rạng rỡ Phật gia (Kỳ 2)

> Cội tùng Phật giáo Việt Nam: Đức Đệ tam Pháp chủ và giai thoại “Cỗ Tết nhà chùa” (Kỳ 3)

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cội tùng Phật giáo Việt Nam: Bồ-đề nở hoa tâm (Kỳ 6)

Cội tùng Phật giáo 17:11 26/03/2025

Ngược dòng thời gian về những năm tháng đầu thế kỷ XX, tại làng Phùng Thiện, xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, một vị chân tu đã khởi sự cuộc hành trình tìm đạo từ khi còn rất nhỏ. Đó chính là Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ - một bậc thượng sĩ xuất trần, người đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh và gìn giữ giáo pháp của đức Phật.

Xem thêm

Phật Giáo

Từ điển Phật giáo

Phật Giáo
Phật Giáo
Phật Giáo