An cư và mạng xã hội
Một buổi sáng mùa hạ, tôi ghé vào một quán tạp hóa trên đường Lê Văn Sỹ ở quận Phú Nhuận (TP.HCM) mua mấy viên pin nhỏ. Cô bán hàng đứng tuổi, sau khi chào, đã buột miệng hỏi nhỏ nhẹ và chân thành: “Thưa thầy, sao an cư mà thầy vẫn đi ra ngoài đường thế này, sao thầy không nhờ người mua giúp?”
Tôi lặng người vì bất ngờ với câu hỏi, sau đó giải thích, thú thật, cũng có ý biện hộ để được thông cảm.
Giới luật là công truyền hay bí truyền?
Với những câu hỏi, thắc mắc được cho là liên quan tới giới luật của người xuất gia như vậy, khi được đặt ra từ người cư sĩ, hoặc các vị nhỏ đang tập sự xuất gia, thì thường bị cho là… “không phải phép”, rằng “người đời” hay người chưa thọ Đại giới (Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni) không được quan tâm tới giới luật của các vị xuất gia.
Cá nhân tôi cũng từng được nghe đâu đó lời có ý răn đe như thế, và mặc định trong lòng đó là chân lý, điều được chư Tổ đúc kết và truyền lại. Quan niệm này cũng đồng nghĩa với việc cho rằng chỉ có người xuất gia mới được biết giới luật của người xuất gia, giới luật của người xuất gia là… bí tạng, chỉ dành cho người đã thọ giới nào đó mới được tham khảo, được biết.
Trong một bài viết hai mươi năm trước, HT. Thích Phước Sơn, một bậc giáo phẩm uyên thâm Phật học, đã nêu một chi tiết được đề cập trong Luật Sa-di, một trong những điều cần làm trước khi quyết định thọ nhận giới pháp, các Sa-di vì tha thiết cầu học, có thiện chí tiến tu “Nhược nhạo quảng lãm, tự đương duyệt Luật tạng toàn thư” (nếu muốn hiểu biết rộng thì nên xem toàn bộ Luật tạng). Hòa thượng khẳng định, giới luật không phải là bí tạng thuộc đặc quyền của ai cả. Đó cũng là tinh thần chung của Phật pháp.
“Giả sử một hội đoàn nào đó gọi chúng ta gia nhập, rồi mới cho biết nội quy và điều lệ, thì liệu chúng ta có yên tâm gia nhập hay nghi ngờ hội đoàn đó có điều gì mờ ám, bất chính? Theo lẽ thường, người có trí mỗi khi muốn tham dự một tổ chức nào chắc chắn phải tìm hiểu tường tận điều lệ của tổ chức ấy rồi mới tham gia. Đó là một việc làm hợp lý và có tinh thần khoa học”, Hòa thượng viết.
Trong những lần đi công việc tại Thái Lan, tôi được những vị sư pháp lữ hướng dẫn những quy ước trong giao tiếp đối với người tại gia cư sĩ theo văn hóa Phật giáo Nam truyền tại đây. Qua trò chuyện, được biết giới cảnh sát ở đất nước này dường như có sự hiểu biết về giới luật của người xuất gia, bởi hầu hết họ vốn là những người xuất gia, hoặc có thời gian sống đời sống xuất gia ngắn hạn. Do đó, họ có nhận định về những hành vi vượt ngoài chuẩn mực của người xuất gia nơi công cộng, và có cách giải quyết phù hợp, tránh việc làm tổn thương tín tâm của tín đồ đối với biểu tượng Tăng bảo.
Vậy, việc tín đồ được phổ biến, nắm rõ giới luật của người xuất gia, là tích cực. Với sự hiểu biết, họ có thể có những nhắc nhở tế nhị, nhận định được đâu là vị Tăng, Ni có hành xử chuẩn mực, đâu là hiện tượng mạo danh, dễ dàng phân biệt việc lạm dụng hình thức người xuất gia có làm việc bất thiện, chẳng hạn lợi dụng việc bán nhang để lừa gạt, giả dạng tu sĩ đến nhà bói toán để chiếm đoạt tài sản, khất thực phi pháp… đã và đang diễn ra, làm nhức nhối cộng đồng Phật tử, dư luận lên tiếng nhiều lần, nhưng vẫn còn bỏ ngỏ, chưa có giải pháp căn cơ dứt điểm.
Đang an cư, sao lại xuất hiện trên mạng xã hội hằng ngày?
Trong bài trả lời phỏng vấn báo Giác Ngộ gần đây được đăng trên tuần báo và phiên bản điện tử Giác Ngộ online, HT.Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS, Trưởng ban Tăng sự Trung ương GHPGVN có nhận định về mùa an cư kiết hạ, một hoạt động đặc thù của cộng đồng người xuất gia là: “cần tránh xa các hoạt động thế tục”.
Tuy Hòa thượng không nêu những gì được gọi là hoạt động thế tục, nhưng nội dung trả lời xác quyết rằng an cư kiết hạ là thời gian được chính Đức Phật chế định, bắt buộc các vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, những người xuất gia phải dừng các hoạt động đi lại, kể cả việc hoằng pháp, để cùng ở một nơi, tập trung cho việc tu tập, học hành chỉnh đốn giới luật, rèn luyện thiền định và nâng cao trí tuệ. Truyền thống này được xem như là tín hiệu cho sự hiện hữu của Tăng đoàn, không ai được vượt lên, bỏ qua.
Nhưng chỉ lướt qua mạng xã hội, chúng ta dễ dàng bắt gặp nhiều sự việc khác thường, đó là việc một số vị Tăng, Ni trong mùa an cư vẫn xuất hiện, tham gia mạng xã hội qua việc tương tác, đăng tải các thông tin, hình ảnh, cập nhật các hoạt động, trong đó có cả những chuyến du lịch đó đây.
Chưa có sự thống kê, nhưng không quá khó để thấy nhiều vị giáo phẩm thuộc hàng lãnh đạo, có vị đứng đầu Giáo hội cấp tỉnh, những vị giáo phẩm được nhiều người biết tới cũng sa vào tình trạng này.
Có vị giảng sư cho biết, trước đây các vị từng phản đối việc sử dụng mạng xã hội, nhưng nay đã thay đổi, vì nhận thức đó là phương tiện để hoằng pháp, đăng tải các bài thuyết giảng nhằm tiếp cận với cộng đồng một cách dễ dàng và thuận tiện. Ngoài việc tham gia có ý thức như vậy, mà số lượng rất ít, phần đông còn lại xem mạng xã hội như là nơi giãi bày cảm xúc buồn vui, suy nghĩ cá nhân, ghi lại “nhật ký” cuộc đời, hoạt động của mình, nhiều khi rất “đời”.
Theo đó, bên cạnh nội dung chuẩn mực mang tính chất chia sẻ thông tin hữu ích, có không ít những hình ảnh và thông tin chưa phù hợp, mang tính riêng tư được công khai khiến nhiều người dẫn lại, với lời bình phẩm có tính chất đàm tiếu.
Những thông tin mang tính du lịch giải trí nhưng lại thường xuyên được cập nhật trên một số tài khoản của một số vị giáo phẩm như thế khiến không ít người băn khoăn về tinh thần tôn trọng giới pháp, sự không đi đôi giữa nói và làm ở những người lẽ ra cần có sự gương mẫu, đặc biệt là những người có ảnh hưởng đối với người xuất gia trẻ tuổi, về tinh thần an cư kiết hạ “cùng quy tụ về một nơi chuyên tâm tu học, trau dồi giới, định, tuệ - tăng trưởng đạo lực”. Đó cũng là cơ sở cho sự đàm tiếu với những người có ác ý đối với Phật giáo.
Cổ xúy hay hạn chế?
Nghiện mạng xã hội và những tác động tiêu cực đến tâm lý, nhân cách của con người trong đời sống thực là vấn đề đã được giới nghiên cứu quan tâm. Nếu chúng ta xem mạng xã hội là kênh hoằng pháp thì mặc nhiên cũng thừa nhận tác động nhiều mặt của nó là có thực.
Tâm lý con người thông thường có xu hướng tò mò trước những thông tin tiêu cực, người ta ví điều đó như dòng nước vốn chảy xuôi xuống nơi thấp trũng.
Do đó, dẫu cho đóng cửa chùa, khóa các phòng thất, nhưng nếu không có ý thức tự giác thì thế giới mạng vẫn mở toang 24/24 giờ, rất dễ làm tán loạn, đánh mất sự định tâm để dành năng lượng cho sự tịnh tu.
Cổng chùa, tu viện, tịnh xá… có thời gian đóng và mở theo quy định thiền môn, nhưng với chiếc điện thoại thông minh, với chiếc máy tính bảng mà ai cũng có thể sở hữu, một thế giới sôi động với sự hỗn loạn thông tin có mặt bất cứ ngóc ngách nào.
Sự bùng nổ của mạng xã hội đã đem tới nhiều cơ hội thay đổi về phương tiện thông tin; sự kết nối, quảng bá trở nên dễ dàng, thực hiện bất cứ lúc nào và ở đâu; sự nổi tiếng và cả mất mát cũng không còn tuân thủ “quy trình” truyền thống; nhiều ngành kinh doanh mới xuất hiện; cái thật và giả lẫn lộn… trong khi nhận thức và niềm tin lại chông chênh, chính điều đó mà con người càng dễ bị cuốn trong dòng xoáy hỷ nộ ái ố, khiến cho cái nhìn bị tha hóa, hời hợt, dễ bị thông tin hỗn tạp thất thiệt tác động và dẫn dắt.
Từ năm ngoái, nước Pháp đã ban hành lệnh cấm học sinh sử dụng điện thoại di động ở trường học. Nhiều bậc cha mẹ ở các nước phát triển cắt mạng wifi và không dùng điện thoại khi ở nhà vì muốn làm gương cho con cái, khuyến khích con cái phát triển nhân cách ổn định, không bị nghiện mạng xã hội.
Gần đây, một số bang ở Úc cũng áp dụng điều luật cấm học sinh dùng điện thoại di động trong nhà trường. Việc đó rất cần để suy ngẫm trong hoàn cảnh của chúng ta hiện nay. Liệu chúng ta có nên cổ xúy việc ứng dụng tiện ích của công nghệ thông tin một cách đại trà khi chưa cung cấp kỹ năng tối thiểu,đặc biệt là trong các đạo tràng an cư, các trường Phật học, tự viện có nuôi dưỡng người xuất gia trẻ tuổi?
Thực tế không phải ai cũng có đủ kỹ năng sử dụng các thành tựu của công nghệ thông tin để làm phương tiện hữu hiệu cho việc hoằng pháp, mà muốn vậy, phải có sự đào tạo một cách bài bản. Nếu sử dụng trong tinh thần chánh niệm, như nội dung của Điều thứ 7 trong Tuyên bố Hà Nam, được đúc kết ở Đại lễ Vesak LHQ 2019 vừa rồi, thì sẽ mang lạc lợi lạc; còn thiếu kỹ năng và nhận thức, thì sẽ không an toàn, chỉ là kênh để tùy tiện xả rác, làm rối loạn tâm thức chính mình, tổn hại cho uy tín đạo, hình ảnh thanh tịnh của Tăng đoàn, mất tín tâm đối với số đông mà thôi.
(Theo Giác ngộ online)
Trước kia, Tỳ-kheo thuộc Tăng đoàn của Đức Phật hoàn toàn sống theo hạnh viễn ly, lấy trung đạo làm phương châm, thực hiện việc khất thực để duy trì thọ mạng, tài sản chỉ có ba y một bát, buổi sáng vào làng khất thực, trước giờ ngọ tìm chỗ thọ thực, thời gian còn lại thực hành quán niệm hay thiền định để hiểu rõ lời Phật dạy và chứng đạt chân lý.
Cuối cùng, các Tỳ-kheo nghỉ chân dưới một gốc cây có tán lá, một tảng đá, hay một hang động, gần nơi có nước, không quá xa làng mạc, ở chỗ tránh được rủi ro về ác thú, cướp bóc…
Đặc biệt, các Tỳ-kheo không được ở quá ba đêm tại cùng một chỗ. Đây là biện pháp nhằm triệt để tiêu diệt tâm sở hữu, vì ngay cả chỗ nghỉ chân giữa nơi khoáng dã cũng không phải là “gốc cây, tảng đá, hay hang động của tôi” để có thể củng cố quan niệm ngã sở.
Như thế, trong giai đoạn đầu, Tăng đoàn của Đức Phật hoàn toàn không có trú xứ nhất định. Vào mùa mưa, các Tỳ kheo cũng vào làng mạc khất thực và điều này có nhiều bất tiện. Mùa mưa là lúc cây cối đâm chồi nảy lộc, trời mưa làm nước tràn ngập mặt đất ảnh hưởng đến hang ổ của các loài bò sát, côn trùng. Khi đi lại trong mùa mưa, các Tỳ-kheo làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây cối, có thể dẫm dạp lên côn trùng hay bò sát nhỏ mà không biết, lại có thể vì các loài nọc độc tấn công; ngoài ra thói quen ngủ nơi khoáng dã của các Tỳ-kheo không thực hiện được.
Chính vì vậy, Đức Phật thiết lập quy định cho các Tỳ-kheo được tìm chỗ trú ngụ trong ba tháng mùa mưa. Điều khác biệt với những giáo đoàn khác nằm ở chỗ, đệ tử Phật an cư ba tháng không chỉ để tránh đi lại trong mùa mưa, mà còn tận dụng thời gian ở yên một chổ để thực hiện việc tu học và giáo hóa một cách tích cực.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?
Kiến thức 20:09 02/11/2024Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.
Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp
Kiến thức 14:50 02/11/2024Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.
Thứ lớp quả vị của Bồ tát Thập địa
Kiến thức 13:29 02/11/2024Nhờ có trí tuệ thấy rõ khổ đau và thực hành Bát chính đạo cùng giáo lý Trung đạo, hành giả phát khởi Bồ đề tâm, hành trì Lục độ Ba la mật để dần đạt các cấp độ thành tựu trên con đường Giác ngộ.
Nói về Tứ niệm xứ
Kiến thức 10:40 02/11/2024Học, hiểu và tu tập Tứ niệm xứ là rất cần thiết dù tu sĩ hay cư sĩ giúp ta sống chất lượng, sâu sắc ý nghĩa, thanh tịnh thân tâm, thành tựu đinh lực trí tuệ hướng đến an vui giác ngộ giải thoát hoàn toàn ra khỏi mọi nỗi khổ niềm đau.
Xem thêm