Tinh thần hiếu đạo giữa Nho giáo và Phật giáo
Từ ngàn xưa, hiếu đạo đã trở thành chuẩn mực đạo đức tốt đẹp của người Việt. Thể hiện qua phép tắc, hành vi ứng xử của con cái đối với ông bà, cha mẹ, tổ tiên. Thể hiện qua phép tắc, hành vi ứng xử của con cái đối với ông bà, cha mẹ, tổ tiên.
Đông, hiếu đạo được xem là nền tảng đạo đức học của Nho giáo và Phật giáo. Bài viết tập trung nêu một vài quan điểm về hiếu đạo của Đạo Nho và Đạo Phật, khái quát những điểm đồng nhất, dị biệt về quan niệm hiếu đạo của hai tôn giáo và những nét hòa nhập cùng văn hóa bản địa ở Việt Nam.
Về chữ Hiếu
Tùy theo văn hóa của mỗi quốc gia để định nghĩa chữ “hiếu” theo phạm trù rộng hay hẹp. Đối với người Việt Nam, “hiếu” có nghĩa là hết lòng yêu quý, kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ [1] và lễ nghi cư tang [2]. Khi “hiếu” trở thành chuẩn mực đạo đức trong xã hội, những lề luật, nguyên lý để các cá nhân, nhóm xã hội điều chỉnh hành vi, sẽ được xem là “đạo”. Nho giáo và Phật giáo là hai tôn giáo có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tinh thần của người Việt. Vốn coi trọng phẩm chất nhân văn và các hệ giá trị đạo đức, hiếu đạo trở thành những luận thuyết, triết lý của các tôn giáo. Hiếu kính, hiếu thuận, hiếu thảo, hiếu nghĩa, hiếu đạo… được thể hiện qua những lời dạy cụ thể để tín đồ hay người dân noi theo.
Tinh thần hiếu đạo trong Nho giáo
Nho giáo, còn gọi là Đạo Nho hay đạo Khổng là một hệ thống đạo đức, triết học xã hội, triết lý giáo dục, chính trị do Khổng Tử đề xướng, được các môn đồ phát triển với mục đích xây dựng một xã hội hài hòa, con người biết ứng xử theo lẽ phải và đạo đức. Xem “Văn trị – Lễ trị – Nhân trị – Đức trị” là những nguyên tắc để quản lý xã hội và xây dựng một xã hội an hòa. Vì vậy, hiếu đạo trong Nho giáo được thể hiện qua việc nuôi dưỡng, kính trọng ông bà, cha mẹ; giữ gìn thân thể mình để nối chí hướng ông cha báo hiếu các bậc sinh thành; và lòng tiếc thương của con cái khi cha mẹ qua đời.
Hiếu đạo: Tình thương trong ngày đại dịch
Nuôi dưỡng, kính trọng ông bà, cha mẹ là phạm trù căn bản của hiếu: “phụng dưỡng cha mẹ làm đầu, kế đến thờ vua, sau rốt là lập thân” [3]. Khổng Tử và các học trò của ông đều khẳng định rằng, con cái phụng dưỡng cha mẹ mà không kính thì không phải là báo hiếu: “Ngày nay, thấy ai có thể nuôi dưỡng được cha mẹ, thì người ta gọi là có hiếu. Nhưng đến như giống chó ngựa thì người ta cũng nuôi được vậy. Cho nên nếu không có lòng hiếu kính cha mẹ trong khi nuôi dưỡng, thì nuôi cha mẹ và nuôi chó ngựa có gì khác nhau?” [4]. Như vậy, hiếu phải được xuất phát từ tâm, từ tình cảm, không đơn giản là hoàn thành trách nhiệm. Gắn nết hiếu với nết đễ (kính trọng) cho thấy Đạo Nho đề cao cái gốc để làm người, trở thành chuẩn mực để đánh giá nhân cách cũng như địa vị con người trong xã hội.
Hiếu đạo còn biểu hiện bằng việc con cháu phải biết quý trọng bản thân, nối chí cha ông, nối dõi dòng giống. Theo “Hiếu kinh”, từ hình hài đến vóc dáng của người con đều do mẹ cha cho, vì vậy, người con phải có trách nhiệm giữ gìn thân thể mình: “Thân thể tóc da, nhận từ cha mẹ, không dám tổn thương đó là khởi đầu của hiếu. Lập thân hành đạo, dương danh hậu thế, để làm rạng rỡ cha mẹ, không dám tổn thương đó là khởi đầu của hiếu” [5]. Quý trọng sinh mệnh để nối tiếp chí hướng sự nghiệp chung của tổ tiên làm nỗi lo của đấng sinh thành, mang tiếng thơm cho dòng tộc được xem là cách báo hiếu trọn vẹn, Khổng Tử nói: “Khi người cha còn sống thì quan sát chí hướng của người con, khi người cha chết thì quan sát hành vi của người con. Nếu ba năm sau khi cha mất, người con không thay đổi những quy tắc của đạo làm con đối với cha, đó là người con có hiếu vậy” [6]. Tăng Tử tóm lược trong “Hiếu hữu tam”: “Hiếu đạo có 3 điều: Đại hiếu là tôn kính cha mẹ, thứ đến là không làm gì gây tai tiếng cho cha mẹ, sau cùng là nuôi dưỡng cha mẹ” [7]. Không lập gia đình để có con nối dõi tội bất hiếu lớn nhất: Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại. Tính phục tùng bất khả kháng: Phụng dưỡng cha mẹ phải nhẹ nhàng khuyên giải, can ngăn. Nếu cha mẹ không chịu nghe thì vẫn phải cung kính, không được trái ý nguyện của cha mẹ” [8] được xem là một quan niệm khác về hiếu trong Đạo Nho thời cổ, ngày nay ít được tán đồng trong xã hội hiện đại.
Mai táng cha mẹ trong cơn tử biệt, tưởng nhớ người khuất núi cũng là việc trọng đại hơn hết của người con có hiếu, hoàn thành đạo làm người. Khổng Tử dạy: “Người con hiếu phụng dưỡng cha mẹ, ăn ở phải hết sức cung kính, cung dưỡng cha mẹ phải hết mực vui vẻ, khi cha mẹ đau ốm phải lo lắng hết lòng, khi lo việc tang lễ phải cực kỳ thương xót, khi cúng tế cha mẹ phải vô cùng trang nghiêm” [9]. Nhưng ông cũng nhắc nhở mọi việc đều không được thái quá, phô trương dẫn đến mất sự cân bằng, ảnh hưởng đến bản thân.
Tinh thần hiếu đạo trong Kinh Địa Tạng
Tinh thần hiếu đạo trong Phật giáo
Đạo Phật là đạo giải thoát, giác ngộ. Ở phương diện hiếu thảo, Đạo Phật còn được gọi là đạo hiếu, mà Đức Phật là biểu trưng nhất cho tinh thần chí hiếu. Hiếu đạo có vai trò quan trọng trong giáo lý nhà Phật, được xem như nền tảng đạo đức học Phật giáo, Như kinh dạy: Hiếu là trên trước, hiếu là tất cả, là mẹ của tất cả những công đức lành, mẹ của tất cả những phương pháp tu hành để thành Phật. Ngoài việc phụng dưỡng, kính hiếu cha mẹ và làm rạng rỡ tổ tông, người con phải biết làm cho cha mẹ an vui qua thái độ cư xử đối với cha mẹ và qua lối sống đạo đức của bản thân. Cao hơn, người con phải biết dẫn dắt cha mẹ đến với thiện pháp, xa lìa phiền não, làm cho họ hàng thân thuộc mấy đời được độ, cắt đứt vĩnh viễn khổ đau. Tận hiếu qua các giáo lý kinh Phật được thể hiện bằng những hành động hiếu thuận lâu dài, xuất phát từ tâm, từ người thân mở rộng đến mọi người rồi đến chúng sinh vô lượng.
Kinh Vu Lan Báo Hiếu diễn tả sự hi sinh người mẹ khi cho con tượng hình. Để thọ sanh một hài nhi phải có ba sự hòa hợp và hội tụ đủ duyên [10], Đức Phật nói: “Này các Tỳ Kheo, có rất ít chúng sanh được tái sanh làm người! Có rất nhiều chúng sanh phải tái sanh ra ngoài loài người” [11]. Chính bởi vậy, hiếu thuận với cha mẹ phải được thực hiện trong suốt cuộc đời, phải đầy đủ trên hai phương diện vật chất và tinh thần, không phải làm theo cảm xúc vui buồn chốc lát. Kinh Trường A-hàm [12]chỉ ra năm điều con cái cần hiếu thuận với cha mẹ: phụng dưỡng cha mẹ, không để cha mẹ thiếu thốn; hễ có việc gì, báo trước cho cha mẹ biết; cha mẹ làm, kính cẩn nghe theo không được chống lại; cha mẹ dạy dỗ, không nên làm trái; không cản chánh nghiệp cha mẹ làm [13]. Phật giáo cho rằng, phước đức của việc phụng dưỡng cha mẹ được so sánh ngang bằng với việc cúng dường Phật khi hiếu kính hiện hữu trong trái tim mỗi người.
Hiếu đạo phải xuất phát từ tâm, mang lại lợi ích thiết thực cho cha mẹ trong hiện tại và tương lai. Chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ từ công sức kiếm được do mồ hôi để thâu được một cách hợp pháp [14]. Dành sự an ủi cho cha mẹ về mặt tâm lý và an lạc về mặt tinh thần bằng cách thay cha mẹ truyền thừa, giữ gìn gia đình và truyền thống nghề nghiệp, nhắc đến trong kinh Trường bộ [15]. Mở mang giáo hóa cha mẹ hướng đến thiện pháp, đi đến chánh đạo là cách báo ơn chân thực nhất cho cha mẹ. Đức Phật dạy: “Này các Tỳ Kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, thì khuyến khích, hướng dẫn, an trú vào lòng tin; đối với cha mẹ theo ác giới thì khuyến khích, hướng dẫn an trú vào thiện giới; đối với cha mẹ xan tham, thì khuyến khích, hướng dẫn an trú vào bố thí; đối với cha mẹ theo ác trí tuệ, thì khuyến khích, an trú vào trí tuệ, cho đến như vậy, này các Tỳ Kheo, là làm đủ và trả ơn đủ cho mẹ và cha” [16]. Đại sư Liên Trì dạy: “Giúp cha mẹ giải thoát sinh tử, mới tròn bổn phận làm đạo con” [17]. Kinh Hiền ngu và kinh Thiểm tử nói: “Phật-đà thị nhân nhân hiếu cố, thành tam giới chi tôn” (Đức Phật vì nhân ái hiếu thuận cho nên đã trở thành đấng tôn quý của ba cõi). Tạo cho cha mẹ niềm tin, dẫn dắt cha mẹ hướng về đường chánh, tin vào Tam bảo, thực hành thiện pháp, bố thí và tu tập trí tuệ để giữ giới, chính là hiếu đạo của Phật giáo.
Khi cha mẹ qua đời, bổn phận con cái phải lo tang lễ chu đáo, trang nghiêm thanh tịnh (Kinh Trường bộ). Để giúp cha mẹ tái sinh cõi lành, thoát khỏi cảnh địa ngục ngạ quỷ, Kinh Địa Tạng hướng dẫn con cái báo hiếu bằng cách cúng dường, bố thí, làm phước, phóng sanh.
Bất hiếu là tội lớn nhất trong hành vi, lẽ sống của mỗi người. Trong 14 điều răn dạy của Đức Phật có câu: “Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu với cha mẹ”. Kinh Nhẫn Nhục cũng dạy “Điều ác tột cùng không gì hơn bất hiếu”. Con người không đối xử tốt với cha mẹ thì khó có thể sống tốt, sống thiện với người khác. Người bất hiếu thì cũng bất nhân.
Tình yêu thương trong Đạo Phật thể hiện trong khắp giới chúng sinh, hiếu đạo của con người cũng được Đức Phật mở rộng vô lượng. Cha mẹ theo nghĩa rộng của Phật giáo còn bao gồm “ân sư trưởng”, Kinh Phạm võng nói: “Nhược Phật tử, dĩ từ tâm cố, hành phóng sinh nghiệp, nhất thiết nam tử thị ngã phụ, nhất thiết nữ nhân thị ngã mẫu, ngã sinh sinh vô bất tùng chi ái sinh, cố lục đạo chúng sinh giai thị ngã phụ mẫu”. Con người được sinh ra và được trải qua nhiều đời, vì vậy, chúng sinh trong sáu đường đều là cha mẹ ta. Do đó, Đạo Phật khuyên người Phật tử lấy tâm từ làm việc phóng sinh thể hiện hiếu đạo trọn đời đối với cha mẹ nhiều đời.
Những điểm tưởng đồng, dịc biệt của Nho giáo và Phật giáo về Hiếu đạo
Thông qua các giáo lý, luận thuyết cả Nho giáo và Phật giáo đều dạy con cái phải có hiếu với ông bà, cha mẹ. Những hành vi ứng xử như lễ phép, kính vâng, phụng dưỡng chăm sóc, làm cho vui lòng cha mẹ là những biểu hiện của hiếu đạo. Tôn vinh lòng hiếu thảo, cả hai tôn giáo đều nhấn mạnh hiếu đạo là cội nguồn của yêu thương, chuẩn mực đánh giá nhân cách của con người. Chu toàn tang lễ, thờ phụng tưởng nhớ là những điều dạy của cả hai tôn giáo dành cho con cái đối với đấng sinh thành.
Tuy đều ra đời ở các quốc gia phương Đông, hai tôn giáo cũng có những điểm dị biệt trong quan niệm về hiếu đạo. Hiếu trong Đạo Nho yêu cầu con cái phải tuân thủ hết mực các quy định mang tính luật lệ như giữ gìn thân thể, hình hài do cha mẹ sinh ra. Phải sinh con nối dõi, nếu không sẽ phạm vào tội bất hiếu. Khi cha mẹ qua đời, con cái thể hiện đau buồn, thương xót, thậm chí giết hại súc vật hiến tế cho người chết, đốt vàng mã.
Đạo Phật nhấn mạnh đạo hiếu trên nhiều phạm trù hiện thế và siêu thế, lấy đạo đức làm chuẩn mực, hướng cha mẹ đến thiện pháp, đến an lạc giải thoát đời này và đời sau. Con cái tổ chức hậu sự tang lễ cho cha mẹ, hiếu không phải là khóc lóc đau buồn mà thanh tịnh tâm dùng năng lượng từ bi và nương vào năng lực Tam bảo với sự hòa hợp, thương yêu của những người thân trong gia đình để cầu nguyện cho cha mẹ. Tụng kinh, cúng dường, bố thí, làm việc thiện là cách hữu hiệu để con cháu trợ duyên cho cha mẹ qua đời được siêu thoát, tái sanh vào cảnh giới an lành. Đặc biệt, Đạo Phật không cho phép giết hại súc vật để hiến tế, cúng tế hoặc thực hành những mê tín dị đoan khác.
Tư tưởng hiếu đạo qua hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm
Có thể nói, dù trong bất cứ thời đại nào, hiếu đạo vẫn luôn là mực thước của xã hội. Tuy có những điểm tương đồng và một vài dị biệt, nhưng tựu trung lại Nho giáo cũng như Phật đều xem hiếu đạo là nền tảng xây dựng gia đình hạnh phúc và xã hội an lạc. Phật giáo hướng tới phổ độ chúng sinh vô lượng, giải thoát trên tinh thần giác ngộ nên nhấn mạnh tinh thần hướng thiện, từ bi. Xem báo đáp ân cha mẹ đứng ngang cùng báo ân Tam bảo, ân đất nước, ân chúng sinh, hiếu đạo chính là hiểu đạo trong Phật giáo.
Trong quá trình phát triển, Phật giáo bị ảnh hưởng rất nhiều bởi văn hóa bản địa. Các tín đồ Đạo Phật bên cạnh thờ các đức chư Phật đều có thờ cúng tổ tiên. Trong nghi lễ thờ cúng, vật phẩm thanh tịnh được dâng cúng cho tổ tiên với mong muốn tổ tiên nhanh chóng siêu thoát, tái sinh đến cõi lành. Một số quan niệm về hiếu của Đạo Nho cũng bị xóa nhòa vì không còn phù hợp trong thời đại mới như: “Bất hiếu hữu tam vô hậu chi đại” hay “Phụ xử tử vong, tử bất vong, bất hiếu”. Dẫu rằng thời thế có nhiều đổi thay, nhưng những căn bản của đạo hiếu, đạo đức làm người luôn là những giá trị tốt đẹp vĩnh cửu muôn đời cần trân trọng và giữ gìn.
Chú thích và tài liệu tham khảo:
[1] Thiều Chửu (1991), Từ điển Hán việt, Nxb TP HCM, tr.137.
[2] Hán việt từ điển, http://vietnamtudien.org/hanviet/,truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2020.
[3] Khổng Tử – Huyền Mặc, Đạo Nhơn, Đoàn Trung Còn (đồng dịch) (2018), Hiếu kinh, Nxb Tp. Đà Nẵng. Hiếu kinh 孝經 gồm 18 chương và 2 phụ lục. Hiếu kinh được viết vào thời Tần-Hán. Nội dung là cuộc trò chuyện giữa Khổng Tử và học trò Tăng Tử 曾子. Hiếu kinh được xếp vào Thập tam kinh của Nho giáo.
[4] Trần Trọng Sâm, Kiều Bách Vũ Thuận (biên dịch) (2003), Tứ thư. Nxb Quân đội nhân dân, tr.127.
[5] Hiếu kinh, Sđd.
[6] Trần Trọng Sâm, Kiều Bách Vũ Thuận (biên dịch) (2003), Sđd, tr.115.
[7] https://vi.wikipedia.org/wiki/Nho_gi%C3%A1o#cite_ref-pntd_108-0, truy cập ngày 5/8/2021.
[8] Trần Trọng Sâm, Kiều Bách Vũ Thuận (biên dịch) (2003), Sđd, tr.175
[9] Hiếu Kinh, (sđd).
[10] Thích Minh Châu (dịch) (2012), Kinh Trung bộ, tập một, Đại kinh đoạn tận ái, số 38. Nxb Tôn giáo, tr.328. Xem thêm, Kinh Trung bộ, tập 2, Kinh As-salàyana, số 93. tr.195.
[11] Thích Minh Châu dịch (2013), Kinh Tương Ưng, tập một, Chương 9, Tương Ưng thí dụ, Kinh Đầu ngón tay. Nxb Tôn giáo, tr.607-608.
[12] https://thuvienhoasen.org/images/file/Zk7rrJ1G0QgQADFM/kinh-truong-a-ham-tue-sy-dich.pdf. Truy cập ngày 5/8/2021.
[13] https://giacngo.vn/dao-hieu-trong-phat-giao-post44455.html, Truy cập ngày 5/8/2021.
[14] Thích Minh Châu dịch (2015), Kinh Tăng chi, tập một, Chương 5 pháp, phẩm Vua Muda, Kinh trở thành giàu, Nxb Tôn giáo, tr.645.
[15] Thích Minh Châu dịch (2013), Kinh Trường bộ, Kinh số 31, Kinh giáo thọ Tỳ- ca-la-việt, Nxb Tôn giáo, tr.627-628.
[16] Thích Minh Châu dịch (2015), Kinh Tăng chi, tập một, Chương 2 pháp, phẩm Tâm thăng bằng, Kinh đất, Nxb Tôn giáo, tr.98-99.
[17] https://tapchinghiencuuphathoc.com/hieu-dao-la-hieu-dao.html. Truy cập ngày 5/8/2021.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Phật giáo Việt Nam và sự dung hợp tam giáo thời Trần
Nghiên cứu 14:00 30/11/2024Có thể thấy, Phật giáo - Nho giáo và Đạo giáo đã có sự dung hòa, bổ sung cho nhau để cùng hướng đến xây dựng đời sống tinh thần và đời sống nhân văn cho xã hội.
Ứng dụng triết lý Phật giáo Trúc Lâm trong xây dựng, phát triển đất nước
Nghiên cứu 08:45 25/11/2024Phật giáo là cuộc sống, không có sự phân biệt bất cứ thành phần nào trong xã hội, Phật giáo chính là quá trình đi tìm chân lý. Chân lý thì không nằm trong Phật giáo mà nằm trong cuộc sống.
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần
Nghiên cứu 09:40 15/11/2024Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.
Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường
Nghiên cứu 09:45 03/11/2024Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...
Xem thêm