Ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo Threvada trong xã hội Thái Lan
Du nhập vào Đông Nam Á từ thế kỷ III trước Công nguyên, Phật giáo đã sớm dung hợp với các giá trị văn hóa truyền thống và mang màu sắc bản địa. Từ khi thành lập đến nay, Thái Lan luôn lấy Phật giáo Theravada làm quốc giáo, với hai tông phái: Mahanikai và Dhammayuttika.
Là một trong những yếu tố quan trọng hình thành nên tư tưởng quốc gia thống nhất, Phật giáo Thái Lan trong suốt chiều dài lịch sử đã để lại nhiều đóng góp đáng kể cho dân tộc trên các lĩnh vực khác nhau như: Đạo đức, văn hóa, nghệ thuật, nếp sống, nếp tư duy. Tư tưởng triết học, nhân sinh quan của Phật giáo Theravada chiếm vị trí quan trọng, ảnh hưởng đến đời sống xã hội Thái Lan và tiếp tục phát huy trong đời sống thực tiễn đất nước này.
Sự du nhập và phát triển Phật giáo Theravada ở Thái Lan
Chữ Theravada trong tiếng Pali có nghĩa là “Giáo lý của những người xưa”. Thực tế, Phật giáo Theravada dùng để chỉ một trong 18 học phái có nguồn gốc xưa được hình thành sau này ở Srilanka, trước khi truyền bá sang các nước Đông Nam Á trong đó có Thái Lan. Trong đó, Phật giáo Theravada cho rằng thế giới chỉ có một vị Phật duy nhất là Thích Ca Mâu Ni và cũng chỉ có Tam Tạng Kinh bằng tiếng Pali mới đúng là giáo huấn của Ngài.
Theo Ðại Niên Sử của Srilanka (Mahavamsa), Phật giáo được truyền từ Ấn Ðộ vào Thái Lan dưới thời vua Ashoka, do hai đại đức Sona và Uttara tức vào khoảng năm 304 TCN (theo Phật Lịch). Có giả thuyết khác lại cho rằng đạo Phật du nhập vào Thái Lan do các thương gia và di dân Ấn Ðộ trước kia thường lui tới các bờ biển Miến Ðiện, Mã Lai, Nam Dương, Thái Lan và Campuchia. Những di dân và thương gia đầu tiên này truyền vào Thái cả Phật giáo lẫn Hindu giáo.
Phát hiện một chú rắn leo lên tượng Phật và không muốn rời đi ở Thái Lan
Nhưng Phật giáo chỉ thực sự đặt nền móng, phát triển và ảnh hưởng sâu rộng vào xã hội Thái Lan từ triều đại Sukhothai (1238-1438). Thời kỳ này, nhiều vị vua tín ngưỡng Phật pháp thậm chí xuất gia tu học như vua Ramkhamheng và vua Lithai, tích cực xây dựng chùa chiền, ủng hộ đào tạo Tăng tài phát triển chánh pháp. Đặc biệt, vua Lithai là vị vua Phật tử anh minh, từ ái, thương dân như con, kể cả những kẻ đối đầu và chống lại Thái Lan. Ông đã xây chùa và đúc tượng Phật rất nhiều trong thời trị vì, tiêu biểu là những tượng đồng quy mô lớn ở chùa Buddhajinarai, Phrarinatnahadhatu và Sadassana. Tiếp đến, ở các triều đại Ayutthaya (1351-1767), Thonburi (1768-1782) và Chakri (1782 – đến nay), Phật giáo đã tiếp tục phát triển mạnh ở mọi lĩnh vực. Đặc biệt, nhiều vị vua Bangkok còn xuất gia tu học và sáng tác các tác phẩm văn học giàu giá trị cho đời.
Mặc dù chọn Phật giáo Theravada Srilanka làm dòng chính, nhưng Phật giáo Theravada Thái Lan hoàn toàn không cứng nhắc theo Srilanka, mà dung hợp tất cả những dòng Phật giáo có từ trước đó, kể cả tín ngưỡng thờ thần linh của người Thái cổ và lấy học thuyết Phật giáo để giải thích, củng cố thêm những quan niệm của mình trong tín ngưỡng truyền thống. Có thể thấy, Phật giáo Theravada Thái Lan có phần khác Phật giáo nguyên thủy, khi luôn bám sát các vấn đề nhân sinh quan của Phật giáo, nhấn mạnh vào thuyết luân hồi và luật nhân quả để hành động theo các quy phạm đạo đức vốn đã đề cao trong Phật giáo Theravada Srilanka. Tất cả nhằm hướng đến một kiếp sống tốt đẹp hơn, không bận tâm nhiều vào sự giải thoát, Niết bàn mà Phật giáo nguyên thủy đề cập.
Mặt khác, tuy chấp nhận dòng Phật giáo nguyên thủy của Srilanka làm khuôn mẫu chính cho Tăng già cả về giáo lý lẫn giáo đoàn nhưng Phật giáo Theravada Thái Lan vẫn giữ những đặc trưng riêng như không thụ giới Tỳ kheo và Sa di cho nữ giới mặc dù số lượng nữ tu ở Thái Lan hiện nay khá đông. Tiếp thu Phật giáo trong thời kỳ giới Phật giáo đang đề cao các quy phạm đạo đức nên các quan niệm về luân hồi, nhân quả chiếm vị trí hàng đầu trong nhân sinh quan Phật giáo Theravada Thái Lan.
Người Thái quan tâm nhiều hơn tới cuộc sống hiện thực và kiếp sau. Bởi vậy, họ luôn cố gắng kiếp này sống sao cho thiện, cho tốt, tích được nhiều phúc đức để khi chuyển sang kiếp sau họ được giàu có, sung sướng và hạnh phúc hơn kiếp này. Mọi hành động, cách suy nghĩ và hành xử của người Thái đều nhằm mục đích là tích lũy điều thiện, từ bỏ điều ác. Có thể nói Phật giáo Theravada Thái Lan đã nhấn mạnh vào thuyết luân hồi, luật nhân quả và lấy Đạo Đế (đặc biệt là Bát chánh đạo) vốn là các quy phạm đạo đức của Phật giáo và cũng là một Đế trong Tứ Diệu Đế để làm kim chỉ nam cho mọi suy nghĩ và hành động của mình.
Trong suốt tiến trình lịch sử Thái Lan, Phật giáo luôn được khẳng định và phát triển dưới sự bảo hộ của hoàng quyền. Vai trò của các triều đại đối với sự phát triển của Phật giáo là rất lớn. Có thể nói, Phật giáo Thái Lan hình thành trên cơ sở: Phật giáo Theravada nguyên thủy, Phật giáo Đại thừa Mật tông, Phật giáo Theravada Miến Điện (Pagan) và Phật giáo Theravada Srilanka. Ở buổi đầu lập quốc, Phật giáo Thái Lan là sự giao thoa có chọn lọc của các phái Phật giáo khác nhau, nhưng tựu trung lại Phật giáo Thái Lan chọn Phật giáo Theravada dòng Srilanka làm dòng chính thống cả về khuôn mẫu giáo đoàn và giáo lý.
Nhà sư Thái Lan sử dụng zipline để gửi thức ăn cho người dân bị lũ
Ảnh hưởng của Phật giáo Theravada đến chính trị Thái Lan
Quan điểm nhân sinh và đạo Đức Phật giáo đã tác động không nhỏ đến đường lối trị quốc an dân của các vị vua Thái, đó là tư tưởng lấy đức để trị. Ngay từ thời kỳ đầu dựng nước, người Thái đã chọn Phật giáo làm quốc giáo và cho đến nay Phật giáo vẫn đang là quốc giáo. Các vị vua của Thái Lan đều thấm nhuần và làm theo những quy phạm đạo đức của Phật giáo, trong đó có những vị vừa là vua vừa là sư.
Đến triều đại Ayutthaya (1351-1767), Phật giáo tiếp tục được đề cao. Vị vua đầu tiên của vương triều là Ramathibodi I quyết định đưa Phật giáo Theravada lên hàng “quốc giáo”. Đồng thời, ông cho soạn thảo bộ luật đầu tiên của Thái Lan là Dharmashastra, có giá trị đến cuối thế kỷ XIX. Những chính sách mới của nhà vua ban ra hầu hết đều xuất phát từ ảnh hưởng của giáo lý Phật giáo Theravada. Nổi bật là ba chính sách quan trọng: ban bố luật pháp trên tinh thần giống với 10 điều răn dạy của Đức Phật; ban hành chính sách cấp ruộng đất theo cấp bậc; và những chính sách nhằm chống lại sự đe dọa về sức mạnh của phương Tây nhằm bảo vệ chủ quyền và phát triển đất nước.
Trong thời kỳ vương triều Chakri (1782-1940), nhân sinh quan Phật giáo cũng ảnh hưởng sâu sắc tới tư tưởng trị vì của các vị vua. Tư tưởng này được thể hiện rõ với chính sách giải phóng nô lệ và những chính sách nhằm chuẩn bị cho việc hình thành một nền dân chủ ở Thái Lan trước khi cách mạng dân chủ nổ ra như mở rộng quyền dân chủ bằng tự do ngôn luận, tự do báo chí. Dưới triều đại của vua Mongkut (trị vì 1851-1868), vương quyền và tôn giáo được liên kết với nhau chặt chẽ.
Vương quyền dựa vào Phật giáo để quản lý đất nước, tôn giáo dựa vào vương quyền để củng cố Tăng đoàn, nói cách khác là đặt Tăng đoàn dưới sự bảo trợ và quản lý của vương quyền nhằm nâng cao uy tín cho tập thể này. Chức sắc trong Tăng đoàn được nhà vua trực tiếp đề cử. Tăng đoàn trở thành một thành phần của guồng máy quốc gia và ngược lại, quốc gia cũng xem Phật giáo là bản sắc chung của dân tộc cần được bảo vệ, tôn trọng.
Ngoài ra, Thái Lan là dân tộc đã có một quá trình dài thực hiện các cuộc thiên di đi tìm miền đất mới, để đạt được khát vọng tự do, độc lập và thịnh vượng. Chính hoàn cảnh lịch sử ấy kết hợp với ảnh hưởng của Phật giáo đã tạo cho người Thái cách ứng xử khéo léo để tồn tại. Vì vậy, về đối ngoại, các vị vua và chính phủ Thái Lan thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo, tận dụng đến cùng những điều kiện có lợi về mình, làm theo tư tưởng trung đạo và tránh bạo lực của Phật giáo. Điều này giúp người Thái cơ bản tránh được những cuộc chiến tranh trong suốt hơn 700 năm và thảm cảnh bị thực dân đô hộ, tạo điều kiện để Thái Lan phát triển và hội nhập quốc tế nhanh chóng.
Có thể nói, nhân sinh quan Phật giáo đã được những nhà vua và các Chính phủ Thái Lan thấm nhuần và áp dụng hiệu quả trong việc bảo vệ, quản lý, phát triển đất nước trước những đổi thay của thời cuộc. Chính trị và Phật giáo Thái Lan có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Nhà vua là người bảo trợ cho Phật giáo và Phật giáo cũng ảnh hưởng mạnh mẽ tới chính sách đối nội và đối ngoại của Thái Lan.
Chùa Phra Mahathat – ngôi chùa lớn nhất miền Nam Thái Lan
Ảnh hưởng của Phật giáo Theravada đến kinh tế – văn hóa – xã hội Thái Lan
Về kinh tế:
Nhiều lời Phật dạy về cách chọn nghề chân chính đã được áp dụng rộng rãi trong mọi giai tầng của xã hội Thái. Các chùa và tự viện ở Thái Lan cũng mở trường huấn nghệ cho dân chúng như: bào chế thuốc, thợ mộc, thợ nề và nhiều ngành nghề thủ công khác.
Những Tăng sĩ Thái cũng thường đóng vai trò người lãnh đạo trong các công trình lớn. Do xuất phát từ trái tim từ bi, vô vị kỷ mà họ được xem là những nhà cố vấn và giám sát công trình thành công nhất, chi phí được giảm xuống, những trục trặc, trở ngại trong tiến trình xây dựng cũng ít xảy ra.
Khi Thái Lan bước vào quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, kinh tế có những bước phát triển vượt bậc từ chỗ là một quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài sang thành một quốc gia đi đầu tư ra ngoại quốc. Nông nghiệp sản xuất chủ yếu là tự cung tự cấp, nay các sản phẩm nông nghiệp đã trở thành hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài và Thái Lan đã đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Tuy nhiên vì quá chú trọng đến phát triển mà người Thái không quan tâm tới việc bảo vệ tài nguyên rừng và môi trường. Môi trường tự nhiên và môi trường xã hội là những vấn đề nhức nhối mà chính phủ Thái Lan đang nỗ lực tìm cách khắc phục. Trong rất nhiều chương trình và dự án đề ra, ta thấy nổi bật nhất là “chương trình kinh tế vừa đủ” và sau đó được nâng lên thành “Học thuyết kinh tế vừa đủ” của vua Bhumibol Adulyadej (1946 – 2016). Đây là một chương trình và học thuyết xuất phát từ triết lý về “Trung Đạo” và “Biết đủ” của Phật giáo, nhờ áp dụng các biện pháp cụ thể của học thuyết này mà bộ mặt nông thôn Thái Lan đã được cải thiện.
Về giáo dục:
Tăng sĩ Thái Lan đóng vai trò rất quan trọng. Ngôi trường đầu tiên được xây dựng ngay trên khu đất chùa và những giáo viên đầu tiên là Tăng sĩ. Phật giáo đã nắm giữ vai trò này trong suốt một thời gian dài. Đến triều đại vua Chulalongkorn (Rama V), ngành giáo dục phổ cập mới chính thức ra đời. Các trường công lần lượt mở bên ngoài tu viện, các trường Phật giáo dần dần được tiếp quản bởi bộ giáo dục, khiến vị trí của Tăng sĩ trong lĩnh vực giáo dục bị thu hẹp. Các giáo viên cũng được thay thế, Tăng sĩ chỉ còn dạy những môn học như: giáo lý căn bản, công dân giáo dục…
Về xã hội:
Người Thái nhìn chung có tính cách dịu dàng, chân thành, mang tính cộng đồng và tập thể cao, ưa làm điều thiện, đề cao tôn ti trật tự, năng động uyển chuyển trong việc giải quyết các mối quan hệ dù ở bất cứ hoàn cảnh nào. Những tính cách đó lại được thấm nhuần tư tưởng của luật Nhân quả, Luân hồi và Bát chánh đạo đã khiến người Thái sống thiện hơn và có trách nhiệm với đời hơn.
Chùa David Beckham ở Thái Lan độc đáo và kỳ lạ
Về văn hóa:
Với 95% dân số theo đạo Phật cùng khoảng 36.000 ngôi chùa, Phật giáo từ lâu đã ăn sâu vào đời sống văn hóa Thái Lan, trở thành nét đặc trưng của đất nước này. Những quy phạm đạo đức của Phật giáo kết hợp chặt chẽ với tín ngưỡng truyền thống cùng đời sống nông nghiệp lúa nước khiến phong tục tập quán của người Thái mang tinh thần luật Nhân quả, thường nhấn mạnh đến cuộc đời con người, cách ứng xử của con người với cộng đồng, với tự nhiên, đặc biệt với Phật và thần linh. Những tục lệ này luôn bám sát với các quy phạm đạo đức của Phật giáo Theravada để hướng tới một kiếp sống tốt đẹp hơn trong tương lai.
Các lễ hội cũng chịu ảnh hưởng của Phật giáo Theravada, dù có nguồn gốc từ các quan niệm truyền thống của cư dân nông nghiệp lúa nước. Các vị sư là người đứng ra tổ chức lễ hội. Nghi thức đầu tiên của lễ hội chính là việc tụng đọc các bài kinh Phật với nội dung cầu mong Đức Phật chứng giám cho những hành động từ thiện của mọi người dân trong vùng đã làm theo đúng những lời Đức Phật răn dạy, gieo nhân lành sẽ được hưởng quả lành.
Ngoài ra, sinh hoạt tín ngưỡng Phật giáo luôn hiện diện trong đời sống người Thái từ lúc mới chào đời, trưởng thành, lễ cưới, ma chay…
Lễ đặt tên:
Khi sinh con, cha mẹ thường thỉnh ý Tăng sĩ để đặt tên con nhằm đẹp đẽ về mặt ngôn từ lẫn ý nghĩa, sau đó sẽ tụng một hồi kinh cầu an cho đứa bé.
Lễ thọ giới:
Nghi thức này cũng rất quan trọng và bắt buộc đối với mọi thanh niên Thái Lan, khi bước vào giai đoạn trưởng thành, mười tám đến hai mươi tuổi. Mỗi người sẽ vào chùa tu tập ba tháng, một năm hoặc ba năm, tùy theo sở nguyện. Buổi lễ diễn ra sau thời gian tu tập để giúp con người có được tâm hồn rộng lớn. Những lời phát nguyện trong buổi lễ sẽ khiến người ấy phải trân trọng và gìn giữ suốt một đời người.
Lễ cưới:
Phật giáo cũng đóng vai trò quan trọng, giúp cho hai người có sự kết hợp thiêng liêng trong hôn lễ. Các Tỳ kheo được cung thỉnh đến tụng kinh cầu an trong nhà của đôi tân hôn vào chiều trước lễ cưới. Sáng hôm sau, cặp vợ chồng ấy đem thức ăn cúng dường cho chư Tăng trước khi tiến hành hôn lễ. Chư Tăng sẽ đọc kinh cầu phúc và rải nước cát tường lên cô dâu và chú rể.
Tượng Phật cao bằng tòa nhà 20 tầng ở Thái Lan
Lễ tang:
Tổ chức tùy vào phong tục địa phương, nhưng phần lớn vẫn áp dụng theo nghi thức Phật giáo. Vị Tăng chủ lễ đến làm phép và rải nước hoa lên nhục thân người chết, một sợi dây thiêng liêng được kéo qua ba lần trên thi thể người quá cố, rồi cắt bỏ, tượng trưng cho sợi dây ràng buộc tham ái, sân hận và si mê nay không còn nữa. Chư Tăng và gia đình thay phiên tụng kinh cầu siêu cho đến lễ hỏa táng hay địa táng. Vào ngày cuối, một buổi cúng dường trai tăng được tổ chức để hồi hướng công đức siêu độ vong linh.
Các lĩnh vực văn học – nghệ thuật cũng mang nặng ảnh hưởng của Phật giáo Theravada. Văn học Thái Lan mang nặng tính chất huyền thoại, với nhiều ý nghĩa nhân sinh sâu sắc với triết lý Luân hồi, Nhân quả. Các nhân vật trong truyện thường có những phép thần thông biến hóa, đi mây về gió. Tuy văn học Thái chịu nhiều ảnh hưởng của văn học Phật giáo Ấn Độ nhưng nó vẫn mang một phong cách riêng, được Thái Lan hóa, phù hợp với tính cách của người Thái theo Phật giáo.
Khi bước vào thời hiện đại, văn học Thái Lan không còn nhiều thể loại truyện thơ như trước mà thêm vào đó là các thể loại văn xuôi tập trung vào các chủ đề về truyền thống và hiện đại, về cuộc sống lầm than của những người dân lao động nghèo nàn. Các nhà văn nhà thơ Thái Lan thời kỳ này cũng vẫn chịu ảnh hưởng của Phật giáo, nêu cao tinh thần giữ gìn và bảo vệ truyền thống Phật giáo dân tộc.
Loại hình múa truyền thống Thái Lan là hình thức nghệ thuật mang nặng yếu tố Phật giáo, khi những nét chính của nó vẫn tập trung ở các điệu múa mang tính tôn giáo vốn để biểu diễn trong cung đình. Nội dung nhằm minh họa các vở kịch chuyển tải những tác phẩm văn học nổi tiếng có chủ đề bắt nguồn từ Phật giáo. Tiêu biểu nhất là những điệu múa với những động tác mạnh mẽ, dũng mãnh thể hiện trong các vở kịch Khon, như: vở Ramakien, hay những điệu múa uyển chuyển thướt tha trong các vở kịch Lakhol như câu chuyện về nàng tiên chim Manora.
Hội họa truyền thống Thái Lan cũng chịu ảnh hưởng nhiều từ Phật giáo Theravada. Các bức họa chủ yếu được vẽ để phục vụ Phật giáo, nhằm minh họa các cảnh lấy từ kinh sách Phật, những mẩu chuyện về cuộc đời Đức Phật, về luật luân hồi nhân quả của nhà Phật. Họa sĩ thường là các nhà sư hay các tín đồ có ít nhiều học thức về Phật học. Tuy nhiên do đề tài sáng tác chủ yếu lấy từ các kinh sách Phật cho nên các tác phẩm hầu như không có sự biểu cảm mỹ thuật cá nhân và tên tuổi các họa sĩ rất ít được lưu danh. Nhưng một điều không thể phủ nhận đó là các nội dung về nhân sinh quan Phật giáo, với thuyết luân hồi nhân quả luôn là một chủ đề bất tận của nền hội họa truyền thống Thái Lan.
Thái Lan giúp miền Trung Việt Nam 30.000 USD khắc phục hậu quả bão lụt
Kết luận
Sau khi du nhập vào Thái Lan, Phật giáo được chấp nhận rộng rãi bởi giáo lý Phật giáo nhấn mạnh lòng khoan dung, từ – bi – hỷ – xả sớm ăn sâu vào tiềm thức và lối sống của người Thái Lan. Ngày nay theo thống kê, tổng số 95% dân chúng Thái Lan được ghi nhận là tín đồ Phật giáo, hầu hết là theo truyền thống Phật giáo Theravada. Cùng với sự hiện diện của Phật giáo trên đất nước Thái Lan là hàng vạn ngôi chùa và số lượng Tăng sĩ Thái Lan đông đảo. Triết lý nhà Phật đã ảnh hưởng sâu sắc đến mọi sinh hoạt của người dân đất Thái và là chất keo bảo vệ sự hòa thuận, cố kết cộng đồng trong xã hội Thái Lan. Một điều không thể thay đổi được đối với người Thái Lan chính là tinh thần Phật giáo trong con người họ hay nói cách khác Phật giáo là linh hồn dân tộc. Như nhiều học giả Phương Tây nhận xét: nếu không có Phật giáo, Thái Lan không còn là Thái Lan nữa.
Chú thích:
1. Karuna Kusalasaya, Buddhism in Thailand – Its past and its present, Buddha Dharma Education Association In, p.19.
2. Trần Thị Họa My (2017), “Ảnh hưởng của Phật giáo Theravada đến chính sách cai trị của các vương triều Thái Lan (Từ thế kỷ XIII đến 1932), Tạp chí nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á, 11 (60), tr.39.
3. Nguyên Tạng – Nguyên Chí, thuvienhoasen.org.
4. Niels Mulder (2014), Những thay đổi trong văn hóa và tôn giáo ở Đông Nam Á, Nxb Từ điển Bách khoa, tr.223.
5. Trần Thị Họa My (2016), “Xu hướng hiện đại trong nghiên cứu Phật giáo của vua Mongkut (1804-1868) và ý nghĩa của nó đối với Phật giáo Thái Lan hiện nay”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc tế: Việt Nam-Thái Lan: Xây dựng quan hệ đối tác chiến lược vững chắc thời kỳ hội nhập quốc tế và liên kết khu vực, tr.215.
6. Trần Quang Thuận (2006), Phật giáo Thái Lan, Nxb Hồng Đức, tr.146.
7. Nguyễn Thị Quế (2007), Phật giáo ở Thái Lan, Nxb. Khoa học Xã hội, tr.79.
8. Trần Quang Thuận (2006), Phật giáo Thái Lan, Nxb Hồng Đức, tr.234.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường
Nghiên cứu 09:45 03/11/2024Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...
Những đóng góp của Hòa thượng Thích Minh Châu trong công tác ngoại giao Phật giáo
Nghiên cứu 09:45 19/10/2024Di sản mà Hòa thượng để lại không chỉ là nền móng vững chắc về giáo dục và ngoại giao, mà còn là kim chỉ nam cho chúng ta tiếp tục phát triển, đưa tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật lan tỏa rộng khắp, góp phần gìn giữ hòa bình.
Lợi ích của Thiền tứ vô lượng tâm trong đời sống xã hội
Nghiên cứu 09:30 06/10/2024Có thể nói rằng Từ, Bi, Hỷ, Xả là những đức hạnh tốt lành và cao đẹp để xây dựng nên một con người hoàn thiện, một gia đình hạnh phúc, một xã hội tốt đẹp.
Vài suy nghĩ về quyền động vật trong kinh, luật Phật giáo
Nghiên cứu 19:05 21/09/2024Cảnh giới trí tuệ của chư Phật đã thấy và biết như thật rằng “tất cả mọi loài chúng sanh đều có tính Phật”, do đó, họ cần phải được tôn trọng, bảo tồn và thương yêu bình đẳng. Nói cách khác, từ tuệ giác của Đức Phật, Ngài đã thừa nhận “quyền động vật” nói riêng và muôn loài chúng sanh nói chung.
Xem thêm