Ảnh hưởng của Phật giáo và Nho giáo trong chính sách nội trị thời Trần

Đối với tôn giáo, có lẽ nhà Trần cũng tạo ra những dấu ấn và sự khác biệt mà chưa triều đại nào có được. Phải chăng cũng vì vậy mà triều Trần luôn luôn được coi là triều đại có sự phát triển rực rỡ của các tôn giáo, cho dù Phật giáo vẫn là tôn giáo được coi trọng và đề cao.

31-1

Nhà Trần là một trong những triều đại phát triển rực rỡ nhất của lịch sử phong kiến Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Đối với tôn giáo, có lẽ nhà Trần cũng tạo ra những dấu ấn và sự khác biệt mà chưa triều đại nào có được. Phải chăng cũng vì vậy mà triều Trần luôn luôn được coi là triều đại có sự phát triển rực rỡ của các tôn giáo, cho dù Phật giáo vẫn là tôn giáo được coi trọng và đề cao. Trên bình diện chung của những nhận thức và quan điểm về Nho – Phật, với mỗi tôn giáo các vị vua nhà Trần lại thể hiện một thái độ và một cách hành xử riêng. Dưới thời Trần, Phật giáo và Nho giáo đều có chỗ đứng của mình. Nếu Nho giáo là rường cột trong thể chế chính trị quốc gia thì Phật giáo là tư tưởng chủ đạo trong đời sống tinh thần của người dân Đại Việt bấy giờ.

1. ẢNH HƯỞNG CỦA PHẬT GIÁO

Trong ba tôn giáo, Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo thì Phật giáo là tôn giáo được nhà Trần đề cao và coi trọng trong xã hội. Thời bấy giờ số người mộ Phật rất đông, cả trong tầng lớp vua quan quý tộc cũng như giới bình dân trong xã hội. Và do vậy, Phật giáo đã đóng một vai trò quan trọng, có ảnh hưởng và tác động lên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó có chính sách nội trị thời kì này.

Xây dựng mô hình thân dân

Chính trị thời Trần là chế độ chính trị quân chủ quý tộc chuyên chế. Phật giáo được coi là quốc giáo và có ảnh hưởng quan trọng đến chính trị đất nước, mặc dù các nhà sư chỉ tham gia chính sự chứ không tham gia chính quyền. Họ góp ý kiến và làm một số công việc phụ giúp vua như thảo văn thư, tiếp sứ thần nước ngoài. Mặt khác, tăng sĩ đời Trần không trực tiếp đóng góp vào sự nghiệp chính trị nhưng Phật giáo thực sự một yếu tố liên kết nhân tâm quan trọng. Tinh thần Phật giáo đã khiến cho các nhà chính trị đời Trần áp dụng những chính sách bình dị, thân dân và dân chủ. Vua có quyền lực tối cao nhưng do ảnh hưởng tư tưởng bác ái, vị tha của Phật giáo nên luôn xem dân như con, chính quyền hoạt động theo nguyên tắc “dân chi phụ mẫu” và “quốc dĩ dân vi bản”, đội ngũ quan lại nêu gương đạo đức để cai trị dân, chăm lo cuộc sống nhân dân. Triều đình hiểu rõ sức mạnh của dân và dựa vào dân mà đánh giặc. Năm 1284, trước thế xâm lăng vũ bão của quân Nguyên, vua Nhân Tông đã triệu tập hội nghị Diên Hồng. Tới dự hội nghị không phải là các vương tôn công thần mà là các bô lão trong dân gian.

Tính nhập thế của Phật giáo tạo ra sự đồng thuận cao trong xã hội

Thiền phái Trúc Lâm ra đời và phát triển dưới triều Trần. Đặc tính của Trúc Lâm là nhập thế, Đạo Phật phụng sự cho đời sống tâm linh cũng như đời sống xã hội. Quốc sư Viên Chứng đã nói rõ về những nguyên tắc hướng dẫn đời sống của một nhà chính trị Phật tử: “Đã làm người phụng sự dân thì phải lấy cái muốn của dân làm muốn của mình, phải lấy ý dân làm ý mình, trong khi đó không xao nhãng việc tu học của bản thân” [1]. Lời khuyên của Quốc sư Viên Chứng đối với vua Trần Thái Tông, khi vua bỏ ngôi lên núi xuất gia mà nhà vua đã ghi trong bài tựa sách Thiền Tông chỉ nam như sau: “Phàm đã là người làm vua, tất phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình. Nay muôn dân muốn rước bệ hạ về thì bệ hạ sao có thể không về được? Duy có việc nghiên cứu nội điển, xin bệ hạ chớ sao lãng mà thôi” [2].

Lời khuyên này của Quốc sư Viên Chứng đã thể hiện sự nhập thế sâu sắc của Phật giáo trong đời sống xã hội. Có thể nói đây là một trong những thành công nổi bật của Trần Thái Tông nói riêng, cũng như các vị vua nhà Trần nói chung trong việc trị nước. Trần Thái Tông nói rằng: “Nhà chính trị phải thực hiện Đạo Phật trong xã hội”. Sau này, Trần Nhân Tông cũng đã lĩnh hội rất tốt tinh thần này của Trần Thái Tông và có nhiều chính sách nhằm phát huy tính nhập thế tích cực của Đạo Phật trong xã hội. Trần Nhân Tông đi khắp thôn quê phá trừ các dâm từ, khuyên dân thực hành thập thiện…

Trong sức mạnh của tinh thần đoàn kết mà quân dân nhà Trần có được, thực tiễn đã chứng minh và khẳng định có tư tưởng của Đạo Phật, mà các vị vua Trần đồng thời là những Phật tử, những Thiền sư, đã sống và điều hành đất nước bằng tinh thần Phật giáo.

Trong sức mạnh của tinh thần đoàn kết mà quân dân nhà Trần có được, thực tiễn đã chứng minh và khẳng định có tư tưởng của Đạo Phật, mà các vị vua Trần đồng thời là những Phật tử, những Thiền sư, đã sống và điều hành đất nước bằng tinh thần Phật giáo.

Tinh thần Từ bi – Hỉ xả của Phật giáo trong chính sách nội trị thời Trần

Trong sức mạnh của tinh thần đoàn kết mà quân dân nhà Trần có được, thực tiễn đã chứng minh và khẳng định có tư tưởng của Đạo Phật, mà các vị vua Trần đồng thời là những Phật tử những thiền sư, đã sống và điều hành đất nước bằng tinh thần Phật giáo. Nhờ vậy đã hội tụ được những tướng sĩ tài ba thao lược, biết đồng tâm đoàn kết. Tinh thần Từ bi – Hỉ xả của Đạo Phật đã là cơ sở cho sự đoàn kết nhân tâm, đoàn kết tôn giáo, được kết hợp với tinh thần nồng nàn yêu nước của dân tộc Việt Nam, rõ ràng không chỉ làm nên một bản lĩnh ý chí chiến đấu mà còn là nền tảng của chính sách ngoại giao mềm dẻo, đức độ, cao thượng tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc.

Ta hãy nhớ chuyện Hoàng Cự Đà không ăn được xoài và chuyện vua Thánh Tông đốt tài liệu xin hàng của các quan để thấy thái độ “từ bi chính trị” trong đối sách của các vua Trần. Vua Thái Tông một hôm cho các quan hầu cận ăn xoài, Hoàng Cự Đà không được ăn. Đến khi quân Nguyên đến bến Đông, Cự Đà ngồi thuyền nhẹ trốn đi. Đến Hoàng Giang gặp Hoàng Thái Tử đi thuyền ngược lên, Cự Đà tránh sang bờ sông bên kia, thế thuyền đi rất gấp, quan quân hô to hỏi quân Nguyên ở đâu? Cự Đà trả lời không biết, hãy hỏi bọn được ăn xoài ấy! Sau khi phá được giặc, Thái Tử xin trừng phạt Cự Đà để răn đe những kẻ làm tôi bất trung. Vua nói: “Cự Đà tội đáng giết cả họ, song đời xưa có việc Dương Châu không được ăn thịt dê đến nỗi làm quân nước Trịnh bị thua. Việc Cự Đà là lỗi của ta, tha cho tội chết, cho đánh giặc để chuộc tội” [3].

Khi quân Nguyên đang mạnh, triều thần lắm kẻ hai lòng có giấy tờ giao thiệp với giặc. Sau giặc thua chạy về Bắc, triều đình bắt được một tráp biểu hàng của các quan. Đình thần muốn lục ra để trị tội, nhưng Thượng Hoàng nghĩ rằng làm tội những kẻ tiểu nhân cũng vô ích, bèn sai đem đốt cả tráp đi, cho yên lòng mọi người [4]. Vua Nhân Tông đã sử dụng được tiềm năng của Phật giáo để phục vụ chính trị. Sự kiện xuất gia của vua, cũng như những năm hành đạo trong dân gian của vua, đã khiến dòng thiền Trúc Lâm trở thành tôn giáo mạnh hỗ trợ cho triều đại. Cũng chính Thượng hoàng Nhân Tông là người thực hiện chuyến thăm Chiêm Thành (năm 1301) nhằm mục đích giao hảo, tạo mối quan hệ hữu nghị và thể hiện thiện chí hòa bình với Chiêm Thành. Chuyến viếng thăm còn góp phần xiển dương Đạo Phật ở một đất nước vốn có truyền thống Phật giáo như Chiêm Thành, đồng thời mở rộng ảnh hưởng của tư tưởng Thiền xuống phía Nam [5].

Các vị vua sau này của nhà Trần cũng đều chịu ảnh hưởng một phần từ tư tưởng “từ bi hỉ xả” của Phật giáo trong chính sách nội trị. Những năm mất mùa, nhiều người bệnh tật, triều đình hay khuyến cáo những nhà giàu dâng thóc gạo.Triều đình còn sai người chế thuốc để phát cho người bệnh. Năm 1362, vua Minh Tông ngự ở phủ Thiên Trường, nhân dân ai đói và bệnh có thể đến đấy để xin hai viên thuốc Hồng Ngọc Sương, hai tiền và hai thăng gạo. Anh Tông sau khi nhường ngôi cho Minh Tông cũng đã có ý định xuất gia để nối tiếp sự nghiệp của Nhân Tông, nhưng chưa thực hiện được thì đã mất. Một điều ghi nhận là những ông vua ấy muốn sử dụng tiềm lực Phật giáo để liên kết nhân tâm, nhưng không phải vì vậy mà giả danh Tăng sĩ, Phật tử. Họ là những Phật tử chân chính và có ý nguyện phụng sự Đạo Phật cùng chung với việc phụng sự quốc gia và triều đại của họ [6].

Sự tương đồng giữa Phật giáo và Nho giáo là đều bàn về nhân, về cái tâm,… đều mong muốn, tìm cách giúp con người vượt qua khó khăn đau khổ để có được cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc, nhưng mỗi bên lại có thế mạnh riêng.

Sự tương đồng giữa Phật giáo và Nho giáo là đều bàn về nhân, về cái tâm,… đều mong muốn, tìm cách giúp con người vượt qua khó khăn đau khổ để có được cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc, nhưng mỗi bên lại có thế mạnh riêng.

2. ẢNH HƯỞNG CỦA NHO GIÁO

Thuyết thiên mệnh của Nho giáo dưới thời Trần

Trong quan niệm của người Trung Hoa các đế vương dựng nên triều đại là do mệnh trời, những biến cố xảy ra trong tự nhiên cũng được Nho giáo giải thích là do số trời. Nho giáo được truyền vào Việt Nam đã có những tiếp biến văn hóa cho phù hợp với truyền thống người Việt, nhưng các thuyết cơ bản của Nho giáo dùng để củng cố vương quyền vẫn được các triều đại tiếp nhận. Nho giáo được dùng để quản lý và tạo ra một xã hội yên bình, có trật tự trên dưới rõ ràng. Thuyết thiên mệnh của Nho giáo với quan niệm vua là thiên tử, mọi quyết định của vua được xem như là những quyết định của trời. Trong xã hội phong kiến giai cấp cầm quyền sử dụng tư tưởng mệnh trời như vũ khí sắc bén để củng cố chế độ quân quyền. Nhà vua tự nhận mình là người lĩnh mệnh trời, là người “thế thiên hành đạo” là người chịu trách nhiệm trước trời. Nên tư tưởng mệnh trời được phát triển nước ta thời kì nhà Trần nhằm phục vụ cho việc xây dựng chế độ quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền.

Thuyết thiên mệnh Việt Nam do những tiếp biến văn hóa nên mệnh trời trong tư tưởng Việt Nam còn gắn liền với lòng dân. Dựa vào ý chí của nhân dân để có những quyết định đúng đắn điều này cho thấy những điểm mới tiến bộ trong chế độ quân chủ trung ương tập quyền thời Trần lẫn xã hội đương thời. Đến thời Trần với sự phát triển của xã hội phong kiến, nhân dân cùng với các vua trải qua các cuộc kháng chiến chống các thế lực phong kiến phương Bắc xâm lược nước ta. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, Trần Quốc Tuấn lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành được độc lập dân tộc. Ông chú trọng đến việc xây dựng khối đoàn kết dân tộc, thực hiện “khoan thư sức dân” để có thể vận động được quần chúng nhân dân tích cực tham gia vào cuộc kháng chiến, tranh thủ sự ủng hộ, đồng lòng của nhân dân. “Khoan thư sức dân” là cái đức cần có của bậc đế vương và là thượng sách để giữ nền độc lập của đất nước. Trong bài “Hịch tướng sĩ”, Trần Quốc Tuấn cũng dựa theo những điều trên hợp với mệnh trời dưới hợp với lòng người để nhằm thu phục nhân tâm về một mối: “Mới rồi Toa Đô và Ô Mã Nhi bốn mặt bị bao vây, nhưng vì vua tôi đồng lòng, anh em hòa nhục, cả nước giúp sức nên giặc đã bị bắt, đó là do trời xui nên vậy” [7].

Trong ba tôn giáo, Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo thì Phật giáo là tôn giáo được nhà Trần đề cao và coi trọng trong xã hội.

Trong ba tôn giáo, Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo thì Phật giáo là tôn giáo được nhà Trần đề cao và coi trọng trong xã hội.

Thuyết chính danh của Nho giáo trong đường lối trị nước

Nho giáo là một học thuyết chính trị – xã hội dạy về cách hành xử của một “chính nhân quân tử” trong xã hội. Nho giáo lấy việc tạo sự ổn định và phát triển làm trọng bằng cách sử dụng đường lối đức trị và lễ trị từ nhà Chu. Khổng Tử xây dựng nên học thuyết: “Nhân – Lễ – Chính danh”, “Nhân” tức là nội dung, “Lễ” là hình thức và “Chính danh” là con đường đạt đến điều nhân.

Thời Trần, dân không chỉ là thần mà còn là một lực lượng xã hội. Trong tình hình đất nước luôn bị âm mưu xâm lăng thì những vị vua quan đầu triều luôn dựa vào dân, tìm nguồn gốc sức mạnh trong nhân dân. Có thể thấy tiêu biểu trong đường lối nhân chính ở thời Trần là “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc” của Trần Quốc Tuấn và Lê Văn Hưu có khẳng định: “Trời sinh ra dân để đặt vua mà chăn dắt chứ không phải để cung phụng riêng cho nhà vua” [8]. Vì thế, những Nho sĩ thời Trần đã rất hăm hở thực hiện trách nhiệm: “kỷ cương nhà vua hỏng thì phải bổ sung, pháp luật nhà nước đổ thì phải nâng đỡ, đẩy hơi mạnh vào đầu ngọn bút, lưu lời văn lại cho đời sau, để dẹp tất lòng tà của kẻ tiểu nhân, răn vua chúa đời sau chớ nên rông rỡ” [9]. Trong thời Trần, việc tu thân, sửa đức của nhà vua và những vị quan đầu triều là để làm gương cho mọi người, tức danh phải chính, để từ đó xây dựng mối quan hệ cho toàn xã hội.

Ảnh hưởng của Nho học trong chính sách đào tạo và tuyển chọn quan lại

Mở mang Nho học để xây dựng nước nhà cường thịnh, đó chính là mục tiêu mà các vua nhà Trần đặt ra. Trần Thái Tông tự tay viết bài Minh Ban cho các hoàng tử, dạy về trung, hiếu, hoà, tốn, ôn, lương, cung, kiệm. Trần Thánh Tông cho hoàng đệ Trần Ích Tắc mở trường dạy Nho học. Ông cũng chính là người chỉ đạo và tham gia giám sát quá trình làm bộ sử đầu tiên của nước ta là bộ Đại Việt sử ký do Bảng nhãn Lê Văn Hưu chủ biên. Vua Nghệ Tông trước khi nhường ngôi cho em đã soạn 14 chương Hoằng huấn trao cho em để học tập, trau dồi việc trị nước.

Vua Trần Thái Tông lên ngôi năm 1225, đến năm 1227 đã cho mở khoa thi Thông Tam giáo đầu tiên, chọn những người thông tuệ cả Nho – Phật – Đạo để bổ làm quan. Sách Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi lại: “Để động viên, khích lệ Tăng sĩ, các vương hầu bổ quan Tăng đạo gọi là Tả nhai, vì không để cho đứng vào hàng ngũ các quan trong triều nên gọi là Tả nhai. Đây cũng là phẩm cao nhất của Tăng đạo, không phải là người thông thạo tôn giáo của mình thì không được dự càn. Tháng 3 năm Giáp Thìn phong cho Phùng Tá Khang và cha là Phùng Tá Chu làm Tả nhai đạo lục, tước Tả lang” [10]. Đến năm 1232 lại mở khoa thi Thái học sinh, xếp những người đỗ đầu từ nhất giáp đến tam giáp. Năm 1246 định lại phép thi, theo lệ cứ bảy năm thi một khoa, gọi là khoa thi Tiến sĩ, người đỗ đầu không chia nhất, nhị, tam giáp nữa mà chia lần lượt từ cao xuống thấp là Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa. Năm Đinh Mùi 1247 thi Tiến sĩ. Để tạo điều kiện cho các sĩ tử ở xa kinh thành được thi thố tài năng và cũng để khuyến khích kẻ sĩ, vua Thái Tông còn cho lấy Trạng nguyên kinh và Trạng nguyên Trại. Riêng dưới thời Trần Thái Tông đã tổ chức sáu khoa thi, trong đó có hai khoa thi thông tam giáo. Năm 1304, thi kẻ sĩ trong nước, có tất cả 44 người đỗ Thái học sinh và lần đầu tiên, triều đã tôn vinh cả về mặt học vấn lẫn danh dự cho những thí sinh trúng tuyển bằng việc cho “dẫn ba người đỗ đầu ra cửa Long Môn của Phượng Thành đi du ngoạn đường phố ba ngày” [11].

Về trường học, ngoài các trường do nhà nước quản lý như: Quốc Tử viện, Quốc Học viện, Thái học, Nhất toát trai, Tư thiện đường…,còn có các trường dân lập, như trường của Trần Ích Tắc, trường của Chu Văn An. Các loại trường này ngày càng mở rộng và thu hút được nhiều đối tượng từ các nơi đến học. Năm 1236, nhà Trần đặt chức Thượng thư tri Quốc tử viện, đưa con em văn thần và tụng thần (chức quan tư pháp) vào học. Năm Quý Sửu 1253 cho lập Quốc Học viện, cho đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Á Thánh để thờ, lại cho vẽ tranh Thất thập nhị hiền để phối thờ và làm gương cho đời sau noi theo. Nhà Trần cũng cho mời các nho sinh đến Quốc Học viện giảng Tứ thư, Ngũ kinh… có rất nhiều học trò đến nghe. Lại cho lập Giảng võ đường để luyện tập võ nghệ. Do đó mà anh tài, hào kiệt nhà Trần nở rộ, văn có Lê Văn Hưu, Trạng Hiền, Mạc Đĩnh Chi, Hàn Thuyên… võ có Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Bình Trọng, Trần Nhật Duật… Đến 1397, việc nhà vua xuống chiếu đặt học quan, tổ chức việc học tập ở cấp châu huyện để hàng năm tiến cử những người ưu tú cho triều đình đã phản ánh sự phát triển về quy mô đào tạo của nền giáo dục Nho học thời Trần.

Càng về cuối thời Trần, Nho giáo càng nâng cao vị thế của mình thông qua con đường học tập, khoa cử. Có thể thấy điều đó qua việc nhà Trần cho lập Quốc Học viện, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Á Thánh (Mạnh Tử), vẽ tranh 72 người hiền để thờ, và còn “xuống chiếu vời nho sĩ trong nước đến Quốc Tử viện giảng Tứ thư Ngũ kinh” [12], hay việc vua Trần Thánh Tông “xuống chiếu tìm người tài giỏi, đạo đức, thông hiểu kinh sách làm tư nghiệp Quốc Tử giám, tìm người có thể giảng bàn ý nghĩa của Tứ thư Ngũ kinh sung vào hầu nơi vua đọc sách” [13] vào năm 1272. Đặc biệt, năm 1304, nhà Trần còn quy định nội dung thi Thái học sinh: “Về phép thi: trước thi ám tả thiên Y quốc và truyện Mục thiên tử để loại bớt. Thứ đến kinh nghi, kinh nghĩa, đề thơ (tức thể cổ thi ngũ ngôn trường thiên) hỏi về “vương độ khoan mãnh”, theo luật “tài nan xạ trĩ “, về phú thì dùng thể 8 vần “đế đức hiếu sinh, hiệp vụ dân tâm. Kỳ thứ ba thi chế, chiếu, biểu. Kỳ thứ tư thi đối sách” [14]. Có thể thấy, đến thời Trần, Nho học đã thực sự phát triển, chi phối giáo dục, khoa cử phong kiến, tạo nên đội ngũ trí thức Nho sĩ đông đảo, thúc đẩy sự phát triển của học vấn nước nhà, tạo ra nền văn hóa mang dấu ấn Nho giáo.

Kết luận

Nhà Trần đã kết hợp vận dụng tư tưởng Phật giáo và Nho giáo trong chính sách nội trị, xem Phật giáo và Nho giáo là công cụ để phục vụ đắc lực cho việc xây dựng và quản lý đất nước. Các vị vua thời Trần đã rút tỉa những gì tinh túy từ Nho giáo và Phật giáo để áp dụng cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của đất nước để xây dựng một quốc gia phong kiến cường thịnh, có tác dụng đoàn kết toàn dân chống lại kẻ thù xâm lược, phát triển kinh tế văn hóa đất nước đem lại cuộc sống thanh bình cho nhân dân. Tinh thần khai phóng đã góp phần mở ra khả năng kết hợp Nho giáo, Phật giáo và cả Lão giáo. Có thể nói, ở thời kỳ này, Nho, Phật và Lão giáo đã phát huy tính ưu việt của mình trong tinh thần quốc học – đạo học của Trần Thái Tông cùng với nét độc đáo trong tư tưởng của Nhị Tổ Trúc Lâm Yên Tử để tạo nên dân khí, hưng khí cho quốc gia Đại Việt thời Trần.

Sự tương đồng giữa Phật giáo và Nho giáo là đều bàn về nhân, về cái tâm,… đều mong muốn, tìm cách giúp con người vượt qua khó khăn đau khổ để có được cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc, nhưng mỗi bên lại có thế mạnh riêng. Nếu thuyết từ bi, hỷ xả của Đức Phật gần gũi với nhân dân, tạo nên đức tính hiền hòa trong nhân dân, góp phần xóa bỏ sự ngăn cách trong mối quan hệ của mọi người với nhau trong xã hội, thì thuyết Chính danh định phận, Tam cương, Ngũ thường, thuyết Thiên mệnh của Khổng Tử lại nhắc nhở mọi người không quên vị trí, bổn phận của mình trong quan hệ xã hội. Chính danh, Đức trị, Dưỡng dân đều là những chính sách có lợi cho giai cấp phong kiến trong việc xây dựng một chế độ phong kiến thông suốt từ trung ương đến địa phương. Đồng thời chính sách đó cũng đã đào tạo được một đội ngũ quan lại tài năng, trung quân ái quốc phò vua giúp nước như Mạc Đĩnh Chi, Trần Thời Kiến, Đoàn Nhữ Hài, Nguyễn Trung Ngạn,…

Phật giáo đã từng là quốc đạo của thời Lý và tiếp tục đóng vai trò hết sức thịnh trị trong buổi đầu của thời Trần. Song, theo sự tiến hóa của lịch sử đòi hỏi nhà Trần phải ra sức đẩy mạnh chế độ quân chủ trung ương tập quyền, phù hợp với thời đại và có lợi cho sự phát triển của vương triều. Cho nên các vua Trần vừa tôn vinh Phật giáo, vừa tạo điều kiện cho Nho giáo phát triển trên tinh thần dụng Nho làm đạo trị nước, lấy Phật làm phương tiện giải thoát, tạo nên sắc thái đặc biệt trong tư tưởng thời Trần. Bên cạnh những tư tưởng tiến bộ của Phật giáo, nhà Trần cũng đã vận dụng tư tưởng Nho giáo trong việc xây dựng, củng cố vương triều. Để xây dựng một xã hội bình yên, có tôn ti trật tự, củng cố chế độ quân chủ nhưng đồng thời cũng tạo được đức tin cho mọi người, nhà Trần đã không ngần ngại kết hợp cả Nho, Phật, Lão trong chính sách nội trị của mình. Cả ba tôn giáo trên tồn tại trong không khí hòa đồng viên dung.

Sự kết hợp mật thiết ấy đã tạo nên Tam giáo đồng nguyên, cùng với những tín ngưỡng dân gian của người Việt trên tinh thần viên dung hòa hợp, tất cả như hòa quyện vào nhau để tạo ra một nền văn hóa thể hiện tư duy tổng hợp cao. Lấy tư tưởng Phật giáo làm phương tiện giải thoát, dụng Nho để phát triển đất nước, tạo điều kiện thuận lợi cho Tam giáo đồng hành, hòa hợp. Điều mà không một nước nào có thể làm được kể cả Trung Hoa. Sự đan xen giữa nhiều thành phần tư tưởng đó đã góp phần hình thành nên nhân sinh quan mang dấu ấn Đại Việt thời Trần.

Chú thích:

[1] Nguyễn Lang (1994), Phật giáo Việt Nam sử luận tập I, Nxb. Văn học, tr.223.

[2] Nguyễn Lang, Sđd, tr.225.

[3] Viện Khoa học xã hội (1998), Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỷ, quyển V), Nxb. Khoa học xã hội, tr.29.

[4] Viện Khoa học xã hội (1998), Sđd, tr.71.

[5] Trần Thuận (2014), Tư tưởng thời Trần, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tr.161.

[6] Nguyễn Lang, Sđd, tr.507.

[7] Huỳnh Công Bá (2012), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nxb Thuận Hóa, tr.160.

[8] Huỳnh Công Bá (2012), Sđd, tr.171-172.

[9] Huỳnh Công Bá (2012), Sđd, tr.171.

[10] Viện Khoa học xã hội (1998), Sđd, tr.20.

[11] Viện Khoa học xã hội (1998), Sđd, tr.88.

[12] Viện Khoa học xã hội (1998), Sđd, tr.25.

[13] Viện Khoa học xã hội (1998), Sđd, tr.39.

[14] Viện Khoa học xã hội (1998), Sđd, tr.88.

Tài liệu tham khảo:

1. Đào Duy Anh (2002), Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb. Văn hóa thông tin.

2. Huỳnh Công Bá (2011), Lịch sử Việt Nam cổ – trung đại, Nxb. Thuận Hóa.

3. Nguyễn Thanh Bình (2007), Học thuyết chính trị Nho giáo và ảnh hưởng của nó ở Việt Nam (từ thế kỉ XI – nửa đầu thế kỉ XIX), Nxb. Chính trị quốc gia.

4. Trương Văn Chung (2008), Tư tưởng Việt Nam thời Lý – Trần, Nxb. Chính trị quốc gia.

5. Trần Hồng Đức (2010), Vương triều Lý – Trần với kinh đô Thăng Long, Nxb. Chính trị quốc gia.

6. Trần Trọng Kim (2008), Nho giáo, Nxb. Văn hóa thông tin.

7. Vũ Khiêu (chủ biên) (1997), Nho giáo và sự phát triển của Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội.

8. Nguyễn Đăng Thục (1994), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội.

9. Nguyễn Tài Thư (chủ biên) (1993), Lịch sử tư tưởng Việt Nam tập 1, Nxb. Khoa học xã hội.

10. Nguyễn Tài Thư (1997), Nho giáo và Nho học ở Việt Nam, Viện triết học, Trung tâm khoa học và nhân văn quốc gia.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Nguyễn Du - Tiếng lòng thiên thu

Nghiên cứu 23:14 20/12/2024

Thơ và thiền là đôi cánh đại bàng tung bay trên bầu trời Đông phương và Tây phương suốt từ nghìn xưa cho đến ngày nay.

Nguyện giải thoát ngay hiện tiền

Nghiên cứu 13:41 18/12/2024

Trong nhà Phật, lời nguyện có thể gặp ở bất kỳ kinh sách nào. Hầu hết các lời nguyện đều lớn vô cùng và trải dài vô cùng tận. Trong các chùa Thiền tông, chúng ta thường nghe tới Tứ hoằng thệ nguyện, nơi câu đầu “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ” (Nguyện giải thoát vô số chúng sinh) đã mang tâm lượng vô biên, vô cùng tận.

Đời tu của tôi

Nghiên cứu 09:32 18/12/2024

Đời tu của tôi có những cái dễ nhưng cũng gặp những cái khó. Trong cái khó thật ra tôi không tính toán cũng không suy nghĩ phải làm sao, tôi chỉ âm thầm xin Tam Bảo gia hộ. Ai làm gì nói gì, tôi cứ lặng thinh mà chịu chờ Tam Bảo gia hộ, rồi cái tốt đẹp sẽ đến, tôi không có phản ứng để chống chọi gì hết.

Tượng Phật A Di Đà chùa Phật Tích ở Bắc Ninh

Nghiên cứu 11:12 17/12/2024

Ngôi cổ tự Phật Tích (tên gọi khác là chùa Vạn Phúc) toạ lạc trên núi Phượng Hoàng, Tiên Du, Bắc Ninh là nơi lưu lại dấu ấn truyền bá Phật giáo ở vùng Bắc bộ hơn nghìn năm. Chùa Phật Tích còn được biết đến là nơi lưu giữ 2 bảo vật quốc gia: Tượng Phật A-Di-Đà và bộ tượng 10 linh thú đá.

Xem thêm