Abhidhamma (vi diệu pháp) là gì?
Người ta thường nói môn Abhidhamma rất khó học, và lại không thực tế. Rất khó học vì nó phân tích rất chi li, vi tế những vận hành, diễn tiến của tâm. Không thực tế vì nó bàn đến những vấn đề ở ngoài sự hiểu biết bình thường của con người; ở ngoài chuyện áo cơm, tiền bạc, thế sự và thế tình...
Nhận xét ấy không phải là sai. Tuy nhiên, nếu chịu khó nghiên cứu, học hỏi, làm quen một số thuật ngữ để vượt qua những giới hạnban đầu thì chúng ta sẽ nhìn bộ môn này với đôi mắt khác thế.
Abhidhamma rất lợi ích cho người học Phật, tu Phật. Nhờ sự phân tích chi li ấy mà ta có thể thấy rõ những dấy khởi vi tế của tâm niệm; đồng thời thấy rõ những yếu tố tâm lý cùng sự phát sanh tương quan của chúng. Ở đây, ta sẽ có được cái nhìn nội quán, chiếu soi để thấy rõ mình một cách tận tường hơn. Còn vấn đề thực tế hay không thực tế thường tùy thuộc quan niệm, sự hành trì hoặc sự lập cước của kiến tri. Môn Abhidhamma, theo tôi, nó thực tế, thiết thực nhất trên đời này; vì tâm niệm, tư tưởng là cái đang là, đang vận hành, đang diễn tiến. Nó chính là sự sống, là dòng sống; và nó tạo nên thế gian, thế giới. Ngoài ra, đi sâu vào Abhidhamma, ta sẽ thấy ở đây trình bày, giảng nói về một sự thật khác xa với những sự thật ước lệ của thế gian. Nó là sự thật bất di dịch, không thay đổi dẫu trải qua sự biến thiên của thời gian, không gian, lịch sử, thời đại, và quốc độ. Nó là sự thật, nhưng mà là sự thật ở ngoài quan niệm thế tình, ở ngoài sự hiểu biết thường tục, vượt khỏi giới hạn của ý thức và trí năng quen thuộc của chúng ta.
Abhidhamma thường dịch là vô thượng pháp, thắng pháp, vi diệu pháp. “Abhi” nghĩa là cao thượng, cao cả, thù thắng, vi diệu. Do vậy, Abhidhamma nó cao hơn, lớn hơn, vi diệu hơn Kinh tạng và Luật tạng. Nói như vậy không có nghĩa Kinh, Luật tạng là thấp. Cao hơn, vi diệu hơn, hàm chỉ phương cách trình bày Pháp chứ không phải là nguyên nhân thù thắng đưa đến giác ngộ, giải thoát. Có một số người học Abhidhamma là nhằm để thu góp, tích lũy kiến thức, tăng trưởng bản ngã, rơi vào hý luận, huyền đàm, rơi vào chấp kiến và sở tri thì vẫn là những trình độ thấp thỏi, những đại họa, những căn bệnh trầm kha! Thời Phật tại thế, nhiều vị tỳ-khưu chỉ chấp trì Luật và nghe Kinh vẫn giác ngộ, giải thoát như thường. Thậm chí có nhiều vị chỉ nghe một câu kệ ngôn thôi đã đắc Thánh quả! Họ có cần gì môn học Abhidhamma đâu! Do vậy, Abhidhamma cao cả, thù thắng vì trình bày những pháp tế vi, sâu nhiệm, cần thiết và hữu ích cho những ai có đời sống tu học nghiêm túc, tinh cần thiền định và thiền tuệ, muốn trang bị cho mình những thấy biết chân xác, vi diệu, tinh tế về tâm và về pháp. Nó là thuốc bổ cho người trí nhưng lại là độc dược cho người ngu. Lợi cho Thiền sư chân tu và có hại cho một số Pháp sư huyên thuyên giảng nói mà không chịu thực nghiệm, tu tập.
Abhidhamma là môn tâm lý học của Phật giáo?
Abhidhamma thường được giới nghiên cứu, các nhà học giả xưa nay, đông cũng như tây xem như là môn tâm lý học của Phật giáo. Điều ấy có đúng chăng?
Môn tâm lý học tây phương là một bộ môn khoa học với nỗ lực khảo sát phần tinh thần của con người và giải mã nó bằng ức đoán, suy luận hoặc phương pháp kiểm chứng. Những hoạt độngcủa lý trí, tình cảm, ký ức, vô thức, tiềm thức... đều được các nhà tâm lý đem ra phân tích, tổng hợp, trắc đạc, mổ xẻ, đào xới... rất chi li, thấu đáo. Sự nghiêm túc, tinh minh và phương pháp rất khoa học của các nhà tâm lý đã một phần nào giải thích được miền tâm bí hiểm của con người. Tuy nhiên, một phần không phải là tất cả. Đôi khi do suy luận, ức đoán hoặc kiểm chứng vội vã, nông cạn mà đưa ra những kết luận tưởng như là thực thấy, thực biết! Lại nữa, các nhà tâm lýđã coi tâm như một đối tượng khách quan để khảo sát. Họ tin vào tư duy ngã tính, dựa vào khả năng của người quan sát, tin vào giác quan trao cho thông số nên thường thiếu chính xác. Các ý niệm về chủ thể, khách thể như môn tâm lý học rất xa lạ với Abhidhamma - vốn dựa vào sự thậtduyên khởi vô ngã tính.
Thế giới tâm của Abhidhamma, do vậy rất lung linh, ảo diệu, nhưng rất hiện thực (vijjamāna) nó không thể bị quy định, giới hạn trong những ý niệm và phạm trù bất xác. Nói rõ hơn, muốn thấy rõ thế giới tâm của Phật giáo, không thể dùng lý trí khoa học thực nghiệm, các loại trí (ñāṇa) thế gian mà phải có thắng trí (abhiñāṇa), hoặc rốt ráo hơn, phải có trí tuệ (paññā) trực giác chiếu soi. Vả chăng, không bao giờ tâm lý học tây phương biết rõ toàn bộ về tâm Dục giới. Còn tâm Sắc giới, Vô sắc giới, Siêu thế giới lại càng bất khả.
Như vậy, việc so sánh, xem Abhidhamma như môn tâm lý học Tây phương, xem ra có vẻ khiên cưỡng, áp đặt, chỉ tương hợp nơi danh từ hoặc vài trạng thái tâm lý hời hợt, thô tháo ở bên ngoài. Muốn thấy rõ thế giới tâm của Abhidhamma phải tu tập thiền định và thiền quán (samādhi và vipassanā), ấy là điều kiện cần và đủ vậy. Các bộ môn khoa học nỗ lực khảo sát về tâm đều bất khả.
Là môn siêu hình học của Phật giáo?
Môn siêu hình học Tây phương bàn về những lãnh vực siêu hình. Họ bàn về thượng đế, sự tạo thiên lập địa hoặc tìm hiểu các nguyên nhân sinh ra con người và vạn hữu. Họ cố đi tìm một thực thể đầu tiên, ví dụ là nước hay lửa... hoặc một nguyên lý siêu nhiên nào chi phối và điều hành vũ trụ! Như vậy, siêu hình học Tây phương nói về những lãnh vực mơ hồ, vô hình bằng khả năng của lý trí suy luận chứ không có thực kiện minh chứng. Ngay các môn về hình nhi thượng của đạo học Đông phương cũng hoàn toàn do con người đẻ ra, suy luận nên, và chúng đều là thế giới trừu tượng bất khả giác.
Abhidhamma không phải thế. Abhidhamma không bàn những vấn đề như siêu hình học Tây phương hoặc như hình nhi thượng của Đông phương.
Nếu hiểu siêu hình là bàn những vấn đề ở ngoài sự hiểu biết của con người; ngoài, trên kiến thức và trí năng thường nghiệm của con người thì tạm thời chấp nhận môn Abhidhamma là như thế. Tuy nhiên, khi Abhidhamma nói về những vấn đề vượt thế giới lý niệm của con người, không phải nói chỉ để mà nói, nói để chứng tỏ sự cao siêu, huyền bí... mà nói là để mà tu tập. Thế giới vượt thoát, ở ngoài lý niệm của Abhidhamma, con người có thể chứng nghiệm, thấy rõ ngay tại đây và bây giờ; tức vẫn là thế giới của khả chứng, khả giác và khả nghiệm. Sắc giới tâm, vô sắc giới tâm, siêu thế giới tâm là những tâm ở thế giới cao và xa – ngoài sự hiểu biếtcủa con người – nhưng ai cũng có thể tu tập, thiền định và thiền quán để thực nghiệm nó ra sao. Chính do mặc cảm tự ti, sợ rằng Phật giáo không có bộ môn siêu hình học cao siêu như Tây phương mà các nhà học Phật đã làm một sự so sánh rất ngây thơ, đáng phàn nàn vậy.
Là môn đạo đức và luân lý của Phật giáo?
Ai cũng hiểu rằng, đạo đức và luân lý thế gian thường tùy thuộc tín ngưỡng, truyền thống văn hóa, tập quán, phong tục trải qua từng thời đại. Lại nữa, đạo đức, luân lý quốc độ này khác quốc độ kia, thời này không giống với thời nọ. Bộ môn đạo đức học và luân lý học cũng cố gắng tìm ramột tiêu chuẩn phổ quát, một thước đo chung cho con người. Cũng có một số giá trị tinh thầnđược tìm thấy, được đem vào nhà trường để giảng dạy, mang đến một số lợi ích nhất định cho thế hệ nào đó trong tương giao cộng đồng xã hội và con người. Tuy nhiên, bao giờ, các môn học này cũng không thể hoàn bị nhân cách con người, hoàn thiện trọn vẹn các giá trị nhân văn và mỹ học vì nó tùy thuộc tôn giáo, tín ngưỡng hoặc các thể chế chính trị. Bao giờ nó cũng cục bộ và phiến diện.
Đạo Phật trong Abhidhamma không nói đến đạo đức và luân lý. Nghĩa là không nói anh phải sống như thế này mới trở thành người tốt, sống như kia là xấu; không nói anh phải có bổn phận với dòng họ, gia đình, làng xóm; phải cần có nghĩa vụ này, nghĩa vụ nọ. Abhidhamma có nói đến thiện, ác nhưng không nói hành động như thế này là thiện, như thế kia là ác. Thiện, ác trong Abhidhamma không tùy thuộc xã hội mà tùy thuộc nơi con người. Tùy thuộc nơi con người nhưng không lấy con người làm tiêu chuẩn, làm thước đo, làm giá trị phổ quát. Vả chăng, con người vẫn hàm tàng một hầm thói hư, tật xấu và cũng có cả kho báu đức hạnh. Vậy, rõ ràng, tiêu chuẩn và giá trị ấy ở nơi tâm. Tâm nào khiến con người nhiễm nặng tham sân si, rời xa mục đíchgiác ngộ giải thoát; tâm ấy được gọi là bất thiện. Tâm nào khiến con người giảm nhẹ tham sân si, tiến gần đến mục đích giác ngộ, giải thoát; tâm ấy được gọi là thiện. Như vậy, rõ ràng, Abhidhamma khác xa đạo đức và luân lý thế gian.
Là luận tạng của Phật giáo?
Cần phải minh định rằng, những vấn đề được Đức Phật đề cập trong Abhidhamma là do sự thấy biết như thực của ngài, do sự sáng suốt giác ngộ của ngài. Chúng không phải được nói ra do lý luận, luận bàn, suy luận, luận giải, luận kiến, luận thức, luận tri...
Những kiến giải của chư tổ đại thừa thường y cứ từ kinh văn nguyên thủy, có tính cách triển khaitư tưởng, giảng rộng thêm những điểm quá cô đọng, hoặc quá giản đơn, quả thật là công đứclớn của quý ngài. Lại nữa, cũng nhờ những kiến giải sâu rộng của chư tổ, có khế lý, khế cơ mà Đạo Phật phát triển qua nhiều thời đại, nhiều quốc độ có văn hóa và tín ngưỡng đa dạng, bất đồng. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, do quyền biến phương tiện cho phù hợp với lý cơ, chư tổ khó tránh khỏi những kiến giải do sự thấy biết riêng tư hoặc do suy luận. Vì lý do đó, các luận của các tông phái phát triển đi sau không còn được gọi là như thị thuyết, như thực thuyết; mà được gọi là luận thì hoàn toàn chính xác. Ví dụ: “Duy thức luận” của Vô Trước - Thế Thân, “Đại thừa khởi tín luận” của Mã Minh, “Trung quán luận” của Long Thọ...
Abhidhamma không phải là những luận ấy, chỉ nên gọi là tạng Abhidhamma, vì nó là như thịthuyết, như thực thuyết.
Abhidhamma có phải do Phật thuyết không?
Có nhiều học giả, nhà nghiên cứu nghi ngờ là Abhidhamma không phải do Phật thuyết mà do các vị sư uyên bác về sau soạn thảo. Nhưng theo truyền thống Theravāda, Abhidhamma là do Đức Phật thuyết giảng tại cung trời Đao Lợi vào hạ thứ 7 để đáp đền ân cù lao huyết nhũ đến mẹ là bà Mahāmāyā; sau đó, Đức Phật thuyết tóm tắt tinh yếu cho Tôn giả Sāriputta (Xá-Lợi-Phất) nghe rồi Tôn giả giảng nói rộng rãi đến Tăng chúng.
Cũng có thuyết trung dung, cho rằng, những cơ bản của Abhidhamma có từ thời Phật, do Phật thuyết; nhưng hình thành nền văn học Abhidhamma là do chư Tăng bác học lập bút, sớm nhất là từ kỳ kết tập Tam Tạng lần thứ ba, vào khoảng 218 năm sau Phật Nhập Diệt. Cụ thể là bộ Kāthāvatthu (Dị bộ luận) những điểm tranh luận giữa các bộ phái do ngài Moggallānaputta biên soạn.
Dù do tương truyền hoặc do sử liệu của các bộ phái có sự dị biệt, giá trị của Abhidhamma không vì vậy mà giảm sút; trái lại, càng tôn tầm mức quan trọng của Abhidhamma trong đời sống học Phật và tu Phật của nhiều thời đại. Các tông phái đều phải lấy Abhidhamma làm cơ sở để viết các bộ luận đi sau; ví dụ: Thành duy thức và A-tỳ-đàm-câu-xá (Abhidhammakosa)...
Cuối cùng, điểm đáng nói là văn học Abhidhamma rất chuyên biệt và đặc thù. Những thuật ngữĐức Phật dùng ở đây rất khác so với Kinh tạng và Luật tạng. Trong Kinh, Luật tạng, Đức Phậtthường dùng những danh từ tục đế, thường ngữ như người, loài vật, hữu tình, tự ngã, đàn ông, đàn bà... Nhưng trong Abhidhamma, mọi pháp được chia chẻ tỉ mỉ, tinh tế hơn; và những danh từ thuộc pháp ngữ, chân đế như uẩn, xứ, giới... lại được sử dụng.
Tóm lại, để kết luận, Abhidhamma là môn học về Tâm, cũng khảo sát những diễn tiến, vận hànhcủa tâm lý mà không phải là tâm lý học. Nói về những vấn đề cao siêu vượt thế giới hữu hình, lý trí thường nghiệm của con người mà không phải siêu hình học. Nói về những trạng thái tâm thiện, tâm bất thiện, là tốt, là xấu mà không phải môn đạo đức, luân lý học. Giảng nói những vấn đề tương tự các luận của chư tổ mà không phải là luận...
Nói về Tâm nhưng không luận giảng một cách mơ hồ, trừu tượng. Vì do trí tuệ thấy như thực, biết như thực nên đức Phật đã nói về những sát-na tâm rất cụ thể và cặn kẽ. Chính những sát-na tâm ấy sinh diệt quá nhanh để cho chúng ta mang ảo giác về ngã, linh hồn, tự ngã. Sát-na tâm này máy móc, khách quan; sát-na tâm kia do Tư (cetanā) điều động nên tạo nghiệp... Học Abhidhamma, chúng ta sẽ thấy rõ chúng ta không có tâm mà chỉ có sát-na tâm. Nhưng sát-na tâm ấy cũng không thực tính, không có ngã tính vì nó vừa sinh lại vừa diệt trong thời gian 1/17 triệu giây! Rồi, 1/17 triệu giây ấy kết nối miên tục mà tạo nên các yếu tố tâm lý. Nếu các yếu tốtâm lý này được kết hợp bởi các tâm sở tốt lành thì ta sẽ trở nên con người tốt lành; được kết hợp bởi các tâm sở xấu ác thì ta sẽ trở nên con người xấu ác... Các tầng trời Sắc giới, Vô sắc giới, các tầng Thánh quả đều y như thế. Nó chính xác và hợp lý như sự phân tích của khoa học.
Người tu thiền định và thiền quán mà không học Abhidhamma, quả thật, như đi đêm mà không có đèn, ngoại trừ có thiền sư đích thực chỉ lối soi đường.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Ảo tưởng sâu sắc nhất là tưởng mình là "cái gì đó"
Kiến thức 17:20 28/11/2024Hầu hết đời sống là dựa trên sự tưởng tượng, chứ không dựa trên cái thực. Lẽ ra đói ăn, khát uống là đúng, nhưng lại biến những nhu cầu tự nhiên ấy thành tưởng tượng hết.
Thế nào là Thượng phẩm?
Kiến thức 14:50 28/11/2024Ngài Ngẫu Ích Đại Sư nói rất hay: “Chỉ cần được vãng sanh vào hạ hạ phẩm, tôi cũng thấy thoả mãn lắm rồi, Tuyệt đối không lưu tâm đến phẩm vị cao thấp”. Bạn thử nghĩ xem tâm của Ngài khiêm tốn biết là bao! Thanh tịnh biết là bao!
Trị bệnh cho mình
Kiến thức 12:25 28/11/2024Người có tu dưỡng thì bệnh thân nhưng không bệnh tâm. Người không biết tu dưỡng thì khi thân bệnh kéo theo tâm cũng bệnh và bệnh nghiệp cũng từ đó mà hình thành và tăng trưởng.
Con đường giác ngộ theo kinh điển Nikaya
Kiến thức 09:21 28/11/2024Chỉ có một con đường duy nhất đưa đến giác ngộ giải thoát đó là hành thiền.
Xem thêm