50 lần hiến máu, làm theo Đức Phật dạy và kêu gọi cộng đồng làm việc thiện
“Hạnh phúc biết bao khi chúng ta biết giọt máu của mình đang hòa chung vào sinh mệnh, vào nhịp thở của ai đó đã từng được ta cứu sống...”.
Chị Huỳnh Thị Mỹ An - Công ty Điện lực Thanh Trì, Hà Nội chia sẻ với chúng tôi như vậy khi nói về những điều tốt đẹp của cuộc sống, về những điều căn dặn của Đức Phật và cả hành động bình thường mà cao quý của chị – Hiến máu cứu người.
Cơ duyên lần đầu đi hiến máu
Vào cuối năm 2009, bố đẻ của chị Mỹ An nằm viện và phải phẫu thuật. Nhưng sức khỏe của chị không đảm bảo, chỉ có em trai của chị đủ tiêu chuẩn hiến máu cho bố. Sau đợt đó, chị cảm thấy lo lắng cho người thân của mình, nếu một lần nữa chuyện này xảy ra thì mình phải làm như thế nào?. Ngay lập tức chị Mỹ An bắt đầu tập thể dục, chạy bộ để cải thiện cân nặng và sức khỏe, chị còn phát hiện mình có sở thích leo núi và đã chinh phục được 3 ngọn núi cao nhất Việt Nam (trong đó có đỉnh Fansipan).
Năm 2010, chị đã quyết định tham gia hiến máu lần đầu tiên tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương trong niềm phấn khởi xen lẫn bồi hồi. Đến nay trải qua 11 năm và tròn 50 lần hiến máu cứu người, việc hiến máu đã trở thành một thói quen và là việc làm "hết sức bình thường" đối với chị.
Hiến máu cứu người - Hành Bồ Tát đạo theo quan điểm Phật giáo
Luôn nghe theo lời răn của Đức Phật
Theo Thượng tọa Phật giáo Việt Nam Thích Nhật Từ: "Trong kinh Phật, Đức Phật và Chư Bồ tát đã trải qua hàng ngàn kiếp "bố thí nội tài" (một trong những hạnh Bố thí Ba la mật) để làm gương cho các Phật tử, trong đó có hiến tặng giọt máu của mình cho sinh linh để cứu mạng sống đang bị đe dọa. Nghĩa là người bố thí sẵn sàng chịu đau, chịu mất mát để cứu lấy cuộc đời của người khác".
Như vậy, "bố thí nội tài" thì những người giàu lòng từ bi, bác ái mới làm được. Còn nếu xem thân mạng mình là quý, là quan trọng hơn thân mạng kẻ khác thì chắc chắn không bao giờ thực hiện được hạnh bố thí này.
Với tâm niệm luôn hướng về Đức Phật, chị Mỹ An thường xuyên nghe các bài giảng về đạo Phật. "Càng nghe tôi lại càng thấm thía những lời răn của Phật. Trên đời này, mất đi rồi sẽ hóa vào hư vô. Nếu sự ra đi của người này lại là sự tái sinh của người khác thì tại sao mình không làm?". Chị cho rằng người nhà mình cần máu thì chắc chắn nhà khác cũng sẽ cần máu. Không do dự, chị quyết tâm đi hiến máu, sau này là hiến tiểu cầu để đóng góp sức mình cho người bệnh điều trị.
Chị tâm sự rằng: "Sự sẻ chia với những người khác là điều răn dạy của đức Phật, những điều mình cho đi cũng là cái phước của mình nhận được. Lòng mình cảm thấy thanh thản, vui vẻ và hạnh phúc hơn, đó là niềm vui ngay tức thời mình nhận lại". Quả thật vậy, hơn 10 năm thực hiện nghĩa cử cao đẹp này là từng ấy thời gian chị cởi mở đón nhận cuộc sống, đón nhận sự dẻo dai của đôi chân để chinh phục giấc mơ leo núi của mình. Đặc biệt, ông trời ban tặng cho chị đầy đủ sức khỏe để tiếp tục đi hiến máu, hiến tiểu cầu tới khi đủ tuổi về già.
Lan tỏa thói quen hiến máu cho cả gia đình, đồng nghiệp
Với tinh thần "Một giọt máu cho đi – Một cuộc đời ở lại", chị Mỹ An đã hô hào, vận động nhiều người thân, đồng nghiệp cùng đi hiến máu mỗi khi đủ ngày hoặc nhận điện thoại kêu gọi hiến máu từ Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Thậm chí một vài đồng nghiệp của chị sau đó còn tham gia hiến máu đều đặn nhiều hơn cả chị, điều này khiến chị thực sự xúc động vì hành động của mình.
Đằng sau niềm hạnh phúc đó, chị Mỹ An cũng gặp không ít khó khăn. Vào thời điểm cách đây 10 năm, trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, rất ít người nói đến việc hiến máu tình nguyện, việc nắm bắt được lịch trình hiến máu thực sự mất nhiều thời gian, đồng nghĩa với việc vận động người thân, đồng nghiệp xung quanh mình đi hiến gặp nhiều trở ngại.
"Nhiều người vẫn quan niệm rằng cơ thể của mình do bố mẹ ban cho, nếu lấy máu của mình cho người khác sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, không biết máu sẽ cho ai, có kinh doanh hay không…, những quan niệm cũ đã cản trở họ tham gia vào việc làm tình nguyện này" – chị Mỹ An bộc bạch.
Nhưng may sao, trong gia đình nhỏ của mình, tất cả mọi người đều hưởng ứng hành động của chị, đặc biệt là con trai chị An đang tham gia Đội tình nguyện viên vận động hiến máu tại Đại học Bách khoa, còn bản thân chồng chị cũng đã hiến máu trên dưới vài chục lần. Đặc biệt, cậu em trai ruột – người đã hiến máu cứu bố, cũng có hơn 70 lần thực hiện nghĩa cử cao đẹp này.
Đến nay, trong cơ quan của chị - Công ty Điện Lực Thanh Trì, Hà Nội đã có vài chục người tham gia hiến máu thường xuyên. Đây thực sự là chất xúc tác mạnh mẽ lan tỏa đến cả Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Mỗi khi tổ chức những điểm hiến máu ở gần chỗ làm, chị đều nhắn tin thông báo cho mọi người sắp xếp thời gian chuẩn bị.
Chị Mỹ An cho rằng: "Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài như thế này, điều duy nhất tôi có thể làm là đi hiến máu, hiến tiểu cầu đều đặn, ít nhiều sẽ giúp cho chính bệnh nhân đang cần máu có thể kịp thời điều trị và kéo dài sự sống".
GHPGVN kêu gọi tổ chức phong trào: “Hiến máu cứu người – Hành Bồ tát đạo”
Chuyển sang hiến tiểu cầu để giúp đỡ được nhiều người hơn
Tin vui dành cho chị khi vài năm gần đây, các bác sĩ thấy số lượng tiểu cầu của chị trong máu khá cao và khuyên chị nên đi hiến tiểu cầu. Chị có thể giúp đỡ được nhiều người hơn vì tiểu cầu lúc nào cũng trong tình trạng thiếu và thời gian mỗi lần hiến chỉ cách nhau 3 tuần, thay vì chờ đợi 3 tháng như hiến máu. Vì vậy, chị quyết định chuyển sang hiến tiểu cầu để mong rằng sẽ cứu giúp được nhiều người bệnh hơn.
Các bác sĩ cho biết, để có được tiểu cầu, các trung tâm truyền máu thường tách từ những đơn vị máu toàn phần trong hệ thống kín, vô trùng; gộp từ 3 – 4 người hiến sẽ được một đơn vị tiểu cầu thông thường. Tuy nhiên, loại chế phẩm tiểu cầu này không đáp ứng được nhu cầu điều trị. Chính vì thế, ở nước ta cũng như trên thế giới, người ta áp dụng những kỹ thuật hiện đại để thực hiện gạn tách tiểu cầu từ một người hiến (với thời gian hiến trung bình từ 60 – 120 phút).
Những năm qua, cùng với sự phát triển của phong trào hiến máu tình nguyện, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cũng như các một số Trung tâm Máu lớn đã triển khai thành công việc tiếp nhận tiểu cầu từ một người cho với sự chia sẻ, hỗ trợ của hàng vạn người hiến tiểu cầu – trong đó có những cá nhân tích cực không mệt mỏi như chị Mỹ An.
Với việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động hiến máu, qua App Hiến máu, chị Mỹ An có thể theo dõi được đơn vị máu của mình vừa hiến đã được vận chuyển đến đâu, truyền cho ai. Thậm chí có lần máu của chị còn được vận chuyển lên tận Hà Giang – nơi địa đầu Tổ Quốc. Chỉ nghĩ đến giọt máu của mình đang giữ nhịp đập trái tim cho hàng trăm bệnh nhân đã khiến chị cảm thấy thực sự mãn nguyện và an lành trong tâm…
Nhờ những giọt máu kịp thời của mình, chị Mỹ An đã nhiều lần giúp người bệnh trong tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" thoát khỏi bàn tay tử thần. Điều trân quý hơn là chị chưa bao giờ đòi hỏi "Tôi trao đi bao nhiêu, phải nhận lại bấy nhiêu" cho riêng mình. Chị Mỹ An sẽ vẫn tiếp tục hành trình hiến máu, hiến tiểu cầu và kêu gọi mọi người cùng tham gia cho đến khi nào chị không thể tiếp tục được nữa…
Trách nhiệm của cả cộng đồng vì người bệnh
Trong gần 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn tới các hoạt động hiến máu và an toàn truyền máu trên toàn cầu cũng như ở nước ta. Mặc dù vậy, vượt qua những thách thức của công tác tổ chức hiến máu trong mùa dịch, hàng triệu người trên toàn thế giới vẫn tiếp tục nỗ lực hiến máu, hiến thành phần máu cho người bệnh, trong đó có cả máu giúp điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Tại Việt Nam, năm 2020, cả nước đã vận động và tiếp nhận được hơn 1,4 triệu đơn vị máu, tương đương gần 1,5% dân số tham gia hiến máu; trong đó, 99% lượng máu tiếp nhận là từ người hiến máu tình nguyện (HMTN). Những tháng đầu năm 2021, thực hiện Chiến dịch vận động HMTN dịp Tết, Lễ hội Xuân hồng và Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện 7/4, toàn quốc đã vận động và tiếp nhận gần 425.000 đơn vị máu.
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới dịch vụ truyền máu toàn thế giới, kể cả những nước có nền kinh tế rất phát triển. Cho dù trong thiên tai, dịch bệnh thì máu cho điều trị vẫn rất cần và hoạt động hiến máu không thể dừng lại được. TS.BS. Bạch Quốc Khánh khẳng định: "Hơn một triệu lượt người hiến máu ở nước ta năm 2020 và hàng vạn người dân đã đến hiến máu trong thời điểm dịch bùng phát đã cho thấy tình cảm và trách nhiệm của cộng đồng để giúp ngành y tế nhiều lần vượt qua khủng hoảng thiếu máu. Và cũng thật đáng mừng, tất cả người hiến máu đều an toàn, không có trường hợp nào bị mắc COVID–19. Đảm bảo an toàn cho người hiến máu, cho nhân viên y tế và người bệnh nhận máu luôn là ưu tiên số một của các cơ sở truyền máu".
Người đàn ông có tấm lòng từ bi đã hơn 50 lần hiến máu cứu người
"Mỗi đơn vị máu có giá trị như phao cứu sinh của người bệnh. Máu an toàn chỉ có thể được hiến tặng từ những người khỏe mạnh, hiến máu thường xuyên. Tôi mong muốn mỗi người luôn khỏe mạnh để có thể giữ nhịp độ hiến máu thường xuyên, để dành cho người bệnh nguồn máu an toàn nhất" - TS.BS. Bạch Quốc Khánh nhấn mạnh.
Hiến máu thường xuyên, theo TS. Khánh, là mỗi người đủ điều kiện sức khỏe tham gia hiến máu đều đặn, trung bình mỗi năm 2 lần, sẵn sàng hỗ trợ hiến máu vào những thời điểm khan hiếm máu, theo nhu cầu của các cơ sở truyền máu, không chỉ trong những dịp kỷ niệm đặc biệt. Chỉ có như vậy thì hoạt động hiến máu tình nguyện mới phát triển bền vững, không xảy ra tình trạng thiếu máu theo mùa vụ, thiếu máu theo nhóm máu.
"Hiến máu tình nguyện đã là một điều cao quý, hiến máu tình nguyện mà lại hiến thường xuyên thì tuyệt vời nhất. Những người hiến máu thường xuyên luôn có ý thức giữ sức khỏe, đồng thời tự sàng lọc các yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của chính bản thân người hiến máu và cả người bệnh được nhận máu. Máu hiến từ những người hiến tặng thường xuyên là chất lượng nhất và an toàn nhất" - Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương bày tỏ.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Bệnh nhân đột quỵ chết não hiến tạng cứu 4 người
Gieo mầm thiện 23:05 28/10/2024Sau 9 ngày các bác sĩ nỗ lực điều trị, bệnh nhân 36 tuổi vẫn không qua khỏi do xuất huyết não nặng, gia đình hiến tạng anh cứu 4 người.
Cảm phục với bếp cơm chay miễn phí của vợ chồng U.90
Gieo mầm thiện 16:00 27/10/2024Gần 3 năm nay, trên đường Nguyễn Văn Đậu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) xuất hiện một quán cơm chay miễn phí đặc biệt, chủ quán cơm là vợ chồng người miền Tây đã ở cái tuổi xưa nay hiếm với đôi lưng đã còng.
5 học sinh dũng cảm lao xuống dòng nước chảy xiết cứu sống 2 em nhỏ
Gieo mầm thiện 12:00 25/10/2024Trước dòng nước chảy xiết, 5 học sinh dũng cảm tại một huyện miền núi Quảng Bình đã cứu sống được 2 em nhỏ đang bị nước cuốn.
Xuyên đêm lấy tạng từ người chết não để hồi sinh cho 4 cuộc đời
Gieo mầm thiện 15:50 24/10/2024Rạng sáng 24/10, Bệnh viện đa khoa Phú Thọ phẫu thuật lấy tạng từ người hiến sau khi chết não, ghép 2 thận cho 2 bệnh nhân suy thận. Tim và gan được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để ghép cho 2 người bệnh khác, đánh dấu thành công trong việc tận dụng tạng hiến để cứu sống nhiều bệnh nhân.
Xem thêm