Thứ năm, 25/05/2023, 10:49 AM

Pháp thí là gì, lợi lạc như thế nào, Phật tử biết không?

Pháp thí là gì, thù thắng như thế nào mà Đức Phật nói (trong Kinh Pháp cú): “Pháp thí thắng mọi thí”?. Phật tử đại chúng nên tri kiến về vấn đề này.

Pháp thí là gì?

Chúng ta bàn đến việc chia sẻ niềm tin, mà thật ra cũng là một trong các hình thức pháp thí, tất nhiên là với điều kiện sự chia sẻ niềm tin đó xuất phát từ lòng vị tha và thực sự có mang lại lợi lạc cho người khác.

Nhưng như đã nói, pháp thí còn có phạm trù rộng hơn rất nhiều. Nói một cách khái quát thì pháp thí là phát tâm vị tha mà truyền đạt, chia sẻ với người khác những tri thức, hiểu biết có thể giúp mang lại lợi lạc cho đời sống của họ. Khi những lợi lạc đó chỉ giới hạn trong phạm vi đời sống thế tục thì đó là thế gian pháp thí. Nhưng nếu những lợi lạc đó có thể giúp người ta gieo trồng nhân duyên giải thoát, hướng đến sự giác ngộ viên mãn, vượt thoát luân hồi, thì đó được gọi là xuất thế pháp thí.

Trong phần này chúng ta sẽ cố gắng tìm hiểu một số vấn đề liên quan đến xuất thế pháp thí, vẫn thường được nhiều người hiểu một cách ngắn gọn là pháp thí.

Pháp thí là gì? Chắc hẳn nhiều độc giả, Phật tử chưa biết về vấn đề này. Ảnh minh hoạ.

Pháp thí là gì? Chắc hẳn nhiều độc giả, Phật tử chưa biết về vấn đề này. Ảnh minh hoạ.

pháp thí ở đây là giúp cho người khác có được những tri kiến cần thiết để tu tập hướng đến giải thoát, đến sự giác ngộ, nên tất cả nội dung thật ra không đi ngoài những lời dạy của đức Phật trong Kinh điển. Trong một chừng mực nhất định, pháp thí cũng chính là việc nỗ lực giảng giải và truyền bá rộng rãi Kinh điển trong phạm vi khả năng của mình, vì đó là cách tốt nhất để giúp người khác đi theo con đường giải thoát.

Tất cả mọi hiện tượng trong thế gian, ngay cả sự tồn tại của chính ta, đều chỉ là kết quả cấu thành từ rất nhiều điều kiện nhân duyên khác nhau, trong đó mỗi một điều kiện nhân duyên sẽ giữ một vai trò nhất định, nhưng không một yếu tố bất kỳ nào trong số đó có thể tự nó tồn tại độc lập, không phụ thuộc vào các yếu tố khác.

Khi thực hành đúng đắn, pháp thí mang lại lợi lạc lớn lao hơn bất kỳ hình thức tài thí nào, bởi sự lợi lạc mà nó mang lại là chân thật và lâu bền, không có sự giới hạn như tài thí. Khi bạn giúp cho ai đó một lượng vật chất, sự giúp đỡ ấy chỉ có giá trị giới hạn tùy thuộc vào giá trị của lượng vật chất đó. Nhưng khi bạn giúp cho người khác nhận hiểu và tu tập hướng đến mục đích giải thoát, thì lợi ích mà người ấy nhận được trong hiện tại là hết sức lớn lao, và điều đó cũng tiếp tục mang đến lợi lạc trong tương lai mà không hề có sự giới hạn. Hơn thế nữa, khi một người có sự thực hành tu tập chân chánh, chính họ cũng sẽ mang lại được nhiều lợi lạc cho những người quanh họ, và như vậy tác dụng của sự thực hành pháp thí càng được gia tăng theo chiều hướng ngày càng lan rộng.

Nhưng cũng chính vì có tác dụng lâu bền và lan rộng như thế nên việc thực hành pháp thí cần phải hết sức cẩn trọng. Thử tưởng tượng, nếu bạn chia sẻ với ai đó một tri kiến sai lầm trong định hướng sống và người ấy đặt trọn niềm tin vào điều đó. Như vậy, tác hại mà bạn gây ra cho người ấy sẽ lớn lao và nghiêm trọng vô cùng, vì tri kiến sai lầm đó sẽ dẫn dắt người ấy đi theo một nếp sống sai lầm, gây hại cho bản thân và người khác. Và sự sai lầm của người ấy lại có nguy cơ lan rộng đến những người chung quanh họ, khiến cho tác hại của vấn đề càng thêm trầm trọng.

Sự thận trọng trong thực hành pháp thí đòi hỏi chúng ta phải luôn tự mình thể nghiệm mọi nhận thức trước khi chia sẻ cùng người khác. Tất nhiên, thực tế là tất cả chúng ta hiện nay đều đang trong quá trình tìm kiếm và thể nghiệm từng lời dạy trong Kinh điển để có thể thực sự nhận hiểu một cách chính xác, không sai lầm. Khi ta chưa thực sự nhận hiểu một điều gì qua kinh nghiệm thực tiễn của bản thân, chúng ta không nên tùy tiện mang ra chia sẻ hay dẫn dắt người khác, vì nếu có sai lầm trong sự nhận hiểu đó thì ta sẽ vô tình gây nhiều tác hại khi dẫn dắt người khác đi theo.

Điều thận trọng thứ hai là chúng ta không được tự mình suy diễn, nghĩ ra những điều không hề ghi chép trong Kinh điển rồi đặt niềm tin vào đó và dẫn dắt người khác đi theo. Kinh điển do đức Phật thuyết dạy đã trải qua hơn 25 thế kỷ được vận dụng trong đời sống, đã chứng tỏ được tính chính xác trong thực tế. Những gì chúng ta chỉ nhất thời suy diễn, nhận hiểu bằng tri kiến hạn hẹp của mình nhưng chưa có sự vận dụng thực tiễn trong đời sống thì chưa thể tin chắc vào tính đúng đắn của chúng. Chúng ta có thể tự mình tiếp tục thể nghiệm và suy ngẫm về những điều ấy với sự cẩn trọng, nhưng không được tùy tiện dẫn dắt người khác đi theo niềm tin chưa được xác chứng của mình.

Khi thực hành pháp thí, chúng ta phải luôn căn cứ vào những gì được ghi chép trong Kinh điển để chia sẻ cùng người khác. Như đức Phật đã dạy, tuy có rất nhiều pháp môn được thuyết giảng trong Kinh điển, nhưng tất cả đều có cùng một mục đích là hướng đến sự an lạc, giải thoát. Vì thế, vận dụng những gì được chỉ dạy trong Kinh điển để tự mình tu tập và dẫn dắt người khác bao giờ cũng là phương thức an toàn, lợi lạc nhất.

Có rất nhiều phương thức để chúng ta chia sẻ những lời dạy trong Kinh điển với người khác. Tùy theo khả năng, chúng ta có thể chọn phương thức nào thích hợp nhất với mình để thực hành.

Cách tốt nhất là hãy chia sẻ những gì chúng ta đã học hiểu và thực hành đạt được kết quả lợi lạc ngay trong đời sống của mình. Có rất nhiều điều thuộc phạm trù này mà ta có thể thấy như quá đơn giản, nhưng sẽ thực sự mang lại lợi lạc cho những người được ta chia sẻ. Ngược lại, nếu bạn cố chọn lấy những gì bạn cho là cao siêu, sâu sắc để chia sẻ với người khác, nhưng tự thân bạn lại chưa có sự nhận hiểu và thực hành đúng đắn, thì những điều ấy thật ra chưa hẳn đã có thể mang đến lợi lạc cho người được chia sẻ.

Do đó, việc giảng giải Kinh điển nếu được sử dụng như một phương thức để thực hành pháp thí thì phải luôn có sự cẩn trọng và giới hạn trong phạm vi những gì đã được am hiểu trọn vẹn. Nếu không được như thế, chúng ta nên chọn những phương thức khác thích hợp hơn.

Chẳng hạn, chúng ta có thể nỗ lực tạo điều kiện để giúp nhiều người khác tiếp cận với Kinh điển. Đó cũng là pháp thí. Những công việc như sao chép, góp sức in ấn, lưu hành Kinh điển... đều thuộc loại này. Nhờ có những công việc đó, sẽ có thêm nhiều người được tiếp cận với Kinh điển, và nhờ đó mà bản thân họ sẽ được nhiều lợi lạc trong đời sống cũng như có khả năng mang đến lợi lạc cho nhiều người khác nữa.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất trong thực hành pháp thí chính là tự mình học hỏi và tu tập theo Phật pháp. Khi chúng ta khởi tâm từ bi hướng về tất cả chúng sanh, ta không thể loại trừ bản thân mình ra khỏi “tất cả chúng sanh” đó. Vì vậy, người trước tiên cần được nhận lãnh Giáo pháp để thực hành chính là bản thân ta. Khi bản thân ta có sự thực hành và đạt được nhiều lợi lạc, ta mới có đủ điều kiện để tiếp tục truyền rộng những hiểu biết chân chánh ấy đến với nhiều người khác. Đó chính là pháp thí.

Pháp thí thắng mọi thí

Trong tất cả các hình thức bố thí như đã đề cập trên, xuất thế pháp thí được xem là hình thức thực hành bố thí thù thắng hơn tất cả. Điều này xuất phát từ giá trị lợi lạc chân thật và lớn lao mà Giáo pháp có thể mang lại cho tất cả chúng ta trong đời sống. Cũng do tính chất đúng thật của Giáo pháp nên mọi việc làm thực sự mang lại lợi ích chân thật cho người khác đều không thể đi ra ngoài Giáo pháp. Và do đó, muốn thực hành bố thí một cách đúng thật và hiệu quả, chúng ta không có cách nào khác hơn là phải bắt đầu từ việc tự mình học hỏi, tu tập theo đúng những lời Phật dạy. Một khi bản thân ta đã là một sự thể hiện sống động những lời Phật dạy, thì bất kỳ lời nói hay việc làm nào của ta cũng đều có thể xem là pháp thí, bởi mỗi một lời nói hay việc làm đó đều sẽ có giá trị dẫn dắt người khác đi theo con đường chân chánh.

Cũng từ nhận thức đó, chúng ta có thể thấy rằng mọi hình thức bố thí khác nhau thật ra đều giống nhau về bản chất. Khi được thực hiện một cách đúng pháp, dù là bố thí theo hình thức nào cũng đều phải phát khởi từ tâm Bồ-đề, hay nói cách khác là tâm từ bi, vị tha, luôn hướng đến việc làm lợi lạc cho người khác. Từ khởi điểm là tâm Bồ-đề, chúng ta cần phải có một sự nhận hiểu đúng đắn, học hỏi Giáo pháp thích hợp thì mới có thể thực sự mang đến lợi lạc chân thật cho người khác, hay nói khác đi là ta phải tự mình tu tập Phật pháp để có được trí tuệ sáng suốt.

Khi đã có đủ hai yếu tố từ bi và trí tuệ thì mọi hành vi, lời nói của chúng ta đều có khả năng mang lại lợi lạc lớn lao cho người khác, đó cũng là điều tất nhiên. Và cho dù ta có tùy duyên mà thực hiện bất kỳ hình thức bố thí nào đi chăng nữa, tự thân việc làm của chúng ta khi đó cũng sẽ trở thành một biểu hiện thực tế cho những lời dạy chân chánh của đức Phật, và vì thế sẽ luôn có giá trị dẫn dắt người khác trên con đường an vui và hạnh phúc. Đó chính là pháp thí, và đó cũng chính là lý do mà trong Kinh Pháp cú đức Phật đã dạy rằng: “Pháp thí thắng mọi thí.” (Kinh Pháp Cú - kệ số 354.)

(Trích sách Pháp thí, tác giả Nguyên Minh, Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin)

*Title, lời giới thiệu và các title phụ do Ban biên tập đặt.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Chú Lăng Nghiêm: Thần chú uy lực nhất trong Phật giáo

Kiến thức 22:01 22/12/2024

Chú Lăng Nghiêm là vua trong các Chú, vì dài nhất và khó nhất trong Phật Giáo. Hầu hết những người xuất gia đi tu, đều phải thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm từ lúc mới xuất gia, hoặc cũng có những người thuộc lòng trước khi xuất gia.

Cách tụng thần chú Dược Sư tại nhà Phật tử nên biết

Kiến thức 15:00 22/12/2024

Thần chú là bí mật của Chư Phật. Bạn có nhân duyên với chú nào thì tụng chú ấy. Đừng nay tụng Lăng Nghiêm, mai tụng Đại Bi, mốt tụng Dược Sư…

Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn

Kiến thức 10:57 12/12/2024

Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.

Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?

Kiến thức 09:11 11/12/2024

Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.

Xem thêm